Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật quốc phòng năm 2018 số 22/2018/QH14 áp dụng 2024

Số hiệu: 22/2018/QH14 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 08/06/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Một số nội dung mới nổi bật của Luật quốc phòng 2018

Luật Quốc phòng 2018 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 08/6/2018.

Theo đó, có một số nội dung mới nổi bật sau đây:

- Đưa nội dung bảo vệ không gian mạng vào luật;

- Đề cập tới vấn đề Nhà nước cần có kế hoạch sử dụng đất quốc phòng;

- Đưa nội dung xây dựng phòng thủ quân khu vào Luật khá chi tiết như khái niệm, nhiệm vụ và khu vực phòng thủ;

- Quy định cụ thể hơn về tình trạng giới nghiêm, thiết quân luật nhằm chuẩn bị trước khi đất nước có tình trạng chống phá, thậm chí bạo loạn lật đổ, trong đó hạn chế hoạt động, cấm tụ tập đông người...;

- Xác định rõ hơn mối quan hệ sự nghiệp quốc phòng là sự nghiệp của toàn dân, sức mạnh quốc phòng là sức mạnh toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị;

- Quy định về việc công bố tình trạng chiến tranh…

Luật Quốc phòng 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 22/2018/QH14

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2018

LUẬT

QUỐC PHÒNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Quốc phòng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

2. Tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

3. Quân sự là hoạt động đặc biệt của xã hội về xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh vũ trang, trong đó Quân đội nhân dân làm nòng cốt.

4. Chiến tranh nhân dân là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

5. Thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo kế hoạch thống nhất, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc để ngăn ngừa, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động chống phá của thế lực thù địch, sẵn sàng chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến.

6. Phòng thủ đất nước là tổng thể các hoạt động tổ chức, chuẩn bị và thực hành về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại để bảo vệ Tổ quốc.

7. Xâm lược là hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng cách sử dụng lực lượng vũ trang hoặc cách thức khác trái với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

8. Chiến tranh thông tin là một loại hình thái chiến tranh, bao gồm các hoạt động, biện pháp để vô hiệu hóa hệ thống thông tin của đối phương và bảo vệ hệ thống thông tin của Việt Nam.

9. Tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố từ khi Tổ quốc bị xâm lược cho đến khi hành vi xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế.

10. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành vi xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh.

11. Tổng động viên là biện pháp huy động mọi nguồn lực của đất nước để chống chiến tranh xâm lược.

12. Động viên cục bộ là biện pháp huy động mọi nguồn lực của một hoặc một số địa phương trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

13. Thảm họa là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động quốc phòng

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.

2. Củng cố, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

3. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân.

4. Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng.

5. Kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về quốc phòng

1. Củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh quân sự để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

2. Thực hiện độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời; thực hiện chính sách hòa bình, tự vệ; sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu và hành vi xâm lược.

3. Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Huy động nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

5. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho quốc phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế.

6. Phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

7. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; có chính sách đặc thù ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng.

8. Nhà nước ghi nhận công lao và khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng

1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.

2. Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; chấp hành biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Công dân được tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; giáo dục quốc phòng và an ninh; trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.

4. Công dân phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc được huy động làm nhiệm vụ quốc phòng thì bản thân và thân nhân được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

5. Công dân bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng

1. Chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức vũ trang trái pháp luật.

3. Điều động, sử dụng người, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện để tiến hành hoạt động vũ trang khi chưa có lệnh hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc không có trong kế hoạch huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu đã được phê duyệt.

4. Chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

5. Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

6. Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Chương II

HOẠT ĐỘNG CƠ BẢN VỀ QUỐC PHÒNG

Điều 7. Nền quốc phòng toàn dân

1. Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.

2. Nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm:

a) Xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kế hoạch phòng thủ đất nước; nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh;

b) Xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc;

c) Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của Nhà nước và Nhân dân phục vụ quốc phòng; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ quân sự phù hợp để xây dựng đất nước;

d) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm động viên quốc phòng;

đ) Xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở các vùng chiến lược, trọng điểm, biển, đảo, khu vực biên giới, địa bàn xung yếu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong phạm vi cả nước;

e) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;

g) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước;

h) Đối ngoại quốc phòng;

i) Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại;

k) Xây dựng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân của người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân;

l) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh.

Điều 8. Phòng thủ quân khu

1. Phòng thủ quân khu là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước, bao gồm các hoạt động xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn quân khu.

2. Nhiệm vụ phòng thủ quân khu bao gồm:

a) Xây dựng kế hoạch, tổ chức chuẩn bị và thực hiện phòng thủ quân khu;

b) Xây dựng cơ quan, đơn vị của quân khu vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, Dân quân tự vệ trên địa bàn quân khu vững mạnh và rộng khắp;

c) Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị của quân khu; phối hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện phòng thủ dân sự và các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp xây dựng khu vực phòng thủ thành thế liên hoàn, vững chắc toàn diện; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn quân khu;

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp địa phương kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế - xã hội trong lập quy hoạch, kế hoạch, dự án và tham gia thẩm định theo thẩm quyền; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại; tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; xây dựng, quản lý các khu kinh tế - quốc phòng được giao; giáo dục quốc phòng và an ninh; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quốc phòng; xây dựng và thực hiện kế hoạch động viên quốc phòng; chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn quân khu;

e) Phối hợp đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn quân khu; thực hiện đối ngoại quốc phòng;

g) Phối hợp địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị của quân khu tham gia xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện;

h) Phối hợp cơ quan, đơn vị Công an nhân dân và lực lượng khác trong bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm;

i) Thực hiện nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao.

3. Chính phủ quy định việc chỉ đạo, chỉ huy, mối quan hệ phối hợp, công tác bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ quân khu.

Điều 9. Khu vực phòng thủ

1. Khu vực phòng thủ là bộ phận hợp thành phòng thủ quân khu, bao gồm các hoạt động về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại; được tổ chức theo địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, lấy xây dựng cấp xã làm nền tảng để bảo vệ địa phương.

2. Nhiệm vụ khu vực phòng thủ bao gồm:

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khu vực phòng thủ;

b) Xây dựng tiềm lực về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân;

c) Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, an ninh;

d) Nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của thế lực thù địch, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; chiến đấu bảo vệ địa phương, tạo thế và lực cho Bộ đội chủ lực hoạt động tác chiến trên địa bàn; sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho địa phương khác;

đ) Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị trên địa bàn; phối hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện phòng thủ dân sự và các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;

e) Chuẩn bị mọi mặt, thực hiện lệnh, quyết định, biện pháp trong giới nghiêm, thiết quân luật, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, động viên cục bộ, tổng động viên, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và phục vụ chiến đấu lâu dài của địa phương; sẵn sàng vũ trang toàn dân bảo vệ Tổ quốc;

g) Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;

h) Thực hiện nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền giao.

3. Khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước, thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều này và xây dựng cơ quan, đơn vị Bộ đội chủ lực của Bộ Tư lệnh Thủ đô vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao.

4. Chính phủ quy định việc chỉ đạo, chỉ huy, mối quan hệ phối hợp, công tác bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về khu vực phòng thủ.

Điều 10. Giáo dục quốc phòng và an ninh

1. Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện trong phạm vi cả nước với nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp cho từng đối tượng.

2. Nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh bao gồm:

a) Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, người học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

b) Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư;

c) Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân.

3. Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 11. Động viên quốc phòng

1. Động viên quốc phòng là tổng thể các hoạt động và biện pháp huy động mọi nguồn lực của đất nước hoặc một số địa phương phục vụ cho quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

2. Nhiệm vụ động viên quốc phòng bao gồm:

a) Động viên mọi nguồn lực của nền kinh tế quốc dân bảo đảm cho quốc phòng;

b) Động viên bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh;

c) Xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên; xây dựng và mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ;

d) Động viên công nghiệp;

đ) Chuyển tổ chức, hoạt động của các Bộ, ngành trung ương, địa phương từ thời bình sang thời chiến;

e) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Việc tổ chức xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện động viên quốc phòng theo quy định của Chính phủ.

Điều 12. Công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh, là ngành đặc thù, có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị, vật tư, thiết bị kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc thù, xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh; huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; đầu tư có trọng điểm cho vũ khí, trang bị công nghệ cao; phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế.

3. Chính phủ chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

4. Nguyên tắc, chính sách, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động, quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 13. Phòng thủ dân sự

1. Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

2. Nhiệm vụ phòng thủ dân sự bao gồm:

a) Xây dựng cơ chế hoạt động, kế hoạch phòng thủ dân sự;

b) Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập;

c) Xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự;

d) Xây dựng hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin, nghiên cứu dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động;

đ) Thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự.

3. Lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm:

a) Lực lượng nòng cốt gồm Dân quân tự vệ; Công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các Bộ, ngành trung ương, địa phương;

b) Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 14. Đối ngoại quốc phòng

1. Đối ngoại quốc phòng để thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

2. Nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng bao gồm:

a) Thiết lập, phát triển quan hệ quốc phòng với các quốc gia có chủ quyền và các tổ chức quốc tế;

b) Xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế; thực hiện đối thoại về quốc phòng; xây dựng, củng cố lòng tin, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tình đoàn kết giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước trên thế giới;

c) Tham gia xây dựng và thực thi các cơ chế hợp tác quốc phòng song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực và toàn cầu vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển;

d) Thông tin đối ngoại về quốc phòng.

3. Nguyên tắc, nội dung, hình thức đối ngoại quốc phòng và trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng

1. Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.

2. Nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng bao gồm:

a) Nhà nước có kế hoạch, chương trình kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ;

b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành, vùng, địa phương, các dự án quan trọng quốc gia, khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược phải kết hợp với quốc phòng, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc;

c) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan lập kế hoạch về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh; tổ chức, xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

d) Bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phải được Bộ Quốc phòng cho ý kiến, tham gia thẩm định theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phải tuân thủ yêu cầu về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng theo quy định của luật có liên quan;

e) Một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 16. Công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương

1. Công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương là hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo thẩm quyền.

2. Bộ, ngành trung ương có ban chỉ huy quân sự làm việc theo chế độ kiêm nhiệm để tham mưu và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng.

3. Địa phương có cơ quan thường trực công tác quốc phòng là cơ quan quân sự địa phương cùng cấp.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương III

TÌNH TRẠNG CHIẾN TRANH, TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ QUỐC PHÒNG, THIẾT QUÂN LUẬT, GIỚI NGHIÊM

Điều 17. Tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh

1. Khi Tổ quốc bị xâm lược, Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh.

Khi hành vi xâm lược được chấm dứt trên thực tế, Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng chiến tranh.

2. Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.

3. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh.

Điều 18. Ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng

1. Khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Khi không còn tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

2. Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố quyết định ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, Chủ tịch nước công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

3. Chính phủ quy định việc thi hành quyết định ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

Điều 19. Tổng động viên, động viên cục bộ

1. Khi có quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

2. Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

3. Lệnh tổng động viên được ban bố công khai trên phạm vi cả nước; thực hiện toàn bộ kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đáp ứng các nhu cầu quốc phòng trong tình trạng chiến tranh.

Khi thực hiện lệnh tổng động viên, Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ được chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và được bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật; Quân đội nhân dân được bổ sung quân nhân dự bị.

4. Lệnh động viên cục bộ được ban bố công khai ở một hoặc một số địa phương và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương thuộc diện động viên được chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và nhu cầu quốc phòng.

Khi thực hiện lệnh động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật; bổ sung quân nhân dự bị cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ ở địa phương nhận lệnh động viên cục bộ.

5. Khi không còn tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ việc tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

6. Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Điều 20. Quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng

1. Căn cứ vào quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền ra mệnh lệnh đặc biệt để bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu tại khu vực có chiến sự.

2. Người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có chiến sự phải chấp hành mệnh lệnh đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 21. Thiết quân luật

1. Thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện.

2. Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ.

3. Lệnh thiết quân luật phải xác định cụ thể địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thiết quân luật, biện pháp, hiệu lực thi hành; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân; các quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở địa phương thiết quân luật và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Căn cứ vào lệnh của Chủ tịch nước về thiết quân luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện lệnh thiết quân luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, chỉ huy đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ được giao thực hiện nhiệm vụ tại địa phương thiết quân luật thực hiện các biện pháp thi hành lệnh thiết quân luật theo quy định của pháp luật.

5. Trong thời gian thiết quân luật, việc quản lý nhà nước tại địa phương thiết quân luật được giao cho đơn vị quân đội thực hiện. Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương thiết quân luật có quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp đặc biệt quy định tại khoản 6 Điều này và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện lệnh thiết quân luật và chịu trách nhiệm về việc áp dụng các biện pháp đó. Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương cấp tỉnh thiết quân luật được quyền trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc trưng mua, trưng dụng tài sản thực hiện theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

6. Các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật bao gồm:

a) Cấm hoặc hạn chế người, phương tiện đi lại; đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại các nơi công cộng;

b) Cấm biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa, tụ tập đông người;

c) Bắt giữ hoặc cưỡng chế cá nhân, tổ chức có hoạt động xâm hại đến quốc phòng, an ninh phải rời khỏi hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc một khu vực nhất định;

d) Huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

đ) Quản lý đặc biệt đối với các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ; kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin, hoạt động báo chí, xuất bản, cơ sở in, sao chụp, việc thu thập, sử dụng thông tin.

7. Mọi hoạt động tại địa phương thiết quân luật phải tuân thủ lệnh thiết quân luật và các biện pháp đặc biệt.

8. Việc xét xử tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

9. Khi tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương thiết quân luật đã ổn định thì Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ.

10. Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ huy đơn vị quân đội, cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan thi hành lệnh thiết quân luật, lệnh bãi bỏ lệnh thiết quân luật.

Điều 22. Giới nghiêm

1. Giới nghiêm là biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện lệnh giới nghiêm.

2. Lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp huyện;

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp xã;

d) Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số khu vực trên địa bàn.

4. Lệnh giới nghiêm phải xác định nội dung sau đây:

a) Khu vực giới nghiêm;

b) Đơn vị đảm nhiệm và nhiệm vụ thi hành lệnh giới nghiêm;

c) Thời hạn bắt đầu và kết thúc hiệu lực, nhiều nhất không được quá 24 giờ; khi hết liệu lực, nếu cần thiết phải tiếp tục giới nghiêm thì phải ban bố lệnh mới;

d) Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khu vực giới nghiêm;

đ) Quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở khu vực giới nghiêm.

5. Các biện pháp được áp dụng trong thời gian giới nghiêm bao gồm:

a) Cấm tụ tập đông người;

b) Cấm người, phương tiện đi lại, hoạt động trong những giờ nhất định, tại những khu vực nhất định;

c) Đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại một số nơi công cộng trong những thời điểm nhất định;

d) Đặt trạm canh gác và kiểm soát địa bàn, kiểm tra vật phẩm, hành lý, phương tiện, giấy tờ của người đi lại qua trạm canh gác và kiểm soát;

đ) Kịp thời bắt giữ và xử lý người, phương tiện vi phạm lệnh giới nghiêm và vi phạm quy định khác của pháp luật.

6. Chính phủ quy định trình tự ban bố lệnh giới nghiêm; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan thi hành lệnh giới nghiêm.

Chương IV

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

Điều 23. Thành phần, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân

1. Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ.

2. Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Đảng và Nhà nước; có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, thành quả cách mạng; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Điều 24. Nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân

1. Hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ.

2. Trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân được quy định như sau:

a) Trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thực hiện theo lệnh của Chủ tịch nước và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Trong thi hành lệnh thiết quân luật, giới nghiêm thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Trong tình trạng khẩn cấp do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp và quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia và quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Khi tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới thực hiện theo quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh;

e) Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, việc sử dụng lực lượng vũ trang do Chính phủ quy định.

Điều 25. Quân đội nhân dân

1. Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân có Bộ đội chủ lực và Bộ đội địa phương.

Ngày 22 tháng 12 hằng năm là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân, ngày hội quốc phòng toàn dân.

2. Quân đội nhân dân có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

3. Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

4. Tổ chức, nhiệm vụ, chế độ phục vụ và chế độ, chính sách của Quân đội nhân dân theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 26. Công an nhân dân

1. Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

2. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, chỉ huy, bảo đảm hoạt động, chế độ phục vụ và chế độ, chính sách của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng.

4. Công an nhân dân có trách nhiệm phối hợp với Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Việc phối hợp giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ theo quy định của Chính phủ.

Điều 27. Dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước ở địa phương, cơ sở; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

2. Nhà nước xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp.

3. Tổ chức, nhiệm vụ, chế độ phục vụ và chế độ, chính sách của Dân quân tự vệ theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 28. Chỉ huy Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ

1. Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ có hệ thống chỉ huy được tổ chức theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chỉ huy cao nhất trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ.

3. Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân.

Chương V

BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG

Điều 29. Bảo đảm nguồn nhân lực

1. Công dân Việt Nam là nguồn nhân lực chủ yếu của quốc phòng.

2. Nhà nước có chính sách, kế hoạch xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; ưu tiên thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng.

Điều 30. Bảo đảm nguồn lực tài chính

1. Nhà nước bảo đảm ngân sách cho quốc phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; ưu tiên đầu tư ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng và một số lực lượng Quân đội nhân dân tiến thẳng lên hiện đại.

2. Tổ chức kinh tế bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Bảo đảm tài sản phục vụ quốc phòng

1. Tài sản phục vụ quốc phòng là tài sản công do Nhà nước thống nhất quản lý và bảo đảm bao gồm:

a) Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ bao gồm tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý về quốc phòng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đaiquy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tài sản trưng mua, trưng dụng, huy động và tài sản khác được Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức, địa phương quản lý phục vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật.

2. Nhà nước có kế hoạch xây dựng dự trữ quốc gia để bảo đảm cho quốc phòng. Việc quản lý, sử dụng dự trữ quốc gia để bảo đảm cho quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

Điều 32. Bảo đảm phục vụ quốc phòng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và đối ngoại

1. Chính phủ có kế hoạch bảo đảm phục vụ quốc phòng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và đối ngoại.

2. Bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch bảo đảm phục vụ quốc phòng và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Nhà nước có quy hoạch, kế hoạch và xây dựng hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng, an ninh; hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; kế hoạch xây dựng khu kinh tế - quốc phòng trong phạm vi cả nước.

Điều 33. Bảo đảm hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân

Nhà nước bảo đảm nhu cầu tài chính, tài sản sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân.

Chương VI

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VỀ QUỐC PHÒNG

Điều 34. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quốc phòng; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan.

2. Nội dung quản lý nhà nước về quốc phòng bao gồm:

a) Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách về quốc phòng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kế hoạch phòng thủ đất nước, kế hoạch động viên quốc phòng và bảo đảm cho hoạt động quốc phòng, lực lượng vũ trang nhân dân;

c) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; thi hành lệnh, quyết định của cấp có thẩm quyền và các biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổ quốc;

d) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh;

đ) Đối ngoại quốc phòng;

e) Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật về quốc phòng.

Điều 35. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng

Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Tham mưu, giúp việc Hội đồng Quốc phòng và An ninh;

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương lập, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án về quốc phòng, trình cấp có thẩm quyền quyết định;

4. Xây dựng, quản lý, chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng;

5. Chỉ đạo, hướng dẫn Bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ và công tác quốc phòng.

Điều 36. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành trung ương

Bộ, ngành trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Quốc phòng trong quản lý nhà nước về quốc phòng và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện việc kết hợp kinh tế - xã hội, an ninh, đối ngoại với quốc phòng của ngành, lĩnh vực được giao phụ trách phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc;

3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án về quốc phòng theo nhiệm vụ được giao;

4. Tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ, lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền;

5. Chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Quốc phòng định kỳ hoặc đột xuất thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng;

6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác về quốc phòng theo quy định của pháp luật.

Điều 37. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp

Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật;

2. Quyết định chủ trương, biện pháp nhằm phát huy tiềm năng của địa phương để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện;

3. Quyết định chủ trương, biện pháp xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ, dự bị động viên; quyết định chủ trương, biện pháp kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, kinh tế - xã hội với quốc phòng, kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại của địa phương;

4. Căn cứ vào lệnh của Chủ tịch nước, quyết định chủ trương, biện pháp để thực hiện nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; chuyển hoạt động của địa phương sang tình trạng chiến tranh;

5. Quyết định ngân sách bảo đảm cho hoạt động quốc phòng của địa phương;

6. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân về quốc phòng ở địa phương;

7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác về quốc phòng theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp

Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng tại địa phương và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và các nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao về quốc phòng ở địa phương;

2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân địa phương; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh; tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, tiếp nhận, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có liên quan trong xây dựng phòng thủ quân khu theo quy định của pháp luật;

3. Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp dự toán ngân sách bảo đảm cho hoạt động quốc phòng; chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về bảo đảm ngân sách cho hoạt động quốc phòng ở địa phương;

4. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc xây dựng, huấn luyện, hoạt động, bảo đảm chế độ, chính sách đối với Bộ đội địa phương, lực lượng dự bị động viên, Dân quân tự vệ;

5. Chủ trì hoặc phối hợp xây dựng, quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự, khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn; thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự; chính sách hậu phương quân đội; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chi viện nhân lực, vật lực, tài chính cho lực lượng vũ trang nhân dân hoạt động trên địa bàn địa phương làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh;

6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác về quốc phòng theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Quốc phòng và cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về quốc phòng; giám sát việc thực hiện pháp luật về quốc phòng của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 40. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

2. Luật Quốc phòng số 39/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08 tháng 6 năm 2018.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

THE NATIONAL ASSEMBLY
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Law No. 22/2018/QH14

Hanoi, June 8, 2018

 

LAW ON NATIONAL DEFENCE

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly hereby issues the Law on National Defence.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for basic national defence principles, policies and activities; state of war, state of national defence emergency, martial law and curfew; people’s armed forces; national defence assurance; duties and powers of regulatory entities and organizations; rights and obligations of citizens regarding national defence.

Article 2. Interpretation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. National defence means the defense of the nation with the combined strength of the whole nation in which the military power is characteristic, the people's armed forces are the core.

2. National defense potentiality means the domestic and foreign human, physical, financial and spiritual capabilities that may be mobilized for performance of national defense tasks.

3. Military means a special activity of the society in the building of armed or armed combat forces of which the People's Army is designated as the core.

4. People's war means an all-people and total war in which the people's armed forces play the core role in safeguarding independence, sovereignty, unity and territorial integrity of the Homeland and protecting the People and the Party, the State and the socialism.

5. All-people national defence posture means organization and disposition of the national defence forces and potentialities throughout the territory in conformity with an integrated strategic intent which is in line with the strategy to succeed in preventing and dealing with any hostile plots and acts, and to be ready to shift the country from peacetime to wartime.

6. Homeland defense means a combination of organization, preparation and practice of political, spiritual, economic, cultural, social, scientific, technological, military, security and foreign affairs to safeguard the Homeland.

7. Aggression means an act against independence, sovereignty, unity and territorial integrity of the Homeland by using armed forces or other means in breach of Vietnamese and international laws.

8. Information war means a form of warfare, including activities and measures to disable the enemy’s information system and protect Vietnam's information system.

9. State of war means a country’s special social state declared during the period from the time when the aggression of the Homeland occurs to the time when that act of aggression is actually ended.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

11. General mobilization means a measure to mobilize all resources of the country against the aggressive war.

12. Local mobilization means a measure to mobilize all resources of one or several localities in the state of national defence emergency.

13. Disaster means naturally occurring events or dangerous epidemics spreading on a large scale or catastrophic events caused by human beings or as a result of war, all of which inflicts serious damage on people, property and environment.

Article 3. National defence principles

1. Abide by the Constitution and laws of the Socialist Republic of Vietnam; be placed under the direct, absolute and all-round leadership of the Communist Party of Vietnam, the centralized and unified management of the State.

2. Consider strengthening and development of national defense as a key and regular task, and consolidate the overall strength of the whole nation and the entire political system in which the people's armed forces act as the core.

3. Build the all-people national defense and the all-people national defense posture in association with the people's security and the people's security posture.

4. Combine national defense with socio-economic activities, and socio-economic and national defense activities.

5. Combine national defence with security and external affairs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Consolidate and strengthen the all-people national defense and military strength so as to build and firmly protect the Vietnam’s socialist Homeland and contribute to the protection of peace in the region and the globe.

2. Exercise independence, sovereignty, unity, territorial integrity on land, islands, at sea and in the airspace; implement the policy of peace and self-defense; use sound and proper measures to prevent, deter, repel and defeat all plots and acts of aggression.

3. Carry out the defense external relation activities in line with the foreign policy of independence, self-control, peace, friendship, cooperation and development; prevent wars in any form; actively and enthusiastically integrate and expand international cooperation, defense dialogue and create an international environment favorable for building and protection of the Homeland; disagree participation in military forces or alliances with one party against the other; refuse to allow foreign entities to establish their military bases or use the territory of Vietnam to attack other countries; repulse threatening or use of force in international relations; settle all disputes and discrepancies by peaceful means on the principle of respect for independence, sovereignty, unity, territorial integrity, non-interference in each other's internal affairs, equality and mutual benefit; comply with the Constitution, the laws of Vietnam and related international treaties of which the Socialist Republic of Vietnam is a member.

4. Mobilize resources of domestic agencies, organizations and individuals for the performance of national defense tasks.

5. Encourage and create favorable conditions for agencies, organizations and individuals to provide material, financial and spiritual support to national defense on the principle of voluntariness, not infringing Vietnamese laws and conforming to international law.

6. Develop science and technology to build all people's national defense, the people's armed forces, the national defense and security industry to meet requirements of the task of building and defending the Homeland.

7. The State shall adopt preferential policies for agencies, organizations and individuals in the performance of defense tasks; issue particular policies for the border areas, on offshore islands, strategic and key regions and geographical areas that play crucial national defense roles.

8. The State shall recognize meritorious work and commends agencies, organizations and individuals that have made outstanding achievements in the performance of national defense tasks.

Article 5. Citizen’s national defence rights and obligations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Citizens shall have the duty to be loyal to the Homeland; perform military service; have obligations to join the militia and self-defense force, to build all people's national defense; submit to measures of the State and competent persons in the performance of national defense tasks under the provisions of this Law and other relevant laws.

3. Citizens shall have access to propaganda and dissemination of the guidelines and viewpoints of the Communist Party of Vietnam, the State's policies and laws on national defense; national defense and security education; training in knowledge and skills in civil defense according to the provisions of law.

4. Citizens serving in the people's armed forces or mobilized for performance of the national defense duty, they and their relatives shall enjoy legally required benefits and policies.

5. All citizens shall be entitled to equal treatment in implementation of the national defence duty.

Article 6. Prohibited acts in the national defence sector

1. Oppose independence, sovereignty, unity, territorial integrity of the Homeland, the people, the Communist Party of Vietnam, the State, the socialism, the building and safeguarding of the Homeland.

2. Establish, participate in and sponsor armed organizations in contravention of law.

3. Mobilize and use people, weapons, explosives, support tools, equipment, and other means to carry out armed activities without obtaining orders or decisions of competent authorities or not in the approved training, drill and combat preparedness plans.

4. Fight against or hinder agencies, organizations and individuals while they are performing their national defense tasks

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Practice the sex discrimination in the performance of national defense tasks.

Chapter II

BASIC NATIONAL DEFENCE ACTIVITIES

Article 7. All-people national defence

1. The all-people national defense is the national defense strength of the country, built on the political, spiritual, human, material and financial foundation of the people, and having the characteristics of all-people, comprehensiveness, independence, self-reliance and self-support.

2. Basic tasks of building the all-people national defence shall encompass the followings:

a) Formulate the Homeland protection strategy, Homeland defence plan; research and develop Vietnamese military art; build all people’s great solidarity and the strong political system;

b) Build up the national defence strength and potentiality; build up the people's armed forces which are strong, have high fighting force and are designated as the core in performing the task of protecting the Homeland;

c) Build material and technical facilities; develop the national defense and security, military science and technology industry; mobilize the scientific and technological potentials of the State and people to serve national defense requirements; apply appropriate scientific and technological achievements to the construction of the country;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Build the military region-based defence and ​​solid and comprehensive defense zones which form the nation’s defense; consolidate and strengthen the national defense and security potentialities in key and strategic areas, at sea, on islands, and in border and other important areas; build the all-people national defense posture in association with the people's security posture across the nation;

e) Formulate and organize the implementation of plans and measures to deal with information war and cyberwar;

g) Formulate and organize the implementation of civil defense plans and measures throughout the nation;

h) Perform defence external relation activities;

i) Combine national defense with socio-economic activities, and socio-economic and national defense activities; combine national defense with security and external relations;

k) Formulate and ensure regimes and policies for the people's armed forces and relatives of those serving in the people's armed forces;

l) Propagate and disseminate the guidelines and viewpoints of the Communist Party of Vietnam, the State's policies and laws on national defense; provide national defense and security education.

Article 8. Military region defence

1. Military region defence is an integral part of the nation’s defense, including such activities as building strength, defense potentialities, all-people national defense posture and defense zones to perform national defense tasks within the military region.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Plan, prepare and implement military region defense activities;

b) Build affiliates and units of the strong and comprehensive military zone with high combat capability, and the militia and self-defense forces in a military region which are strong and widespread;

c) Plan, direct and guide the affiliates and units of the military region; collaborate with the concerned agencies, organizations, units and localities in the implementation of civil defense activities and measures regarding information warfare and cyberwarfare;

d) Direct, guide and cooperate in the construction of defense zones in an interconnected, firm and comprehensive and all-inclusive pattern; build the all-people national defense and the all-people national defense posture associated with the people's security and security posture in a military region;

dd) Direct, guide and cooperate with localities in combining socio-economic development with national defense and, vice versa, national defense with socio-economic development, in working out planning schemes, plans and projects and taking part in the assessment within their competence; combine national defense with security and foreign relation affairs; participate in the building and development of national defense and security industry; build and manage the designated economic-defense zones; provide national defense and security education; propagate and disseminate the law on national defense; formulate and implement national defense mobilization plans; adopt military logistics policies and preferential policies for people with meritorious services to the revolution in a military region;

e) Cooperate with affiliates and subsidiaries of the Ministry of Defense, localities and concerned agencies and organizations in performing the State management over national borders; maintain security, social order and safety in the boundary areas, border gates, on islands, territorial sea and in the airspace of the Socialist Republic of Vietnam in a military region; perform defense foreign relation activities;

g) Cooperate with localities, relevant agencies and organizations in directing and guiding affiliates and subsidiary units of a military region to participate in building the political system, all people’s great solidarity and making them become strong and all-round;

h) Cooperate with affiliates and subsidiary units of the People's Police and other forces in the protection of national security and maintenance of social order and safety, and prevention and control of crimes;

i) Perform other tasks assigned by the Government, the Prime Minister and the Minister of National Defence.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 9. Defence zone

1. The defense zone is an integral part of the military region defense, including political, spiritual, economic, cultural, social, scientific, technological, military, security and external activities; is organized by provinces, districts, and special administrative-economic units with commune-level construction works used as the foundation for protecting a locality.

2. Duties of a defence zone shall include the followings:

a) Formulate and organize the implementation of defense zone plans;

b) Build political, spiritual, economic, cultural, social, scientific and technological, military, security and external relation potentialities; build the all-people national defense, the all-people national defense posture in association with the people's security and the people's security posture;

c) Build up a strong and comprehensive local armed force with high combat capabilities which can play a pivotal role in performing national defense, military and security tasks;

d) Firmly grasp the situation, take measures to prevent, fight and defeat all plots, anti-demolition activities of hostile forces, protect national security and ensure social order and safety, prevent and fight crimes, create favorable environment for socio-economic development; fight for protection of the localities, create the position and power of the regular troops in combat in the area; get ready to send necessary manpower and materials to other localities;

dd) Plan, direct and guide the affiliates and units in the area; collaborate with the concerned agencies, organizations, units and localities in the implementation of civil defense activities and measures regarding information warfare and cyberwarfare;

e) Make inclusive preparations, execute orders, decisions and measures in the state of curfew, martial law, state of national defense emergency, state of war, local mobilization, general mobilization, and meet combat requirements and serve long-term fighting requirements at localities; be willing to arm all people to safeguard the Homeland;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Perform other tasks assigned by competent authorities.

3. The defense zone of ​​Hanoi capital is an integral part of the Homeland defense, carrying out the duties stipulated in clause 2 of this Article, and establishing units and affiliates of regular troops of the Capital High Command which are strongly comprehensive and have high combat capabilities.

4. The Government shall regulate the direction, command, cooperative relationship, maintenance of, and responsibilities of agencies and organizations for, defense zones.

Article 10. National defence and security education

1. National defense and security education shall be carried out nationwide with contents, forms and methods appropriate for each receiver of such education.

2. Tasks of national defence and security education shall include the followings:

a) Provide national defense and security education for pupils, students and learners at educational establishments of state agencies, political organizations, socio-political organizations and those belonging to the national education system;

b) Provide training in national defense and security knowledge for trainees in the State agencies and organizations, political organizations, socio-political organizations, managers of non-public sector enterprises, non-state public service enterprises, typical individuals and renowned persons in the community;

c) Spread national defence and security knowledge amongst the population.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 11. Defence mobilization

1. Defence mobilization is a combination of activities and measures to mobilize all resources of the nation or a number of localities for national defense and Homeland defense activities.

2. Tasks of defence mobilization shall include the followings:

a) Mobilize all resources of the national economy to ensure national defense;

b) Mobilize resources to meet the defense needs in the first year of war;

c) Build and mobilize the reserve force; build and expand the militia and self-defense force;

d) Carry out industrial mobilization;

dd) Shift the organization and operation of ministries, central sectoral administrations and localities from peacetime to wartime;

e) Fulfill other duties regulated by relevant laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 12. National defence and security industry

1. National defense and security industry is an integral part of the national industry, an important part of the real power and potentiality of the national defense and security, and is a particular discipline tasked with research, development, production, repair, improvement, modernization of weapons, equipment, supplies, technical equipment and other products serving national defense and security demands to ensure furnishment of equipment for the people's armed forces.

2. The State shall have particular policies and mechanisms to build the national defense and security industry following the direction of dual-use, and becoming key in the national industry; enhance the potentials and take full advantage of and develop the linkage between the national defense industry, security and the industry serving the people’s life; mobilize to the utmost the achievements of the national industry serving the national defense and security industry’s needs; make key investments in weapons and high technology equipment; promote the internal strength and expand international cooperation.

3. The Government shall direct the formulation of planning schemes, plans and projects for development of the national defense and security industry to meet the requirements and tasks of the people's armed forces and of the building and protection of the Homeland.

4. Principles, policies, tasks, operational organization, planning, plans, resources, responsibilities and powers of agencies and organizations shall be subject to the provisions of legislation on the national defense and security industry, and other relevant provisions of law.

Article 13. Civil defence

1. Civil defense is an integral part of the Homeland defense, including measures to prevent and repulse the dangers of war; prevent, repulse and mitigate the consequences of disasters, incidents, natural calamities and epidemics; protect the people, agencies, organizations and the national economy.

2. Tasks of the civil defence shall include the followings:

a) Formulate civil defense mechanisms and plans;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Build a system of civil defence facilities;

d) Set up a system for receiving, processing information, studying forecasts, warnings, notifications and alerts;

dd) Implement civil defence measures.

3. The civil defence force shall be composed of the followings:

a) The core force including the militia and self-defense force; Police of communes, wards and townships; the full-time or part-time units of the People's Army, the People's Police and other ministries and branches at the central or local level;

b) The widespread force joined by the people.

4. The Government shall issue specific regulations of this Article.

Article 14. Defense foreign relation affair

1. Defense foreign relation affair shall aim to implement the Communist Party's and State's guidelines and policies in order to promote the nation’s combined strengths for building and protection of the Homeland, contributing to ensuring peace and national independence, democracy and social progress in the world.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Establish and develop defense relations with sovereign states and international organizations;

b) Build and expand friendship and international cooperation; conduct defence dialogues; build and consolidate mutual understanding, trust and solidarity between the Vietnam People's Army and the armies of other countries in the world;

c) Participate in the establishment and implementation of bilateral, multilateral, regional, inter-regional and global defense mechanisms for the purpose of peace, stability and development;

d) Carry communication on defence foreign relations.

3. Principles, contents and forms of defense foreign relations as well as the responsibilities and powers of agencies and organizations shall comply with the provisions of law.

Article 15. Combination of the national defense with socio-economic development activities, and of socio-economic development activities with the national defense

1. The combination of the national defence with socio-economic development activities, and vice versa, means the connection between all national defence activities and those in different socio-economic industries and sectors under the uniform state management and administration with the aim of contributing to consolidating and strengthening national defence and socio-economic development.

2. Tasks of the combination of the national defense with socio-economic development activities, and of socio-economic development activities with the national defense, shall include the followings:

a) The State shall work out plans and programs for combining the national defense with socio-economic development activities, and of socio-economic development activities with the national defense, in line with the socio-economic development and Homeland defense strategy over periods of time;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The Ministry of National Defense shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies and organizations in, working out plans regarding national defense demands and the capability to combine the national defense with socio-economic development activities in peace time, the state of defence emergency and the state of war; organize and build economic-defense zones; organize and manage the operations of defense service enterprises and military units assigned to perform economic tasks in combination with national defense activities under the provisions of law and in line with the tasks of building and protecting the nation;

d) Ministries, sectoral administrations and localities must, upon formulating strategies, planning schemes, plans and projects, receive consultations from and apply for assessments by the Ministry of National Defense according to the provisions of the Planning Law and the Investment Law and other relevant provisions of law;

dd) Agencies, organizations and individuals must, when carrying out production, business and investment activities as well as scientific and technological research and application, comply with the requirements concerning the combination of socio-economic development activities with national defence maintenance as required by relevant laws;

e) A number of investment projects to be built in key defense areas must be of dual use and ready to be transformed to satisfy national defense demands.

3. The Government shall issue specific regulations of this Article.

Article 16. National defence tasks of ministries, central sectoral administrations and local authorities

1. National defense tasks of ministries, central sectoral administrations and local authorities are the tasks of leading, directing, managing and administering and organizing the performance of defense tasks within their competence.

2. Ministries and central sectoral administrations shall establish the military steering committee working under the part-time employment regime in order to perform national defence tasks.

3. Localities must have the national defence standing body which is the local military organ at the same level.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter III

STATE OF WAR, STATE OF NATIONAL DEFENCE EMERGENCY, MARTIAL LAW AND CURFEW

Article 17. Declaration, announcement and abolishment of the state of war

1. When the nation is invaded, the National Assembly shall make a decision on state of war.

When the act of aggression is terminated in reality, the National Assembly decides to abolish the state of war.

2. In cases where the National Assembly is unable to convene a meeting, the National Assembly Standing Committee shall decide whether the state of war is declared and report to the National Assembly to seek its decision in its nearest session.

3. Pursuant to the Resolution of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee, the State President shall declare and abolish the decision on declaration of state of war.

Article 18. Promulgation, announcement and abolishment of the state of national defence emergency

1. When a defense emergency occurs, the National Assembly Standing Committee shall decide to declare the state of national defense emergency throughout the nation or in each locality upon the request of the Prime Minister.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Pursuant to the Resolution of the National Assembly Standing Committee, the State President shall issue the decision on promulgation and abolishment of the state of national defence emergency throughout the nation and in each locality.

In cases where the National Assembly Standing Committee fails to convene a meeting, the State President shall promulgate and abolish the state of national defense emergency throughout the nation or in each locality upon the request of the Prime Minister.

3. The Government shall regulate enforcement of the decision on promulgation, announcement and abolishment of the state of national defence emergency.

Article 19. General mobilization and local mobilization

1. When there is a decision to declare the state of war or to declare a state of national defense emergency, the National Assembly Standing Committee shall consider and decide the general mobilization or local mobilization.

2. Based on the resolution of the National Assembly Standing Committee, the State President shall issue the order for general or local mobilization.

3. The general mobilization order shall be promulgated nationwide; carry out the entire defense defense plan; shift from the socio-economic activities of the nation to assurance of implementing the combat missions, meeting combat demands and satisfying defense needs in the state of war.

When performing the general mobilization order, the People's Army and the militia and self-defense force shall be shifted to a state of readiness to fight and expand the militia and self-defense force as prescribed by the Minister of National Defense, shall be provided with logistic and technical equipment; meanwhile, the people's army shall be provided with more reserve military personnel.

4. The local mobilization order shall be promulgated in one or several localities and applied to concerned agencies, organizations and individuals for the implementation of national defense mobilization plans; shift from the socio-economic activities of the locality subject to mobilization to assurance of implementation of the combat missions, readiness to fight and national defense needs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. When there is neither the state of war nor the state of national defense emergency, the National Assembly Standing Committee shall decide whether the general mobilization or local mobilization is abolished.

6. Based on the resolution of the National Assembly Standing Committee, the State President shall issue the order for the general or local mobilization.

Article 20. Powers of the Minister of National Defence in the state of war and state of national defence emergency

1. Pursuant to the decision to declare the state of war or the decision on the proclamation of the state of national defense emergency, the general or local mobilization order, the Minister of National Defense may issue special orders to ensure implementation of combat missions at combat zones.

2. The heads of local authorities, agencies and organizations where hostilities occur must obey the special orders of the Minister of National Defense.

Article 21. Martial law

1. Martial law is a definite-term special state management measure implemented by the Army.

2. When the political security, social order and safety in one or several localities are so seriously violated that their competent authorities have no longer taken control of the situation, the State President shall issue the martial law order upon the request of the Government.

3. The martial law order must specify the province, district, commune level, special administrative-economic unit subject to the martial law, measures and effect; define the tasks and powers of agencies, organizations and individuals; set the social order rules that are necessary in the locality subject to the martial law, and are regularly published on the mass media.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. During the time of martial law, the state management exercised at the locality subject to the martial law shall be assigned to military units. The commanders of military units assigned to manage the locality subject to the martial law may order the application of special measures prescribed in Clause 6 of this Article and other necessary measures to execute martial law orders, and bear the responsibility for the application of such measures. The commander of the military unit authorized to manage the provincial-level locality subject to the martial law shall be entitled to purchase and requisition any property. Purchase and requisitioning of property shall be subject to provisions set forth in the Law on Purchase and Requisitioning of Property.

6. Special measures applied during the time of martial law shall include:

a) Prohibition or restriction of movement of people and vehicles; suspension or restriction of activities at public places;

b) Ban on all forms of public protests, such as strikes, demonstrations or riots of workers, vendors or students, etc., and protest rallies;

c) Arrest of individuals and organizations causing harms to national defence and security, and compulsion of them to leave or forbidding them from leaving their residence or any specified place;

d) Mobilization of people and vehicles of any entity, organization or person;

dd) Imposition of measures for special management of weapons, explosive materials, military equipment, flammable substances, toxins and radioactive substances; strict control of information technology infrastructure, communications equipment, activities of news agencies, publishers, print and copy shops, and information collection and use.

7. All activities of the locality subject to the martial law must comply with martial law orders and special measures.

8. Criminal proceedings occurring in a locality during the execution of martial law order shall be subject to the provisions of the Criminal Procedure Code.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

10. The Government shall regulate duties and powers of the commanders of military units, agencies, organizations and localities regarding the implementation of the martial law and the order for abolishment of the martial law.

Article 22. Curfew

1. Curfew is a measure to prohibit or restrict people and means of transport from travelling or moving at certain specific hours in certain areas, unless otherwise permitted by the person mandated to organize the implementation of a curfew.

2. A curfew shall be promulgated in the event that the situation of political security, social order and safety in one or a number of localities is complicated and threatens to cause serious instability and is published continuously on the mass media.

3. Authority to issue the curfew order shall be regulated as follows:

a) The Prime Minister shall be accorded authority to issue the curfew order in one or a number of provincial-level localities;

b) The provincial-level People’s Committee shall be accorded authority to issue the curfew order in one or a number of district-level localities;

c) The district-level People’s Committee shall be accorded authority to issue the curfew order in one or a number of commune-level localities;

d) The People’s Committee of the special administrative – economic unit shall be accorded authority to issue the curfew order in one or a number of areas within its jurisdiction.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Curfew zones;

b) In-charge unit and duties to execute the curfew order;

c) Effective period from commencement to termination of a curfew which shall not exceed 24 hours; Upon expiry of a curfew order, if it is necessary to continue, a new curfew order shall be issued;

d) Tasks and powers of agencies, organizations and individuals in curfew zones;

dd) Necessary social order rules to be observed at curfew zones.

5. Measures applied during the effective period of a curfew shall include:

a) Prohibition of large crowds;

b) Ban on travelling of people, movement of vehicles at certain specific time and in specified areas;

c) Suspension or restriction of activities at public places at certain specified time;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Prompt arrest and handling of persons and means that violate the curfew order and other provisions of law.

6. The Government shall regulate the order in which a curfew is promulgated; responsibilities and powers of the concerned agencies, organizations, localities in execution of the curfew order.

Chapter IV

PEOPLE'S ARMED FORCE

Article 23. Composition and tasks of the people's armed force

1. The people’s armed force shall be composed of the People's Army, the People's Police and the Militia and self-defense force.

2. People's Armed Forces shall be absolutely loyal to the Homeland, the People, the Communist Party and the State; have the duty to be ready to fight, fight, serve a combat, defend the independence, sovereignty, unity, territorial integrity of the Homeland, national security, social order and safety; protect the people, the Communist Party, the State, the socialist regime and revolutionary achievements; join hands with the people to build the country and carry out international obligations

Article 24. Functional principles and cases of use of the people's armed force

1. The activities of the people's armed force must comply with the Constitution, laws and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party; shall be put under the leadership of the Communist Party of Vietnam, the command of the State President and the unified management of the Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) In the state of war or the state of national defense emergency, the order of the State President and other relevant provisions of law shall be observed;

b) Upon exercising the martial law or curfew order, provisions of this Law and other relevant provisions of law shall prevail;

c) In the state of emergency due to disasters, dangerous epidemics or serious threats to national security and social order and safety, the provisions of laws on emergency state and other relevant provisions of law shall prevail;

d) Where there is a threat to national security or social order and safety which is not so serious that the state of emergency is promulgated, the provisions of laws on national security and other relevant provisions of law shall prevail;

dd) On participating in activities contributing to the protection of peace in the region and the world, the decisions of the National Defense and Security Council shall be obeyed;

e) In case of complicated situations of national security, social order and safety; fighting against crime; participation in the prevention, combat and mitigation of consequences of incidents, natural disasters, epidemics, the use of the armed force shall be regulated by the Government.

Article 25. People’s army

1. The people's army is the core of the people's armed forces in the performance of national defense tasks, including the permanent standing force and the reserve force. The permanent standing force of the People's Army shall comprise the regular troop and the local troop.

December 22 is the annual traditional day of the People's Army and the All-people National Defense’s Day.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The people’s army shall assist the state in building the people's army to become revolutionary, regular, elite and gradually modern, and have rationally-structured permanent forces, and a powerful and mighty Militia and Self-defence Force; building several forces to directly advance to modernity.

4. Organizational structure, tasks, service regime and regimes and policies of the people's army shall comply with the provisions of the Law on Officers of the Vietnam People's Army, the Law on Military Professionals, National Defense Workers and Officers, and the Law on Military service and other relevant provisions of law.

Article 26. People’s police

1. The people’s police is the core of the people’s armed force in performance of duties to protect national security and maintain social order and safety, and fight for prevention and control of crimes.

2. Functions, tasks, organizational structure, commanding, assurance of operations, service regimes and regimes and policies of the people’s police shall comply with the provisions of the Law on People's Police and other relevant provisions of law.

3. The State shall build a revolutionary, regular, elite and gradually modernized police force; prioritize the modernization of some forces.

4. The people's police shall have to cooperate with the people's army and the militia and the self-defense force in performing national defense tasks. The cooperation between the People's Police, the People's Army and the militia and self-defense force shall be subject to the Government's regulations.

Article 27. Militia and self-defence force

1. The militia and self-defense force shall be the armed force of people that are not freed from production or business activities; is the force that protects the Communist Party, the State, the life and property of the people, the property of the State available in the localities and grassroots-level areas; shall be ready to fight, fight, serve combats and acts as the core to join hands with the people to fight the enemy in localities or grassroots-level areas when the war occurs; shall participate in the building of the all-people national defense, defense zones, civil defense, and the protection of national security and the maintenance of social order and safety, the fight for prevention and control of crimes.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Organization, tasks, service regimes and regimes and policies of the militia and self-defense force shall be subject to the provisions of the Militia and Self-Defense Force Law and other relevant law provisions

Article 28. Commanding of the People's Army, the People's Police and the Militia and self-defense force

1. The People's Army, the People's Police and the Militia and self-defense force shall have the commanding system organized under law.

2. The Minister of National Defence shall be the chief commander of the Militia and self-defense force.

3. The Minister of Public Security shall be the chief commander of the people’s police.

Chapter V

FULFILLMENT OF NATIONAL DEFENCE REQUIREMENTS

Article 29. Fulfillment of manpower requirements

1. Vietnamese citizens are the main national defence personnel.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 30. Fulfillment of financial resource requirements

1. The State shall guarantee that the national defense budget is subject to the provisions of law on the state budget; prioritize investment in border areas, islands, strategic regions, key and strategic defense areas, and investment in a number of forces of the People's Army towards direct modernity.

2. Economic organizations shall provide funds for the performance of defense tasks according to the provisions of law

Article 31. Fulfillment of property requirements for the national defence affair

1. Property used for national defense purposes are public property under the unified state management and shall include the followings:

a) Public property assigned to agencies, organizations and units of the People's Army and the militia and self-defense force, including special property, dedicated property and property used for meeting the needs of the national defense management according to the provisions of the Law on Management and Use of Public Property, the Land Law and other relevant provisions of law;

b) Property purchased, requisitioned, mobilized and others assigned by the State for the management of the Ministry of National Defense, agencies, organizations and localities for defense purposes according to the provisions of law.

2. The State shall formulate plans to build national reserves to ensure fulfillment of national defense requirements. The management and use of national reserves for such purpose shall comply with the provisions of law on national reserves.

Article 32. Fulfillment of national defence requirements in the socio-economic and external relation affair

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Ministries, central sectoral administrations and provincial-level People's Committees shall, within the ambit of their respective tasks and powers, coordinate with the Ministry of National Defense and concerned agencies and organizations in working out plans to ensure provision of necessary resources for national defence activities and organizing implementation of these plans in accordance with the provisions of this Law and other relevant provisions of law.

3. The State shall formulate planning schemes, plans and build the system of national defense projects, military zones, ammunition depots, and the national defense and security industry; the system of national defense and security education centers; formulate planning schemes and plans for use of national defense land; work out plans for the construction of the national defense-economic zones throughout the nation.

Article 33. Fulfillment of requirements necessary for implementation of activities of the people's armed force

The State shall ensure satisfaction of the financial and property demands for national defense and security purposes, and issue preferential treatment policies and regimes suitable to the particular characteristics of the people's armed force.

Chapter VI

DUTIES AND POWERS OF AGENCIES AND ORGANIZATIONS REGARDING THE NATIONAL DEFENCE AFFAIR

Article 34. Duties and powers of the Government

1. The Government shall exercise the unified State management over the national defense affair; perform tasks and exercise powers according to the provisions of the Constitution and relevant laws.

2. Tasks of the State management of national defence shall comprise the followings:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Formulate and organize the implementation of defense strategies and policies; build the all-people national defense, Homeland defense plans, plans for national defense mobilization and fulfillment of requirements for implementation of national defense and the armed force’s activities;

c) Organize and direct the performance of national defense tasks; execute orders and decisions of competent authorities and necessary measures to protect the Homeland;

d) Propagate and disseminate the guidelines and viewpoints of the Communist Party of Vietnam, the State's policies and laws on national defense; provide national defense and security education;

dd) Carry out the national defense foreign relation affair;

e) Examine, inspect and settle complaints, denunciations, preliminary and final review, commendation and handling of violations against the national defense law.

Article 35. Duties and powers of the Ministry of National Defence

The Ministry of National Defense shall be responsible to the Government for exercising the State management over the national defense affair, and shall have the following duties and powers:

1. Advise and assist the National Defense and Security Council;

2. Preside over, and cooperate with the Ministry of Foreign Affairs and the Ministry of Public Security in, taking responsibility before the Government for performing the State management over national borders; maintain security, social order and safety in border areas, border gates, islands, waters and airspace of the Socialist Republic of Vietnam according to the provisions of Vietnamese law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a member state;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Build, manage and command the People's Army and the militia and self-defense force in the performance of national defense tasks;

5. Direct and guide ministries, central sectoral administrations and localities to build the all-people national defense, military region defence, defense zones and national defense affair.

Article 36. Duties and powers of Ministries and central sectoral administrations

Ministries and central sectoral administrations shall, within the ambit of their tasks and powers, collaborate with the Ministry of National Defense in the State management over national defense and shall have the following tasks and powers:

1. Promulgate or submit to competent authorities for promulgation legislative documents, directive and instructional documents on the implementation of national defense tasks according to the provisions of this Law and other relevant law provisions;

2. Preside over, and collaborate with the Ministry of Defense and concerned agencies and organizations in, combining socio-economic development activities, security and external relations with the national defense of sectors or domains assigned to them in accordance with the strategy for safeguarding the Homeland;

3. Cooperate with the Ministry of National Defense in organizing the implementation of national defense strategies, planning schemes, plans and projects according to assigned tasks;

4. Participate in the building of the all-people national defense and the all-people national defense posture in association with the people's security, the people's security posture, defense zones and the people's armed forces according to the provisions of law, directions and instructions given by competent authorities;

5. Preside over, or cooperate with the Ministry of National Defense in, carrying out periodical or extraordinary inspection, examination, preliminary or final review of implementation of national defense tasks;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 37. Duties and powers of People’s Councils at all levels

People’s Councils at all levels shall, within the ambit of their duties and powers, have the following national defence duties and powers:

1. Decide measures to ensure implementation of national defence tasks as stipulated by law;

2. Decide guidelines and measures to promote the potentialities of their localities in building the all-people national defense and the all-people national defense posture associated with the people's security and the people’s security posture which are strong, and building the national defence potentialities and defence zones which are steadfast and comprehensive;

3. Decide policies and measures to build the militia and self-defense force and the reserve force; decide policies and measures to combine the national defense affair with socio-economic development activities, and vice versa socio-economic development activities with the national defense affair, and combine the national defense affair with security and foreign relation issues of localities;

4. Pursuant to the orders of the State President, decide policies and measures to perform the tasks required in the state of national defense emergency; shift activities of localities to the state of war;

5. Decide the budget for ensuring implementation of national defence activities of localities;

6. Supervise the compliance with the Constitution and laws, and the implementation of resolutions of the People's Councils on national defense in their respective localities;

7. Implement other national defence duties and powers as stipulated by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

People’s Committees at all levels shall, within the ambit of their tasks and powers, exercise the State management over national defense at their localities and shall have the following duties and powers:

1. Issue legislative documents under their competence on organizing implementation of national defense tasks according to the provisions of law and resolutions of the People's Councils of the same level and the tasks assigned by competent authorities in relation to the national defence at their localities;

2. Direct and organize the building of the all-people national defense and the al-people national defense posture in association with the people's security and the people's security posture; build the real power and national defense potentiality; build firmly comprehensive defense zones; build the local people's armed forces; implement national defense and security education activities; recruit and call up citizens to join the army, receive and create favorable employment conditions for demobilized servicemen; cooperate with relevant agencies, organizations and units of the people's armed forces in building the military region defense system according to the provisions of law;

3. Submit to the People's Council of the same level the budget estimates for implementation of national defense activities; direct and organize the implementation of resolutions of the People's Councils of the same level on provision of the adequate budget for defense activities in their respective localities;

4. Direct and organize the building, training and operation of, and ensure regimes and policies for, local military troops, reserve forces, militia and self-defense forces;

5. Preside over or cooperate in the building, management and protection of national defense projects, military zones, economic-defense zones in their respective localities; implement civil defense measures, military logistics policy and incentive policies for people with meritorious services to the revolution; provide manpower, material resources and finances for the people's armed forces operating in the localities in the state of emergency, the state of national defence emergency of defense and the state of war;

6. Implement other national defence duties and powers as stipulated by law.

Article 39. Duties and powers of Vietnam Fatherland Front Committee and its member organizations

Vietnam Fatherland Front Committee and its member organizations shall, within the scope of their respective tasks and powers, cooperate with the Ministry of National Defense and concerned agencies and organizations in raising the people's awareness of compliance with legislation on national defense; supervise implementation of national defense laws by agencies, organizations and individuals.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

IMPLEMENTARY PROVISION

Article 40. Entry into force

1. This Law shall enter into force on January 1, 2019.

2. This Law on National Defence No. 39/2005/QH11 shall be repealed from the entry into force of this Law.

This Law is passed during the 5th session of the XIVth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam on June 8, 2018.

 

 

THE NATIONAL ASSEMBLY’S CHAIR




Nguyen Thi Kim Ngan

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Quốc phòng 2018

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


128.001

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.54.136
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!