CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 73/2005/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày
06 tháng 6 năm 2005
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 73/2005/NĐ-CP NGÀY 06 THÁNG 6 NĂM 2005 VỀ ĐÀO
TẠO CÁN BỘ CHO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM TẠI CÁC TRƯỜNG NGOÀI QUÂN ĐỘI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm
2001;
Căn cứ Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
ngày 21 tháng 12 năm 1999;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm
1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về việc
tuyển chọn, đào tạo cán bộ cho Quân đội nhân dân Việt Nam tại các trường, cơ sở
giáo dục đại học, sau đại học công lập ngoài quân đội trong nước và nước ngoài
(sau đây gọi chung là trường ngoài quân đội); trách nhiệm của các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ, ngành) trong việc
tuyển chọn, đào tạo cán bộ cho Quân đội nhân dân Việt Nam tại các trường ngoài
quân đội.
Điều 2.
Đối tượng đào tạo
1. Thanh niên ngoài quân đội,
quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng trúng tuyển vào các trường
cao đẳng, đại học trong quân đội theo Quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành; có đủ tiêu chuẩn, điều kiện do Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và
Đào tạo quy định thì được xét chuyển sang đào tạo ở các trường ngoài quân đội
thuộc những ngành, chuyên ngành có cùng khối thi.
2. Thiếu sinh quân, quân nhân,
công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng là người dân tộc thiểu số có đủ tiêu
chuẩn, điều kiện thì được cử tuyển vào đào tạo cao đẳng, đại học tại các trường
ngoài quân đội, thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số
43/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục.
3. Cán bộ quân đội tốt nghiệp đại
học các trường trong quân đội được đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, thực
tập sinh khoa học, nghiên cứu chuyên đề tại các trường ngoài quân đội theo quy
chế tuyển sinh hiện hành.
4. Sinh viên, học viên đang học
tại các trường ngoài quân đội, có học lực khá, giỏi và ngành học phù hợp với
yêu cầu của quân đội, được tuyển chọn để tiếp tục đào tạo trình độ cao hơn theo
yêu cầu của quân đội.
Các đối tượng quy định tại khoản
1, 2, 3,4 của Điều này được đào tạo tại trường ngoài quân đội, sau đây gọi
chung là học viên quân đội.
Điều 3.
Trình độ đào tạo và phương thức đào tạo
1. Học viên quân đội được đào tạo
cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập sinh khoa học, nghiên cứu chuyên
đề tại các trường ngoài quân đội.
2. Học viên quân đội được đào tạo
chính quy ở trong nước và nước ngoài theo kế hoạch, chương trình, dự án của nhà
nước, của các Bộ, ngành, trường ngoài quân đội.
Điều 4.
Kinh phí đào tạo
Kinh phí bảo đảm đào tạo cán bộ
cho quân đội bao gồm nguồn ngân sách nhà nước trong dự toán được thông báo hàng
năm của Bộ Quốc phòng và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5.
Chế độ, chính sách và trách nhiệm của học viên quân đội
1. Thanh niên ngoài quân đội,
thiếu sinh quân và các đối tượng khác chưa phải là quân nhân được quân đội tuyển
chọn đi đào tạo tại các trường ngoài quân đội được hưởng chế độ, chính sách đối
với quân nhân kể từ ngày quyết định nhập ngũ có hiệu lực.
2. Học viên quân đội đào tạo tại
các trường ngoài quân đội được hưởng các chế độ, chính sách đối với sinh viên,
lưu học sinh theo quy định của Nhà nước.
3. Học viên quân đội đi đào tạo
tại các trường ngoài quân đội, sau khi tốt nghiệp được sắp xếp công tác theo
ngành học và phải chấp hành sự phân công điều động của Bộ Quốc phòng.
Điều 6.
Công tác quản lý học viên quân đội
Học viên quân đội đang học tập,
nghiên cứu tại các trường ngoài quân đội chịu sự quản lý của trường ngoài quân
đội và của Bộ Quốc phòng; học viên quân đội là lưu học sinh, chịu sự quản lý trực
tiếp của Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại, trên cơ sở quy chế chung
của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý lưu học sinh.
Chương 2:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ,
NGÀNH, TRƯỜNG NGOÀI QUÂN ĐỘI
Điều 7.
Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xác định những ngành,
chuyên ngành quân đội có nhu cầu đào tạo; xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo
dài hạn và hàng năm, lập dự toán ngân sách đào tạo học viên quân đội ở các trường
ngoài quân đội.
2. Chủ trì,
phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện
tuyển chọn đi đào tạo tại các trường ngoài quân đội.
3. Tuyển chọn những người đúng đối
tượng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc
phòng đi đào tạo tại các trường ngoài quân đội.
4. Phối hợp
với các trường ngoài quân đội trong nước và Cơ quan đại diện của ta ở nước
ngoài để quản lý học viên quân đội đang học tập, nghiên cứu tại các trường
ngoài quân đội.
5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo
dục và Đào tạo và các trường ngoài quân đội, xét chọn để tuyển thành học viên
quân đội những người có học lực khá, giỏi để tiếp tục đào tạo trình độ cao hơn
theo yêu cầu của quân đội.
Điều 8.
Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực
hiện khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 7 tại Nghị định này; chỉ
đạo và hướng dẫn các trường ngoài quân đội thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ
cho quân đội.
2. Trong quá trình xây dựng kế
hoạch gửi người đi đào tạo ở nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên về chỉ
tiêu và ngành học đối với Bộ Quốc phòng.
Điều 9.
Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực
hiện khoản 1 Điều 7 tại Nghị định này. Hàng năm, căn cứ vào
nhu cầu, kế hoạch đào tạo của Bộ Quốc phòng tại các trường ngoài quân đội, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư cân đối, tổng hợp chỉ tiêu đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt. Thông báo chỉ tiêu đào tạo đến Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành, các trường
ngoài quân đội có nhiệm vụ đào tạo học viên quân đội để phối hợp thực hiện.
Điều 10.
Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Phối hợp với Bộ Quốc phòng trong
công tác lập và tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo
học viên quân đội tại các trường ngoài quân đội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn
hiện hành.
Điều 11.
Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan và các Bộ có cơ
sở giáo dục đại học và sau đại học
Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ
Giáo dục và Đào tạo thực hiện kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo hằng năm đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo và hướng dẫn cơ sở giáo dục trực thuộc thực
hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho quân đội.
Điều 12.
Trách nhiệm của các trường ngoài quân đội
Đào tạo học viên quân đội theo
chỉ tiêu, kế hoạch được giao hằng năm. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện khoản 4, khoản 5 Điều 7 tại Nghị định này. Định kỳ thông báo
cho Bộ Quốc phòng kết quả học tập, rèn luyện của học viên quân đội.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13.
Khen thưởng
1. Tổ chức, cá nhân có thành
tích trong việc thực hiện đào tạo học viên quân đội được xem xét khen thưởng
theo quy định của pháp luật về khen thưởng.
2. Học viên quân đội đào tạo tại
các trường ngoài quân đội có thành tích được nhà trường nơi học tập xem xét
khen thưởng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng; nếu đào
tạo ở nước ngoài có thành tích, sau khi tốt nghiệp được Bộ Quốc phòng xét khen
thưởng như những học viên đào tạo ở trong nước.
Điều 14.
Xử lý vi phạm
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có
hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc đào tạo học viên quân đội thì tuỳ theo
tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời gian đào tạo, nếu
học viên quân đội vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật phải xử lý từ hình thức
khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập có thời hạn, buộc thôi học thì do trường
ngoài quân đội hoặc cơ quan quản lý lưu học sinh quyết định và thông báo cho Bộ
Quốc phòng để xem xét xử lý theo Điều lệnh quản lý bộ đội của Quân đội nhân dân
Việt Nam.
Điều 15.
Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 16.
Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp
với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Giám đốc các học viện, Hiệu
trưởng hoặc Giám đốc các trường đại học, trường cao đẳng có trách nhiệm thi
hành Nghị định này.