LUẬT
TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP
Căn cứ vào chương
7 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Luật này quy định tổ chức
Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp.
Chương
1:
NGUYÊN TẮC CƠ BẢN
Điều
1
Các đơn vị hành chính trong nước
Việt Nam dân chủ cộng hoà phân định như sau:
- Nước chia thành tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương, khu tự trị;
- Tỉnh chia thành huyện, thành
phố thuộc tỉnh, thị xã;
- Huyện chia thành xã, thị trấn.
Các khu tự trị chia thành tỉnh;
tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; huyện chia thành xã, thị
trấn.
Các thành phố có thể chia thành
khu phố ở trong thành và huyện ở ngoài thành.
Hiện nay khu Hồng quảng và khu
Vĩnh Linh coi như tỉnh.
Các đơn vị hành chính kể trên đều
có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính.
Điều
2
Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền
lực Nhà nước ở địa phương do nhân dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước
nhân dân địa phương.
Số đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi
cấp và cách thức bầu cử Hội đồng nhân dân do Luật bầu cử quy định.
Điều
3
Uỷ ban hành chính do Hội đồng
nhân dân bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, đồng thời là cơ
quan hành chính của Nhà nước ở địa phương.
Điều
4
Nhiệm kỳ của mỗi khoá Hội đồng
nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng nhân
dân khu tự trị là ba năm.
Nhiệm kỳ của mỗi khoá Hội đồng
nhân dân các cấp khác là hai năm.
Nhiệm kỳ của Uỷ ban hành chính cấp
nào theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cấp ấy. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm
kỳ hoặc bị giải tán, Uỷ ban hành chính tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng
nhân dân mới bầu ra Uỷ ban hành chính mới.
Điều
5
Uỷ ban hành chính cHịu trách nhiệm
và báo cáo công tác với Hội đồng nhân dân cấp mình và với cơ quan hành chính
Nhà nước cấp trên trực tiếp.
Uỷ ban hành chính ở một địa
phương chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất
của Hội đồng chính phủ.
Điều
6
Hội đồng nhân dân có quyền sửa đổi
hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Uỷ ban hành chính cấp mình;
có quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng
nhân dân cấp dưới trực tiếp và những quyết định không thích đáng của Uỷ ban
hành chính cấp dưới trực tiếp.
Điều
7
Hội đồng nhân dân có quyền giải tán
Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Hội đồng nhân dân này gây thiệt hại đến
quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng.
Nghị quyết giải tán của các Hội
đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu tự trị phải được Uỷ
ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước khi thi hành.
Nghị quyết giải tán của các Hội
đồng nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, phải được Hội đồng nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê chuẩn trước khi thi hành.
Điều
8
Uỷ ban hành chính cấp trên có
quyền đình chỉ việc thi hành những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng
nhân dân cấp dưới trực tiếp và đề nghị Hội đồng nhân dân cấp mình sửa đổi hoặc
bãi bỏ những nghị quyết ấy.
Uỷ ban hành chính cấp trên có
quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Uỷ ban hành
chính cấp dưới.
Chương
2:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP
Mục
1: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP
Điều 9
Hội đồng nhân dân các cấp bảo đảm
sự tôn trọng và chấp hành pháp luật của Nhà nước ở địa phương, duy trì trật tự
an ninh và bảo vệ tài sản công cộng ở địa phương.
Điều
10
Trong phạm vi pháp luật đã quy định,
Hội đồng nhân dân các cấp quyết định các vấn đề về kinh tế, văn hoá và xã hội của
địa phương, phát huy mọi khả năng của địa phương nhằm thực hiện những nhiệm vụ
chung của Nhà nước ở địa phương và nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.
Điều
11
Hội đồng nhân dân các cấp bảo hộ
quyền lợi của công dân ở địa phương và chăm lo việc công dân ở địa phương làm
tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước.
Điều
12
Hội đồng nhân dân các cấp bảo đảm
quyền bình đẳng của các dân tộc, giữ vững và tăng cường sự đoàn kết giữa các
dân tộc.
Điều
13
Căn cứ vào pháp luật của Nhà nước
và nghị quyết của cấp trên, Hội đồng nhân dân các cấp ra những nghị quyết thi
hành ở địa phương.
Những nghị quyết về những vấn đề
mà pháp luật quy định thuộc quyền phê chuẩn của cấp trên thì, trước khi thi
hành, phải được cấp trên phê chuẩn.
Điều
14
Hội đồng nhân dân các cấp bầu ra
Uỷ ban hành chính và Toà án nhân dân cấp mình và có quyền bãi miễn những thành
viên của các cơ quan ấy.
Điều
15
Hội đồng nhân dân tỉnh và Hội đồng
nhân dân thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Căn cứ vào kế hoạch của Nhà nước,
quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá và những sự nghiệp lợi ích công
cộng của tỉnh, thành phố và quyết định các chủ trương công tác khác, phát huy mọi
khả năng của địa phương nhằm bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ chung của Nhà nước
ở địa phương và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân địa phương;
- Xét duyệt dự toán và phê chuẩn
quyết toán ngân sách của tỉnh, thành phố; quyết định các khoản thu cho ngân
sách địa phương theo quy định của pháp luật;
- Căn cứ vào pháp luật của Nhà
nước, ra những quy định về trật tự trị an, về vệ sinh chung và những quy định về
các vấn đề khác của tỉnh, thành phố.
Điều
16
Hội đồng nhân Dân huyện có nhiệm
vụ và quyền hạn như sau:
- Quyết định các chủ trương và
biện pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá
trong huyện do tỉnh hoặc thành phố giao cho;
- Căn cứ vào điều kiện của huyện,
quyết định việc xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá và xã hội của cấp huyện;
- Xét duyệt dự trù và quyết toán
chi tiêu của cấp huyện;
- Căn cứ vào pháp luật của Nhà
nước, ra những quy định về trật tự trị an, về vệ sinh chung của huyện.
Điều
17
Hội đồng nhân dân thành phố thuộc
tỉnh và Hội đồng nhân dân thị xã có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Căn cứ vào kế hoạch kinh tế và
văn hoá của cấp trên, quyết định kế hoạch phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp,
nông nghiệp, văn hoá và những sự nghiệp lợi ích công cộng của thành phố, thị
xã;
- Xét duyệt dự toán và phê chuẩn
quyết toán ngân sách của thành phố, thị xã;
- Căn cứ vào pháp luật của Nhà
nước, ra những quy định về trật tự trị an, về vệ sinh chung của thành phố, thị
xã.
Điều
18
Hội đồng nhân dân khu phố có nhiệm
vụ và quyền hạn như sau:
- Quyết định các chủ trương và
biện pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, văn
hoá trong khu phố do thành phố giao cho;
- Căn cứ vào điều kiện của khu
phố, quyết định việc xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá và xã hội của cấp khu
phố;
- Xét duyệt dự trù và quyết toán
chi tiêu của khu phố.
Điều
19
Hội đồng nhân dân xã và Hội đồng
nhân dân thị trấn có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Căn cứ vào kế hoạch kinh tế và
văn hoá của cấp trên, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá và những
sự nghiệp lợi ích công cộng của xã, thị trấn;
- Xét duyệt dự toán và phê chuẩn
quyết toán ngân sách của xã, thị trấn;
- Căn cứ vào pháp luật của Nhà
nước, ra những quy định về trật tự trị an, về vệ sinh chung của xã, thị trấn.
Những quy định này, trước khi thi hành, phải được Uỷ ban hành chính cấp trên trực
tiếp phê chuẩn.
Mục
2: HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG KHU TỰ TRỊ
Điều
20
Hội đồng nhân dân khu tự trị có
nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Bảo đảm sự tôn trọng và chấp
hành pháp luật của Nhà nước ở địa phương; bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc,
giữ vững và tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc; duy trì trật tự an ninh và
bảo vệ tài sản công cộng, bảo hộ quyền lợi của công dân và chăm lo việc công
dân làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước;
- Căn cứ vào kế hoạch của Nhà nước
và đặc điểm tình hình trong khu tự trị, quyết định phương hướng và nhiệm vụ
phát triển kinh tế trong khu tự trị; quyết định kế hoạch phát triển văn hoá dân
tộc và đào tạo cán bộ dân tộc trong khu tự trị;
- Quyết định kế hoạch xây dựng
các cơ sở kinh tế, văn hoá và xã hội của cấp khu;
- Xét duyệt dự trù và quyết toán
chi tiêu của cấp khu;
- Căn cứ vào pháp luật của Nhà
nước và chiếu theo những đặc điểm về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của
các dân tộc ở địa phương, đặt ra điều lệ tự trị và những điều lệ về những vấn đề
riêng biệt để thi hành ở địa phương sau khi đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội
phê chuẩn;
- Bầu ra Uỷ ban hành chính và
Toà án nhân dân khu tự trị và bãi miễn những thành viên của các cơ quan ấy.
Điều
21
Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện,
thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố, xã, thị trấn trong khu tự trị có những nhiệm
vụ và quyền hạn như các Hội đồng nhân dân cấp tương đương quy định ở các điều
trong mục 1 của chương này.
Mục
3: HỘI NGHỊ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Điều 22
Hội nghị Hội đồng nhân dân cấp
nào do Uỷ ban hành chính cấp ấy triệu tập.
Kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Hội
đồng nhân dân do Uỷ ban hành chính khoá trước triệu tập chậm nhất là bốn mươi
nhăm ngày sau ngày bầu cử xong đại biểu Hội đồng nhân dân mới.
Điều
23
Các Hội đồng nhân dân thành phố
thuộc tỉnh, thị xã, khu phố, xã,
thị trấn ba tháng họp một kỳ.
Các Hội đồng nhân dân khu vực tự
trị, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện sáu tháng họp một kỳ.
Uỷ ban hành chính các cấp triệu
tập hội nghị bất thường của Hội đồng nhân dân cấp mình khi xét thấy cần thiết
hoặc khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình yêu
cầu.
Điều
24
Hội đồng nhân dân họp công khai.
Ngày họp, nơi họp và chương
trình làm việc của hội nghị Hội đồng nhân dân phải được công bố trước để nhân
dân biết.
Trong trường hợp đặc biệt, Hội đồng
nhân dân có thể họp kín theo đề nghị của đoàn Chủ tịch hội nghị hoặc của Uỷ ban
hành chính.
Điều
25
Khi Hội đồng nhân dân họp, những
người không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân có thể được mời tới dự hội nghị
và có thể phát biểu ý kiến, nhưng không có quyền biểu quyết.
Điều
26
Mỗi kỳ họp, Hội đồng nhân dân bầu
ra đoàn Chủ tịch và đoàn thư ký của kỳ họp.
Điều
27
Các nghị quyết của Hội đồng nhân
dân phải được quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành.
Hội đồng nhân dân biểu quyết bằng
cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín.
Mục
4: CÁC BAN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Điều
28
Tuỳ theo nhu cầu công tác, Hội đồng
nhân dân có thể thành lập các ban của Hội đồng nhân dân.
Điều
29
Trong phạm vi công tác của mình,
các ban của Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ giúp Hội đồng nhân dân tìm hiểu ý kiến,
nguyện vọng của nhân dân, góp ý kiến với Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng
và thực hiện những chủ trương công tác ở địa phương.
Điều
30
Thành viên của các ban do Hội đồng
nhân dân cử trong Hội đồng nhân dân và, khi cần, có thể cử thêm người ngoài Hội
đồng nhân dân.
Trong khi làm công việc do ban
giao cho, các thành viên của các ban không thoát ly sản xuất hoặc công tác
chuyên môn của mình.
Mục
5: ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Điều
31
Đại biểu Hội đồng nhân dân phải
trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, gương mẫu tuân theo Hiến pháp và pháp
luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Điều
32
Đại biểu Hội đồng nhân dân phải
liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám
sát của nhân dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân động
viên nhân dân chấp hành những nghị quyết và quyết định của Hội đồng nhân dân, của
Uỷ ban hành chính địa phương và của các cơ quan nhà nước cấp trên.
Từng thời kỳ một, Đại biểu Hội đồng
nhân dân phải báo cáo với cử tri về hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Điều
33
Đại biểu Hội đồng nhân dân có
quyền chất vấn Uỷ ban hành chính và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban hành
chính.
Đại biểu Hội đồng nhân dân có
quyền dự các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp dưới thuộc đơn vị đã bầu ra mình,
có quyền phát biểu ý kiến, nhưng không có quyền biểu quyết.
Điều
34
Trong thời gian Hội đồng nhân
dân họp, nếu không có sự đồng ý của đoàn Chủ tịch hội nghị thì không được bắt
giam hoặc truy tố đại biểu Hội đồng nhân dân. Trong trường hợp phạm pháp quả
tang hoặc trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan có trách nhiệm, khi tạm giữ một đại
biểu, phải lập tức báo cáo với đoàn Chủ tịch hội nghị.
Điều
35
Đại biểu Hội đồng nhân dân có thể
bị cử tri bãi miễn nếu không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Việc đưa một đại biểu Hội đồng
nhân dân ra để cử tri biểu quyết bãi miễn do Hội đồng nhân dân quyết định.
Việc bỏ phiếu biểu quyết bãi miễn
đại biểu được tiến hành theo cách thức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều
36
Đại biểu Hội đồng nhân dân nào
phạm pháp và bị Toà án phạt tù thì đương nhiên mất quyền đại biểu Hội đồng nhân
dân.
Điều
37
Đại biểu Hội đồng nhân dân có thể
xin từ chức vì lý do không thể đảm nhiệm được nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân
dân.
Việc xin từ chức của đại biểu Hội
đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân xét định.
Điều
38
Trong nhiệm kỳ của Hội đồng nhân
dân, khi khuyết đại biểu thì có thể tổ chức bầu cử bổ sung.
Hội đồng Chính phủ quyết định việc
bầu cử bổ sung đại biểu của các Hội đồng nhân dân khu tự trị, tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương.
Uỷ ban hành chính tỉnh hoặc
thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu của các
Hội đồng nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố, xã, thị trấn.
Điều
39
Khi đi họp và trong thời gian hội
nghị Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân được hưởng cấp phí đi đường
và chế độ phụ cấp do Hội đồng Chính phủ quy định. Nếu đại biểu Hội đồng nhân
dân là người ăn lương Nhà nước, thì vẫn được hưởng lương của mình và cấp phí đi
đường nhưng không hưởng phụ cấp nói trên.
Chương
3:
UỶ BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP
Mục
1: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều
40
Uỷ ban hành chính các cấp quản
lý công tác hành chính của địa phương; chấp hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân
cấp mình và nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư, chỉ thị của cơ quan
Nhà nước cấp trên.
Điều
41
Uỷ ban hành chính các cấp có nhiệm
vụ triệu tập hội nghị Hội đồng nhân dân cấp mình đúng kỳ hạn, chuẩn bị hội nghị
Hội đồng nhân dân, đưa ra Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định các vấn đề
quan trọng của địa phương.
Điều
42
Uỷ ban hành chính các cấp lãnh đạo
công tác của các ngành thuộc quyền mình và của các Uỷ ban hành chính cấp dưới.
Điều
43
Uỷ ban hành chính các cấp có quyền
ra những quyết định và chỉ thị theo quy định của pháp luật và kiểm tra việc thi
hành những quyết định và chỉ thị ấy.
Uỷ ban hành chính các cấp xét và
giải quyết nhanh chóng những việc khiếu nại và tố cáo của công dân.
Điều
44
Uỷ ban hành chính tỉnh và Uỷ ban
hành chính thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Chấp hành kế hoạch kinh tế,
văn hoá và ngân sách của tỉnh, thành phố;
- Quản lý công nghiệp địa
phương; lãnh đạo việc củng cố và phát triển các hợp tác xã thủ công nghiệp và
lãnh đạo việc phát triển sản xuất thủ công nghiệp;
- Quản lý công tác xây dựng cơ bản;
- Lãnh đạo việc củng cố và phát
triển các hợp tác xã nông nghiệp và lãnh đạo việc phát triển sản xuất nông nghiệp;
- Quản lý công tác thuỷ lợi;
- Quản lý công tác lâm nghiệp;
- Quản lý công tác giao thông, vận
tải và công tác bưu điện và truyền thanh;
- Quản lý công tác thương nghiệp,
công tác thu mua và quản lý thị trường;
- Quản lý công tác thu thuế và
các khoản thu khác của Nhà nước ở địa phương;
- Lãnh đạo việc thực hiện các chỉ
tiêu kế hoạch của ngân hàng; lãnh đạo việc củng cố và phát triển các hợp tác xã
vay mượn, quỹ tiết kiệm, quỹ tín dụng;
- Quản lý nhà, đất và tài sản
công cộng;
- Quản lý công tác văn hoá, giáo
dục, y tế, vệ sinh, thể dục thể thao;
- Quản lý các sự nghiệp lợi ích
công cộng;
- Quản lý công tác lao động, tiền
lương, bảo hiểm xã hội, cứu tế xã hội;
- Giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ
tài sản công cộng, xây dựng lực lượng hậu bị, dân quân, tự vệ và thi hành các
công tác quân sự khác;
- Quản lý tổ chức, biên chế và cán
bộ;
- Tham gia quản lý các xí nghiệp,
sự nghiệp của trung ương ở địa phương; cung cấp nhân lực, lương thực, thực phẩm
và bảo đảm trật tự an ninh cho các xí nghiệp, sự nghiệp ấy;
- Quản lý công tác khác do Hội đồng
Chính phủ giao cho.
Điều
45
Uỷ ban hành chính huyện có nhiệm
vụ và quyền hạn như sau:
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc
các xã, thị trấn xây dựng và chấp hành kế hoạch kinh tế, văn hoá và ngân sách của
xã, thị trấn;
- Lãnh đạo các xã, thị trấn củng
cố và phát triển các hợp tác xã, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp
và các ngành nghề khác;
- Lãnh đạo các xã phát triển các
công trình thuỷ lợi, giao thông, vận tải và các sự nghiệp giáo dục, văn hoá, xã
hội có tính chất liên xã;
- Thu thuế công thương nghiệp;
chỉ đạo các xã, thị trấn thu thuế, thu nợ, thu mua;
- Quản lý tài chính của cấp huyện;
- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện
các chỉ tiêu kế hoạch của ngân hàng; lãnh đạo việc củng cố và phát triển các hợp
tác xã vay mượn, quỹ tín dụng;
- Quản lý công tác văn hoá, giáo
dục, y tế, thể dục thể thao; quản lý công tác bưu điện và truyền thanh;
- Quản lý các xí nghiệp, trường
phổ thông, bệnh xá, sự nghiệp lợi ích công cộng của huyện;
- Giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ
tài sản công cộng; xây dựng lực lượng hậu bị, dân quân, tự vệ và thi hành các
công tác quân sự khác;
- Quản lý tổ chức, biên chế và
cán bộ;
- Quản lý các công tác khác do cấp
trên giao cho.
Điều
46
Uỷ ban hành chính thành phố thuộc
tỉnh và Uỷ ban hành chính thị xã có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Chấp hành kế hoạch kinh tế,
văn hoá và ngân sách của thành phố, thị xã;
- Lãnh đạo việc củng cố và phát
triển các hợp tác xã thủ công nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, củng cố các tổ chức
hợp tác của tiểu thương và của các ngành nghề khác;
- Quản lý công tác giao thông, vận
tải và công tác bưu điện và truyền thanh;
- Quản lý nhà, đất và tài sản
công cộng;
- Thu thuế và các khoản thu khác
của Nhà nước;
- Đôn đốc việc thực hiện các chỉ
tiêu kế hoạch của ngân hàng; lãnh đạo việc củng cố và phát triển các hợp tác xã
vay mượn, quỹ tiết kiệm;
- Thu mua cho Nhà nước và quản
lý các chợ;
- Quản lý công tác văn hoá, giáo
dục, y tế, vệ sinh, thể dục, thể thao;
- Quản lý các trường phổ thông,
lớp mẫu giáo, lớp vỡ lòng, nhà giữ trẻ, vườn trẻ, các bệnh viện, bệnh xá, sự
nghiệp lợi ích công cộng và xí nghiệp của thành phố, thị xã;
- Quản lý lao động, tiền lương;
Quản lý công tác bảo hiểm xã hội, cứu tế và xã hội;
- Quản lý công tác hộ tịch;
- Giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ
tài sản công cộng; xây dựng lực lượng hậu bị, dân quân, tự vệ và thi hành các
công tác quân sự khác;
- Quản lý tổ chức, biên chế và
cán bộ;
- Quản lý các công tác khác do cấp
trên giao cho.
Điều
47
Uỷ ban hành chính khu phố có nhiệm
vụ và quyền hạn như sau:
- Lãnh đạo việc củng cố và phát
triển các hợp tác xã thủ công nghiệp, củng cố các tổ chức hợp tác của tiểu
thương và của các ngành nghề khác;
- Thu thuế và các khoản thu khác
của Nhà nước; quản lý các chợ;
- Quản lý nhà, đất và tài sản
công cộng;
- Quản lý tài chính của khu phố;
- Đôn đốc việc thực hiện các chỉ
tiêu kế hoạch của ngân hàng; lãnh đạo việc củng cố và phát triển quỹ tiết kiệm;
- Quản lý các trường phổ thông,
lớp mẫu giáo, lớp vỡ lòng, nhà giữ trẻ, vườn trẻ, phòng khám bệnh, bệnh xá, nhà
hộ sinh và các cơ sở văn hoá của khu phố;
- Quản lý lao động, tiền lương;
quản lý công tác bảo hiểm xã hội, cứu tế và xã hội;
- Quản lý công tác hộ tịch;
- Giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ
tài sản công cộng; xây dựng lực lượng hậu bị, dân quân, tự vệ và thi hành các
công tác quân sự khác;
- Quản lý tổ chức, biên chế và
cán bộ;
- Quản lý các công tác khác do cấp
trên giao cho.
Điều
48
Uỷ ban hành chính xã và Uỷ ban
hành chính thị trấn có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Chấp hành kế hoạch kinh tế,
văn hoá và ngân sách của xã, thị trấn;
- Giúp các hợp tác xã sản xuất
nông nghiệp và các hợp tác xã khác xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất; đôn
đốc giám sát các hợp tác xã và công dân thực hiện mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước;
đình chỉ việc thi hành những nghị quyết trái pháp luật của hợp tác xã, nhưng phải
báo ngay lên cấp trên trực tiếp để quyết định;
- Quản lý hệ thống tiểu thuỷ
nông, các đường giao thông của xã; quản lý công tác bưu điện và truyền thanh;
- Thu thuế, thu nợ, thu mua cho
Nhà nước; quản lý chợ, bến đò;
- Đôn đốc việc thực hiện các chỉ
tiêu kế hoạch của ngân hàng; lãnh đạo việc củng cố và phát triển các hợp tác xã
vay mượn, quỹ tín dụng;
- Quản lý tài sản công cộng;
- Xây dựng trường phổ thông; quản
lý các lớp mẫu giáo, lớp vỡ lòng; lãnh đạo việc phát triển các nhà giữ trẻ, vườn
trẻ;
- Quản lý các trạm y tế, nhà hộ
sinh và các sự nghiệp lợi ích công cộng; quản lý công tác văn hoá, thông tin,
thể dục thể thao;
- Quản lý lao động và công tác cứu
tế và xã hội;
- Quản lý công tác hộ tịch;
- Giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ
tài sản công cộng; xây dựng lực lượng hậu bị, dân quân, tự vệ và thi hành các
công tác quân sự khác;
- Quản lý các công tác khác do cấp
trên giao cho.
Mục
2: UỶ BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP TRONG KHU TỰ TRỊ
Điều
49
Uỷ ban hành chính khu tự trị có
nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Lãnh đạo các tỉnh trong khu tự
trị thực hiện chính sách dân tộc, phát huy mọi khả năng của các dân tộc nhằm
làm cho khu tự trị phát triển về mọi mặt;
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc
các Uỷ ban hành chính tỉnh trong khu tự trị xây dựng và chấp hành kế hoạch kinh
tế và văn hoá, xây dựng và chấp hành ngân sách;
- Quản lý công tác văn hoá dân tộc;
đào tạo cán bộ các dân tộc;
- Quản lý các cơ sở kinh tế, văn
hoá và xã hôi của cấp khu;
- Quản lý tài chính của cấp khu;
- Lãnh đạo công tác giữ gìn trật
tự an ninh, bảo vệ tài sản công cộng; lãnh đạo công tác tổ chức các lực lượng hậu
bị, dân quân, tự vệ của địa phương;
- Chấp hành điều lệ tự trị và những
điều lệ về những vấn đề riêng biệt của khu tự trị;
- Quản lý các công tác khác do Hội
đồng Chính phủ giao cho.
Điều
50
Các Uỷ ban hành chính tỉnh, huyện,
thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố, xã, thị trấn trong khu tự trị có nhiệm vụ
và quyền hạn như Uỷ ban hành chính cấp tương đương quy định ở các điều trong mục
1 của chương này.
Mục
3: TỔ CHỨC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA UỶ BAN HÀNH CHÍNH
Điều
51
Trong kỳ họp đầu tiên, Hội đồng
nhân dân bầu ra Chủ tịch, một hoặc nhiều Phó Chủ tịch, uỷ viên thư ký và các uỷ
viên khác của Uỷ ban hành chính.
Thành viên Uỷ ban hành chính phải
là đại biểu Hội đồng nhân dân.
Các Uỷ ban hành chính xã, thị trấn
có từ năm đến bảy người. ở các xã miền núi có nhiều dân tộc ở xen kẽ thì Uỷ ban
hành chính có từ năm đến chín người.
Các Uỷ ban hành chính huyện, thị
xã, thành phố thuộc tỉnh, khu phố có từ bảy đến chín người. ở các huyện miền có
nhiều dân tộc ở xen kẽ thì Uỷ ban hành chính có từ bảy đến mười một người.
Các Uỷ ban hành chính tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương có từ chín đến mười lăm người.
Uỷ ban hành chính khu tự trị có
từ chín đến mười bảy người.
Trong nhiệm kỳ của uỷ ban hành
chính, khi khuyết thành viên của Uỷ ban hành chính thì Hội đồng nhân dân cùng cấp
bầu bổ sung.
Điều
52
Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban hành
chính cấp trên trực tiếp có quyền đình chỉ công tác của thành viên Uỷ ban hành
chính phạm lỗi. Uỷ ban hành chính có thành viên phạm lỗi sẽ đưa việc phạm lỗi của
thành viên đó ra Hội đồng nhân dân cùng cấp xét định.
Điều
53
Uỷ ban hành chính các cấp làm việc
theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, phân công phụ trách.
Mỗi thành viên của Uỷ ban hành
chính chịu trách nhiệm chung về công tác của Uỷ ban hành chính và chịu trách
nhiệm riêng về phần công tác của mình.
Chủ tịch Uỷ ban hành chính lãnh
đạo công tác của Uỷ ban hành chính, triệu tập và chủ toạ các cuộc họp của Uỷ ban
hành chính; bảo đảm việc chấp hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp
mình, các nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư và chỉ thị của Uỷ ban
hành chính và của cơ quan Nhà nước cấp trên.
Phó chủ tịch giúp Chủ tịch lãnh
đạo công tác của uỷ ban hành chính, có thể được Uỷ ban hành chính phân công chỉ
đạo từng khối công tác của Uỷ ban hành chính và uỷ nhiệm thay Chủ tịch khi Chủ
tịch vắng mặt.
Uỷ viên thư ký lãnh đạo văn
phòng của uỷ ban hành chính, giải quyết công việc hàng ngày của Uỷ ban hành chính
dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch và các Phó chủ tịch.
Chủ tịch, các Phó chủ tịch, uỷ
viên thư ký họp thành bộ phận thường trực của Uỷ ban hành chính.
Điều
54
Uỷ ban hành chính các cấp mỗi
tháng họp ít nhất một lần.
Điều
55
Uỷ ban hành chính các cấp thành
lập hoặc bãi bỏ các cơ quan chuyên môn, thành lập hoặc bãi bỏ các bộ phận
chuyên môn thuộc Uỷ ban hành chính, theo nguyên tắc và thủ tục do Hội đồng
Chính phủ quy định.
Điều
56
Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ
ban hành chính chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính, đồng thời chịu sự chỉ đạo
về kỹ thuật và nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn cấp trên.
Thủ trưởng cơ quan chuyên môn chịu
trách nhiệm và báo cáo công tác với cơ quan hành chính cấp mình và với cơ quan
chuyên môn cấp trên.
Chương
4:
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC
TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP THAY ĐỔI CẤP HOẶC ĐỊA GIỚI CỦA CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
Điều
57
Trong trường hợp nhập hai hoặc
nhiều đơn vị hành chính thành một đơn vị hành chính mới, các Hội đồng nhân dân
của các đơn vị hành chính cũ nhập lại thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành
chính mới và hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ của các Hội đồng nhân dân cũ.
Hội đồng nhân dân của đơn vị
hành chính mới bầu ra Uỷ ban hành chính mới.
Điều
58
Trong trường hợp chia một đơn vị
hành chính thành hai hoặc nhiều đơn vị hành chính mới, các đại biểu Hội đồng
nhân dân đã được bầu trong địa hạt đơn vị hành chính mới nào thì hợp thành Hội
đồng nhân dân của đơn vị hành chính ấy, và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết
nhiệm kỳ. Nếu cần bầu thêm đại biểu mới thì phải làm theo quy định của Điều 38 của Luật này.
Hội đồng nhân dân của đơn vị
hành chính mới bầu ra Uỷ ban hành chính mới.
Điều
59
Trong trường hợp một đơn vị hành
chính thay đổi cấp, thì Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính tiếp tục hoạt động
với cương vị của cấp mới cho đến khi hết nhiệm kỳ.
Điều
60
Luật số 110-SL/L.12 ngày
31-5-1958 về tổ chức chính quyền địa phương và những quy định khác ban hành trước
đây trái với Luật này đều bãi bỏ.
Luật này đã được Quốc
hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, khoá II, kỳ họp thứ 5, nhất trí thông qua
ngày 27 tháng 10 năm 1962.