HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 87/2006/NQ-HĐND12
|
Lai Châu, ngày
09 tháng 12 năm 2006
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐỀ ÁN "ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010"
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Sau khi xem xét Tờ trình số
680/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh về Đề án "Đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006 - 2010";
Báo cáo thẩm tra của Ban Văn
hóa – Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của Đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006 - 2010" do UBND tỉnh trình tại
Tờ trình số 680/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2006, với những nội dung sau:
I. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO:
1. Mục
tiêu: Phấn đấu đến năm 2010 cán bộ công chức cấp xã có trình độ:
- Học vấn: 100% tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên; trong đó
30- 40% tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Chuyên
môn, nghiệp vụ: 100% cán bộ
chuyên trách và công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
theo chức danh quy định, trong đó có 35-40% có trình độ trung cấp trở lên, tập
trung vào các lĩnh vực: Nông - Lâm nghiệp, Địa chính, Tài chính - Kế toán, Tư
pháp.
- Lý luận
chính trị: 100% cán bộ chuyên trách và công chức xã được đào
tạo bồi dưỡng đạt trình độ lý luận sơ cấp trở lên, 100% cán bộ chủ chốt có
trình độ trung cấp lý luận chính trị.
- Quản
lý hành chính nhà nước: 100%
cán bộ chủ chốt được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý hành chính Nhà nước.
- Tin học
văn phòng: 100% cán bộ, công
chức xã được bồi dưỡng kiến thức tin học văn phòng.
2. Đối tượng
đào tạo, bồi dưỡng:
- Cán bộ làm
công tác Đảng gồm: Bí thư, các Phó Bí thư, Thường trực Đảng ủy (để áp dụng đối
với những nơi không có Phó Bí thư chuyên trách làm công tác đảng); Bí thư, Phó
Bí thư chi bộ (đối với những xã chưa thành lập Đảng bộ).
- Cán bộ chính
quyền: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Uỷ viên UBND;
cán bộ 5 đoàn thể; cán bộ công chức thuộc 7 chức danh chuyên môn.
- Đối tượng là
những người đưa vào quy hoạch dự kiến nguồn cho các chức danh trên, bao gồm:
+ Học sinh,
sinh viên đã tốt nghiệp các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học
đáp ứng đúng yêu cầu chuyên ngành các chức danh chuyên môn của cấp xã, hiện
chưa có việc làm; chú trọng đến những đối tượng là học sinh người dân tộc có khả
năng định hướng bố trí sau khi tốt nghiệp ra trường.
+ Những người
đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Công tác quy hoạch
Quy hoạch gắn với đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ theo hướng không
ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt nhất là trình độ văn hóa, trình độ chuyên
môn nghiệp vụ, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức tác phong.
2. Kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2006 - 2010:
+ Xây dựng
chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở toàn diện cả
về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước,
tin học, đạo đức công vụ...
+ Đối với cán
bộ trẻ có triển vọng và cán bộ dự nguồn trong quy hoạch được đào tạo chính quy
dài hạn, những cán bộ đã qua đào tạo thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức nâng
cao trình độ, năng lực công tác.
+ Ngoài việc
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dự nguồn
trong số học sinh trường dân tộc nội trú, bộ đội đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự...
Chú trọng phát hiện những học sinh là người dân tộc có khả năng để định hướng bố
trí sau khi tốt nghiệp ra trường, đảm bảo nguồn cán bộ lâu dài.
Cụ thể:
Năm 2006: Đào
tạo 181 người; bồi dưỡng 339 người
Năm 2007: Đào
tạo 610 người; bồi dưỡng 350 người
Năm 2008: Đào
tạo 586 người; bồi dưỡng 397 người
Năm 2009: Đào
tạo 585 người; bồi dưỡng 430 người
Năm 2010: Đào
tạo 283 người; bồi dưỡng 446 người
3. Nguồn
kinh phí thực hiện:
Từ nguồn kinh
phí đào tạo, bồi dưỡng do ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương cấp.
Dự toán tổng
kinh phí thực hiện Đề án là: 30.571.750.000 đồng (Ba mươi tỷ, năm
trăm bảy mươi mốt triệu, bảy trăm năm mươi nghìn đồng chẵn).
Trong đó: +
Nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ là: 28.071.750.000 đồng
+ Nguồn ngân
sách Trung ương hỗ trợ là: 2.500.000.000 đồng
Cụ thể:
- Năm 2006:
2.910.770.000 đồng, trong đó ngân sách Trung ương 500.000.000 đồng, ngân
sách địa phương 2.410.770.000 đồng.
- Năm 2007: 8.106.660.000
đồng, trong đó ngân sách Trung ương 500.000.000 đồng, ngân sách địa phương
7.606.660.000 đồng.
- Năm 2008: 7.558.170.000
đồng, trong đó ngân sách Trung ương 500.000.000 đồng, ngân sách địa phương
7.058.170.000 đồng.
- Năm 2009: 8.148.860.000
đồng, trong đó ngân sách Trung ương 500.000.000 đồng, ngân sách địa phương
7.648.860.000 đồng.
- Năm 2010: 3.847.290.000
đồng, trong đó ngân sách Trung ương 500.000.000 đồng, ngân sách địa phương
3.347.290.000 đồng.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP
1. Tăng cường
sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng
vào nội dung kiểm điểm sinh hoạt định kỳ của địa phương, đơn vị
2. Xây dựng, củng
cố kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trường
đào tạo cán bộ tỉnh và huyện. Củng cố, tăng cường đội ngũ giáo viên, cán bộ quản
lý và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học của các trường để đảm bảo chất
lượng đào tạo, bồi dưỡng. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, quy mô cho các trường
dân tộc nội trú và các trường bán trú, tăng chỉ tiêu cho các trường nội trú huyện.
3. Bố trí đủ
nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, quản
lý và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả.
4. Tăng cường
cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất cho cơ sở, nhất là các xã đặc biệt khó khăn.
5. Chú trọng
đào tạo bồi dưỡng thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số sau khi hoàn thành nghĩa vụ
quân sự trở về địa phương làm nguồn cán bộ cho cơ sở.
6. Nghiên cứu,
đề nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công tác ở
vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ là người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa,
biên giới.
7. Xác định
tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn theo đúng Quyết định
số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu
chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn
8. Đổi mới cơ
chế tuyển dụng, mở rộng phạm vi đối tượng để có thể lựa chọn được cán bộ phù hợp
với yêu cầu của từng chức danh, từng loại công việc, từng địa phương, ưu tiên bố
trí những cán bộ đã qua đào tạo chuyên môn, những cán bộ có trình độ cao đẳng,
đại học.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện.
Điều 3. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và Đại biểu
HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh
Lai Châu khoá XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2006 ./.