HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 25/NQ-HĐND
|
Đồng Nai, ngày 08
tháng 7 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 8 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021-2026
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội
đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn
tại Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Khóa X.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những nội
dung chất vấn và trả lời chất vấn đã tập trung vào những vấn đề quan trọng được
cử tri và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm. Các đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh đặt câu hỏi chất vấn rõ cả về nội dung và đối tượng chất vấn. Việc trả
lời chất vấn của người được chất vấn đã thể hiện được tinh thần thẳng thắn,
trách nhiệm, nhất là những vấn đề còn hạn chế trong công tác quản lý nhà nước
theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận các giải pháp, cam kết của
UBND tỉnh, các sở, ngành đã trả lời đối với các nội dung đại biểu chất vấn tại
Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các
sở, ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện những cam kết, các giải pháp đồng bộ để
khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản
lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Hội đồng
nhân dân tỉnh tại các kỳ họp thường kỳ tiếp theo, cụ thể như sau:
1. Về thực hiện chính sách hưởng
bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động
1.1. Đánh giá
1.1.1. Thực trạng
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, kể từ
ngày thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày
22/6/2015 Quốc hội khóa XIII về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội
một lần đối với người lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã giải quyết hưởng
Bảo hiểm xã hội một lần cho 286.686 lượt người, số lượng năm sau luôn cao hơn
năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm gần 10%. Đa số người lao động đề
nghị giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần có thời gian tham gia đóng bảo
hiểm xã hội ngắn. Ngành Bảo hiểm xã hội đã phối hợp tập trung vào công tác truyền
thông và các giải pháp thực hiện khác, tuy nhiên tình trạng người nghỉ việc hướng
trợ cấp một lần vẫn đáng lo ngại.
1.1.2. Nguyên nhân
Số người nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần tại tỉnh
Đồng Nai tăng qua từng năm, tập trung vào các nhóm nguyên nhân chủ yếu: (1) Do
quy định của pháp luật tạo thuận lợi cho người lao động rút bảo hiểm xã hội một
lần; (2) Do nhận thức của người tham gia bảo hiểm; (3) Do những khó khăn trong
cuộc sống sau dịch bệnh Covid-19 và sự biến động thường xuyên về lao động trong
các doanh nghiệp; (4) Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, sâu rộng;
(5) vẫn còn nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội nên người lao động có
thể tiếp tục làm việc mà không phải đóng bảo hiểm xã hội (do thu nhập có thể
cao hơn).
1.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện của các
cơ quan, đơn vị
- Ủy ban nhân dân tỉnh: Tiếp tục quan tâm chỉ
đạo các ngành, địa phương phối hợp với Cơ quan Bảo hiểm xã hội tăng cường công
tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ về những bất lợi của việc rút bảo hiểm
xã hội một lần và lợi ích của chế độ hưu trí, quyền an sinh của mỗi người dân
và xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện
điều kiện làm việc cho người lao động nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động,
giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và tiếp tục đồng hành với người sử
dụng lao động trong sản xuất, kinh doanh.
- Bảo hiểm xã hội tỉnh:
+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa
phương tuyên truyền sâu, rộng về ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hàng
tháng; nhấn mạnh những ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân khi người lao động lựa
chọn nhận Bảo hiểm xã hội một lần. Tuyên truyền về quá trình sửa đổi chính sách
bảo hiểm xã hội để người lao động nám bắt và hiểu rõ mục đích, tính ưu việt của
việc sửa đổi những bất cập của chính sách.
+ Ngoài giải pháp truyền thông, xây dựng giải pháp
cụ thể theo các nguyên nhân đã được xác định nhàm giảm thiểu tỷ lệ người lao động
trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần trên địa bàn tỉnh.
+ Phối hợp với các sở, ngành để nâng cao tỷ lệ người
lao động đóng bảo hiểm xã hội, giảm tỷ lệ trốn đóng bảo hiểm xã hội của các
doanh nghiệp.
2. Về cấp nước sạch nông thôn
2.1. Đánh giá
2.1.1. Kết quả thực hiện
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 83 công trình
cấp nước sạch tập trung nông thôn, trong đó 71 công trình đang hoạt động với
công suất thiết kế là 56.701 m3/ngày đêm, công suất cấp nước thực tế
là 32.692 m3/ngày đêm (đạt 57,66%); 12 công trình ngừng hoạt động,
trong đó: 04 công trình đang được sửa chữa, nâng cấp; 8 công trình ngưng hoạt động
chờ thanh lý. Tính đến tháng 6 năm 2022, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn
tỉnh sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 82,23%, ước thực hiện hết năm 2022 tỷ
lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt
82,5% (đạt mục tiêu đến cuối năm 2022 là 82,5%).
- Về hiệu quả hoạt động của công trình cấp nước tập
trung nông thôn: Số công trình hoạt động bền vững: 28 công trình, tỷ lệ 33,7 %;
tương đối bền vững: 20 công trình, tỷ lệ 24,1%; hoạt động kém bền vững: 23 công
trình, tỷ lệ 27,7%; không hoạt động: 12 công trình, tỷ lệ 14,5 % (trong đó 04
công trình xin thanh lý; 08 công trình đang nâng cấp).
2.1.2. Những hạn chế và nguyên nhân
Trong quá trình triển khai lập đầu tư xây dựng các
dự án cấp nước sạch tập trung nông thôn, chủ đầu tư đã phối hợp với địa phương
tổ chức khảo sát, họp lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của người dân. Tuy
nhiên, khi công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn đi vào vận hành, khai
thác, một số khu vực dân cư có tuyến đường ống đi qua nhưng người dân không lắp
đặt đồng hồ sử dụng nước mà vẫn tiếp tục thói quen sử dụng nước từ giếng khoan,
giếng đào, thiết bị lọc nhỏ lẻ hộ gia đình trong sinh hoạt.
Việc đầu tư các công trình cấp nước ở khu vực nông
thôn đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn lâu do đó chưa đảm bảo yếu
tố hấp dẫn cho các nhà đầu tư để đầu tư vào thị trường cấp nước ở khu vực nông
thôn.
Công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng
nước sạch của địa phương chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo được sự chuyển biến rõ
nét về nhận thức sử dụng nước sạch đối với người dân.
2.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện của các
cơ quan, đơn vị
- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố: Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ,
đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện Đề án cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn
2021-2025 nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, có giải pháp khắc phục để hoàn
thành mục tiêu đã đề ra.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì
thực hiện:
+ Phối hợp các địa phương, các ngành liên quan xác
định nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục thực trạng hộ dân thuộc các tuyến
đường đã có đường ống cấp nước nhưng vẫn chưa đăng ký sử dụng; giải pháp đảm bảo
chất lượng nguồn nước cung cấp để thu hút người dân sử dụng tại địa bàn xã Đồi
61, huyện Trảng Bom.
+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo
định kỳ công tác quản lý các công trình cấp nước tập trung nông thôn; thường
xuyên đôn đốc việc sửa chữa, nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công
trình.
+ Rà soát, đánh giá công tác quản lý, vận hành công
trình cấp nước tập trung nông thôn, đề xuất mô hình quản lý, vận hành phù hợp với
quy mô công trình, điều kiện của từng địa phương.
+ Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ nhân sự quản
lý vận hành công trình có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đủ năng lực, kinh nghiệm
quản lý vận hành theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành và mang tính chuyên nghiệp.
- Sở Xây dựng: Quản lý, rà soát, bổ sung mạng
lưới đường ống cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện đấu nối,
cung cấp nước sạch đến các khu vực nông thôn chưa có hệ thống cung cấp nước sạch
cho người dân.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn thủ tục đầu
tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch
nông thôn; cân đối nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tham mưu đề xuất Ủy ban
nhân dân tỉnh đầu tư thực hiện các dự án nước sạch nông thôn.
- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý tài sản tại các công trình cấp
nước sạch nông thôn được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách theo quy định. Thường
xuyên rà soát, phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh khung giá nước
sạch nông thôn để đảm bảo thu đủ chi phí vận hành công trình.
- Sở Y tế: Tổ chức kiểm tra, giám sát chất
lượng nước tại các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn theo quy định của
Bộ Y tế. Đồng thời, tiến hành kiểm tra chất lượng nguồn nước ở các giếng khoan
để khuyến cáo người dân về chất lượng nguồn nước đang sử dụng chưa đạt chuẩn
theo quy định (nếu có), qua đó vận động người dân sử dụng nguồn nước sạch nông
thôn đã được đầu tư trên địa bàn.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối
hợp với các Sở, ngành hướng dẫn các địa phương thực hiện xử lý, trám lấp các giếng
khoan, giếng đào không sử dụng theo quy định. Rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân
tỉnh không cấp phép khai thác nước dưới đất đối với những khu vực đã có nguồn
nước từ các công trình cấp nước mặt trên địa bàn.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
+ Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, nhằm
nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch nông thôn trong việc bảo
vệ sức khỏe. Đồng thời, vận động người dân lắp đặt đồng hồ nước nhằm đảm bảo nguồn
nước sạch cho người dân sử dụng. Rà soát quy hoạch các dự án cung cấp nước sạch
nông thôn trên địa bàn để triển khai thực hiện.
+ Phối hợp kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại
các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn theo quy định của Bộ Y tế.
3. Công tác phòng, chống tai nạn
đuối nước cho trẻ em, học sinh
3.1. Đánh giá
3.1.1. Kết quả thực hiện
Trong những năm qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
đã ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Ban điều hành và Nhóm công tác
liên ngành bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tỉnh Đồng Nai, trong đó giao trách
nhiệm các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban Điều hành có trách nhiệm
chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ
em trên địa bàn tỉnh theo lĩnh vực được phân công.
Việc triển khai thực hiện mục tiêu về phòng, chống
tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là việc thực hiện về giảm tỷ lệ trẻ em bị tử
vong do tai nạn thương tích nói chung và giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước nói
riêng ở Đồng Nai thực hiện khá tốt (số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước giai
đoạn 2016 - 2020 giảm 27% so với giai đoạn 2011-2015; đối với mục tiêu của
Chính phủ giai đoạn 2021 - 2030 là giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn,
thương tích năm 2025 xuống còn 16/100.000 trẻ em, Đồng Nai thực hiện năm 2021
giảm còn 3/100.000 trẻ em).
3.1.2. Những hạn chế và nguyên nhân
Đồng Nai là tỉnh có địa hình phức tạp, có nhiều
sông ngòi, ao hồ; môi trường sống xung quanh còn tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn
thương tích, đuối nước trẻ em. Công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ
em tại một số địa phương trong tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Các địa phương
còn hạn chế trong việc tổ chức kiểm tra, chỉ đạo cắm biển báo các nơi nguy hiểm.
Các hoạt động vui chơi cho trẻ em tại nhiều địa phương chưa được đầu tư, tổ chức
rộng rãi. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở thiếu sự ổn
định; công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền
phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em chưa thường xuyên, hiệu quả.
Việc triển khai đề án dạy bơi trong trường học còn
hạn chế (Công tác tuyên truyền, tập huấn cho các em về kỹ năng phòng, chống đuối
nước chưa được nhà trường quan tâm đúng mức; các giải pháp về xây dựng hồ bơi
trong các trường học tiểu học chưa khả thi; việc xã hội hóa xây dựng hồ bơi
trong trường học rất khó thực hiện vì kinh phí xây dựng và vận hành hồ bơi
cao...).
3.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện của
các cơ quan, đơn vị
- Ủy ban nhân dân tỉnh: Tăng cường chỉ đạo sự
phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể; sự tham gia của mỗi gia
đình, cá nhân và cả cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng môi trường
sống đảm bảo an toàn cho trẻ em.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ
trì thực hiện đa dạng các hoạt động truyền thông về phòng, chống tai nạn,
thương tích, đuối nước trẻ em; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công
tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Phối hợp với các ngành tăng cường công tác
kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối
nước trẻ em tại các địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra tai
nạn thương tích, đuối nước trẻ em.
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Tăng cường tuyên
truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên y tế trường học, cán bộ
quản lý giáo dục các cấp về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; giáo dục
kỹ năng bơi an toàn, kỹ năng phòng tránh đuối nước cho học sinh. Thực hiện tốt
công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh
trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn
thương tích, đuối nước trẻ em.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hướng dẫn
các địa phương tổ chức dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước
cho trẻ em. Nghiên cứu, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nội
dung hướng dẫn cách xử lý tình huống khi xảy ra sự cố dưới nước để giúp trẻ em
có kỹ năng ứng xử khi tình huống xảy ra. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc
thực hiện các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn phòng, chống
tai nạn, thương tích trẻ em tại các cơ sở dịch vụ và hoạt động luyện tập thể dục,
thể thao, vui chơi giải trí, du lịch.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ
trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành tổ chức rà soát lại hệ
thống hồ, đập thủy lợi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh;
tăng cường chỉ đạo, giám sát các tổ chức, cá nhân đang sở hữu các ao, hồ, đập...
tiến hành làm rào chắn an toàn, lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm theo quy định
đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước, đảm bảo an toàn
cho người dân và trẻ em.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối
hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc
lấp bỏ các ao, hồ, giếng nước... không còn nhu cầu sử dụng; kiểm tra, xử lý các
mỏ đất, đá, cát... khai thác xong nhưng chưa hoàn trả lại mặt bằng, tạo các hố
sâu gây nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước trẻ em.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp đẩy
mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của
các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng về phòng, chống tai nạn
thương tích, đuối nước trẻ em; tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp
cứu cho trẻ em bị đuối nước.
- Các cơ quan Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh Truyền
hình Đồng Nai: Chủ động tăng thời lượng phát thanh, phát sóng, số lượng tin
bài và nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương
tích trẻ em.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Triển
khai các biện pháp, giải pháp xây dựng môi trường an toàn, thực hiện các giải
pháp kiểm soát, giảm tai nạn, thương tích trẻ em; bố trí ngân sách địa phương,
nhân lực phù hợp để thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Khảo sát, rà soát các địa điểm phù hợp để xây dựng hồ bơi cho trẻ em tại các
trường học, xã hoặc liên xã; khuyến khích thực hiện xã hội hóa xây dựng hồ bơi
trên địa bàn. Xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em tại địa phương; tuyên truyền, vận động người dân, gia đình
thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian các em nghỉ học,
nghỉ hè, mùa mưa bão...
4. Về tình trạng ngập nước ở
các tuyến đường đô thị
4.1. Đánh giá
4.1.1. Kết quả thực hiện
Kết quả thực hiện các giải pháp xử lý ngập nước
trên địa bàn thành phố Biên Hòa đến cuối năm 2019 đã cơ bản khắc phục hết ngập
đạt khoảng 88% (22/25 điểm ngập). Đối với 03 điểm ngập còn tồn đọng đã có giải
pháp khắc phục thông qua việc đầu tư xây dựng các công trình thoát nước. Cụ thể:
+ Điểm ngập khu vực vòng xoay cổng 11: đang
được Ban quản lý dự án Biên Hòa (chủ đầu tư) thi công xây dựng cống thoát nước,
khối lượng đạt khoảng 65%, dự kiến hoàn thành trong quí III năm 2022.
+ Điểm ngập trên đường Quốc lộ 51, đoạn trước chợ
Long Bình Tân đến cầu Long Bình: Đang được Ban quản lý dự án Biên Hòa (chủ
đầu tư) thi công xây dựng cống thoát nước, đã hoàn thành đoạn 1 thoát nước khu
vực Trường PTTH Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn còn lại thoát ra sông Đồng Nai sẽ thi
công vào cuối năm 2022 và hoàn thành trước mùa mưa năm 2023.
+ Điểm ngập trên đường Đồng Khởi, đoạn cầu Đồng
Khởi: Đã có dự án thoát nước, sử dụng vốn ngân sách tỉnh do Ban quản lý dự
án Biên Hòa làm chủ đầu tư, dự kiến thi công cuối năm 2022 và hoàn thành trước
mùa mưa năm 2023.
Ngoài 03 điểm ngập còn tồn đọng đã có giải pháp khắc
phục, đến nay phát sinh 5 điểm, trong đó có 01 điểm tái ngập. Cụ thể: Điểm ngập
trên đường Võ Nguyên Giáp khu vực Vườn Xoài, phường Phước Tân, thành phố Biên
Hòa; điểm ngập trên đường Phùng Hưng (đoạn qua địa bàn huyện Long Thành và
thành phố Biên Hòa); khu vực gần ngã 3 Công an phường Trảng Dài; khu vực gần
ngã 3 đường Đồng Khởi đoạn đầu vào đường Bùi Trọng Nghĩa phường Trảng Dài; điểm
ngập tổ 27, khu phố 3, phường Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa. Sở Xây dựng và Ủy
ban nhân dân thành phố Biên Hòa đang phối hợp thực hiện một số giải pháp khắc
phục đối với 5 điểm ngập phát sinh trên bằng các dự án cụ thể.
4.1.2. Những hạn chế và nguyên nhân
Tốc độ đô thị hóa cao tạo áp lực cho hệ thống hạ tầng
hiện hữu đô thị; tình trạng rác thải (nhất là rác thải nhựa) chưa được thu gom
triệt để dẫn đến ứ đọng ngay các hố ga, cửa thu nước gây tắc nghẽn; hệ thống cống
thoát nước hiện hữu không đủ khả năng tiếp nhận và tiêu thoát, hiện nay các đơn
vị khai thác vận hành các tuyến đường mới chỉ cải tạo, duy tu cục bộ tại một số
đoạn; tình trạng bê tông hóa mạng lưới các tuyến đường hẻm kết nối với các tuyến
trục chính nhưng chưa đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom thoát nước mưa; tình trạng
lấn chiếm các rạch, suối chưa được xử lý triệt để, nhất là trên địa bàn thành
phố Biên Hòa. Giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng tiến độ triển khai các dự án
chống ngập.
4.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện của
các cơ quan, đơn vị
- Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ đạo các sở,
ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai
thực hiện hoàn thành các công trình thoát nước đã có chủ trương đầu tư và những
điểm ngập mới phát sinh sớm khắc phục tình trạng ngập nước trên địa bàn.
- Sở Xây dựng: Chủ trì, tiếp tục theo dõi và
phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan triển
khai thực hiện các giải pháp và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý triệt để các
vấn đề về ngập úng tại các đô thị, nhất là đô thị Biên Hòa. Cụ thể:
+ Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, huyện Long
Thành, Nhơn Trạch và Ban Quản lý dự án đầu tư của tỉnh tập trung triển khai thực
hiện các giải pháp, tích cực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng,
tiến độ thi công và hoàn thành các dự án, công trình thoát nước trên địa bàn; báo
cáo khó khăn vướng mắc để kịp thời xử lý.
+ Tăng cường kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, thường
xuyên nạo vét bùn, khơi thông cống rãnh, kênh mương. Đặc biệt, công tác thu gom
rác thải, tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân không xả rác gây tắc
nghẽn dòng chảy.
+ Thường xuyên đánh giá, dự báo các điểm ngập phát
sinh mới để kịp thời có phương án xử lý. Đồng thời rà soát quy hoạch các công
trình thoát nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để
triển khai thực hiện.
+ Giám sát các đơn vị trực tiếp khai thác, vận hành
các tuyến đường do Sở Giao thông - Vận tải quản lý; tiếp tục có giải pháp cải tạo
mặt đường, xử lý nước đọng, bùn đất trên các tuyến đường, nhất là trong mùa
mưa.
Điều 3. Thời hạn khắc phục hạn
chế và báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về chất vấn
Thời hạn khắc phục những hạn chế được xác định tại
Nghị quyết này thực hiện trong thời gian còn lại của năm 2022. Đối với các nội
dung cần có thời gian thực hiện do thuộc các chỉ tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn
được thực hiện và báo cáo kết quả hàng năm tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng
nhân dân tỉnh.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc các sở, ngành
liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức chỉ
đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này; báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp
cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh, dự kiến tổ chức trong tháng 12 năm 2022.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng
nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này theo luật định.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và
các tổ chức thành viên giám sát, vận động các tổ chức, nhân dân cùng tham gia
giám sát việc thực hiện Nghị quyết; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của
nhân dân, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng
Nai khóa X Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 08 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực từ
ngày 08 tháng 7 năm 2021./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội (A + B);
- Văn phòng Chính phủ (A + B);
- Cục Kiểm tra VB.QPPL - Bộ Tư pháp;
- Đ/c Bí thư Tỉnh ủy;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- VKSND, TAND, CTHADS tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, ĐĐBQH&HĐND, UBND tỉnh,
- Thường trực HĐND, UBND cấp huyện;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai;
- Lưu: VT, P.DNTT.
|
CHỦ TỊCH
Thái Bảo
|