HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
41/2011/NQ-HĐND
|
Buôn Ma Thuột,
ngày 22 tháng 12 năm 2011
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ XÂY DỰNG HỆ THỐNG
KHUYẾN NÔNG VIÊN CƠ SỞ TỈNH ĐẮK LẮK
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHOÁ VIII, KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày
08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN
ngày 15/11/2010 của liên Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn,
hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt
động khuyến nông; Thông tư số 04/2009/TT-BNN ngày 21/01/2009 của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ
thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã;
Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006 và Quyết định số
05/2007/QĐ-UBDT, ngày 06/09/2007 của Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của
Chính phủ về công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình
độ phát triển; Công văn số 3888/VPCP-ĐP ngày 12/07/2007 của Văn phòng Chính phủ
về công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát
triển.
Xét Tờ trình số 102/TTr-UBND ngày 02/11/2011 của
UBND tỉnh về xây dựng hệ thống khuyến nông viên cơ sở của tỉnh; Báo cáo thẩm
tra số 60/BC-HĐND ngày 13/12/2011 của Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh và
ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành thông
qua Nghị quyết về xây dựng Hệ thống khuyến nông viên cơ sở của tỉnh với các nội
dung cụ thể, như sau:
1. Mục tiêu:
Tiếp tục xây
dựng và đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông viên cấp
xã và cộng tác viên khuyến nông, thôn, buôn trong toàn tỉnh. Sử dụng có hiệu quả
lâu dài nguồn nhân lực phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp,
nông thôn, giúp nông dân tiếp cận và nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ khoa học
kỹ thuật vào sản xuất.
2. Số lượng, đối tượng,
hình thức tuyển dụng Khuyến nông viên cơ sở:
a. Số lượng.
Ở các xã, phường, thị trấn
có sản xuất nông nghiệp mỗi xã có 01 khuyến nông viên; ở các xã đặc biệt khó
khăn (các xã thuộc khu vực III) mỗi xã có 02 khuyến nông viên; ở các thôn,
buôn: Mỗi thôn, buôn có 01 cộng tác viên khuyến nông. Số
lượng khuyến nông viên cơ sở thay đổi tùy thuộc vào sự thay đổi về đơn vị hành
chính xã, thôn, buôn.
b. Đối tượng tuyển dụng.
- Khuyến nông viên cấp
xã: Là những người đã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học
thuộc các ngành liên quan đến lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp-thủy lợi, cư trú hợp
pháp tại địa phương, ưu tiên độ tuổi từ 18-45 (ở xã không có người có trình độ
trên thì tuyển chọn người có trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc sơ cấp).
- Cộng tác viên khuyến
nông: Là những người có trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên. Ở
vùng không có người có trình độ trên thì tuyển chọn người có trình độ học vấn
cao nhất, ưu tiên các đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ,
người thông thạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có sức khỏe tốt, có
kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp, có khả năng truyền đạt kinh nghiệm sản xuất
của mình cho người khác, có thể tuyển chọn người đã tham gia các tổ chức đoàn
thể như: Trưởng, Phó thôn, buôn, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh,
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở cơ sở. Người được tuyển dụng phải tự
nguyện phục vụ lâu dài.
c. Hình thức tuyển dụng.
Ủy ban nhân dân cấp xã
thống nhất với Trạm khuyến nông cấp huyện lựa chọn đề xuất UBND cấp huyện hợp đồng
tuyển dụng, chi trả thù lao cho khuyến nông viên và cộng tác viên khuyến nông
theo quy định. Trạm khuyến nông cấp huyện hướng dẫn, quản lý, điều hành các
hoạt động chuyên môn của Khuyến nông viên cơ sở.
3. Quyền lợi của khuyến
nông viên cơ sở:
- Khuyến nông viên cơ sở được tham gia các chương
trình tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ kiến thức và
tay nghề trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp do cơ quan chuyên ngành tổ chức,
được cung cấp các thông tin, tài liệu kinh tế - kỹ thuật phục vụ cho công tác
chuyên môn. Được làm các dịch vụ khuyến nông, tham
gia các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp nông thôn do các tổ chức
khuyến nông triển khai trên địa bàn nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại cơ sở
theo quy định của pháp luật.
- Lực lượng khuyến nông viên cơ sở không thuộc
diện đối tượng bắt buộc phải đóng Bảo hiểm Xã hội, được hưởng thù lao hàng
tháng như sau:
+ Khuyến
nông viên cấp xã được hưởng thù lao theo hệ số bằng 1,0 mức lương tối thiểu;
+ Cộng tác viên khuyến
nông được hưởng thù lao theo hệ số bằng 0,35 mức lương tối thiểu.
Kinh phí chi trả thù
lao cho khuyến nông viên cơ sở được bố
trí trong dự toán hàng năm cho Ngân sách cấp xã để thực hiện.
4. Đào tạo Hệ thống
khuyến nông cơ sở hàng năm:
Hàng năm, Trung tâm Khuyến
nông tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng khuyến nông
cơ sở, nhằm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về khuyến nông, các kiến
thức cơ bản và nâng cao về kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Kinh phí
đào tạo, tập huấn cho hệ thống khuyến nông cơ sở được bố trí trong dự
toán hàng năm của Trung tâm để thực hiện.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND
tỉnh tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo HĐND tỉnh tại các kỳ họp.
Giao cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại
biểu HĐND tỉnh phối hợp giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành
sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và thay thế Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND ngày 13/04/2007 về xây dựng Hệ
thống khuyến nông cơ sở của tỉnh.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk
Lắk khoá VIII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16
tháng 12 năm 2011./.