CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 31/2020/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 3 năm 2020
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 115/2013/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 10 NĂM 2013
CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO QUẢN TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HÀNH
CHÍNH BỊ TẠM GIỮ, TỊCH THU THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xử lý
vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ
quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm
giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ
quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm
giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính
1. Khoản 3 Điều
5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể về kinh
phí bảo đảm cho công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch
thu; chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện
trong thời gian bị tạm giữ.”
2. Điều 6
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6. Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm
giữ, tịch thu
1. Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch
thu là nhà, kho, bến, bãi, âu thuyền, cảng, trụ sở cơ quan hoặc nơi khác do người
có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu quyết định và phải bảo đảm các điều kiện theo
quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều này.
2. Điều kiện đối với nơi tạm giữ là nhà, kho, bãi
a) Phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hàng
rào bảo vệ, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa
cháy;
b) Phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí. Trường hợp nơi
tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các
biện pháp phòng, chống mưa, nắng;
c) Có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương
tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp
cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
3. Điều kiện đối với nơi tạm giữ là bến, âu thuyền,
cảng
a) Phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự, nội quy
ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy và các điều kiện
quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này trong phạm vi nơi tạm giữ tang vật,
phương tiện;
b) Đối với nơi tạm giữ là bến thủy nội địa thì
ngoài điều kiện quy định tại điểm a khoản này, còn phải có thiết bị neo đậu
phương tiện, có nội quy hoạt động ra, vào bến, sắp xếp, neo đậu phương tiện.
4. Đối với nơi tạm giữ là trụ sở cơ quan hoặc trường
hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này thì phải
có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm
khô ráo, thoáng khí; có hệ thống thiết bị chiếu sáng, trang bị phương tiện, thiết
bị phù hợp phục vụ cho việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ,
tịch thu.
5. Bố trí nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm
bị tạm giữ, tịch thu
a) Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện có thể là nơi
tạm giữ riêng của một cơ quan hoặc nơi tạm giữ chung của nhiều cơ quan có thẩm
quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.
Căn cứ vào đặc điểm cụ thể của địa phương và trên
cơ sở đề nghị của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xây dựng nơi tạm
giữ tang vật, phương tiện chung của nhiều cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật,
phương tiện vi phạm ở địa phương mình với hình thức, quy mô thiết kế xây dựng
đáp ứng yêu cầu để quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện. Đối với cơ quan thường
xuyên phải tạm giữ tang vật, phương tiện thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức xây dựng nơi tạm giữ;
b) Trường hợp cơ quan tạm giữ tang vật, phương tiện
chưa đủ điều kiện để xây dựng nơi tạm giữ hoặc quy mô xây dựng, điều kiện an
toàn nơi tạm giữ không đủ, không bảo đảm để quản lý, bảo quản hết tang vật,
phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thì cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật,
phương tiện có thể thuê nơi tạm giữ. Mức thuê, giá thuê theo thỏa thuận và khi
thuê nơi tạm giữ phải ký kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự;
c) Trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện với số
lượng ít hoặc tang vật, phương tiện là những vật nhỏ, gọn mà xét thấy không cần
thiết phải chuyển đến nơi tạm giữ là nhà, kho, bến, bãi thì người có thẩm quyền
tạm giữ tang vật, phương tiện có thể quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện
đó tại trụ sở cơ quan của mình. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền tạm
giữ tang vật, phương tiện phải bố trí và giao tang vật, phương tiện bị tạm giữ,
tịch thu cho cán bộ trực tiếp quản lý để quản lý, bảo quản.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương có trách nhiệm tổ chức quản lý nơi tạm giữ chung hoặc giao cho một cơ quan
quản lý. Cơ quan có nơi tạm giữ tang vật, phương tiện hoặc được giao quản lý
nơi tạm giữ chung phải bố trí cán bộ làm công tác quản lý, bảo quản tang vật,
phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, cụ thể như sau:
a) Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện là
nơi tạm giữ riêng của một cơ quan thì thủ trưởng cơ quan đó bố trí cán bộ làm
công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện;
b) Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện là
nơi tạm giữ chung của nhiều cơ quan khác nhau ở địa phương thì việc bố trí cán
bộ làm công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện thực hiện theo quyết định
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo thỏa thuận giữa các cơ quan ở địa
phương.”
3. Khoản 3 Điều
11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Chấp hành quy định tại điểm a
khoản 5 Điều 16 Nghị định này.”
4. Khoản 1, khoản
2 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang
vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thực hiện việc phân loại từng tang vật,
phương tiện và báo cáo người đứng đầu cơ quan được giao trực tiếp quản lý, bảo
quản tang vật, phương tiện để bố trí, sắp xếp và có biện pháp quản lý, bảo quản
phù hợp; cụ thể:
a) Đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch
thu là máy móc, phương tiện có sử dụng xăng, dầu hoặc các nhiên liệu dễ gây
cháy, nổ thì khi đưa vào nơi tạm giữ phải để cách biệt với nguồn lửa, nguồn nhiệt,
thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ, chuẩn bị
các điều kiện để sẵn sàng chữa cháy;
b) Đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch
thu là hàng hóa, vật phẩm dễ gây ô nhiễm môi trường thì phải đưa vào nhà, kho
hoặc nơi quản lý, bảo quản bảo đảm an toàn không gây ô nhiễm môi trường trong
thời gian tạm giữ;
c) Đối với tang vật bị tạm giữ, tịch thu là chất,
hàng nguy hiểm về cháy, nổ, chất độc, chất phóng xạ thì phải đưa vào nhà, kho
hoặc nơi quản lý, bảo quản bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa
cháy, phòng nổ, phòng độc, chống phóng xạ, phòng ngừa sự cố môi trường.
2. Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ là
những vật mà cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ không đủ điều kiện về
phương tiện kỹ thuật để di chuyển về nơi tạm giữ hoặc nơi tạm giữ không đủ các điều
kiện cần thiết để bảo quản thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ căn cứ
yêu cầu thực tiễn để giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi xảy ra
vi phạm hành chính hoặc nơi có tang vật, phương tiện bị tạm giữ có đủ điều kiện
quản lý, bảo quản hoặc giao cho cá nhân, tổ chức có tang vật, phương tiện bị tạm
giữ để quản lý, bảo quản, nếu xét thấy việc giao cho tổ chức, cá nhân có tang vật,
phương tiện bị tạm giữ quản lý, bảo quản không ảnh hưởng đến việc bảo đảm xử lý
vi phạm hành chính.
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cá nhân,
tổ chức có tang vật, phương tiện bị tạm giữ khi được giao quản lý, bảo quản
tang vật, phương tiện có trách nhiệm bố trí nơi tạm giữ và thực hiện các biện
pháp, yêu cầu theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này
để quản lý, bảo quản tài sản được giao, chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của
người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện. Nếu tài sản bị
mất, hư hỏng do lỗi của mình gây ra thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”
5. Điều
14 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 14. Giao phương tiện giao thông vi phạm
hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản
1. Phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc
trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành
chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có một trong các điều kiện dưới đây thì người
có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản
phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ, trừ
các trường hợp theo quy định tại khoản 7 Điều này, cụ thể:
a) Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có
đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan,
tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt
động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương
tiện;
b) Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt
tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.
2. Trình tự giải quyết việc giao phương tiện giao
thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản
a) Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi cơ
quan của người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện;
trong đơn ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa
chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính, tên, số lượng, đặc điểm,
chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số
khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện, nơi giữ, bảo quản phương
tiện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao
giữ, bảo quản phương tiện.
Cá nhân vi phạm khi gửi đơn phải gửi kèm theo bản
chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có công chứng,
chứng thực sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước
công dân hoặc giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi
phạm đang công tác; đối với tổ chức vi phạm phải có giấy tờ chứng minh về địa
chỉ nơi đóng trụ sở hoạt động của tổ chức đó.
Trường hợp sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú được thay thế
bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân thì cá nhân vi phạm cung cấp số
định danh của mình cho cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ khi gửi đơn đề
nghị;
b) Trong thời hạn không quá 02 ngày, kể từ ngày nhận
được đơn đề nghị, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định
việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Đối với vụ việc
có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thêm thời gian để xác minh thì trong
thời hạn không quá 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan của người
có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức,
cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Trường hợp không giao phương tiện cho tổ chức,
cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện
có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm từ khi ra quyết định tạm
giữ cho đến khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản;
c) Khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm
giữ, bảo quản, người có thẩm quyền tạm giữ phải lập biên bản ghi rõ tên, số lượng,
khối lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, nơi giữ, bảo quản, tình
trạng của phương tiện (nếu có) và phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm
và người có thẩm quyền tạm giữ; thời hạn tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản
phương tiện. Biên bản được lập thành hai (02) bản, mỗi bên giữ một bản.
Cùng với việc lập biên bản khi giao phương tiện,
người có thẩm quyền tạm giữ phải tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện để
bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm đã
đặt tiền bảo lãnh. Việc tạm giữ giấy chứng nhận phải được lập thành biên bản;
trong biên bản ghi rõ ngày, tháng, năm tạm giữ giấy chứng nhận; họ tên, chức vụ
của người có thẩm quyền tạm giữ; tên tổ chức, cá nhân bị tạm giữ giấy chứng nhận;
lý do, thời hạn tạm giữ. Biên bản phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm bị
tạm giữ giấy chứng nhận và người có thẩm quyền tạm giữ; biên bản được lập thành
hai (02) bản, mỗi bên giữ một bản.
Người có thẩm quyền tạm giữ giao phương tiện cho tổ
chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản sau khi đã hoàn thành việc lập biên bản và
tổ chức, cá nhân đến nhận phương tiện được giao giữ, bảo quản. Tổ chức, cá nhân
được giao giữ, bảo quản phương tiện có trách nhiệm đưa phương tiện về nơi tự bảo
quản.
3. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày giao phương
tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản, cơ quan của người có thẩm quyền
tạm giữ phải thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đang có
phương tiện do tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản để phối hợp giám sát, quản
lý.
4. Tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời gian được
giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm thì không được phép sử dụng phương tiện
vi phạm đó tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản
phương tiện vi phạm nêu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền
tạm giữ.
Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc khi có nguy
cơ trực tiếp phát sinh tình huống mà nếu không kịp thời di chuyển, thay đổi nơi
giữ, bảo quản phương tiện sẽ gây thiệt hại đến phương tiện thì được thay đổi
nơi giữ, bảo quản phương tiện nhưng ngay sau đó phải thông báo cho người có thẩm
quyền tạm giữ biết.
5. Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương
tiện, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành đúng quy định tại khoản 4 Điều
này thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện xem xét, quyết định chuyển
phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ của cơ quan của người có thẩm quyền tạm
giữ.
Tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm đưa phương
tiện về nơi tạm giữ theo quy định. Trường hợp không thể tự đưa phương tiện về
nơi tạm giữ hoặc không tự giác chấp hành thì người có thẩm quyền tạm giữ phương
tiện tổ chức việc đưa phương tiện về nơi tạm giữ; tổ chức, cá nhân vi phạm phải
chịu chi phí cho việc đưa phương tiện về nơi tạm giữ.
6. Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương
tiện vi phạm, nếu tổ chức, cá nhân để xảy ra mất, đánh tráo, bán, trao đổi, cầm
cố, thế chấp, thay thế, hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện thì phải chịu trách
nhiệm về những thiệt hại, hậu quả do hành vi mà mình gây ra theo quy định của
pháp luật.
7. Các trường hợp không giao phương tiện giao thông
vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản:
a) Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng
của vụ án hình sự;
b) Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe
trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai
nạn giao thông;
c) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả,
sửa chữa;
d) Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái
phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.”
6. Điều 15
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 15. Đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao
thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính
1. Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt
tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.
2. Người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao
thông vi phạm hành chính có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân đặt tiền
bảo lãnh phương tiện giao thông đó.
3. Trình tự giải quyết việc đặt tiền bảo lãnh
a) Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi cơ
quan của người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị đặt tiền bảo lãnh phương tiện để
được giữ, bảo quản phương tiện; trong đơn ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của
người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành
chính, tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ,
năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện,
nơi đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền
giao giữ, bảo quản phương tiện;
b) Thời hạn xem xét, quyết định việc cho tổ chức,
cá nhân đặt tiền bảo lãnh phương tiện, giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi
phạm giữ, bảo quản và trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm trong
thời gian xem xét, quyết định việc giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo
quản được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị
định này;
c) Sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định
cho đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền đặt bảo lãnh trực tiếp
hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền
đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho
một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính
trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức
tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.
Việc đặt tiền bảo lãnh phải được lập thành biên bản.
Trong biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm đặt tiền bảo lãnh; họ, tên, chức vụ
của người quyết định cho đặt tiền bảo lãnh; tên tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo
lãnh; lý do đặt tiền bảo lãnh; mức tiền đặt bảo lãnh; thời hạn đặt tiền bảo
lãnh; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh. Biên bản phải có chữ
ký của người có thẩm quyền quyết định cho đặt tiền bảo lãnh và tổ chức, cá nhân
đặt tiền bảo lãnh. Biên bản được lập thành hai (02) bản, mỗi bên giữ một bản.
4. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận tiền đặt
bảo lãnh, người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện phải chuyển số tiền đó vào bộ
phận tài vụ, kế toán của cơ quan mình để quản lý; trường hợp người có thẩm quyền
tạm giữ phương tiện để mất tiền đặt bảo lãnh hoặc sử dụng tiền đặt bảo lãnh thì
tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý và phải bồi hoàn theo quy định của
pháp luật. Khi chuyển tiền vào bộ phận tài vụ, kế toán phải được lập thành biên
bản; trong biên bản ghi rõ ngày, tháng, năm chuyển tiền đặt bảo lãnh; họ, tên,
chức vụ của người chuyển tiền và người nhận tiền đặt bảo lãnh; mức tiền chuyển
vào bộ phận tài vụ, kế toán. Biên bản phải có chữ ký của người chuyển tiền và
người nhận tiền đặt bảo lãnh. Biên bản được lập thành hai (02) bản, mỗi bên giữ
một bản.
Tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân
đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử
phạt. Việc trả lại tiền đặt bảo lãnh phải được lập thành biên bản. Trong biên bản
phải ghi rõ ngày, tháng, năm trả lại tiền đặt bảo lãnh; họ, tên, chức vụ của
người quyết định trả lại tiền đặt bảo lãnh; tên tổ chức, cá nhân nhận lại tiền
đặt bảo lãnh; lý do nhận lại tiền đặt bảo lãnh; số tiền đặt bảo lãnh được nhận
lại. Biên bản phải có chữ ký của người có thẩm quyền quyết định cho đặt tiền bảo
lãnh và tổ chức, cá nhân nhận lại tiền đặt bảo lãnh. Biên bản được lập thành
hai (02) bản, mỗi bên giữ một bản.
5. Khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm
giữ, bảo quản phải được lập biên bản theo quy định tại điểm c
khoản 2 Điều 14 Nghị định này.
Người có thẩm quyền tạm giữ giao phương tiện cho tổ
chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản sau khi đã hoàn thành việc lập biên bản và
tổ chức, cá nhân đến nhận phương tiện được giao giữ, bảo quản. Tổ chức, cá nhân
được giao giữ, bảo quản phương tiện có trách nhiệm đưa phương tiện về nơi tự bảo
quản.
6. Tổ chức, cá nhân được giao giữ, bảo quản phương
tiện trong thời gian đặt tiền bảo lãnh không được phép sử dụng phương tiện vi
phạm đó tham gia giao thông, không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương
tiện vi phạm nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.
Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này thì người có thẩm quyền tạm giữ
phương tiện xem xét, quyết định việc chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm
giữ theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định này.
7. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn
thi hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử
phạt thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định về việc
khấu trừ tiền đặt bảo lãnh theo Mẫu tại Phụ lục ban
hành kèm theo Nghị định này.
Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày ra quyết định khấu
trừ tiền đặt bảo lãnh, người có thẩm quyền xử phạt phải gửi quyết định khấu trừ
tiền đặt bảo lãnh cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt theo địa chỉ ghi trong quyết
định xử phạt.
Trường hợp số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử
phạt thì số tiền thừa còn lại sau khi đã khấu trừ số tiền xử phạt được trả lại
cho tổ chức, cá nhân đã đặt tiền bảo lãnh trước đó. Khi trả lại số tiền thừa phải
được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm trả lại; họ,
tên, chức vụ của người trả lại số tiền thừa; tên tổ chức, cá nhân nhận lại tiền;
lý do và số tiền được nhận lại. Biên bản được lập thành hai (02) bản, mỗi bên
giữ một bản. Số tiền thừa được trả lại cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt theo địa
chỉ ghi trong quyết định xử phạt.
8. Quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh được
coi là căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm đã thi hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính và được phép đưa vào sử dụng phương tiện vi phạm đang được
giao giữ, bảo quản.
9. Trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày ra
quyết định khấu trừ tiền đặt bảo lãnh, người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển
số tiền xử phạt từ khấu trừ vào tài khoản thu ngân sách nhà nước mở tại Kho bạc
Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt
được ghi trong quyết định xử phạt.”
7. Điều 16
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 16. Trả lại tang vật, phương tiện bị tạm
giữ hoặc chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; thu, nộp, quản lý,
sử dụng chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện
bị tạm giữ
1. Việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc
chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải có quyết định bằng văn bản
của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
2. Người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang
vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thực hiện việc trả lại hoặc chuyển tang vật,
phương tiện khi đã có quyết định trả lại hoặc quyết định chuyển tang vật,
phương tiện theo trình tự như sau:
a) Kiểm tra quyết định trả lại tang vật, phương tiện
hoặc quyết định chuyển tang vật, phương tiện; kiểm tra thẻ Căn cước công dân hoặc
Chứng minh nhân dân của người đến nhận.
Người đến nhận lại tang vật, phương tiện phải là
người vi phạm hoặc chủ sở hữu có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện
tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính. Nếu cá nhân, tổ chức nêu trên ủy quyền cho người
khác đến nhận lại tang vật, phương tiện thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy
định của pháp luật;
b) Yêu cầu người đến nhận lại tang vật, phương tiện
đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng,
chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ dưới sự
chứng kiến của cán bộ quản lý. Việc giao, nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm
giữ phải được lập thành biên bản;
c) Trường hợp chuyển tang vật, phương tiện cho cơ
quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc cơ quan giám định thì
người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải lập
biên bản về số lượng, khối lượng, trọng lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu,
xuất xứ, tình trạng của tang vật, phương tiện. Biên bản được lập thành hai bản
có chữ ký của bên giao và bên nhận, mỗi bên giữ một bản;
d) Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu đã được
xác lập quyền sở hữu toàn dân hoặc đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt
phương án xử lý tài sản thì cơ quan của người đã ra quyết định tịch thu trước
đó phối hợp với cơ quan được giao chủ trì xử lý tài sản tổ chức chuyển giao tài
sản và hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến tài sản cho cơ quan, tổ chức tiếp nhận.
3. Tang vật, phương tiện khi đã được đưa ra khỏi
nơi tạm giữ và trả lại cho người nhận thì người nhận tang vật, phương tiện phải
chịu trách nhiệm về việc mất, thay đổi đối với tang vật, phương tiện đó.
4. Người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang
vật, phương tiện sau khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc sau khi
đã chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm báo cáo người
có thẩm quyền đã ra quyết định tạm giữ, tịch thu trước đó về kết quả đã thực hiện.
5. Thu, nộp, quản lý, sử dụng chi phí lưu kho, chi
phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ
a) Tổ chức, cá nhân vi phạm khi đến nhận lại tang vật,
phương tiện bị tạm giữ không thuộc trường hợp bị tịch thu phải trả chi phí lưu
kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị
tạm giữ.
Không phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi,
chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian tang vật, phương tiện vi
phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc
vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện
hoặc tổ chức, cá nhân vi phạm được giao giữ, bảo quản phương tiện theo quy định
tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định này;
b) Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật,
phương tiện trong trường hợp tự tổ chức lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện
bị tạm giữ hoặc tổ chức được cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật,
phương tiện thuê để lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện được trả chi phí
lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời
gian bị tạm giữ;
c) Chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản
tang vật, phương tiện bị tạm giữ; việc thu, nộp, quản lý, sử dụng chi phí lưu
kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ được thực
hiện theo quy định của Bộ Tài chính.”
8. Điều 17
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 17. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm
hành chính hết thời hạn tạm giữ
1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày hết thời hạn
tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được ghi trong quyết định tạm giữ,
nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp
không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông
báo trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm
giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có
thẩm quyền tạm giữ; hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày niêm yết công khai, thông
báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến
nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết
định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại
Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của
pháp luật có liên quan.
Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật,
phương tiện có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện khi
đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được
người vi phạm và trong thời gian niêm yết công khai, thông báo trên phương tiện
thông tin đại chúng cho đến khi tang vật, phương tiện đó bị tịch thu, xử lý
theo quy định.
2. Sau khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
bị tịch thu bằng quyết định tịch thu của người có thẩm quyền theo quy định của
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì
được xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của Luật
Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.”
Điều 2. Bãi bỏ khoản 4 Điều 7, khoản 1 Điều 19
Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm
2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm
hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 5 năm 2020.
2. Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục Mẫu quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh.
3. Các văn bản quy phạm pháp luật, điều khoản của
văn bản quy phạm pháp luật được trích dẫn trong Nghị định này khi được sửa đổi,
bổ sung, thay thế thì nội dung trích dẫn cũng được điều chỉnh và thực hiện theo
văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Điều 4. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC(2).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
PHỤ LỤC
MẪU QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC KHẤU TRỪ TIỀN ĐẶT BẢO LÃNH
(Kèm theo Nghị định số 31/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ)
CƠ QUAN (1)
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: …../QĐ-KTTĐBL
|
(2)……….., ngày ….
tháng … năm……..
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc khấu trừ
tiền đặt bảo lãnh
THẨM QUYỀN BAN
HÀNH
Căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số
……………../BB-VPHC lập ngày .... tháng. ...năm...;
Căn cứ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số...
/QĐ-XPVPHC ngày .... tháng ... năm… của(3)…………………………………………………………………………………………………;
Để bảo đảm thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành
chính, Tôi:………………………….;
Chức vụ:(3) …………………………………………………………………………………………,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Khấu trừ tiền đặt bảo lãnh để thi
hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số ……./QĐ-XPVPHC
ngày……tháng…….năm…………. của(3)……………………. xử phạt vi phạm hành chính đối
với ông (bà)/tổ chức có tên sau đây:
1. Họ và tên:……………………………………………… Giới
tính:.......................................
Ngày, tháng, năm sinh: ………./………./…………………. Quốc tịch:
...............................
Nghề nghiệp:
..............................................................................................................
Nơi ở hiện tại:
.............................................................................................................
Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu:
........................ ; ngày cấp: ………/……../………
nơi cấp:
......................................................................................................................
2. Tên tổ chức vi phạm:
...............................................................................................
Địa chỉ trụ sở chính:
.....................................................................................................
Mã số doanh nghiệp:
...................................................................................................
Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc
giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động:…………………………………………………………………………………......................
Ngày cấp: ………../………/…………………..; nơi cấp:
...................................................
Người đại diện theo pháp luật (4):............................................
Giới tính:…………………
Chức danh (5):
............................................................................................................
3. Số tiền bị khấu trừ:
..................................................................................................
(Bằng chữ:..................................................................................................................
)
Lý do khấu trừ: Không tự nguyện chấp hành Quyết định
xử phạt vi phạm hành chính số ………./QĐ-XPVPHC ngày…….tháng…….năm………… của(3)……………………………………
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày …….. tháng…….. năm………..
Nơi nhận:
- ….(6);
- Tổ chức, cá nhân bị xử phạt;
- Lưu: Hồ sơ.
|
NGƯỜI RA QUYẾT
ĐỊNH
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ chức vụ, họ và tên)
|
________________
(1) Ghi tên cơ quan của người có thẩm
quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể
thức của Bộ Nội vụ.
(3) Ghi chức danh và cơ quan của người
ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
(4) Ghi họ và tên của người đại diện
theo pháp luật nếu là công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên
trở lên, công ty cổ phần; ghi họ và tên của chủ doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp
tư nhân; ghi họ và tên của người đứng đầu tổ chức không phải là doanh nghiệp.
(5) Ghi chức danh của người đại diện
theo pháp luật nếu là công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên
trở lên, công ty cổ phần; ghi chức danh chủ doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp tư
nhân; ghi chức danh của người đứng đầu tổ chức không phải là doanh nghiệp.
(6) Ghi tên, địa chỉ của Kho bạc Nhà nước
hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt từ khấu
trừ tiền đặt bảo lãnh.