HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 46/NQ-HĐND
|
Bắc Giang, ngày
12 tháng 7 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO
ĐẢM THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ 18
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10
tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng
8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân
chủ ở cơ sở;
Căn cứ Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4
năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật
Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Xét Tờ trình số 213/TTr-UBND ngày 02 tháng 7 năm
2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND
tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ
ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, như sau:
1. Bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về
thực hiện dân chủ ở cơ sở
Hàng năm tổ chức từ 01 đến 02 lớp bồi dưỡng, tập huấn
trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của
UBND tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giao phụ trách,
tham mưu theo dõi, xây dựng, thực hiện dân chủ ở cơ sở ở các cơ quan, đơn vị và
thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị về chính trị, tư tưởng
nhằm nâng cao nhận thức về giá trị, vai trò của việc thực hiện quy chế dân chủ,
từ đó duy trì, phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ được phân công, đảm
bảo kết quả, chất lượng đáp ứng yêu cầu và thực tiễn tại cơ sở. Đồng thời bồi
dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ năng xây dựng Quy
chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và phương pháp duy trì, phát
huy, thực hiện dân chủ ở cơ sở.
2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng
về bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở
a) Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt, phổ biến,
giáo dục pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của chính
quyền, trách nhiệm của người đứng đầu và của đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở;
b) Xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình,
kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật về những nội quy, quy định liên quan thực
hiện dân chủ phù hợp với điều kiện, chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn
tại cơ quan, đơn vị; đồng thời rà soát, tuyên truyền một số nội dung về thực
hiện dân chủ ở cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội;
c) Thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên
truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phù hợp với các đối tượng và điều kiện
thực tế của cơ quan, đơn vị đảm bảo thực chất, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân;
d) Cập nhật, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử
tỉnh và Cổng thông tin quy chế dân chủ tỉnh, Cổng thông tin điện tử của các sở,
cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở và
các văn bản triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
3. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và vai
trò nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
a) Tổ chức công khai, minh bạch những nội dung phải
công khai để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân biết theo
quy định của pháp luật; thực hiện tốt những nội dung cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động và nhân dân được bàn, tham gia ý kiến và được kiểm tra,
giám sát; quan tâm tiếp nhận, xử lý, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong phạm vi lãnh đạo,
quản lý;
b) Thực hiện tốt việc nêu gương của người đứng đầu trong
thực hiện dân chủ và thực hiện dân chủ đại diện; mở rộng dân chủ trực tiếp; nêu
cao tinh thần phục vụ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân;
c) Lấy kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở làm căn cứ
đánh giá, xếp loại chất lượng, thi đua của các cơ quan, đơn vị từ đó làm tiêu
chí để đánh giá, xếp loại người đứng đầu cơ quan, đơn vị hàng năm.
4. Biểu dương, khen thưởng các gương điển hình có
nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở;
phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật về thực
hiện dân chủ ở cơ sở
a) Hằng năm tổ chức phát động thi đua thực hiện quy
chế dân chủ ở cơ sở; phát hiện, xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời
biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, các gương điển hình tiên tiến, nhất
là người có uy tín, ảnh hưởng trong việc phát huy và tổ chức thực hiện dân chủ
ở cơ sở ở các cơ quan, đơn vị;
b) Phát huy dân chủ phải đi đôi với giữ nghiêm kỷ
luật, kỷ cương, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng tiêu cực; thực
hành tiết kiệm chống lãng phí, chống quan liêu gây phiền hà, sách nhiễu nhân
dân; nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia ngăn chặn các tệ nạn xã hội
gây mất ổn định an ninh trật tự ở cơ sở;
c) Tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời, phê
bình và xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định
về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
5. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông
tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều
kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến
trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số.
a) Tổ chức đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin,
nền tảng công nghệ số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát
triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp với tiến trình xây
dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số.
b) Tổ chức xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật,
các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh, của ngành, địa phương để phục
vụ chuyển đổi số; từng bước xây dựng, ứng dụng, phát triển và hoàn thiện nền
tảng chuyển đổi số của tỉnh trên các lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã
hội số và công dân số để người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, tiện ích
thuận lợi; đồng thời tham gia, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của
cơ quan Nhà nước.
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện được bố trí từ ngân sách nhà
nước theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và từ các nguồn xã
hội hóa, các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị
quyết; hằng năm báo cáo HĐND tỉnh kết quả thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang
Khóa XIX, Kỳ họp thứ 18 thông qua./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ;
- Các bộ: Xây dựng, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang;
- Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX;
- Các cơ quan, sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
- Thường trực: Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy; HĐND, UBND các huyện, thành phố,
thị xã;
- Các tổ chức xã hội-nghề nghiệp tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Trung tâm thông tin, Văn phòng UBND tỉnh;
- Lãnh đạo, chuyên viên VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Lưu: VT. CTHĐND.
|
CHỦ TỊCH
Lê Thị Thu Hồng
|