TRUNG ƯƠNG ĐOÀN
TNCS HỒ CHÍ MINH - BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
101-QCPH/TWĐTN-BHXHVN
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 01 năm 2023
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP GIỮA TRUNG ƯƠNG ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT
NAM GIAI ĐOẠN 2023 - 2027
Căn cứ Luật việc làm năm 2013;
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm
2014;
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm
2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6
năm 2014;
Căn cứ Điều lệ Đoàn và Hướng dẫn số
16-HD/TWĐTN-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về Hướng
dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng
8 năm 2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2023 -
2027, cụ thể như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích phối hợp
1. Quy chế phối hợp công tác giữa Trung ương Đoàn
TNCS Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Trung ương Đoàn) và Bảo hiểm xã hội Việt
Nam (sau đây gọi tắt là BHXH Việt Nam) nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp
trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm
xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hướng tới mục
tiêu chung là thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN đảm bảo quyền lợi
chính đáng, hợp pháp của người tham gia, đặc biệt là đoàn viên thanh niên.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên thanh niên
tham gia BHXH, BHYT, BHTN đồng thời lan tỏa rộng rãi trong đoàn viên, thanh
niên về ý nghĩa, lợi ích, tính nhân văn và sự tin cậy của chính sách BHXH,
BHYT, BHTN.
Điều 2. Đối tượng, phạm vi áp dụng
1. Quy chế này quy định về nội dung phối hợp, triển
khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của Trung ương Đoàn và BHXH Việt Nam.
2. Quy chế này áp dụng đối với Trung ương Đoàn và
BHXH Việt Nam từ cấp Trung ương đến địa phương.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Công tác phối hợp giữa Trung ương Đoàn và BHXH
Việt Nam được thực hiện trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của mỗi bên được Đảng và Nhà nước quy định.
2. Việc phối hợp đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, hiệu
quả và phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt trong các hoạt động phối hợp.
Các hoạt động thuộc nhiệm vụ bên nào thì bên đó chủ trì thực hiện, trong trường
hợp cần thiết đề nghị bên còn lại phối hợp với các nội dung liên quan và ngược
lại.
3. Quá trình phối hợp được thực hiện trên cơ sở tạo
điều kiện thuận lợi để hai bên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo phát
huy tốt nhất vai trò, trách nhiệm của mỗi bên trên tinh thần đề cao sự hợp tác,
tăng cường trao đổi thông tin trong công việc liên quan đến các bên và bảo mật
thông tin theo quy định.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 4. Phối hợp trong công tác
thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên về
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH,
BHYT, BHTN
1. Trung ương Đoàn
Xây dựng và chủ động triển khai các hoạt động thông
tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN theo kế hoạch, nội
dung và hình thức đã được thống nhất kịp thời, hiệu quả thông qua các hoạt động
của tổ chức Đoàn như sau:
- Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tư vấn,
đối thoại...về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN cho cán bộ, đoàn viên
thanh niên các cấp.
- Chỉ đạo các đơn vị truyền thông trực thuộc Trung
ương Đoàn như cơ quan báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử,...mở các chuyên
trang, chuyên mục tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
- Tổ chức biểu dương, khen thưởng và tôn vinh những
tổ chức đoàn, đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong triển khai, thực hiện tốt
các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đảm bảo an sinh xã hội.
- Tổ chức các đợt tuyên truyền về chính sách BHXH,
BHYT, BHTN cao điểm trong Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, Ngày Bảo hiểm
Y tế Việt Nam 1/7 hàng năm, Tháng thanh niên, Tháng công nhân, Chiến dịch thanh
niên tình nguyện hè,... giúp đoàn viên thanh niên nhận thức sâu sắc về vai trò,
ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
- Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền
phù hợp với đặc thù các cấp bộ Đoàn, gắn nội dung tuyên truyền về chính sách
BHXH, BHYT, BHTN với các nội dung tập huấn, sinh hoạt chi đoàn.
- Tuyên truyền, vận động người thân của đoàn viên
thanh niên làm việc có hợp đồng lao động và đã tham gia BHXH bắt buộc, do mất
việc làm hoặc không có nhu cầu tiếp tục làm việc theo hợp đồng khi trở về địa
phương hiểu rõ hơn những thiệt thòi về quyền lợi khi nhận BHXH một lần và những
lợi ích khi tiếp tục tham gia BHXH để được hưởng lương hưu.
2. BHXH Việt Nam
Chủ trì phối hợp với Trung ương Đoàn xây dựng kế hoạch,
thống nhất nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền, tập trung vào các nội
dung sau:
- Quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT như Nghị quyết số 28-NQ/TW
ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết
số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác
bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, Luật BHXH,
Luật BHYT, Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
- Truyền thông về kết quả đạt được trong tổ chức thực
hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; biểu dương, khen thưởng các tổ chức,
cá nhân có sáng kiến, giải pháp tốt trong công tác tuyên truyền, vận động, phát
triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
- Thông tin cảnh báo những nội dung xấu độc; phê
phán hành vi vi phạm; tuyên truyền về hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi
phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
- Các nội dung tuyên truyền khác có liên quan.
Điều 5. Phối hợp trong công tác
tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN
1. Trung ương Đoàn
- Theo dõi, nắm bắt, tổng hợp tình hình đoàn viên
thanh niên các cấp Bộ đoàn chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN để có biện pháp tổ chức
tuyên truyền, vận động tham gia đạt kết quả tốt nhất.
- Phối hợp BHXH Việt Nam giám sát việc thực hiện
các thủ tục, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN tại các cấp Bộ đoàn, nhằm đảm
bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
2. BHXH Việt Nam
- Chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện chế
độ, chính sách BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố
cáo kiến nghị, phản ánh về BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của Luật Khiếu nại,
Luật Tố cáo, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng đoàn viên thanh niên tham gia
BHXH, BHYT, BHTN.
- Phối hợp với Trung ương Đoàn trong việc nghiên cứu,
đổi mới phương thức thực hiện, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng
đơn giản, tạo thuận lợi cho đoàn viên thanh niên tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Điều 6. Phối hợp trong công tác
vận động tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT, BHTN
1. Trung ương Đoàn
Chủ động vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá
nhân tặng thẻ BHYT, sổ BHXH tự nguyện cho các gia đình đoàn viên thanh niên có
hoàn cảnh khó khăn.
2. BHXH Việt Nam
Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với cán bộ
các tổ chức Đoàn cơ sở cùng vận động, hỗ trợ và tạo điều kiện cho tổ chức, cá
nhân tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Điều 7. Phối hợp trong công tác
bồi dưỡng nghiệp vụ và hoàn thiện chính sách về BHXH, BHYT, BHTN
1. Trung ương Đoàn
- Nghiên cứu xây dựng, triển khai các giải pháp, đề
tài khoa học hỗ trợ, thúc đẩy đoàn viên thanh niên tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
- Phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức các hội nghị,
hội thảo, tọa đàm, đối thoại, khảo sát, lấy ý kiến của đoàn viên thanh niên về
nhu cầu, các vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách;
đánh giá nhu cầu, mong muốn của đoàn viên thanh niên về BHXH, BHYT, BHTN; đồng
thời, chủ động thông tin đến BHXH Việt Nam các vướng mắc, bất cập trong tổ chức
thực hiện chế độ, chính sách; nhất là chính sách BHXH tự nguyện, BHYT, BHTN đối
với đoàn viên thanh niên để kịp thời kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền
sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN cho phù hợp.
2. BHXH Việt Nam
- Phối hợp Trung ương Đoàn để tổ chức các lớp tập
huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền về chế độ chính sách BHXH,
BHYT, BHTN; quyền lợi của người tham gia BHXH, người tham gia BHYT, người tham
gia BHTN cho đoàn viên thanh niên.
- Nghiên cứu, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc
trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN liên quan đến
đoàn viên thanh niên; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp
với thực tiễn.
Điều 8. Phối hợp xây dựng và
nhân rộng mô hình tuyên truyền, mở rộng người tham gia về BHXH, BHYT, BHTN
1. Trung ương Đoàn
Chỉ đạo các cấp bộ đoàn tiếp tục xây dựng, duy trì
và nhân rộng các mô hình “BHYT toàn dân” và mô hình vận động đoàn viên thanh
niên gương mẫu đi đầu tham gia “BHXH tự nguyện”. Phấn đấu đến năm 2027, 100%
xã/phường/thị trấn có tổ chức Đoàn xây dựng mô hình tuyên truyền, vận động cán
bộ, đoàn viên thanh niên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình hoạt động hiệu
quả.
2. BHXH Việt Nam
Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp, hướng dẫn,
hỗ trợ cho các cấp bộ Đoàn để xây dựng các mô hình tuyên truyền, vận động người
dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Điều 9. Phối hợp trong hợp tác
quốc tế về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN
1. Trung ương Đoàn
Phối hợp BHXH Việt Nam nghiên cứu xây dựng, thực hiện
các dự án hợp tác, hội thảo quốc tế và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, chia sẻ
kinh nghiệm quốc tế về chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đoàn viên thanh
niên; giúp Đoàn thanh niên trở thành nhân tố tích cực tham gia tuyên truyền
chính sách BHXH, BHYT, BHTN để phục vụ công tác truyền thông, mở rộng diện bao
phủ BHXH, BHYT, BHTN.
2. BHXH Việt Nam
Chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố phối hợp các cấp bộ
Đoàn tham gia thực hiện các dự án hợp tác, hội thảo quốc tế, kinh nghiệm quốc tế
liên quan đến chế độ và thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Điều 10. Phối hợp trong công
tác xây dựng kế hoạch, sơ kết, tổng kết hoạt động phối hợp
1. Đối với các hoạt động cụ thể do Trung ương Đoàn
và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức, sau khi lãnh đạo hai bên thống nhất chủ
trương, đơn vị đầu mối của hai bên phối hợp tham mưu xây dựng kế hoạch chi tiết
và báo cáo lãnh đạo hai bên xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện.
2. Định kỳ hàng năm, tổ chức sơ kết đánh giá các hoạt
động phối hợp, rút kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu
quả công tác phối hợp trong những năm tiếp theo. Tùy theo tình hình thực tiễn,
việc sơ kết có thể được thực hiện bằng hình thức tổ chức hội nghị hoặc hình thức
báo cáo. Trường hợp cần thiết, hai bên có thể tổ chức họp bất thường để giải
quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
3. Kết thúc giai đoạn, hai cơ quan phối hợp tổ chức
tổng kết, đánh giá, thi đua khen thưởng và xem xét, thống nhất việc ký kết Quy
chế phối hợp giai đoạn tiếp theo.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Trung ương Đoàn có trách nhiệm phổ biến, triển
khai Quy chế tới các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Đoàn và các tỉnh thành
đoàn, đoàn trực thuộc để thống nhất thực hiện.
2. BHXH Việt Nam có trách nhiệm phổ biến, triển
khai Quy chế tới các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố
để thống nhất thực hiện.
3. Căn cứ Quy chế này, các tỉnh, thành đoàn và đoàn
trực thuộc chủ động phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố xây dựng Quy chế phối hợp
phù hợp với tình hình của địa phương để thực hiện và chỉ đạo các cơ sở; hằng
năm và kết thúc giai đoạn báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp về Trung
ương Đoàn và BHXH Việt Nam.
4. Trung ương Đoàn giao Ban Thanh niên công nhân và
đô thị và BHXH Việt Nam giao Văn phòng là đơn vị đầu mối của hai cơ quan, có
trách nhiệm tổng hợp, tham mưu giúp hai cơ quan xây dựng kế hoạch, tổ chức triển
khai, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy chế này.
5. Trên cơ sở năng lực tổ chức thực hiện và kết quả
triển khai các hoạt động phối hợp công tác đã được hai bên thống nhất, BHXH Việt
Nam cân đối hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí theo quy định để Trung ương Đoàn tổ chức
thực hiện. Căn cứ tình hình thực tế, Trung ương Đoàn chủ động lồng ghép các hoạt
động phối hợp với các hoạt động chung của các cấp bộ Đoàn để đảm bảo sử dụng
kinh phí một cách hiệu quả.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực từ ngày hai bên ký kết.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát
sinh yêu cầu mới hoặc có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị đầu mối có trách nhiệm
tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Trung ương Đoàn và BHXH Việt Nam xem xét, kịp thời
điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Thế Mạnh
|
T.M BAN BÍ THƯ
TRUNG ƯƠNG ĐOÀN
BÍ THƯ THỨ NHẤT
Bùi Quang Huy
|
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để báo
cáo);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để báo cáo);
- Đ/c Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư TW Đảng,
Trưởng Ban Dân vận TW (để báo cáo);
- Ban Tuyên giáo Trung ương (để theo dõi);
- Ban Dân vận Trung ương (để theo dõi);
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (để theo dõi);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để theo dõi);
- Văn phòng Chính phủ (để theo dõi);
- Các thành viên HĐQL BHXH (để theo dõi);
- BBT TW Đoàn và Lãnh đạo BHXH Việt Nam
(để chỉ đạo);
- Các đơn vị trực thuộc TW Đoàn và BHXH Việt Nam
(để thực hiện);
- BTV các Tỉnh, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc
(để thực hiện);
- BHXH các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu: VP BHXH Việt Nam, TW Đoàn (VP,CNĐT).
|
|