NGHỊ QUYẾT
VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM
2011 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHOÁ XIV KỲ HỌP THỨ 22
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng
12 năm 2002;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét Tờ trình số 2398/TTr-UBND, ngày 22 tháng
12 năm 2010 của Uỷ ban nhân tỉnh Cao Bằng về việc đề nghị phê chuẩn phương hướng,
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế
và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội 5 năm 2011 - 2015 với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
Đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân
cao hơn bình quân kỳ 5 năm trước (2006 - 2010) trên cơ sở khai thác phát huy tốt
lợi thế, tiềm năng, nội lực kết hợp với sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên
ngoài; chú trọng chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền
kinh tế, phấn đấu đến kết thúc kỳ kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, kinh tế Cao Bằng
thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Tạo ra bước phát triển mới của nền kinh tế
theo hướng công nghiệp hoá. Đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân
được nâng lên rõ rệt so với hiện nay.
Đẩy mạnh và khai thác có hiệu quả quan hệ kinh tế
đối ngoại. Tăng cường đầu tư, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã
hội; bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý Nhà nước. Giữ
vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế
1.Tổng sản phẩm (GDP) năm 2015 theo giá so sánh
năm 1994 đạt 5.855 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng GDP
bình quân đạt 13,8%/năm, trong đó:
- Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 5%;
- Công nghiệp và xây dựng tăng 13,6%;
- Dịch vụ tăng 18%;
- GDP bình quân đầu người đạt trên 1.100 USD.
2. Tỷ trọng cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP đến
năm 2015, trong đó:
- Công nghiệp - xây dựng 26,6%;
- Nông - lâm - ngư nghiệp 24,6%;
- Dịch vụ 48,8%.
3. Tổng sản lượng lương thực có hạt 250 ngàn tấn;
giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 25 triệu đồng/ha.
4. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn
tăng bình quân trên 27%/năm.
5. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân
trên 17%/năm.
6. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân
trên 10%/năm.
b) Về xã hội
1. Đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ
tuổi và phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
2. Giảm tỷ suất sinh trung bình hàng năm 0,2%o;
tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,4%.
3. Đến năm 2015, có trên 7,5 bác sỹ/vạn dân; 85%
trạm y tế xã có bác sỹ; 70% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 100% nhân viên y
tế thôn bản đạt trình độ y tá sơ cấp.
4. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm
trung bình 0,6%/năm, đến năm 2015 giảm xuống dưới 20%.
5. Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá 80%; tỷ
lệ làng, xóm, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hoá 52%; số cơ quan đạt tiêu chuẩn
văn hoá 90%; số đơn vị cơ sở có nhà văn hoá 60%.
6. Tỷ lệ hộ nghèo: giảm bình quân mỗi năm từ 3%
trở lên.
7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 34%, trong đó qua
đào tạo nghề 23%. Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thị xã, thị trấn còn dưới 4,8%; tỷ lệ
sử dụng lao động ở nông thôn 85%.
c) Về môi trường
1. Tỷ lệ che phủ rừng 54%.
2. Phấn đấu đạt trên 95% dân cư thành thị được
dùng nước sạch và trên 94% dân cư nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ
sinh.
II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các
quy hoạch đã được phê duyệt như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
tỉnh đến năm 2020, các quy hoạch ngành, lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp,
giao thông, đất đai, rừng, vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến khoáng sản, chế
biến nông - lâm sản, du lịch, đô thị, cửa khẩu...), nâng cao chất lượng các quy
hoạch. Thực hiện đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch theo hướng phát huy tối
đa những tác động tích cực của thị trường.
2. Khai thác lợi thế tự nhiên của các địa phương
trong tỉnh, duy trì và mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đối
với các vùng sản xuất đã có. Đầu tư sản xuất các sản phẩm mới đang có nhu cầu lớn,
ổn định trên thị trường; phát triển vùng cây ăn quả, rau, đậu theo hướng sản xuất
an toàn, sản xuất lạc hàng hoá, mở rộng vùng mía tập trung tạo nguồn nguyên liệu
cho chế biến và cho xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân
chăn nuôi phát triển đàn bò thành hàng hoá. Khuyến khích tạo mọi điều kiện cho
các nhà đầu tư trồng rừng sản xuất theo quy hoạch.
3. Tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp chế
biến khoáng sản, phát triển thuỷ điện, sản xuất vật liệu xây dựng. Hỗ trợ khuyến
khích phát triển làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển nông nghiệp
nông thôn và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khai thác sử dụng hợp lý, có hiệu quả
tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường.
Cân đối vùng nguyên liệu để các nhà máy chế biến
khoáng sản đang hoạt động đã có sản phẩm trong năm 2010 và những năm trước đảm
bảo sản xuất ổn định và phát huy tối đa công suất, góp phần tăng giá trị sản xuất
công nghiệp.
Bắt đầu từ những năm đầu kỳ kế hoạch (2011,
2012) phải đôn đốc chỉ đạo các chủ đầu tư sớm đưa các nhà máy chế biến khoáng sản
vào sản xuất đảm bảo ổn định, để tạo ra sản phẩm như: nhà máy phôi thép và sắt
xốp huyện Hoà An; nhà máy sản xuất man gan silico Phong Châu, huyện Trùng
Khánh; lò cao luyện gang 30 - 4, xã Chu Trinh, huyện Hoà An; nhà máy chì - kẽm
huyện Bảo Lâm.
Khẩn trương thi công, lắp đặt thiết bị và chạy
thử nhà máy liên hợp luyện gang thép Chu Trinh, huyện Hoà An trong năm 2012.
Các dự án chế biến khoáng sản khác như: đồng, niken, boxit... cần khẩn trương
triển khai đưa vào hoạt động chậm nhất là năm 2013.
Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án thuỷ điện
vừa và nhỏ trên địa bàn, đưa nhà máy thuỷ điện Bản Rạ huyện Trùng Khánh, nhà
máy thuỷ điện Hoa Thám huyện Nguyên Bình vào vận hành trong năm 2011.
Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng
thường xuyên đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án; tiếp tục rà
soát các dự án công nghiệp triển khai chậm tiến độ, đề xuất với Uỷ ban nhân dân
tỉnh thu hồi giấy phép giao cho các nhà đầu tư khác thực hiện.
4. Tạo bước phát triển vượt bậc của khu vực dịch
vụ; tích cực vận động, xúc tiến thương mại và đầu tư thông qua các hình thức hội
chợ thương mại quốc tế, đăng ký danh mục gọi vốn đầu tư nước ngoài... đẩy mạnh
hoạt động xuất nhập khẩu và hợp tác phát triển du lịch với Trung Quốc. Ngành
ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo nhu cầu vay vốn phát
triển sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ đầu tư kết cấu
hạ tầng, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung ban hành cơ chế chính sách
thu hút các nhà đầu tư vào khai thác tiềm năng, phát triển du lịch của tỉnh.
Trước hết tập trung vào những khu vực trọng điểm sau:
- Khu di tích lịch sử Pác Bó: tập trung nguồn lực
để đầu tư hoàn thành các hạng mục dự án xây dựng và tôn tạo khu di tích lịch sử
Pác Bó theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguồn vốn Nhà nước hỗ
trợ đầu tư các hạng mục hạ tầng giao thông, điện, nước; đồng thời kêu gọi vốn
các nhà đầu tư đầu tư vào các hạng mục có khả năng kinh doanh thu hồi vốn như
nhà nghỉ, nhà hàng...;
- Khu thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh: khẩn
trương lập quy hoạch xây dựng chi tiết, Nhà nước tiếp tục đầu tư các hạng mục hạ
tầng thiết yếu, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư các hạng mục như nhà
nghỉ, khu vui chơi giải trí, nhà hàng...;
- Khu sinh thái Phia Oắc - Phia Đén: khẩn trương
lập quy hoạch xây dựng chi tiết, công bố quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư đầu
tư các hạng mục theo quy hoạch.
5. Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
- Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
khu công nghiệp Đề Thám.
- Khẩn trương điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết
khu đô thị mới Đề Thám. Trước hết có kế hoạch huy động và dành một khoản kinh
phí đáng kể ưu tiên cho giải phóng mặt bằng và san gạt tổng thể khu đô thị Đề
Thám. Triển khai các dự án hạ tầng quan trọng theo quy hoạch điều chỉnh như: hạ
tầng khu tái định cư, đường trục chính trong đô thị, giao thông nội vùng, điện,
cấp thoát nước, thông tin liên lạc, trung tâm hội nghị tỉnh, các công sở của tỉnh...
tiếp tục chỉnh trang khu đô thị cũ, tạo sự hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đô thị, đảm
bảo các điều kiện đưa thị xã Cao Bằng trở thành thành phố trong 5 năm tới;
- Tập trung đầu tư hạ tầng các khu kinh tế cửa
khẩu, trọng tâm là cửa khẩu Tà Lùng, cửa khẩu Trà Lĩnh, trước hết ưu tiên đầu
tư hoàn thành dứt điểm hạ tầng giao thông ra các cửa khẩu, trạm kiểm soát liên
hợp, quốc môn (cửa khẩu Trà Lĩnh) bến bãi đỗ xe, quay xe... đồng thời có cơ chế
chính sách thuận lợi nhằm khai thác phát huy hiệu quả các cơ sở đã đầu tư như:
chợ cửa khẩu Tà Lùng, trung tâm thương mại cửa khẩu Trà Lĩnh, chợ biên giới cửa
khẩu Đức Long huyện Thạch An. Xúc tiến xây dựng khu hợp tác xuyên biên giới
Long Bang (Quảng Tây, Trung Quốc) - Hùng Quốc, Trà Lĩnh (Cao Bằng);
- Tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến tỉnh lộ,
đường hành lang biên giới. Tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ giao thông vận tải
nâng cấp quốc lộ 3 (đoạn Cao Bằng - Bắc Kạn) thành đường cao tốc; sớm hoàn
thành nâng cấp quốc lộ 4A; hỗ trợ nâng cấp tiếp đường 205 (Mã Phục - cửa khẩu
Trà Lĩnh) và đưa thành một nhánh của đường quốc lộ 3 (tạm gọi là nhánh QL3a);
- Đẩy nhanh tiến độ dự án các hồ chứa nước, các
chùm hồ, các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao. Khẩn
trương triển khai đầu tư xây dựng hệ thống kè chống xói lở, bảo về sông suối
biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để
đầu tư nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng nông thôn như: giao thông, thuỷ lợi,
điện, chợ, trạm xá, trường học... nhằm không ngừng đổi mới bộ mặt nông thôn của
tỉnh.
6. Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển doanh
nghiệp, hợp tác xã. Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất
kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu
tư công nghệ cao, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.
7. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn
tài chính Nhà nước và xã hội cho đầu tư phát triển. Xác định đầu tư tập trung
vào những vùng động lực và lĩnh vực trọng tâm của tỉnh. Đảm bảo môi trường tài
chính lành mạnh, bồi dưỡng và mở rộng nguồn thu ngân sách.
8. Đẩy mạnh xã hội hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá
nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Chú trọng phát triển giáo dục, dạy
nghề, tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển kinh tế và cho xuất khẩu lao động.
Quan tâm hỗ trợ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em
khuyết tật, người ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Chú trọng
bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, học sinh học giỏi. Thực hiện tốt công tác đào
tạo nguồn nhân lực làm cán bộ cơ sở từ con em địa phương, người dân tộc thiểu số.
9. Nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng,
bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện và khu vực; đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động y tế;
nâng cao năng lực giám sát và khống chế dịch bệnh, nhất là đối với HIV/AIDS và
các dịch bệnh mới phát sinh. Thực hiện tốt chế độ ưu đãi, chăm sóc sức khoẻ,
khám chữa bệnh đối với các đối tượng chính sách xã hội.
10. Duy trì hợp lý tỷ lệ tăng dân số, nâng cao
chất lượng dân số; quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động. Tiếp tục
chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực
nông nghiệp, tăng tỷ trọng trong khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thực
hiện có hiệu quả chương trình xuất khẩu lao động. Thu đúng, thu đủ bảo hiểm xã
hội bắt buộc; triển khai thực hiện tốt bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất
nghiệp cho người lao động.
11. Tiếp tục xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống
của dân tộc; khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động và phát triển
sự nghiệp thể dục, thể thao, chú trọng nâng cao sức khoẻ đối với người cao tuổi,
tàn tật, trẻ em. Bảo đảm an ninh xã hội, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm,
đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
12. Chú trọng nâng cao trình độ, đời sống vật chất
và tinh thần cho phụ nữ, tạo điều kiện để thực hiện và phát huy vai trò của phụ
nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tôn trọng và bảo đảm quyền trẻ em
theo Công ước quốc tế và Pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Việt
Nam. Tiếp tục thực hiện tốt Luật Thanh niên, Chiến lược quốc gia về Phát triển
thanh niên và chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo.
13. Chủ động trong mọi tình huống, bảo vệ vững
chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quốc phòng, an ninh; đảm bảo ổn định chính
trị và trật tự, an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế và
nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh.
14. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải
cách tư pháp; củng cố và nâng cao năng lực giải quyết công việc của Trung tâm “một
cửa” tại các cơ quan, đơn vị; kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan. Tăng cường
sự phân cấp gắn với quyền hạn và nâng cao trách nhiệm. Thực hiện có hiệu quả Luật
Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường
áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ quan Nhà nước. Làm tốt
công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước nhằm không ngừng nâng cao trình độ nhận thức của mọi tầng
lớp nhân dân.
15. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp Uỷ đảng
chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, thành viên Mặt trận
Tổ quốc các cấp giám sát, động viên mọi tầng lớp nhân dân và nỗ lực vươn lên,
phát huy nội lực, tranh thủ tối đa sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, các tỉnh
bạn... triển khai, tích cực thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội 5 năm 2011 - 2015 của tỉnh.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh triển
khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng
nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân
dân tỉnh và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị
quyết này.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh
Cao Bằng khoá XIV, kỳ họp thứ 22 thông qua./.