Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Thanh tra 2004 số 22/2004/QH11

Số hiệu: 22/2004/QH11 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Văn An
Ngày ban hành: 15/06/2004 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2004/QH11

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2004

LUẬT

CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 22/2004/QH11 VỀ THANH TRA NGÀY 15/06/2004

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về thanh tra.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân.

Điều 2. Phạm vi thanh tra

Cơ quan thanh tra nhà nước tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Ban thanh tra nhân dân giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

Điều 3. Mục đích thanh tra

Hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thanh tra nhà nước là việc xem xét, đánh giá, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự quản lý theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này và các quy định khác của pháp luật. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

2. Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước theo cấp hành chính đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp.

3. Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật, những quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân thông qua Ban thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động thanh tra

Hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Điều 6. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước

Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra.

Điều 7. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên

Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên trong hoạt động thanh tra phải tuân theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Điều 8. Trách nhiệm và quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra, có quyền giải trình về nội dung thanh tra, có các quyền và trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra phải cung cấp đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của những thông tin, tài liệu đã cung cấp.

Điều 9. Phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan, tổ chức hữu quan

Cơ quan thanh tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an, Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.

Điều 10. Cơ quan thanh tra nhà nước

1. Các cơ quan thanh tra nhà nước bao gồm:

a) Cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính;

b) Cơ quan thanh tra được thành lập ở cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực.

2. Cơ quan thanh tra nhà nước chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ; chịu sự hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ của cơ quan thanh tra cấp trên.

Điều 11. Ban thanh tra nhân dân

1. Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, chỉ đạo hoạt động.

Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó hướng dẫn tổ chức, chỉ đạo hoạt động.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để Ban thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ của mình.

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.

2. Thanh tra vượt quá thẩm quyền, phạm vi, nội dung trong quyết định thanh tra.

3. Cố ý kết luận sai sự thật, quyết định, xử lý trái pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật.

4. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức.

5. Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực; chiếm đoạt, thủ tiêu tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.

6. Chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho hoạt động thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.

7. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra.

8. Các hành vi khác bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN THANH TRA NHÀ NƯỚC

Mục 1:

CƠ QUAN THANH TRA THEO CẤP HÀNH CHÍNH

Điều 13. Tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính

Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm có:

1. Thanh tra Chính phủ;

2. Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Thanh tra tỉnh);

3. Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Thanh tra huyện).

Điều 14. Thanh tra Chính phủ

1. Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ.

2. Thanh tra Chính phủ có Tổng thanh tra, Phó Tổng thanh tra và Thanh tra viên.

Tổng thanh tra là thành viên Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Tổng thanh tra chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra.

3. Cơ cấu, tổ chức bộ máy của Thanh tra Chính phủ do Chính phủ quy định.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ

1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Thanh tra vụ việc có liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Thanh tra vụ việc khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

4. Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

5. Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về chống tham nhũng.

6. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, về khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền; hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra, về khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn công tác, tổ chức và nghiệp vụ thanh tra; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra.

8. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ; tổng kết kinh nghiệm về công tác thanh tra.

9. Thực hiện hợp tác quốc tế về công tác thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng.

10. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng thanh tra

1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

3. Trình Thủ tướng Chính phủ hoặc tự mình quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

4. Đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (gọi chung là Bộ trưởng), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thanh tra trong phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ (gọi chung là bộ), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh).

5. Kiến nghị Bộ trưởng đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những quy định do bộ đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước, của Tổng thanh tra về công tác thanh tra; nếu Bộ trưởng không đình chỉ hoặc huỷ bỏ văn bản đó thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

6. Đình chỉ việc thi hành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trái với văn bản của Tổng thanh tra về công tác thanh tra.

7. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của Thủ tướng; phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

8. Xem xét những vấn đề mà Chánh thanh tra bộ không nhất trí với Bộ trưởng, Chánh thanh tra tỉnh không nhất trí với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về công tác thanh tra và đề nghị Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét lại; trường hợp Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không xem xét hoặc đã xem xét nhưng Tổng thanh tra không nhất trí thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

9. Lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.

Điều 17. Thanh tra tỉnh

1. Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính trong phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Thanh tra tỉnh có Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra và Thanh tra viên.

Chánh thanh tra tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng thanh tra.

3. Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh

1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện), của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (gọi chung là sở).

2. Thanh tra vụ việc có liên quan đến trách nhiệm của nhiều Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nhiều sở.

3. Thanh tra vụ việc khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao.

4. Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

5. Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về chống tham nhũng.

6. Hướng dẫn công tác, nghiệp vụ thanh tra hành chính; phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan hướng dẫn chế độ chính sách, tổ chức biên chế đối với Thanh tra huyện, Thanh tra của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (gọi chung là Thanh tra sở).

7. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh thanh tra tỉnh

1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

3. Trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

4. Đề nghị Thủ trưởng cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (gọi chung là Giám đốc sở), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thanh tra trong phạm vi quản lý của sở, Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

5. Kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

6. Kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra; trường hợp kiến nghị đó không được chấp nhận thì báo cáo Tổng thanh tra.

7. Xem xét những vấn đề mà Chánh thanh tra sở không nhất trí với Giám đốc sở, Chánh thanh tra huyện không nhất trí với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện về công tác thanh tra và đề nghị Giám đốc sở, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét lại; trường hợp Giám đốc sở, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện không xem xét hoặc đã xem xét nhưng Chánh thanh tra tỉnh không nhất trí thì báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

8. Lãnh đạo cơ quan Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.

Điều 20. Thanh tra huyện

1. Thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện, có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính trong phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

2. Thanh tra huyện có Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra và Thanh tra viên.

Chánh thanh tra huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh thanh tra tỉnh.

3. Thanh tra huyện chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Uỷ ban nhân cùng cấp, đồng thời chịu sự hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh.

Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện

1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

2. Thanh tra vụ việc có liên quan đến trách nhiệm của nhiều Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nhiều cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

3. Thanh tra vụ việc khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giao.

4. Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

5. Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về chống tham nhũng.

6. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh thanh tra huyện

1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

3. Trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

4. Đề nghị Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của cơ quan đó.

5. Kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

6. Kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra; trường hợp kiến nghị đó không được chấp nhận thì báo cáo Chánh thanh tra tỉnh.

7. Lãnh đạo cơ quan Thanh tra huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.

Mục 2:

CƠ QUAN THANH TRA THEO NGÀNH, LĨNH VỰC

Điều 23. Tổ chức cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực

1. Các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm có:

a) Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (gọi chung là Thanh tra bộ). Thanh tra bộ có thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được thành lập cơ quan thanh tra. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ được áp dụng như đối với Thanh tra bộ;

b) Thanh tra sở.

Thanh tra sở được thành lập ở những sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức Thanh tra bộ và việc thành lập Thanh tra sở.

Điều 24. Thanh tra bộ

1. Thanh tra bộ là cơ quan của bộ, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

2. Thanh tra bộ có Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra và Thanh tra viên.

Chánh thanh tra bộ do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng thanh tra.

3. Thanh tra bộ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Điều 25. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra bộ

1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của bộ.

2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực do bộ phụ trách.

3. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

4. Thanh tra vụ việc khác do Bộ trưởng giao.

5. Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

6. Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về chống tham nhũng.

7. Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với Thanh tra sở; hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc bộ thực hiện quy định của pháp luật về công tác thanh tra.

8. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh thanh tra bộ

1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng quyết định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

3. Trình Bộ trưởng quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

4. Kiến nghị Bộ trưởng tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sai trái về thanh tra của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của bộ.

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

6. Kiến nghị Bộ trưởng xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng; phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

7. Kiến nghị Bộ trưởng giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra; trường hợp kiến nghị đó không được chấp nhận thì báo cáo Tổng thanh tra.

8. Lãnh đạo cơ quan Thanh tra bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.

Điều 27. Thanh tra sở

1. Thanh tra sở là cơ quan của sở, có trách nhiệm giúp Giám đốc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc sở.

2. Thanh tra sở có Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra và Thanh tra viên.

Chánh thanh tra sở do Giám đốc sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh thanh tra tỉnh.

3. Thanh tra sở chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc sở, đồng thời chịu sự hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh, về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra bộ.

Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở

1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của sở.

2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quản lý do sở phụ trách.

3. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

4. Thanh tra vụ việc khác do Giám đốc sở giao.

5. Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

6. Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về chống tham nhũng.

7. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc sở thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thanh tra.

8. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của sở.

9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh thanh tra sở

1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của sở.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Giám đốc sở quyết định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

3. Trình Giám đốc sở quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

4. Kiến nghị Giám đốc sở tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sai trái về thanh tra của đơn vị thuộc quyền quản lý của sở.

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

6. Kiến nghị Giám đốc sở xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của sở.

7. Kiến nghị Giám đốc sở giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra; trường hợp kiến nghị đó không được chấp nhận thì báo cáo Chánh thanh tra tỉnh.

8. Lãnh đạo cơ quan Thanh tra sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.

Mục 3:

THANH TRA VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN THANH TRA

Điều 30. Thanh tra viên

Thanh tra viên là công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Thanh tra viên được cấp trang phục, thẻ thanh tra viên.

Ngạch thanh tra, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thanh tra viên do Chính phủ quy định.

Điều 31. Tiêu chuẩn chung của Thanh tra viên

1. Người được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;

b) Tốt nghiệp đại học, có kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức pháp luật; đối với Thanh tra viên chuyên ngành còn phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó;

c) Có nghiệp vụ thanh tra;

d) Có ít nhất hai năm làm công tác thanh tra đối với người mới được tuyển dụng vào ngành thanh tra (không kể thời gian tập sự); nếu là cán bộ, công chức công tác ở cơ quan, tổ chức khác chuyển sang cơ quan thanh tra nhà nước thì phải có ít nhất một năm làm công tác thanh tra.

2. Căn cứ vào tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, Chính phủ quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với Thanh tra viên của từng ngạch thanh tra.

Điều 32. Cộng tác viên thanh tra

Trong hoạt động thanh tra, cơ quan thanh tra có quyền trưng tập cộng tác viên.

Cộng tác viên thanh tra là người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ thanh tra.

Tiêu chuẩn cụ thể, chế độ, trách nhiệm đối với cộng tác viên thanh tra; việc trưng tập cộng tác viên thanh tra do Chính phủ quy định.

Điều 33. Trách nhiệm của Thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra

Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao; Thanh tra viên còn phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ thanh tra.

Thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Mục 1:

HOẠT ĐỘNG THANH TRA HÀNH CHÍNH

Điều 34. Hình thức thanh tra hành chính

1. Hoạt động thanh tra hành chính được thực hiện dưới hình thức thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất.

2. Thanh tra theo chương trình, kế hoạch được tiến hành theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

Điều 35. Thẩm quyền phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra; quyết định việc thanh tra hành chính

Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở theo quy định của Luật này có trách nhiệm phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra của năm sau do Tổng thanh tra, Chánh thanh tra cùng cấp trình chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 của năm trước; quyết định việc thanh tra theo đề nghị của Tổng thanh tra, Chánh thanh tra cùng cấp.

Điều 36. Thẩm quyền, căn cứ ra quyết định thanh tra hành chính

1. Hoạt động thanh tra chỉ được thực hiện khi có quyết định thanh tra.

2. Thủ trưởng cơ quan thanh tra ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.

Đoàn thanh tra có Trưởng Đoàn thanh tra và các thành viên.

3. Việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây:

a) Chương trình, kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt;

b) Yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước;

c) Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Điều 37. Nội dung quyết định thanh tra hành chính

1. Quyết định thanh tra phải ghi rõ:

a) Căn cứ pháp lý để thanh tra;

b) Đối tượng, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra;

c) Thời hạn tiến hành thanh tra;

d) Trưởng Đoàn thanh tra và các thành viên khác của Đoàn thanh tra.

2. Chậm nhất là ba ngày kể từ ngày ký, quyết định thanh tra phải được gửi cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp thanh tra đột xuất.

Quyết định thanh tra phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định thanh tra. Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập thành văn bản.

Điều 38. Thời hạn thanh tra hành chính

1. Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra được quy định như sau:

a) Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá sáu mươi ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá chín mươi ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá một trăm năm mươi ngày;

b) Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá bốn mươi lăm ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá bảy mươi ngày;

c) Cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, Thanh tra sở tiến hành không quá ba mươi ngày; ở miền núi, nơi nào đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá bốn mươi lăm ngày.

2. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến khi kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.

3. Việc kéo dài thời hạn thanh tra quy định tại khoản 1 Điều này do người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra quyết định.

Điều 39. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra hành chính

1. Trong quá trình thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức, chỉ đạo các thành viên trong Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, đối tượng, thời hạn đã ghi trong quyết định thanh tra;

b) Kiến nghị với người ra quyết định thanh tra áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của Đoàn thanh tra;

c) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; khi cần thiết có thể tiến hành kiểm kê tài sản của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;

đ) Yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép được cấp hoặc sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý;

e) Quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật;

g) Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

h) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra;

i) Báo cáo với người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó.

2. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm đ, e, g và h khoản 1 Điều này thì Trưởng Đoàn thanh tra phải quyết định hoặc kiến nghị huỷ bỏ ngay việc áp dụng các biện pháp đó.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này, Trưởng Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi quyết định của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Điều 40. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra hành chính

1. Trong quá trình thanh tra, Thanh tra viên là thành viên Đoàn thanh tra có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn thanh tra;

b) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Kiến nghị Trưởng Đoàn thanh tra áp dụng các biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra quy định tại Điều 39 của Luật này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;

d) Kiến nghị việc xử lý về những vấn đề khác liên quan đến nội dung thanh tra;

đ) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng Đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng Đoàn thanh tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.

2. Trong quá trình thanh tra, các thành viên khác của Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều này.

Điều 41. Báo cáo kết quả thanh tra hành chính

1. Chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung sau đây:

a) Kết luận cụ thể về từng nội dung đã tiến hành thanh tra;

b) Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có);

c) ý kiến khác nhau giữa thành viên Đoàn thanh tra với Trưởng Đoàn thanh tra về nội dung báo cáo kết quả thanh tra (nếu có);

d) Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã được áp dụng; kiến nghị các biện pháp xử lý.

2. Báo cáo kết quả thanh tra được gửi tới người ra quyết định thanh tra. Trong trường hợp người ra quyết định thanh tra là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì báo cáo kết quả thanh tra còn được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp.

Điều 42. Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra hành chính

1. Người ra quyết định thanh tra có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo, kiểm tra Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định thanh tra;

b) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

d) Yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép được cấp hoặc sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý;

đ) Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

e) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra;

g) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức cố ý cản trở việc thanh tra hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định thanh tra;

h) Ra quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý về thanh tra;

i) Quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra theo quy định của pháp luật;

k) Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của Trưởng Đoàn thanh tra, các thành viên khác của Đoàn thanh tra;

l) Kết luận về nội dung thanh tra;

m) Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày phát hiện có dấu hiệu của tội phạm; đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

2. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều này thì người ra quyết định thanh tra phải quyết định hoặc kiến nghị huỷ bỏ ngay việc áp dụng các biện pháp đó.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này, người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi quyết định của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Điều 43. Kết luận thanh tra

1. Chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra phải có các nội dung sau đây:

a) Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra;

b) Kết luận về nội dung được thanh tra;

c) Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có);

d) Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã được áp dụng; kiến nghị các biện pháp xử lý.

2. Trong quá trình ra văn bản kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra kết luận thanh tra.

3. Kết luận thanh tra được gửi tới Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp và đối tượng thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước là người ra quyết định thanh tra thì kết luận thanh tra còn được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp.

Điều 44. Việc xem xét, xử lý kết luận thanh tra

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm xem xét kết luận thanh tra; xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Mục 2:

HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Điều 45. Hình thức thanh tra chuyên ngành

Hoạt động thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo các hình thức quy định tại Điều 34 của Luật này.

Điều 46. Thẩm quyền phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra; quyết định việc thanh tra chuyên ngành

Bộ trưởng, Giám đốc sở có trách nhiệm phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra chuyên ngành, quyết định việc thanh tra do Chánh thanh tra cùng cấp trình.

Điều 47. Thẩm quyền, căn cứ ra quyết định thanh tra, nội dung quyết định thanh tra chuyên ngành

1. Chánh thanh tra bộ, Chánh thanh tra sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra hoặc phân công Thanh tra viên chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Bộ trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra. Trong quyết định thanh tra phải có các nội dung theo quy định tại Điều 37 của Luật này.

Trong trường hợp phân công thanh tra viên chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập thì người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra phải xác định rõ phạm vi, nhiệm vụ, thời hạn tiến hành thanh tra.

2. Ngoài những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này, Chính phủ quy định người được ra quyết định thanh tra, thành lập Đoàn thanh tra và phân công Thanh tra viên chuyên ngành đối với một số ngành, lĩnh vực.

3. Căn cứ ra quyết định thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này.

Điều 48. Thời hạn thanh tra chuyên ngành

1. Thời hạn một cuộc thanh tra chuyên ngành được tổ chức theo Đoàn thanh tra không quá ba mươi ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến khi kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.

2. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra có thể gia hạn một lần. Thời gian gia hạn không vượt quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 49. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành

Trong quá trình thanh tra chuyên ngành, Trưởng Đoàn thanh tra có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy phép, đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề;

2. Lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra;

3. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác quy định tại Điều 39 của Luật này;

5. Báo cáo với người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó.

Điều 50. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra viên chuyên ngành

1. Thanh tra viên chuyên ngành khi tiến hành thanh tra theo Đoàn thì thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.

2. Thanh tra viên chuyên ngành khi tiến hành thanh tra độc lập phải xuất trình thẻ Thanh tra viên chuyên ngành và có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy phép, đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề;

b) Lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra;

c) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật vượt quá thẩm quyền xử lý của mình thì thanh tra viên chuyên ngành phải báo cáo Chánh thanh tra quyết định;

d) Báo cáo Chánh thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Điều 51. Báo cáo kết quả thanh tra chuyên ngành

Thời hạn báo cáo, nội dung báo cáo kết quả thanh tra chuyên ngành của Đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 41 của Luật này.

Điều 52. Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra chuyên ngành, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước

1. Người ra quyết định thanh tra chuyên ngành có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Luật này; có quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 44 của Luật này.

Mục 3:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA ĐỐI TƯỢNG THANH TRA; GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ THANH TRA

Điều 53. Quyền của đối tượng thanh tra

1. Đối tượng thanh tra có các quyền sau đây:

a) Giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra;

b) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước khi pháp luật có quy định và thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra;

c) Khiếu nại với người ra quyết định thanh tra về quyết định, hành vi của Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, các thành viên khác của Đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật; khiếu nại với Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra khi có căn cứ cho rằng kết luận, quyết định đó là trái pháp luật. Trong khi chờ việc giải quyết thì người khiếu nại vẫn phải thực hiện các quyết định đó;

d) Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên và các thành viên khác của Đoàn thanh tra.

Điều 54. Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra

1. Chấp hành quyết định thanh tra.

2. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan Thanh tra, Đoàn thanh tra, Thanh tra viên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

3. Chấp hành yêu cầu, kết luận thanh tra, quyết định xử lý của cơ quan thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 55. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thanh tra

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Mục 4: HỒ SƠ THANH TRA, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN ĐIỀU TRA

Điều 56. Hồ sơ thanh tra

1. Cuộc thanh tra phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ thanh tra gồm có:

a) Quyết định thanh tra; biên bản thanh tra do Đoàn thanh tra, Thanh tra viên lập; báo cáo, giải trình của đối tượng thanh tra; báo cáo kết quả thanh tra;

b) Kết luận thanh tra;

c) Văn bản về việc xử lý, kiến nghị việc xử lý;

d) Các tài liệu khác có liên quan đến cuộc thanh tra.

2. Việc quản lý, sử dụng hồ sơ thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 57. Trách nhiệm của cơ quan điều tra

Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật quy định tại điểm m khoản 1 Điều 42 của Luật này và xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan điều tra phải thông báo bằng văn bản về việc xử lý cho cơ quan thanh tra; trường hợp vụ việc có nội dung, tình tiết phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài, nhưng không quá sáu mươi ngày; quá thời hạn này mà cơ quan thanh tra không nhận được thông báo bằng văn bản về việc xử lý của cơ quan điều tra thì có quyền kiến nghị cơ quan điều tra cấp trên và Viện kiểm sát nhân dân cấp trên.

Chương 4:

THANH TRA NHÂN DÂN

Điều 58. Tổ chức Thanh tra nhân dân

Thanh tra nhân dân được tổ chức dưới hình thức Ban thanh tra nhân dân.

Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

Điều 59. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân

1. Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

2. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.

3. Khi cần thiết, được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định.

4. Kiến nghị với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua việc giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và người lao động, biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Mục 1: BAN THANH TRA NHÂN DÂN Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Điều 60. Tổ chức Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn

1. Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố bầu.

Căn cứ vào địa bàn và số lượng dân cư, mỗi Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ năm đến mười một thành viên.

Thành viên Ban thanh tra nhân dân không phải là người đương nhiệm trong Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Nhiệm kỳ của Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn là hai năm.

2. Trong nhiệm kỳ, thành viên Ban thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không còn được nhân dân tín nhiệm thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn đề nghị Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân đã bầu ra thành viên đó bãi nhiệm và bầu người khác thay thế.

Điều 61. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn

1. Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trực tiếp chỉ đạo hoạt động.

2. Ban thanh tra nhân dân căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn, chương trình hành động và sự chỉ đạo của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn đề ra phương hướng, nội dung kế hoạch hoạt động của mình.

3. Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn. Khi cần thiết, Trưởng Ban thanh tra nhân dân được mời tham dự cuộc họp của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn.

Điều 62. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn

1. Thông báo cho Ban thanh tra nhân dân những chính sách, pháp luật chủ yếu liên quan đến tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương.

2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết cho Ban thanh tra nhân dân.

3. Xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân, thông báo kết quả giải quyết trong thời hạn chậm nhất không quá mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị đó; xử lý người có hành vi cản trở hoạt động của Ban thanh tra nhân dân hoặc người có hành vi trả thù, trù dập thành viên Ban thanh tra nhân dân.

4. Thông báo cho Ban thanh tra nhân dân kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

5. Hỗ trợ kinh phí, phương tiện để Ban thanh tra nhân dân hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Trách nhiệm của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn

1. Hướng dẫn việc tổ chức Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố bầu Ban thanh tra nhân dân.

2. Ra văn bản công nhận Ban thanh tra nhân dân và thông báo cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và nhân dân ở địa phương; tổ chức cuộc họp của Ban thanh tra nhân dân để Ban thanh tra nhân dân bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.

3. Hướng dẫn Ban thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, nội dung công tác; định kỳ nghe báo cáo về hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; đôn đốc việc giải quyết những kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân.

4. Động viên nhân dân ở địa phương ủng hộ, phối hợp, tham gia các hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

5. Xác nhận biên bản, kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân.

Mục 2: BAN THANH TRA NHÂN DÂN Ở CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Điều 64. Tổ chức Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước

1. Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước do Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức bầu.

Ban thanh tra nhân dân có từ ba đến chín thành viên là người lao động hoặc đang công tác trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

Nhiệm kỳ của Ban thanh tra nhân dân là hai năm.

2. Trong nhiệm kỳ, nếu thành viên Ban thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không còn được tín nhiệm thì Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đề nghị Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức bãi nhiệm và bầu người khác thay thế.

Điều 65. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước

1. Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo hoạt động.

2. Căn cứ vào nghị quyết Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và sự chỉ đạo của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Ban thanh tra nhân dân lập chương trình công tác theo từng quý, từng năm.

3. Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

Điều 66. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước

1. Thông báo cho Ban thanh tra nhân dân về các chế độ, chính sách và những thông tin cần thiết khác; bảo đảm quyền lợi đối với thành viên Ban thanh tra nhân dân trong thời gian thành viên đó thực hiện nhiệm vụ.

2. Yêu cầu các đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung giám sát để Ban thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ.

3. Xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân; thông báo kết quả giải quyết trong thời hạn chậm nhất không quá mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị đó; xử lý người có hành vi cản trở hoạt động của Ban thanh tra nhân dân hoặc người có hành vi trả thù, trù dập thành viên Ban thanh tra nhân dân.

4. Thông báo cho Ban thanh tra nhân dân kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

5. Hỗ trợ kinh phí, phương tiện để Ban thanh tra nhân dân hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 67. Trách nhiệm của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở

1. Phối hợp với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước tổ chức Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức bầu Ban thanh tra nhân dân.

2. Ra văn bản công nhận Ban thanh tra nhân dân và thông báo cho cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước; tổ chức cuộc họp của Ban thanh tra nhân dân để Ban thanh tra nhân dân bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.

3. Hướng dẫn Ban thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, nội dung công tác, định kỳ nghe báo cáo kết quả hoạt động và giải quyết kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân đối với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.

4. Động viên người lao động ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ủng hộ, tham gia hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

5. Xác nhận biên bản, kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 68. Hoạt động thanh tra trong các cơ quan khác của Nhà nước; tổ chức và hoạt động thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân

1. Căn cứ vào quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan khác của Nhà nước tổ chức và chỉ đạo hoạt động thanh tra trong ngành, cơ quan mình.

2. Tổ chức và hoạt động thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Chính phủ quy định.

Điều 69. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2004.

Pháp lệnh thanh tra ngày 29 tháng 3 năm 1990 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 70. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật này.

Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Chính phủ hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004.

Nguyễn Văn An

(Đã ký)

THE NATIONAL ASSEMBLY
-----------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
--------------

No. 22/2004/QH11

Hanoi, June 15, 2004

 

LAW

ON INSPECTION

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Scope of regulation

This Law prescribes the organization and activities of the State’s inspection and people’s inspection.

Article 2.- Scope of inspection

The State inspection agencies inspect the implementation of policies and laws, the performance of tasks by agencies, organizations or individuals under the management of State management agencies of the same level.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 3.- Inspection purposes

Inspection activities aim to prevent, detect and handle acts of law violation; detect loopholes in the management mechanisms, policies and laws, then propose remedial measures to competent State agencies; promote positive factors; contribute to raising the effectiveness and efficiency of State management activities; protect the State’s interests, rights and legitimate interests of agencies, organizations and individuals.

Article 4.- Interpretation of terms

In this Law, the following terms are construed as follows:

1. State inspection means the examination, assessment and handling by State management agencies of the implementation of policies and laws, the performance of tasks by agencies, organizations or individuals under their management according to the competence, order and procedures prescribed in this Law and other law provisions. The State inspection includes administrative inspection and specialized inspection.

2. Administrative inspection means inspection activities of State management agencies according to administrative levels over the implementation of policies and laws and the performance of tasks by agencies, organizations or individuals under their direct management.

3. Specialized inspection means inspection activities of State management agencies according to branches or domains over the implementation of laws, professional-technical regulations and/or management rules of branches and domains by agencies, organizations or individuals under their management.

4. People’s inspection means the form of people’s supervision through the people’s inspection boards over the implementation of policies and laws, the settlement of complaints and denunciations, the implementation of the grassroots democracy regulation by responsible agencies, organizations or individuals in communes, wards, district townships, State agencies, non-business units and State enterprises.

Article 5.- Principles of inspection activities

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 6.- Responsibilities of the heads of the State management agencies

The Prime Minister, the ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the Government-attached agencies, the presidents of the People’s Committees of the provinces and centrally-run cities, the heads of the professional agencies under the People’s Committees of the provinces and centrally-run cities, the presidents of the People’s Committees of rural districts, urban districts, provincial capitals, provincial towns shall, within the ambit of their respective tasks and powers, have to organize and direct inspection activities, and promptly handle conclusions and proposals of inspection agencies.

Article 7.- Responsibilities of the heads of inspection agencies, the heads of inspection teams and inspectors

In inspection activities, the heads of inspection agencies, the heads of inspection teams and inspectors must comply with the provisions of this Law and other law provisions, and shall be held responsible before law for their acts and decisions.

Article 8.- Responsibilities and rights of agencies, organizations and individuals subject to inspection and the concerned agencies, organizations and individuals

1. Agencies, organizations and individuals subject to inspection shall have to execute inspection requests, petitions and decisions, may explain inspected contents, and have other rights and responsibilities according to this Law and other law provisions.

2. Agencies, organizations and individuals having information and documents related to the inspected contents must fully and promptly supply them at requests of the inspection agencies and take responsibility for the accuracy and truthfulness of the supplied information and documents.

Article 9.- Coordination between inspection agencies and concerned agencies and organizations

Inspection agencies shall, within the ambit of their tasks and powers, have to coordinate with the police, the procuracy and concerned agencies and organizations in preventing, detecting and handling law violation acts and crimes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. State inspection agencies include:

a/ Inspection agencies established according to administrative levels;

b/ Inspection agencies established at the branch- or domain-managing agencies.

2. The State inspection agencies submit to the personal direction of the heads of the State management agencies of the same level, and concurrently submit to the working, organizational and professional direction and guidance of the Government Inspectorate, as well as working and professional guidance of the superior inspection agencies.

Article 11.- People’s inspection boards

1. People’s inspection boards, which are established in communes, wards or district townships, shall be organizationally guided and operationally directed by Vietnam Fatherland Front Committees in such communes, wards or district townships.

People’s inspection boards, which are established in State agencies, non-business units or State enterprises, shall be organizationally guided and operationally directed by the grassroots Trade Union Executive Boards in such agencies, units or enterprises.

2. The presidents of the People’s Committees of communes, wards or district townships, the heads of the State agencies, non-business units and State enterprises shall have to create favorable conditions for the people’s inspection boards to perform their tasks.

Article 12.- Prohibited acts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Conducting inspection beyond the competence, scope or contents stated in inspection decisions.

3. Intentionally making untruthful conclusions, illegal decisions or handling, covering up persons who commit acts of law violation.

4. Disclosing information and/or documents on inspected contents in the inspection process when no official conclusion is made yet.

5. Supplying inaccurate and untruthful information or documents; appropriating or destroying documents or material evidences related to inspected contents.

6. Opposing, obstructing, buying off, avenging or bullying persons performing inspection tasks or supplying information or documents for inspection activities; causing difficulties for inspection activities.

7. Illegally intervening in inspection activities.

8. Other acts strictly prohibited by law in inspection activities.

Chapter II

ORGANIZATION, TASKS AND POWERS OF STATE INSPECTION AGENCIES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 13.- Organization of inspection agencies according to administrative levels

Inspection agencies organized according to administrative levels include:

1. The Government Inspectorate;

2. Inspectorates of the provinces or centrally-run cities (collectively called provincial inspectorates);

3. Inspectorates of rural districts, urban districts, provincial capitals or provincial towns (collectively called district inspectorates).

Article 14.- The Government Inspectorate

1. The Government Inspectorate is an agency of the Government, answerable to the Government for performing the State management over inspection work and performing and exercising the inspection tasks and powers within the Government’s State management scope.

2. The Government Inspectorate consists of the Inspector General, Deputy Inspector General and inspectors.

The Inspector General is a cabinet member recommended by the Prime Minister to the National Assembly for approval and to the State President for appointment, dismissal or removal from office. The Inspector General is answerable to the National Assembly and the Prime Minister for inspection work.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 15.- Tasks and powers of the Government Inspectorate

1. To inspect the implementation of policies and laws, the performance of tasks by the ministries, the ministerial-level agencies, the Government-attached agencies and the People’s Committees of the provinces or centrally-run cities.

2. To inspect cases related to the management responsibilities of many ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies or People’s Committees of many provinces or centrally-run cities.

3. To inspect other cases assigned by the Prime Minister.

4. To perform the task of settling complaints and denunciations according to law provisions on complaints and denunciations.

5. To perform the task of preventing and combating corruption according to law provisions against corruption.

6. To compile legal documents on inspection, complaints, denunciations or corruption combat, then submit them to competent authorities for promulgation or promulgate them according to its competence; to guide, propagate, examine or inspect the observance of law provisions on inspection, complaints, denunciations or corruption combat.

7. To direct and guide the inspection work, organization and professional operations; to provide professional inspection training to the contingent of officials and State employees engaged in inspection work.

8. To sum up and report on results of inspection and settlement of complaints and denunciations or corruption combat within the State management scope of the Government; to sum up experiences in inspection work.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



10. To perform other tasks and powers as prescribed by law.

Article 16.- Tasks and powers of the Inspector General

1. To lead and direct the inspection work within the State management scope of the Government.

2. To work out inspection programs and plans, then submit them to the Prime Minister for decision, and organize the implementation thereof.

3. To propose to the Prime Minister for decision or to decide on his/her own the inspection upon detecting signs of law violations.

4. To request the ministers, the heads of the ministerial-level agencies (collectively called ministers), the presidents of the People’s Committees of the provinces or centrally-run cities to conduct inspection within the management scope of such ministries or ministerial-level agencies (collectively called ministries) or the People’s Committees of the provinces or centrally-run cities (collectively called the provincial-level People’s Committees).

5. To propose ministers to suspend the implementation of, or annul regulations promulgated by their ministries which are contrary to the legal documents of the State or the Inspector General on inspection work. If ministers refuse to suspend or annul such documents, he/she shall submit them to the Prime Minister for decision.

6. To suspend the implementation of, and request the Prime Minister to annul regulations of the provincial-level People’s Committees or the provincial-level People’s Committee presidents, which are contrary to the Inspector General’s documents on inspection work.

7. To propose the Prime Minister to examine liability and handle persons committing violation acts, who are under the Prime Minister’s management; to coordinate with the heads of agencies or organizations in examining liability and handle persons committing violation acts who are under the management of such agencies or organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. Leaders of the Government Inspectorate shall perform the tasks and exercise the powers according to the provisions of this Law and other law provisions.

Article 17.- Provincial inspectorates

1. Provincial inspectorates are professional agencies under the provincial-level People’s Committees, having the responsibility to assist the People’s Committees of the same level in inspection work, and performing and exercising the administrative inspection tasks and powers within the State management scope of the provincial-level People’s Committees.

2. A provincial inspectorate consists of chief inspector, deputy chief inspector and inspectors.

Provincial chief inspectors shall be appointed, dismissed or removed from office by the presidents of the People’s Committees of the same level after reaching agreement with the Inspector General.

3. Provincial inspectorates directly submit to the direction by the People’s Committees of the same level and concurrently submit to the working, organizational and professional direction and guidance by the Government Inspectorate.

Article 18.- Tasks and powers of provincial inspectorates

1. To inspect the implementation of policies and laws, the performance of tasks by the People’s Committees of rural districts, urban districts, provincial capitals or provincial towns (collectively called district-level People’s Committees), or the professional agencies of the provincial-level People’s Committees (collectively called provincial services).

2. To inspect cases and matters related to responsibilities of many People’s Committees of rural districts, urban districts, provincial capitals, provincial towns or many provincial services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To perform the task of settling complaints and denunciations according to law provisions on complaints and denunciations.

5. To perform the task of preventing and combating corruption according to law provisions against corruption.

6. To guide administrative inspection work and professional operations; to coordinate with the concerned agencies and organizations in guiding regimes, policies towards, and organization and payrolls of, district inspectorates, inspectorates of professional agencies under the provincial-level People’s Committees (collectively called provincial services’ inspectorates).

7. To sum up and report on results of the inspection work and settlement of complaints and denunciations or corruption combat within the State management scope of the provincial-level People’s Committees.

8. To perform other tasks and powers as prescribed by law.

Article 19.- Tasks and powers of provincial chief inspectors

1. To lead and direct the inspection works within the State management scope of the provincial-level People’s Committees.

2. To work out inspection programs and plans, then submit them to the provincial-level People’s Committee presidents for decision, and organize the implementation thereof.

3. To propose the provincial-level People’s Committee presidents to decide on inspection when detecting signs of law violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. To propose the provincial-level People’s Committee presidents to examine liability and handle violators under the management of the provincial-level People’s Committee presidents; to coordinate with the heads of agencies or organizations in examining liability and handle violators under the management of such agencies or organizations.

6. To request the provincial-level People’s Committee presidents to settle matters related to inspection work. To report to the Inspector General in cases where such requests are not accepted.

7. To examine inspection-related matters on which the provincial services’ chief inspectors disagree with the services’ directors, or the district chief inspectors disagree with the district-level People’s Committee presidents, and request the provincial services’ directors or the district-level People’s Committee presidents to re-examine them. To report such to the provincial-level People’s Committee presidents for decision in cases where the provincial services’ directors or the district-level People’s Committee presidents refuse to re-examine or have made the re-examinations but the provincial chief inspectors disagree therewith.

8. To lead their provincial inspection agencies in performing and exercising the powers and tasks according to the provisions of this Law and other law provisions.

Article 20.- District inspectorates

1. District inspectorates are professional agencies under the district-level People’s Committees, having the responsibility to assist the People’s Committees of the same level in State management over inspection work, and performing and exercising the tasks and powers of administrative inspection within the State management scope of the district-level People’s Committees.

2. A district inspectorate consists of chief inspector, deputy chief inspector and inspectors.

District chief inspectors shall be appointed, dismissed or removed from office by the district-level People’s Committee presidents after reaching agreement with the provincial chief inspectors.

3. District inspectorates submit to the personal direction of the presidents of the People’s Committees of the same level, and concurrently submit to working and professional guidance in the administrative inspection of the provincial inspectorates .

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To inspect the implementation of policies and laws and the performance of tasks by the People’s Committees of communes, wards or district townships, or the professional agencies of the district-level People’s Committees.

2. To inspect cases and matters related to the responsibilities of People’s Committees of many communes, wards or district townships, or many professional agencies of the district-level People’s Committees.

3. To inspect other cases and matters assigned by the district-level People’s Committee presidents.

4. To perform the task of settling complaints and denunciations according to law provisions on complaints and denunciations.

5. To perform the task of preventing and combating corruption according to law provisions against corruption.

6. To sum up and report on results of inspection work, settlement of complaints and denunciations or corruption combat within the management scope of the district-level People’s Committees.

7. To perform other tasks and powers as prescribed by law.

Article 22.- Tasks and powers of district chief inspectors

1. To lead and direct the inspection work within the State management scope of the district-level People’s Committees.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To propose the district-level People’s Committee presidents to decide on the inspection when detecting signs of law violations.

4. To request of the heads of the professional agencies of the district-level People’s Committees to conduct inspection within the ambit of responsibility of such agencies.

5. To propose the district-level People’s Committee presidents to examine liability and handle violators under the management of the district-level People’s Committee presidents; to coordinate with the heads of agencies or organizations in examining liability and handling violators under the management of such agencies or organizations.

6. To request the district-level People’s Committee presidents to settle matters related to inspection work. In cases where such requests are not accepted, to report such to the provincial chief inspectors.

7. To lead their district inspectorates in performing and exercising the tasks and powers according to the provisions of this Law and other law provisions.

Section 2. INSPECTION AGENCIES ORGANIZED ACCORDING TO BRANCHES OR DOMAINS

Article 23.- Organization of inspection agencies according to branches or domains

1. Inspection agencies organized according to branches or domains include:

a/ Inspectorates of ministries or ministerial-level agencies (collectively called ministerial inspectorates). Ministerial inspectorates include administrative inspectorate and specialized inspectorate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Provincial services’ inspectorates

Provincial services’ inspectorates are established at provincial services performing the State management task according to the authorization of the People’s Committees of the same level or according to law provisions.

2. The Government specifies the organization of ministerial inspectorates and the establishment of provincial services’ inspectorates.

Article 24.- Ministerial inspectorates

1. Ministerial inspectorates are agencies of ministries, having the responsibility to assist ministers in the State management over inspection work, performing the tasks and powers of administrative inspection and specialized inspection in domains under the State management scope of ministries.

2. A ministerial inspectorate consists of chief inspector, deputy chief inspector and inspectors.

Ministerial chief inspectors are appointed, dismissed or removed from office by ministers after reaching agreement with the Inspector General.

3. Ministerial inspectorates submit to the personal direction of ministers and concurrently submit to the working, organizational and professional direction and guidance of the Government Inspectorate.

Article 25.- Tasks and powers of ministerial inspectorates

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To inspect the observance of specialized legislation by agencies, organizations and individuals within the scope of State management according to branches or domains under the charge of ministries.

3. To sanction administrative violations according to law provisions on handling of administrative violations.

4. To inspect other cases assigned by ministers.

5. To perform the task of settling complaints and denunciations according to law provisions on complaints and denunciations.

6. To perform the task of preventing and combating corruption according to law provisions on corruption combat.

7. To provide professional guidance on specialized inspection to provincial services’ inspectorates; guide and inspect units attached to ministries in observing law provisions on inspection work.

8. To sum up and report on results of inspection work, settlement of complaints and denunciations, corruption combat within the State management scope of ministries.

9. To perform other tasks and powers as prescribed by law.

Article 26.- Tasks and powers of ministerial chief inspectors

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To work out inspection programs and plans, then submit them to ministers for decision, and organize the implementation thereof.

3. To propose ministers to decide on the inspection when detecting signs of law violations.

4. To request ministers to temporarily suspend the execution of illegal inspection decisions of agencies and units under the direct management of ministries.

5. To sanction administrative violations according to law provisions on handling of administrative violations.

6. To request ministers to examine liability and handle violators under their respective management; to coordinate with the heads of agencies or organizations in examining liability and handle violators under management of such agencies or organizations.

7. To request ministers to settle matters related to inspection work. In cases where such requests are not accepted, to report such to the Inspector General.

8. To lead their ministerial inspectorates in performing the tasks and powers according to the provisions of this Law and other law provisions.

Article 27.- Provincial services’ inspectorates  

1. Provincial services’ inspectorates are agencies of provincial services, having the responsibility to assist directors of provincial services in performing the administrative inspection and specialized inspection tasks and powers within the ambit of tasks and powers of the provincial services’ directors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Provincial services’ chief inspectors shall be appointed, dismissed or removed from office by the provincial services’ directors after reaching agreement with provincial chief inspectors.

3. Provincial services’ inspectorates shall submit to the personal direction of provincial services’ directors, and concurrently submit to the provincial inspectorates’ working and professional guidance on administrative inspection, and the ministerial inspectorates’ professional guidance on specialized inspection.

Article 28.- Tasks and powers of provincial services’ inspectorates

1. To inspect the implementation of policies and laws, the performance of tasks by agencies and units under the direct management of provincial services.

2. To inspect the observance of specialized legislation by agencies, organizations and individuals in management domains under the charge of provincial services.

3. To sanction administrative violations according to law provisions on handling of administrative violations.

4. To inspect other cases assigned by directors of provincial services.

5. To perform the task of settling complaints and denunciations according to law provisions on complaints and denunciations.

6. To perform the task of preventing and combating corruption according to law provisions on corruption combat.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. To sum up and report on results of inspection work, settlement of complaints and denunciations, corruption combat within the State management scope of provincial services.

9. To perform other tasks and powers as prescribed by law.

Article 29.- Tasks and powers of provincial services’ chief inspectors

1. To lead and direct inspection work within the State management scope of provincial services.

2. To work out inspection programs and plans, then submit them to directors of provincial services for decision, and organize the implementation thereof.

3. To propose directors of provincial services to decide on the inspection when detecting signs of law violations.

4. To request directors of provincial services to temporarily suspend the execution of illegal inspection decisions of units under the management of provincial services.

5. To sanction administrative violations according to law provisions on handling of administrative violations.

6. To request directors of provincial services to examine liability and handle violators under management of directors of provincial services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. To lead their provincial services’ inspectorates in performing and exercising tasks and powers according to the provisions of this Law and other law provisions.

Section 3. INSPECTORS, INSPECTION COLLABORATORS

Article 30.- Inspectors

Inspectors are State employees appointed to the inspection rank to perform the inspection tasks. Inspectors shall be provided uniforms and inspector’s cards.

The inspection rank, the appointment, dismissal and removal from office of inspectors shall be prescribed by the Government.

Article 31.- General criteria of inspectors

1. Persons appointed to the inspection rank must fully meet the following criteria:

a/ Being loyal to the Fatherland and the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam; having good ethical qualities, good sense of responsibility, being incorruptible, honest, just and objective;

b/ Having university degree, and State management and legal knowledge; particularly, specialized inspectors must also have professional knowledge of their respective specialized branches;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Having been engaged in inspection work for at least two years, for persons newly recruited into the inspection branch (excluding probation period); for officials and State employees transferred from other agencies or organizations to State inspection agencies, they must have been engaged in inspection work for at least one year.

2. Basing itself on the criteria prescribed in Clause 1 of this Article, the Government shall prescribe specific criteria for inspectors of each inspection rank.

Article 32.- Inspection collaborators

In inspection activities, inspection agencies may requisition collaborators.

Inspection collaborators are those having professional knowledge suitable to inspection tasks.

Specific criteria, regimes and responsibilities applicable to inspection collaborators; and the requisition of collaborators shall be prescribed by the Government.

Article 33.- Responsibilities of inspectors and inspection collaborators

When conducting inspection, inspectors or inspection collaborators must comply with law and be responsible before law for the performance of their assigned tasks. Inspectors shall also be responsible before the heads of the direct managing agencies for inspection tasks.

Inspectors and inspection collaborators who commit acts of law violation shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability. If damage is caused, compensations or indemnities therefor must be paid according to law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



INSPECTION ACTIVITIES

Section 1. ADMINISTRATIVE INSPECTION ACTIVITIES

Article 34.- Administrative inspection forms

1. Administrative inspection activities are conducted in forms of programmed or planned inspection and unexpected inspection.

2. Programmed or planned inspection shall be conducted according to the approved programs or plans.

3. Unexpected inspection shall be conducted upon detecting signs of law violation by agencies, organizations or individuals, under requirements of the settlement of complaints and denunciations, or according to assignments by the heads of State management agencies.

Article 35.- Competence to approve inspection programs and plans; or decide on administrative inspection

The Prime Minister, the ministers, the presidents of the provincial-level People’s Committees, the presidents of the district-level People’s Committees, the directors of the provincial services defined in this Law shall have to approve inspection programs or plans of a year submitted by the Inspector General or chief inspectors of the same level by December 31 of the preceding year at the latest; and decide the inspection at requests of the Inspector General or chief inspectors of the same level.

Article 36.- Competence and grounds for issuing decisions on administrative inspection

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The heads of the inspection agencies shall issue inspection decisions and set up inspection teams to execute inspection decisions. When deeming it necessary, the heads of the State management agencies shall issue inspection decisions and set up inspection teams.

An inspection team consists of its leader and members.

3. The issuance of inspection decisions must be based on one of the following  grounds:

a/ Already approved inspection programs or plans;

b/ Requests of heads of State management agencies;

c/ Detection of signs of law violations.

Article 37.- Contents of administrative inspection decisions

1. An inspection decision must clearly state:

a/ Legal grounds for inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Inspection duration;

d/ Leader and other members of the inspection team.

2. Within three days after the date of its signing, an inspection decision must be sent to inspected subjects, except for case of unexpected inspection.

Inspection decisions must be announced within 15 days after they are issued. The announcement of inspection decisions must be made in writing.

Article 38.- Administrative inspection duration

1. The duration for conducting an inspection is prescribed as follows:

a/ An inspection conducted by the Government Inspectorate shall last no more than 60 days. For complicated cases, such duration may be prolonged but must not exceed 90 days. For particularly complicated inspections which involve many domains and/or many localities, the inspection duration may be prolonged but must not exceed 150 days;

b/ An inspection conducted by a provincial inspectorate or a ministerial inspectorate shall last no more than 45 days. For complicated cases, such duration may be prolonged but not exceed 70 days;

c/ An inspection conducted by a district inspectorate or a provincial service’s inspectorate shall last no more than 30 days. In mountainous areas with difficult access, the inspection duration may be prolonged but not exceed 45 days.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The prolongation of inspection duration prescribed in Clause 1 of this Article shall be decided by persons competent to issue inspection decisions.

Article 39.- Tasks and powers of leaders of administrative inspection teams

1. In the course of inspection, the inspection team leaders shall have the following tasks and powers:

a/ To organize and direct their inspection team members to strictly comply with contents, subjects and duration stated in the inspection decisions;

b/ To propose the persons who have issued inspection decisions to apply measures according to their competence to ensure the fulfillment of the tasks of inspection teams;

c/ To request inspected subjects to supply information and documents, report in writing or explain matters related to the inspection contents. When necessary, they may conduct inventory of the inspected subjects’ assets related to inspection contents;

d/ To request agencies, organizations and individuals that have information and documents related to inspection contents to supply such information and documents;

e/ To request competent persons to temporarily seize money, objects or permits illegally granted or used when deeming it necessary to promptly prevent law violations or to verify circumstances to serve as proofs for conclusion or handling;

f/ To decide on sealing up documents of inspected subjects when having grounds to believe that there exist law violations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



h/ To propose competent persons to temporarily suspend the execution of decisions on disciplining, transfer to other jobs or retirement of persons being collaborators of inspection agencies or inspected subjects if deeming that the execution of such decisions may impede the inspection;

i/ To report to inspection-decision issuers on inspection results and take responsibility for the accuracy, truthfulness and objectiveness of such reports.

2. When deeming it unnecessary to apply measures prescribed at Point e, f, g and h, Clause 1 of this Article, the inspection team leaders may decide on, or request the immediate cancellation of such measures.

3. When performing the tasks and powers prescribed in Clause 1 of this Article, the inspection team leaders shall be held responsible before law for all their decisions. If committing acts of law violation, they shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability. If causing damage, they shall have to pay compensations or indemnities therefor according to law provisions.

Article 40.- Tasks and powers of members of administrative inspection teams   

1. In the course of inspection, inspectors being members of inspection teams shall have the following tasks and powers:

a/ To perform tasks assigned by their inspection team leaders;

b/ To request inspected subjects to supply information and documents, report in writing, or explain matters related to inspected contents; to request agencies, organizations or individuals that have information or documents related to inspected contents to supply such information or documents;

c/ To propose their inspection team leaders to apply measures within the ambit of the latter’s tasks and powers prescribed in Article 39 of this Law to ensure the fulfillment of their assigned tasks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ To report on results of performance of their assigned tasks to their inspection team leaders, and take responsibility before law and their inspection team leaders for the accuracy, truthfulness and objectiveness of reported contents.

2. In the course of inspection, other members of inspection teams shall perform the tasks and powers prescribed at Point a, c, d and e, Clause 1 of this Article.

Article 41.- Reports on administrative inspection results

1. Within 15 days after the end of the inspection, the inspection team leaders must make written reports on inspection results. An inspection result report must have the following contents:

a/ Specific conclusion on each inspected content;

b/ Clear determination of nature and seriousness of violations, their causes, and responsibilities of agencies, organizations or individuals committing violation acts (if any);

c/ Divergence of opinions between the inspection team members and the inspection team leader on contents of inspection result report (if any);

d/ Handling measures which have been applied according to competence; proposed handling measures.

2. Inspection result reports shall be sent to inspection-decision issuers. In cases where inspection-decision issuers are heads of State management agencies, the inspection result reports shall also be sent to the heads of inspection agencies of the same level.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Administrative-inspection decision issuers have the following tasks and powers:

a/ To direct and examine the inspection teams in their compliance with the contents and durations stated in inspection decisions;

b/ To request inspected subjects to supply information and documents, report in writing, or explain matters related to inspection contents; to request agencies, organizations or individuals that have information or documents related to inspection contents to supply such information or documents; 

c/ To solicit expertise assessments regarding matters related to inspection contents;

d/ To request competent persons to temporarily seize money, objects or permits illegally granted or used when deeming it necessary to promptly prevent law violations or to verify circumstances to serve as proofs for conclusion or handling;

e/ To temporarily suspend or propose competent persons to stop acts when deeming that such acts may cause serious damage to the interests of the State, the rights and legitimate interests of agencies,  organizations and/or individuals;

f/ To propose competent persons to temporarily suspend the execution of decisions on disciplining, transfer to other jobs or retirement of persons being collaborators of inspection agencies or inspected subjects if deeming that the execution of such decisions may impede the inspection;

g/ To propose competent persons to temporarily suspend from work and handle officials and State employees who intentionally obstruct the inspection or fail to execute inspection requests, proposals or decisions;

h/ To issue decisions on handling according to competence or propose competent persons to handle; to inspect and urge the execution of inspection handling decisions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



j/ To settle complaints and denunciations related to responsibilities of leaders or other members of inspection teams;

k/ To make conclusions on inspection contents;

l/ To transfer dossiers of law violation cases to investigation agencies within 5 days after detecting criminal signs, and concurrently notify such in writing to the procuracies of the same level.

2. When deeming it unnecessary to apply measures prescribed at Points d, e, f and g, Clause 1 of this Article, the inspection-decision issuers shall have to decide on or propose the immediate cancellation of the application of such measures.

3. When performing the tasks and powers prescribed in Clause 1 of this Article, inspection-decision issuers shall be held responsible before law for all their decisions. If committing acts of law violation, they shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability. If causing damage, they shall have to pay compensations or indemnities therefor according to law provisions.

Article 43.- Inspection conclusions

1. Within 15 days after receiving inspection result reports, inspection decision issuers shall have to make written inspection conclusions. Inspection conclusions must have the following contents:

a/ Assessment of the implementation of policies and laws, the performance of tasks by inspected subjects, which are included in the inspection contents;

b/ Conclusions on inspected contents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Handling measures which have been applied according to their competence; proposed handling measures.

2. In the course of issuing written inspection conclusions, the inspection-decision issuers may request leaders and members of inspection teams to report, or request inspected subjects to explain to further clarify matters necessary for making inspection conclusions.

3. Inspection conclusions shall be sent to the heads of State management agencies of the same level and the inspected subjects. In cases where the heads of State management agencies are inspection-decision issuers, the inspection conclusions must also be sent to the heads of inspection agencies of the same level.

Article 44.- The examination and handling of inspection conclusions

Within 15 days after inspection conclusions are made, the heads of State management agencies of the same level shall have to examine them; handle agencies, organizations and/or individuals that commit law violations; apply measures according to their competence or request competent State agencies to apply measures to remedy or perfect mechanisms, policies and laws.

Section 2. SPECIALIZED INSPECTION ACTIVITIES

Article 45.- Specialized inspection forms

Specialized inspection activities are conducted in the forms prescribed in Article 34 of this Law.

Article 46.- Competence to approve inspection programs and plans; decisions on specialized inspection

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 47.- Competence and grounds for issuing inspection decisions, contents of specialized inspection decisions

1. Ministerial chief inspectors, provincial services’ chief inspectors shall issue inspection decisions and set up inspection teams to execute inspection decisions or assign specialized inspectors to perform inspection tasks. When deeming it necessary, the ministers or provincial services’ directors shall issue inspection decisions and set up inspection teams. Inspection decisions must have the contents prescribed in Article 37 of this Law.

In cases where they assign specialized inspectors to independently conduct the inspection, the persons competent to issue inspection decisions must clearly define the inspection scope, tasks and duration.

2. Besides the competent persons defined in Clause 1 of this Article, the Government shall prescribe persons who can issue inspection decisions, set up inspection teams and assign specialized inspectors for some branches and domains.

3. Grounds for issuing specialized inspection decisions shall comply with the provisions in Clause 3, Article 36 of this Law.

Article 48.- Specialized inspection duration

1. The duration of a specialized inspection for which an inspection team is organized shall be no more than 30 days counting from the date the inspection decision is announced till the end of the inspection at the inspected place.

2. In case of necessity, inspection-decision issuers may extend the inspection duration once. The extended duration must not exceed the duration prescribed in Clause 1 of this Article.

Article 49.- Tasks and powers of leaders of specialized inspection teams

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To request inspected subjects to produce their permits, business registrations and/or practice certificates;

2. To make written records on violations by inspected subjects;

3. To sanction administrative violations according to law provisions on handling of administrative violations;

4. To perform other tasks and powers prescribed in Article 39 of this Law;

5. To report to inspection-decision issuers on inspection results and take responsibility for the accuracy, truthfulness and objectiveness of such reports.

Article 50.- Tasks and powers of specialized inspectors

1. Specialized inspectors, when conducting team inspection, shall perform the tasks and powers prescribed in Clause 1, Article 40 of this Law.

2. Specialized inspectors, when conducting independent inspection, shall have to produce specialized inspector’s cards and have the following tasks and powers:

a/ To request inspected subjects to produce their permits, business registrations and/or practice certificates;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To sanction administrative violations according to law provisions on handling of administrative violations.

In cases where they detect law-violation acts which fall beyond their handling competence, the specialized inspectors shall have to report such to chief inspectors for decision;

d/ To report to chief inspectors on the performance of their assigned tasks.

Article 51.- Reports on specialized inspection results

Reporting time limit, contents of specialized inspection result reports of inspection teams shall comply with the provisions of Article 41 of this Law.

Article 52.- Tasks and powers of specialized inspection-decision issuers, responsibilities of heads of State management agencies

1. Specialized inspection-decision issuers have the tasks and powers prescribed in Articles 42 and 43 of this Law; and may sanction administrative violations according to law provisions on handling of administrative violations.

2. Heads of State management agencies shall have to comply with the provisions of Article 44 of this Law.

Section 3. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF INSPECTED SUBJECTS; SETTLEMENT OF INSPECTION-RELATED COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Inspected subjects have the following rights:

a/ To explain matters related to inspection contents;

b/ To refuse to supply information and/or documents classified as State secrets under law provisions, and information and documents irrelevant to inspection contents;

c/ To complain with inspection-decision issuers about decisions or acts of inspection team leaders, inspectors or other members of inspection teams in the course of inspection when they have grounds to believe that such decisions or acts are illegal; to complain with the heads of the inspection agencies or the heads of the competent State management agencies about inspection conclusions or inspection-related handling decisions when they have grounds to believe that such conclusions or decisions are illegal. Pending the settlement, the complainants still have to execute such decisions;

d/ To claim damages according to law provisions.

2. Individuals being inspected subjects have the right to denounce acts of law violation by heads of inspection agencies, leaders of inspection teams, inspectors and other members of inspection teams.

Articled 54.- Obligations of inspected subjects

1. To abide by inspection decisions.

2. To supply information and/or documents at requests of inspection agencies, inspection teams and inspectors in a prompt, full and accurate manner, and bear responsibility before law for the accuracy and truthfulness of supplied information and documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 55.- Settlement of inspection-related complaints and denunciations

The lodging and settlement of complaints and denunciations shall comply with the law provisions on complaints and denunciations.

Section 4. INSPECTION DOSSIERS, RESPONSIBILITIES OF INVESTIGATION AGENCIES

Article 56.- Inspection dossiers

1. Inspections must be recorded in dossiers. An inspection dossier comprises:

a/ Inspection decision; written record on inspection made by the inspection team or inspectors; reports and explanations of inspected subjects; inspection result report;

b/ Inspection conclusions;

c/ Documents on the handling or handling proposals;

d/ Other documents related to the inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 57.- Responsibilities of investigation agencies

Investigation agencies shall have to receive dossiers of law violation cases prescribed at Point l, Clause 1, Article 42 of this Law and handle them according to the provisions of the criminal procedure legislation.

Within 20 days after receiving the dossiers, investigation agencies must notify in writing the handling thereof to the inspection agencies; for cases involving complicated contents and circumstances, the reply time limit may be prolonged but must not exceed 60 days. Past that time limit, if the inspection agencies do not receive written notices on the handling by the investigation agencies, they may request the superior investigation agencies and higher-level People’s Procuracies to handle.

Chapter IV

PEOPLE’S INSPECTORATE

Article 58.- Organization of People’s Inspectorate

People’s Inspectorate is organized in the form of people’s inspection boards.

People’s inspection boards are set up in communes, wards, district townships, State agencies, non-business units and State enterprises.

Article 59.- Tasks and powers of people’s inspection boards

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Upon detecting signs of law violations, to request the competent persons to handle them according to law provisions and supervise the execution of such requests.

3. When necessary, to be assigned by the presidents of the People’s Committees of communes, wards or district townships, or the heads of the State agencies, non-business units and State enterprises to verify given cases.

4. To request the presidents of the People’s Committees of communes, wards or district townships, or the heads of the State agencies, non-business units or State enterprises to remedy loopholes or correct errors detected through the supervision; to guarantee rights and legitimate interests of citizens and laborers, and commend units and individuals that record achievements. Upon detecting persons who commit acts of law violation, to request competent agencies and organizations to examine and handle.

Section 1. PEOPLE’S INSPECTION BOARDS IN COMMUNES, WARDS OR DISTRICT TOWNSHIPS

Article 60.- Organization of people’s inspection boards in communes, wards or townships

1. People’s inspection boards in communes, wards or townships shall be elected by people’s conferences or people’s representatives’ conferences in villages, hamlets or population quarters.

Depending on the geographical area and population size of a commune, ward or district township, a people inspection board may consist of between five and eleven members.

Members of people’s inspection boards must not be incumbent officials of People’s Committees of communes, wards or district townships.

A term of office of people’s inspection boards in communes, wards or district townships is two years.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 61.- Operation of people’s inspection boards in communes, wards or district townships

1. People’s inspection boards in communes, wards or townships shall directly submit to the operation direction by Vietnam Fatherland Front Committees of the same level.

2. People’s inspection boards shall base themselves on resolutions of People’s Councils of communes, wards or townships, action programs and directions of Vietnam Fatherland Front Committees of communes, wards or district townships to set forth orientations and contents of their operation plans.

3. People’s inspection boards shall have to report on their operations to Vietnam Fatherland Front Committees of communes, wards or district townships. When necessary, the heads of people’s inspection boards shall be invited to attend meetings of People’s Councils, People’s Committees and Vietnam Fatherland Front Committees of communes, wards or district townships.

Article 62.- Responsibilities of People’s Committees of communes, wards or district townships

1. To brief the people’s inspection boards on major policies and laws related to organization, operation and tasks of the People’s Councils and People’s Committees of communes, wards or district townships; on annual socio-economic development objectives and tasks of the localities.

2. To request the concerned organizations and individuals to fully and promptly supply necessary information and documents to people’s inspection boards.

3. To examine and promptly handle proposals of people’s inspection boards, and notify handling results within 15 days after receiving such proposals; to handle persons who commit acts of obstructing operation of people’s inspection boards or persons who commit acts of avenging or bullying members of people’s inspection boards.

4. To notify the people’s inspection boards of results of the settlement of complaints and denunciations, or the implementation of the grassroots democracy regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 63.- Responsibilities of Vietnam Fatherland Front Committees of communes, wards or townships

1. To guide the organization of people’s conferences or people’s representatives’ conferences in villages, hamlets or population quarters for electing people’s inspection boards.

2. To issue documents recognizing people’s inspection boards and notify the recognition to the People’s Councils and People’s Committees of the same level and local people; to organize meetings of people’s inspection boards for electing boards’ heads, deputy heads and assigning tasks to each member.

3. To guide people’s inspection boards in working out their working programs and contents; to hear periodical reports on operation of people’s inspection boards; to urge the handling of requests of people’s inspection boards.

4. To encourage local people to support, coordinate and participate in activities of people’s inspection boards.

5. To certify written records and proposals of people’s inspection boards.

Section 2. PEOPLE’S INSPECTION BOARDS IN STATE AGENCIES, NON-BUSINESS UNITS OR STATE ENTERPRISES

Article 64.- Organization of people’s inspection boards in State agencies, non-business units or State enterprises

1. People’s inspection boards in State enterprises, non-business units or State enterprises shall be elected by employees’ conferences or employees’ representatives’ conferences.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A term of office of people’s inspection boards is 2 years.

2. During the term of office, the people’s inspection board members who fail to accomplish their tasks or no longer win confidence shall be dismissed and replaced by others elected by the employees’ conferences or employees’ representatives’ conferences at the requests of grassroots trade union executive boards.

Article 65.- Operation of people’s inspection boards in State agencies, non-business units or State enterprises

1. People’s inspection boards in State agencies, non-business units or State enterprises shall directly submit to the operation direction by grassroots trade union executive boards.

2. People’s inspection boards shall base themselves on resolutions of employees’ conferences or employees’ representatives’ conferences of State agencies, non-business units or State enterprises, and directions of grassroots trade union executive boards to work out quarterly and annual working programs.

3. People’s inspection boards shall have to report on their operations to grassroots trade union executive boards, employees’ conferences or employees’ representatives’ conferences of State agencies, non-business units or State enterprises.

Article 66.- Responsibilities of heads of State agencies, non-business units or State enterprises

1. To notify people’s inspection boards of the regimes, policies and other necessary information; to ensure interests of members of people’s inspection boards during the time such members perform their tasks.

2. To request units and individuals under their management to promptly and fully supply information and documents directly related to supervision contents for people’s inspection boards to perform their tasks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To notify people’s inspection boards of the results of settlement of complaints and denunciations, or the implementation of grassroots democracy regulation.

5. To provide funding or facility supports for people’s inspection boards to operate according to law provisions.

Article 67.- Responsibilities of grassroots trade union executive boards

1. To coordinate with the heads of State agencies, non-business units or State enterprises in organizing employees’ conferences or employee representatives’ conferences to elect people’s inspection boards.

2. To issue documents recognizing people’s inspection boards and announce such recognition to officials and employees in State agencies, non-business units or State enterprises; to organize meetings of people’s inspection boards for electing their heads, deputy heads and assigning tasks to each member.

3. To guide people’s inspection boards in working out their working programs and contents; to hear periodical reports on operation results and handle requests of people’s inspection boards to grassroots trade union executive boards.

4. To encourage laborers in State agencies, non-business units or State enterprises to support and participate in activities of people’s inspection boards.

5. To certify written records and requests of people’s inspection boards.

Chapter V

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 68.- Inspection activities in other State agencies; inspection organization and activities in the People’s Army and the People’s Police

1. Basing themselves on the provisions of this Law and other law provisions, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy and other State agencies shall, within the ambit of their tasks and powers, organize and direct inspection activities in their branches or agencies.

2. Inspection organization and activities in the People’s Army and the People’s Police shall be prescribed by the Government.

Article 69.- Implementation effect

This Law takes effect as from October 1, 2004.

The March 29, 1990 Inspection Ordinance shall cease to be effective as from the effective date of this Law.

Article 70.- Implementation guidance

The Government details the implementation of this Law.

Vietnam Fatherland Front Central Committee and Vietnam Confederation of Labor shall coordinate with the Government in providing detailed guidance on organization and operation of people’s inspection boards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Van An

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Thanh tra 2004

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


29.256

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.65.111
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!