HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/2022/NQ-HĐND
|
Bến Tre, ngày 13
tháng 7 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 5 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE,
KHÓA X
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của
Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm
2015;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả
lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh
khóa X; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận các giải pháp,
cam kết do Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các cơ quan chuyên môn đã đề ra tại
phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển
khai thực hiện tốt các giải pháp đã cam kết với Hội đồng nhân dân tỉnh và cử
tri.
Về từng nội dung cụ thể, đề nghị Ủy
ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện các công việc sau đây:
1. Giải pháp để hỗ trợ người nông
dân trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và bảo đảm đầu ra cho nông sản (bao gồm cả sản phẩm dừa hữu cơ) tại địa
phương.
a) Chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát
triển nông thôn khẩn trương xác định sản lượng để nghiên cứu xây dựng kế hoạch
hỗ trợ nông dân tiêu thụ các nông sản còn tồn đọng tại các địa phương, trong đó
sớm xác định giá sàn đối với dừa đạt chứng nhận hữu cơ.
b) Tiếp tục kiến nghị bộ, ngành Trung
ương hỗ trợ địa phương trong công tác
xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của tỉnh sang thị trường quốc
tế; đồng thời tăng cường tìm kiếm kết nối cung cầu với các doanh nghiệp thị trường
trong nước nhằm tìm đầu ra phù hợp, ổn định cho các sản phẩm
nông nghiệp của tỉnh. Thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp chế
biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh như: dừa,
tôm, bưởi da xanh để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
c) Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng
vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp
chủ lực của tỉnh; đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh
nghiệp liên kết các chuỗi giá trị nông sản. Sớm xây dựng và thực hiện kế hoạch
thực hiện thí điểm vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị. Xây dựng quy hoạch
và mời gọi đầu tư các dịch vụ logistics, kho bãi để bảo quản
các sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các chương trình
khuyến công của tỉnh.
d) Tăng cường công tác tuyên truyền vận
động nông dân tham gia các chuỗi giá trị nông sản, sản xuất nông sản đúng quy
trình, tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường như: tăng sản xuất các sản phẩm dừa
hữu cơ, sản phẩm nông sản sạch, đăng ký vùng trồng, đăng ký truy xuất nguồn gốc
sản phẩm nông nghiệp,... Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành
tỉnh tăng cường hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân và cán bộ phụ
trách nông nghiệp tại cấp cơ sở để nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân và
chất lượng quản lý nông nghiệp tại cấp cơ sở.
2. Giải pháp phát triển vườn dừa hữu
cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
a) Giải pháp xây dựng vùng sản xuất
dừa
- Tăng cường
công tác tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất dừa hữu cơ; đồng
thời, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ
cho người trồng dừa để vận dụng vào thực tiễn sản xuất. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp
tục phối hợp với các địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ
chức chính trị - xã hội nhất là Hội nông dân các cấp tập huấn nâng cao năng lực
cán bộ hội nông dân về nông nghiệp hữu cơ, các tiêu chuẩn hữu cơ và kỹ thuật
canh tác dừa hữu cơ, xây dựng thí điểm mô hình “Hội nông dân xã, chi hội trưởng
nông dân ấp tham gia làm cộng tác viên sản xuất dừa hữu cơ, quản lý vùng sản xuất
dừa hữu cơ”.
- Xác định quy mô vườn dừa hữu cơ
và lộ trình thực hiện đồng bộ để chuỗi dừa thực sự lớn và vững chắc.
- Tiếp tục vận động người dân chuyển
đổi hình thức sản xuất theo hướng tham gia hoặc thành lập các Tổ hợp tác, Hợp
tác xã về dừa hữu cơ trên địa bàn để mở rộng diện tích các vườn dừa hữu cơ tập
trung; tiến đến xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo ngành nông nghiệp và
phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan nghiên cứu xem xét, đề xuất hỗ
trợ chi phí quản lý vùng nguyên liệu hữu cơ và phí chứng nhận dừa hữu cơ, trong
đó xác định rõ phần chi phí nào của người dân, chi phí nào của doanh nghiệp và
của Nhà nước trong tổng chi phí này để dành ngân sách hỗ trợ người dân, doanh
nghiệp.
b) Vấn đề chế biến, tiêu thụ sản
phẩm từ dừa
- Tăng cường kêu gọi doanh nghiệp
đầu tư vào ngành chế biến dừa; hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm dừa tham gia
vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên
biên giới để mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển các sản phẩm từ dừa như:
nước dừa, nước cốt dừa, sữa dừa, ...
- Phát triển diện tích dừa hữu
cơ trên địa bàn tỉnh tạo vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, xây dựng chuỗi
liên kết nông dân và doanh nghiệp, qua đó nâng cao giá trị trái dừa, góp phần
xây dựng thương hiệu dừa Bến Tre, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường
trong nước và xuất khẩu phù hợp với xu hướng tiêu dùng thế giới hiện nay.
- Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp
trong tỉnh nói chung và doanh nghiệp dừa nói riêng tìm kiếm thị trường tiêu thụ
trong nước thông qua tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ kết nối
tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh.
- Tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành
Trung ương hỗ trợ tỉnh đàm phán để đưa sản phẩm dừa trái vào danh mục được xuất
khẩu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc.
3. Trách nhiệm
của ngành nông nghiệp trong triển khai Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 09
tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh
a) Tăng cường triển khai, thực hiện các nội dung tại Nghị quyết số
30/2020/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng
nhân dân tỉnh về việc quy định
khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi
ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre; trong đó, tập trung thực hiện công tác vận động
các hộ chăn nuôi không phát triển thêm các cơ sở chăn nuôi mới, giữ nguyên các
cơ sở chăn nuôi hiện hữu và thực hiện
nghiêm việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; đảm
bảo đến ngày 31 tháng 12 năm 2024, tỉnh hoàn thành các nội dung đề ra tại Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND.
b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng rà
soát, thống kê tổ chức xác định ranh giới các vùng thuộc khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn
người dân cam kết di dời và thông báo công khai cho người dân biết.
c) Tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất
việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND tại các huyện, thành phố;
qua đó, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế và hướng dẫn tháo gỡ các khó
khăn, vướng mắc; kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị quyết
số 30/2020/NQ-HĐND chưa phù hợp với thực tiễn.
d) Sớm quy hoạch
vùng chăn nuôi của tỉnh để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, điều chỉnh
quy mô từ nhỏ, lẻ sang tập trung hình thành vùng cơ sở chăn nuôi theo hướng
nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường bảo đảm môi trường sinh thái, tiến tới di dời các
điểm chăn nuôi hiện có theo lộ trình.
4. Việc đẩy nhanh tiến độ triển
khai, thực hiện các dự án đô thị mới
a) Tiếp tục chỉ đạo đẩy
nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị mới trên địa bàn tỉnh
(lưu ý lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí
tái định cư cho người dân). Xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ về tiến độ triển
khai của từng dự án đô thị mới theo từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể nhằm kịp thời
giải quyết, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án.
b) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác
tuyên truyền về các lợi ích của dự án đô thị mang lại đối với phát triển kinh tế
- xã hội và đời sống của người dân tại địa phương nhằm tạo sự đồng thuận trong
Nhân dân về chủ trương phát triển đô thị. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy trình
thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án; đồng thời, khi thực hiện
dự án cần nghiên cứu hệ số điều chỉnh giá đất, hệ số đơn giá bồi thường nhà ở,
công trình, vật kiến trúc cho sát với thị trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng
và hợp pháp của người dân; ưu tiên các giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách tạo
điều kiện cho các đối tượng thuộc diện tái định cư nằm trong vùng dự án có điều
kiện chuyển đổi ngành nghề phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống sau khi Nhà nước
thu hồi đất.
c) Kiên quyết chấm dứt thực hiện dự
án đối với các dự án chậm triển khai tại địa phương, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp
pháp của người dân trong vùng dự án.
5. Giải
pháp cải thiện chỉ số PAPI của tỉnh trong thời gian tới
a) Tổ chức thực hiện đúng các nội dung đã cam kết
tại Bản cam kết thực hiện các giải pháp duy trì, cải thiện và nâng cao các chỉ
số giai đoạn 2022-2025 và trong năm 2022; trong đó, chú trọng phát huy dân chủ,
công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; nâng
cao chất lượng cung ứng các dịch vụ công, chất lượng giải quyết các thủ tục
hành chính và nâng cao ý thức, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước
đối với người dân để góp phần nâng cao mức độ đánh giá của người dân về chỉ số
hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh trong thời gian tới.
b) Tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến trong hệ thống chính trị và Nhân dân tạo sự
chuyển biến từ nhận thức sang hành động của hệ thống chính trị các cấp trong việc
nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, mang lại sự
hài lòng, niềm tin của Nhân dân đối với sự phục vụ của bộ máy Nhà nước các cấp
nhất là cấp cơ sở. Đồng thời, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người dân về
quyền lợi, trách nhiệm của mình nhằm thúc đẩy tính tích cực chính trị để hưởng ứng
ủng hộ tham gia và hợp tác tốt trong giám sát, phản biện, trả lời phỏng vấn về
hiệu quả quản trị hành chính và sự phục vụ người dân của chính quyền các cấp.
c) Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương
có liên quan hàng năm tăng cường tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng
của công tác cải cách hành chính đến người dân. Phối hợp tốt với các cơ quan có
liên quan trong việc triển khai điều tra xã hội học xác định chỉ số PAPI trên địa
bàn tỉnh.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, báo cáo kết quả thực hiện nội
dung quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 1 vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của
Hội đồng nhân dân tỉnh; nội dung quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 1
vào các kỳ họp thường lệ cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X.
2. Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
cùng chính quyền địa phương trên địa bàn ứng cử tuyên truyền, vận động, giải
thích cho cử tri hiểu, chia sẻ, tích cực hưởng ứng các chủ trương, chính sách của
tỉnh trên các lĩnh vực.
3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh,
các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc
thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Bến Tre khóa X, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2021 và có
hiệu lực từ ngày 23 tháng 7 năm 2022./.
|
CHỦ TỊCH
Hồ Thị Hoàng Yến
|