HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 37/NQ-HĐND
|
Ninh Thuận, ngày
22 tháng 7 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 7 HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XI, NHIỆM KỲ 2021 - 2026
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám
sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở kết quả chất vấn
và trả lời chất vấn; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao tinh thần trách
nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc tiếp thu, tổng hợp ý kiến,
nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đã theo dõi sâu sát diễn biến tình hình thực
tế và thẳng thắn đặt vấn đề chất vấn những nội dung quan trọng, bức xúc, nổi cộm
được nhiều đại biểu, cử tri và dư luận quan tâm. Đánh giá cao tinh thần trách
nhiệm của Giám đốc các Sở, ngành trong việc tiếp thu các ý kiến chất vấn của
đại biểu, trả lời chất vấn đúng trọng tâm, đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại
biểu đặt ra, nghiêm túc nhận trách nhiệm liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ
trách, tham mưu; tăng cường công tác quản lý để tổ chức thực hiện và có giải
pháp hiệu quả trong thời gian đến.
Điều 2.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Đối với Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
Trong thời gian qua, tỉnh đã
quan tâm bố trí nhiều nguồn lực đầu tư và thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân
phát triển sản xuất, như: Đầu tư xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh
trú bão; hỗ trợ đóng tàu và cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp việc khai thác hải
sản; hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho ngư dân; tổ chức cho ngư
dân sản xuất theo mô hình tổ, đội sản xuất; thực hiện nhiều chính sách an sinh
xã hội, hỗ trợ giải quyết khó khăn, nâng cao đời sống cho ngư dân… Các chính
sách triển khai thực hiện đã phát huy được hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp và
ngư dân bảo đảm việc khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản được ổn định,
từng bước tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân, góp phần
xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất cho bà con ngư dân ở vùng ven
biển, nông thôn và hải đảo, đồng thời bảo đảm phát triển bền vững nghề khai
thác thủy sản.
Trong thời gian tới, đề nghị
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu và tổ chức thực hiện
một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
a) Về hạ tầng, đất đai, môi
trường khu vực cảng cá
- Rà soát, đánh giá hiện trạng
hệ thống cảng cá của tỉnh nhằm xây dựng phương án, giải pháp đầu tư hạ tầng cảng
cá để tạo động lực cho phát triển thủy sản bền vững. Việc đầu tư, nâng cấp hệ
thống cảng cá cần theo hướng công nghiệp, hiện đại trên cơ sở nâng cấp, mở rộng
cảng cá hiện có, tập trung vào các hạng mục dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo
yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đảm bảo năng lực đáp ứng
tổng lượng thủy sản qua cảng cho tàu cá đánh bắt tại ngư trường trên địa bàn tỉnh.
- Trên cơ sở quy hoạch ngành thủy
sản cũng như quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá,
cần nghiên cứu lồng ghép các chương trình, dự án và ưu tiên, bố trí kinh phí để
duy tu, sửa chữa hạ tầng các cảng cá; nghiên cứu đề xuất, xây dựng các chính
sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hệ thống cảng
cá cũng như phát triển các dịch vụ tại cảng.
- Tiếp tục tăng cường công tác
tuyên truyền, phổ biến nội quy, quy chế quản lý tàu cá và khu neo đậu tránh trú
bão cho các chủ tàu thuyền, các quy định của pháp luật liên quan về khai thác,
bảo vệ nguồn lợi thủy sản, công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường, phòng cháy,
chữa cháy, bảo đảm an ninh trật tự cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong cảng
cá.
- Về xử lý đất đai tại khu vực
cảng cá: Tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án, kế hoạch thu hút các nguồn lực
đầu tư phát triển nghề cá kết hợp du lịch biển; phối hợp các ngành rà soát, hướng
dẫn thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với
tổ chức, cá nhân.
- Về môi trường khu vực cảng
cá: Có cơ chế phối hợp để đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn lực cải tạo, nâng cấp
hệ thống xử lý nước thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
- Về nạo vét luồng lạch: Chủ động
tham mưu xây dựng kế hoạch chặt chẽ, cụ thể về thời gian, lộ trình đảm bảo thực
hiện kịp thời, phù hợp.
b) Phát triển ngành nuôi biển,
nuôi khơi
- Cần có giải pháp cụ thể, nhất
là chính sách để người dân áp dụng các mô hình chuyển đổi mới đảm bảo bền vững;
công tác quy hoạch các điểm nuôi trồng đảm bảo tính lâu dài, tránh tác động, ảnh
hưởng đến các lĩnh vực khác, nhất là du lịch.
- Nghiên cứu cơ chế, chính sách
hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư áp dụng công nghệ lồng nuôi biển bằng vật
liệu mới, thích hợp nuôi vùng biển sâu và bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển;
hình thành mối liên kết theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ
sản phẩm gắn với du lịch trải nghiệm.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật
đồng bộ, hiện đại phát triển nuôi biển, bao gồm các hạng mục hạ tầng thiết yếu
cho phát triển các vùng sản xuất giống, vùng nuôi thương phẩm; khu công nghiệp
hỗ trợ phục vụ nuôi biển, hệ thống quan trắc môi trường nuôi biển tự động nhằm
tăng công suất - chất lượng - hiệu quả sản xuất giống, đảm bảo sản xuất giống
mang lại hiệu quả ổn định và bền vững.
- Nâng cao năng lực quan trắc,
cảnh bảo môi trường để giám sát diễn biến môi trường tại các vùng nuôi biển tập
trung. Kêu gọi thu hút các doanh nghiệp lớn có năng lực tài chính, có công
nghệ đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy nghề nuôi biển phát
triển theo hướng hiện đại.
c) Chính sách bảo đảm để ngư
dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của
các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân đối với việc khai thác
hải sản phải gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Triển khai thực hiện
đảm bảo, có hiệu quả các chính sách, biện pháp đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn
khơi, bám biển để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển,
đảo của Tổ quốc.
- Có cơ chế hướng dẫn, cung cấp
thông tin về các chính sách và quy trình hỗ trợ, rút ngắn các thủ tục nhằm tạo
điều kiện thuận lợi nhất để người dân được thụ hưởng chính sách; có cơ chế
theo dõi, giám sát, kiểm soát quá trình thực hiện chính sách.
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao trình độ nghề, đảm bảo thu nhập cho ngư dân; nghiên cứu mở các lớp đào
tạo, tập huấn cho các thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên sử dụng thành thạo
các phương tiện, kỹ thuật hàng hải, nhất là công nghệ khai thác, bảo quản, chế
biến nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực cho cán bộ khoa học, cán bộ
quản lý trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản.
- Nghiên cứu kết quả, kinh
nghiệm của việc thành lập các tổ, đội, nhóm, nghiệp đoàn nghề cá sản xuất có
hiệu quả ở các địa phương để phổ biến, tuyên truyền, áp dụng, nghiên cứu hoàn
thiện và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất trên biển. Trong đó, chú trọng
xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nghề cá, các hiệp hội nghề cá khai
thác hải sản gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo.
- Tăng cường quản lý, điều tra,
đánh giá lại nguồn lợi hải sản, xác định các ngư trường, khu vực tập trung tàu
thuyền, thực trạng năng lực khai thác hải sản, từ đó quản lý, tổ chức khai thác
phù hợp với điều kiện nguồn lợi hải sản của từng địa phương.
2. Đối với Giám đốc Sở Thông
tin và Truyền thông
Xác định chuyển đổi số là
nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính
quyền và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp,
nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh
của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân; bảo đảm an ninh, an toàn xã hội,
góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Giám đốc Sở Thông tin
và Truyền thông tham mưu và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Tăng cường tuyên truyền, đổi
mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp
về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại
và thực thi công vụ.
- Huy động nguồn lực đầu tư
nâng cấp hạ tầng thiết bị và ứng dụng đồng bộ; triển khai các cơ sở dữ liệu quốc
gia kết nối với các cơ sở dữ liệu của tỉnh tạo nền tảng Chính quyền điện tử.
- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh
quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số; tăng cường
công tác về chuyển đổi số, chính quyền số; quản lý an ninh mạng, bảo mật thông
tin, an toàn dữ liệu; đảm bảo tính minh bạch của các dịch vụ công trực tuyến.
- Xây dựng môi trường pháp lý,
cơ chế, chính sách khuyết khích doanh nghiệp khởi nghiệp có ứng dụng công
nghệ số; bảo mật dữ liệu người dùng, an ninh, an toàn thông tin; kết nối hạ tầng
thanh toán điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai hiệu
quả hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo đúng
quy định, thông suốt, an toàn; nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ công thiết
yếu, phục vụ có hiệu quả tiện ích người dân và doanh nghiệp.
- Thúc đẩy và hoàn thiện mạnh
mẽ thương mại điện tử, tạo cơ chế cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận để kết
nối thị trường, phục vụ tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường sử dụng các dịch vụ chia
sẻ dữ liệu địa chỉ số; ứng dụng công nghệ số vào tổ chức quản lý và phương
thức hoạt động của nền kinh tế địa phương; chuyển đổi số xã hội phục vụ nhu cầu
nghiệp vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh
nghiệp và người dân.
- Phối hợp Công an tỉnh tổ chức
quản lý, khai thác có hiệu quả dữ liệu dân cư làm nền tảng để kịp thời phục vụ
cho các hoạt động, lĩnh vực khác.
- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng,
nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có, thu hút nguồn
nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tham gia vào quá trình chuyển đổi
số của tỉnh. Triển khai các khoá tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đào tạo, tư vấn về chiến lược, kế hoạch
chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; kỹ năng ứng dụng
thương mại điện tử.
- Xây dựng và duy trì, vận hành
trang thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để cung cấp thông
tin, kiến thức, tài liệu về chuyển đổi số doanh nghiệp; quản lý thông tin, kết
quả hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp, tuyên truyền các mô hình thành công điển
hình, giới thiệu các kinh nghiệm thực tiễn, đăng ký hỗ trợ trực tuyến…
Điều 3. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh và
các sở, ngành có liên quan tại Điều 2 Nghị quyết triển khai thực hiện nghiêm
túc các nội dung đã đề ra tại nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng
nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân
tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khóa XI Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20 tháng 7 năm
2022./.