HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
31/2024/NQ-HĐND
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 11 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY ĐỊNH ỦY QUYỀN GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ CHO CÔNG CHỨC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRÊN
ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Thực hiện khoản 4, khoản 6 Điều 14 Luật Thủ đô)
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 19
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Cán bộ,
công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ khoản 4, khoản
6 Điều 14 Luật Thủ đô ngày 28 tháng 6 năm 2024;
Xét Tờ trình số
433/TTr-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2024 của UBND Thành phố dự thảo Nghị quyết
ban hành Quy định ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp xã cho công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành
phố Hà Nội; Báo cáo thẩm tra số 94/BC-HĐND ngày 18 tháng 11 năm 2024 của Ban
Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố; Báo cáo số 441/BC-UBND ngày 19 tháng 11
năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc giải trình, tiếp thu Báo cáo thẩm
tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu
Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Chương
I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được ủy quyền giải quyết thủ tục hành
chính cho công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
1. Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp xã, công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn Thành phố.
2. Tổ chức, cá nhân có
liên quan đến các nội dung ủy quyền cho công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã
trên địa bàn Thành phố.
Điều
3. Nguyên tắc ủy quyền
1. Tuân thủ các quy định
của pháp luật; đảm bảo phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
2. Đảm bảo rõ nhiệm vụ,
rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm; công chức nhận ủy quyền chịu trách nhiệm trước
pháp luật đối với việc thực hiện ủy quyền.
3. Công chức nhận ủy quyền
không được ủy quyền lại cho cá nhân khác thực hiện nội dung đã được ủy quyền.
4. Đảm bảo đủ nguồn lực
và điều kiện cần thiết khác trong quá trình thực hiện.
Chương
II
MỘT SỐ THỦ TỤC
HÀNH CHÍNH ỦY QUYỀN CHO CÔNG CHỨC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ
Điều
4. Lĩnh vực Chứng thực
Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp xã được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch giải quyết các thủ tục
hành chính sau:
1. Chứng thực bản sao từ
bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc
chứng nhận;
2. Chứng thực chữ ký
trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật, trừ việc chứng thực chữ
ký người dịch.
Điều
5. Lĩnh vực Văn hóa
Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp xã được ủy quyền cho công chức Văn hóa - Xã hội giải quyết các thủ tục hành
chính sau:
1. Thành lập thư viện đối
với thư viện cộng đồng;
2. Sáp nhập, hợp nhất,
chia tách thư viện đối với thư viện cộng đồng;
3. Thông báo chấm dứt hoạt
động thư viện cộng đồng.
Điều
6. Lĩnh vực Bảo trợ xã hội
Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp xã được ủy quyền cho công chức Văn hóa - Xã hội giải quyết thủ tục hành
chính sau: Đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật.
Chương
III
QUYỀN HẠN,
TRÁCH NHIỆM VÀ MỨC CHI HỖ TRỢ CHO CÔNG CHỨC
Điều
7. Quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Quyền hạn của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Quyết định việc ủy quyền
cho công chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tại Quy định này. Thời hạn ủy
quyền tối đa 36 tháng; hết thời hạn ủy quyền, nếu các căn cứ không thay đổi và
việc ủy quyền đánh giá có hiệu quả, tiếp tục thực hiện ủy quyền;
b) Ban hành Quyết định thu
hồi hoặc thay đổi quyết định ủy quyền trong trường hợp cần thiết, đặc biệt khi
việc thực hiện ủy quyền không còn phù hợp hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Việc thu hồi hoặc thay đổi ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản và thông
báo cho công chức được ủy quyền và các bên liên quan, công khai trên Cổng/Trang
thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và trụ
sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Trách nhiệm của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Xác định rõ nội dung,
phạm vi, đối tượng và thời hạn ủy quyền trong văn bản ủy quyền;
b) Hướng dẫn, đảm bảo các
điều kiện, quyền lợi đầy đủ, hợp pháp trong quá trình công chức thực hiện nhiệm
vụ. Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cần thiết để công chức thực hiện chính
xác và hiệu quả các nhiệm vụ được ủy quyền;
c) Theo dõi, kiểm tra,
đánh giá việc thực hiện ủy quyền để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai
sót, vi phạm (nếu có);
d) Xử lý các vấn đề phát
sinh trong quá trình thực hiện ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện
các nhiệm vụ đã ủy quyền;
đ) Thường xuyên rà soát
các văn bản ủy quyền và điều chỉnh nếu thấy các vấn đề bất cập hoặc khi công chức
được ủy quyền không đủ năng lực, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Báo
cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với các trường hợp thu hồi hoặc thay
đổi quyết định ủy quyền.
Điều
8. Quyền hạn và trách nhiệm của công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã được ủy
quyền
1. Quyền hạn của công chức
thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã được ủy quyền:
a) Được xử lý và quyết định
về hồ sơ thuộc các lĩnh vực được ủy quyền;
b) Được yêu cầu và phối hợp
với các cơ quan, cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo
các nhiệm vụ được giải quyết đúng quy định;
c) Được đưa ra quyết định,
giải pháp hoặc biện pháp xử lý đối với các vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ được
giao, phù hợp với quy định pháp luật và chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã;
d) Từ chối thực hiện nhiệm
vụ không thuộc phạm vi ủy quyền và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để
có ý kiến chỉ đạo trong các tình huống vượt quá thẩm quyền hoặc có nội dung phức
tạp cần giải quyết;
đ) Đề xuất các giải pháp,
biện pháp hoặc kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về các vấn đề phát
sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền;
e) Được bảo vệ về mặt
pháp lý và quyền lợi cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo nội dung được
ủy quyền;
g) Được đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao năng lực chuyên môn và chế độ hỗ trợ theo quy định.
2. Trách nhiệm của công
chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã được ủy quyền:
a) Thực hiện đúng nội
dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền;
b) Chịu trách nhiệm trước
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và pháp luật về nhiệm vụ được ủy quyền. Trường
hợp để xảy ra sai sót, vi phạm pháp luật hoặc gây thiệt hại do thực hiện không
đúng nhiệm vụ được ủy quyền, công chức được ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật;
c) Đảm bảo tính hợp pháp,
chính xác và minh bạch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
d) Định kỳ báo cáo và
thông tin đầy đủ, kịp thời cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
kết quả thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền, đặc biệt là những vấn đề phát sinh hoặc
các quyết định quan trọng;
đ) Bảo mật thông tin và
giữ gìn tài sản liên quan đến nhiệm vụ được ủy quyền.
Điều
9. Mức chi hỗ trợ hằng tháng đối với công chức được ủy quyền
1. Mức hỗ trợ hằng tháng
đối với công chức được ủy quyền tại khoản 4, khoản 6, Điều 14 Luật Thủ đô bằng
15% mức lương cơ sở/người/tháng.
2. Nguồn kinh phí thực hiện:
Ngân sách quận, huyện, thị xã.
Chương
IV
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều
10. Trách nhiệm thi hành
1. Ủy ban nhân dân Thành
phố:
a) Căn cứ Nghị quyết của
Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn
vị tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố theo
đúng quy định. Thường xuyên rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung nội dung ủy
quyền.
b) Chỉ đạo các cơ quan
chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban
nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối
với nội dung ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cho công chức thuộc Ủy
ban nhân dân cấp xã; hằng năm rà soát, đề xuất các nội dung ủy quyền cho công
chức cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố
xem xét, quyết định.
2. Thường trực Hội đồng
nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố, các Tổ đại biểu Hội
đồng nhân dân Thành phố và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc
thực hiện Nghị quyết.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội phối hợp
tuyên truyền và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội
đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 19 tháng
11 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ: Nội vụ; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương
binh và xã hội; Tài chính;
- Thường trực Thành ủy Hà Nội;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ TP;
- Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội;
- Đại biểu HĐND Thành phố;
- Các Ban Đảng TU, Văn phòng TU;
- Các Ban của HĐND Thành phố;
- VP Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố;
- Văn phòng UBND Thành phố;
- Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội TP;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Trung tâm thông tin điện tử TP;
- Trang TTĐT của Đoàn ĐBQH&HĐND TP;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Tuấn
|