CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
47/2019/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày
05 tháng 6 năm 2019
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 10/2016/NĐ-CP
NGÀY 01 THÁNG 02 NĂM 2016 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ
chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính
phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ.
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01
tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ
1. Sửa đổi,
bổ sung Khoản 6 Điều 3 như sau:
“6. Về tổ chức bộ máy, công
chức, viên chức và người lao động
a) Đề nghị Bộ được Chính phủ
phân công trình Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của cơ quan thuộc Chính phủ;
b) Quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của các tổ chức, đơn vị
thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ;
c) Trình Thủ tướng Chính phủ
bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cấp phó của cơ quan thuộc Chính phủ;
d) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ
luật người đứng đầu và cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của
cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định của pháp luật; quy định thẩm quyền và
trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan
thuộc Chính phủ;
đ) Quản lý công chức, viên
chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức
của cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định của pháp luật;
e) Quyết định và tổ chức thực
hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền; chống tham
nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong hoạt động của cơ quan;
g) Tổ chức thực hiện công
tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu,
khen thưởng, kỷ luật và các chế độ khác đối với công chức, viên chức và người
lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật;
h) Kiểm tra việc chấp hành
chính sách, pháp luật và nhiệm vụ được giao đối với công chức, viên chức và người
lao động thuộc thẩm quyền quản lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới
công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của
pháp luật;
i) Thực hiện cơ chế tự chủ
theo quy định của pháp luật”.
2. Sửa đổi,
bổ sung Điều 4 như sau:
“1. Cơ cấu tổ chức gồm:
a) Ban;
b) Văn phòng;
c) Tổ chức sự nghiệp trực
thuộc (nếu có).
2. Ban hoạt động theo chế độ
thủ trưởng, không có con dấu riêng. Chỉ thành lập Ban khi khối lượng công việc
cần phải bố trí từ 15 người làm việc là công chức, viên chức trở lên.
3. Văn phòng có con dấu
riêng.
4. Ban và Văn phòng được
thành lập phòng hoặc tổ chức tương đương (sau đây gọi chung là phòng). Số lượng
phòng thuộc Ban, Văn phòng được quy định cụ thể tại Nghị định quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan thuộc Chính phủ.
5. Trong trường hợp đặc biệt,
nếu tổ chức trực thuộc có tên gọi khác, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định cho
phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan thuộc Chính phủ.
6. Số lượng cấp phó của các tổ
chức, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này như sau:
a) Ban
và Văn phòng có từ 15 đến 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí
không quá 02 cấp phó; có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố
trí không quá 03 cấp phó;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập
tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước
bảo đảm chi thường xuyên có từ 20 người làm việc là công chức, viên chức trở xuống
được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 người làm việc là công chức, viên
chức được bố trí không quá 03 cấp phó;
c) Đơn vị sự nghiệp công lập
tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường
xuyên và chi đầu tư, số lượng cấp phó thực hiện theo Đề án tự chủ của đơn vị đã
được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7. Tiêu chí thành lập phòng
thuộc Ban, Văn phòng
a) Công việc hoặc lĩnh vực
do phòng thực hiện phải có nhiều mảng công tác và có quy trình quản lý riêng
theo yêu cầu của đối tượng quản lý;
b) Khối lượng công việc yêu
cầu phải bố trí từ 07 người làm việc là viên chức trở lên.
Đối với các cơ quan thuộc
Chính phủ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động theo cơ chế
doanh nghiệp thì số lượng người làm việc tối thiểu của phòng bao gồm viên chức
và người làm chuyên môn, nghiệp vụ theo chế độ hợp đồng lao động theo cơ chế tự
chủ.
8. Số lượng
cấp phó của phòng thuộc Ban, Văn phòng
Phòng có từ 07 đến 09 người
làm việc là viên chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng, có từ 10 người làm việc
là viên chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng”.
3. Sửa đổi,
bổ sung Khoản 3 Điều 5 như sau:
“3. Số lượng cấp phó của cơ
quan thuộc Chính phủ không quá 04 người”.
Điều 2.
Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Nghị định này có hiệu lực
thi hành từ ngày 20 tháng 7 năm 2019.
2. Trường hợp sắp xếp, tinh
gọn tổ chức bộ máy mà làm tăng số lượng cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị so
với quy định tại Nghị định này thì trong thời hạn đến hết năm 2020, cơ quan thuộc
Chính phủ phải hoàn thành việc sắp xếp, bố trí để giảm số lượng cấp phó, bảo đảm
phù hợp với quy định tại Nghị định này.
Điều 3.
Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (2b)
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|