Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật cán bộ, công chức 2008 số 22/2008/QH12 áp dụng 2024

Số hiệu: 22/2008/QH12 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Phú Trọng
Ngày ban hành: 13/11/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Luật số: 22/2008/QH12

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2008

LUẬT

CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật cán bộ, công chức.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Luật này quy định về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và điều kiện bảo đảm thi hành công vụ.

Điều 2. Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức

Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan.

Điều 3. Các nguyên tắc trong thi hành công vụ

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

3. Công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát.

4. Bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả.

5. Bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ.

Điều 4. Cán bộ, công chức

1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Điều 5. Các nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức

1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước.

2. Kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.

3. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng.

4. Việc sử dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ.

5. Thực hiện bình đẳng giới.

Điều 6. Chính sách đối với người có tài năng

Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng.

Chính phủ quy định cụ thể chính sách đối với người có tài năng.

Điều 7. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan sử dụng cán bộ, công chức là cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền quản lý, phân công, bố trí, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức.

2. Cơ quan quản lý cán bộ, công chức là cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, nâng lương, cho thôi việc, nghỉ hưu, giải quyết chế độ, chính sách và khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức.

3. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

4. Ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.

5. Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật.

6. Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

7. Bãi nhiệm là việc cán bộ không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ.

8. Giáng chức là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức vụ thấp hơn.

9. Cách chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

10. Điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.

11. Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.

12. Biệt phái là việc công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này được cử đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.

13. Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

CHƯƠNG II

NGHĨA VỤ, QUYỀN CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Mục 1. NGHĨA VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Điều 8. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân

1. Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.

2. Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.

3. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.

4. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Điều 9. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ

1. Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

4. Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.

5. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu

Ngoài việc thực hiện quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật này, cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

1. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức;

3. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

4. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân;

5. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức;

6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mục 2. QUYỀN CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Điều 11. Quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ

1. Được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ.

2. Được bảo đảm trang thiết bị và các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật.

3. Được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

4. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

5. Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.

Điều 12. Quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương

1. Được Nhà nước bảo đảm tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Cán bộ, công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Quyền của cán bộ, công chức về nghỉ ngơi

Cán bộ, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.

Điều 14. Các quyền khác của cán bộ, công chức

Cán bộ, công chức được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Mục 3. ĐẠO ĐỨC, VĂN HÓA GIAO TIẾP CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Điều 15. Đạo đức của cán bộ, công chức

Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ.

Điều 16. Văn hóa giao tiếp ở công sở

1. Trong giao tiếp ở công sở, cán bộ, công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc.

2. Cán bộ, công chức phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ.

3. Khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức phải mang phù hiệu hoặc thẻ công chức; có tác phong lịch sự; giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp.

Điều 17. Văn hóa giao tiếp với nhân dân

1. Cán bộ, công chức phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc.

2. Cán bộ, công chức không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ.

Mục 4. NHỮNG VIỆC CÁN BỘ, CÔNG CHỨC KHÔNG ĐƯỢC LÀM

Điều 18. Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ

1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

2. Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.

3. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.

4. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

Điều 19. Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước

1. Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.

2. Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.

3. Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề, công việc, thời hạn mà cán bộ, công chức không được làm và chính sách đối với những người phải áp dụng quy định tại Điều này.

Điều 20. Những việc khác cán bộ, công chức không được làm

Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

CHƯƠNG III

CÁN BỘ Ở TRUNG ƯƠNG, CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN

Điều 21. Cán bộ

1. Cán bộ quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này bao gồm cán bộ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.

2. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam căn cứ vào điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, của tổ chức chính trị - xã hội và quy định của Luật này quy định cụ thể chức vụ, chức danh cán bộ làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

Chức vụ, chức danh cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước được xác định theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Toà án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 22. Nghĩa vụ, quyền của cán bộ

1. Thực hiện các nghĩa vụ, quyền quy định tại Chương II và các quy định khác có liên quan của Luật này.

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và điều lệ của tổ chức mà mình là thành viên.

3. Chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và trước cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Điều 23. Bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội

Việc bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo quy định của điều lệ, pháp luật có liên quan.

Điều 24. Bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ trong cơ quan nhà nước

Việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ theo nhiệm kỳ trong cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp huyện được thực hiện theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 25. Đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ

1. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn, chức vụ, chức danh cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch cán bộ.

2. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định.

Điều 26. Điều động, luân chuyển cán bộ

1. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch cán bộ, cán bộ được điều động, luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

2. Việc điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 27. Mục đích đánh giá cán bộ

Đánh giá cán bộ để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Điều 28. Nội dung đánh giá cán bộ

1. Cán bộ được đánh giá theo các nội dung sau đây:

a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;

c) Năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ;

d) Tinh thần trách nhiệm trong công tác;

đ) Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện hàng năm, trước khi bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc nhiệm kỳ, thời gian luân chuyển.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 29. Phân loại đánh giá cán bộ

1. Căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được phân loại đánh giá như sau:

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ;

c) Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực;

d) Không hoàn thành nhiệm vụ.

2. Kết quả phân loại đánh giá cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ và thông báo đến cán bộ được đánh giá.

3. Cán bộ 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bố trí công tác khác.

Cán bộ 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ.

Điều 30. Xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm

1. Cán bộ có thể xin thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức, miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Không đủ sức khỏe;

b) Không đủ năng lực, uy tín;

c) Theo yêu cầu nhiệm vụ;

d) Vì lý do khác.

2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 31. Nghỉ hưu đối với cán bộ

1. Cán bộ được nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật lao động.

2. Trước 06 tháng, tính đến ngày cán bộ nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ phải thông báo cho cán bộ bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 tháng, tính đến ngày cán bộ nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ ra quyết định nghỉ hưu.

3. Trong trường hợp đặc biệt, đối với cán bộ giữ chức vụ từ Bộ trưởng hoặc tương đương trở lên có thể được kéo dài thời gian công tác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

CHƯƠNG IV

CÔNG CHỨC Ở TRUNG ƯƠNG, CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN

Mục 1. CÔNG CHỨC VÀ PHÂN LOẠI CÔNG CHỨC

Điều 32. Công chức

1. Công chức quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này bao gồm:

a) Công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội;

b) Công chức trong cơ quan nhà nước;

c) Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.

2. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 33. Nghĩa vụ, quyền của công chức

1. Thực hiện các nghĩa vụ, quyền quy định tại Chương II và các quy định khác có liên quan của Luật này.

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

3. Chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Điều 34. Phân loại công chức

1. Căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm, công chức được phân loại như sau:

a) Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;

b) Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;

c) Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;

d) Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.

2. Căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại như sau:

a) Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;

b) Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Mục 2. TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC

Điều 35. Căn cứ tuyển dụng công chức

Việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.

Điều 36. Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức

1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:

a) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

b) Đủ 18 tuổi trở lên;

c) Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;

d) Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;

đ) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

e) Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;

g) Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:

a) Không cư trú tại Việt Nam;

b) Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

Điều 37. Phương thức tuyển dụng công chức

1. Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Hình thức, nội dung thi tuyển công chức phải phù hợp với ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.

2. Người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển.

3. Chính phủ quy định cụ thể việc thi tuyển, xét tuyển công chức.

Điều 38. Nguyên tắc tuyển dụng công chức

1. Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

2. Bảo đảm tính cạnh tranh.

3. Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm.

4. Ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.

Điều 39. Cơ quan thực hiện tuyển dụng công chức

1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.

2. Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.

5. Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.

Điều 40. Tập sự đối với công chức

Người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của Chính phủ.

Điều 41. Tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên

Việc tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức Tòa án nhân dân và pháp luật về tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Mục 3. CÁC QUY ĐỊNH VỀ NGẠCH CÔNG CHỨC

Điều 42. Ngạch công chức và việc bổ nhiệm vào ngạch công chức

1. Ngạch công chức bao gồm:

a) Chuyên viên cao cấp và tương đương;

b) Chuyên viên chính và tương đương;

c) Chuyên viên và tương đương;

d) Cán sự và tương đương;

đ) Nhân viên.

2. Việc bổ nhiệm vào ngạch phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch;

b) Việc bổ nhiệm vào ngạch phải đúng thẩm quyền và bảo đảm cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

3. Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Người được tuyển dụng đã hoàn thành chế độ tập sự;

b) Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch;

c) Công chức chuyển sang ngạch tương đương.

Điều 43. Chuyển ngạch công chức

1. Chuyển ngạch là việc công chức đang giữ ngạch của ngành chuyên môn này được bổ nhiệm sang ngạch của ngành chuyên môn khác có cùng thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Công chức được chuyển ngạch phải có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch được chuyển và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3. Công chức được giao nhiệm vụ không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đang giữ thì phải được chuyển ngạch cho phù hợp.

4. Không thực hiện nâng ngạch, nâng lương khi chuyển ngạch.

Điều 44. Nâng ngạch công chức

1. Việc nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thông qua thi tuyển.

2. Công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được đăng ký dự thi nâng ngạch.

3. Kỳ thi nâng ngạch được tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Điều 45. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch công chức

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu về công chức đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch dự thi thì công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó được đăng ký dự thi.

2. Công chức đăng ký dự thi nâng ngạch phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của ngạch dự thi.

Điều 46. Tổ chức thi nâng ngạch công chức

1. Nội dung và hình thức thi nâng ngạch công chức phải phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi, bảo đảm lựa chọn công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với tiêu chuẩn của ngạch dự thi và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức.

3. Chính phủ quy định cụ thể về việc thi nâng ngạch công chức.

Mục 4. ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÔNG CHỨC

Điều 47. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng công chức

1. Nội dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng công chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn của ngạch công chức và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

2. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng công chức bao gồm:

a) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức;

b) Đào tạo, bồi dưỡng theo các chức danh lãnh đạo, quản lý.

3. Nội dung, chương trình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng công chức do Chính phủ quy định.

Điều 48. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng công chức

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức có trách nhiệm xây dựng và công khai quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm tạo điều kiện để công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.

3. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 49. Trách nhiệm và quyền lợi của công chức trong đào tạo, bồi dưỡng

1. Công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

2. Công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng nguyên lương và phụ cấp; thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thâm niên công tác liên tục, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật.

3. Công chức đạt kết quả xuất sắc trong khóa đào tạo, bồi dưỡng được biểu dương, khen thưởng.

4. Công chức đã được đào tạo, bồi dưỡng nếu tự ý bỏ việc, xin thôi việc phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Mục 5. ĐIỀU ĐỘNG, BỔ NHIỆM, LUÂN CHUYỂN, BIỆT PHÁI, TỪ CHỨC, MIỄN NHIỆM ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC

Điều 50. Điều động công chức

1. Việc điều động công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.

2. Công chức được điều động phải đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm mới.

Điều 51. Bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

1. Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào:

a) Nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

2. Thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm; khi hết thời hạn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.

3. Công chức được điều động đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm.

Điều 52. Luân chuyển công chức

1. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức, công chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc luân chuyển công chức.

Điều 53. Biệt phái công chức

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức biệt phái công chức đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.

2. Thời hạn biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.

3. Công chức biệt phái phải chấp hành phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái.

4. Công chức biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

5. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức biệt phái có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho công chức khi hết thời hạn biệt phái.

6. Không thực hiện biệt phái công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Điều 54. Từ chức hoặc miễn nhiệm đối với công chức

1. Công chức lãnh đạo, quản lý có thể từ chức hoặc miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Không đủ sức khỏe;

b) Không đủ năng lực, uy tín;

c) Theo yêu cầu nhiệm vụ;

d) Vì lý do khác.

2. Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức hoặc miễn nhiệm được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc.

3. Công chức lãnh đạo, quản lý xin từ chức hoặc miễn nhiệm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

4. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc từ chức hoặc miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Mục 6. ĐÁNH GIÁ CÔNG CHỨC

Điều 55. Mục đích đánh giá công chức

Đánh giá công chức để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức.

Điều 56. Nội dung đánh giá công chức

1. Công chức được đánh giá theo các nội dung sau đây:

a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;

c) Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

d) Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;

đ) Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;

e) Thái độ phục vụ nhân dân.

2. Ngoài những quy định tại khoản 1 Điều này, công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:

a) Kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý;

b) Năng lực lãnh đạo, quản lý;

c) Năng lực tập hợp, đoàn kết công chức.

3. Việc đánh giá công chức được thực hiện hàng năm, trước khi bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái.

4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đánh giá công chức.

Điều 57. Trách nhiệm đánh giá công chức

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm đánh giá công chức thuộc quyền.

2. Việc đánh giá người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện.

Điều 58. Phân loại đánh giá công chức

1. Căn cứ vào kết quả đánh giá, công chức được phân loại đánh giá theo các mức như sau:

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ;

c) Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực;

d) Không hoàn thành nhiệm vụ.

2. Kết quả phân loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ công chức và thông báo đến công chức được đánh giá.

3. Công chức 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác.

Công chức 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc.

Mục 7. THÔI VIỆC, NGHỈ HƯU ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC

Điều 59. Thôi việc đối với công chức

1. Công chức được hưởng chế độ thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Do sắp xếp tổ chức;

b) Theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý;

c) Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật này.

2. Công chức xin thôi việc theo nguyện vọng thì phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nếu không đồng ý cho thôi việc thì phải nêu rõ lý do; trường hợp chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý mà tự ý bỏ việc thì không được hưởng chế độ thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

3. Không giải quyết thôi việc đối với công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Không giải quyết thôi việc đối với công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp xin thôi việc theo nguyện vọng.

Điều 60. Nghỉ hưu đối với công chức

1. Công chức được nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật lao động.

2. Trước 06 tháng, tính đến ngày công chức nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 tháng, tính đến ngày công chức nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức ra quyết định nghỉ hưu.

CHƯƠNG V

CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Điều 61. Chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã

1. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật này bao gồm cán bộ cấp xã và công chức cấp xã.

2. Cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây:

a) Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ;

b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;

d) Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

đ) Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

e) Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

g) Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);

h) Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

3. Công chức cấp xã có các chức danh sau đây:

a) Trưởng Công an;

b) Chỉ huy trưởng Quân sự;

c) Văn phòng - thống kê;

d) Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);

đ) Tài chính - kế toán;

e) Tư pháp - hộ tịch;

g) Văn hóa - xã hội.

Công chức cấp xã do cấp huyện quản lý.

4. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã.

5. Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô, đặc điểm của địa phương, Chính phủ quy định cụ thể số lượng cán bộ, công chức cấp xã.

Điều 62. Nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức cấp xã

1. Thực hiện các nghĩa vụ, quyền quy định tại Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan, điều lệ của tổ chức mà mình là thành viên.

2. Cán bộ, công chức cấp xã khi giữ chức vụ được hưởng lương và chế độ bảo hiểm; khi thôi giữ chức vụ, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật được xem xét chuyển thành công chức, trong trường hợp này, được miễn chế độ tập sự và hưởng chế độ, chính sách liên tục; nếu không được chuyển thành công chức mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì thôi hưởng lương và thực hiện đóng bảo hiểm tự nguyện theo quy định của pháp luật; trường hợp là cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái thì cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp hoặc giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định cụ thể khoản này.

Điều 63. Bầu cử, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã

1. Việc bầu cử cán bộ cấp xã được thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, điều lệ của tổ chức có liên quan, các quy định khác của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

2. Việc tuyển dụng công chức cấp xã phải thông qua thi tuyển; đối với các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể được tuyển dụng thông qua xét tuyển.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã theo quy định của Chính phủ.

3. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã phải căn cứ vào tiêu chuẩn của từng chức vụ, chức danh, yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch cán bộ, công chức.

Chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã do cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ quy định.

Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 64. Đánh giá, phân loại, xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức cấp xã

Việc đánh giá, phân loại, xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện theo quy định tương ứng của Luật này đối với cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật, điều lệ có liên quan.

CHƯƠNG VI

QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Điều 65. Nội dung quản lý cán bộ, công chức

1. Nội dung quản lý cán bộ, công chức bao gồm:

a) Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức;

b) Xây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ, công chức;

c) Quy định chức danh và cơ cấu cán bộ;

d) Quy định ngạch, chức danh, mã số công chức; mô tả, quy định vị trí việc làm và cơ cấu công chức để xác định số lượng biên chế;

đ) Các công tác khác liên quan đến quản lý cán bộ, công chức quy định tại Luật này.

2. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể nội dung quản lý cán bộ, công chức quy định tại Điều này.

Điều 66. Thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức

1. Thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định biên chế công chức của Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.

3. Chủ tịch nước quyết định biên chế công chức của Văn phòng Chủ tịch nước.

4. Chính phủ quyết định biên chế công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước.

5. Căn cứ vào quyết định chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập của Uỷ ban nhân dân các cấp.

6. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định biên chế công chức trong cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 67. Thực hiện quản lý cán bộ, công chức

1. Việc quản lý cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

2. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công chức.

Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công chức.

Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về công chức theo phân công, phân cấp của Chính phủ.

Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về công chức theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện việc quản lý công chức theo phân cấp của cơ quan có thẩm quyền và theo quy định của Chính phủ.

Điều 68. Chế độ báo cáo về công tác quản lý cán bộ, công chức

1. Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức.

2. Việc chuẩn bị báo cáo của Chính phủ về công tác quản lý cán bộ, công chức được quy định như sau:

a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về công tác quản lý cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý;

b) Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước báo cáo về công tác quản lý cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý;

c) Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội báo cáo về công tác quản lý công chức thuộc quyền quản lý.

Các báo cáo quy định tại các điểm a, b và c khoản này được gửi đến Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 hàng năm để tổng hợp, chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội.

3. Việc chuẩn bị báo cáo công tác quản lý cán bộ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

4. Nội dung báo cáo công tác quản lý cán bộ, công chức thực hiện theo quy định tại Điều 65 của Luật này.

Điều 69. Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý. Hồ sơ cán bộ, công chức phải có đầy đủ tài liệu theo quy định, bảo đảm chính xác diễn biến, quá trình công tác của cán bộ, công chức.

2. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hướng dẫn việc lập, quản lý hồ sơ cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý.

3. Bộ Nội vụ hướng dẫn việc lập, quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

CHƯƠNG VII

CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THI HÀNH CÔNG VỤ

Điều 70. Công sở

1. Công sở là trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, có tên gọi riêng, có địa chỉ cụ thể, bao gồm công trình xây dựng, các tài sản khác thuộc khuôn viên trụ sở làm việc.

2. Nhà nước đầu tư xây dựng công sở cho cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

3. Quy mô, vị trí xây dựng, tiêu chí thiết kế công sở do cơ quan có thẩm quyền quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, định mức sử dụng.

Điều 71. Nhà ở công vụ

1. Nhà ở công vụ do Nhà nước đầu tư xây dựng để cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái thuê trong thời gian đảm nhiệm công tác. Khi hết thời hạn điều động, luân chuyển, biệt phái, cán bộ, công chức trả lại nhà ở công vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà ở công vụ.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà ở công vụ phải bảo đảm việc quản lý, sử dụng nhà ở công vụ đúng mục đích, đối tượng.

Điều 72. Trang thiết bị làm việc trong công sở

1. Nhà nước bảo đảm trang thiết bị làm việc trong công sở để phục vụ việc thi hành công vụ; chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả thi hành công vụ.

2. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc mua sắm trang thiết bị làm việc theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý trang thiết bị làm việc trong công sở, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Điều 73. Phương tiện đi lại để thi hành công vụ

Nhà nước bố trí phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức để thi hành công vụ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; trường hợp không bố trí được thì cán bộ, công chức được thanh toán chi phí đi lại theo quy định của Chính phủ.

CHƯƠNG VIII

THANH TRA CÔNG VỤ

Điều 74. Phạm vi thanh tra công vụ

1. Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan.

2. Thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ.

Điều 75. Thực hiện thanh tra công vụ

1. Thanh tra bộ, Thanh tra sở, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức.

2. Thanh tra Bộ Nội vụ, Thanh tra Sở Nội vụ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật này.

3. Chính phủ quy định cụ thể hoạt động thanh tra công vụ.

CHƯƠNG IX

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 76. Khen thưởng cán bộ, công chức

1. Cán bộ, công chức có thành tích trong công vụ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

2. Cán bộ, công chức được khen thưởng do có thành tích xuất sắc hoặc công trạng thì được nâng lương trước thời hạn, được ưu tiên khi xem xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu.

Chính phủ quy định cụ thể khoản này.

Điều 77. Miễn trách nhiệm đối với cán bộ, công chức

Cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

1. Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành;

2. Do bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Điều 78. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ

1. Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Cách chức;

d) Bãi nhiệm.

2. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.

3. Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.

4. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều 79. Các hình thức kỷ luật đối với công chức

1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Giáng chức;

đ) Cách chức;

e) Buộc thôi việc.

2. Việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

3. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.

4. Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức.

Điều 80. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn do Luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.

Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.

2. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.

3. Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật; trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người ra quyết định phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật.

Điều 81. Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.

2. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.

Điều 82. Các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật

1. Cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

2. Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.

4. Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

Điều 83. Quản lý hồ sơ khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức

Việc khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức được lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức.

CHƯƠNG X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 84. Áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác

1. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật này đối với những người được bầu cử nhưng không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này; chế độ phụ cấp đối với những người đã nghỉ hưu nhưng được bầu cử giữ chức vụ, chức danh cán bộ.

2. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật cán bộ, công chức đối với những người được Đảng, Nhà nước điều động, phân công và những người được tuyển dụng, bổ nhiệm theo chỉ tiêu biên chế được giao làm việc trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

3. Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật cán bộ, công chức đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác trong các doanh nghiệp nhà nước; những người được Nhà nước cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.

4. Chính phủ quy định khung số lượng, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Điều 85. Điều khoản chuyển tiếp đối với những người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập

Các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến những người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập mà không phải là cán bộ, công chức quy định tại Luật này được tiếp tục thực hiện cho đến khi ban hành Luật viên chức.

Điều 86. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

2. Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 87. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật này; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 22/2008/QH12

Hanoi, November 13, 2008

 

LAW

ON CADRES AND CIVIL SERVANTS

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10;
The National Assembly promulgates the Law on Cadres and Civil Servants;

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. .Scope of regulation and subjects of application

This Law provides for cadres and civil servants; election, recruitment, employment and management of cadres and civil servants; obligations and rights of cadres and civil servants, and conditions to assure public-duty performance.

Article 2. Public duties of cadres and civil servants

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 3. Principles in public-duty performance

1. Compliance with the Constitution and laws.

2. Protection of the interests of the State and lawful rights and interests of organizations and citizens.

3. Publicity, transparency, performance within competence, and submission to examination and supervision.

4. Assurance of systematism, uniformity, continuity, smoothness and effectiveness.

5. Assurance of administrative hierarchy and close coordination.

Article 4. Cadres, civil servants

1. Cadres are Vietnamese citizens who are elected, approved and appointed to hold posts or titles for a given term of office in agencies of the Communist Party of Vietnam, the State, socio-political organizations at the central level, in provinces and centrally run cities (below collectively referred to as provincial level), in districts, towns and provincial cities (below collectively referred to as district level), included in the payrolls and salaried from the state budget.

2. Civil servants are Vietnamese citizens who are recruited and appointed to ranks, posts or titles in agencies of the Communist Party of Vietnam, the State, socio-political organizations at the central, provincial and district levels; in People’s Army agencies and units, other than officers, professional military personnel and defense workers; in People’s Police offices and units other than officers and professional non-commissioned officers, and in the leading and managerial apparatuses of public non-business units of the Communist Party of Vietnam, the State and socio-political organizations (below collectively referred to as public non-business units), included in the payrolls and salaried from the state budget; for civil servants in the leading and managerial apparatuses of public non-business units, they are salaried from the salary funds of these units according to law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 5. Principles of management of cadres and civil servants

1. Assurance of Party leadership and stale management.

2. Combination between title criteria, working positions and payroll quotas.

3. Adherence to the principle of democratic centralism, the individual responsibility regime and clear assignment of tasks and decentralization of powers.

The employment, evaluation and grading of cadres and civil servants musl be based on their political qualities, ethics and public-duty performance capability.

5. Implementation of gender equality.

Article 6. Policies toward talented persons

The State implements policies to discover, attract, foster, employ in proper positions and well treat talented persons.

The Government shall adopt specific policies towards talented persons.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In this Law. the terms and phrases below are construed as follows:

1. Agency employing cadres and civil servants means an agency, organization or unit assigned to manage, assign and arrange tasks and powers to cadres and civil servants and examine them in performing tasks and exercising powers.

2. Agency managing cadres and civil servants means an agency, organization or unit assigned to recruit and appoint cadres and civil servants, promote them to higher ranks and increase iheii salaries, permit them to discontinue work or retire, implement regimes and policies towards, and reward and discipline cadres and civil servants.

3. Working position means a job linked with a civil servant title, post, structure and rank as a basis for determining the payroll of, and arranging jobs for civil servants in, an agency, organization or unit.

4. Rank indicates the level of specialized and professional capability and qualification of a civil servant.

5. Appoint means to decide on a cadre or civil servant to hold a leading or managerial post or a rank according to law.

6. Relieve of duty means to allow a cadre or civil servant to discontinue holding a post or title before the end of the term of office or appointment.

7. Remove from office means to disallow a cadre or civil servant to hold a post or title before the end of the term of office.

8. Demote means to reduce a cadre or civil servant holding a leading or managerial post to a lower one.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



10. Transfer means a competent agency to decide to send a cadre or civil servant from one agency, organization or unit to another.

11. Rotate means to assign or appoint a managerial or leading cadre or civil servant to hold another leading or managerial title for a given period in order to further train and retrain him/her in response to task requirements.

12. Second means to send a civil servant of one agency, organization or unit to work at another in response to task requirements.

13. Resign means a leading or managerial cadre or civil servant to ask for permission to give up his/her post before the end of the term of office or appointment.

Chapter II

OBLIGATIONS AND RIGHTS OF CADRES AND CIVIL SERVANTS

Section 1. OBLIGATIONS OF CADRES AND CIVIL SERVANTS

Article 8. Obligations of cadres and civil servants towards the Party, State and people

1. To be loyal to the Communist Party of Vietnam and the State of the Socialist Republic of Vietnam; to safeguard the national honor and interests.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To keep close contact with the people, listen to the people’s opinions and submit to the people’s supervision.

4. To strictly observe the Party’s line and policies and the State’s laws.

Article 9. Obligations of cadres and civil servants in performing public duties

1. To duly and fully perform tasks and exercise powers as assigned and take responsibility for their performance.

2.To have a sense of organizational discipline; to strictly abide by internal rules and regulations of agencies, organizations or units; to report to competent persons when detecting illegal acts in agencies, organizations and units; to protect state secrets.

3. To proactively and closely collaborate with one another in performing public duties; to preserve unity in agencies, organizations and units.

4. To efficiently and economically protect, manage and use slate assets assigned to them.

5. To implement decisions of their superiors, When having grounds to believe that such decision is illegal, to immediately report in writing to its issuer; the issuer who upholds his/her decision shall issue a document to this effect while the implementer shall implement the decision but is not held responsible for implementation consequences, and shall report to the immediately higher authority of the decision issuer. The person who issues a decision shall take responsibility before law for his/her decision.

6. To have other obligations as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In addition to complying with Articles 8 and 9 of this Law, cadres and civil servants who arc heads of agencies, organizations or units shall perform the following obligations:

1. To direct the performance of assigned tasks and take responsibility for their agencies’, organizations’ or units’ operation results;

2. To examine, urge and guide the public-duty performance of cadres and civil servants;

3. To organize the implementation of measures to prevent and combat bureaucracy and corruption, to practice thrift and combat wastefulness, and to take responsibility for bureaucratic, corrupt and wasteful acts in their agencies, organizations or units;

4. To organize the implementation of legal provisions on grassroots democracy and public-office culture in their agencies, organizations and units: to promptly and strictly handle cadres and civil servants under their management who commit breaches of discipline and illegal acts, show bureaucratic and authoritarian altitudes to and harass citizens;

5. To promptly and lawfully settle complaints, denunciations and proposals of individuals and organizations according to their competence or refer them to competent agencies for settlement;

6. To perform other obligations as prescribed by law.

Section 2. RIGHTS OF CADRES AND CIVIL SERVANTS

Article 11. Right of cadres and civil servants to be provided with conditions to assure public-duty performance

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To be provided with working equipment and other working conditions according to law.

3. To be supplied with information concerning their assigned tasks and powers.

4. To be trained and retrained in order to raise their political, specialized and professional qualifications.

5. To be protected by law when performing public duties.

Article 12. Rights of cadres and civil servants to salaries and salary-related regimes

1. To be paid by the State salaries matching with assigned tasks and powers and suitable to national socio-economic conditions. Cadres and civil servants working in mountainous, border, islands, deep-lying, remote and ethnic minority areas and areas with especially difficult socio-economic conditions or in hazardous and dangerous sectors and occupations are entitled to allowances and incentive policies according to law.

2. To enjoy overtime and night-work pays, working trip allowances and other benefits according to law.

Article 13. Rights of cadres and civil servants to rest

Cadres and civil servants are entitled to annual leaves, holidays and leaves to deal with personal affairs according to the labor law. If, due to task requirements, cadres and civil servants do not use or have not used up annual days off, in addition to salaries, they may be paid a sum equal to salaries for days on which they still work.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Cadres and civil servants are assured the rights to learn, do scientific research, participate in economic and social activities; are entitled to incentive policies concerning housing, vehicles, and social and health insurance regimes according to law; if getting injured or dying while performing public duties, they shall be considered for enjoying entitlements and policies applicable to invalids or being recognized as fallen heroes and other rights according to law.

Section 3. ETHICS AND COMMUNICATION CULTURE OF CADRES AND CIVIL SERVANTS

Article 15. Ethics of cadres and civil servants

Cadres and civil servants shall practice diligence, thrift, integrity, public-spiritedness and selflessness in performing public duties.

Article 16. Communication culture at public offices

1. In communication at public offices, cadres and civil servants shall adopt a polite attitude and respect colleagues; their communication language must be standardized, clear and coherent.

2. Cadres and civil servants shall listen to opinions of colleagues; make just, impartial and objective comments and evaluations: and ensure democracy and internal unity.

3. While performing public duties, cadres and civil servants shall wear civil servant badges or cards: adopt polite manners; and preserve the prestige and honor of their agencies, organizations and units and colleagues.

Article 17. Culture of communication with the people

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. While performing public duties, cadres and civil servants must not be overbearing and authoritarian and cause difficulties and troubles to the people.

Section 4. PROHIBITIONS ON CADRES AND CIVIL SERVANTS

Article 18. Prohibitions related to civil service ethics

1. Shirking responsibility or refusing to discharge assigned tasks; sowing factionalism and disunity; quitting jobs or going on strike without permission.

2. Illegally using assets of the State and people.

3. Taking advantage of or abusing tasks and powers; using civil service-related information for self-seeking purposes.

4. Discriminating in any form against nationality, gender, social strata, beliefs and religions.

Article 19. Prohibitions related to state secrets

1. Cadres and civil servants may not disclose in any form information relating to state secrets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Government shall issue a specific list of sectors, occupations and jobs which and time limits during which cadres and civil servants are not allowed to perform and policies towards those to whom this Article applies.

Article 20. Other prohibitions on cadres and civil servants

In addition to the prohibitions specified in Articles 18 and 19 of this Law. cadres and civil servants may not deal with affairs related to production and business and personnel work specified in the Anti-Corruption Law and the Law on Practice of Thrift and Combat of Wastefulness and other jobs as prescribed by law and competent agencies.

Chapter III

CADRES AT CENTRAL, PROVINCIAL AND DISTRICT LEVELS

Article 21. Cadres

1. Cadres defined in Clause 1, Article 4 of this Law include those working in agencies of the Communist Party of Vietnam, the State and socio-political organizations at the central, provincial and district levels

2. Competent agencies of the Communist Party of Vietnam shall base themselves mi tin statutes of the Party and socio-political organizations and this Law lo specify posts and titles for cadres working in agencies of the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations.

The posts and titles of cadres working in state agencies shall be determined under the Law on Organization of the National Assembly, the Law on Organization of the Government, the Law on Organization of People’s Courts, the Law on Organization of People’s Procuracies, the Law on Organization of People’s Councils and People’s Committees, the Law on State Audit and other relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To perform the obligations and exercise powers defined in Chapter II and other relevant provisions of this Law.

2. To perform the obligations and exercise powers in accordance with the Constitution, laws and statutes of organizations of which they are members.

3. To take responsibility to the Party, State and people as well as competent agencies for the performance of obligations and exercise of powers as assigned.

Article 23. Election, appointment of posts and titles of cadres in agencies of the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations

The election and appointment of posts and title of cadres in agencies of the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations comply with relevant statutes and laws.

Article 24. Election, approval and appointment of posts and titles of cadres in state agencies

The election, approval and appointment of posts and tiles of cadres working according to term of office in state agencies from the central to district level comply with the Constitution, the Law on Organization of the National Assembly, the Law on Organization of the Government, the Law on Organization of People’s Councils and People’s Committees, the Law on Organization of People’s Courts, the Law on Organization of People’s Procuracies, the Law on Election of National Assembly Deputies and the Law on Election of People’s Council Deputies.

Article 25. Training and retraining of cadres

1. The training and retraining of cadres must be based on cadre criteria, posts and titles, task requirements and conform to the personnel planning.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 26. Transfer and rotation of cadres

1. Based on task requirements and personnel planning, cadres may be transferred and rotated within the system of agencies of the Communist Party of Vietnam, the State and socio-political organizations.

2. The transfer and rotation of cadres comply with laws and regulations of competent agencies.

Article 27. Purposes of cadre evaluation

Evaluation of cadres aims to clearly determine their political qualities, ethics, specialized and professional qualifications and capabilities and performance of assigned tasks. Evaluation results serve as a basis for arranging, employing, training, retraining, rewarding, disciplining and implementing policies towards cadres.

Article 28. Contents of cadre evaluation

1. Cadres are evaluated based on the following:

a/ Observance of the line and policies of the Party and laws of the State;

b/ Political qualities, ethics, lifestyle and working manners and style;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Sense of responsibility in work;

e/ Results of performance of assigned tasks.

2. Cadres shall be evaluated annually, before election, approval, appointment, planning, transfer, training and retraining and at the end of terms of office and rotation periods.

The competence, order and procedures for cadre evaluation comply with laws and regulations of competent agencies.

Article 29. Evaluation-based categorization of cadres

1. On the basis of evaluation results, cadres are put into the following categories:

a/ Excellent accomplishment of tasks:

b/ Good accomplishment of tasks;

c/ Accomplishment of tasks with limited capability;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Results of categorization of evaluated cadres shall be filed in cadre records and notified to evaluated cadres.

3. Cadres who accomplish their tasks for two consecutives years with limited capability or who accomplish their tasks with limited capability in a year and fail to accomplish their tasks in the subsequent year may be assigned to other jobs by competent agencies.

Cadres who fail to accomplish their tasks for 2 consecutive years may be relieved of duty or discontinued from their jobs by competent agencies or organizations.

Article 30. Request for job discontinuation, resignation, relief of duty

1. A cadre may request permission to discontinue job or resign or relieve of duty in the following cases:

a/ Being physically unfit;

b/ Possessing insufficient capability and prestige;

c/ Due to task requirements;

d/ Other reasons.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 31. Retirement of cadres

1. Cadre may retire under the Labor Code.

2. Six months before the date a cadre is due to retire, his/her managing agency, organization or unit shall notify in writing the cadre of the exact time of retirement; three months before a cadre is due to retire, his/her managing agency, organization or unit shall issue a decision on his/ her retirement.

3. In special cases, cadres holding the post of minister, an equivalent or higher post may have his/her working time extended under regulations of competent agencies.

Chapter IV

CIVIL SERVANTS AT CENTRAL, PROVINCIAL AND DISTRICT LEVELS

Section 1. CIVIL SERVANTS AND CLASSIFICATION OF CIVIL SERVANTS

Article 32. Civil servants

1. Civil servants defined in Clause 2, Article 4 of this Law include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Civil servants working in state agencies;

c/ Civil servants in the leading and managerial apparatuses of non-business units;

d/ Civil servants working in agencies and units of the People’s Army who are other than officers, professional military personnel and defense workers; civil servants working in agencies and units of the People’s Police who are other than officers and professional non-commissioned officers.

2. The Government shall specify this Article.

Article 33. Obligations and rights of civil servants

1. To perform obligations and exercise powers defined in Chapter II and other relevant provisions of this Law.

2. To perform tasks and exercise powers in accordance with the Constitution and laws.

3. To take responsibility to competent agencies and organizations for the performance of tasks and exercise of powers as assigned.

Article 34. Categorization of civil servants

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Class A including those appointed to the senior-specialist or equivalent rank;

b/ Class B including those appointed to the principal-specialist or equivalent rank;

c/ Class C including those appointed to the Specialist or equivalent rank;

d/ Class D including those appointed to the technician or equivalent rank or employee rank.

2. Based on working positions, civil servants are classified into:

a/ Civil servants holding leading or managerial posts;

b/ Civil servants not holding leading or managerial posts.

Section 2. RECRUITMENT OF CIVIL SERVANTS

Article 35. Bases for recruitment of civil servants

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 36. Conditions for registration for civil servant recruitment

1. A person who meets all the following conditions, regardless of nationality, gender, social status, belief and religion, may register for civil servant recruitment:

a/ Bearing the sole nationality of Vietnamese;

b/ Reaching full 18 years of age;

c/ Filing an application for recruitment; having a clear personal record;

d/ Possessing relevant diplomas and/or certificates;

e/ Possessing political qualities and good ethics:

f/ Being physically fit for the job;

g/ Meeting other conditions required by the working position for which he/she applies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Not residing in Vietnam;

b/ Having lost civil act capacity or having such capacity restricted;

c/ Being examined for penal liability; currently serving a criminal sentence or court ruling or having completely served such a sentence or ruling but such criminal record has not yet been remitted, or serving the administrative measure of confinement to a medical treatment establishment or a reformatory.

Article 37. Methods of civil servant recruitment

1. Civil servants shall be recruited through examinations, except for cases specified in Clause 2 of this Article. The form and contents of examination to recruit civil servants must be suitable to each sector and occupation, ensuring that persons with appropriate qualities, qualifications and capabilities are selected.

2. Persons who meet all conditions specified in Clause 1, Article 36 of this Law and commit to voluntarily work for at least 5 years in mountainous, border, island, remote, deep-lying or ethnic minority or special socio-economic difficulty-hit areas may be recruited through selection.

3. The Government shall specify the recruitment of civil servants through examination or selection.

Article 38. Principles for civil servant recruitment

1. Ensuring publicity, transparency, objectivity and legality.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Selecting proper persons who meet task and working position requirements.

4. Prioritizing recruitment of talented persons, persons with meritorious services to the country and ethnic minority persons.

Article 39. Agencies recruiting civil servants

1. The Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy and the State Audit may recruit, and decentralize the recruitment of, civil servants in agencies, organizations and units under their respective management.

2. The Office of the National Assembly and the Office of the President may recruit civil servants in agencies and units under their respective management.

3. Ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies may recruit, and decentralize the recruitment of. civil servants in agencies, organizations and units under their respective management.

4. Provincial-level People’s Committees may recruit, and decentralize the recruitment of, civil servants in agencies, organizations and units under their respective management.

5. Agencies of the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations may recruit, and decentralize the recruitment of, civil servants in agencies, organizations and units under their respective management.

Article 40. Probation for civil servants

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 41. Recruitment and appointment of judges and procurators

The recruitment and appointment of judges of People’s Courts and procurators of People’s Procuracies comply with the law on organization of People’s Courts and the law on organization of People’s Procuracies.

Section 3. PROVISIONS ON RANKS OF CIVIL SERVANTS

Article 42. Civil servant ranks and rank appointment

1. Civil servant ranks include:

a/ Senior specialist and equivalent;

b/ Principal specialist and equivalent;

c/ Specialist and equivalent;

d/ Technician and equivalent;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Rank appointment must ensure the following conditions:

a/ Appointed persons meet all professional criteria of the rank;

b/ Rank appointment is decided by competent persons and ensure the civil servant structure of the agency, organization or unit.

3. Rank appointment shall be made in the following cases:

a/ The recruited person has completed the probation regime;

b/ The civil servant has passed a rank promotion examination;

c/ The civil servant is shifted to an equivalent rank.

Article 43. Shift of civil servant ranks

1. Rank shift means the appointment of a civil servant holding a rank in a profession to a rank of the same specialized or professional level of another profession.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. A civil servant who is assigned tasks irrelevant to the specialized or professional qualifications of the rank he/she is holding shall be shifted to a suitable rank.

4. No rank promotion and salary raise are allowed upon rank shift.

Article 44. Civil servant rank promotion

1. Rank promotion must be based on working positions, suitable to the civil servant structure of the agency, organization or unit concerned, and made through examination.

2. Civil servants who meet all criteria and conditions for assuming working positions of a higher rank may register for rank promotion examination.

3. Rank promotion examinations shall be organized on the principles of competitiveness, publicity, transparency, objectivity and legality.

Article 45. Criteria and conditions for registration for rank promotion examinations

1. When agencies, organizations and units need to employ civil servants in working positions of ranks for which examinations are organized, their civil servants may register for sitting such examinations.

2. Civil servants registering for rank promotion examinations must possess political qualities, ethnics and specialized or professional qualifications and capabilities meeting the requirements of ranks for which examinations are organized.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The contents and forms of civil servant rank promotion examinations must suit the specialized or professional levels of the ranks for which examinations are organized, ensuring the selection of civil servants with specialized or professional capabilities and qualifications relevant to the criteria for ranks for which examinations are organized and meeting task requirements.

2. The Ministry of Home Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies and organizations in, organizing civil servant rank promotion examinations.

3. The Government shall issue specific regulations on civil servant rank promotion examinations.

Section 4. TRAINING AND RETRAINING OF CIVIL SERVANTS

Article 47. Civil servant training and retraining regime

1. The contents, program, forms and durations of civil servant training and retraining must be based on criteria for leading and managerial titles and posts, criteria for civil servant ranks and suitable to task requirements.

2. Civil servant training and retraining include:

a/ Retraining based on civil servant rank criteria;

b/ Training and retraining according to leading and managerial titles.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 48. Responsibilities of agencies, organizations and units for civil servant training and retraining

1 Agencies, organizations and units managing civil servants shall formulate and publicize training and retraining plannings and plans to create sources and raise specialized or professional capabilities and qualifications for civil servants.

2. Agencies, organizations and units employing civil servants shall create conditions for civil servants to attend training and retraining to raise their specialized or professional capabilities and qualifications.

3. Civil servant training and retraining funds are covered by the state budget and other sources in accordance with law.

Article 49. Responsibilities and benefits of civil servants in training and retraining

1. Civil servants attending training and retraining shall strictly observe training and retraining regulations and submit to the management of training and retraining institutions.

2. Civil servants attending training and retraining are entitled to full salaries and allowances, with the training and retraining durations included in the continuous seniority period and considered for salary raise in accordance with law.

3. Civil servants with excellent performance in training or retraining courses are entitled to praise and reward.

4. Trained or retrained civil servants who give up or discontinue their jobs without permission shall refund training and retraining expenses in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 50. Transfer of civil servants

1. Transfer of civil servants must be based on task requirements and political qualities, ethics, and specialized or professional capabilities and qualifications of civil servants.

2. Transferred civil servants must meet specialized or professional requirements of new working positions.

Article 51. Appointment of civil servants to leading or managerial posts

1. The appointment of civil servants to leading or managerial posts must be based on:

a/ Needs and tasks of agencies, organizations or units:

b/ Criteria and conditions for leading or managerial posts.

The competence, order and procedures for appointing civil servants to leading or managerial posts comply with laws and regulations of competent agencies.

2. The term of appointment of civil servants to leading or managerial posts is 5 years; at the end of the term, competent agencies, organizations or units shall consider whether or not to appoint them.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 52. Rotation of civil servants

1. Based on task requirements and civil servant employment plannings and plans, leading or managerial civil servants may be rotated within the system of agencies of the Communist Parly of Vietnam, the State and socio-political organizations.

2. The Government shall issue specific-regulations on rotation of civil servants.

Article 53. Secondment of civil servants

1. Agencies, organizations or units managing civil servants may second civil servants to work in other agencies, organizations or units to meet task requirements.

2. The period of secondment is 3 years at most, except for a number of sectors and domains as stipulated by the Government.

3. Seconded civil servants shall obey work assignment by agencies, organizations or units they are seconded to.

4. Civil servants seconded to work in mountainous, border, island, deep-lying, remote, ethnic minority areas or areas with especially difficult socio-economic conditions are entitled to incentive policies as prescribed by law.

5. Agencies, organizations or units managing seconded civil servants shall arrange appropriate jobs for these civil servants at the end of the secondment period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 54. Resignation or relief of duty for civil servants

1. Leading or managerial civil servants may resign or be relieved of duty in the following cases:

a/ Being physically unfit;

b/ Having insufficient capability and prestige;

c/ Due to task requirements;

d/ Other reasons.

2. Leading or managerial civil servants who resign or are relieved of duty may be arranged jobs suitable to their trained specialized or professional qualifications, or retire or discontinue their jobs.

3. Leading or managerial civil servants who seek for permission to resign or be relieved of duty shall, pending the approval of competent authorities, continue performing their tasks and exercising their powers.

4. The competence, order and procedures for considering and deciding on resignation or relief of duty of leading or managerial civil servants comply with laws and regulations of competent agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 55. Purpose of civil servant evaluation

Civil servant evaluation aims to clearly determine the political qualities, ethics, specialized and professional capabilities and qualifications, and results of performance of assigned tasks. Evaluation results serve as a basis for arranging, employing, appointing, training, retraining, rewarding, disciplining and implementing policies towards civil servants.

Article 56. Contents of civil servant evaluation

1. Civil servants are evaluated based on the following:

a/ Observance of the line and policies of the Party and laws of the State;

b/ Political qualities, ethics, lifestyle and working style and manners;

c/ Specialized or professional capabilities and qualifications;

d/ Task performance progress and results;

e/ Sense of responsibility and collaboration in work;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In addition to the contents provided in Clause 1 of this Article, leading and managerial civil servants shall be evaluated based on:

a/ Results of operation of agencies, organizations or units they are assigned to lead and manage:

b/ Leading and managerial capabilities;

c/ Capability of mobilizing and uniting civil servants.

3. Civil servants are evaluated annually, before appointment, planning, transfer, training and retraining and at the end of the period of rotation or secondment.

4. The Government shall stipulate the order and procedures for civil servant evaluation.

Article 57. Civil servant evaluation responsibility

1. Heads of agencies, organizations or units employing civil servants shall evaluate civil servants under their management.

2. Heads of agencies, organizations and units shall be evaluated by heads of immediately superior agencies or organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. On the basis of evaluation results, civil servants are put into the following categories:

a/ Excellent accomplishment of tasks;

b/ Good accomplishment of tasks;

c/ Accomplishment of tasks with limited capability;

d/ Non-accomplishment of tasks.

2. Results of evaluation of civil servants shall be filed in civil servant records and notified to evaluated civil servants.

3. Civil servants who accomplish their tasks for 2 consecutives years with limited capability or who accomplish their tasks with limited capability in a year and fail to accomplish their tasks in the subsequent year may be assigned to other jobs by competent agencies.

Civil servants who fail to accomplish their tasks for 2 consecutive years will be disallowed to continue their work by competent agencies, organizations or units.

Section 7. JOB DISCONTINUATION AND RETIREMENT OF CIVIL SERVANTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Civil servants are entitled to the job discontinuation regime if falling into one of the following cases:

a/ Due to reorganization;

b/ They make a petition for job discontinuation, which is approved by competent authorities;

c/ As prescribed in Clause 3, Article 58 of this Law.

2. A civil servant who wishes to discontinue his/her job shall send a petition to a competent agency, organization or unit for consideration and decision. Within 30 days after receiving such petition, the competent agency, organization or unit shall issue a written reply: if disagreeing with the petition, it shall clearly state the reason; a civil servant who quits his/her job without the consent of the competent agency, organization or unit is not entitled to the job discontinuation regime and shall refund training and retraining expenses in accordance with law.

3. Job discontinuation is not allowed for civil servants who are being examined for disciplining or penal liability.

4. Job discontinuation is not allowed for female civil servants who arc pregnant or nursing under-36-month babies, except those so wishing.

Article 60. Retirement of civil servants

1. Civil servants may retire under the Labor Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter V

COMMUNE-LEVEL CADRES AND CIVIL SERVANTS

Article 61. Posts and titles of commune-level cadres and civil servants

1. Commune-level cadres and civil servants defined in Clause 3, Article 4 of this Law include commune-level cadres and commune-level civil servants.

2. Posts of commune-level cadres include:

a/ Party committee secretary and deputy secretary;

b/ People’s Council chairman and vice chairman;

c/ People’s Committee president and vice president;

d/ Vietnam Fatherland Front Committee president;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ Vietnam Women’s Union president;

g/ Vietnam Peasants Association president (applicable to communes, wards and townships with agricultural, forestry, fishery and salt-making activities and Vietnam Peasants Association chapter);

b/ Vietnam Veterans’ Association president

3. Posts of commune-level civil servants include:

a/ Chief police officer;

b/ Military chief commander;

c/ Administrative-statistics clerk;

d/ Land-construction-urban area and environment officer (for wards and townships) or land-agriculture-construction and environment officer (for communes):

e/ Financial controller-accountant:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



g/ Culture- social affairs officer.

Commune-level civil servants are managed by the district level.

4. Commune-level cadres and civil servants defined in Clauses 2 and 3 of this Article include also cadres and civil servants rotated, transferred or seconded to commune level.

5. On the basis of local socio-economic conditions, size and characteristics, the Government shall specify the numbers of commune-level cadres and civil servanis.

Article 62. Obligations and rights of commune-level cadres and civil servants

To perform obligations and exercise rights defined in this Law, other relevant laws and statutes of organizations of which they are members.

2. Incumbent commune-level cadres and civil servants are entitled to salary and insurance regimes; when ceasing to hold their posts, if meeting conditions and criteria as prescribed by law, they may be considered for being employed as civil servants, in this case, they are exempt from the probation regime and enjoy regimes and policies without interruption. If they are not employed as civil servants and not eligible for retirement, they may no longer receive salaries and shall pay voluntary insurance premiums under law; if they are transferred, rotated or seconded cadres or civil servants, competent agencies shall provide them with appropriate jobs or entitlements under law.

The Government shall specify this Clause.

Article 63. Election, recruitment, training and retraining of commune-level cadres and civil servants

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Commune-level civil servants shall be recruited through examination; for mountainous, border, island, deep-lying, remote and ethnic minority areas and areas with especially difficult socio-economic conditions, they may be recruited through selection.

District-level Peoples Committee presidents shall organize recruitment of commune-level civil servants under the Government’s regulations.

3. The training and retraining of commune-level cadres and civil servants must be based on criteria for each post and title, task requirements and in line with cadre and civil servant planning.

The training and retraining regime applicable to commune-level cadres and civil servants shall be prescribed by competent agencies of the Communist Party of Vietnam and the Government.

Funds for training and retraining cadres and civil servants shall be covered by the slate budget and other sources under law.

Article 64. Evaluation, categorization, request for job discontinuation, resignation, relief of duty, job discontinuation and retirement of commune-level cadres and civil servants

The evaluation, categorization, request for job discontinuation, resignation, relief of duty, job discontinuation and retirement of commune-level cadres and civil servants shall be conducted under relevant provisions of this Law applicable to cadres and civil servants, other relevant legal provisions and statutes.

Chapter VI

MANAGEMENT OF CADRES AND CIVIL SERVANTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Management of cadres and civil servants covers:

a/ Promulgating, and organizing the implementation of. legal documents on cadres and civil servants;

b/ Elaborating plannings and plans on cadres and civil servants:

c/ Prescribing tittles and structure of cadres;

d/ Prescribing ranks, titles and codes of civil servants; descriptions, working positions and structure of civil servants for determining payrolls;

e/ Other affairs related to the management of cadres and civil servants under this Law.

2. Competent agencies of the Communist Party of Vietnam, the Standing Committee of the National Assembly and the Government shall specify the contents of management of cadres and civil servants prescribed in this Article.

Article 66. Competence to decide on payrolls of cadres and civil servants

1. The competence to decide on cadre payrolls complies with laws and regulations of competent agencies of the Communist Party of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The President shall decide on the civil servant payroll of the Office of the President.

4. The Government shall decide on civil servant payrolls of ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, provincial-level agencies, and public non-business units of the State.

5. On the basis of decisions on payroll quotas assigned by the Government, provincial-level People’s Councils shall decide on civil servant payrolls of agencies of People’s Councils and People’s Committees, and public non-business units of People’s Committees at all levels.

6. Competent agencies of the Communist Party of Vietnam shall decide on civil servant payrolls of agencies and public non-business units of the Party and socio-political organizations.

Article 67. Management of cadres and civil servants

1. The management of cadres and civil servants complies with this Law, other relevant laws, the Statutes of the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations, and documents of competent agencies and organizations.

2. The Government performs the unified management of civil servants.

The Ministry of Home Affairs shall take responsibility to the Government for performing the state management of civil servants.

Ministries, ministerial-level agencies and provincial-level People’s Committees shall, within the scope of their tasks and powers, perform the state management of civil servants according to the Government’s assignment and decentralization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Competent agencies of the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations shall, within the scope of their tasks and powers, perform the state management of civil servants according to competent authorities decentralization and the Government’s regulations.

Article 68. Cadre and civil servant management reporting regime

1. Annually the Government shall report to the National Assembly on cadre and civil servant management.

2. The preparation of the Government’s reports on cadre and civil servant management is prescribed below:

a/ Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and provincial-level People’s Committees shall report on the management of cadres and civil servants under their respective management;

b/ The Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the State Audit, the Office of the National Assembly and the Office of the President shall report on the management of cadres and civil servants under their respective management;

c/ Competent agencies of the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations shall report on the management of cadres and civil servants under their respective management.

Reports mentioned at Points a, b and c of this Clause shall be sent to the Government before September 30 every year for sum-up and preparation of reports to the National Assembly.

3. The preparation of reports on the management of cadres in agencies of the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations complies with laws and regulations of competent agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 69. Management of cadre and civil servant records

1. Competent agencies, organizations and units shall manage records of cadres and civil servants under their management. Cadre and civil servant records must fully contain prescribed documents to accurately reflect the working process of cadres and civil servants.

2. Competent agencies of the Communist Party of Vietnam shall guide the compilation and management of records of cadres and civil servants under their respective management.

3. The Ministry of Home Affairs shall guide the compilation and management of cadre and civil servant records, except for the case mentioned in Clause 2 of this Article.

Chapter VII

CONDITIONS TO ASSURE PUBLIC-DUTY PERFORMANCE

Article 70. Public offices

1. Public offices are working offices of agencies of the Communist Party of Vietnam, the State, socio-political organizations and public non-business units, have own names and specific addresses, including construction works and other assets within the premises of working offices.

2. The State invests in building public offices for agencies of the Communist Party of Vietnam, the State and socio-political organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 71. Public-duty houses

1. The Stale invests in building public-duty houses for lease to cadres and civil servants during the period of transfer, rotation or secondment. At the end of this period, cadres and civil servants shall return public-duty houses to agencies, organizations and units managing these houses.

2. Agencies, organizations and units managing public-duty houses shall ensure the management and use of these houses for proper purposes and users.

Article 72. Working equipment in public-offices

1. The State ensures working equipment in public offices to serve public-duty performance: attaches importance to investing in and applying information technology to increase the effectiveness of public-duty performance.

2. On the basis of task requirements, agencies, organizations and units shall procure working equipment according to standards and norms for and regulations on management and use of state assets.

3. Heads of agencies, organizations and units shall formulate regulations on management of working equipment in public offices, ensuring efficiency and thrift.

Article 73. Vehicles for travel in public-duty performance

The State arranges vehicles for travel of cadres and civil servants to perform public duties in accordance with the law on management and use of state assets; if vehicles cannot be arranged, cadres and civil servants may be paid for travel expenses according to the Government’s regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



PUBLIC-DUTY INSPECTION

Article 74. Scope of public duty inspection

1. To inspect the performance of tasks and exercise of powers by cadres and civil servants in accordance with this Law and relevant regulations.

2. To inspect the recruitment, appointment, training, retraining, transfer, rotation, secondment, relief of duty, evaluation, job discontinuation, retirement, rewarding and disciplining of cadres and civil servants, ethics and communication culture in public-duty performance of civil servants, and conditions to assure public-duty performance.

Article 75. Public duty inspection

1. The inspectorates of ministries and provincial-level services, provincial-level and district-level inspectorates shall, within the ambit of their tasks and powers, inspect the performance of tasks and exercise of powers by cadres and civil servants.

2. The inspectorates of the Ministry of Home Affairs and provincial-level Services of Home Affairs shall conduct specialized inspection within the scope defined in Clause 2, Article 74 of this Law.

3. The Government shall issue specific regulations on public-duty inspection.

Chapter IX

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 76. Commendation of cadres and civil servants

1. Cadres and civil servants with outstanding public duty performance may be commended in accordance with the law on emulation and commendation.

2. Cadres and civil servants who are commended for excellent achievements or merits are entitled to salary raise ahead of time and priority appointment to higher posts if so needed by agencies, organizations or units.

The Government shall specify this Clause.

Article 77. Relief of cadres and civil servants from responsibility

Cadres and civil servants are relieved from responsibility in the following cases:

1. Having to implement illegal decisions of superiors after reporting to decision issuers;

2. In force majeure circumstances as prescribed by law.

Article 78. Forms of disciplining cadres

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Reprimand;

b/ Caution;

cl Demotion;

d/ Removal from office.

2. Demotion is applicable only to cadres approved to hold posts according to term of office.

3. Cadres who commit a criminal offense, are convicted by a court and their sentences or rulings have taken effect will be automatically disallowed to continue their elected, approved or appointed posts; if they are subjected to an imprisonment sentence which is not suspended, they will be automatically sacked.

4. The application of disciplinary forms to. and the competence, order and procedures for disciplining cadres comply with legal provisions, the statutes of the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations, and documents of competent agencies and organizations.

Article 79. Forms of disciplining civil servants

1. Civil servants who violate this Law or other relevant laws are, depending on the nature and seriousness of violation, subject to one of the following disciplinary forms:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Caution;

cl Salary reduction;

d/ Demotion;

e/ Removal from office:

e/ Sack.

2. Demotion and removal from office are applicable only to civil servants holding leading or managerial posts.

3. Civil servants who arc subject to an imprisonment sentence which is not suspended will be automatically sacked on the date their sentences or rulings take effect: leading or managerial civil servants who are convicted by a court and their sentences or rulings have taken effect will automatically be removed from their appointed posts.

4. The Government shall stipulate the application of disciplinary forms, and the order, procedures and competence to discipline civil servants.

Article 80. Statute of limitations and lime limits for disciplining

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The statute of limitations for disciplining is 24 months, counting from the date of committing a violation.

2. The time limit for disciplining a cadre or civil servant is a period from the time of delecting a cadre or civil servant’s breach of discipline to the time of issuance by a competent agency or organization of disciplining decision.

The time limit for disciplining is 2 months; if a case involves complicated circumstances which need further verification, this time limit may be prolonged but must not exceed 4 months.

3. For an individual against whom a criminal case was instituted or who was prosecuted or decided to be brought to trial according to criminal procedures but then his/her investigation or trial is terminated under a decision, if his/her act of violation shows signs of breach of discipline, he/she shall be disciplined within 3 days after the date the investigation or trial termination decision is issued. The decision issuer shall send the decision and the case file to the competent agency, organization or unit for disciplining.

Article 81. Suspension of cadres and civil servants from working

1. While considering disciplining a cadre or civil servant, the agency, organization or unit managing him/her may issue a decision to suspend his/her work if il deems that his/her continued work may cause difficulties to the handling of his/her violation. The time limit for such suspension is 15 days and may be extended in special cases but not for another 15 days. If a cadre or civil servant is seized or detained to serve investigation, prosecution or trial activities, the period of seizure or detention is regarded as a time of justified leave; past this time limit if the cadre or civil servant faces no discipline, he/she may resume his/her work.

2. During the time of work suspension or seizure or detention to serve investigation, prosecution or trial activities, a cadre or civil servant may still receive salaries under the (iovernment’s regulations.

Article 82. Other provisions concerning disciplined cadres and civil servants

1. For cadres or civil servants who are reprimanded or cautioned, their salary raise period will be prolonged for 6 months from the date their disciplining decisions take effect; if being demoted or removed from office, their salary raise period will be prolonged for 12 months from the date their disciplining decisions take effect.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Cadres and civil servants who are being examined for disciplining, investigated, prosecuted or tried may not stand as candidates, be nominated, appointed, transferred, rotated, seconded, trained or retrained, sit rank promotion examinations, retire or give up their jobs.

4. Cadres and civil servants who are removed from office due to corruption may not be appointed to leading or managerial posts.

Article 83. Management of commendation and disciplining records of cadres and civil servants

The commendation and disciplining of cadres and civil servants shall be filed in their records.

Chapter X

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 84. Application of the Law on Cadres and Civil Servants to other subjects

1. Competent agencies of the Communist Parly of Vietnam, the Standing Committee of the National Assembly and the Government shall specify the application of this Law to elected persons who are other than those defined in Clause 1. Article 4 of this Law; and the allowance regime for retired persons who are elected to hold cadre posts or titles.

2. Competent agencies of the Communist Party of Vietnam and the Government shall specify the application of the Law on Cadres and Civil Servants to those who are transferred and assigned by the Party or the State and those who are recruited and appointed according to assigned payroll quotas to work in socio-politico-professional organizations, social organizations and socio-professional organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The Government shall prescribe the frame quantities, regimes and policies towards commune-level persons working on a part-time basis.

Article 85. Transitional provisions applicable to persons working in public non-business units

Current legal provisions concerning those working in public nun business units other than cadres and civil servants defined in this Law continue to apply pending the promulgation of the Law on Public Employees.

Article 86. Effect

1. This Law takes effect on January 1, 2010.

2. The February 26. 1998 Ordinance on Cadres and Civil Servants; the April 28, 2000 Ordinance Amending and Supplementing a Number of Articles of the Ordinance on Cadres and Civil Servants; and the April 29, 2003 Ordinance Amending and Supplementing a Number of Articles of the Ordinance on Cadres and Civil Servants cease to be effective on the effective date of this Law.

Article 87. Implementation detailing and guidance

The Standing Committee of the National Assembly, the Government and other competent agencies shall detail and guide articles and clauses of this Law as assigned; and guide other necessary provisions of this Law to meet state management requirements.

This Law was passed on November 13, 2008, by the XIIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 4th session.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Phu Trong

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật cán bộ, công chức 2008

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


850.731

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.157.231
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!