Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 08/2021/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Phạm Hoàng Sơn
Ngày ban hành: 11/08/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2021/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 11 tháng 8 năm 2021

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH NỘI QUY KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN KHÓA XIV, NHIỆM KỲ 2021 - 2026

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân;

Xét Tờ trình số 113/TTr-KTNS ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Ban Kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2016.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan thi hành Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 8 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 22 tháng 8 năm 2021./.


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Báo cáo);
- Chính phủ (Báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội (Báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (Báo cáo);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp (Kiểm tra);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh Khóa XIV;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Kiểm toán nhà nước Khu vực X;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Thái Nguyên, Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, TH.

CHỦ TỊCH




Phạm Hoàng Sơn

NỘI QUY

KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN KHÓA XIV, NHIỆM KỲ 2021 - 2026
(Kèm theo Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 11 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Nội quy được áp dụng trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

2. Nội quy này áp dụng đối với:

a) Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh.

c) Các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

d) Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

đ) Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

e) Các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh là hình thức hoạt động chủ yếu của Hội đồng nhân dân tỉnh. Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh gồm nhiều phiên họp. Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện các hoạt động giám sát, thảo luận và ban hành Nghị quyết về các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

2. Hội đồng nhân dân tỉnh họp thường lệ mỗi năm ít nhất hai kỳ họp. Họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất khi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu.

3. Hội đồng nhân dân tỉnh họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân tỉnh họp kín theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia.

Điều 3. Chủ tọa kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ tọa phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Chủ tọa phiên họp có trách nhiệm điều hành kỳ họp theo đúng chương trình đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, bảo đảm để Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

3. Chủ tọa phiên họp có quyền yêu cầu dừng việc trình bày các báo cáo, tờ trình; ý kiến phát biểu, chất vấn hoặc trả lời chất vấn khi người trình bày, phát biểu không đúng trọng tâm hoặc quá thời gian quy định.

4. Chủ tọa phiên họp có thể mời Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan để thảo luận, thống nhất về những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau hoặc những nội dung quan trọng, cần thiết trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Điều 4. Khai mạc, bế mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khai mạc và bế mạc kỳ họp. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh vắng mặt thì ủy quyền cho Phó Chủ tịch khai mạc và bế mạc kỳ họp.

Trước khi Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khai mạc và sau khi Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh bế mạc kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh làm lễ chào cờ (Cử quốc ca).

Điều 5. Trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu để tham gia ý kiến thảo luận, biểu quyết các vấn đề, nội dung tại kỳ họp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tham gia vào các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, văn bản xin ý kiến đại biểu (nếu có).

3. Đại biểu đến dự họp phải đúng thời gian quy định, chấp hành nội quy kỳ họp và tuân thủ sự điều hành của chủ tọa phiên họp, ngồi theo vị trí đã được sắp xếp trong hội trường. Trong giờ họp, đại biểu không trao đổi công việc riêng, không tự ý đi lại, cài đặt điện thoại ở chế độ im lặng và hạn chế sử dụng điện thoại, không đọc sách, báo, tài liệu không liên quan đến nội dung kỳ họp. Đại biểu chỉ được phát biểu khi được chủ tọa kỳ họp cho phép.

4. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh không tham dự kỳ họp, phiên họp thì phải có lý do, báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. Danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh không tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh được ghi vào biên bản kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh vắng mặt tại phiên họp được ghi vào biên bản phiên họp. Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh không tham dự các kỳ họp liên tục trong 01 năm mà không có lý do thì Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phải báo cáo Hội đồng nhân dân để bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân đó.

5. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh dự kỳ họp sử dụng trang phục lịch sự, đi giầy hoặc dép có quai hậu. Trong phiên khai mạc, bế mạc, đại biểu là nam giới thắt cà vạt, đại biểu là nữ giới mặc áo dài truyền thống; đại biểu trong các cơ quan, đơn vị có trang phục ngành thì có thể mặc trang phục của ngành; đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tôn giáo có thể mặc trang phục của dân tộc, tôn giáo...

6. Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đeo phù hiệu theo mẫu quy định và đeo ở phía bên trên ngực trái, khi bị mất phù hiệu phải báo cáo với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để cấp lại.

7. Quản lý, sử dụng tài liệu kỳ họp và thiết bị phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định; không được tiết lộ nội dung, thông tin tài liệu mật, nội dung các phiên họp kín khi chưa được người có trách nhiệm hoặc cấp có thẩm quyền công bố công khai.

Điều 6. Trách nhiệm của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm: Quản lý, đôn đốc, hướng dẫn đại biểu trong Tổ thực hiện chương trình, nội quy của kỳ họp; thực hiện một số nhiệm vụ khác do chủ tọa phân công.

2. Khi Tổ trưởng vắng mặt thì Tổ phó thực hiện nhiệm vụ của Tổ trưởng.

Điều 7. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị được mời dự kỳ họp

1. Tham gia đầy đủ các phiên họp, đúng thời gian, ngồi đúng vị trí quy định, sử dụng trang phục lịch sự, đi giầy hoặc dép có quai hậu. Trong phiên khai mạc, bế mạc, đại biểu là nam giới thắt cà vạt, đại biểu là nữ giới mặc áo dài truyền thống; đại biểu trong các cơ quan, đơn vị có trang phục ngành thì có thể mặc trang phục của ngành; khi không dự họp được phải cử người thay thế và phải báo cáo với Lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh. Nếu vắng mặt phải có báo cáo bằng văn bản được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đồng ý.

2. Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân được mời tham dự các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm tham dự các phiên họp của Hội đồng nhân dân tỉnh khi thảo luận về những vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách. Người được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách nếu được chủ tọa phiên hợp đồng ý hoặc có trách nhiệm phát biểu ý kiến theo yêu cầu của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc chủ tọa phiên họp.

Điều 8. Trách nhiệm của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Chuẩn bị nội dung, tài liệu và các điều kiện đảm bảo kỳ họp, phiên họp.

2. Sắp xếp, bố trí vị trí ngồi cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, khách mời dự kỳ họp.

3. Tổ chức, phân công phục vụ các phiên họp, kỳ họp đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Điều 9. Trách nhiệm của Tổ thư ký kỳ họp

1. Lập danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có mặt, vắng mặt trong các phiên họp và trong kỳ họp.

2. Ghi biên bản phiên họp, kỳ họp.

3. Tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến phát biểu của đại biểu tại cuộc họp Tổ đại biểu và phiên họp toàn thể.

4. Tham mưu cho chủ tọa kỳ họp trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục tại kỳ họp.

5. Trình bày dự thảo Nghị quyết trước khi Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết thông qua nếu được chủ tọa kỳ họp phân công.

6. Giúp chủ tọa kỳ họp cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về kỳ họp.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi chủ tọa kỳ họp phân công.

Điều 10. Quy định đối với phóng viên

Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong quá trình tác nghiệp tại các kỳ họp và các phiên họp của Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm:

1. Đưa tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, khách quan về các nội dung của kỳ họp theo quy định của pháp luật về báo chí.

2. Không phỏng vấn đại biểu trong giờ họp.

3. Giữ trật tự chung, trong quá trình tác nghiệp không làm ảnh hưởng đến kỳ họp.

Chương II

CHUẨN BỊ KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 11. Khách mời tham dự kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và một số cơ quan Trung ương có liên quan; Tư lệnh Quân khu I; các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.

2. Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dự khai mạc kỳ họp.

3. Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân.

4. Đại diện cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, Thường trực huyện ủy, thành ủy, thị ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện thành phố, thị xã được mời tham dự các phiên họp công khai của Hội đồng nhân dân tỉnh.

5. Đại diện đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, khách quốc tế, cơ quan báo chí và công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Hội đồng nhân dân tỉnh.

6. Danh sách khách mời, chế độ sử dụng tài liệu và vị trí chỗ ngồi của người được mời tham dự kỳ họp do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở xem xét đề nghị của Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 12. Tài liệu phục vụ kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Tài liệu kỳ họp gồm hồ sơ của các dự thảo nghị quyết, đề án của các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật và báo cáo khác thuộc nội dung của kỳ họp.

2. Hình thức lưu hành tài liệu phục vụ tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh là bản điện tử hoặc bản giấy theo quy định tại Điều 124, Điều 125 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; khoản 38 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.

3. Tài liệu chính thức (Bản điện tử, bản giấy và các tài liệu khác như video, hình ảnh minh họa...) của kỳ họp được gửi thông qua hệ thống quản lý điều hành nội bộ, phần mềm phòng họp không giấy tờ (Ecabinet) và gửi trực tiếp cho đại biểu (Bằng bản giấy đối với văn bản quy phạm pháp luật), đồng thời đăng tải trên Trang thông tin điện tử hdnd.thainguyen.gov.vn.

Thời gian gửi tài liệu chậm nhất là 07 (Bảy) ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Chương III

PHIÊN HỌP TẠI KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 13. Các hình thức làm việc tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Các phiên họp tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh được ghi trong chương trình kỳ họp bao gồm:

a) Phiên họp trù bị.

b) Phiên họp toàn thể của Hội đồng nhân dân tỉnh.

c) Phiên họp thảo luận Tổ.

d) Phiên họp do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức để thảo luận, xem xét các nội dung thuộc chương trình trình kỳ họp.

đ) Thảo luận tại phiên họp toàn thể.

e) Phiên chất vấn tại phiên họp toàn thể.

2. Trong trường hợp cần thiết, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thể tổ chức họp thảo luận về những nội dung cần xem xét trong chương trình kỳ họp.

Điều 14. Phiên họp trù bị

1. Tại phiên họp trù bị, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhận tài liệu kỳ họp; chủ tọa kỳ họp báo cáo về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia ý kiến và biểu quyết thông qua.

Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh nếu không có phiên họp trù bị thì các nội dung của phiên họp trù bị sẽ được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức triển khai trước giờ khai mạc kỳ họp.

2. Chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp theo trình tự sau:

a) Chủ tọa kỳ họp báo cáo về dự kiến chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thảo luận chương trình.

c) Chủ tọa kỳ họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nội dung chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

d) Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh và tiến hành biểu quyết công khai.

3. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung chương trình kỳ họp đã được thông qua theo trình tự tương tự như thông qua dự kiến chương trình kỳ họp.

Việc điều chỉnh, bổ sung chương trình kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh phải được quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết tán thành mới có giá trị thực hiện.

4. Trường hợp cần thiết, điều chỉnh thời gian thực hiện nội dung trong chương trình kỳ họp đã được thông qua thì Chủ tọa kỳ họp quyết định và báo cáo kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 15. Phiên họp toàn thể của Hội đồng nhân dân

1. Hội đồng nhân dân tỉnh nghe Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyền, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh trình bày báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết.

Những văn bản không trình bày tại kỳ họp đã gửi đại biểu tự nghiên cứu có giá trị pháp lý như văn bản trình bày tại kỳ họp.

2. Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ tọa các phiên họp toàn thể. Các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 16. Phiên họp thảo luận Tổ

1. Thành phần, số lượng đại biểu tại mỗi Tổ thảo luận do chủ tọa kỳ họp quyết định. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công Tổ trưởng, Tổ phó, Thư ký của phiên thảo luận Tổ.

2. Đại biểu mời dự kỳ họp tham dự phiên thảo luận Tổ do chủ tọa kỳ họp phân công. Trong quá trình thảo luận đại biểu được phát biểu trao đổi, giải trình hoặc đề xuất ý kiến với Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 17. Phiên họp do Thường trực Hội đồng nhân dân tổ chức để thảo luận xem xét các nội dung thuộc chương trình trình kỳ họp

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh mời Thường trực Tỉnh ủy, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan dự họp. Phiên họp sẽ xem xét nội dung tổng hợp ý kiến thảo luận của các Tổ và nội dung phiếu chất vấn của các đại biểu; thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nội dung cần giải trình, làm rõ tại phiên họp toàn thể của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 18. Thảo luận tại phiên họp toàn thể

Đại biểu nghe báo cáo kết quả tổng hợp ý kiến phiên họp thảo luận tại Tổ. Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan hữu quan, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh báo cáo, giải trình, làm rõ một số nội dung theo yêu cầu của chủ tọa kỳ họp.

Chủ tọa nêu những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Các nội dung thảo luận tại phiên họp được ghi vào biên bản phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 19. Chất vấn tại phiên họp toàn thể

1. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền chất vấn Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Nội dung chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn.

3. Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thể lựa chọn hình thức chất vấn trực tiếp tại kỳ họp hoặc gửi phiếu chất vấn (Theo mẫu do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cung cấp). Phiếu chất vấn phải ghi rõ nội dung chất vấn, người bị chất vấn và gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Căn cứ vào thời gian, chương trình của kỳ họp và số lượng, nội dung đăng ký chất vấn, chủ tọa kỳ họp có thể quyết định số lượng, nội dung yêu cầu trả lời chất vấn trực tiếp tại phiên họp hoặc trả lời bằng văn bản.

c) Người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời trực tiếp, đầy đủ tại phiên họp toàn thể của Hội đồng nhân dân tỉnh về những vấn đề mà đại biểu đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có).

Nội dung trả lời chất vấn phải được lập thành văn bản, gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chất vấn ngay tại phiên họp chất vấn hoặc chậm nhất 10 (mười) ngày, kể từ ngày bế mạc kỳ họp.

Trường hợp đại biểu chất vấn không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền tiếp tục chất vấn.

d) Hội đồng nhân dân tỉnh cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp sau đây: Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp; vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh; chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp.

Người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày chất vấn.

Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân đưa ra thảo luận tại kỳ họp Hội đồng nhân dân hoặc kiến nghị Hội đồng nhân dân xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.

đ) Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn: Mỗi lần chất vấn, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nêu chất vấn không quá 03 (ba) phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu không quá 07 (bảy) phút. Trường hợp cần thiết, chủ tọa kỳ họp quyết định việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn cho phù hợp.

e) Trường hợp cần điều tra, xác minh thì Hội đồng nhân dân tỉnh có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau hoặc cho trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chất vấn thời gian chậm nhất là 10 ngày (Mười) ngày, kể từ ngày bế mạc kỳ họp.

g) Người đã trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc đã gửi văn bản trả lời chất vấn cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh bằng văn bản về việc thực hiện những vấn đề đã hứa, tiếp thu, ghi nhận tại kỳ họp trước. Báo cáo được gửi tới Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để chuyển đến các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chậm nhất là 10 (mười) ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo của Hội đồng nhân dân tỉnh.

4. Kết thúc phiên chất vấn, chủ tọa kỳ họp mời Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu tiếp thu ý kiến thảo luận, ý kiến chất vấn tại kỳ họp và thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Phiên họp chất vấn tại Hội đồng nhân dân tỉnh được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trừ trường hợp do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Điều 20. Trình tự thông qua dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Đại diện cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết, đề án, có trách nhiệm báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra.

3. Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành thảo luận. Trước khi thảo luận, Hội đồng nhân dân tỉnh có thể tổ chức thảo luận tại các phiên họp thảo luận Tổ.

4. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh được phân công thẩm tra chủ trì, phối hợp cơ quan, tổ chức trình, Sở Tư pháp và Thư ký kỳ họp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết.

5. Trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể, chủ tọa có thể nêu những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, cơ quan trình dự thảo nghị quyết và các cơ quan hữu quan khác báo cáo giải trình về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm.

6. Đại diện cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo nghị quyết.

7. Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo bằng cách biểu quyết từng vấn đề, sau đó biểu quyết toàn bộ hoặc biểu quyết toàn bộ một lần.

Điều 21. Biểu quyết tại phiên họp toàn thể

1. Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định các vấn đề tại phiên họp toàn thể bằng hình thức biểu quyết. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh không được biểu quyết thay cho đại biểu Hội đồng nhân dân khác.

2. Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết sau đây:

a) Biểu quyết công khai.

b) Bỏ phiếu kín.

c) Trong trường hợp Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức kỳ họp bằng hình thức trực tuyến tại các điểm cầu trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện biểu quyết sẽ có hướng dẫn cụ thể.

3. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết tán thành; riêng nghị quyết về bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết.

Điều 22. Biên bản kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Nội dung các phiên họp tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh phải được ghi biên bản.

2. Biên bản kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh gồm biên bản các phiên họp tại kỳ họp và biên bản bầu cử các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Biên bản phải ghi đầy đủ các ý kiến phát biểu, kết quả biểu quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh tại phiên họp.

4. Biên bản kỳ họp do Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc chủ tọa phiên họp ký tên.

Chương IV

QUYẾT ĐỊNH CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ

Điều 23. Bầu ban Kiểm phiếu

1. Hội đồng nhân dân tỉnh bầu Ban kiểm phiếu để giúp Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; Ban kiểm phiếu có ít nhất là 07 thành viên gồm Trưởng ban, Thư ký và các Ủy viên là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 không có tên trong danh sách để Hội đồng nhân dân tỉnh bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Trường hợp có thành viên Ban kiểm phiếu thuộc diện cần thay thế thì Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định việc thay thế, bổ sung thành viên Ban kiểm phiếu theo đề nghị của chủ tọa kỳ họp. Hội đồng nhân dân tỉnh bầu Ban kiểm phiếu bằng hình thức biểu quyết công khai theo giới thiệu của chủ tọa kỳ họp.

2. Ban kiểm phiếu có nhiệm vụ phổ biến, hướng dẫn thủ tục, trình tự bỏ phiếu, kiểm phiếu và công bố kết quả kiểm phiếu đối với các nội dung mà Hội đồng nhân dân bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu kết thúc nhiệm vụ sau khi đã hoàn thành các công tác kiểm phiếu tại kỳ họp.

Điều 24. Hồ sơ trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định về nhân sự

1. Hồ sơ trình Hội đồng nhân dân tỉnh về người được giới thiệu để bầu vào các chức danh bao gồm:

a) Tờ trình của cơ quan, người có thẩm quyền trình.

b) Sơ yếu lý lịch (trích ngang) người được giới thiệu vào các chức danh để Hội đồng nhân dân tỉnh bầu.

2. Hồ sơ trình Hội đồng nhân dân tỉnh miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh gồm tờ trình và hồ sơ có liên quan của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 25. Miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu

1. Hội đồng nhân dân tỉnh miễn nhiệm các trường hợp sau: Người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu từ chức; được cơ quan có thẩm quyền bố trí công việc khác mà không thuộc diện điều động theo quy định tại khoản 1 Điều 124 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Hội đồng nhân dân tỉnh bầu chức vụ đó có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm người không được Hội đồng nhân dân tỉnh tín nhiệm tại khoản 3 Điều 89 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

2. Hội đồng nhân dân tỉnh bãi nhiệm người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu trong các trường hợp: Bị kết tội bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc cử tri bãi nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 102 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

3. Không miễn nhiệm đối với các trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định điều động hoặc cách chức của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 26. Trình tự Hội đồng nhân dân tỉnh miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu

1. Hội đồng nhân dân tỉnh miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban, Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân tỉnh theo trình tự sau:

a) Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh lập tờ trình đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban, Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp (Kèm theo dự thảo nghị quyết).

b) Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét tờ trình đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban, Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân tỉnh.

c) Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban, Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân tỉnh bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết công khai do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Trường hợp thực hiện việc miễn nhiệm, bãi nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín thì bầu Ban kiểm phiếu theo Điều 23 của Nội quy này.

d) Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết và thông qua nghị quyết về miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban, Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Hội đồng nhân dân tỉnh miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh theo trình tự sau:

a) Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh tại kỳ họp (kèm theo dự thảo nghị quyết).

b) Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét tờ trình đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh được thực hiện bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Trường hợp bãi nhiệm, miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín thì bầu Ban kiểm phiếu theo Điều 23 của Nội quy này.

d) Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết và thông qua nghị quyết về miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Hội đồng nhân dân tỉnh miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 90 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: Hội thẩm nhân dân có thể được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe hoặc lý do chính đáng khác. Hội thẩm nhân dân bị bãi nhiệm khi có vi phạm về phẩm chất đạo đức hoặc có hành vi vi phạm pháp luật không còn xứng đáng làm Hội thẩm nhân dân.

Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 86 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 như sau:

a) Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân.

b) Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân tại kỳ họp (Kèm theo dự thảo nghị quyết).

c) Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét tờ trình đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân.

d) Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Trường hợp thực hiện việc miễn nhiệm, bãi nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín thì thành lập Ban kiểm phiếu theo Điều 23 của Nội quy này.

đ) Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết và thông qua nghị quyết về miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân.

Điều 27. Cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Việc cho thôi làm nhiệm vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được tiến hành theo trình tự sau:

a) Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh gửi đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết công khai. Trường hợp thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín thì bầu Ban kiểm phiếu theo Điều 23 của Nội quy này.

c) Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu có thể phát biểu ý kiến.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông báo cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cử tri ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu và người được cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu biết về việc cho thôi làm nhiệm vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thôi làm nhiệm vụ đại biểu kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nghị quyết.

Điều 28. Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Hội đồng nhân dân tỉnh bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo trình tự sau:

a) Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh về việc bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết công khai. Trường hợp thực hiện việc bãi nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín thì bầu Ban kiểm phiếu theo Điều 23 của Nội quy này.

b) Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông báo cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cử tri ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu và người bị bãi nhiệm biết về việc bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Chương V

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN KỲ HỌP

Điều 29. Thông tin tuyên truyền về kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cung cấp thông tin về chương trình, nội dung kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp; tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về nội dung, chương trình và thời gian, địa điểm tổ chức kỳ họp.

2. Các phiên họp toàn thể và phiên chất vấn của kỳ họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Các phiên họp khác được ghi âm, ghi hình để phản ánh hoặc phát thanh, truyền hình trực tiếp do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và được ghi trong chương trình kỳ họp.

3. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trả lời phỏng vấn và cung cấp thông tin về kỳ họp phải bảo đảm chính xác, khách quan; không tiết lộ thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, nội dung các phiên họp kín của Hội đồng nhân dân tỉnh.

4. Đại diện cơ quan thông tin, tuyên truyền tham dự, khai thác tài liệu, đưa tin về các phiên họp của kỳ họp phải thông qua Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, bảo đảm việc đưa tin chính xác, đầy đủ và khách quan theo quy định của pháp luật về báo chí.

Chương VI

ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO CHO KỲ HỌP CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 30. Quy định tiếp công dân, xử lý đơn thư

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân và tiếp nhận đơn của công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh; tổng hợp phân loại đơn báo cáo chủ tọa kỳ họp quyết định.

Điều 31. Các điều kiện khác đảm bảo tổ chức kỳ họp

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan liên quan đảm bảo an ninh, trật tự và các điều kiện khác cần thiết đảm bảo cho việc tổ chức kỳ họp dưới sự chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND ngày 11/08/2021 về Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


354

DMCA.com Protection Status
IP: 3.143.218.180
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!