NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI THEO NGHỀ ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CÔNG TÁC
TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Kết luận số
83-KL/TW ngày 21 tháng 6 năm 2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương; điều
chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp
xã hội từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Căn cứ Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24 tháng
6 năm 2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng
các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính
sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ phụ
cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác tại các cơ sở y
tế công lập.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo
nghề đối với viên chức, người lao động công tác tại các cơ sở y tế công lập gồm:
a) Các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong
các lĩnh vực: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng; giám định
y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm;
an toàn thực phẩm; dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe sinh sản; truyền thông giáo dục
sức khỏe, dân số và các lĩnh vực khác thuộc ngành y tế.
b) Trạm y tế xã, phường, thị trấn.
c) Cơ sở điều dưỡng, nuôi dưỡng thương binh, bệnh
binh, người khuyết tật và các đối tượng bảo trợ xã hội khác.
2. Nghị định này không áp dụng đối với các cơ sở y
tế thuộc lực lượng vũ trang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Viên chức, người lao động hợp đồng quy định tại Nghị
định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối
với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập
theo vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng và
cách tính phụ cấp
1. Mỗi viên chức, người làm các công việc theo chế
độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP nếu được phân
công nhiều công việc có mức phụ cấp ưu đãi nghề khác nhau thì chỉ được hưởng một
mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất.
2. Phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính theo tỷ lệ phần
trăm (sau đây viết tắt là %) trên mức lương theo chức danh nghề nghiệp, bậc hiện
hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của
đối tượng được hưởng.
3. Các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân
công công việc theo đúng Đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê
duyệt, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo quy định thì được hưởng mức phụ cấp
ưu đãi theo nghề tương ứng.
4. Mức độ thường xuyên làm các công việc chuyên môn
được xác định tối thiểu 03/05 ngày làm việc trong 1 tuần và trên 50% thời gian
làm việc 01 ngày theo quy định.
Điều 4. Mức phụ cấp ưu đãi theo
nghề
1. Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với:
a) Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp
làm các công việc sau:
- Xét nghiệm, khám và điều trị, chăm sóc người mắc
bệnh phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
- Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh
lý.
- Người làm việc trong phòng xét nghiệm yêu cầu an
toàn sinh học cấp III.
b) Viên chức có trình độ chuyên môn là bác sĩ thường
xuyên, trực tiếp công tác tại trạm y tế các xã khu vực II, khu vực III thuộc
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
c) Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp
làm chuyên môn y tế trong lĩnh vực y tế dự phòng.
2. Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với viên chức được
phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau:
a) Khám, điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền
nhiễm (không thuộc điểm a mục 1 Điều này); cấp cứu và vận chuyển cấp cứu 115.
b) Xét nghiệm xác định tác
nhân gây bệnh truyền nhiễm;
c) Kiểm dịch y tế biên giới;
d) Xạ trị, hóa trị, sinh học phân tử, y học hạt
nhân.
3. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với viên chức được
phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau: khám,
điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, nhi,
chống độc, bỏng, da liễu.
4. Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với viên chức được
phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau:
a) Xét nghiệm; khám bệnh; chữa bệnh; kiểm soát nhiễm
khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; thăm dò chức năng; giám định y
khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, thiết bị
y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở
điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt trừ các trường hợp
quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.
b) Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp
làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
c) Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp
làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe.
e) Viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại
các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm: HIV/AIDS, phong, lao,
tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y.
5. Viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại
các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung (trừ đối tượng quy định tại điểm c khoản 5
Điều này), viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học
thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết
định nhưng không vượt quá mức 30% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng
phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng
hưởng.
6. Đối với người làm các công việc theo chế độ hợp
đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm
2022 của Chính phủ được phân công trực tiếp làm các công việc đã nêu từ mục 1 đến
mục 6 thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu sự nghiệp
để xem xét, quyết định cho hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề nhưng không vượt quá
mức quy định tại các mục tương ứng nêu trên.
Điều 5. Thời gian không được
tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế
1. Thời gian viên chức được cử đi công tác, làm việc,
học tập ở nước ngoài từ 1 tháng trở lên;
2. Thời gian đi học tập ở trong nước liên tục trên
3 tháng.
3. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ
1 tháng trở lên;
4. Thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo
quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
5. Thời gian tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công
tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn y tế từ 1 tháng trở lên.
6. Thời gian được cơ quan
có thẩm quyền điều động đi công tác liên tục từ 1 tháng trở lên, không làm
chuyên môn theo vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 6. Nguồn kinh phí chi trả
1. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được kết cấu
chi phí chi trả phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 110
Luật Khám bệnh chữa bệnh.
2. Kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp quy định tại
Nghị định này sử dụng từ các nguồn sau:
a) Ngân sách nhà nước giao cho đơn vị theo phân cấp
ngân sách nhà nước hiện hành;
b) Thu sự nghiệp của đơn vị được để lại;
c) Nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị (nếu có).
Riêng năm 2025, trường hợp đơn vị sử dụng các nguồn
kinh phí quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều này nhưng vẫn không bảo đảm đủ
nguồn để thực hiện chế độ phụ cấp cho các đối tượng quy định tại các khoản 1,
2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định này thì được ngân sách nhà nước bổ sung theo phân cấp
ngân sách hiện hành.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí theo phân cấp quản lý ngân
sách để thực hiện.
2. Viện quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực
hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đơn vị chịu trách nhiệm
về tính chính xác của số liệu đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của
pháp luật.
Điều 8. Hiệu lực và trách nhiệm
thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
tháng
năm 2024.
2. Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của
Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức
công tác tại các cơ sở y tế công lập hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có
hiệu lực.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.