UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
04/1998/PL-UBTVQH10
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 3 năm 1998
|
PHÁP LỆNH
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 04/1998/PL-UBTVQH10 NGÀY 28
THÁNG 3 NĂM 1998 LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Để tăng cường
hiệu lực quản lý nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền
tài phán quốc gia và an ninh, trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt
Nam;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 5 về
việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 2 về Chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 1998;
Pháp lệnh này quy định về Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà
nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp
hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa
của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lực lượng Cảnh
sát biển Việt Nam hoạt động theo quy định của Pháp lệnh này và các quy định
khác của pháp luật Việt Nam.
Điều 2
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là một trong các lực lượng vũ trang
của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng
sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của
Chính phủ.
Bộ Quốc phòng
trực tiếp tổ chức, quản lý và điều hành mọi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển
Việt Nam.
Điều 3
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động từ đường cơ sở ra đến
ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; chủ trì phối
hợp với các lực lượng hữu quan khác để thực hiện nhiệm vụ.
Trong vùng nội
thuỷ và các cảng biển, khi có yêu cầu, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có
trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, Công an
nhân dân, các lực lượng Hải quan, Giao thông vận tải, Thuỷ sản, Dầu khí và các
lực lượng khác để thực hiện nhiệm vụ.
Quy chế phối hợp
hoạt động và phân định vùng, trách nhiệm cụ thể giữa các Lực lượng do Chính phủ
quy định.
Điều 4
Cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành
viên, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân
có trách nhiệm cộng tác, giúp đỡ Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm
vụ.
Chương 2:
TRÁCH NHIỆM,
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 5
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn
nghiệp vụ cần thiết, nắm vững các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước
quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham
gia, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Cán bộ, chiến
sĩ Cảnh sát biển không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của
mình để gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ
chức, cá nhân.
Điều 6
Trên vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm
soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan
mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia để bảo vệ chủ quyền,
bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; giữ gìn an ninh, trật tự an
toàn; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vận chuyển trái phép
người và vận chuyển, mua bán trái phép hàng hoá, vũ khí, chất nổ, chất ma tuý
và các chất kích thích; chống các hành vi buôn lậu, cướp biển và các hành vi vi
phạm pháp luật khác.
Điều 7
Trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ tuần tra, kiểm
soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan
mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia để bảo vệ quyền chủ
quyền, quyền tài phán; phòng, chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn và
đấu tranh chống các hành vi cướp biển, vận chuyển nô lệ, vận chuyển, mua bán
trái phép chất ma tuý và các chất kích thích.
Điều 8
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện việc hợp tác
quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật
Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam ký kết hoặc tham gia để góp phần vào việc giữ gìn an ninh, trật tự, hoà
bình và ổn định trên các vùng biển trong khu vực và quốc tế.
Điều 9
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ thu thập, xử lý kịp thời
và thông báo cho các cơ quan chức năng các thông tin cần thiết; phối hợp với
các lực lượng khác bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của người và
phương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam;
tham gia tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục các sự cố trên biển; phối hợp với các
đơn vị khác của lực lượng vũ trang để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên
các hải đảo, vùng biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam và quyền chủ quyền trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 10
Khi phát hiện người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt
Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
ký kết hoặc tham gia, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có quyền kiểm tra, kiểm
soát; nếu có hành vi vi phạm thì quyết định xử phạt hành chính theo quy định của
pháp luật, buộc người và phương tiện đó phải chấm dứt hành vi vi phạm, rời khỏi
vùng nước đang hoạt động hoặc rời khỏi vùng biển Việt Nam; bắt, giữ người và
phương tiện phạm pháp quả tang, lập biên bản và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền
xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 11
Trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không chịu
tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy thì Lực lượng Cảnh sát biển
Việt Nam có quyền cưỡng chế, thực hiện quyền truy đuổi hoặc các quyền khác theo
quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Điều 12
Trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm
pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng thì
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được quyền huy động người, phương tiện của các
tổ chức và cá nhân Việt Nam, nhưng phải hoàn trả ngay khi tình thế cấp thiết chấm
dứt. Trong trường hợp các phương tiện được huy động bị hư hỏng hoặc bị mất thì
đơn vị Cảnh sát biển có trách nhiệm bồi thường, người được huy động làm nhiệm vụ
mà bị thương hoặc bị chết thì được giải quyết theo chính sách của Nhà nước.
Trong tình thế
cấp thiết, nếu không huy động được người, phương tiện của các tổ chức, cá nhân
Việt Nam hoặc đã huy động nhưng vẫn chưa giải quyết được tình thế này, thì Lực
lượng Cảnh sát biển có thể yêu cầu người, phương tiện nước ngoài hoạt động trên
các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam giúp đỡ theo quy định của pháp luật
Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam ký kết hoặc tham gia.
Điều 13
Lực lượng Cảnh sát biển được nổ súng trong các trường hợp sau đây:
1. Khi người vi
phạm dùng vũ khí chống trả, dùng các biện pháp khác trực tiếp đe doạ tính mạng
và an toàn phương tiện của Cảnh sát biển;
2. Khi truy đuổi
người và phương tiện có hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu không dùng vũ khí thì
người và phương tiện đó có thể chạy thoát;
3. Để bảo vệ
công dân khi bị người khác trực tiếp đe doạ tính mạng.
Trong các trường
hợp được nổ súng quy định tại Điều này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển chỉ được
bắn vào đối tượng sau khi đã ra lệnh cho họ dừng lại hoặc nổ súng cảnh cáo mà
không có kết quả, trừ trường hợp cấp bách; đối với những trường hợp phức tạp,
có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh quốc gia thì phải báo cáo cấp
có thẩm quyền quyết định.
Điều 14
Khi thi hành nhiệm vụ, Lực lượng Cảnh sát biển có quyền xử phạt vi
phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.
Việc xử phạt vi
phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính
thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các quy định
khác của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Thẩm quyền của
Lực lượng Cảnh sát biển trong việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện
pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt đối với từng
loại hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định.
Chương 3:
TỔ CHỨC CỦA LỰC
LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 15
Tổ chức và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển ViệtNam do Chính phủ
quy định.
Biên chế, trang
bị cụ thể của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Điều 16
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm : sĩ quan, quân nhân chuyên
nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân quốc phòng (gọi chung là cán bộ, chiến
sĩ Cảnh sát biển).
Điều 17
Việc bổ nhiệm, cách chức, giáng chức; phong, thăng, giáng và tước cấp
bậc quân hàm đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển được thực hiện như sau :
1. Đối với sĩ
quan thực hiện theo Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
2. Đối với quân
nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện theo Luật nghĩa vụ quân sự;
3. Đối với công
nhân quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 18
Chế độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng Cảnh sát biển thực
hiện theo các văn bản pháp luật quy định đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và
các quy định khác của pháp luật.
Điều 19
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có cờ hiệu, phù hiệu và sắc phục
riêng do Chính phủ quy định.
Khi làm nhiệm vụ,
tàu thuyền và phương tiện khác của Lực lượng Cảnh sát biển phải treo quốc kỳ và
cờ hiệu Cảnh sát biển; cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển phải mặc trang phục và
mang phù hiệu Cảnh sát biển.
Chương 4:
QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 20
Nội dung quản lý nhà nước đối với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam gồm:
1. Ban hành và
hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về Lực lượng Cảnh sát biển;
2. Quy định hệ
thống tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy Lực lượng Cảnh sát biển;
3. Quy định và
tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển;
4. Quy định và
thực hiện các chế độ, chính sách đối với Lực lượng Cảnh sát biển;
5. Kiểm tra,
thanh tra các hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển, giải quyết các khiếu nại tố
cáo và xử lý vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động của Lực lượng Cảnh sát
biển.
Điều 21
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với Lực lượng Cảnh
sát biển Việt Nam.
2. Bộ Quốc phòng
chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về tổ chức và
hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và
chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng, tổ chức và
hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
3. Các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về
các hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện để Lực lượng Cảnh sát biển
Việt Nam thực hiện nhiệm vụ.
5. Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các Bộ,
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng
Cảnh sát biển Việt Nam.
Chương 5:
CHẾ ĐỘ, CHÍNH
SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CẢNH SÁT BIỂN
Điều 22
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển được hưởng các chế độ, chính sách như
đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Điều 23
Kinh phí tổ chức, xây dựng và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển
Việt Nam do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Chương 6:
KHEN THƯỞNG
VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 24
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển có thành tích trong công tác, chiến đấu
thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Cán bộ, chiến
sĩ Cảnh sát biển vi phạm kỷ luật thì bị xử lý theo Điều lệnh kỷ luật của Quân đội
nhân dân Việt Nam; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức
độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 25
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền
và an ninh, trật tự an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, giúp đỡ
Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ thì được khen thưởng theo quy định của
pháp luật.
Người nào có
hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh,
trật tự an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, gây cản trở việc
thực hiện nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thì tuỳ theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương 7:
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 26
Pháp lệnh
này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 1998.
Điều 27
Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.