CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 169/2024/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 12 năm 2024
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG CỦA THÀNH PHỐ HÀ
NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Thủ đô ngày 28 tháng 6 năm 2024;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về
tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân phường của thành phố Hà Nội.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động
của Ủy ban nhân dân phường của thành phố Hà Nội (sau đây gọi là thành phố).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với:
1. Ủy ban nhân dân phường và công chức làm việc tại
Ủy ban nhân dân phường của thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân phường).
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Ủy
ban nhân dân phường
1. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường được
thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 13 Luật Thủ đô.
2. Các công chức khác của Ủy ban nhân dân phường, gồm:
a) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự;
b) Văn phòng - thống kê;
c) Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường;
d) Tài chính - kế toán;
đ) Tư pháp - hộ tịch;
e) Văn hóa - xã hội.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của
Ủy ban nhân dân phường
1. Ủy ban nhân dân phường làm việc theo chế độ thủ
trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường
quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
2. Trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường
thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố quyết định
giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường cho đến khi có quyết định bổ nhiệm
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy ban nhân dân
phường và các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường được phân cấp, ủy
quyền quy định tại khoản 1 Điều 13 và Điều 14 Luật Thủ đô phải
được thảo luận tập thể trước khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường quyết định và
chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tập thể quy định tại khoản này gồm: Chủ tịch Ủy ban
nhân dân phường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và công chức khác có liên
quan.
4. Hoạt động của Ủy ban nhân dân phường phải đáp ứng
sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được
giao, theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân
phường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải
quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại phường theo quy định của pháp
luật, bảo đảm các hoạt động của Ủy ban nhân dân phường dân chủ, công khai, minh
bạch, thống nhất, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
5. Trưởng công an phường tham mưu, chịu sự chỉ đạo
điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường trong việc thực hiện nhiệm vụ về
an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành
vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân phường
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người đứng đầu
Ủy ban nhân dân phường, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành toàn diện mọi
hoạt động của Ủy ban nhân dân phường theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân
phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp
luật.
2. Ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân
phường.
3. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và
trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường.
4. Trực tiếp sử dụng và quản lý công chức làm việc
tại Ủy ban nhân dân phường theo quy định của Luật Thủ đô và theo phân cấp, ủy
quyền của Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; Ủy ban
nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố.
5. Ký các văn bản của Ủy ban nhân dân phường với chức
danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước
ở phường và chịu trách nhiệm về các văn bản của Ủy ban nhân dân phường.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường vi phạm trách nhiệm
quy định tại Điều này thì bị xem xét xử lý theo quy định tại Luật Cán bộ, công
chức và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 6. Trách nhiệm của Phó Chủ
tịch Ủy ban nhân dân phường
1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân
dân phường trong phạm vi lĩnh vực được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường phân
công.
2. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường, trước pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi lĩnh vực
được phân công.
3. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường được Chủ tịch
Ủy ban nhân dân phường ủy quyền bằng văn bản điều hành, giải quyết công việc và
ký các văn bản của Ủy ban nhân dân phường khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường vắng
mặt.
4. Ký thay Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường các văn
bản của Ủy ban nhân dân phường khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường phân
công.
5. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường vi phạm
trách nhiệm quy định tại Điều này thì bị xem xét xử lý theo quy định tại Luật
Cán bộ, công chức và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 7. Trách nhiệm của các
công chức khác của Ủy ban nhân dân phường
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường phụ trách và trước pháp luật trong
thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và các
nhiệm vụ được ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết công việc
được giao theo đúng quy định về thời gian, kết quả và thẩm quyền; tận tụy phục
vụ Nhân dân, không gây khó khăn, phiền hà cho Nhân dân. Đối với các vấn đề vượt
quá thẩm quyền, phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường hoặc Phó Chủ tịch Ủy
ban nhân dân phường phụ trách xem xét, quyết định.
3. Tuân thủ Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân
phường, chấp hành nghiêm túc sự phân công nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường; giải quyết công việc theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo đảm
tiến độ, chất lượng công việc.
4. Thực hiện nghĩa vụ của công chức và chấp hành
quy định về những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công
chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
5. Các công chức khác của Ủy ban nhân dân phường vi
phạm trách nhiệm quy định tại Điều này thì bị xem xét xử lý theo quy định tại
Luật Cán bộ, công chức và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 8. Tổ chức các cuộc họp của
Ủy ban nhân dân phường
1. Việc tổ chức các cuộc họp của Ủy ban nhân dân
phường thực hiện theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường, do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân phường triệu tập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường mời Bí thư đảng ủy
phường, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, người đứng đầu tổ chức
chính trị - xã hội phường, Trưởng Công an phường, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ
dân phố, đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân quận,
thị xã, thành phố thuộc thành phố tham dự cuộc họp khi nội dung cuộc họp có các
vấn đề liên quan.
3. Kết luận cuộc họp liên quan đến người dân phải
được đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân phường (trừ thông
tin thuộc bí mật Nhà nước) theo quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Ủy
ban nhân dân phường để thông tin công khai, kịp thời đến các cơ quan, tổ chức
và Nhân dân biết, thực hiện.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 01 năm 2025.
2. Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm
2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số
97/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình
chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội hết hiệu lực từ ngày Nghị định này có
hiệu lực thi hành.
Điều 10. Quy định chuyển tiếp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, Phó Chủ tịch Ủy
ban nhân dân phường được bổ nhiệm trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 tiếp tục thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Thời hạn giữ chức vụ tính theo quyết định
bổ nhiệm.
2. Chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp kiêm
nhiệm chức danh đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, Phó Chủ tịch Ủy ban
nhân dân phường, công chức khác làm việc tại Ủy ban nhân dân phường thực hiện
theo quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra,
thanh tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định.
2. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố có
trách nhiệm triển khai thực hiện Nghị định.
3. Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm:
a) Ban hành Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân
dân phường;
b) Ban hành quy định phân cấp quản lý cán bộ, công
chức làm việc tại phường.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và
các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (2).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Hòa Bình
|