HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
14/2013/NQ-HĐND
|
Hà Nội, ngày
17 tháng 7 năm 2013
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHÍNH SÁCH
TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI TRONG XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ
(Theo khoản 2
Điều 13 Luật Thủ đô)
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 7
(Từ ngày
01/7/2013 đến ngày 06/7/2013)
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 16 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng
12 năm 2002;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26
tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen
thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng
11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm
2010;
Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21 tháng 11 năm 2012;
Xét Tờ trình số 55/TTr-UBND, ngày 24/6/2013
của Uỷ ban nhân dân Thành phố về việc đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố ban
hành Nghị quyết về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển
Thủ đô; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của các
Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định chính sách trọng dụng
nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học
tập, công tác và lao động, bao gồm:
1. Tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các cơ sở đào
tạo đại học ngành, chuyên ngành Thành phố đang có nhu cầu.
2. Tiến sĩ có công trình, đề án khoa học và
chuyên ngành đào tạo đáp ứng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của
Thủ đô.
3. Bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp II,
dược sĩ chuyên khoa cấp II.
4. Giáo viên, giảng viên có thành tích huấn
luyện học sinh, sinh viên đạt giải nhất, nhì trong các kỳ thi học sinh giỏi,
sinh viên xuất sắc, thi tay nghề cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế; huấn luyện
viên có thành tích huấn luyện vận động viên đoạt giải theo quy định tại khoản 5
Điều này.
5. Vận động viên, văn nghệ sỹ đoạt huy chương
vàng hoặc giải nhất tại các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia; huy chương vàng, huy
chương bạc hoặc giải nhất, nhì tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới.
6. Chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ
nhân, người được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, có sáng kiến, công
trình, giải pháp mang tính đột phá được ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế -
xã hội của Thủ đô.
Chương II
THU HÚT, SỬ DỤNG, ĐÃI NGỘ NHÂN TÀI
Điều 3. Chính sách tuyển dụng và đãi ngộ
1. Đối với các đối tượng quy định tại các khoản
1, 2, 3, 4, 5 Điều 2 của Nghị quyết này đáp ứng đủ các điều kiện quy định của
Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức về tuyển dụng và đáp ứng vị trí việc làm
của các cơ quan, đơn vị cần tuyển được hưởng chính sách đãi ngộ như sau:
a) Được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua
thi tuyển;
b) Được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần
bằng 20 (hai mươi) lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp
nhận;
c) Sau 02 (hai) năm công tác kể từ thời điểm có
quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc
nước ngoài, được Thành phố hỗ trợ kinh phí như sau:
- Đào tạo sau đại học ở trong nước, bác sĩ
chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II được hưởng kinh phí hỗ trợ đào
tạo gồm: tiền học phí, tiền hỗ trợ hàng tháng đi học bằng 1,5 mức lương tối
thiểu, hỗ trợ bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng 30 lần mức lương tối thiểu, luận
án tốt nghiệp Tiến sĩ bằng 80 lần mức lương tối thiểu;
- Đào tạo sau đại học ở nước ngoài được hỗ trợ
kinh phí đào tạo nếu Thành phố có chương trình hợp tác cụ thể với nước ngoài
hoặc được hỗ trợ hàng tháng thực học bằng 5 lần mức lương tối thiểu nếu đi học
sau đại học không dùng ngân sách của Thành phố.
2. Đối với các đối tượng quy định tại khoản 6
Điều 2 của Nghị quyết này được hưởng chính sách đãi ngộ như sau:
a) Nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện, tiêu
chuẩn theo quy định được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển vào
công chức, viên chức được xếp ngạch bậc lương theo quy định của pháp luật;
b) Được cung cấp thông tin liên quan đến công
trình đề án và hỗ trợ kinh phí phục vụ nghiên cứu;
c) Được hỗ trợ phương tiện đi lại, phương tiện
làm việc, nghiên cứu;
d) Được trả thù lao theo hợp đồng thỏa thuận
trên cơ sở số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc. Trường hợp thỏa thuận mức
chi trả đối với việc thực hiện công trình, dự án đặc biệt, đột xuất vượt dự
toán ngân sách bố trí trong năm của Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố thống
nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố trước khi quyết định và báo
cáo Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp gần nhất.
Điều 4. Nghĩa vụ, trách nhiệm
1. Các đối tượng được tiếp nhận hoặc tuyển dụng
đặc cách ngoài việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm quy định của Luật Cán bộ,
công chức, Luật Viên chức phải cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc
thành phố Hà Nội ít nhất 7 năm, kể từ thời điểm được tiếp nhận hoặc tuyển dụng
đặc cách, không tính thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và thời gian cam
kết phục vụ sau đào tạo, bồi dưỡng.
2. Các trường hợp tự ý vi phạm cam kết hoặc chấm
dứt hợp đồng thỏa thuận trước thời hạn, phải hoàn trả lại các khoản kinh phí
được hỗ trợ theo quy định tại chính sách này.
Chương III
TUYÊN DƯƠNG, KHEN THƯỞNG
Điều 5. Tuyên dương, khen thưởng thủ khoa
xuất sắc
1. Thủ khoa xuất sắc là thủ khoa tốt nghiệp hệ
chính quy, dài hạn tập trung tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học trên địa
bàn Thành phố có đóng góp tích cực trong công tác Đoàn, công tác Hội sinh viên
và phong trào Thanh niên được hội đồng xét chọn của cơ sở đào tạo đề nghị Thành
phố tuyên dương, khen thưởng.
2. Thẩm quyền xét chọn
a) Các cơ sở đào tạo đại học thành lập hội đồng
để tổ chức xét chọn Thủ khoa xuất sắc;
b) Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt danh sách
Thủ khoa xuất sắc.
3. Tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng Thủ khoa
xuất sắc.
Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức mỗi năm một
lần vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
4. Hình thức tuyên dương khen thưởng Thủ khoa
xuất sắc:
a) Tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố;
b) Được ghi danh trong sổ vàng truyền thống của
Thành phố;
c) Được nhận phần thưởng bằng tiền hoặc hiện vật.
Điều 6. Tuyên dương, khen thưởng chuyên gia
giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, người được trao tặng danh hiệu vinh dự
Nhà nước
1. Tiêu chuẩn xét chọn
a) Là người có sáng kiến, công trình, giải pháp
mang tính đột phá hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc đem lại hiệu quả kinh
tế, xã hội trong ngành, lĩnh vực của Thành phố;
b) Có tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống
chuẩn mực, có trình độ, năng lực, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo chức
trách được giao;
2. Thẩm quyền xét chọn
a) Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy chế
xét chọn người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, trong lao động
của Thành phố;
b) Các ngành của Thành phố tổ chức xét chọn, đề
cử người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, trong lao động của
ngành, lĩnh vực báo cáo Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố;
c) Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố tổ
chức tuyển chọn và xác định người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công
tác, trong lao động từ danh sách đề cử của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố;
3. Tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng
Hàng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức xét
chọn và tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao
động 1/5;
4. Hình thức tuyên dương, khen thưởng
a) Tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố;
b) Ghi danh trong sổ vàng truyền thống của Thành
phố;
5. Chính sách đãi ngộ:
a) Được nhận phần thưởng bằng tiền mặt có trị
giá bằng 10 lần (mười lần) mức lương tối thiểu tại thời điểm tuyên dương;
b) Được đăng ký và đề nghị cơ quan quản lý giao
chủ trì chương trình, đề án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn
vị;
Điều 7. Kinh phí và biên chế thực hiện chính
sách
1. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhân
tài được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm cấp cho Quỹ Ưu đãi, khuyến
khích và đào tạo tài năng của Thành phố.
2. Chỉ tiêu thực hiện thu hút nhân tài được ưu
tiên trong chỉ tiêu tuyển dụng công chức, viên chức hàng năm của các cơ quan,
đơn vị.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành
phố
1. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết
2. Tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn thi hành
Nghị quyết để xây dựng trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành chính sách
điều chỉnh hoặc thay thế cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Thủ đô.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày ký.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố,
các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát
thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành
phố Hà Nội khoá XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua./.
Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội,Văn phòng Chính phủ;
- Ban Công tác ĐBQH;
- Các Bộ, Ngành Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội;
- TT HĐND TP; UBND TP; UBMTTQ TP;
- Đại biểu HĐND TP;
- VPTU, các Ban Đảng Thành ủy;
- VPĐĐBQH&HĐNDTP; VPUBNDTP;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Công báo thành phố Hà Nội;
- Các cơ quan thông tấn,báo chí;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Ngô Thị Doãn Thanh
|