Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Tổ chức Quốc hội 2014 số 57/2014/QH13 áp dụng 2024

Số hiệu: 57/2014/QH13 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 20/11/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thủ tục giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh

Luật Tổ chức Quốc hội 2014 đã dành riêng một điều (Điều 49) để quy định về thủ tục giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

Theo đó, tùy vào tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giao cho các cơ quan sau xây dựng dự thảo Nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh trình UBTVQH xem xét, quyết định:

- Chính phủ

- Tòa án nhân dân tối cao

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- Hội đồng dân tộc

- Ủy ban của Quốc hội.

Đồng thời, dự thảo Nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh phải được Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra về sự phù hợp.

Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 57/2014/QH13

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2014

LUẬT

TỔ CHỨC QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật tổ chức Quốc hội.

Chương I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA QUỐC HỘI

Điều 1. Vị trí, chức năng của Quốc hội

1. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Điều 2. Nhiệm kỳ Quốc hội

1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.

2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.

3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.

Điều 3. Nguyên tắc và hiệu quả hoạt động của Quốc hội

1. Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.

2. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và hiệu quả của sự phối hợp hoạt động với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác.

Điều 4. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp

1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc làm Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp.

Quốc hội quyết định làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp.

4. Hiến pháp được Quốc hội thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.

Điều 5. Làm luật và sửa đổi luật

1. Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Các dự án luật trước khi trình Quốc hội phải được Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

3. Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua dự án luật tại một hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội căn cứ vào nội dung của dự án luật.

Điều 6. Giám sát tối cao của Quốc hội

1. Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.

2. Quốc hội giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

Điều 7. Quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội

1. Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hng năm của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

2. Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

3. Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước.

Điều 8. Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước

1. Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước.

2. Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

3. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

5. Quốc hội bầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước.

6. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

7. Ngoài những người do cơ quan hoặc người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người ứng cử để bầu vào chức danh quy định tại Điều này trong trường hợp đại biểu Quốc hội ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử.

8. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Điều 9. Phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước

1. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.

2. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh theo đề nghị của Chủ tịch nước.

4. Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Điều 10. Việc từ chức của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

1. Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.

2. Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Điều 11. Miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật này theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó.

Điều 12. Lấy phiếu tín nhiệm

1. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

b) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

c) Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

2. Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội quy định.

Điều 13. Bỏ phiếu tín nhiệm

1. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp sau đây:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị;

b) Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội;

c) Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

d) Người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Điều 12 của Luật này mà có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp.

2. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội tín nhiệm.

Điều 14. Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính

1. Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo đề nghị của Chính phủ.

2. Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật.

Điều 15. Bãi bỏ văn bản trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội

1. Quốc hội bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan khác do Quốc hội thành lập trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Quốc hội bãi bỏ văn bản của Ủy ban thường vụ Quốc hội trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Điều 16. Quyết định đại xá

Quốc hội quyết định đại xá theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Điều 17. Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình

1. Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh hoặc bãi bỏ tình trạng chiến tranh theo đề nghị của Hội đồng quốc phòng và an ninh.

2. Trường hợp có chiến tranh, Quốc hội quyết định giao cho Hội đồng quốc phòng và an ninh những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt.

3. Quốc hội quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia.

Điều 18. Phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế

Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Điều 19. Trưng cầu ý dân

1. Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.

2. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân.

Điều 20. Xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị và việc giải quyết kiến nghị của cử tri cả nước

1. Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước do Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội trình.

2. Quốc hội xem xét báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình.

3. Khi cần thiết, Quốc hội ra nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

4. Các cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội kết quả giải quyết.

Chương II

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Điều 21. Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội

1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

2. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

3. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.

Điều 22. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Điều 23. Số lượng đại biểu Quốc hội

1. Tổng số đại biểu Quốc hội không quá năm trăm người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách.

2. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là ba mươi lăm phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội.

Điều 24. Thời gian hoạt động của đại biểu Quốc hội

1. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.

2. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc có trách nhiệm sắp xếp thời gian, công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu.

Điều 25. Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội

Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội được bầu bổ sung bắt đầu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau.

Điều 26. Trách nhiệm tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội

1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

2. Đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự các phiên họp, tham gia các hoạt động khác của Hội đồng, Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban mà mình là thành viên.

3. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập.

Điều 27. Trách nhiệm với cử tri

1. Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.

2. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và Quốc hội; cử tri hoặc đại diện cử tri ở đơn vị bầu cử có thể góp ý kiến với đại biểu Quốc hội tại hội nghị cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương tổ chức trong trường hợp cần thiết.

Điều 28. Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân

1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật.

2. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.

Điều 29. Quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh

1. Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.

2. Đại biểu Quốc hội được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Quyền tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

1. Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.

Căn cứ vào năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác, đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở đăng ký của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội lập danh sách thành viên Hội đồng, Ủy ban trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

2. Đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền đăng ký tham dự phiên họp do Hội đồng, Ủy ban tổ chức để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm.

Điều 31. Quyền ứng cử, giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu

1. Đại biểu Quốc hội có quyền ứng cử hoặc giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu quy định tại Điều 8 của Luật này.

2. Người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách những người ứng cử.

Điều 32. Quyền chất vấn

1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

2. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.

3. Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại tại phiên họp của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn.

Điều 33. Quyền kiến nghị của đại biểu Quốc hội

1. Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp kín của Quốc hội và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội thấy cần thiết.

2. Kiến nghị của đại biểu Quốc hội được gửi bằng văn bản đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó nêu rõ lý do, nội dung kiến nghị.

Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp, xử lý các kiến nghị của đại biểu Quốc hội theo thẩm quyền và báo cáo Quốc hội trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trong các trường hợp khác mà Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy cần thiết.

3. Trường hợp có từ một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội, quyết định họp bất thường, họp kín hoặc có từ hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với một người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo để Quốc hội xem xét, quyết định.

4. Số lượng kiến nghị cần thiết quy định tại khoản 3 Điều này là tổng số kiến nghị mà Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp nhận được trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp này đến trước ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo hoặc đến trước ngày tiến hành phiên họp của Quốc hội về nội dung có liên quan trong trường hợp đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội tổ chức phiên họp kín.

5. Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Điều 34. Quyền yêu cầu khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật

1. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu Quốc hội biết. Quá thời hạn này mà cơ quan, tổ chức không trả lời thì đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người đứng đầu của cơ quan, tổ chức cấp trên xem xét, giải quyết.

Điều 35. Quyền yêu cầu cung cấp thông tin

1. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân

1. Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp nơi mình được bầu, có quyền tham gia ý kiến vào các vấn đề quản lý nhà nước, vấn đề liên quan đến đời sống của Nhân dân và các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm.

2. Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp thông báo cho đại biểu Quốc hội ứng cử tại địa phương biết thời gian, nội dung, chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp mình, mời đại biểu Quốc hội đến dự và cung cấp tài liệu cần thiết.

Điều 37. Quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội

1. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trường hợp đại biểu Quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý.

Điều 38. Việc chuyển công tác, xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

1. Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác.

2. Đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định; trong thời gian Quốc hội không họp thì do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

3. Đại biểu Quốc hội thôi làm nhiệm vụ đại biểu kể từ ngày Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu.

Điều 39. Việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền đại biểu Quốc hội

1. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.

Đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

2. Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật.

Điều 40. Việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội

1. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

3. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Điều 41. Phụ cấp và các chế độ khác của đại biểu Quốc hội

1. Phụ cấp và các chế độ khác của đại biểu Quốc hội chuyên trách, phụ cấp của đại biểu Quốc hội không hưởng lương từ ngân sách nhà nước do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

2. Đại biểu Quốc hội được cấp hoạt động phí hằng tháng, kinh phí để thực hiện chế độ thuê khoán chuyên gia, thư ký giúp việc và các hoạt động khác để phục vụ cho hoạt động của đại biểu theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 42. Điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội

1. Thời gian đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được tính vào thời gian công tác liên tục. Khi đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thôi làm nhiệm vụ đại biểu thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí công tác cho đại biểu Quốc hội.

Thời gian làm việc trong năm mà đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này được tính vào thời gian làm việc của đại biểu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đại biểu làm việc.

2. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được bố trí nơi làm việc, trang bị các phương tiện vật chất, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho hoạt động của đại biểu.

3. Đại biểu Quốc hội được ưu tiên trong việc mua vé tàu hỏa, ô tô, tàu thủy, máy bay; được ưu tiên khi qua cầu, phà. Trong trường hợp ốm đau, đại biểu Quốc hội không thuộc diện cán bộ trung cấp, cao cấp thì được khám và chữa bệnh theo tiêu chuẩn quy định đối với cán bộ trung cấp. Đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội không phải là cán bộ, công chức, viên chức khi qua đời được hưởng chế độ về tổ chức lễ tang như đối với cán bộ, công chức.

Điều 43. Đoàn đại biểu Quốc hội

1. Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc được chuyển đến công tác tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức để các đại biểu Quốc hội tiếp công dân; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tổ chức, bảo đảm các điều kiện để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri với các hình thức phù hợp;

b) Tổ chức để các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

c) Tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp thông tin, báo cáo về những vấn đề mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm;

d) Báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội;

đ) Quản lý, chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.

3. Đoàn đại biểu Quốc hội có Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn do Đoàn đại biểu Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội của Đoàn và được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức và điều hành các hoạt động của Đoàn.

Phó Trưởng đoàn giúp Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn. Khi Trưởng đoàn vắng mặt thì Phó Trưởng đoàn được Trưởng đoàn ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn.

4. Đoàn đại biểu Quốc hội có trụ sở làm việc. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Chương III

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Điều 44. Vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức của Ủy ban thường vụ Quốc hội

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch. Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không đồng thời là thành viên Chính phủ. Số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định.

3. Nhiệm kỳ của Ủy ban thường vụ Quốc hội bắt đầu từ khi được Quốc hội bầu ra và kết thúc khi Quốc hội khóa mới bầu ra Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 45. Trách nhiệm của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội

1. Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về những vấn đề được Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công; tham gia các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Trong trường hợp được sự ủy nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với bộ, ngành, cơ quan, tổ chức khác và báo cáo kết quả làm việc với Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 46. Phối hợp công tác giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân

1. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp công tác với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; yêu cầu đại diện các cơ quan, tổ chức khác và công dân tham gia khi cần thiết.

2. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 47. Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị, triệu tập và chủ trì kỳ họp Quốc hội

1. Dự kiến chương trình kỳ họp; quyết định triệu tập kỳ họp Quốc hội.

2. Chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp; xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo và các dự án khác trình Quốc hội; xem xét báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội; dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

3. Tổ chức và bảo đảm việc thực hiện chương trình kỳ họp Quốc hội, đề nghị Quốc hội điều chỉnh chương trình khi cần thiết.

4. Tổ chức để Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, dự thảo nghị quyết và những nội dung khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

5. Phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước; đề xuất các vấn đề trình Quốc hội thảo luận, ra nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

6. Quyết định các vấn đề khác liên quan đến kỳ họp Quốc hội.

Điều 48. Xây dựng luật, pháp lệnh

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội lập dự án về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội quyết định; chỉ đạo việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; thành lập Ban soạn thảo, phân công cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật; cho ý kiến về các dự án luật trước khi trình Quốc hội; chỉ đạo việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình Quốc hội xem xét, thông qua.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao.

Dự án pháp lệnh phải được Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định gửi dự án pháp lệnh lấy ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi thông qua.

Điều 49. Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc kiến nghị của đại biểu Quốc hội quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

2. Tùy theo tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xây dựng dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

3. Dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh phải được Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh với tinh thần và nội dung quy định được giải thích của Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

Điều 50. Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, điều chỉnh chương trình giám sát của Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

Điều 51. Đình chỉ, bãi bỏ văn bản của cơ quan nhà nước ở trung ương

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đình chỉ hoặc theo đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan khác do Quốc hội thành lập trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ hoặc theo đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan khác do Quốc hội thành lập trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 52. Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội

1. Phân công Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và các báo cáo, dự án khác, trừ trường hợp do Quốc hội quyết định; phân công Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội và những nội dung khác theo yêu cầu của Quốc hội; giao Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giám sát một số vấn đề trong chương trình giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Yêu cầu Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội định kỳ báo cáo về chương trình, kế hoạch hoạt động và việc thực hiện các chương trình, kế hoạch của Hội đồng, Ủy ban.

3. Điều phối các hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội diễn ra tại cùng một địa bàn hoặc đối với cùng một cơ quan, tổ chức.

4. Xem xét và trả lời kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

5. Khi cần thiết, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội về các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Điều 53. Trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước

1. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội.

2. Quyết định số Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc, số Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc, phê chuẩn việc cho thôi làm thành viên Hội đồng theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc; phê chuẩn danh sách Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban, phê chuẩn việc cho thôi làm thành viên Ủy ban theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

3. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

5. Phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 54. Trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội

1. Hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

2. Tiếp nhận chất vấn của đại biểu Quốc hội để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn, hình thức trả lời chất vấn; tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội xem xét kiến nghị của đại biểu Quốc hội quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này; xem xét, trả lời kiến nghị khác của đại biểu Quốc hội; khi cần thiết, cử đoàn giám sát, đoàn công tác về địa phương xem xét các vấn đề mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị.

3. Quy định hoạt động phí, các khoản phụ cấp, các chế độ khác và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội; quyết định phân bổ kinh phí hoạt động cho các Đoàn đại biểu Quốc hội.

4. Xem xét đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, người trúng cử đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp; quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can; báo cáo với Quốc hội về việc đại biểu Quốc hội mất quyền đại biểu.

5. Xem xét, quyết định việc chuyển đại biểu Quốc hội đến sinh hoạt tại Đoàn đại biểu Quốc hội khác trong trường hợp đại biểu chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương. Xem xét đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội công tác về việc bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải đại biểu Quốc hội.

6. Quyết định việc đưa ra để Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định việc chấp nhận đại biểu Quốc hội thôi làm nhiệm vụ đại biểu trong thời gian Quốc hội không họp và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Điều 55. Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân

1. Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân.

2. Quyết định bãi bỏ hoặc theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

3. Quyết định giải tán hoặc theo đề nghị của Chính phủ quyết định giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân.

Điều 56. Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đề nghị của Chính phủ.

2. Đề án về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được Ủy ban của Quốc hội thẩm tra trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 57. Quyết định tình trạng chiến tranh, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp

1. Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh theo đề nghị của Hội đồng quốc phòng và an ninh và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ theo đề nghị của Hội đồng quốc phòng và an ninh hoặc của Thủ tướng Chính phủ.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của Nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Khi không còn tình trạng khẩn cấp, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 58. Trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội

1. Báo cáo Quốc hội những vấn đề thuộc chính sách đối ngoại của Nhà nước liên quan đến quan hệ với Quốc hội các nước, với các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực, với các tổ chức quốc tế khác. Trong thời gian Quốc hội không họp, xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại; cho ý kiến về những vấn đề thuộc chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước trước khi trình Quốc hội.

2. Quyết định đăng cai tổ chức hội nghị của các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực tại Việt Nam.

3. Quyết định việc thành lập, quy định tổ chức và hoạt động của tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam.

4. Thông qua chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hằng năm của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

5. Xem xét, đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hằng năm của Quốc hội; xem xét báo cáo kết quả chuyến thăm, làm việc của đoàn Quốc hội tại nước ngoài và đoàn Quốc hội nước ngoài, tổ chức quốc tế đến thăm, làm việc với Quốc hội Việt Nam; xem xét báo cáo kết quả các hội nghị quốc tế do Quốc hội đăng cai tổ chức.

Điều 59. Tổ chức trưng cầu ý dân

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về hình thức phiếu trưng cầu, trình tự bỏ phiếu và kiểm phiếu; quyết định thời gian cụ thể trưng cầu ý dân, nội dung ghi trên phiếu trưng cầu ý dân căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về việc trưng cầu ý dân; kiểm tra, giám sát việc trưng cầu ý dân.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm công bố kết quả trưng cầu ý dân với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Điều 60. Phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tham dự.

2. Chủ tịch Quốc hội chủ tọa phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.

3. Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp, trường hợp không thể tham dự phiên họp thì phải báo cáo lý do để Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.

4. Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội được mời tham dự các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được mời tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội bàn về những nội dung thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.

5. Đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan được mời tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội khi bàn về những nội dung có liên quan.

Điều 61. Thời gian tiến hành phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội họp thường kỳ mỗi tháng một phiên.

2. Khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc khi có đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hay của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 62. Dự kiến chương trình và quyết định triệu tập phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội

1. Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo việc chuẩn bị phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự kiến chương trình, quyết định thời gian họp và các biện pháp bảo đảm. Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị những nội dung được Chủ tịch Quốc hội phân công.

2. Theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, căn cứ vào chương trình công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và tình hình, tiến độ chuẩn bị các nội dung dự kiến trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chuẩn bị dự kiến chương trình phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp. Dự kiến chương trình phiên họp phải được gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.

3. Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội gửi dự kiến chương trình phiên họp đã được Chủ tịch Quốc hội quyết định đến cơ quan, tổ chức có nội dung trình Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp; gửi dự kiến chương trình phiên họp cùng với quyết định triệu tập phiên họp đến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 07 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp.

4. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm chuẩn bị, thẩm tra các dự án, báo cáo thuộc nội dung chương trình phiên họp theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

Điều 63. Tài liệu phục vụ phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ xem xét những vấn đề trong chương trình phiên họp khi có đầy đủ các văn bản cần thiết.

2. Các tài liệu phục vụ phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được gửi đến các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 05 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp. Trong trường hợp phiên họp được triệu tập theo quy định tại khoản 2 Điều 61 của Luật này thì tài liệu phải được gửi đến các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 02 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp.

Điều 64. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội

1. Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thi hành các quy định về hoạt động của đại biểu Quốc hội, các quy định về kỳ họp Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

2. Lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Chủ tọa hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức.

4. Triệu tập và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội bàn chương trình hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tham dự phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi cần thiết.

5. Giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.

6. Chỉ đạo việc thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội.

7. Chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội; thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội; lãnh đạo hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam trong các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực.

Điều 65. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó Chủ tịch Quốc hội

Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch. Khi Chủ tịch Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ tịch Quốc hội được Chủ tịch uỷ nhiệm thay mặt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội.

Chương IV

HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI

Điều 66. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Các Ủy ban của Quốc hội gồm:

a) Ủy ban pháp luật;

b) Ủy ban tư pháp;

c) Ủy ban kinh tế;

d) Ủy ban tài chính, ngân sách;

đ) Ủy ban quốc phòng và an ninh;

e) Ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;

g) Ủy ban về các vấn đề xã hội;

h) Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường;

i) Ủy ban đối ngoại.

3. Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật này.

Điều 67. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

1. Hội đồng dân tộc gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác. Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác.

2. Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu. Các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

3. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội giúp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giải quyết các công việc thường xuyên của Hội đồng, Ủy ban trong thời gian Hội đồng, Ủy ban không họp.

Thường trực Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên thường trực. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên thường trực.

4. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thành lập các tiểu ban để nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội đồng, Ủy ban. Trưởng tiểu ban phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban, các thành viên khác có thể không phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban hoặc không phải là đại biểu Quốc hội.

Điều 68. Nguyên tắc làm việc, nhiệm kỳ và trách nhiệm báo cáo của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

2. Nhiệm kỳ của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo nhiệm kỳ Quốc hội.

3. Tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gửi báo cáo công tác của mình đến đại biểu Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp cuối của mỗi khóa Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gửi báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ của mình đến đại biểu Quốc hội.

Điều 69. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về chính sách dân tộc; thẩm tra các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Tham gia ý kiến về việc ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ.

3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực dân tộc; giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

4. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan đến công tác dân tộc.

5. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Hội đồng dân tộc phụ trách.

6. Kiến nghị các vấn đề về chính sách dân tộc của Nhà nước, các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và về những vấn đề khác có liên quan đến công tác dân tộc.

Điều 70. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban pháp luật

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; thẩm tra các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; thẩm tra đề nghị của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về luật, pháp lệnh; giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

2. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua; thẩm tra kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc của đại biểu Quốc hội về văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp.

3. Chủ trì thẩm tra đề án về thành lập, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác do Quốc hội thành lập; thẩm tra đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

4. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

6. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các biện pháp cần thiết nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Điều 71. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban tư pháp

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.

3. Thẩm tra đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị của Chủ tịch nước về việc đại xá.

4. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

5. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

6. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khác, các vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng.

Điều 72. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kinh tế

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Chủ trì thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội; thẩm tra chính sách cơ bản về tiền tệ quốc gia.

3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh; chủ trì giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện chính sách kinh tế.

4. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

6. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh.

Điều 73. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban tài chính, ngân sách

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Thẩm tra chính sách cơ bản về tài chính quốc gia, việc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; chủ trì thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và tổng quyết toán ngân sách nhà nước.

3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và việc thực hiện chính sách tài chính, ngân sách.

4. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

6. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước.

Điều 74. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quốc phòng và an ninh

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

3. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

4. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Điều 75. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách về văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tôn giáo, du lịch, thể thao trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; giám sát việc thực hiện chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

3. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

4. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và về phát triển văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Điều 76. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban về các vấn đề xã hội

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách về lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

4. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

6. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các chính sách, biện pháp để giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội.

Điều 77. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách phát triển khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

4. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về phát triển khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Điều 78. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban đối ngoại

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực đối ngoại của Nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Chủ trì thẩm tra điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của Quốc hội; thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại; thẩm tra đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực đối ngoại; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước; giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; giám sát hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại của các ngành và địa phương; giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.

4. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Thực hiện quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội.

6. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về chính sách đối ngoại của Nhà nước, về quan hệ với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực, các tổ chức quốc tế khác, về việc ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, về chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 79. Trách nhiệm tham gia thẩm tra và phối hợp giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

1. Tham gia với Ủy ban kinh tế thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội;

2. Tham gia với Ủy ban tài chính, ngân sách thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và tổng quyết toán ngân sách nhà nước;

3. Tham gia với Ủy ban pháp luật thẩm tra đề nghị của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về luật, pháp lệnh; đề án về thành lập, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác do Quốc hội thành lập; báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;

4. Tham gia với Ủy ban tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng;

5. Phối hợp với Ủy ban đối ngoại thực hiện quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội đồng, Ủy ban mình; tham gia với Ủy ban đối ngoại thẩm tra điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của Quốc hội; tham gia với Ủy ban đối ngoại triển khai công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội;

6. Giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.

Điều 80. Trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong việc bảo vệ Hiến pháp

1. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phát hiện văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp và kiến nghị cơ quan đã ban hành văn bản thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản đó; trường hợp cơ quan đã ban hành văn bản không thực hiện kiến nghị thì Hội đồng, Ủy ban có quyền kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

2. Ủy ban pháp luật có trách nhiệm thẩm tra kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc của đại biểu Quốc hội về văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Điều 81. Yêu cầu báo cáo, cung cấp tài liệu, cử thành viên đến xem xét, xác minh

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, cung cấp tài liệu về vấn đề cần thiết thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

2. Khi cần thiết, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội cử thành viên của mình đến cơ quan, tổ chức hữu quan để xem xét, xác minh về vấn đề mà Hội đồng, Ủy ban quan tâm. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để thành viên của Hội đồng, Ủy ban thực hiện nhiệm vụ.

Điều 82. Giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan giải trình về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách.

2. Người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm báo cáo, giải trình tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

3. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải kết luận về vấn đề được giải trình. Kết luận của Hội đồng, Ủy ban được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Điều 83. Phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức ở địa phương

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giữ liên hệ với Hội đồng nhân dân và các ban tương ứng của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Khi tiến hành các hoạt động tại địa phương, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thông báo cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương biết để phối hợp hoạt động.

3. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia các hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại địa phương khi được yêu cầu.

Điều 84. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện quan hệ đối ngoại với cơ quan hữu quan của Quốc hội các nước, cơ quan hữu quan khác của nước ngoài, tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế theo chính sách đối ngoại của Nhà nước.

2. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đề xuất, dự kiến chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hằng năm của Hội đồng, Ủy ban. Ủy ban đối ngoại thẩm tra dự kiến chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hằng năm của Hội đồng, Ủy ban trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

3. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hằng năm, Ủy ban đối ngoại phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Điều 85. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội

1. Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

b) Điều hành công việc của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

c) Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban mà mình làm Chủ tịch, Chủ nhiệm;

d) Giữ liên hệ thường xuyên với các thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

đ) Được tham dự các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự các phiên họp Chính phủ bàn việc thực hiện chính sách dân tộc;

e) Thay mặt Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giữ liên hệ với các cơ quan, tổ chức hữu quan;

g) Thực hiện nhiệm vụ khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc giúp Chủ tịch Hội đồng dân tộc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng. Khi Chủ tịch Hội đồng dân tộc vắng mặt thì một Phó Chủ tịch được Chủ tịch Hội đồng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội giúp Chủ nhiệm Ủy ban thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ nhiệm Ủy ban. Khi Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ nhiệm được Chủ nhiệm Ủy ban ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ nhiệm.

Điều 86. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội

1. Dự kiến chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trình Hội đồng, Ủy ban xem xét, quyết định.

2. Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động và quyết định, kết luận của Hội đồng, Ủy ban.

3. Chuẩn bị nội dung và tài liệu phục vụ hoạt động của Hội đồng, Ủy ban; cung cấp thông tin, tư liệu cần thiết cho các thành viên của Hội đồng, Ủy ban; căn cứ vào kết quả phiên họp của Hội đồng, Ủy ban, chuẩn bị báo cáo thẩm tra, các báo cáo khác của Hội đồng, Ủy ban trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Thẩm tra sơ bộ dự án luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo, dự án khác để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội.

5. Chuẩn bị ý kiến về những nội dung trong chương trình phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội khi được mời tham dự; tham gia các hoạt động của Hội đồng, Ủy ban khác và của các cơ quan, tổ chức hữu quan; tổ chức các đoàn giám sát, đoàn công tác của Hội đồng, Ủy ban; tiếp công dân, nghiên cứu và xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được gửi đến Hội đồng, Ủy ban.

6. Tổ chức thực hiện sự chỉ đạo, điều hoà, phối hợp của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng, Ủy ban; định kỳ báo cáo với Hội đồng, Ủy ban về hoạt động của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban.

7. Phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong việc quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của đơn vị chuyên môn trực tiếp giúp việc Hội đồng, Ủy ban.

8. Phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật công chức và thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức thuộc đơn vị chuyên môn trực tiếp giúp việc Hội đồng, Ủy ban.

9. Chỉ đạo công tác chuyên môn của đơn vị chuyên môn trực tiếp giúp việc Hội đồng, Ủy ban; quyết định việc sử dụng kinh phí mà Hội đồng, Ủy ban được phân bổ.

10. Trước khi hết nhiệm kỳ, dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng thành viên Hội đồng, Ủy ban nhiệm kỳ sau và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

11. Giải quyết các công việc khác của Hội đồng, Ủy ban và báo cáo Hội đồng, Ủy ban tại phiên họp gần nhất.

Điều 87. Phiên họp toàn thể của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, báo cáo, dự án khác trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; xem xét, quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Ủy ban.

2. Thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự phiên họp của Hội đồng, Ủy ban theo giấy triệu tập của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề xem xét tại phiên họp; trường hợp không tham dự phiên họp thì phải báo cáo lý do với Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban.

3. Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội có quyền tham dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên họp của Hội đồng, Ủy ban.

4. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thể mời đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban mình, đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan và chuyên gia tham gia hoạt động của Hội đồng, Ủy ban. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện cho người được mời tham gia hoạt động của Hội đồng, Ủy ban.

5. Khi Hội đồng dân tộc họp bàn về chính sách dân tộc, Chủ tịch Hội đồng dân tộc mời đại diện của các dân tộc chưa có người đại diện trong Quốc hội là đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự.

Điều 88. Thành lập Ủy ban lâm thời

1. Ủy ban lâm thời được Quốc hội thành lập trong các trường hợp sau đây:

a) Thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc báo cáo, dự án khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội hoặc có nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc và nhiều Ủy ban của Quốc hội;

b) Điều tra làm rõ về một vấn đề cụ thể khi xét thấy cần thiết.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập Ủy ban lâm thời theo đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.

Điều 89. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban lâm thời

1. Ủy ban lâm thời gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên. Thành viên của Ủy ban lâm thời là đại biểu Quốc hội. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy ban lâm thời do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Ủy ban lâm thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Quốc hội giao. Báo cáo kết quả điều tra của Ủy ban lâm thời phải được Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra. Quốc hội xem xét và ra nghị quyết về kết quả điều tra của Ủy ban lâm thời.

3. Ủy ban lâm thời chấm dứt hoạt động sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Chương V

KỲ HỌP QUỐC HỘI

Điều 90. Kỳ họp Quốc hội

1. Quốc hội họp công khai.

Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín.

2. Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ.

Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.

3. Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp Quốc hội theo thủ tục quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 91. Chương trình kỳ họp Quốc hội

1. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá trước dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới.

2. Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 04 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp bất thường.

3. Quốc hội quyết định chương trình kỳ họp Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp.

Điều 92. Triệu tập kỳ họp Quốc hội

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp thường lệ của Quốc hội chậm nhất là 30 ngày và kỳ họp bất thường chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

2. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới do Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá trước triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội.

3. Quyết định triệu tập kỳ họp cùng với dự kiến chương trình kỳ họp được gửi đến đại biểu Quốc hội.

Điều 93. Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội; dự thính tại phiên họp Quốc hội

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan do Quốc hội thành lập không phải là đại biểu Quốc hội được mời dự các kỳ họp Quốc hội; có trách nhiệm tham dự các phiên họp toàn thể của Quốc hội khi thảo luận về những vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách. Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách nếu được Chủ tịch Quốc hội đồng ý hoặc có trách nhiệm phát biểu ý kiến theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội.

2. Đại diện cơ quan nhà nước, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội.

3. Công dân có thể được vào dự thính tại các phiên họp công khai của Quốc hội.

Điều 94. Các hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc hội

1. Các phiên họp toàn thể của Quốc hội.

2. Các phiên họp do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp.

3. Các phiên họp do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về các nội dung trong chương trình kỳ họp thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.

4. Các phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Quốc hội thảo luận về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp.

5. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội mời Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội khác có liên quan trao đổi về những vấn đề trình Quốc hội xem xét, quyết định.

6. Ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể, phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý bằng văn bản của đại biểu Quốc hội có giá trị như nhau và được tập hợp, tổng hợp đầy đủ để báo cáo Quốc hội.

Điều 95. Trách nhiệm chủ tọa các phiên họp Quốc hội

1. Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thực hiện nội dung chương trình kỳ họp và những quy định về kỳ họp Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.

2. Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa trước khai mạc và chủ tọa các phiên họp của Quốc hội cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội khoá mới.

Điều 96. Biểu quyết tại phiên họp toàn thể

1. Quốc hội quyết định các vấn đề tại phiên họp toàn thể bằng biểu quyết. Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết.

2. Quốc hội quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết sau đây:

a) Biểu quyết công khai;

b) Bỏ phiếu kín.

3. Luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 2, khoản 4 Điều 4 và khoản 2 Điều 40 của Luật này.

Điều 97. Tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội

1. Chủ tịch Quốc hội quyết định những tài liệu chính thức được sử dụng tại kỳ họp theo đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

2. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết, dự án khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội; các tài liệu khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

3. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thực hiện những quy định về việc sử dụng, bảo quản tài liệu trong kỳ họp.

4. Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định những tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp.

Chương VI

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, CÁC CƠ QUAN THUỘC ỦY BAN THƯỜNG VỤQUỐC HỘI VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

Điều 98. Tổng thư ký Quốc hội

1. Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;

b) Phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao;

c) Là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội;

d) Tổ chức các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; tập hợp, tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội; ký biên bản kỳ họp, biên bản phiên họp;

đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội có Ban thư ký. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban thư ký do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Điều 99. Văn phòng Quốc hội

1. Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Văn phòng Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội và các hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;

b) Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội;

c) Quản lý kinh phí hoạt động của Quốc hội;

d) Chịu trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh.

2. Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội.

Các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Văn phòng Quốc hội; quyết định biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và quy định chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc Văn phòng Quốc hội phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.

Điều 100. Các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội để tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực công việc cụ thể.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác làm việc tại các cơ quan này phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.

Điều 101. Kinh phí hoạt động của Quốc hội

1. Kinh phí hoạt động của Quốc hội bao gồm kinh phí hoạt động chung của Quốc hội, kinh phí hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, là một khoản trong ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định.

2. Việc dự toán, quản lý, cấp và sử dụng kinh phí hoạt động của Quốc hội được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 102. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2014.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
----------------

No. 57/2014/QH13

Hanoi, November 20, 2014

 

LAW

ON ORGANIZATION OF THE NATIONAL ASSEMBLY

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Organization of the National Assembly.

Chapter I

POSITION, FUNCTIONS, TASKS AND POWERS OF THE NATIONAL ASSEMBLY

Article 1. Position and functions of the National Assembly

1. The National Assembly is the highest representative body of the People and the highest state power body of the Socialist Republic of Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Term of the National Assembly

1. The term of the National Assembly is five years, counting from the opening date of the first session of the National Assembly of a term to the opening date of the first session of the National Assembly of the succeeding term.

2. Sixty days before the expiration of the term of the National Assembly, a new National Assembly shall be elected.

3. In special cases, the National Assembly shall decide to shorten or extend its term at the proposal of the Standing Committee of the National Assembly, if at least two-thirds of the total number of National Assembly deputies vote for it. The extension of a term of the National Assembly must not exceed twelve months, except in wartime.

Article 3. Principles and effectiveness of operation of the National Assembly

1. The National Assembly shall work under the conferential regime and make decisions by a vote of the majority.

2. The effectiveness of operation of the National Assembly shall be ensured by the effectiveness of sessions of the National Assembly, activities of its Standing Committee, Ethnic Council, Committees, deputies’ delegations and deputies, and by the effectiveness of the coordination with the President, the Government, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the Vietnam Fatherland Front Central Committee and other agencies and organizations.

Article 4. Making and amending the Constitution

1. The President, the Standing Committee of the National Assembly, the Government or at least one-third of the total number of National Assembly deputies may propose the National Assembly to consider and make decision on making or amending the Constitution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The National Assembly shall set up the Constitution Drafting Committee. The membership, number of members, tasks and powers of the Constitution Drafting Committee shall be decided by the National Assembly at the proposal of the Standing Committee of the National Assembly.

3. The Constitution Drafting Committee shall draft the Constitution, collect public opinions about the draft Constitution and submit it to the National Assembly.

4. The Constitution shall be passed by the National Assembly when at least two-thirds of the total number of National Assembly deputies vote for it. The National Assembly shall hold a referendum on the Constitution in the case prescribed in Clause 1, Article 19 of this Law.

Article 5. Making and amending laws

1. The National Assembly shall decide on legislative programs at the proposal of the Standing Committee of the National Assembly.

2. Before being submitted to the National Assembly, bills shall be verified by the Ethnic Council or Committees of the National Assembly and commented by the Standing Committee of the National Assembly.

3. The National Assembly shall discuss, consider and pass a bill into a law at one or several of its sessions, depending on the contents of the bill.

Article 6. Supreme oversight by the National Assembly

1. The National Assembly shall perform the supreme oversight over the observance of the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 7. Decision on important socio-economic issues

1. The National Assembly shall decide on the country’s long-term and annual fundamental goals, targets, policies and tasks for socio-economic development; and on investment policy for national target programs and national important projects.

2. The National Assembly shall decide on fundamental national financial and monetary policies; impose, amend or abolish taxes; decide on the division of revenues and expenditures between central and local budgets; decide on safety limits for national, public and government debts; decide on state budget estimates and the allocation of the central budget; and approve the final accounts of the state budget.

3. The National Assembly shall decide on the State’s policies on ethnicities, policies on religion and basic external policies.

Article 8. Election of positions in the state apparatus

1. The National Assembly shall elect its Chairperson and Vice Chairpersons and members of its Standing Committee among National Assembly deputies according to the list of nominees for such positions presented by the Standing Committee of the National Assembly.

At its first session, the National Assembly shall elect its Chairperson and Vice Chairpersons and members of its Standing Committee at the proposal of the Standing Committee of the National Assembly of the preceding term.

2. The National Assembly shall elect the President from among its deputies at the proposal of the Standing Committee of the National Assembly. The National Assembly shall elect the Vice President from among its deputies at the proposal of the President.

3. The National Assembly shall elect the Chairperson of the Ethnic Council and Chairpersons of the Committees of the National Assembly from among its deputies at the proposal of its Standing Committee.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The National Assembly shall elect the Chief Justice of the Supreme People’s Court and the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy at the proposal of the President.

6. The National Assembly shall elect the Chairperson of the National Election Council, the State Auditor General and the Secretary General of the National Assembly at the proposal of its Standing Committee.

7. Apart from the persons nominated by the competent agencies or persons prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 and 6 of this Article, the Standing Committee of the National Assembly shall submit to the National Assembly for decision lists of candidates for election to the positions prescribed in this Article in case there are National Assembly deputies standing for election or additionally nominating candidates for election.

8. After being elected, the President, Chairperson of the National Assembly, Prime Minister and Chief Justice of the Supreme People’s Court shall take an oath of loyalty to the Fatherland, the People and the Constitution.

Article 9. Approval of positions in the state apparatus

1. The National Assembly shall approve the Prime Minister’s proposals on the appointment of Deputy Prime Ministers, ministers and other members of the Government according to the list of nominees for such positions.

2. The National Assembly shall approve the proposals of the Chief Justice of the Supreme People’s Court on the appointment of judges of the Supreme People’s Court.

3. The National Assembly shall approve the list of members of the National Defense and Security Council at the proposal of the President.

4. The National Assembly shall approve the list of members of the National Election Council at the proposal of the Chairperson of the National Election Council.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A person who is elected or approved by the National Assembly but cannot perform his/her tasks for health or other reasons may apply for resignation.

2. A resignation application shall be sent to the agency or person that has nominated the applicant to the National Assembly for election or approval as prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 and 6, Article 8, and Article 9, of this Law. That agency or person shall propose the National Assembly to relieve of duty or approve the relief of duty for that applicant at the next session of the National Assembly.

Article 11. Relief of duty, removal from office, approval of proposals on relief of duty or dismissal of holders of positions elected or approved by the National Assembly

The National Assembly shall relieve of duty, remove from office or approve proposals on relief of duty or dismissal of holders of positions elected or approved by the National Assembly prescribed in Articles 8 and 9 of this Law at the proposal of the competent agencies or persons that nominated such persons to the National Assembly for election or approval.

Article 12. Collection of votes of confidence

1. The National Assembly shall collect votes of confidence on holders of the following positions:

a/ President, Vice President;

b/ Chairperson, Vice Chairperson of the National Assembly, member of the Standing Committee of the National Assembly, Chairperson of the Ethnic Council, Chairperson of the Committee of the National Assembly;

c/ Prime Minister, Deputy Prime Minister, minister, another member of the Government;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The time limit, time and order of collection of votes of confidence on the concerned persons shall be stipulated by the National Assembly.

Article 13. Casting of votes of confidence

1. The National Assembly shall cast votes of confidence on holders of positions elected or approved by the National Assembly in the following cases:

a/ At the proposal of the Standing Committee of the National Assembly;

b/ At the proposal of at least twenty percent of the total number of National Assembly deputies;

c/ At the proposal of the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly;

d/ A person on whom votes of confidence have been collected under Article 12 of this Law received low-confidence votes from two-thirds or more of the total number of National Assembly deputies.

2. A person subject to casting of votes of confidence who receives no-confidence votes from more than half of the total number of National Assembly deputies may apply for resignation. In case he/she does not resign, the competent agency or person that nominated such person to the National Assembly for election or approval prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 and 6, Article 8, and Article 9, of this Law shall propose the National Assembly to consider and decide on the relief of duty or approve the proposal on relief of duty of that person.

Article 14. Decision on establishment and abolition of agencies; establishment, dissolution, consolidation, separation and adjustment of administrative boundaries

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The National Assembly shall decide on the establishment and abolition of other agencies in accordance with the Constitution and law.

Article 15. Annulment of documents which contravene the Constitution, laws or resolutions of the National Assembly

1. The National Assembly shall, at the proposal of its Standing Committee, annul documents of the President, Government, Prime Minister, Supreme People’s Court, Supreme People’s Procuracy and other agencies established by the National Assembly which contravene the Constitution, laws or resolutions of the National Assembly.

2. The National Assembly shall annul documents of its Standing Committee which contravene the Constitution, laws or resolutions of the National Assembly at the proposal of the President.

Article 16. Decision on general amnesty

The National Assembly shall decide on a general amnesty at the proposal of the President.

Article 17. Decision on issues of war and peace

1. The National Assembly shall determine or cancel a state of war at the proposal of the National Defense and Security Council.

2. In case of war, the National Assembly shall decide to assign special tasks and powers to the National Defense and Security Council.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 18. Approval of and decision on accession to or withdrawal from treaties

The National Assembly shall, at the proposal of the President, approve and decide on the accession to treaties related to war, peace, national sovereignty or the membership of the Socialist Republic of Vietnam in important international and regional organizations, treaties on human rights or fundamental rights and obligations of citizens, and withdrawal from these treaties and other treaties that are not consistent with the laws or resolutions of the National Assembly.

Article 19. Holding referenda

1. The National Assembly shall decide to hold a referendum on the Constitution or other important issues at the proposal of its Standing Committee or of the President, the Government, or at least one-third of the total number of National Assembly deputies.

2. The outcome of a referendum must be of decisive value for the issue put to referendum.

Article 20. Consideration of summary reports on opinions and petitions of voters nationwide and their settlement

1. The National Assembly shall consider summary reports on opinions and petitions of voters nationwide jointly submitted by the Vietnam Fatherland Front Central Committee and the Standing Committee of the National Assembly.

2. The National Assembly shall consider reports on oversight of the settlement of voters’ petitions by competent state agencies submitted by its Standing Committee.

3. When necessary, the National Assembly shall issue a resolution on the settlement of voters’ petitions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter II

NATIONAL ASSEMBLY DEPUTIES

Article 21. Position and role of National Assembly deputies

1. A National Assembly deputy shall represent the will and aspirations of the People of his/her constituency and of the whole country and exercise the state power in the National Assembly on behalf of the People.

2. A National Assembly deputy shall take responsibility before voters and the National Assembly for the performance of his/her tasks and exercise of his/her powers as a deputy.

3. National Assembly deputies are equal in discussing and deciding on matters within the tasks and powers of the National Assembly.

Article 22. Criteria of National Assembly deputies

1. To be loyal to the Fatherland, the People and the Constitution, to strive to carry out the renewal cause for the goal of a prosperous people and a strong, democratic, equitable and civilized country.

2. To possess moral qualities, to be diligent, thrifty, incorruptible, public-spirited and selfless, exemplary in the observance of law; to have the spirit and be determined to control corruption, waste and all manifestations of bureaucracy, imperiousness and authoritarianism and other illegal acts.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. To keep close ties with the People, to listen to opinions of the People, to gain confidence of the People.

5. To have the conditions to participate in the activities of the National Assembly.

Article 23. Number of National Assembly deputies

1. The total number of National Assembly deputies must not exceed 500, including fulltime and part-time National Assembly deputies.

2. The number of full-time National Assembly deputies must account for at least thirty five percent of the total number of National Assembly deputies.

Article 24. Activity time of National Assembly deputies

1. Full-time National Assembly deputies shall spend all their working time performing their tasks and exercising their powers at agencies of the National Assembly or National Assembly deputies’ delegations in localities.

2. Part-time National Assembly deputies shall spend at least one-third of their working time in a year performing the tasks and exercising the powers of a deputy. Heads of agencies, organizations or units where the National Assembly deputies work shall arrange time and work and create necessary conditions for the deputies to perform their tasks and exercise their powers.

Article 25. Term of office of National Assembly deputies

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The term of office of additionally elected National Assembly deputies must last from the date of opening of the session following the by-election to the date of opening of the first session of the National Assembly of the succeeding term.

Article 26. Responsibility for participation in activities of the National Assembly and its agencies

1. National Assembly deputies shall attend all sessions and plenary meetings of the National Assembly; participate in the activities of National Assembly deputies’ delegations; and discuss and vote on issues which fall within the tasks and powers of the National Assembly.

2. National Assembly deputies who are members of the Ethnic Council or Committees of the National Assembly shall attend meetings and participate in other activities of the Council or Committees; and discuss and vote on issues which fall within the tasks and powers of their Council or Committees.

3. Full-time National Assembly deputies shall attend conferences of full-time National Assembly deputies and other conferences convened by the Standing Committee of the National Assembly.

Article 27. Responsibility toward voters

1. National Assembly deputies shall keep close ties with voters and submit to the voter supervision; frequently contact voters, inquire into their feelings and aspirations; collect voters’ opinions and petitions and honestly report them to the National Assembly and concerned agencies and organizations; and inform the People of, and mobilize them to implement, the Constitution and laws.

2. National Assembly deputies shall meet voters of their constituencies under voter meeting programs of the National Assembly deputies’ delegations. National Assembly deputies may meet voters at their places of residence and workplaces; meet voters by theme, field, category or geographical area about which the deputies are concerned. During these meetings, National Assembly deputies shall report to voters on their activities and activities of the National Assembly; voters or their representatives at constituencies may contribute their opinions to National Assembly deputies in voter conferences which are jointly held by the National Assembly deputies’ delegations, the Fatherland Front Committees and local administrations when necessary.

Article 28. Responsibility for receiving citizens, receiving and settling complaints, denunciations and petitions of citizens

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Upon receiving a complaint, denunciation or petition from a citizen, a National Assembly deputy shall study and promptly forward it to a competent person for settlement and notify the complainant, denouncer or petitioner thereof; and press for, monitor and oversee the settlement. The competent person shall notify the National Assembly deputy of the result of settling such complaint, denunciation or petition within the time limit prescribed by law.

3. In case he/she considers that the settlement of a complaint, denunciation or petition is unlawful, a National Assembly deputy is entitled to meet the head of the concerned agency, organization or unit to inquire into the case and request the re-consideration thereof. When necessary, the National Assembly deputy may request the head of the immediate superior agency, organization or unit of that agency, organization or unit to settle.

Article 29. The right to submit bills and draft ordinances and motions on laws and ordinances

1. A National Assembly deputy has the right to submit bills or draft ordinances or motions on laws or ordinances to the National Assembly or its Standing Committee according to the order and procedures prescribed by law.

2. A National Assembly deputy may receive counseling and assistance in making and completing dossiers of bills or draft ordinances or motions on laws or ordinances in accordance with law.

Article 30. The right to join as members in, and participate in the activities of, the Ethnic Council and Committees of the National Assembly

1. A National Assembly deputy has the right to join as member in the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly.

On the basis of his/her professional qualifications and work experience, a National Assembly deputy may register to be a member of the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly. Based on the registrations of National Assembly deputies, the Chairperson of the Ethnic Council and Chairpersons of the Committees of the National Assembly shall make a list of members of the Council or Committees and submit it to the Standing Committee of the National Assembly for approval.

2. A National Assembly deputy who is not a member of the Ethnic Council or of a Committee of the National Assembly may register to attend meetings of the Council or Committee to discuss issues about which he/she is concerned.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A National Assembly deputy has the right to stand for election or nominate candidates for election for the positions elected by the National Assembly prescribed in Article 8 of this Law.

2. A nominee has the right to withdraw from the list of candidates for election.

Article 32. The right to question

1. A National Assembly deputy has the right to raise questions to the President, Chairperson of the National Assembly, Prime Minister, ministers and other members of the Government, Chief Justice of the Supreme People’s Court, Procurator General of the Supreme People’s Procuracy and State Auditor General.

2. The questioned person shall present his/her answers before the National Assembly at a session of the National Assembly or, in the recess of two National Assembly sessions, at a meeting of the Standing Committee of National Assembly; the National Assembly or its Standing Committee may, as necessary, allow the questioned person to give written answers.

3. A National Assembly deputy who disagrees with the answers has the right to raise questions again at a meeting of the National Assembly or the Standing Committee of the National Assembly or to send written questions to the questioned person.

Article 33. The right to propose

1. A National Assembly deputy has the right to propose the National Assembly to make or amend the Constitution, hold a referendum, establish an ad-hoc Committee of the National Assembly, cast votes of confidence on holders of positions elected or approved by the National Assembly or convene an extraordinary or closed meeting of the National Assembly and to make proposals on other issues the National Assembly deputy finds necessary.

2. A National Assembly deputy’s proposal shall be made in writing, specifying the reason for and contents of the proposal, and sent to the Standing Committee of the National Assembly.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. When at least one-third of the total number of National Assembly deputies propose the National Assembly to make or amend the Constitution, hold a referendum, establish an ad-hoc Committee of the National Assembly or convene an extraordinary or closed meeting of the National Assembly, or twenty percent or more of the total number of National Assembly deputies propose the National Assembly to cast votes of confidence on a person holding a position elected or approved by the National Assembly, the Standing Committee of the National Assembly shall report such to the National Assembly for consideration and decision.

4. The number of proposals required in Clause 3 of this Article is the total number of proposals received by the Standing Committee of the National Assembly from the opening date of a session to before the opening date of the next session, or, in case the National Assembly deputies propose the National Assembly to convene a closed meeting, to before the opening date of the meeting of the National Assembly on the related issue.

5. A National Assembly deputy has the right to propose agencies, organizations or individuals to apply necessary measures to implement the Constitution or law or protect the rights and interests of the State, human rights or lawful rights and interests of citizens.

Article 34. The right to request when detecting illegal acts

1. When detecting an illegal act which harms the interests of the State or lawful rights and interests of an organization or individual, a National Assembly deputy has the right to request concerned agencies and organizations to take necessary measures to promptly stop that act.

2. Within 15 days after receiving a National Assembly deputy’s request, an agency or organization shall settle that request and notify in writing the National Assembly deputy thereof. Past this time limit, if the agency or organization fails to reply, the National Assembly deputy may request the head of the superior agency or organization of that agency or organization to consider and settle his/her request.

Article 35. The right to request provision of information

1. When performing his/her tasks or exercising his/her powers, a National Assembly deputy has the right to request agencies, organizations and individuals to provide information and documents related to their tasks.

2. The head of an agency or organization or a person shall respond to the requests of National Assembly deputies within the time limit prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A National Assembly deputy has the right to attend sessions of the People’s Councils of all levels in the locality where he/she was elected, to give opinions on state management issues, issues related to the People’s life and other issues about which he/she is concerned.

2. Chairpersons of People’s Councils of all levels shall notify the National Assembly deputies who stand for election in their localities of the time, contents and agendas of the sessions of their People’s Councils, invite the deputies to attend and provide necessary documents to them.

Article 37. The right to immunity of National Assembly deputies

1. No National Assembly deputy may be arrested, held in custody, detained, prosecuted or have his/her place of residence or workplace searched, unless so consented by the National Assembly or, when the National Assembly is in recess, by the Standing Committee of the National Assembly. The proposal to arrest, put in custody, detain or prosecute a National Assembly deputy or to search his/her place of residence and workplace must fall under the jurisdiction of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

In case a National Assembly deputy is taken into custody for a flagrant offense, the agency holding the deputy in custody shall immediately report the case to the National Assembly or its Standing Committee for consideration and decision.

2. No National Assembly deputy may be removed from office, dismissed, forced to resign or sacked by the agency, organization or unit where he/she works, unless so consented by the Standing Committee of the National Assembly.

Article 38. Change of work, application to resign from performing the tasks of a National Assembly deputy

1. During his/her term of office, a National Assembly deputy who moves to work in another province or centrally run city may join the National Assembly deputies’ delegation of the locality of his/her new workplace.

2. A National Assembly deputy may apply to resign from performing the tasks of a deputy for health or other reasons. The approval of such application shall be decided by the National Assembly or, when the National Assembly is in recess, by the Standing Committee of the National Assembly, which shall report its decision to the National Assembly at its next session.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 39. Suspension or loss of the rights of National Assembly deputies

1. When a National Assembly deputy is charged with an offense, the Standing Committee of the National Assembly shall decide to suspend the performance of tasks and exercise of powers by the deputy.

The National Assembly deputy may resume performance of his/her tasks and powers and have his/her lawful interests restored when a competent agency terminates the investigation or the criminal case against him/her or from the time a legally effective court judgment or decision pronounces that this deputy is innocent or exempted from penal liability.

2. A National Assembly deputy who is convicted under a court judgment or decision shall automatically lose the rights of a National Assembly deputy from the date that judgment or decision takes legal effect.

Article 40. Removal from office of National Assembly deputies

1. A National Assembly deputy who no longer deserves the People’s confidence shall be removed from office by the National Assembly or voters.

2. In case a National Assembly deputy is removed from office by the National Assembly, such removal shall be voted for by at least two-thirds of the total number of National Assembly deputies.

3. In case a National Assembly deputy is removed from office by voters, such removal shall be carried out in the order stipulated by the Standing Committee of the National Assembly.

Article 41. Allowances and other benefits of National Assembly deputies

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. National Assembly deputies shall be provided with monthly activity allowances and funds for contractual hiring of experts and secretaries and other activities to serve their activities as stipulated by the Standing Committee of the National Assembly.

Article 42. Guaranteed conditions for National Assembly deputies

1. The duration in which a National Assembly deputy works on a full-time basis shall be counted as his/her uninterrupted work time. When a full-time National Assembly deputy no longer performs the representative tasks, a competent agency or organization shall arrange other work for the deputy.

The duration in a year a part-time National Assembly deputy spends performing the tasks of a National Assembly deputy prescribed in Clause 2, Article 24 of this Law shall be included in his/her working period at the agency, organization or unit where the deputy works.

2. A full-time National Assembly deputy shall be provided with a workplace and necessary physical and technical facilities for his/her representative activities.

3. A National Assembly deputy is entitled to priority in purchasing train, bus, ship and air tickets and in crossing bridges or taking ferries. When getting sick, a National Assembly deputy who is not a medium- or high-ranking official is entitled to the medical examination and treatment regime prescribed for medium-ranking officials. When passing away, a National Assembly deputy or a former National Assembly deputy who is not a state cadre, civil servant or public employee is entitled to the regime on organization of funeral applicable to state cadres and civil servants.

Article 43. National Assembly deputies’ delegations

1. A National Assembly deputies’ delegation is the organization of National Assembly deputies elected in a province or centrally run city or moving to work in this province or city.

2. A National Assembly deputies’ delegation has the following tasks and powers:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ To organize discussions by National Assembly deputies on bills, draft ordinances and other draft documents and on tentative agendas of the National Assembly sessions at the request of the Standing Committee of the National Assembly;

c/ To organize the oversight by the delegation and organize the oversight by its National Assembly deputies in the locality; to join and coordinate with the Ethnic Council and Committees of the National Assembly in their oversight activities in the locality; to monitor and press for the settlement of citizens’ complaints, denunciations and petitions forwarded by National Assembly deputies and the delegation to competent agencies, organizations, units and persons; to request concerned agencies, organizations and persons to provide information and report on issues about which the delegation is concerned;

d/ To report to the Standing Committee of the National Assembly on activities of the delegation and its National Assembly deputies;

dd/ To manage and direct activities of the delegation’s Office.

3. A National Assembly deputies’ delegation must have its Head or Deputy Head who is a full-time National Assembly deputy. The Head and Deputy Head of the delegation shall be elected by the National Assembly deputies’ delegation from among its deputies and approved by the Standing Committee of the National Assembly.

The Head of a National Assembly deputies’ delegation shall organize and administer activities of the delegation.

The Deputy Head shall assist the Head in performing tasks as assigned by the latter. When the Head is absent, the Deputy Head shall be authorized by the Head to perform the former’s tasks.

4. A National Assembly deputies’ delegation must have a working office. The Office of a National Assembly deputies’ delegation is the body advising, assisting and serving activities of the deputies and the delegation in the locality. Operation funds of the National Assembly deputies’ delegations shall be ensured by the state budget.

Chapter III

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 44. Position, functions and organizational structure of the Standing Committee of the National Assembly

1. The Standing Committee of the National Assembly is the permanent body of the National Assembly.

2. The Standing Committee of the National Assembly shall be composed of the Chairperson, who is the Chairperson of the National Assembly, Vice Chairpersons, who are Vice Chairpersons of the National Assembly, and Members. Members of the Standing Committee of the National Assembly must be National Assembly deputies who work on a full-time basis and may not concurrently be members of the Government. The numbers of Vice Chairpersons and Members of the Standing Committee of the National Assembly shall be decided by the National Assembly.

3. The term of office of the Standing Committee of the National Assembly must start from the time the Standing Committee is elected by the National Assembly and end when a new Standing Committee is elected by the new National Assembly.

Article 45. Responsibilities of members of the Standing Committee of the National Assembly

1. Members of the Standing Committee of the National Assembly shall take collegial responsibility for the performance of tasks and exercise of powers of the Standing Committee; take personal responsibility before the Standing Committee for issues assigned by the latter; attend meetings of the Standing Committee and discuss and vote on matters falling within its tasks and powers.

2. When authorized by the Standing Committee of the National Assembly, its members may represent the Standing Committee to work with ministries, sectors and other agencies and organizations and report on working results to the Standing Committee.

Article 46. Work coordination between the Standing Committee of the National Assembly and agencies, organizations, units and individuals

1. When performing its tasks and exercising its powers, the Standing Committee of the National Assembly shall coordinate with the President, the Government, the Prime Minister, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the State Auditor General, the National Election Council and the Presidium of the Vietnam Fatherland Front Central Committee; and, when necessary, request the participation of representatives from other agencies and organizations and citizens.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 47. The Standing Committee of the National Assembly preparing, convening and presiding over National Assembly sessions

1. To prepare agendas of National Assembly sessions and decide to convene the sessions.

2. To direct, harmonize and coordinate activities of concerned agencies in preparing the agendas of the sessions; to consider and give opinions on the preparation of bills, draft resolutions, reports and other draft documents to be submitted to the National Assembly; to consider summary reports on discussion results of the Ethnic Council, Committees of the National Assembly, and of National Assembly deputies in their delegations; to project issues to be discussed at the plenary meetings of the National Assembly.

3. To organize and ensure the implementation of the agendas of National Assembly sessions, to propose the National Assembly to adjust the agendas when necessary.

4. To organize the National Assembly’s voting to pass bills, draft resolutions and other issues falling within the tasks and powers of the National Assembly.

5. To coordinate with the Vietnam Fatherland Front Central Committee in presenting to the National Assembly summary reports on opinions and petitions of voters nationwide; to propose the National Assembly to discuss and adopt resolutions on the settlement of voters’ petitions.

6. To decide on other issues related to National Assembly sessions.

Article 48. Making of laws and ordinances

1. The Standing Committee of the National Assembly shall draft law- and ordinance-making programs and submit them to the National Assembly for decision; direct the implementation of the law- and ordinance-making programs; adjust these programs and report the adjustments to the National Assembly at its next session; set up drafting committees and designate agencies to verify bills and draft ordinances in accordance with law; give comments on bills before they are submitted to the National Assembly; direct the study, assimilation and justification of opinions of National Assembly deputies in order to revise and finalize bills and submit them to the National Assembly for consideration and passage.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Draft ordinances shall be verified by the Ethnic Council or Committees of the National Assembly before they are submitted to the Standing Committee of the National Assembly. When necessary, the Standing Committee of the National Assembly shall decide to send draft ordinances to National Assembly deputies for comment before passage.

Article 49. Interpretation of the Constitution, laws and ordinances

1. The Standing Committee of the National Assembly shall decide to interpret the Constitution, a law or an ordinance on its own decision or at the proposal of the President, the Government, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the Ethnic Council, a Committee of the National Assembly, the Vietnam Fatherland Front Central Committee or the central agency of a member organization of the Front or at the request of National Assembly deputies.

2. Depending on the nature and content of the matter to be interpreted, the Standing Committee of the National Assembly shall assign the Government, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy or the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly to draft a resolution on the interpretation of the Constitution or a law or an ordinance and submit it to the Standing Committee for consideration and decision.

3. A draft resolution on the interpretation of the Constitution or a law or an ordinance shall be verified by the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly in terms of conformity with the spirit and contents of the interpreted provisions of the Constitution, law or ordinance.

Article 50. Oversight by the Standing Committee of the National Assembly

1. The Standing Committee of the National Assembly shall organize the implementation of the oversight program of the National Assembly and, when the National Assembly is in recess, adjust this program and report it to the National Assembly at its next session.

2. The Standing Committee of the National Assembly shall oversee the implementation of the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly and ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly; and activities of the Government, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the State Audit Office and other agencies established by the National Assembly.

Article 51. Suspension and annulment of documents of central state agencies

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Standing Committee of the National Assembly shall annul on its own decision or at the proposal of the Ethnic Council, Committees or deputies of the National Assembly a document of the Government, the Prime Minister, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy or another agency established by the National Assembly which contravenes an ordinance or a resolution of the Standing Committee of the National Assembly.

Article 52. The Standing Committee of the National Assembly directing, harmonizing and coordinating activities of the Ethnic Council and Committees of the National Assembly

1. To assign the Ethnic Council or Committees of the National Assembly to verify bills, draft ordinances and resolutions, and other reports and documents except in cases decided by the National Assembly; to assign the Ethnic Council or Committees of the National Assembly to implement the National Assembly’s oversight program and other contents as requested by the National Assembly; to assign the Ethnic Council or Committees of the National Assembly to oversee a number of matters under the oversight program of the Standing Committee of the National Assembly.

2. To request the Ethnic Council and Committees of the National Assembly to periodically report on their activity programs and plans and the implementation thereof.

3. To coordinate activities of the Ethnic Council and Committees of the National Assembly carried out in the same locality or with the same agency or organization.

4. To consider and respond to proposals of the Ethnic Council or Committees of the National Assembly.

5. When necessary, the Chairperson or a Vice Chairperson of the National Assembly shall work with the Chairperson or the standing body of the Ethnic Council or the Chairperson or the standing body of a Committee of the National Assembly on matters falling within the tasks and powers of the Ethnic Council or that Committee.

Article 53. Responsibility of the Standing Committee of the National Assembly for the election, relief of duty, removal from office and approval of positions in the state apparatus

1. To propose the National Assembly to elect, relieve of duty and remove from office the President, Chairperson of the National Assembly, Vice Chairperson of the National Assembly, Member of the Standing Committee of the National Assembly, Chairperson of the Ethnic Council, Chairperson of a Committee of the National Assembly, Chairperson of the National Election Council, State Auditor General and Secretary General of the National Assembly.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. To approve the proposals of the Prime Minister on the appointment and relief of duty of ambassadors extraordinary and plenipotentiary of the Socialist Republic of Vietnam.

4. To approve results of election of Heads and Deputy Heads of National Assembly deputies’ delegations.

5. To approve results of election of Chairpersons and Vice Chairpersons of provincial- level People’s Councils.

Article 54. Responsibility of the Standing Committee of the National Assembly for activities of National Assembly deputies and National Assembly deputies’ delegations

1. To guide activities of National Assembly deputies and National Assembly deputies’ delegations; to consider activity reports of National Assembly deputies’ delegations and National Assembly deputies.

2. To receive questions of National Assembly deputies and forward them to questioned persons and decide on the deadline and form of answering; to receive and summarize proposals of National Assembly deputies; to present to the National Assembly for consideration proposals of National Assembly deputies prescribed in Clause 3, Article 33 of this Law; to consider and respond to other proposals of National Assembly deputies; when necessary, to send oversight or working teams to localities to examine matters proposed by National Assembly deputies and National Assembly deputies’ delegations.

3. To stipulate operation allowances and other allowances and benefits and conditions to ensure activities of National Assembly deputies; to decide on the distribution of the operation funds to National Assembly deputies’ delegations.

4. When the National Assembly is in recess, to consider proposals of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy on the arrest, custody, detention of and institution of criminal cases against National Assembly deputies and persons being elected to the National Assembly, search of places of residence and workplaces of National Assembly deputies; to decide to suspend the performance of tasks and exercise of powers of National Assembly deputies who are charged with an offence; to report to the National Assembly on the loss of representative powers of National Assembly deputies.

5. To consider and decide on the transfer of National Assembly deputies to work in other National Assembly deputies’ delegations when they move to work in other provinces or centrally run cities. To consider proposals of agencies, organizations or units where National Assembly deputies work on the removal from office, dismissal, resignation and sack of these deputies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Committee or provincial-level Fatherland Front Committees; to decide to approve, when the National Assembly is in recess, the resignation by National Assembly deputies from performing their representative tasks, and report such to the National Assembly at the next session.

Article 55. The Standing Committee of the National Assembly overseeing and guiding activities of People’s Councils

1. To oversee and guide the activities of People’s Councils.

2. To annul on its own decision or at the proposal of the Prime Minister the Ethnic Council, a Committee or deputies of the National Assembly or annul resolutions of provincial-level People’s Councils that contravene the Constitution, laws or documents of superior state agencies.

3. To dissolve on its own decision or at the proposal of the Government provincial-level People’s Councils in case they cause serious harms to the People’s interests.

Article 56. Establishment, dissolution, consolidation, separation, and adjustment of boundaries of, administrative units under provinces or centrally run cities

1. The Standing Committee of the National Assembly shall decide on the establishment, dissolution, consolidation, separation, or adjustment of the boundaries of, administrative units under provinces or centrally run cities at the proposal of the Government.

2. Plans on the establishment, dissolution, consolidation, separation, or adjustment of boundaries of, administrative units under provinces or centrally run cities shall be verified by Committees of the National Assembly before they are submitted to the Standing Committee of the National Assembly for consideration and decision.

Article 57. Decision on state of war and general or partial mobilization; declaration or cancellation of state of emergency

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Standing Committee of the National Assembly shall, at the proposal of the Prime Minister, declare a state of emergency nationwide or in each locality when the whole country or one or more than one locality suffer(s) a serious disaster caused by nature or humans or a widespread dangerous epidemic which poses a serious threat to property of the State or organizations, life, health or property of the People or is in a situation which poses a serious threat to national security and social order and safety. When the state of emergency no longer exists, the Standing Committee of the National Assembly shall decide to cancel such state at the proposal of the Prime Minister.

Article 58. Responsibility of the Standing Committee of the National Assembly for external relations of the National Assembly

1. To report to the National Assembly on issues within the State’s external policy related to the relationships with the national assemblies of other countries, international and regional inter-parliamentary organizations and other international organizations. When the National Assembly is in recess, to consider the Government’s reports on external relations affairs; to give comments on issues within the State’s basic external policy before they are submitted to the National Assembly.

2. To decide to host conferences of international and regional inter-parliamentary organizations in Vietnam.

3. To decide on the establishment of the Vietnam Parliamentary Friendship Organization and stipulate its organization and operation,

4. To approve annual programs on external and international cooperation activities of the Standing Committee of the National Assembly; to direct, harmonize and coordinate external and international cooperation activities of the Ethnic Council, Committees of the National Assembly, parliamentary friendship groups, agencies of the Standing Committee of the National Assembly, the State Audit Office and the Office of the National Assembly.

5. To consider and evaluate results of the implementation of annual programs on external and international cooperation activities of the National Assembly; to consider reports on results of visits and working visits of the National Assembly’s delegations abroad and of delegations of foreign national assemblies and international organizations to the National Assembly of Vietnam; to consider and report on results of international conferences hosted by the National Assembly.

Article 59. Referendum holding

1. The Standing Committee of the National Assembly shall hold a referendum under the decision of the National Assembly.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Standing Committee of the National Assembly shall announce on the results of a referendum to the National Assembly at the next session.

Article 60. Meetings of the Standing Committee of the National Assembly

1. The Standing Committee of the National Assembly shall discuss and decide on matters falling within its tasks and powers at its meetings.

A meeting of the Standing Committee of the National Assembly shall be attended by at least two-thirds of the total number of its members.

2. The Chairperson of the National Assembly shall preside over meetings of the Standing Committee of the National Assembly. Vice Chairpersons of the National Assembly shall assist the Chairperson of the National Assembly in administering the meetings as assigned by the latter.

3. Members of the Standing Committee of the National Assembly shall attend all meetings. When unable to attend a meeting, they shall report on the reason to the Chairperson of the National Assembly for consideration and decision.

4. The President has the right to attend meetings of the Standing Committee of the National Assembly; the Prime Minister, the Chief Justice of the Supreme People’s Court, the  Procurator General of the Supreme People’s Procuracy, the Chairperson and Vice Chairpersons of the Ethnic Council, and the Chairpersons and Vice Chairpersons of Committees of the National Assembly may be invited to meetings of the Standing Committee of the National Assembly.

Standing and full-time Members of the Ethnic Council or Committees of the National Assembly may be invited to meetings of the Standing Committee of the National Assembly which discuss matters under the charge of the Council or Committees.

5. Representatives of concerned agencies and organizations may be invited to meetings of the Standing Committee of the National Assembly which discuss relevant matters.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Standing Committee of the National Assembly shall hold regular meetings once a month.

2. When necessary, the Standing Committee of the National Assembly shall meet under the decision of the Chairperson of the National Assembly, or at the proposal of the President, the Prime Minister or at least one-third of the total number of its members.

Article 62. Preparation of agendas and decision to convene meetings of the Standing Committee of the National Assembly

1. The Chairperson of the National Assembly shall direct the preparation of a meeting of the Standing Committee of the National Assembly; project the agenda and decide on the time of the meeting and measures to ensure the meeting. Vice Chairpersons of the National Assembly and Members of the Standing Committee of the National Assembly shall prepare contents assigned by the Chairperson of the National Assembly.

2. Under the direction of the Chairperson of the National Assembly and on the basis of the working programs of the Standing Committee, the Ethnic Council and Committees of the National Assembly, and the situation and progress of preparation of contents projected to be submitted to the Standing Committee of the National Assembly, the Secretary General- Chairperson of the Office of the National Assembly shall prepare the tentative agenda of a meeting of the Standing Committee of the National Assembly no later than 30 days before the meeting opens. The tentative agenda of the meeting shall be sent to members of the Standing Committee of the National Assembly and the standing bodies of the Ethnic Council and Committees of the National Assembly for opinion before it is submitted to the Chairperson of the National Assembly for consideration and decision.

3. The Secretary General-Chairperson of the Office of the National Assembly shall send the tentative agenda of the meeting already decided by the Chairperson of the National Assembly to agencies and organizations that have contents to be submitted to the Standing Committee of the National Assembly no later than 20 days before the meeting opens; and send the tentative agenda of the meeting together with the decision to convene the meeting to members of the Standing Committee of the National Assembly no later than 7 days before the meeting opens.

4. The Government, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the Ethnic Council, Committees of the National Assembly and concerned agencies and organizations shall prepare and verify draft documents and reports on the meeting agenda as assigned by the Standing Committee of the National Assembly or according to their tasks and powers prescribed by law.

Article 63. Documents of meetings of the Standing Committee of the National Assembly

1. The Standing Committee of the National Assembly shall consider matters on the agenda of a meeting only when all necessary documents are available.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 64. Tasks and powers of the Chairperson of the National Assembly

1. To preside over National Assembly sessions, to ensure the implementation of regulations on activities of National Assembly deputies and on National Assembly sessions; to sign for authentication the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly.

2. To lead the work of the Standing Committee of the National Assembly; to direct the preparation of tentative agendas of and convene and preside over meetings of the Standing Committee of the National Assembly; to sign ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly.

3. To preside over conferences of full-time National Assembly deputies and other conferences held by the Standing Committee of the National Assembly.

4. To convene and preside over conferences of the Chairperson of the Ethnic Council and Chairpersons of Committees of the National Assembly to discuss programs of activities of the National Assembly, the Ethnic Council and Committees of the National Assembly; when necessary, to attend meetings of the Ethnic Council and Committees of the National Assembly.

5. To maintain relations with National Assembly deputies.

6. To direct the use of the operation funds of the National Assembly.

7. To direct and organize the implementation of the National Assembly’s external relations work; to represent the National Assembly in its external relations; to lead activities of Vietnamese National Assembly delegations in international and regional inter-parliamentary organizations.

Article 65. Tasks and powers of Vice Chairpersons of the National Assembly

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter IV

THE ETHNIC COUNCIL AND COMMITTEES OF THE NATIONAL ASSEMBLY

Article 66. The Ethnic Council and Committees of the National Assembly

1. The Ethnic Council and Committees of the National Assembly are agencies of the National Assembly which shall take responsibility before and report on their work to the National Assembly; when the National Assembly is in recess, they shall report their work to the Standing Committee of the National Assembly.

2. Committees of the National Assembly include: a/ The Law Committee;

b/ The Judicial Committee;

c/ The Economic Committee;

d/ The Finance and Budget Committee;

dd/ The National Defense and Security Committee;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g/ The Social Affairs Committee;

h/ The Science, Technology and Environment Committee;

i/ The External Affairs Committee.

3. The National Assembly shall establish an ad-hoc Committee of the National Assembly according to Articles 88 and 89 of this Law.

Article 67. Organizational structures of the Ethnic Council and Committees of the National Assembly

1. The Ethnic Council shall be composed of the Chairperson, Vice Chairpersons and standing, full-time and other Members. A Committee of the National Assembly shall be composed of the Chairperson, Vice Chairpersons and standing, full-time and other Members.

2. The Chairpersons of the Ethnic Council and Committees of the National Assembly shall be elected by the National Assembly; Vice Chairpersons and standing, full-time and other Members of the Ethnic Council and Committees of the National Assembly shall be approved by the Standing Committee of the National Assembly.

3. The standing body of the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly shall assist the Ethnic Council or Committee in dealing with regular affairs of the Council or Committee when the latter is in recess.

The standing body of the Ethnic Council must comprise the Chairperson, Vice Chairpersons and standing Members. The standing body of a Committee of the National Assembly must comprise the Chairperson, Vice Chairpersons and standing Members.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 68. Working principles, term of office and reporting responsibility of the Ethnic Council and Committees of the National Assembly

1. The Ethnic Council or a Committee of the National Assembly shall work on a collegial basis and make decisions by a vote of the majority.

2. The term of office of the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly must follow the term of the National Assembly.

3. At the year-end session of the National Assembly, the Ethnic Council and Committees of the National Assembly shall send their work reports to the National Assembly deputies and the Standing Committee of the National Assembly. At the final session of each National Assembly, the Ethnic Council and Committees of the National Assembly shall send summary reports on their activities to National Assembly deputies.

Article 69. Tasks and powers of the Ethnic Council

1. To verify bills and draft ordinances on policies on ethnicities; to verify other draft documents as assigned by the National Assembly or its Standing Committee; to verify the assurance of the policies on ethnicities in bills and draft ordinances before they are submitted to the National Assembly or its Standing Committee.

2. To contribute opinions on the promulgation of the Government’s regulations to implement policies on ethnicities.

3. To oversee the implementation of laws and resolutions of the National Assembly and ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly in the field of ethnicity; to oversee the implementation of policies on ethnicities, programs and plans for socio-economic development in mountainous regions and ethnic minority areas.

4. To oversee ethnic work-related documents of the Government, the Prime Minister, ministers and heads of ministerial-level agencies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. To make proposals on the State’s policies on ethnicities and the organization and operation of concerned agencies and proposals related to ethnic work.

Article 70. Tasks and powers of the Law Committee

1. To verify bills and draft ordinances on civil or administrative matters, the state apparatus organization, excluding the apparatus organization of justice agencies; to verify other draft documents as assigned the National Assembly or its Standing Committee; to verify law- and ordinance-making proposals of agencies, organizations or National Assembly deputies and National Assembly deputies’ motions on laws and ordinances; to assist the Standing Committee of the National Assembly in preparing tentative law- and ordinance-making programs.

2. To guarantee the constitutionality, legality and consistency of the legal system, to ensure legislative techniques for bills and draft ordinances before they are submitted to the National Assembly or its Standing Committee for approval; to verify proposals of the Ethnic Council or Committees of the National Assembly, or proposals of the President, the Government, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the Vietnam Fatherland Front Central Committee, central agencies of member organizations of the Front or National Assembly deputies on documents showing signs of contravening the Constitution.

3. To assume the prime responsibility for verifying plans on the establishment or abolition of ministries, ministerial-level agencies or other agencies established by the National Assembly; to verify plans on the establishment, dissolution, consolidation, separation, or adjustment of the boundaries, of administrative units; and the Government’s reports on the settlement of citizens’ complaints and denunciations.

4. To oversee the implementation of laws and resolutions of the National Assembly and ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly on civil or administrative matters, the state apparatus organization, excluding the apparatus organization of justice agencies; to oversee activities of the Government, ministries and ministerial-level agencies in the fields under the Committee’s charge.

5. To oversee documents of the Government, the Prime Minister, ministers and heads of ministerial-level agencies in the fields under the Committee’s charge.

6. To submit bills before the National Assembly and draft ordinances before the Standing Committee of the National Assembly on the fields under the Committee’s charge; to propose necessary measures to improve the state apparatus, protect the Constitution and law and guarantee the consistency of the legal system.

Article 71. Tasks and powers of the Judicial Committee

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. To verify the Government’s reports on law violation and crime prevention and control and judgment enforcement work; to verify work reports of the Chief Justice of the Supreme People’s Court and the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy; to assume the prime responsibility for verifying the Government’s reports on corruption prevention and control.

3. To verify proposals of the Chief Justice of the Supreme People’s Court on approval of the appointment, relief of duty, or dismissal of judges of the Supreme People’s Court; and the President’s proposals on general amnesty.

4. To oversee the implementation of laws and resolutions of the National Assembly and of ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly on criminal matters, criminal procedures, civil procedures, administrative procedures, judgment enforcement, judicial assistance, corruption prevention and control and apparatus organization of justice agencies; to oversee activities of the Government, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, ministries and ministerial-level agencies in investigation, prosecution, trial, judgment enforcement and judicial assistance; to oversee the detection and handling of corrupt acts.

5. To oversee documents of the Government, the Prime Minister, ministers, heads of ministerial-level agencies, the Supreme People’s Court and the Supreme People’s Procuracy in the fields under the Committee’s charge.

6. To submit bills before the National Assembly and draft ordinances before the Standing Committee of the National Assembly on the fields under the Committee’s charge; to make proposals related to the organization and operation of justice agencies and other concerned agencies, criminal matters, criminal procedures, civil procedures, administrative procedures, judgment enforcement, judicial assistance and corruption prevention and control.

Article 72. Tasks and powers of the Economic Committee

1. To verify bills and draft ordinances on economic administration, land, monetary, banking and business activities and other draft documents as assigned by the National Assembly or its Standing Committee.

2. To assume the prime responsibility for verifying programs, projects and plans on basic national socio-economic development objectives, targets, policies and tasks; and the Government’s reports on the implementation of basic socio-economic development objectives, targets, policies and tasks; to verify basic national monetary policies.

3. To oversee the implementation of laws and resolutions of the National Assembly and of ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly, on economic administration, land, monetary, banking and business activities; to assume the prime responsibility for overseeing activities of the Government, ministries and ministerial-level agencies in the implementation of programs, projects and plans on basic socio-economic development objectives, targets, policies and tasks and economic policies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. To submit bills before the National Assembly and draft ordinances before the Standing Committee of the National Assembly on the fields under the Committee’s charge.

6. To make proposals related to the organization and operation of concerned agencies and on economic administration, land, monetary, banking and business activities.

Article 73. Tasks and powers of the Finance and Budget Committee

1. To verify bills and draft ordinances on finance, budget and state audit and other draft documents as assigned by the National Assembly or its Standing Committee.

2. To verify basic policies on national finance, division of revenues and expenditures between central and local budgets, safe limits of national, public and government debts; to assume the prime responsibility for verifying state budget estimates, plans on central budget addition and the state budget finalization.

3. To oversee the implementation of laws and resolutions of the National Assembly and of ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly on finance, budget and state audit; to oversee activities of the Government, ministries and ministerial-level agencies in the implementation of state budget estimates and financial and monetary policies.

4. To oversee documents of the Government, the Prime Minister, ministers and heads of ministerial-level agencies in the fields under the Committee’s charge.

5. To submit bills before the National Assembly and draft ordinances before the Standing Committee of the National Assembly on the fields under the Committee’s charge.

6. To make proposals related to the organization and operation of concerned agencies and on finance, budget and state audit.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. To verify bills and draft ordinances on national defense, security and social order and safety and other draft documents as assigned by the National Assembly or its Standing Committee.

2. To oversee the implementation of laws and resolutions of the National Assembly and of ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly on national defense, security and social order and safety; to oversee the Government, ministries and ministerial-level agencies in performing national defense and security tasks and ensuring social order and safety.

3. To oversee documents of the Government, the Prime Minister, ministers and heads of ministerial-level agencies in the fields under the Committee’s charge.

4. To submit bills before the National Assembly and draft ordinances before the Standing Committee of the National Assembly on the fields under the Committee’s charge.

5. To make proposals related to the organization and operation of concerned agencies and on national defense, security and social order and safety.

Article 75. Tasks and powers of the Committee for Culture, Education, Youth, Teenagers and Children

1. To verify bills and draft ordinances on culture, education, information, communication, beliefs, religion, tourism, sports, youth, teenagers and children and other draft documents as assigned by the National Assembly or its Standing Committee.

2. To oversee the implementation of laws and resolutions of the National Assembly and ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly on culture, education, information, communication, beliefs, religion, tourism, sports, youth, teenagers and children; to oversee activities of the Government, ministries and ministerial-level agencies in the implementation of policies on culture, education, information, communication, religions, tourism and sports under national socio-economic development plans and programs; to oversee the implementation of policies toward the youth, teenagers and children.

3. To oversee documents of the Government, the Prime Minister, ministers and heads of ministerial-level agencies on the fields under the Committee’s charge.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. To make proposals related to the organization and operation of concerned agencies and on development of culture, education, information, communication, beliefs, religion, tourism and sports and policies toward the youth, teenagers and children.

Article 76. Tasks and powers of the Social Affairs Committee

1. To verify bills and draft ordinances on labor, employment, health, population, social security, gender equity, emulation, commendation and social evil prevention and control and other draft documents as assigned by the National Assembly or its Standing Committee.

2. To verify the incorporation of gender equity issues into bills and draft ordinances and resolutions submitted to the National Assembly or its Standing Committee.

3. To oversee the implementation of laws and resolutions of the National Assembly, and of ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly on labor, employment, health, population, social security, gender equity, emulation, commendation and social evil prevention and control; to oversee activities of the Government, ministries and ministerial-level agencies in the implementation of policies on labor, employment, health, population, social security, gender equality, emulation, commendation and social evil prevention and control under national socio-economic development plans and programs.

4. To oversee documents of the Government, the Prime Minister, ministers and heads of ministerial-level agencies in the fields under the Committee’s charge.

5. To submit bills before the National Assembly and draft ordinances before the Standing Committee of the National Assembly on the fields under the Committee’s charge.

6. To make proposals related to the organization and operation of concerned agencies and on policies and measures to settle matters on labor, employment, health, population, social security, gender equality, emulation, commendation and social evil prevention and control.

Article 77. Tasks and powers of the Science, Technology and Environment Committee

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. To oversee the implementation of laws and resolutions of the National Assembly, and of ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly on science, technology, natural resources, environmental protection, response to climate change and disaster prevention and control; to oversee activities of the Government, ministries and ministerial-level agencies in the implementation of policies on science, technology, natural resources, environmental protection, response to climate change and disaster prevention and control under national socio-economic development plans and programs.

3. To oversee documents of the Government, the Prime Minister, ministers and heads of ministerial-level agencies in the fields under the Committee’s charge.

4. To submit bills before the National Assembly and draft ordinances before the Standing Committee of the National Assembly on the fields under the Committee’s charge.

5. To make proposals related to the organization and operation of concerned agencies and on science and technology development, natural resources, environmental protection, response to climate change and disaster prevention and control.

Article 78. Tasks and powers of the External Affairs Committee

1. To verify bills and draft ordinances on external affairs of the State and other draft documents as assigned by the National Assembly or its Standing Committee.

2. To assume the prime responsibility for verifying treaties which the National Assembly is competent to approve and decide on their accession or withdrawal; to verify the Government’s reports on external relations work; to verify the Prime Minister’s proposals for approval of the appointment or relief of duty of ambassadors extraordinary and plenipotentiary of the Socialist Republic of Vietnam.

3. To oversee the implementation of laws and resolutions of the National Assembly, and of ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly on foreign affairs; to oversee activities of the Government, ministries and ministerial-level agencies in the implementation of external relations policies of the State; to oversee the conclusion, accession to and implementation of treaties and international agreements; to oversee external relations and external economic activities of sectors and localities; to oversee the implementation of the State’s policies toward overseas Vietnamese and foreigners living in Vietnam.

4. To oversee documents of the Government, the Prime Minister, ministers and heads of ministerial-level agencies in the fields under the Committee’s charge.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. To submit bills before the National Assembly and draft ordinances before the Standing Committee of the National Assembly on the fields under the Committee’s charge; to make proposals related to the organization and operation of concerned agencies and on external policies of the State, relations with the national assemblies of other countries, international and regional inter-parliamentary organizations and other international organizations, conclusion, accession to and implementation of treaties and international agreements, and policies toward overseas Vietnamese and foreigners living in Vietnam.

Article 79. Responsibility for verification and coordination among the Ethnic Council and Committees of the National Assembly

Within the ambit of their tasks and powers, the Ethnic Council and Committees of the National Assembly shall:

1. Join the Economic Committee in verifying programs, projects and plans on basic national socio-economic development objectives, targets, policies and tasks; and in reporting to the Government on the implementation of basic socio-economic development objectives, targets, policies and tasks;

2. Join the Finance and Budget Committee in verifying state budget estimates, plans on central budget allocation and the final accounts of the state budget finalization;

3. Join the Law Committee in verifying law- and ordinance-making proposals of agencies, organizations or National Assembly deputies’ proposals, motions of National Assembly deputies on laws or ordinances; plans on establishment or abolition of ministries, ministerial- level agencies or other agencies established by the National Assembly; and the Government’s reports on the settlement of citizens’ complaints and denunciations;

4. Join the Judicial Committee in verifying the Government’s reports on corruption prevention and control;

5. Coordinate with the External Affairs Committee in carrying out then external relations and international cooperation; join the External Affairs Committee in verifying treaties which the National Assembly is competent to approve and decide on their accession or withdrawal; join the External Affairs Committee in implementing external information work of the National Assembly;

6. Oversee the implementation of state budget, corruption prevention and control, practice of thrift and combat of waste, settlement of citizens’ complaints, denunciations, petitions and reports in the fields under their charge.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. When performing their tasks and exercising their powers, the Ethnic Council and Committees of the National Assembly shall detect documents showing signs of contravening the Constitution and propose the agencies having promulgated those documents to amend, supplement or annul them. If these agencies fail to do so, the Council and Committees of the National Assembly have the right to propose the National Assembly or its Standing Committee to consider and handle the documents according to their competence.

2. The Law Committee shall verify proposals of the Ethnic Council or Committees of the National Assembly, and proposals of the President, the Government, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the Vietnam Fatherland Front Central Committee, central agencies of member organizations of the Front or National Assembly deputies on documents showing signs of contravening the Constitution for submission to the National Assembly or its Standing Committee for consideration and handling according to their competence.

Article 81. Request for reporting, provision of documents and assignment of members for consideration and verification

1. The Ethnic Council or a Committee of the National Assembly has the right to request members of the Government, the Chief Justice of the Supreme People’s Court, the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy, the State Auditor General and concerned persons to report and provide documents on necessary matters in the fields under the charge of the Council or Committee. Requested persons shall respond to the requests of the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly.

2. When necessary, the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly shall send its members to concerned agencies and organizations to consider and verify matters about which the Council or the Committee is concerned. Concerned agencies and organizations shall create conditions for the Council’s or Committee’s members to perform their duties.

Article 82. Explanation at meetings of the Ethnic Council and Committees of the National Assembly

1. The Ethnic Council or a Committee of the National Assembly has the power to request members of the Government, the Chief Justice of the Supreme People’s Court, the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy, the State Auditor General and concerned persons to explain matters in the fields under the charge of the Council or Committee.

2. Requested persons shall report and make explanations at meetings of the Ethnic Council or Committee.

3. The Ethnic Council or a Committee of the National Assembly shall make conclusions on explained matters, which shall be sent to the Standing Committee of the National Assembly, National Assembly deputies and concerned agencies and organizations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Ethnic Council and Committees of the National Assembly shall maintain contact with provincial-level People’s Councils and corresponding boards of provincial-level People’s Councils.

2. When carrying out activities in a locality, the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly shall notify such to the provincial-level People’s Council and People’s Committee and provincial-level National Assembly deputies’ delegation for coordinated implementation.

3. Within the ambit of their tasks and powers, provincial-level People’s Councils, People’s Committees and National Assembly deputies’ delegations shall participate in activities of the Ethnic Council or Committees of the National Assembly when so requested.

Article 84. External relations and international cooperation

1. The Ethnic Council and Committees of the National Assembly shall maintain relations with concerned agencies of the national assemblies of other countries, other concerned foreign agencies and international organizations in order to study and exchange professional experience, contributing to enhancing external relations and international cooperation in line with the State’s external policies.

2. The Ethnic Council and Committees of the National Assembly shall propose and plan their annual programs on external and international cooperation activities. The External Affairs Committee shall appraise the tentative annual programs on external and international cooperation activities of the Council and Committees and submit them to the Standing Committee of the National Assembly for consideration and decision.

3. The Ethnic Council and Committees of the National Assembly shall report on the results of their external and international cooperation activities to the Standing Committee of the National Assembly. The External Affairs Committee shall annually coordinate with the Office of the National Assembly in summarizing reports on results of external and international cooperation activities of the Ethnic Council and Committees of the National Assembly.

Article 85. Tasks and powers of the Chairperson of the Ethnic Council and Chairpersons of Committees of the National Assembly

1. The Chairperson of the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly has the following tasks and powers:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ To administer work of the Council or Committee;

c/ To propose the Standing Committee of the National Assembly to approve Vice Chairpersons, standing, full-time and other members of the Council or Committee;

d/ To maintain regular contact with members of the Council or Committee;

dd/ To attend meetings of the Standing Committee of the National Assembly; to be invited to meetings of the Government which discuss policies on ethnicities, for the Chairperson of the Ethnic Council;

e/ On behalf of the Council or Committee, to maintain contact with concerned agencies and organizations;

g/ To perform other tasks assigned by the Standing Committee of the National Assembly.

2. Vice Chairpersons of the Ethnic Council shall assist the Chairperson in performing tasks as assigned by the latter. When the Chairperson of the Ethnic Council is absent, a Vice Chairperson authorized by the Chairperson shall perform the tasks and exercise the powers of the latter.

Vice Chairpersons of a Committee of the National Assembly shall assist the Chairperson in performing tasks as assigned by the latter. When the Chairperson of the Committee is absent, a Vice Chairperson authorized by the Chairperson shall perform the tasks and exercise the powers of the latter.

Article 86. Tasks and powers of the standing body of the Ethnic Council or of a Committee of the National Assembly

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. To organize the implementation of programs and plans of activities, and conclusions, of the Council or Committee.

3. To prepare contents and documents of activities of the Council or Committee; to provide necessary information and materials for members of the Council or Committee; on the basis of results of meetings of the Council or Committee, to prepare verification and other reports of the Council or Committee and submit them to the National Assembly or its Standing Committee.

4. To conduct preliminary verification of bills, draft ordinances and other reports and documents for submission to the Standing Committee of the National Assembly for consideration before they are submitted to the National Assembly.

5. To prepare comments on contents of agendas of meetings of the Standing Committee of the National Assembly when being invited to the meetings; to participate in the activities of the Council, other Committees and concerned agencies and organizations; to organize oversight teams and work teams of the Council or Committee; to receive citizens, to study and process citizens’ complaints, denunciations, petitions and reports sent to the Council or Committee.

6. To organize the implementation of directions, harmonization and coordination of the Standing Committee of the National Assembly for activities of the Council or Committee; to periodically report to the Council or Committee on the activities of the standing body of the Council or Committee.

7. To coordinate with the Secretary General-Chairperson of the Office of the National Assembly in specifically defining the organization, tasks and powers of professional units directly assisting the Council or Committee.

8. To coordinate with the Secretary General-Chairperson of the Office of the National Assembly in recruiting, appointing, commending and disciplining civil servants and implementing regimes and policies for civil servants of professional units directly assisting the Council or Committee.

9. To give professional direction to professional units directly assisting the Council or Committee; to decide on the use of funds allocated to the Council or Committee.

10. Before its term of office expires, to plan the structure and number of members of the Council or Committee of the subsequent term and report such to the Standing Committee of the National Assembly.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 87. Plenary meetings of the Ethnic Council and Committees of the National Assembly

1. The Ethnic Council or a Committee of the National Assembly shall hold a plenary meeting to verify bills, draft ordinances or resolutions or other reports or documents for submission to the National Assembly or its Standing Committee; and consider and decide on other matters falling within its tasks and powers.

2. The members of the Ethnic Council or a Committee shall attend meetings of the Council or Committee according to the summons of the Chairperson of the Council or Committee; discuss and vote on matters considered at the meetings; and, when unable to attend the meetings, report the reason to the Chairperson of the Council or Committee.

3. The Chairperson and Vice Chairpersons of the National Assembly have the right to attend and give directing opinions at meetings of the Council or Committee.

4. The Ethnic Council or a Committee of the National Assembly may invite National Assembly deputies who are not its members, representatives of concerned agencies and organizations and specialists to participate in its activities. Concerned agencies and organizations shall create conditions for invited persons to participate in the activities of the Council or Committee.

5. When the Ethnic Council meets to discuss policies for ethnic groups, its Chairperson shall invite to such meeting representatives of ethnic groups which have no representatives in the National Assembly who are People’s Council deputies.

Article 88. Establishment of an Ad-hoc Committee

1. An Ad-hoc Committee of the National Assembly shall be established in the following cases:

a/ To verify bills, draft ordinances or other reports or documents submitted by the Standing Committee of the National Assembly to the National Assembly or with contents related to the fields under the charge of the Ethnic Council and other Committees of the National Assembly;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Standing Committee of the National Assembly shall propose the National Assembly to consider and decide on the establishment of an ad-hoc Committee at the proposal of the Ethnic Council, a Committee of the National Assembly or at least one-third of the total number of National Assembly deputies.

Article 89. Organizational structure, tasks and powers of an Ad-hoc Committee

1. An Ad-hoc Committee shall be composed of its Chairperson, Vice Chairpersons and Members. Members of the Ad-hoc Committee are National Assembly deputies. The composition, number of members and specific tasks and powers of the Ad-hoc Committee shall be decided by the National Assembly at the proposal of its Standing Committee.

2. An Ad-hoc Committee shall report to the Standing Committee of the National Assembly and the National Assembly on the results of performance of its tasks and exercise of powers assigned by the National Assembly. The Ad-hoc Committee’s report on investigation results shall be verified by the Ethnic Council or a Committee of the National Assembly. The National Assembly shall consider and adopt a resolution on investigation results of the Ad- hoc Committee.

3. An Ad-hoc Committee shall terminate operation after fulfilling its tasks.

Chapter V

NATIONAL ASSEMBLY SESSIONS

Article 90. National Assembly sessions

1. The National Assembly shall hold its sessions in public.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The National Assembly shall hold two regular sessions a year.

The National Assembly shall hold an extraordinary session when so requested by the President, Standing Committee of the National Assembly, Prime Minister or at least one-third of the total number of National Assembly deputies.

3. The National Assembly shall discuss and decide on matters falling within its tasks and powers at its sessions according to the procedures provided in the Rules on National Assembly sessions and other related laws.

Article 91. Agendas of National Assembly sessions

1. On the basis of the National Assembly’s resolution and proposals of the President, the Prime Minister, the Vietnam Fatherland Front Central Committee, the Chief Justice of the

Supreme People’s Court, the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy, the State Auditor General, and the Ethnic Council, Committees and deputies of the National Assembly, the Standing Committee of the National Assembly shall prepare the agenda for a National Assembly session.

The Standing Committee of the ongoing National Assembly shall prepare the agenda for the first session of the succeeding National Assembly.

2. The tentative agenda of a National Assembly session shall be published in the mass media no later than 15 days before the session opens, for a regular session, and no later than 4 days before the session opens, for an extraordinary session.

3. The National Assembly shall decide on the agenda of its session. When necessary and at the proposal of the President, the Prime Minister, the Vietnam Fatherland Front Central Committee, the Chief Justice of the Supreme People’s Court, the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy, the State Auditor General, and the Ethnic Council, Committees and deputies of the National Assembly, the Standing Committee of the National Assembly shall propose the National Assembly to decide on the modification of the session agenda.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Standing Committee of the National Assembly shall decide to convene a regular or an extraordinary National Assembly session no later than 30 days or 7 days respectively before the session opens.

2. The first session of a newly elected National Assembly shall be convened within sixty days from the date of election of National Assembly deputies.

3. The decision to convene a session together with its tentative agenda shall be sent to National Assembly deputies.

Article 93. Persons invited to National Assembly sessions; observers at National Assembly sessions

1. The Chief Justice of the Supreme People’s Court, the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy, members of the Government, the State Auditor General and heads of agencies established by the National Assembly other than National Assembly deputies who are invited to National Assembly sessions shall attend plenary meetings of the National Assembly session which discuss matters related to the sectors or fields under their charge. Persons invited to a National Assembly session may give their opinions about matters related to the sectors or fields under their charge if so approved by the Chairperson of the National Assembly or shall give opinions at the request of the Chairperson of the National Assembly.

2. Representatives of state agencies, central agencies of political organizations, socio-political organizations, social organizations, economic organizations, people’s armed forces units and press agencies and international guests may be invited to public meetings of the National Assembly.

3. Citizens may attend public meetings of the National Assembly as observers.

Article 94. Forms of working at National Assembly sessions

1. Plenary meetings of the National Assembly.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Meetings held by the Ethnic Council or Committees of the National Assembly to discuss and consider contents on the session agenda in the fields under the charge of the Council or Committees.

4. Meetings of the National Assembly deputies’ delegations and groups of National Assembly deputies to discuss contents on the session agenda.

5. When necessary, the Chairperson of the National Assembly may invite heads of the National Assembly deputies’ delegations, the Chairperson of the Ethnic Council, Chairpersons of Committees of the National Assembly and other related National Assembly deputies to exchange opinions on matters to be presented to the National Assembly for consideration and decision.

6. Opinions of National Assembly deputies presented at plenary meetings, meetings of the National Assembly deputies’ delegations and groups of National Assembly deputies and written opinions of National Assembly deputies must be equally valid and be fully collected and summarized for reporting to the National Assembly.

Article 95. Responsibility for presiding over National Assembly meetings

1. The Chairperson of the National Assembly shall preside over National Assembly meetings, ensure the implementation of the agenda of the session and the regulations on National Assembly sessions. Vice Chairpersons of the National Assembly shall assist the Chairperson in administering the meetings as assigned by the latter.

2. At the first session of each National Assembly, the Chairperson of the ongoing National Assembly shall open and preside over meetings of the National Assembly until the new National Assembly elects its Chairperson.

Article 96. Voting at plenary meetings

1. The National Assembly shall decide on matters at plenary meetings by voting. National Assembly deputies have the right to vote for, to vote against or to abstain.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Open vote;

b/ Secret vote.

3. Laws and resolutions of the National Assembly shall be passed when they are voted for by more than half of the total number of National Assembly deputies, except the cases prescribed in Clause 3, Article 2, Clause 4, Article 4, and Clause 2, Article 40, of this Law.

Article 97. Documents of National Assembly sessions

1. The Chairperson of the National Assembly shall decide on official documents to be used at a session at the proposal of the Secretary General-Chairperson of the Office of the National Assembly.

2. Bills, draft resolutions and other documents shall be sent to National Assembly deputies no later than 20 days, and other documents, no later than 10 days, before the National Assembly session opens.

3. National Assembly deputies shall comply with regulations on the use and preservation of documents during the session.

4. The Secretary General-Chairperson of the Office of the National Assembly shall decide on reference documents for National Assembly deputies at the session.

Chapter VI

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 98. Secretary General of the National Assembly

1. The Secretary General of the National Assembly shall be elected, relieved of duty and removed from office by the National Assembly. The Secretary General shall advise on and serve activities of the National Assembly, its Standing Committee and National Assembly deputies and perform the tasks and exercise the powers below:

a/ To advise the Chairperson of the National Assembly and the Standing Committee of the National Assembly on tentative working programs of the National Assembly and the Standing Committee of the National Assembly; and on the order and procedures for carrying out activities of the National Assembly and its Standing Committee;

b/ To coordinate with the Ethnic Council, Committees of the National Assembly and concerned agencies and organizations in drafting resolutions regarding contents assigned by the National Assembly or its Standing Committee;

c/ To be the speaker of the National Assembly and its Standing Committee; to organize the information provision, press, publication, library and museum work and information technology application to serve activities of the National Assembly and its agencies and deputies;

d/ To organize secretarial work at National Assembly sessions and meetings of the Standing Committee of the National Assembly; to collect and summarize opinions of National Assembly deputies; to sign minutes of sessions and meetings;

dd/ To perform other tasks and exercise other powers as assigned by the Chairperson of the National Assembly or its Standing Committee.

2. The Secretary General of the National Assembly shall be assisted by a Secretariat. The organizational structure, tasks and powers of the Secretariat shall be specifically defined by the Standing Committee of the National Assembly.

Article 99. The Office of the National Assembly

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ To organize services for National Assembly sessions, meetings of the Standing Committee of the National Assembly and other activities of the National Assembly and its Standing Committee, Ethnic Council and Committees;

b/ To manage cadres, civil servants, public employees and other employees serving the National Assembly and its agencies;

c/ To manage the operation funds of the National Assembly;

d/ To ensure physical foundations and other conditions for the activities of the National Assembly and its agencies, offices of the National Assembly deputies’ delegations and National Assembly deputies; to create conditions for National Assembly deputies to propose bills and draft ordinances and motions on laws and ordinances.

2. The Secretary General cum Chairperson of the Office of the National Assembly shall take responsibility before the National Assembly and its Standing Committee for the activities of the Office of the National Assembly.

Vice Chairpersons of the Office of the National Assembly shall be appointed, relieved of duty and dismissed at the proposal of the Secretary General-Chairperson of the Office of the National Assembly.

3. The Standing Committee of the National Assembly shall specifically define the organizational structure, tasks and powers of the Office of the National Assembly; decide on the payroll of cadres, civil servants and public employees and stipulate regimes and policies applicable to cadres, civil servants and public employees and other employees of the Office of the National Assembly in conformity with specific characteristics of the activities of the National Assembly.

Article 100. Agencies of the Standing Committee of the National Assembly

1. The Standing Committee of the National Assembly shall establish its agencies to advise and assist it in specific affairs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 101. Operation funds of the National Assembly

1. The operation funds of the National Assembly include the fund for general activities of the National Assembly and the fund for activities of the Standing Committee, the Ethnic Council, the Committees, the Secretary General and the Office of the National Assembly, agencies of the Standing Committee of the National Assembly and National Assembly deputies’ delegations, which constitute a separate item in the state budget to be decided by the National Assembly.

2. The estimation, management, allocation and use of the operation fund of the National Assembly must comply with the law on state budget.

Chapter VII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 102. Effect

1. This Law takes effect on January 1, 2016.

2. Law No. 30/2001/QH10 on Organization of the National Assembly, which was amended and supplemented under Law No. 83/2007/QH11, ceases to be effective on the effective date of this Law.

This Law was passed on November 20, 2014, by the XIIIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 8th session.-

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

CHAIRPERSON OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Sinh Hung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Tổ chức Quốc hội 2014

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


176.197

DMCA.com Protection Status
IP: 3.239.3.196
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!