ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
----------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Nghị quyết số:
1156/2016/UBTVQH13
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 03 năm 2016
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ,
QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA BAN DÂN NGUYỆN
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật tổ chức
Quốc hội số 57/2014/QH13;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Vị trí, chức năng của Ban dân nguyện
Ban dân nguyện là cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc
hội, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban dân nguyện
1. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức
công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy
định của pháp luật về tiếp công dân.
2. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức
tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến
Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội,
Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban dân nguyện để nghiên cứu; khi cần
thiết, chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải
quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân. Tổng hợp, phân loại,
chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
giải quyết.
3. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng báo cáo tổng hợp
ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội.
4. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc
các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết, trả lời kiến
nghị của cử tri. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến
nghị của cử tri, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và
xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để trình
Quốc hội.
5. Tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức
và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công
dân theo chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội
xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công
dân để trình Quốc hội.
6. Tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý
đơn, thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của
Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ
Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, định kỳ báo cáo Ủy
ban thường vụ Quốc hội.
7. Tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn
Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các
Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân về công tác dân nguyện.
8. Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện,
nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan đến chủ
trương, chính sách, pháp luật.
9. Thực hiện nhiệm vụ khác do Ủy ban thường vụ Quốc
hội giao.
Điều 3. Tổ chức của Ban dân nguyện
Ban dân nguyện có Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban và
vụ giúp việc là Vụ dân nguyện.
Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban dân nguyện do Ủy ban thường
vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức
Tổ chức và nhiệm vụ của Vụ dân nguyện do Trưởng Ban
dân nguyện phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quy định.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban, Phó
Trưởng Ban dân nguyện
1. Trưởng Ban dân nguyện là người chịu trách nhiệm
trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của Ban dân nguyện. Trưởng
Ban dân nguyện có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức quản lý và điều hành hoạt động của Ban
dân nguyện theo nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 2 Nghị quyết này;
b) Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban thường vụ
Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; giữ mối quan hệ với Thường
trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội,
các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu
Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn của Ban dân nguyện;
c) Phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong
việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức
công chức của Vụ dân nguyện;
d) Tổ chức thực hiện công tác đối ngoại và hợp tác
quốc tế của Ban dân nguyện;
đ) Quyết định việc sử dụng kinh phí đã được phân bổ
của Ban dân nguyện.
2. Phó Trưởng Ban dân nguyện giúp Trưởng Ban dân
nguyện thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban dân nguyện. Khi Trưởng
Ban dân nguyện vắng mặt thì một Phó Trưởng Ban dân nguyện được Trưởng Ban dân
nguyện ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban dân nguyện.
Điều 5. Kinh phí và điều kiện bảo đảm
1. Ban dân nguyện có con dấu theo quy định của pháp
luật.
2. Kinh phí hoạt động của Ban dân nguyện là một khoản
trong kinh phí hoạt động của Quốc hội. Cơ sở vật chất và các điều kiện hoạt động
của Ban dân nguyện do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.
Điều 6. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7
năm 2016.
2. Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11
ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban
dân nguyện đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15 tháng 10 năm 2008 của
Ủy ban thường vụ Quốc hội hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.
|
TM. ỦY BAN THƯỜNG
VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Nguyễn Sinh Hùng
|