Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 số 38/2024/QH15

Số hiệu: 38/2024/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Trần Thanh Mẫn
Ngày ban hành: 27/06/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Chính sách của Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh

Ngày 27/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 .

Chính sách của Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

- Ưu tiên bảo đảm ngân sách, có chính sách, cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

- Xây dựng, phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với sản xuất, sửa chữa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

- Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.

- Huy động tối đa nguồn lực của công nghiệp quốc gia, xây dựng và phát triển công trình hạ tầng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thu hút, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

- Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

- Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

- Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

**Công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận quan trọng, ngành đặc thù của công nghiệp quốc gia, thành phần cơ bản của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh; có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm, dịch vụ khác phục vụ quốc phòng, an ninh; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.

Xem chi tiết tại Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025.

 

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 38/2024/QH15

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2024

 

LUẬT

CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, nguồn lực, chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận quan trọng, ngành đặc thù của công nghiệp quốc gia, thành phần cơ bản của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh; có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm, dịch vụ khác phục vụ quốc phòng, an ninh; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Động viên công nghiệp là một nhiệm vụ của động viên quốc phòng, huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực của doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang thuộc mọi thành phần kinh tế để sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật cho Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; nghiên cứu, sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ quốc phòng. Động viên công nghiệp được chuẩn bị và thực hiện từ thời bình, thực hành động viên khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh.

3. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập hoặc phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Quốc phòng được giao quản lý, làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp.

4. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập hoặc phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Công an được giao quản lý, làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh.

5. Cơ sở huy động là doanh nghiệp, tổ chức ngoài lực lượng vũ trang hoặc doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, đủ điều kiện theo quy định của Luật này được huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh.

6. Cơ sở công nghiệp động viên là doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang đủ điều kiện động viên công nghiệp, được đăng ký, quản lý và hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp theo quy định của Luật này để thực hiện động viên công nghiệp.

7. Vũ khí trang bị kỹ thuật bao gồm các loại vũ khí, tổ hợp vũ khí, đạn dược, phương tiện, khí tài, trang bị kỹ thuật bổ trợ, phần mềm và sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng để phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân, cơ yếu và các lực lượng thực thi pháp luật khác.

8. Vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược là vũ khí trang bị kỹ thuật có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, có tính tích hợp hệ thống, uy lực mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

9. Vật tư kỹ thuật bao gồm các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, chi tiết, cụm chi tiết, bán thành phẩm, thiết bị, phụ tùng, phương tiện dùng cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

10. Phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ bao gồm các loại máy móc, thiết bị, hệ thống thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, phần mềm, sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, an ninh mạng và các phương tiện khác để phục vụ nghiệp vụ công tác công an và các lực lượng thực thi pháp luật khác.

11. Phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt là phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ có tính năng hiện đại, công nghệ cao, có tính phòng ngừa, răn đe, đấu tranh trấn áp, tạo sự đột phá trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thuộc Danh mục tài sản đặc biệt trong Công an nhân dân.

12. Công nghệ lưỡng dụng là công nghệ phục vụ cho cả mục đích quốc phòng, an ninh và dân sinh.

13. Dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh là các dịch vụ về tư vấn, phi tư vấn, thương mại, đầu tư, công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh do cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh và các tổ chức khác đủ điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật.

14. Sản xuất quốc phòng, an ninh là quá trình tạo ra các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh. Sản xuất quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Sản xuất quốc phòng là quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng; sản xuất vật tư kỹ thuật và sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh;

b) Sản xuất an ninh là quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu trong công tác công an; sản xuất sản phẩm an ninh mạng; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí theo quy định của pháp luật; sản xuất vật tư kỹ thuật và sản phẩm khác phục vụ an ninh.

15. Sản phẩm quốc phòng, an ninh là sản phẩm được tạo ra từ hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh, bao gồm sản phẩm quốc phòng và sản phẩm an ninh.

16. Sản phẩm động viên công nghiệp bao gồm vũ khí trang bị kỹ thuật được sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vật tư kỹ thuật được sản xuất trong thời bình, khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh do cơ sở công nghiệp động viên thực hiện.

17. Dây chuyền động viên công nghiệp là hệ thống trang thiết bị công nghệ, phương tiện, nhân lực được bố trí, vận hành đồng bộ để sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, sản xuất vật tư kỹ thuật để thực hiện động viên công nghiệp.

18. Chỉ tiêu động viên công nghiệp là số lượng sản phẩm động viên công nghiệp thực hiện theo quyết định giao nhiệm vụ động viên công nghiệp.

19. Chuẩn bị động viên công nghiệp là thực hiện các hoạt động và biện pháp để sẵn sàng thực hành động viên công nghiệp; sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp theo chỉ tiêu được giao.

20. Thực hành động viên công nghiệp là thực hiện kế hoạch động viên công nghiệp khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh.

21. Công nghệ nền là công nghệ làm cơ sở cho các công nghệ khác ứng dụng trong quá trình sản xuất quốc phòng, an ninh.

22. Công nghệ lõi là công nghệ cốt lõi, có tính quyết định đối với việc hình thành và bảo đảm chất lượng sản phẩm quốc phòng, an ninh.

23. Tổng công trình sư là người đứng đầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình, đề án, dự án nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

Điều 3. Áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và pháp luật có liên quan

1. Hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với luật khác về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đối với các nội dung sau đây:

a) Phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp; việc chuyển nguồn ngân sách mua sắm, sản xuất sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt;

b) Giao nhiệm vụ, đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh; hình thức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu sản xuất cung cấp sản phẩm quốc phòng, an ninh; Hội đồng thẩm định đối với dự án nhóm A; hình thức lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu đối với chương trình, dự án đầu tư, mua sắm vật tư sản xuất phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh có nội dung được xác định bí mật nhà nước độ Tối mật trở lên; đàm phán, ký kết hợp đồng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài;

c) Thẩm quyền phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; dự toán kinh phí dự phòng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt;

d) Giá vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù; thực hiện chỉ định nhà cung cấp và áp dụng hình thức đàm phán giá đối với việc mua sắm sản phẩm mẫu, vật tư, bán thành phẩm đặc chủng phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh;

đ) Miễn trách nhiệm dân sự khi thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; quy định về chế độ, chính sách đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư;

e) Chế độ, chính sách đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

3. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp khác với quy định của Luật này thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 4. Vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp

1. Công nghiệp quốc phòng là thành phần của công nghiệp quốc phòng, an ninh, có nhiệm vụ sau đây:

a) Thực hiện sản xuất quốc phòng;

b) Bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân, cơ yếu và các lực lượng thực thi pháp luật khác;

c) Cất trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp;

d) Đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng;

đ) Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng;

e) Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

g) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Công nghiệp an ninh là thành phần của công nghiệp quốc phòng, an ninh, có nhiệm vụ sau đây:

a) Thực hiện sản xuất an ninh;

b) Bảo đảm phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng Công an nhân dân, cơ yếu và các lực lượng thực thi pháp luật khác;

c) Cất trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp an ninh;

d) Đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp an ninh;

đ) Hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh;

e) Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

g) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Động viên công nghiệp là một nhiệm vụ của động viên quốc phòng, bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Khảo sát, lựa chọn, đăng ký, quản lý, theo dõi năng lực doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp;

b) Đánh giá khả năng bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và bảo đảm từ các nguồn khác để xác định nhu cầu động viên công nghiệp;

c) Xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp;

d) Giao nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp; giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu để sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp;

đ) Hoàn chỉnh, quản lý, duy trì năng lực dây chuyền động viên công nghiệp;

e) Sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp;

g) Diễn tập động viên công nghiệp;

h) Thực hành động viên công nghiệp.

Điều 5. Nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

1. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó nội lực là yếu tố quyết định.

4. Phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống.

5. Cơ cấu tổ chức bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, hoạt động đồng bộ, thống nhất, phù hợp với đặc thù lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

6. Gắn kết chặt chẽ và phát huy tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp trong đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

7. Động viên công nghiệp được chuẩn bị và thực hiện từ thời bình; bảo đảm chủ động, kịp thời, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh. Động viên công nghiệp được tiến hành trên cơ sở năng lực của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn đóng vai trò chủ đạo. Xây dựng mạng lưới cơ sở công nghiệp động viên rộng khắp, đa dạng về sản phẩm, gắn kết chặt chẽ với hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt.

Điều 6. Chính sách của Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

1. Ưu tiên bảo đảm ngân sách, có chính sách, cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

2. Xây dựng, phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với sản xuất, sửa chữa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

3. Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.

4. Huy động tối đa nguồn lực của công nghiệp quốc gia, xây dựng và phát triển công trình hạ tầng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thu hút, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

5. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

6. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Điều 7. Ban chỉ đạo Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Ban chỉ đạo Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức chỉ đạo, điều hành về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Ban chỉ đạo Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Làm lộ bí mật nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.

2. Huỷ hoại, cố ý làm hỏng, mua, bán, tặng cho, cho thuê, cầm cố, thế chấp, khai thác, sử dụng trái phép trang thiết bị và tài sản khác do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở công nghiệp động viên.

3. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và sản phẩm động viên công nghiệp.

4. Chiếm đoạt, sử dụng, mua, bán và chuyển giao trái phép thông tin, tài liệu, sáng chế, quy trình và bí quyết công nghệ thuộc bí mật nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

5. Cản trở, trốn tránh trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

7. Phân biệt đối xử về giới trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Chương II

CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Mục 1. QUY HOẠCH CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, QUY HOẠCH CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 9. Nguyên tắc lập quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh

1. Quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh là quy hoạch ngành quốc gia; được lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh theo quy định của Luật này và pháp luật về quy hoạch.

2. Bảo đảm đồng bộ và có quy mô hợp lý, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh.

3. Khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, nguồn lực trong nước và nước ngoài để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Điều 10. Căn cứ lập quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chiến lược về quốc phòng, an ninh; nhu cầu bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng thực thi pháp luật khác.

2. Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quy hoạch thời kỳ trước.

3. Khả năng cân đối nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nguồn lực hợp pháp khác cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Điều 11. Nội dung quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh

1. Phân tích, đánh giá về yếu tố, điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

2. Dự báo xu thế phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh trong thời kỳ quy hoạch.

3. Xác định yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đối với công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; cơ hội và thách thức đối với phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

4. Quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ.

5. Hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh.

6. Các chương trình, dự án trọng điểm.

7. Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

8. Nội dung khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Điều 12. Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ lập quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh cho cơ quan chuyên môn quản lý về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

2. Cơ quan lập quy hoạch thực hiện các nội dung sau đây:

a) Xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Xây dựng quy hoạch và trình Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị có liên quan về quy hoạch;

c) Tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ thành lập;

d) Nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện quy hoạch báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Việc công bố quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

4. Việc điều chỉnh quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh khi có sự thay đổi về căn cứ lập quy hoạch và được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Mục 2. QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH

Điều 13. Yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh

1. Bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa và khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

2. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh; kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, tiến độ, quy trình sản xuất từ giai đoạn lập kế hoạch sản xuất đến khi nghiệm thu và bàn giao sản phẩm.

3. Việc cung cấp sản phẩm quốc phòng, an ninh thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật này và pháp luật về đấu thầu. Ưu tiên thực hiện hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng sản phẩm quốc phòng, an ninh tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt theo kế hoạch sản xuất quốc phòng, kế hoạch sản xuất an ninh.

4. Kế hoạch sản xuất quốc phòng, kế hoạch sản xuất an ninh phù hợp với nhu cầu trang bị và bảo đảm duy trì năng lực sản xuất của dây chuyền sản xuất quốc phòng, an ninh.

5. Việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh phải bảo đảm bảo mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 14. Nội dung quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh

1. Nội dung quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Xây dựng, phê duyệt danh mục sản phẩm quốc phòng, an ninh; kế hoạch sản xuất quốc phòng, kế hoạch sản xuất an ninh;

b) Giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu;

c) Bảo đảm sản xuất;

d) Tổ chức sản xuất;

đ) Nghiệm thu, bàn giao sản phẩm;

e) Báo cáo, kiểm tra.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất quốc phòng, kế hoạch sản xuất an ninh thuộc phạm vi quản lý.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết khoản 1 Điều này.

Điều 15. Giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý

1. Giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng sản phẩm quốc phòng, an ninh phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang;

b) Sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh để thực hiện nhiệm vụ cấp bách;

c) Sản phẩm quốc phòng, an ninh sản xuất đơn chiếc;

d) Sản phẩm quốc phòng chỉ do một cơ sở công nghiệp quốc phòng sản xuất; sản phẩm an ninh chỉ do một cơ sở công nghiệp an ninh sản xuất;

đ) Sản phẩm quốc phòng, an ninh chưa xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật;

e) Trường hợp khác để bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Việc giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý được quy định như sau:

a) Cơ quan trực tiếp quản lý cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh được giao nhiệm vụ, ngân sách sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh;

b) Cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh có chức năng, nhiệm vụ và đủ năng lực sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh.

3. Thẩm quyền giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng và ngân sách cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm an ninh và ngân sách cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công an;

b) Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng thuộc quyền có chức năng, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công an giao nhiệm vụ cho cơ sở công nghiệp an ninh thuộc quyền có chức năng, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm an ninh.

Điều 16. Đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý

1. Đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh được thực hiện thông qua hợp đồng giữa cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh.

2. Đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Sản phẩm quốc phòng, an ninh đã có định mức kinh tế - kỹ thuật;

b) Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, chế thử, thử nghiệm, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng sản phẩm quốc phòng, an ninh;

c) Sản phẩm quốc phòng, an ninh sản xuất loạt;

d) Để đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong trường hợp cần thiết.

3. Việc đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh tại cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý được quy định như sau:

a) Cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các lực lượng thực thi pháp luật khác được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, cá nhân có nhu cầu và đủ điều kiện quản lý, sử dụng sản phẩm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

b) Cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh nhận đặt hàng có chức năng, nhiệm vụ và đủ năng lực sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh phù hợp yêu cầu đặt hàng.

Điều 17. Đấu thầu sản xuất, cung cấp sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý

1. Hình thức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu để sản xuất, cung cấp sản phẩm quốc phòng, an ninh thực hiện theo hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

2. Việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều 18. Giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp và ngân sách cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp cho cơ sở công nghiệp động viên.

3. Cơ sở công nghiệp động viên tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 29 của Luật này thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc giao nhiệm vụ, đặt hàng sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp.

Điều 19. Giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở huy động

1. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu.

2. Việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở huy động được quy định như sau:

a) Giao nhiệm vụ được thực hiện đối với lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật này;

b) Đặt hàng được thực hiện đối với lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này;

c) Chỉ định thầu được thực hiện đối với lĩnh vực quy định tại các khoản 1, 2, 5, 6 và 7 Điều 29 của Luật này. Việc chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định việc giao nhiệm vụ, đặt hàng cho cơ sở huy động.

Mục 3. NGUỒN LỰC CHO CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Điều 20. Nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Ngân sách nhà nước.

2. Nguồn tài chính của doanh nghiệp gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

3. Nguồn từ Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ hợp pháp khác chi cho công nghiệp quốc phòng, an ninh.

4. Nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 21. Quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Ưu tiên phân bổ nguồn lực trong kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

2. Nhà nước bảo đảm cấp đủ vốn điều lệ ban đầu, đầu tư bổ sung và tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước cho cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

3. Trong trường hợp cấp bách, được sử dụng dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện nhiệm vụ đầu tư, sản xuất sản phẩm công nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

4. Lợi nhuận sau thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, được sử dụng toàn bộ để thực hiện các nhiệm vụ sau đây theo quy định của Chính phủ:

a) Trích lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh;

b) Hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao và bù đắp chi phí cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt không thành công;

c) Nộp ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập, chi cho các nhiệm vụ quy định tại điểm a và điểm b khoản này để Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ, đặt hàng sản xuất hoặc mua sắm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

5. Ngân sách mua sắm, sản xuất sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt nếu chưa sử dụng hết thì được phép chuyển nguồn đến khi nghiệm thu, thanh lý hợp đồng hoặc kết thúc nhiệm vụ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 22. Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

2. Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được hình thành từ các nguồn tài chính sau đây:

a) Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;

b) Nguồn vốn hợp pháp được cấp có thẩm quyền quyết định;

c) Nguồn trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 của Luật này;

d) Đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước;

đ) Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được quy định như sau:

a) Không vì mục đích lợi nhuận;

b) Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả;

c) Hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, phân bổ và sử dụng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Điều 23. Hoạt động đầu tư, sản xuất phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Chương trình, dự án trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh được tập trung nguồn lực, bố trí đủ vốn và ưu tiên đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

2. Chương trình, dự án đầu tư, mua sắm vật tư có nội dung được xác định bí mật nhà nước độ Tối mật trở lên theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước để triển khai nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh thì các gói thầu thuộc chương trình, dự án đầu tư, mua sắm đó được xác định là gói thầu cần thực hiện để bảo vệ bí mật nhà nước và được chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

3. Chương trình, dự án nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt được áp dụng trình tự, thủ tục đầu tư công khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công. Việc mua sắm sản phẩm mẫu, vật tư, bán thành phẩm đặc chủng phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh được thực hiện chỉ định nhà cung cấp và áp dụng hình thức đàm phán giá theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

4. Đối với dự án đầu tư tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh trong bước phê duyệt chủ trương đầu tư cho phép đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để có cơ sở lập thẩm định phê duyệt dự án đầu tư.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với chương trình, dự án nhóm A trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc phạm vi quản lý.

Điều 24. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

1. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với chủ trương, chiến lược xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; phát huy nội lực trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

b) Sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, đánh giá, sản xuất thử đến nghiệm thu sản phẩm xác định đủ điều kiện sản xuất;

c) Tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất quốc phòng, an ninh;

d) Đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất.

2. Nội dung hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong công nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và sản phẩm phục vụ dân sinh;

b) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tài liệu thiết kế và tài liệu công nghệ trong sản xuất quốc phòng, an ninh;

c) Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa trang thiết bị, dây chuyền sản xuất để bảo đảm an toàn và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tính lưỡng dụng;

d) Nghiên cứu nội dung, phương pháp và điều kiện bảo đảm đánh giá chất lượng sản phẩm của quá trình sản xuất quốc phòng, an ninh;

đ) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học cơ bản; phát triển, làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ chế tạo sản phẩm phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh;

e) Tìm kiếm, giải mã, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh;

g) Hợp tác chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh.

Điều 25. Nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Nhân lực tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, cơ sở công nghiệp quốc phòng khác, cơ sở công nghiệp an ninh khác;

b) Nhân lực tại cơ sở công nghiệp động viên trực tiếp tham gia nhiệm vụ động viên công nghiệp;

c) Nhân lực tại cơ sở huy động trong thời gian thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

2. Nhân lực tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, cơ sở công nghiệp quốc phòng khác, cơ sở công nghiệp an ninh khác bao gồm:

a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng làm việc tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an làm việc tại cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt;

b) Lao động hợp đồng;

c) Chuyên gia, nhà khoa học theo hình thức thuê khoán hoặc hợp tác tư vấn;

d) Người có ngành nghề, trình độ chuyên môn phù hợp được cấp có thẩm quyền điều động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh trong tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

3. Căn cứ yêu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong nước và nước ngoài xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Ưu tiên xây dựng chương trình về đào tạo, bồi dưỡng tổng công trình sư phục vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

4. Ưu tiên tuyển dụng nhà khoa học, chuyên gia, người lao động có tay nghề cao đã tham gia và hoàn thành chương trình, đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh vào làm việc tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong phạm vi quản lý, xây dựng quy chế tuyển dụng; chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, nhân lực trong ngành nghề, lĩnh vực mà quân đội, công an có nhu cầu để phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; bố trí công việc theo chức danh biên chế, diện quản lý phù hợp với lĩnh vực đào tạo.

Điều 26. Dự trữ vật tư kỹ thuật công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh

1. Nhà nước bảo đảm việc dự trữ vật tư kỹ thuật phục vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh mà trong nước chưa sản xuất được; thực hiện dự trữ vật tư kỹ thuật đáp ứng nhu cầu sử dụng thời bình và năm đầu chiến tranh, cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập danh mục, xây dựng kế hoạch dự trữ vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và năm đầu chiến tranh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập danh mục, xây dựng kế hoạch dự trữ vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh, bổ sung danh mục vật tư kỹ thuật dự trữ cho công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Điều 27. Đất sử dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Đất sử dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh là đất quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong phạm vi quản lý, chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập, tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh theo quy định của pháp luật về đất đai, trong đó có đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

Mục 4. PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH LƯỠNG DỤNG

Điều 28. Phát triển công nghệ lưỡng dụng

1. Nhà nước ưu tiên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Việc chuyển giao công nghệ lưỡng dụng được thực hiện như sau:

a) Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp dân sinh để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu;

b) Cơ sở công nghiệp dân sinh có công nghệ tiên tiến, hiện đại được chuyển giao công nghệ và tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; ưu tiên công nghệ có khả năng tạo ra các sản phẩm mới và phát triển các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng danh mục công nghệ lưỡng dụng được ưu tiên đầu tư phát triển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 29. Lĩnh vực tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh đối với cơ sở huy động

1. Nghiên cứu, sản xuất chi tiết, phụ tùng, vật tư, bán thành phẩm của sản phẩm quốc phòng, an ninh.

2. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nền, công nghệ lõi phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

3. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; cung cấp sản phẩm, dịch vụ về quản trị doanh nghiệp, an toàn thông tin, công nghệ cao.

4. Dịch vụ thanh toán và cấp tín dụng.

5. Chuyển giao công nghệ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

6. Sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh thông qua liên doanh, liên kết với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

7. Cung ứng, dự trữ, bảo quản vật tư sản xuất quốc phòng, an ninh.

Điều 30. Điều kiện, hình thức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh của cơ sở huy động

1. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh;

b) Bảo đảm an toàn, bí mật;

c) Đối với doanh nghiệp ngoài điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này phải bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh thông qua hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng, an ninh. Trường hợp cung cấp dịch vụ thanh toán, cấp tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 31. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh có các quyền sau đây:

a) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh;

b) Được cung cấp và sử dụng thông tin trong phạm vi phục vụ triển khai nhiệm vụ hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh;

c) Khi trực tiếp tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 29 của Luật này được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 Điều 64 của Luật này và pháp luật về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

2. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh theo đúng phạm vi, nhiệm vụ, kế hoạch, lĩnh vực được giao và tuân thủ hợp đồng đã ký kết;

b) Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

c) Chấp hành chế độ kiểm tra, báo cáo về hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tham gia sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt thực hiện sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh có các quyền sau đây:

a) Sử dụng nhân lực, cơ sở vật chất để nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh, tham gia phát triển kinh tế - xã hội; chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp dân sinh;

b) Được ưu đãi về tín dụng, đất đai và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật khi tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, hiện đại, có vai trò dẫn dắt đối với công nghiệp quốc gia và nền kinh tế;

c) Liên doanh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt thực hiện sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

b) Bảo đảm an toàn, bí mật nhà nước trong quá trình tham gia sản xuất sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh;

c) Thực hiện hạch toán riêng đối với doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh.

Mục 5. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 33. Hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác.

3. Cơ sở huy động tham gia công nghiệp quốc phòng.

4. Cơ sở công nghiệp động viên.

Điều 34. Tiêu chí, loại hình cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc tổ chức được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Quốc phòng được giao quản lý;

b) Có chức năng, nhiệm vụ: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật; sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược; sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng; đào tạo nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp; hoạt động thương mại quân sự, cung cấp dịch vụ công nghiệp quốc phòng; cất trữ vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật cấp chiến lược;

c) Có tổ chức, biên chế tương đương cấp lữ đoàn trở lên trong Quân đội nhân dân.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt gồm các loại hình sau đây:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

b) Đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Cơ sở cất trữ vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật cấp chiến lược.

3. Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Bộ Quốc phòng lập Danh mục cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 35. Hoạt động của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

1. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật phục vụ quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng phục vụ quốc phòng, an ninh.

2. Sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác bảo đảm hoạt động công nghiệp quốc phòng.

3. Đào tạo nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.

4. Chuyển giao công nghệ, tài liệu, hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện nhân lực; tham gia nghiệm thu sản phẩm, dây chuyền; kiểm tra, tiếp nhận sản phẩm trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp.

5. Cất trữ vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật cấp chiến lược cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.

6. Liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước nước ngoài để sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của cơ sở công nghiệp quốc phòng khác

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập hoặc được giao quản lý để phục vụ quốc phòng, an ninh. Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí trang bị kỹ thuật cấp chiến thuật, chiến dịch;

b) Cất trữ, bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật và vật tư kỹ thuật;

c) Chuyển giao công nghệ, tài liệu, hướng dẫn, huấn luyện nhân lực; tham gia nghiệm thu sản phẩm, dây chuyền; kiểm tra, tiếp nhận sản phẩm trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác có tổ chức, biên chế tương đương cấp trung đoàn trở xuống trong Quân đội nhân dân.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của cơ sở công nghiệp quốc phòng khác.

Điều 37. Hoạt động của cơ sở công nghiệp động viên

1. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ động viên công nghiệp.

2. Bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động bố trí trong dây chuyền động viên công nghiệp.

3. Quản lý số lượng, chất lượng trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu công nghệ được giao.

4. Quản lý kế hoạch động viên công nghiệp.

5. Thực hiện các hoạt động để duy trì năng lực của dây chuyền động viên công nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp theo nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.

6. Thực hiện nhiệm vụ trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp theo quy định của Luật này.

Mục 6. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 38. Hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh

1. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

2. Cơ sở công nghiệp an ninh khác.

3. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp an ninh.

Điều 39. Tiêu chí, loại hình cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt

1. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc tổ chức được Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập, phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Công an được giao quản lý;

b) Có chức năng, nhiệm vụ: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu trong công tác công an theo quy định của pháp luật về cơ yếu; sản xuất sản phẩm an ninh mạng; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí theo quy định của pháp luật; hoạt động thương mại an ninh, cung cấp sản phẩm, dịch vụ an ninh; đào tạo nhân lực; cất trữ phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, vật tư kỹ thuật;

c) Có tổ chức biên chế từ cấp phòng trở lên trong Công an nhân dân.

2. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt gồm các loại hình sau đây:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

b) Đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Cơ sở cất trữ phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, vật tư kỹ thuật.

3. Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Bộ Công an lập Danh mục cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 40. Hoạt động của cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt

1. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu trong công tác công an theo quy định của pháp luật về cơ yếu, sản phẩm an ninh mạng phục vụ công tác công an; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí theo quy định của pháp luật.

2. Sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác bảo đảm hoạt động công nghiệp an ninh.

3. Đào tạo nhân lực cho công nghiệp an ninh.

4. Chuyển giao công nghệ, tài liệu, hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện nhân lực; tham gia nghiệm thu sản phẩm, dây chuyền; kiểm tra, tiếp nhận sản phẩm cho công nghiệp an ninh.

5. Cất trữ phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, vật tư kỹ thuật cho công nghiệp an ninh.

6. Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của cơ sở công nghiệp an ninh khác

1. Cơ sở công nghiệp an ninh khác là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập hoặc được giao quản lý để phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Cơ sở công nghiệp an ninh khác có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ;

b) Cất trữ, bảo quản phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và vật tư kỹ thuật.

2. Cơ sở công nghiệp an ninh khác có tổ chức, biên chế tương đương cấp phòng trở xuống trong Công an nhân dân.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của cơ sở công nghiệp an ninh khác.

Mục 7. TỔ HỢP CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 42. Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng

1. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng là hệ thống liên kết, hợp tác của cơ sở công nghiệp quốc phòng, tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 30 của Luật này, do cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt làm hạt nhân để hình thành chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm quốc phòng theo nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật.

2. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất quốc phòng;

b) Làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại;

c) Huy động nguồn lực quốc gia phát triển công nghiệp quốc phòng;

d) Nghiên cứu, sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh, chuyển giao công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;

đ) Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia xuất khẩu sản phẩm quốc phòng.

3. Thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt;

b) Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng gồm tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội nhân dân; tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 43. Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng

1. Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt có đủ nguồn lực, tiềm lực khoa học và công nghệ để chủ trì, dẫn dắt, định hướng tổ chức nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất và hoàn chỉnh sản phẩm quốc phòng.

2. Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng được hưởng các chính sách sau đây:

a) Nhà nước giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện chương trình nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật theo chuyên ngành sản phẩm; tự chủ điều phối trong nghiên cứu, sản xuất, huy động năng lực của các thành phần tổ hợp công nghiệp quốc phòng;

b) Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ chương trình nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng;

c) Sử dụng một phần từ Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

d) Sử dụng cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư để phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

3. Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng có trách nhiệm sau đây:

a) Lập danh sách thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng, ưu tiên cơ sở công nghiệp động viên, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt;

b) Tổ chức điều phối, chủ trì nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm sản phẩm của tổ hợp công nghiệp quốc phòng;

c) Hoàn chỉnh và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng;

d) Bảo đảm bí mật nhà nước, an ninh, an toàn trong quá trình liên doanh, liên kết, ký hợp đồng với các thành phần của tổ hợp;

đ) Xây dựng, ban hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng;

e) Hạch toán theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 44. Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng

1. Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng được thành lập theo quy định của pháp luật và có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực hoạt động phù hợp với nhu cầu của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

2. Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng tham gia thông qua việc liên doanh, liên kết, ký hợp đồng với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, cung cấp dịch vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

3. Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 31 của Luật này.

Điều 45. Chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng

1. Tạo điều kiện thúc đẩy liên doanh, liên kết giữa các thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

2. Khuyến khích xây dựng chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia để nghiên cứu, phát triển công nghệ nền, công nghệ lõi phục vụ sản xuất, chế tạo hệ thống vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.

3. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương III

ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Mục 1. CHUẨN BỊ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Điều 46. Khảo sát, lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định giao nhiệm vụ khảo sát năng lực của doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định điều kiện, tiêu chí doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp và hướng dẫn khảo sát năng lực của doanh nghiệp.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức khảo sát năng lực của doanh nghiệp trên địa bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham gia khảo sát năng lực của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý.

4. Bộ Quốc phòng tổ chức lựa chọn, lập Danh mục doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; xây dựng cơ sở dữ liệu về đăng ký, quản lý doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp.

Điều 47. Đăng ký, quản lý, theo dõi năng lực doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan thực hiện đăng ký, quản lý, theo dõi năng lực doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp trên địa bàn; báo cáo Bộ Quốc phòng về việc thay đổi năng lực của doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp.

2. Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh Danh mục doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc đăng ký, quản lý, theo dõi năng lực doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp.

Điều 48. Kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp

1. Kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp được xây dựng từ thời bình, thực hiện khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh.

2. Căn cứ xây dựng Kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp bao gồm:

a) Đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân;

b) Dự báo quy mô chiến tranh, phương thức tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc;

c) Nhu cầu và thực lực vũ khí trang bị kỹ thuật của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; vật tư kỹ thuật phục vụ quốc phòng;

d) Dự báo tiêu hao vũ khí trang bị kỹ thuật trong chiến tranh;

đ) Khả năng sản xuất sản phẩm quốc phòng của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp quốc phòng khác và bảo đảm từ các nguồn khác;

e) Kết quả lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp.

3. Nội dung Kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp bao gồm:

a) Nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ sở công nghiệp động viên;

b) Thời gian, biện pháp thực hiện;

c) Bảo đảm ngân sách;

d) Dự trữ vật tư;

đ) Di chuyển dây chuyền động viên công nghiệp.

4. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp.

Điều 49. Kế hoạch động viên công nghiệp các cấp

1. Căn cứ nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp được giao tại Kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp, việc xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp các cấp được quy định như sau:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp của địa phương;

c) Doanh nghiệp xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp của doanh nghiệp.

2. Việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp được quy định như sau:

a) Bộ Quốc phòng thẩm định; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng thẩm định; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của quân khu, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;

c) Cơ quan quân khu thẩm định; Tư lệnh quân khu phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Ban Chỉ huy quân sự Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thẩm định; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của doanh nghiệp được giao quản lý;

đ) Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về kế hoạch và đầu tư thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan có liên quan thẩm định; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của doanh nghiệp được giao quản lý;

e) Cơ quan cấp trên trực tiếp thẩm định; Thủ trưởng cấp trên trực tiếp phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của đơn vị trực thuộc trong Quân đội nhân dân.

3. Việc rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới kế hoạch động viên công nghiệp được quy định như sau:

a) Hằng năm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được giao xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp rà soát kế hoạch động viên công nghiệp; trình cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định việc điều chỉnh hoặc xây dựng mới kế hoạch trong trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;

b) Kế hoạch động viên công nghiệp được điều chỉnh trong trường hợp có thay đổi nội dung trong kế hoạch;

c) Kế hoạch động viên công nghiệp được xây dựng mới trong trường hợp thay đổi chỉ tiêu được giao hoặc thay đổi doanh nghiệp thực hiện động viên công nghiệp.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp các cấp.

Điều 50. Giao nhiệm vụ, chỉ tiêu trong chuẩn bị động viên công nghiệp

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định giao nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp cho từng doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp cho cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý.

Điều 51. Hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp

1. Hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp được thực hiện trên cơ sở năng lực sẵn có của doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp. Hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Khảo sát năng lực của doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp;

b) Đánh giá, xác định nhu cầu, bổ sung trang thiết bị chuyên dùng;

c) Chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp cho doanh nghiệp;

d) Nghiệm thu sản phẩm và dây chuyền động viên công nghiệp;

đ) Quyết định đưa dây chuyền vào thực hiện động viên công nghiệp và quản lý, duy trì năng lực dây chuyền động viên công nghiệp theo quy định tại Điều 52 của Luật này.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết Điều này.

Điều 52. Quản lý, duy trì năng lực dây chuyền động viên công nghiệp

1. Quân khu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quản lý, theo dõi, quản lý số lượng, chất lượng trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu công nghệ do Bộ Quốc phòng giao cho cơ sở công nghiệp động viên; báo cáo Bộ Quốc phòng về các thay đổi của dây chuyền động viên công nghiệp.

2. Bộ Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu đối với trang thiết bị chuyên dùng và tài liệu công nghệ do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp động viên và thống nhất quản lý hệ thống dây chuyền động viên công nghiệp.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn trích và sử dụng tiền khấu hao; bồi thường tổn thất, quản lý, sử dụng, thu hồi đối với trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu công nghệ do Bộ Quốc phòng giao cho cơ sở công nghiệp động viên.

4. Cơ sở công nghiệp động viên được giao nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp để duy trì năng lực của dây chuyền động viên công nghiệp thực hiện theo chế độ định kỳ nhưng không quá 03 năm một lần hoặc được ưu tiên đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng theo quy định tại Điều 19 của Luật này.

Điều 53. Diễn tập động viên công nghiệp

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ sở công nghiệp động viên và cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức, tham gia diễn tập động viên công nghiệp theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định quy mô, nội dung và hình thức diễn tập động viên công nghiệp.

Điều 54. Trách nhiệm của cơ sở công nghiệp động viên trong chuẩn bị động viên công nghiệp

1. Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về năng lực của doanh nghiệp phục vụ hoạt động khảo sát theo quy định tại Điều 46 của Luật này.

2. Chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền về việc giao nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp.

3. Tuyển chọn, bố trí, bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động đủ năng lực, trình độ bảo đảm duy trì hoạt động của dây chuyền động viên công nghiệp.

4. Quản lý, điều hành và thực hiện chế độ báo cáo hoạt động của dây chuyền động viên công nghiệp; quản lý sản phẩm động viên công nghiệp, trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu công nghệ do Bộ Quốc phòng giao.

5. Khi cơ sở công nghiệp động viên không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm bàn giao trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu công nghệ do Bộ Quốc phòng giao theo quyết định thu hồi; nếu có tổn thất thì cơ sở công nghiệp động viên phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

6. Chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng và Bộ Quốc phòng.

7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Mục 2. THỰC HÀNH ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Điều 55. Quyết định động viên công nghiệp

1. Căn cứ lệnh của Chủ tịch nước về động viên cục bộ hoặc tổng động viên, Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hành động viên công nghiệp.

2. Thẩm quyền, trình tự quyết định thực hành động viên công nghiệp được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ tiêu động viên công nghiệp và số lượng cơ sở công nghiệp động viên theo kế hoạch động viên công nghiệp;

b) Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định chỉ tiêu thực hành động viên công nghiệp cho từng cơ sở công nghiệp động viên;

c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cơ sở công nghiệp động viên thực hiện chỉ tiêu động viên công nghiệp được giao.

3. Thông báo Quyết định động viên công nghiệp để thực hành động viên công nghiệp được quy định như sau:

a) Văn phòng Chính phủ thông báo Quyết định động viên công nghiệp của Thủ tướng Chính phủ đến Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam thông báo Quyết định động viên công nghiệp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ động viên công nghiệp;

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo Quyết định động viên công nghiệp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến cơ sở công nghiệp động viên;

d) Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thông báo Quyết định động viên công nghiệp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến cơ quan, đơn vị trực thuộc có nhiệm vụ động viên công nghiệp.

4. Thời hạn hoàn thành thông báo Quyết định động viên công nghiệp được xác định trong kế hoạch động viên công nghiệp.

5. Thủ tướng Chính phủ quyết định kết thúc thực hành động viên công nghiệp.

6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc thông báo Quyết định động viên công nghiệp tại khoản 3 Điều này.

Điều 56. Tổ chức di chuyển địa điểm đối với cơ sở công nghiệp động viên

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí địa điểm di chuyển đến, bảo đảm phương tiện phục vụ di chuyển còn thiếu, xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo đảm điều kiện sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp cho cơ sở công nghiệp động viên thuộc diện di chuyển theo kế hoạch động viên công nghiệp.

2. Cơ sở công nghiệp động viên thuộc diện di chuyển báo cáo Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh số phương tiện còn thiếu để thực hiện di chuyển; thực hiện tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt, bảo đảm cho dây chuyền vận hành sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp theo kế hoạch.

Điều 57. Trách nhiệm của cơ sở công nghiệp động viên trong thực hành động viên công nghiệp

1. Thực hiện trách nhiệm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 54 của Luật này.

2. Tổ chức di chuyển đến địa điểm mới theo kế hoạch.

3. Tiếp nhận, quản lý và sử dụng vật tư để sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp.

4. Tổ chức sản xuất và bàn giao sản phẩm động viên công nghiệp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đúng chủng loại, đúng thời gian và địa điểm theo kế hoạch và quy định về quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng.

5. Báo cáo Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về những thay đổi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp.

Mục 3. NGÂN SÁCH BẢO ĐẢM VÀ DỰ TRỮ VẬT TƯ CHO ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Điều 58. Ngân sách bảo đảm cho động viên công nghiệp

1. Ngân sách bảo đảm cho động viên công nghiệp bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

2. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho động viên công nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Ngân sách nhà nước chi cho nhiệm vụ động viên công nghiệp được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm cho động viên công nghiệp.

Điều 59. Nhiệm vụ chi cho động viên công nghiệp

1. Khảo sát năng lực của doanh nghiệp.

2. Lựa chọn, đăng ký, quản lý, theo dõi năng lực của doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp.

3. Hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp.

4. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ động viên công nghiệp.

5. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động; huấn luyện, diễn tập động viên công nghiệp.

6. Các hoạt động để duy trì năng lực dây chuyền động viên công nghiệp.

7. Dự trữ vật tư.

8. Di chuyển dây chuyền động viên công nghiệp.

9. Sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp.

10. Phục hồi sản xuất của doanh nghiệp sau khi hoàn thành nhiệm vụ động viên công nghiệp.

11. Hoạt động chuyên môn, quản lý động viên công nghiệp.

12. Nhiệm vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật về động viên công nghiệp.

Điều 60. Dự trữ vật tư cho động viên công nghiệp

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng, sửa đổi, bổ sung kế hoạch, Danh mục dự trữ vật tư phục vụ động viên công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

2. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm dự trữ vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm dự trữ vật tư thông dụng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chương IV

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH TRONG CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Mục 1. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP AN NINH, CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP ĐỘNG VIÊN

Điều 61. Chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là doanh nghiệp được hưởng chính sách sau đây:

a) Được hưởng chính sách đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; chính sách đối với doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định pháp luật về công nghệ cao; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật có liên quan;

b) Được hưởng chính sách theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 21 của Luật này; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công trình hạ tầng xã hội, mở rộng năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;

c) Được chủ động mua sắm vật tư và chuẩn bị các yếu tố bảo đảm, tổ chức nghiên cứu, sản xuất bảo đảm tiến độ, chất lượng sản phẩm theo nhiệm vụ được giao;

d) Được trích khấu hao, trích hao mòn theo chế độ đặc thù đối với tài sản cố định là dây chuyền sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị và tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;

đ) Giá vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ được xác định theo quy định của pháp luật, trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù thì thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an;

e) Người đại diện theo pháp luật của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được thuê và quyết định mức chi trả cho chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư theo thỏa thuận, tương xứng với nhiệm vụ được giao;

g) Được Nhà nước hỗ trợ mức đóng chênh lệch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh không bảo đảm đủ mức lương và các khoản phụ cấp cho người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng và sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an;

h) Được hưởng chính sách quy định tại điểm b khoản 2 Điều này khi chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt không phải là doanh nghiệp được hưởng chính sách sau đây:

a) Được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công trình hạ tầng xã hội để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao;

b) Khi chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

c) Người đứng đầu cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được sử dụng kinh phí chi thường xuyên và nguồn thu hợp pháp khác để thuê chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư thực hiện nhiệm vụ được giao;

d) Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt hoạt động trong lĩnh vực vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao, phát triển công nghệ nền, công nghệ lõi được ưu tiên bố trí ngân sách để xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, chế tạo.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 62. Chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng khác, cơ sở công nghiệp an ninh khác

1. Được Nhà nước bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh, bảo đảm kỹ thuật, cất trữ, bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật; bảo đảm nguồn nhân lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công trình hạ tầng xã hội để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác, cơ sở công nghiệp an ninh khác là doanh nghiệp được hưởng chính sách đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; được trích khấu hao đối với tài sản cố định do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt nghiên cứu, sản xuất phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt

1. Được hưởng chính sách quy định tại Điều 61 của Luật này và ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật về đầu tư.

2. Chi phí các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt không thành công của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án được bù đắp từ nguồn lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp, được phân bổ 05 năm kể từ thời điểm có quyết định kết thúc chương trình, đề án, dự án và quyết toán chi phí.

3. Không áp dụng tiêu chí bảo toàn, phát triển vốn đối với phần vốn đầu tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt. Khi đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp, được loại trừ các yếu tố tác động do sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp để nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

4. Được thực hiện cơ chế bảo lãnh thanh toán đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

5. Được bảo đảm nguồn tài chính theo kế hoạch sản xuất quốc phòng, an ninh.

Điều 64. Chính sách đối với cơ sở công nghiệp động viên trong chuẩn bị, thực hành và kết thúc thực hành động viên công nghiệp

1. Trong chuẩn bị động viên công nghiệp, cơ sở công nghiệp động viên được hưởng chính sách sau đây:

a) Bảo đảm kịp thời, đầy đủ trang thiết bị chuyên dùng và tài liệu công nghệ để hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp;

b) Bảo đảm kịp thời, đúng chủng loại, số lượng, chất lượng vật tư phục vụ sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp;

c) Hạch toán chi phụ cấp đặc thù vào giá thành sản phẩm để chi trả cho người lao động trực tiếp trong thời gian thực hiện nhiệm vụ sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp;

d) Bảo đảm kinh phí và thanh toán đúng thời hạn;

đ) Hưởng ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật về thuế khi thực hiện sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp, tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong động viên công nghiệp; được ưu đãi về tín dụng theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ khi có biến động về giá so với thời điểm nhận nhiệm vụ;

e) Bộ Quốc phòng ưu tiên đặt hàng sản phẩm, dịch vụ của cơ sở công nghiệp động viên phù hợp với yêu cầu quốc phòng, an ninh.

2. Trong thực hành động viên công nghiệp, cơ sở công nghiệp động viên được hưởng chính sách sau đây:

a) Bảo đảm phương tiện vận chuyển còn thiếu trong trường hợp phải di chuyển dây chuyền động viên công nghiệp đến địa điểm mới;

b) Bảo đảm kịp thời vật tư, trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu công nghệ và kinh phí thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp;

c) Hưởng ưu đãi về thuế khi sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được hỗ trợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất phục vụ nhiệm vụ động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và pháp luật về thuế;

d) Được bù đắp chi phí sản xuất, sửa chữa trong trường hợp giá sản phẩm theo kế hoạch được giao thấp hơn so với chi phí thực tế sản xuất, sửa chữa; kinh phí duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành dây chuyền động viên công nghiệp trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí.

3. Kết thúc thực hành động viên công nghiệp, cơ sở công nghiệp động viên được hưởng chính sách sau đây:

a) Bảo đảm phương tiện còn thiếu khi di chuyển dây chuyền động viên công nghiệp về địa điểm trước khi di chuyển hoặc địa điểm khác mà cơ sở công nghiệp động viên được bố trí sau khi kết thúc thực hành động viên công nghiệp;

b) Hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật.

Mục 2. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG NÒNG CỐT, CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP AN NINH NÒNG CỐT, CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP ĐỘNG VIÊN

Điều 65. Chế độ, chính sách đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt

1. Người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là doanh nghiệp, được trả lương và hưởng chế độ, chính sách sau đây:

a) Được hưởng chế độ, chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về việc làm, bảo hiểm và pháp luật khác có liên quan;

b) Trong trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh không bảo đảm đủ lương theo chức vụ, chức danh, cấp hàm, ngạch, bậc và phụ cấp đặc thù thì được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ;

c) Được Nhà nước hỗ trợ chính sách chăm sóc sức khỏe, chính sách cho lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

2. Người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt không phải là doanh nghiệp, được hưởng chế độ, chính sách sau đây:

a) Được hưởng lương, phụ cấp đặc thù từ ngân sách nhà nước và các khoản thu nhập khác từ nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực, nguồn thu hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật;

b) Người lao động trực tiếp tham gia phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh được hưởng phụ cấp đặc thù theo quy định của pháp luật.

3. Ngoài chế độ, chính sách quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được hưởng chế độ, chính sách sau đây:

a) Người lao động khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh mà bị thương được xem xét, giải quyết chính sách thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh, nếu chết được xem xét công nhận là liệt sỹ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

b) Người lao động có trình độ đại học trở lên, công nhân kỹ thuật làm việc trong ngành, nghề đặc thù quốc phòng, an ninh, công nhân kỹ thuật bậc cao được hưởng chế độ, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề;

c) Được hưởng quyền tác giả, bảo hộ quyền tác giả đối với sản phẩm từ hoạt động khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về khoa học và công nghệ;

d) Được Nhà nước hỗ trợ về lương và phụ cấp đặc thù theo quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 66. Chế độ, chính sách đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt

1. Chuyên gia được hưởng chính sách quy định tại Điều 65 của Luật này, chế độ, chính sách của người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và các chế độ, chính sách sau đây:

a) Được đàm phán và hưởng lương, thưởng, lợi ích từ kết quả công việc theo thỏa thuận với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt;

b) Được Nhà nước bảo đảm nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ; được tiếp cận thông tin, tư liệu từ các thư viện điện tử, thư viện kỹ thuật quan trọng; sử dụng miễn phí hoặc được hỗ trợ toàn bộ kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ;

c) Được ưu tiên bố trí nhà ở công vụ, trường hợp chưa bố trí được nhà ở công vụ mà phải thuê nhà thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở; được hỗ trợ phương tiện đi lại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

d) Trường hợp có nguyện vọng phục vụ lâu dài tại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt thì được xem xét tuyển dụng giữ chức vụ của sĩ quan và ưu tiên phong cấp bậc quân hàm sĩ quan theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt NamLuật Công an nhân dân;

đ) Hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;

e) Trường hợp là người nước ngoài thì được xem xét rút ngắn quy trình thủ tục thẩm định cấp giấy phép lao động; được hưởng thù lao đặc biệt và chế độ ưu đãi khác theo hợp đồng lao động.

2. Nhà khoa học đầu ngành được hưởng chính sách quy định tại khoản 1 Điều này và chế độ, chính sách sau đây:

a) Được hưởng chế độ, chính sách của nhà khoa học đầu ngành theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

b) Được tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí tham quan, khảo sát, trao đổi khoa học với nhà khoa học quốc tế để cập nhật công nghệ mới, nhưng phải giữ bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực đặc thù của công nghiệp quốc phòng, an ninh;

c) Được giao triển khai chương trình, đề án khoa học và công nghệ về phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều động nhân lực khoa học và công nghệ, huy động các tổ chức khoa học và công nghệ tham gia thực hiện nhiệm vụ; thuê hoặc mời chuyên gia trong nước và nước ngoài.

3. Tổng công trình sư được hưởng chính sách quy định tại khoản 2 Điều này và chế độ, chính sách sau đây:

a) Được hưởng chế độ, chính sách của nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

b) Được trực tiếp làm việc, trao đổi với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

4. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí đối với các chức danh chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh. Căn cứ quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xét công nhận, hủy công nhận đối với các chức danh chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc phạm vi quản lý.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này, quy định mức tối đa tiền lương cho chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước.

Điều 67. Chế độ, chính sách đối với người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp

1. Trong thời gian trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp, người lao động được doanh nghiệp chi trả lương theo quy định và phụ cấp đặc thù theo định mức như đối với người lao động tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; Nhà nước có chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

2. Người lao động bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương, chết trong thời gian diễn tập và thực hành động viên công nghiệp được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được Nhà nước hỗ trợ chế độ, chính sách sau đây:

a) Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh;

b) Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.

3. Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét công nhận là liệt sỹ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

4. Người trực tiếp điều khiển phương tiện phục vụ di chuyển dây chuyền động viên công nghiệp được hưởng chế độ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Mục 3. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Điều 68. Chính sách đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt khi triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, được tự chủ các hoạt động sau đây:

a) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ được giao;

b) Mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ, vật tư, bán thành phẩm phục vụ nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật;

c) Lựa chọn hình thức, đối tác hợp tác; sử dụng chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và nước ngoài;

d) Huy động các nguồn lực để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính ứng dụng cao;

đ) Được lựa chọn áp dụng khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sản phẩm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tính năng chiến thuật, kỹ thuật trước khi thẩm định thuyết minh và dự toán kinh phí.

2. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh được hưởng chính sách sau đây:

a) Được bảo hộ quyền chủ sở hữu, quyền tác giả và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về khoa học và công nghệ;

b) Được phân chia một phần lợi nhuận từ sản xuất sản phẩm có ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tái đầu tư nghiên cứu, chế tạo, phát triển các sản phẩm mới và thực hiện chính sách tại điểm a khoản này;

c) Được miễn trách nhiệm dân sự khi thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ được giao do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Được hưởng cơ chế khuyến khích và chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tạm ứng kinh phí hoặc huy động từ các nguồn hợp pháp để triển khai nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng.

4. Cá nhân tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh được trả thù lao theo hình thức khoán công việc được giao.

5. Ưu tiên kết hợp, ứng dụng kết quả đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu trong nước thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh vào dự án đầu tư phát triển công nghệ cao.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 69. Chính sách phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt

1. Nhà nước xây dựng chương trình nghiên cứu cơ bản phát triển công nghệ nền, công nghệ lõi phục vụ chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

2. Chương trình, đề án, dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt được hưởng chính sách sau đây:

a) Được bảo đảm toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước các nguồn lực hợp pháp khác;

b) Ban Chủ nhiệm chương trình, đề án, dự án được quyết định điều chỉnh nội dung nghiên cứu, phương án thực hiện nhiệm vụ và nghiệm thu chuyển sang giai đoạn tiếp theo để bảo đảm được mục tiêu đề ra;

c) Được phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ xuyên suốt từ nghiên cứu, chế thử đến sản xuất thử nghiệm; tổ chức Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và cho triển khai sản xuất thử nghiệm sau khi sản phẩm nghiên cứu, chế thử đạt các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản đề ra;

d) Đối với nhiệm vụ có tính cấp bách, đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ được ứng trước kinh phí hoặc huy động kinh phí từ nguồn hợp pháp để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất thử nghiệm sản phẩm theo yêu cầu tính năng chiến thuật, kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức Hội đồng nghiệm thu và hoàn tất thủ tục để chuyển sang giai đoạn tiếp theo;

đ) Được áp dụng cơ chế đặc biệt để triển khai thực hiện mua tài liệu thiết kế, bí quyết công nghệ, sản phẩm mẫu, vật tư đặc chủng, thuê chuyên gia nước ngoài;

e) Được dự toán kinh phí dự phòng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nội dung nghiên cứu, chế tạo;

g) Được hỗ trợ tìm kiếm và giải mã công nghệ mới, công nghệ cao;

h) Được hưởng cơ chế đầu tư đặc biệt thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan phê duyệt, ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong phạm vi quản lý.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Chương V

HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VỀ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Điều 70. Yêu cầu, nội dung hợp tác quốc tế và thương mại quốc tế về công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Yêu cầu đối với hoạt động hợp tác quốc tế và thương mại quốc tế về công nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ lưỡng dụng; nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; gắn hoạt động hợp tác quốc tế, thương mại quốc tế với chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

b) Bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung hợp tác quốc tế và thương mại quốc tế về công nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi chuyên gia;

b) Liên doanh, liên kết trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh;

c) Nhập khẩu, xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh;

d) Chuyển giao công nghệ với đối tác nước ngoài;

đ) Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm quốc phòng, an ninh;

e) Nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Điều 71. Đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi chuyên gia phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Nhà nước khuyến khích cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi chuyên gia phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

2. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cử người đủ tiêu chuẩn và trình độ đi đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu ở nước ngoài về ngành nghề, lĩnh vực then chốt, công nghệ nền, công nghệ lõi và công nghệ lưỡng dụng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

3. Chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh trong lĩnh vực công nghệ cao.

Điều 72. Liên doanh, liên kết trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Việc liên doanh, liên kết trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt được liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này.

3. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ của công nghiệp an ninh quy định tại điểm a và điểm d khoản 2 Điều 4 của Luật này.

4. Tổng mức sở hữu vốn điều lệ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài không vượt quá 49%.

5. Doanh nghiệp liên doanh, liên kết được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định chủ trương thành lập liên doanh, liên kết giữa cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt với đối tác nước ngoài.

Điều 73. Nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Sản phẩm, dịch vụ nhập khẩu phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ;

b) Vật tư kỹ thuật;

c) Máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất quốc phòng, an ninh;

d) Tài liệu kỹ thuật;

đ) Dịch vụ tư vấn, dịch vụ kỹ thuật;

e) Sản phẩm, dịch vụ khác.

2. Việc nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh phải đáp ứng yêu cầu sau đây:

a) Doanh nghiệp nhập khẩu có tư cách pháp nhân, có chức năng kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

b) Chỉ nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh mà công nghiệp quốc phòng, an ninh trong nước chưa sản xuất được; sản phẩm, dịch vụ nhập khẩu có tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn sản phẩm, dịch vụ cùng loại sản xuất trong nước; năng lực sản xuất của cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh trong nước không đáp ứng được nhu cầu về số lượng;

c) Ưu tiên nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc đối tác có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực.

3. Sản phẩm, dịch vụ nhập khẩu phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh được miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng; được ưu tiên thông quan theo pháp luật về hải quan. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục sản phẩm, dịch vụ nhập khẩu phục vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định việc nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Điều 74. Xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh xuất khẩu bao gồm:

a) Vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ;

b) Vật tư kỹ thuật;

c) Máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất;

d) Tài liệu kỹ thuật;

đ) Dịch vụ tư vấn, dịch vụ kỹ thuật;

e) Sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh khác theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

2. Việc xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh phải đáp ứng yêu cầu sau đây:

a) Doanh nghiệp là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt có chức năng xuất khẩu, nhập khẩu được xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh;

b) Đối tác nước ngoài phải được thẩm định về lai lịch, chức năng, nhiệm vụ, năng lực; có cam kết về mục đích sử dụng và người sử dụng cuối cùng do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài nơi người sử dụng cuối cùng cấp.

3. Sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh xuất khẩu được miễn thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được ưu tiên thông quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

4. Thẩm quyền quyết định việc xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc xuất khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt;

b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định việc xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại khoản 1 Điều này, trừ quy định tại điểm a khoản này.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 75. Hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ

1. Nội dung hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ bao gồm:

a) Chuyển giao tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ;

b) Trao đổi chuyên gia và đào tạo nhân lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ;

c) Chuyển giao máy móc, thiết bị, trang bị công nghệ dây chuyền sản xuất;

d) Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;

đ) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

2. Ưu tiên hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ để chế tạo, sản xuất các sản phẩm và công nghệ sau đây:

a) Vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao;

b) Vật liệu mới;

c) Tác chiến không gian mạng;

d) An ninh mạng;

đ) Vũ trụ, vệ tinh;

e) Tàu quân sự và vũ khí dưới nước;

g) Công nghệ lưỡng dụng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 28 của Luật này;

h) Công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

3. Chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ và pháp luật khác có liên quan; ưu tiên lựa chọn đối tác chuyển giao công nghệ lưỡng dụng, hiện đại; có cam kết sử dụng vật tư, bán thành phẩm được sản xuất tại Việt Nam, cam kết tiêu thụ sản phẩm.

4. Cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý tiếp nhận chuyển giao công nghệ được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 76. Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm quốc phòng, an ninh

1. Nhà nước khuyến khích hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm quốc phòng, an ninh để xuất khẩu các sản phẩm do cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh sản xuất.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh do đơn vị sản xuất.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức triển lãm quốc phòng, an ninh quốc tế tại Việt Nam.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định tham gia trưng bày sản phẩm quốc phòng, an ninh tại triển lãm quốc phòng, an ninh quốc tế; tiếp xúc, trao đổi, giới thiệu sản phẩm quốc phòng, an ninh.

5. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm quốc phòng, an ninh.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VỀ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Điều 77. Quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

2. Nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp bao gồm:

a) Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh; kế hoạch động viên công nghiệp; kế hoạch bảo đảm nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp;

c) Tổ chức, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt; xây dựng mạng lưới cơ sở công nghiệp động viên;

d) Quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp;

đ) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp;

e) Hợp tác quốc tế và thương mại quốc tế về công nghiệp quốc phòng, an ninh;

g) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp;

h) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Điều 78. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp và có trách nhiệm sau đây:

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này;

2. Tổ chức, quản lý hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng; đăng ký, quản lý cơ sở công nghiệp động viên;

3. Hướng dẫn Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp;

4. Xây dựng tiêu chí và Danh mục nhóm sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng Danh mục sản phẩm vũ khí quân dụng, vật liệu nổ quân dụng do Bộ Công an đặt hàng cơ sở công nghiệp quốc phòng nghiên cứu, sản xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

6. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý;

7. Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Cơ quan chuyên trách về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.

Điều 79. Trách nhiệm của Bộ Công an

Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp an ninh và có trách nhiệm sau đây:

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này;

2. Tổ chức, quản lý hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh thuộc Bộ Công an;

3. Hướng dẫn Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công nghiệp an ninh;

4. Xây dựng tiêu chí và Danh mục nhóm sản phẩm phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

5. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 78 của Luật này;

6. Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Cơ quan chuyên trách về công nghiệp an ninh.

Điều 80. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và có trách nhiệm sau đây:

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ đối với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh;

2. Ưu tiên bố trí lồng ghép kết hợp nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh trong chiến lược xây dựng và phát triển ngành do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, trong thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ về tính lưỡng dụng của các đề án, chương trình, dự án khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước;

3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong triển khai chính sách huy động nguồn lực khoa học và công nghệ của quốc gia cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Điều 81. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và có trách nhiệm sau đây:

1. Ưu tiên bố trí lồng ghép kết hợp nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh trong chiến lược xây dựng và phát triển ngành trong phạm vi quản lý;

2. Tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch động viên công nghiệp theo thẩm quyền.

Điều 82. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Quyết định chủ trương, biện pháp xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật;

b) Giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quản lý nhà nước về động viên công nghiệp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp;

b) Căn cứ nhu cầu, định hướng sử dụng đất quốc phòng, an ninh, ưu tiên quy hoạch đất phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh;

c) Thực hiện đăng ký, quản lý, theo dõi năng lực doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp; quản lý dây chuyền động viên công nghiệp theo thẩm quyền;

d) Tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch động viên công nghiệp.

Điều 83. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; giám sát, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 84. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung mục 24 và bổ sung mục 24a, 24b vào sau mục 24 tại Phụ lục I Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 15/2023/QH15, Luật số 16/2023/QH15, Luật số 28/2023/QH15 và Luật số 31/2024/QH15 như sau:

“24. Quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược

24a. Quy hoạch công nghiệp quốc phòng

24b. Quy hoạch công nghiệp an ninh”.

2. Sửa đổi Điều 34 của Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2023/QH15 như sau:

Điều 34. Công nghiệp an ninh

1. Công nghiệp an ninh là thành phần của công nghiệp quốc phòng, an ninh, phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân.

2. Chính sách, cơ chế xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh thực hiện theo quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.”.

3. Sửa đổi khoản 1 Điều 12 của Luật Quốc phòng số 22/2018/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 18/2023/QH15 như sau:

“1. Công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận quan trọng, ngành đặc thù của công nghiệp quốc gia, thành phần cơ bản của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh; có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm, dịch vụ khác phục vụ quốc phòng, an ninh; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.”.

4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14, Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15 và Luật số 27/2023/QH15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 8 như sau:

“b) Dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ, trừ dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 51 như sau:

“3. Tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm về công nghiệp quốc phòng, an ninh, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành.”.

Điều 85. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

2. Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng số 02/2008/PL-UBTVQH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14, Pháp lệnh Động viên công nghiệp số 09/2003/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 86. Quy định chuyển tiếp

1. Các gói thầu thuộc chương trình, dự án đầu tư, mua sắm vật tư sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh có nội dung được xác định bí mật nhà nước độ Tối mật trở lên theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước để triển khai nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì thực hiện phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này.

2. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt đang triển khai thực hiện đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu chưa nghiệm thu thì được áp dụng quy định tại các điểm b, đ và g khoản 2 Điều 69 của Luật này.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2024.

 

 

 

 

E-pas: 56293

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Trần Thanh Mẫn

 

 

NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

Law No. 38/2024/QH15

Hanoi, June 27, 2024

 

LAW

NATIONAL DEFENSE AND SECURITY INDUSTRY AND INDUSTRIAL MOBILIZATION

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly of Vietnam hereby promulgates the Law on National Defense and Security Industry and Industrial Mobilization.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for the positions, tasks, principles, organizations, operations, resources, regulations, policies, and responsibilities of agencies, organizations, and individuals concerning national defense and security industry and industrial mobilization.   

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



For the purpose of this Law, the following terms shall be construed as follows:

1. National defense and security industry is an important and specialized sector of the national industry, a basic component of the national defense and security strength and potential, which is tasked with research, design, creation, manufacture, repair, conversion, improvement, modernization, and shelf-life extension of weapons, equipment, and technical devices, technical supplies, and other products and services serving national defense and security, contributing to the industrialization, modernization, and protection of the Fatherland and socio-economic development.  

2. Industrial mobilization is a task of military mobilization, mobilizing part or all of the capacity of enterprises outside of the armed forces of any economic sector to manufacture, repair, convert, improve, modernize, and extend the shelf life of weapons and equipment for the People’s Army and the Militia and Self-Defense Forces; research and manufacture technical supplies for national defense. Industrial mobilization shall be prepared and implemented in peacetime and practiced upon local or general mobilization orders and during the state of war.

3. Core national defense industry facilities are facilities invested in by the State and state-owned enterprises established or with establishment guidelines approved by the Minister of National Defense of Vietnam or assigned to the Ministry of National Defense of Vietnam for management, operating as the core in the construction and development of the national defense industry and industrial mobilization.  

4. Core security industry facilities are facilities invested in by the State and state-owned enterprises established or with established guidelines approved by the Minister of Public Security of Vietnam or assigned to the Ministry of Public Security of Vietnam for management, operating as the core in the construction and development of the security industry.

5. Mobilized facilities refer to enterprises and organizations outside of the armed forces or enterprises with stakes from the State under the management of the Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam that are eligible according to this Law and mobilized to participate in national defense and security industry operations.  

6. Mobilization industry facilities are enterprises outside of the armed forces eligible for engagement in industrial mobilization and permitted to register, manage, and complete the industrial mobilization line according to this Law to carry out industrial mobilization.

7. Weapons and equipment include weapon types, weapon combinations, ammunitions, equipment, materials, supporting technical equipment, software, and products and equipment serving cipher operations and cyberspace operations for people’s armed forces, cipher forcers, and other law enforcement forces.

8. Strategic weapons and equipment are weapons and equipment that are high-tech, advanced, modern, systematically integrated, and powerful, meeting the requirements for Fatherland protection.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. Technical devices includes machinery, devices, technical device systems, support tools, software, products, equipment serving cipher operations and cyber security, and other equipment serving professional operations of public security forces and other law enforcement forces.

11. Special technical devices refers to technical devices with modern features and high technologies capable of operations concerning prevention, deterrence, suppression, and breakthrough in the protection of national security and social order and safety, included in the list of special assets of People’s Public Security Force.

12. Dual-use technology refers to the technology used for national defense and security and people’s welfare.

13. National defense and security services are advisory, non-advisory, trade, investment, and technology services for the national defense and security industry provided by national defense industry facilities, security industry facilities, and other eligible organizations under the law.

14. National defense and security manufacturing is the process of creating products to meet national defense and security demands.  National defense and security manufacturing includes:

a) National defense manufacturing, which is the process of researching, designing, creating, manufacturing, repairing, converting, improving, modernizing, and extending the shelf life of weapons and equipment; manufacturing products and equipment serving cipher operations and operations in cyberspace; manufacturing technical supplies and other products for national defense and security;

a) Security manufacturing, which is the process of researching, designing, creating, manufacturing, repairing, converting, improving, modernizing, and extending the shelf life of technical devices; manufacturing products and equipment serving cipher operations in public security operations; manufacturing cyber security products; researching, designing, creating, manufacturing, converting, improving, and modernizing weapons according to the law; manufacturing technical supplies and other products for security.

15. National defense and security products are products created from national defense and security manufacturing, including national defense products and security products.  

16. Industrial mobilization products include weapons and equipment manufactured, repaired, converted, improved, modernized, and with shelf life extended and technical supplies manufactured in peacetime upon local or general mobilization orders and during the state of war implemented by mobilization industry facilities.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



18. Industrial mobilization targets refer to the number of industrial mobilization products implemented under decisions on the assignment of industrial mobilization tasks.

19. Industrial mobilization preparation refers to operations and measures to be ready to practice industrial immobilization and manufacture industrial mobilization products according to the assigned targets.

20. Industrial mobilization practice refers to the implementation of industrial mobilization plans upon local or general mobilization orders and during the state of war.

21. Foundation technology is the ground for other technologies to apply during national defense and security manufacturing.  

22. Core technology is the core technology that is decisive for forming and ensuring the quality of national defense and security products.

23. General project manager is the head who directs the implementation of programs, schemes, and projects on the research and creation of strategic weapons and equipment and special technical devices.  

Article 3. Application of Law on National Defense and Security Industry and Industrial Mobilization and relevant laws

1. The operations of the national defense and security industry and industrial mobilization shall comply with the Law on National Defense and Security Industry and Industrial mobilization and relevant laws.  

2. Where there are discrepancies between the Law on National Defense and Security Industry and Industrial Mobilization and other laws regarding the same matter, the Law on National Defense and Security Industry and Industrial Mobilization shall prevail with respect to the following contents:  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Assignment of tasks and placement of orders for the manufacture of national defense and security products; methods of selecting contractors for bidding packages for the manufacture and provision of national defense and security products; Appraisal Councils for projects of group A; methods of selecting investors and contractors for programs and projects on investment in and procurement of supplies for manufacturing for the national defense and security industry with contents determined as state secrets classified as “secret” or above; negotiation and conclusion of contracts for receipt of transfers of technologies, joint venture, and association with foreign partners;

c) Competence in approving and concluding contracts for the implementation of national scientific and technological tasks; reserve budget estimates for scientific and technological tasks for research on and manufacture of strategic weapons and equipment and special technical devices;   

d) Prices of weapons and equipment and technical devices when applying the general pricing method with specific contents; designation of suppliers and application of price negotiation to the procurement of sample products, supplies, and special semi-finished products for manufacture concerning national defense and security;

dd) Exemption from civil responsibilities when engaging in activities of science, technology, and creative innovation severing the national defense and security industry; benefits and policies applicable to leading scientists, specialists, and chief engineers;  

e) Benefits and policies for workers in core national defense industry facilities and core security industry facilities.

3. Where laws promulgated after the effective date of the Law on National Defense and Security Industry and Industrial Mobilization stipulate specific regulations on the national defense and security industry and industrial mobilization different from this Law, it is mandatory to specify contents that must comply with the Law on National Defense and Security Industry and Industrial Mobilization and vice versa and contents that must comply with such laws, excluding Clause of this Article.  

Article 4. Positions and tasks of national defense industry, security industry, and industrial mobilization

1. The national defense industry is a component of the national defense and security industry with the following tasks:

a) Implementing national defense manufacturing;  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Storing technical supplies for the national defense industry and industrial mobilization;

d) Providing training for national defense industry personnel;

dd) Engaging in international cooperation in the national defense industry;

e) Participating in socio-economic development and Vietnam's industrialization and modernization;

g) Implementing other tasks according to the law.  

2. The security industry is a component of the national defense and security industry with the following tasks:

a) Implementing security manufacturing;  

b) Ensuring professional and technical supplies for people's public security forces, cipher forces, and other law enforcement forces;

c) Storing technical supplies for the security industry;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Engaging in international cooperation in the security industry;

e) Participating in socio-economic development and Vietnam's industrialization and modernization;

g) Implementing other tasks according to the law.

3. Industrial mobilization is a task of military mobilization, including:  

a) Surveying, selecting, registering, managing, and monitoring the capacity of enterprises eligible for industrial mobilization;

b) Assessing the capability to ensure weapons and equipment of core national defense industry facilities and other sources of assurance for determination of industrial mobilization demands;

c) Developing industrial mobilization plans;  

d) Assigning industrial mobilization tasks and targets; assigning tasks, placing orders, and organizing bidding for industrial mobilization product manufacturing;

dd) Completing, managing, and maintaining the capacity of industrial mobilization lines;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Organizing industrial mobilization drills;

h) Practicing industrial mobilization.

Article 5. Principles of constructing and developing national defense and security industry and industrial mobilization  

1. Compliance with strict and direct leadership regarding all aspects of the CPV and the consistent management of the State.  

2. Compliance with the Constitution and the law of Vietnam and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.  

3. Self-reliance, self-empowerment, dual-use, modernity, and proactivity in international integration in which internal force is the decisive factor.  

4. Promotion of the synergy in the construction and development of the national defense and security industry and industrial mobilization; assurance of weapons and equipment and technical devices for people’s armed forces in any situation. 

5. Neat, compact, strong, efficient, and consistent organizational structure, conforming with national defense and security.

6. Close solidarity and maximized promotion of the capacity of the national defense industry and security industry; assurance of practicality and efficiency and prevention of duplication in the construction and development of the national defense industry and security industry.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 6. State policies on national defense and security industry and industrial mobilization

1. Prioritization of the assurance of budget and specific policies and regulations applicable to the national defense and security industry and industrial mobilization.  

2. Construction and development of core national defense industry facilities and core security industry facilities in a neat, compact, strong, efficient, advanced, and modern manner; close association of research, design, and creation with manufacture and repair, meeting the requirements for military, national defense, and security tasks.

3. Prioritization of resources for scientific and technological development and creative innovation concerning national defense and security.  

4. Maximized promotion of resources of the national industry, construction and development of infrastructures for the national defense and security industry and industrial mobilization; attraction, training, and effective use of high-quality personnel for national defense and security industry.  

5. Construction and development of the national defense and security industry in the direction of dual-use and close association, aiming to become the spearhead of the national industry.

6. Encouragement and facilitation for agencies, organizations, individuals, and enterprises to participate in the national defense and security industry and industrial mobilization.

7. Intensification of international cooperation in constructing and developing the national defense and security industry.

Article 7. State Steering Committee for national defense and security industry

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Prime Minister of Vietnam shall decide on the establishment, tasks, entitlements, and organization of the State Steering Committee for the national defense and security industry.

Article 8. Prohibited acts

1. Leaking state secrets concerning the construction and development of the national defense industry and security industry and industrial mobilization.

2. Destroying, damaging, and illegally trading, gifting, leasing, mortgaging, utilizing, and using other equipment and assets assigned to national defense industry facilities, security industry facilities, and mobilization industry facilities by the State.

3. Illegally trading, storing, and using weapons and equipment, technical devices, technical supplies, and industrial mobilization products.

4. Illegally appropriating, using, trading, and transferring technological information, documents, inventions, processes, and secrets that are state secrets concerning the national defense and security industry and industrial mobilization.

5. Obstructing and avoiding responsibilities in the implementation of tasks of constructing and developing the national defense and security industry and the preparation and practice of industrial mobilization.

6. Taking advantage of positions and entitlements to commit illegal acts in the national defense and security industry and industrial mobilization.

7. Committing gender-based discrimination in the national defense and security industry and industrial mobilization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NATIONAL DEFENSE AND SECURITY INDUSTRY

Section 1. PLANNING FOR NATIONAL DEFENSE INDUSTRY AND PLANNING FOR SECURITY INDUSTRY

Article 9. Principles of formulating national defense industry planning and security industry planning

1. National defense industry planning and security industry planning mean national industry planning, formulated, appraised, approved, disclosed, and revised under this law and planning laws.  

2. Assurance of consistency and scales conformable with Vietnam’s socio-economic development strategies and plans; development of national defense industry and security industry in the direction of dual-use and modernity, aiming to become the spearhead of the national industry and ensuring weapons and equipment and technical devices for national defense and security demands.

3. Effective utilization and use of the domestic and foreign potential and resources for the construction and development of the national defense industry and security industry.  

Article 10. Grounds to formulate national defense industry planning and security industry planning

1. Socio-economic development strategies and national defense and security strategies; demands for the assurance of weapons and equipment and technical devices for people’s armed forces and other law enforcement forces.

2. National master planning, national land use planning, and national marine spatial planning; national defense and security tasks and socio-economic development tasks of Vietnam; previous planning.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 11. Contents of national defense industry planning and security industry planning

1. Analysis and assessment of factors, natural conditions, socio-economic development situations of Vietnam, resources, circumstances, and current state of the national defense industry and security industry.

2. Forecast on the development trend of the national defense industry and security industry during the planning period.

3. Determination of socio-economic development requirements with respect to the national defense industry and security industry; opportunities and challenges regarding the development of the national defense industry and security industry.

4. Viewpoints, objectives, requirements, and tasks.  

5. System of national defense industry facilities and system of security industry facilities.

6. Key programs and projects.

7. Solutions and resources for the implementation of planning.  

8. Other contents according to planning laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Minister of National Defense of Vietnam and the Minister of Public Security of Vietnam shall assign tasks of formulating national defense industry planning and security industry planning to specialized agencies managing the national defense industry and security industry.  

2. The mentioned agencies tasked to formulate planning shall:

a) Develop planning tasks and report them to the Minister of National Defense of Vietnam and the Minister of Public Security of Vietnam for assessment and consideration for requesting the Prime Minister of Vietnam to grant approval;

b) Develop planning and present it to the Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam; the Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam shall collect feedback from ministries, ministerial agencies, provincial People’s Committees, and relevant agencies and units on the planning;

c) Receive and explain suggestions and complete planning dossiers for presentation to the Planning Appraisal Council established by the Prime Minister of Vietnam;

d) Research, present, and receive appraisal suggestions to revise and complete planning for reports to the Minister of National Defense of Vietnam and the Minister of Public Security of Vietnam for assessment and consideration for questing the Prime Minister of Vietnam to grant approval.

3. The disclosure of national defense industry planning and security industry planning shall comply with planning and state secret protection laws.

4. Revision to national defense industry planning and security industry planning upon changes to planning formulation grounds shall comply with planning laws.

Section 2. MANAGEMENT OF NATIONAL DEFENSE AND SECURITY MANUFACTURING

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Assurance of close combination between research, design, creation, manufacture, and repair and utilization and use of weapons and equipment and technical devices.

2. Determination of the responsibilities of agencies and units in the management of national defense and security manufacturing; strict inspection and supervision of product quality, progress, and manufacturing processes from the state of manufacture plan formulation to the testing and delivery of products.  

3. The provision of national defense and security products shall be carried out by task assignment, order placement, and contractor selection methods according to this Law and bidding laws.  The implementation of task assignment and order placement for national defense and security products shall be prioritized at core national defense industry facilities and core security industry facilities according to plans for national defense manufacturing and plans for security manufacturing.  

4. National defense manufacturing plans and security manufacturing plans shall conform with the equipment demands and ensure the maintenance of the manufacturing capacity of the national defense and security manufacturing lines.

5. Task assignment, order placement, and bidding for the manufacture of national defense and security products shall ensure confidentiality according to state secret protection laws.  

Article 14. Contents of management of national defense and security manufacturing

1. Contents of management of national defense and security manufacturing include:  

a) Development and approval for the list of national defense and security products; plans for national defense manufacturing and plans for security manufacturing;  

b) Task assignment, order placement, and bidding;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Manufacturing organization;

d) Product testing and delivery;

e) Inspection and report.

2. The Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam shall develop and implement national defense manufacturing plans and security manufacturing plans within their management scope.

3. The Minister of National Defense of Vietnam and the Minister of Public Security of Vietnam shall, within their tasks and entitlements, elaborate on Clause 1 of this Article.

Article 15. Assignment of tasks of manufacture of national defense and security products to national defense industry facilities under management of Ministry of National Defense of Vietnam and security industry facilities under management of Ministry of Public Security of Vietnam

1. Assignment of tasks of manufacturing national defense and security products shall be implemented in the following cases:

a) Research, design, creation, testing, manufacture, repair, conversion, improvement, modernization, and shelf-life extension of national defense and security products for tasks of training, combat readiness, and combat of armed forces;

b) Manufacture of national defense and security products for urgent tasks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) National defense products manufactured by one national defense industry facility; security products manufactured by one security industry facility;

dd) National defense and security products without technical-economic norms;

e) Other cases of assurance of national defense and security tasks under decisions of the Minister of National Defense and Security and the Minister of Public Security of Vietnam.

2. The assignment of tasks of manufacturing national defense and security products to national defense industry facilities under the management of the Ministry of National Defense of Vietnam and security industry facilities under the management of the Ministry of Public Security of Vietnam is stipulated as follows:  

a) Agencies directly managing national defense industry facilities and security industry facilities shall be assigned tasks and budgets for the manufacture of national defense and security products;  

b) National defense industry facilities and security industry facilities shall have functions, tasks, and adequate capacity for engaging in the manufacture of national defense and security products.

3. Competence in assigning tasks of manufacturing national defense and security products is stipulated as follows:

a) The Minister of National Defense of Vietnam shall assign tasks of manufacturing national defense products and budgets to agencies, units, and enterprises affiliated with the Ministry of National Defense of Vietnam; the Minister of Public Security of Vietnam shall assign asks of the manufacture of security products and budgets to agencies, units, and enterprises affiliated with the Ministry of Public Security of Vietnam;  

b) Agencies, units, and enterprises affiliated with the Ministry of National Defense of Vietnam shall assign tasks to national defense industry facilities under their jurisdiction with functions and tasks of manufacturing national defense products; agencies, units, and enterprises affiliated with the Ministry of Public Security of Vietnam shall assign tasks to security industry facilities under their jurisdiction with functions and tasks of manufacturing security products;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Placement of orders for the manufacture of national defense and security products shall be carried out through contracts between agencies, units, and enterprises and national defense industry facilities and security industry facilities.

2. Placement of orders for the manufacture of national defense and security products shall be carried out in the following cases:

a) National defense and security products with technical-economic norms;  

b) Research, design, creation, pilot creation, testing, repair, conversion, improvement, modernization, and shelf-life extension of national defense and security products;

c) Series manufacture of national defense and security products;

d) Fulfillment of national defense and security tasks in necessary cases.

3. The placement of orders for the manufacture of national defense and security products at national defense industry facilities under the management of the Ministry of National Defense of Vietnam and security industry facilities under the management of the Ministry of Public Security of Vietnam is stipulated as follows:

a) Agencies and units of the Ministry of National Defense of Vietnam, the Ministry of Public Security of Vietnam, and other law enforcement forces shall be assigned with tasks or organizations and individuals that have needs and are eligible for the management and use of national defense and security products as prescribed by the law;  

b) National defense industry facilities and security industry facilities placing orders shall have functions, tasks, and adequate capacity for engaging in order placement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Methods of contractor selection for bidding packages for the manufacture and provision of national defense and security products shall be limited bidding, direct contracting, and contractor selection in special circumstances.  

2. The methods mentioned above shall be carried out under bidding laws.  

Article 18. Task assignment, order placement, and bidding for manufacture of industrial mobilization products  

1. The Minister of National Defense of Vietnam shall assign tasks of manufacturing industrial mobilization products and budgets to agencies and units affiliated with the Ministry of National Defense of Vietnam.

2. Agencies and units of the Ministry of National Defense of Vietnam shall assign mobilization industry facilities to carry out tasks, order placement, or bidding for the manufacture of industrial mobilization products.  

3. Mobilization industry facilities providing products and services prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, and 7 Article 29 of this Law shall apply the direct contracting method. The direct contracting shall be carried out under bidding laws.

4. The Minister of National Defense of Vietnam shall stipulate the task assignment and order placement for the manufacture of industrial mobilization products.

Article 19. Task assignment, order placement, and bidding for mobilized facilities

1. Mobilized facilities shall participate in the national defense and security industry under task assignment, order placement, or bidding.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Task assignment shall be carried out for fields prescribed in Clause 4 Article 29 of this Law;  

b) Order placement shall be carried out for fields prescribed in Clause 3 Article 29 of this Law;

c) Direct contracting shall be carried out for fields prescribed in Clauses 1, 2, 5, 6, and 7 Article 29 of this Law.  Direct contracting shall be carried out under bidding laws.  

3. The Minister of National Defense of Vietnam and the Minister of Public Security of Vietnam shall, within their tasks and entitlements, decide on the task assignment and order placement for mobilized facilities.  

Section 3. RESOURCES FOR NATIONAL DEFENSE AND SECURITY INDUSTRY

Article 20. Financial sources for national defense and security industry

1. State budget.  

2. Financial sources of enterprises, including equity and other legally mobilized capital sources according to the law.

3. National defense and security industry fund and other legal funds for expenditures on the national defense and security industry.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 21. Management of financial sources for national defense and security industry

1. Prioritization of the allocation of resources in the 5-year financial plans, 3-year finance-state budget plans, and annual state budget estimates for tasks of national defense and security manufacturing of core national defense industry facilities and core security industry facilities based on balancing capacity of the state budget.

2. The State shall ensure the sufficient provision of the initial charter capital, additional investment, and increased charter capital from state budget revenues for core national defense industry facilities and core security industry facilities.  

3. In urgent cases, it is permitted to use the central budget reserves for tasks concerning investment in and manufacture of national defense and security products according to state budget laws.

4. The profit after tax in the manufacturing and trading of core national defense industry facilities and core security industry facilities after the provision for specific funds as prescribed by the law may be wholly used for the following tasks according to the regulations of the Government of Vietnam:

a) Provision for the national defense and security industry fund;  

b) Support for research, creation, and manufacture of new products and high technologies and cost offsetting for enterprises responsible for unsuccessful tasks of researching strategic weapons and equipment and special technical devices;

c) Transfer of the profit after tax to the state budget after the provision and expenditure on tasks prescribed in Points a and b of this Clause for the Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam to assign tasks and order placement for manufacture or procurement of weapons and equipment and technical devices of core national defense industry facility and core security industry facilities.

5. The unused budget for procuring or manufacturing strategic weapons and equipment and special technical devices may be carried over to the next year's budget until the testing or liquidation of contracts or the end of tasks.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 22. National defense and security industry fund  

1. The national defense and security industry fund is an off-budget financial fund established at the central level and managed by the Government of Vietnam that supports the implementation of urgent, new, and high-risk tasks or the research and creation of strategic weapons and equipment and special technical devices.

2. The national defense and security industry fund is established from the following financial sources:

a) Support from the state budget;

b) Legal capital sources decided by competent authorities;

c) Provision from profit after tax according to Point a Clause 4 Article 21 of this Law;

d) Voluntary contributions of domestic and overseas organizations and individuals;

dd) Other legal financial sources as prescribed by the law.

3. Operational principles of the national defense and security industry fund:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Management and use for proper, legal, timely, and effective purposes;

c) Support for the implementation of urgent, new, and high-risk tasks or the research and creation of strategic weapons and equipment and special technical devices.

4. The Government of Vietnam shall elaborate on the establishment, management, allocation, and use of the national defense and security industry fund.

Article 23. Investment and manufacturing for national defense and security industry

1. Programs and projects concerning the national defense and security industry shall have their resources concentrated, capital sufficiently allocated, and be prioritized for inclusion in annual and medium-term public investment plans.

2. Regarding programs and projects on investment in and procurement of supplies with contents determined as state secrets classified as “secret” or above, according to state secret protection laws, to implement tasks concerning the national defense and security industry, bidding packages of such programs and investments shall be determined as bidding packages necessary for the protection of state secrets and subject to direct contracting. Direct contracting shall be carried out under bidding laws.  

3. Programs and projects of research and manufacture of strategic weapons and equipment and special technical devices may apply the emergency public investment procedure according to the Law on Public Investment. The procurement of sample products, supplies, and special semi-finished products for national defense and security manufacturing shall be carried out under the instructions of providers and apply the price negotiation method according to the regulations of the Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam.

4. Regarding investment projects on receipt of technologies transferred from overseas for the national defense and security industry with investment guidelines pending approval, it is permitted to negotiate and conclude contracts with foreign partners to have grounds for the approval for investment projects.

5. The Minister of National Defense of Vietnam and the Minister of Public Security of Vietnam shall perform as the President of the Appraisal Council for reports on feasibility research regarding programs and projects of group A concerning the national defense and security industry under their management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Activities of science, technology, and creative innovation serving the national defense and security industry shall meet the following requirements:

a) Conformity with guidelines and strategies for constructing and building the national defense and security industry; promotion of internal force in activities of science, technology, and creative innovation;

b) Products of scientific research and technological development shall comply with the regulations on task assignment from research, design, creation, testing, assessment, and pilot manufacture to the testing of products eligible for manufacturing;  

c) Compliance with regulations on the management and use of design documents and technological documents in national defense and security research and manufacturing;

d) Promotion of creative innovation, initiative, technical improvement, and manufacturing rationalization.  

2. Activities of science, technology, and creative innovation in the national defense and security industry include:

a) Researching, designing, creating, converting, improving, modernizing, and extending the shelf life of weapons and equipment, technical supplies, technical devices, and products serving people’s welfare;

b) Developing technical standards, technical regulations, design documents, and technological documents in national defense and security manufacturing;

c) Researching, designing, creating, improving, and modernizing manufacturing lines and equipment to ensure the safety and improve productivity, product quality, and dual-use features;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Researching and applying basic science; developing and mastering the foundation technology, core technology, and technology for the creation of products serving the national defense and security industry;

e) Searching, deciphering, applying, and transferring new technologies and high technologies serving the national defense and security industry;

g) Cooperating in transferring technologies serving the national defense and security industry.

Article 25. Personnel for national defense and security industry

1. Personnel for the national defense and security industry include:  

a) Personnel at core national defense industry facilities, core security industry facilities, and other national defense industry facilities and security industry facilities;  

b) Personnel at mobilization industry facilities directly participating in industrial mobilization tasks;

c) Personnel at mobilized facilities during the implementation of national defense and security industry tasks.

2. Personnel at core national defense industry facilities, core security industry facilities, and other national defense industry facilities and security industry facilities include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Contracted workers;

c) Specialists and scientists under job orders or advisory cooperation;  

d) Persons with conformable professions and professional qualifications mobilized by competent authorities to participate in the national defense and security industry during the state of war and emergencies concerning national defense, national security, and social order and safety.

3. The Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam shall, based on the requirements for the construction and development of the national defense and security industry, take charge and cooperate with ministries, relevant central authorities, and domestic and foreign research and training facilities in developing and implementing programs, schemes, and plans for the provision of personnel training and advanced training. The development of programs on training and advanced training for general project managers serving the research, design, manufacturing, and creation of strategic weapons and equipment and special technical devices shall be prioritized.

4. Prioritization of the recruitment of scientists, specialists, and highly skilled workers who have participated in and completed scientific and technological programs, schemes, projects, and research topics serving the national defense and security industry to core national defense industry facilities and core security industry facilities.

5. The Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam shall, within their scope of management, develop recruitment regulations and policies on the attraction of high-quality personnel and personnel engaging in professions or fields relevant to the demands of the military and public security to serve the national defense and security industry; arrange jobs according to payroll titles and management levels in conformity with training fields.

Article 26. Technical supply reserves for national defense and security industry

1. The State shall ensure the reserves of technical supplies serving the national defense industry and the security industry that are not possible to be domestically manufactured; reserve technical supplies meeting demands for use in peacetime and during the first year of war and tasks of national security protection, socio order and safety assurance, prevention and combat against crimes, or emergencies concerning national security and social order and safety.

2. The Ministry of National Defense of Vietnam shall take charge and cooperate with ministries and relevant central authorities in formulating lists of and developing plans for technical supply reserves for the manufacture of weapons and equipment for training, combat readiness, and the first year of war for presentation to the Prime Minister of Vietnam for decisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The Prime Minister of Vietnam shall decide on the revision and addition of lists of technical supply reserves for the national defense industry and the security industry.

Article 27. Land used for national defense and security industry

1. Land used for the national defense and security industry is national defense and security land according to land laws.

2. The Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam shall, within their scope of management, take charge and cooperate with competent authorities in formulating and implementing planning for national defense land use and planning for security land use under land laws, which contain land used for the construction and development of core national defense industry facilities and core security industry facilities.

Section 4. DEVELOPMENT OF DUAL-USE NATIONAL DEFENSE AND SECURITY INDUSTRY

Article 28. Development of dual-use technologies

1. The State prioritizes and encourages the research and development of dual-use technologies for socio-economic development and national defense and security assurance.

2. The transfer of dual-use technologies shall be carried out as follows:

a) Core national defense industry facilities and core security industry facilities may transfer technologies serving the people’s welfare industry to create products with high added value, improve the competitiveness of such products, and participate in the global supply chain;  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam shall, based on their functions and tasks, develop lists of dual-use technologies prioritized for investment and development for presentation to the Prime Minister of Vietnam for approval.  

Article 29. Mobilized facilities' fields during participation in national defense and security industry

1. Research and manufacture of details, accessories, supplies, and semi-finished products of national defense and security products.

2. Research and application of the foundation technology, the core technology, and high technologies serving the national defense and security industry.

3. Provision of personnel training and advanced training; provision of products and services concerning enterprise management, information safety, and high technology.

4. Payment and credit extension services.

5. Transfer of technologies to core national defense industry facilities and core security industry facilities.  

6. Manufacture of products serving national defense and security through joint ventures and associations with core national defense industry facilities and core security industry facilities.  

7. Provision, reserve, and preservation of supplies for national defense and security manufacturing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Facilities mobilized to participate in the national defense and security industry shall meet the following conditions:  

a) Having physical facilities, personnel, and equipment meeting the requirements for participation in the national defense and security industry;

b) Ensuring safety and confidentiality;

c) Enterprises shall ensure the trading conditions according to investment laws and relevant laws aside from the conditions prescribed in Points a and b of this Clause.

2. Facilities shall be mobilized to participate in the national defense and security industry through cooperation, joint ventures, associations, and the transfer of technologies between the people’s welfare industry and the national defense and security industry.  Cases of provision of payment and credit extension services shall be carried out under credit institution laws.

3. The Government of Vietnam shall elaborate on this Article.

Article 31. Rights and obligations of facilities mobilized to participate in national defense and security industry  

1. Facilities mobilized to participate in the national defense and security industry may:

a) Have their rights and legitimate benefits protected by the State while participating in the national defense and security industry;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Enjoy benefits and policies prescribed in Points c, d, and dd Clause 1 Article 64 of this Law and manufacturing and provision of public product and service laws when directly participating in the fields prescribed in Article 29 of this Law.

2. Facilities mobilized to participate in the national defense and security industry shall:

a) Participate in the national defense and security industry following the assigned scope, tasks, plans, and fields and comply with concluded contracts;

b) Ensure the confidentiality of information according to state secret protection laws;

c) Comply with the regulations on inspection and report regarding the national defense and security industry according to the law.

Article 32. Rights and obligations of core national defense industry facilities and core security industry facilities manufacturing products for people’s welfare

1. Core national defense industry facilities and core security industry facilities manufacturing and providing services and products serving people’s welfare may:

a) Use personnel and physical facilities for research, manufacturing, and provision of services and products serving people’s welfare, participation in socio-economic development, and transfer of technologies serving the people’s welfare industry;

b) Receive incentives concerning credit, land, and other incentives according to the law when participating in the research, manufacturing, and provision of products and services concerning new and modern technologies with leading roles with respect to the national industry and the economy;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Core national defense industry facilities and core security industry facilities manufacturing and providing services and products serving people’s welfare shall:

a) Carry out capital conservation according to the law on the management and use of state capital invested in manufacturing and trading at enterprises;

b) Ensure the safety and confidentiality of state secrets while manufacturing services and products for people’s welfare;

c) Implement separate accounting for revenues from services and products for people’s welfare.  

Section 5. ORGANIZATION AND OPERATION OF NATIONAL DEFENSE INDUSTRY

Article 33. System of national defense industry facilities  

1. Core national defense industry facilities.

2. Other national defense industry facilities.

3. Facilities mobilized to participate in the national defense industry.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 34. Criteria for and types of core national defense industry facilities  

1. A core national defense industry facility shall meet the following criteria:

a) Being an enterprise directly serving national defense and security or being an organization whose establishment and establishment guidelines are decided and approved by the Minister of National Defense of Vietnam or assigned to the Ministry of National Defense of Vietnam for management;

b) Having functions and tasks of researching, designing, creating, manufacturing, converting, improving, modernizing, and extending the shelf life of weapons and equipment; repairing weapons and equipment at operational and strategic levels; manufacturing technical supplies; manufacturing products and equipment serving cipher and cyberspace operations; providing training for personnel of the national defense industry and industrial mobilization; engaging in military commercial activities and providing national defense industry services; storing weapons and equipment and technical supplies of strategic levels;

c) Having organization and payroll equivalent to the brigade level or higher in the People’s Army.

2. Types of core national defense industry facilities:

a) Single-member limited liability companies according to enterprise laws;

b) Public service providers;

c) Facilities storing weapons and equipment and technical supplies of strategic levels.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 35. Operations of core national defense industry facilities 

1. Researching, designing, creating, manufacturing, repairing, converting, improving, modernizing, and extending the shelf life of weapons and equipment serving national defense and security; researching, designing, creating, and manufacturing technical supplies; manufacturing products and equipment serving cipher and cyberspace operations serving national defense and security.  

2. Manufacturing and providing other products and services to ensure the operations of the national defense industry.

3. Providing training for personnel of the national defense industry and industrial mobilization.  

4. Transferring technologies, documents, guidelines, and personnel training; participating in testing products and lines; inspecting and receiving products in the preparation and practice of industrial mobilization.

5. Storing weapons and equipments and technical supplies of strategic levels for the national defense industry and industrial mobilization.  

6. Engaging in joint ventures and associations with domestic and foreign organizations, individuals, and enterprises for manufacturing and trading according to the law.

Article 36. Functions, tasks, and organization of other national defense industry facilities   

1. Other national defense industry facilities are facilities invested in by the State and state-owned enterprises established by the Minister of National Defense of Vietnam or assigned to the Minister of National Defense of Vietnam for management, serving national defense and security.  Other national defense industry facilities shall have the following functions and tasks:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Storing and preserving weapons and equipment and technical supplies;

c) Transferring technologies, documents, guidelines, and personnel training; participating in testing products and lines; inspecting and receiving products in the preparation and practice of industrial mobilization.

2. Other national defense industry facilities shall have organization and payroll equivalent to the regiment level or lower in the People’s Army.  

3. The Minister of National Defense of Vietnam shall stipulate the functions, tasks, organization, and payrolls of other national defense industry facilities.

Article 37. Operations of mobilization industry facilities  

1. Implementing scientific research and applying scientific and technological progress to industrial mobilization.

2. Providing professional advanced training for workers arranged in industrial mobilization lines.

3. Managing the quantity and equality of assigned specialized equipment and technological documents.

4. Managing industrial mobilization plans.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Carrying out tasks relevant to the preparation and practice of industrial mobilization according to this Law.

Section 6 ORGANIZATION AND OPERATION OF SECURITY INDUSTRY

Article 38. System of security industry facilities 

1. Core security industry facilities.  

2. Other security industry facilities.

3. Facilities mobilized to participate in the security industry.   

Article 39. Criteria for and types of core security industry facilities 

1. A core national defense industry facility shall meet the following criteria:

a) Being an enterprise directly serving national defense and security or being an organization whose establishment and establishment guidelines are decided and approved by the Minister of Public Security of Vietnam or under the management of the Ministry of Public Security of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Having organization and payroll equivalent to the department level or higher in the People’s Public Security Force.

2. Types of core security industry facilities:

a) Single-member limited liability companies according to enterprise laws;

b) Public service providers;

c) Facilities storing special technical devices and technical supplies.

3. The Ministry of Public Security of Vietnam shall, based on Clauses 1 and 2 of this Article, formulate a list of core security industry facilities for presentation to the Prime Minister of Vietnam for approval.

Article 40. Operations of core security industry facilities 

1. Researching, designing, creating, manufacturing, repairing, converting, improving, modernizing, and extending the shelf life of special technical devices; researching, designing, creating, and manufacturing technical supplies; manufacturing protects and equipment serving cipher operations in public security operations according to cipher laws and cyber security products serving public security operations; researching, designing, creating, manufacturing, repairing, converting, improving, and modernizing weapons according to the law.

2. Manufacturing and providing other products and services to ensure the operations of the security industry.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Transferring technologies, documents, guidelines, and personnel training; participating in testing products and lines; inspecting and receiving products for the security industry.

5. Storing special technical devices and technical supplies for the security industry.

6. Engaging in joint ventures and associations with domestic and foreign organizations, individuals, and enterprises for manufacturing and trading according to the law.

Article 41. Functions, tasks, and organization of other security industry facilities 

1. Other security industry facilities are facilities invested in by the State and state-owned enterprises established by the Minister of Public Security of Vietnam or assigned to the Minister of Public Security of Vietnam for management, serving national security protection, social safety and order assurance, and prevention and combat against crimes and law violations.   Other security industry facilities shall have the following functions and tasks:

a) Researching, manufacturing, repairing, and ensuring technical matters for technical devices;  

b) Storing and preserving technical devices and technical supplies.

2. Other security industry facilities shall have organization and payroll equivalent to the department level or lower in the People’s Public Security Force.  

3. The Minister of Public Security of Vietnam shall stipulate the functions, tasks, organization, and payroll of other security industry facilities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 42. Functions, tasks, and composition of national defense industry complexes

1. A national defense industry complex is a cooperation and association system of national defense industry facilities, organizations, and enterprises meeting the conditions prescribed in Article 30 of this Law, with a core national defense industry facility as the nucleus to form a value chain that creates national defense products in groups, specializing in weapons and equipment.

2. A national defense industry complex shall have the following functions and tasks:

a) Researching, designing, manufacturing, repairing, converting, improving, modernizing, and extending the shelf life of weapons and equipment and technical supplies serving national defense manufacturing;  

b) Mastering the foundation technology and core technology and transferring and receiving transfers of advanced and modern technologies;  

c) Mobilizing national sources for the development of the national defense industry;

d) Researching and manufacturing products serving people’s welfare and transferring technologies conformable with the people’s welfare industry and the socio-economic development;

dd) Improving the capacity for international competitiveness and participating in the manufacture of national defense products.

3. The composition of a national defense industry complex includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The other components of the national defense industry complex include organizations and enterprises inside and outside the People’s Army; scientific and technological organizations and training facilities.

4. The Prime Minister of Vietnam shall decide on core national defense industry facilities that may be nuclei of national defense industry complexes.

5. The Government of Vietnam shall elaborate on this Article.

Article 43. Nuclei of national defense industry complexes

1. Nuclei of national defense industry complexes are core national defense industry facilities with sufficient scientific and technological resources and potential to take charge, lead, and direct the research, design, creation, testing, manufacture, and completion of national defense products.

2. The nucleus of a national defense industry complex shall be entitled to the following policies:

a) The State’s assignment of tasks of implementation of programs on research, design, and manufacture of weapons and equipment by product specialties; autonomous regulation in the research, manufacture, and capacity mobilization of the composition of the national defense industry complex;

b) The State’s support for part of the budget for the implementation of tasks of science, technology, and creative innovation serving the programs on research and manufacture of weapons and equipment according to the State’s assignment or order placement;

c) Use of part of development investment funds of enterprises to support activities of science, technology, and creative innovation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The nucleus of a national defense industry complex shall:

a) Formulate a list of the components of the national defense industry complex, prioritizing mobilization industry facilities, for presentation to the Minister of National Defense of Vietnam for approval;

b) Regulate and take charge of the research, design, creation, manufacture, and testing of the products of the national defense industry complex;  

c) Complete and assume responsibility for the quality of national defense products in the implementation of tasks of the national defense industry complex;  

d) Ensure state secrets, security, and safety during joint ventures, associations, and conclusion of contracts with components of the complex;

dd) Develop, issue, inspect, and supervise the implementation of the operational regulation of the national defense industry complex;

e) Perform accounting as prescribed by the law.  

4. The Government of Vietnam shall elaborate on this Article.

Article 44. Other components of national defense industry complexes

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Other components of a national defense industry complex shall participate in relevant operations through joint ventures, associations, and conclusion of contracts with the core national defense industry facility, which is the nucleus of the national defense industry complex to carry out tasks of researching, manufacturing, and providing services of the national defense industry complex.

3. Other components of a national defense industry complex shall have the rights and benefits prescribed in Article 31 of this Law.

Article 45. State policies applicable to national defense industry complexes

1. Creating favorable conditions for promoting joint ventures and associations among components of national defense industry complexes.  

2. Encouraging the development of scientific and technological programs at the national level to research and develop the foundation technology and core technology to manufacture and create systems of strategic weapons and equipment.  

3. Prioritizing investment sources for the research and application of science and technology; development of infrastructures and high-quality personnel for national defense industry complexes.  

4. The Government of Vietnam shall elaborate on this Article.

Chapter III

INDUSTRIAL MOBILIZATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 46. Survey and selection of enterprises eligible for industrial mobilization

1. The Prime Minister of Vietnam shall decide on the assignment of tasks concerning surveys of the capacity of enterprises nationwide.  

2. The Minister of National Defense of Vietnam shall stipulate the conditions and criteria for enterprises eligible for industrial mobilization and guidelines on surveys of the capacity of enterprises. 

3. Provincial People’s Committees shall take charge of the surveys of the capacity of enterprises in their areas and submit reports to the Prime Minister of Vietnam and the Minister of National Defense of Vietnam.  Ministries, ministerial agencies, and governmental agencies shall cooperate with provincial People’s Committees in surveying the capacity of enterprises in fields under their management.  

4. The Ministry of National Defense of Vietnam shall select and formulate a list of enterprises eligible for industrial mobilization for presentation to the Prime Minister of Vietnam for decisions; develop a database on the registration and management of enterprises eligible for industrial mobilization.  

1. Provincial People’s Committees shall take charge and cooperate with relevant ministries, ministerial agencies, and governmental agencies in the registration, management, and monitoring of the capacity of enterprises eligible for industrial mobilization in their areas; submit reports to the Ministry of National Defense of Vietnam on changes to the capacity of enterprises eligible for industrial mobilization.

2. The Ministry of National Defense of Vietnam shall request the Prime Minister of Vietnam to decide on the revision to the list of enterprises eligible for industrial mobilization.

3. The Minister of National Defense of Vietnam shall stipulate the registration, management, and monitoring of the capacity of enterprises eligible for industrial mobilization.  

1. The State plan for industrial mobilization shall be developed in peacetime and implemented upon local or general mobilization orders and during the state of war.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Guidelines on the development of the all-people national defense and people’s war posture;

b) Forecasted war scale and methods of waging war to protect the Fatherland;

c) Demands and capacity of weapons and equipment of the People’s Army and Militia and Self-Defense Forces; technical supplies serving national defense;

d) Forecasted consumption of weapons and equipment during war;

dd) Capability of manufacturing national defense products of core national defense industry facilities, other national defense industry facilities, and other assurance sources;

e) Results of the selection of enterprises eligible for industrial mobilization.

3. Contents of the State plan for industrial mobilization include:

a) Industrial mobilization tasks and targets of ministries, ministerial agencies, governmental agencies, provincial People’s Committees, and mobilization industry facilities;

b) Implementation time and measures; 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Supply reserves;

dd) Transfer of industrial mobilization lines.

4. The Ministry of National Defense of Vietnam shall take charge and cooperate with ministries, ministerial agencies, governmental agencies, and provincial People’s Committees in developing and presenting the State plan for industrial mobilization to the Prime Minister of Vietnam for approval.

1. The development of industrial mobilization plans at various levels, based on the industrial mobilization tasks and targets assigned in the State plan for industrial mobilization, is stipulated as follows:

a) Ministries, ministerial agencies, and governmental agencies assigned with industrial mobilization tasks and targets shall develop industrial mobilization plans;  

b) Provincial People’s Committees shall develop local industrial mobilizations plans;

c) Enterprises shall develop their industrial mobilization plans.  

2. The appraisal and approval for industrial mobilization plans are stipulated as follows:

a) Appraisal by the Ministry of National Defense of Vietnam; the Prime Minister of Vietnam shall approve industrial mobilization plans of ministries, ministerial agencies, and governmental agencies;  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Appraisal by agencies of military zones; Commanders of military zones shall approve industrial mobilizations plans of provincial People’s Committees;

d) Appraisal by Military Commands of ministries, ministerial agencies, and governmental agencies; Ministers and Heads of ministerial agencies and governmental agencies shall approve industrial mobilization plans of enterprises under their management;

dd) Appraisal by the Hanoi Capital Command, High Command of Ho Chi Minh City, and provincial Military Commands under their jurisdiction or in cooperation with specialized planning and investment agencies of provincial People’s Agencies and relevant agencies; the Presidents of provincial People’s Committees shall approve industrial mobilizations plans of enterprises under the management;

e) Appraisal by superior authorities; the Heads of the superior authorities shall approve industrial mobilization plans of affiliates in the People’s Army.  

3. The review, revision, and development of industrial mobilization plans are stipulated as follows:  

a) Annually, agencies, units, and enterprises assigned to develop industrial mobilization plans shall review industrial mobilization plans and request competent authorities prescribed in Clause 2 of this Article to decide on the revision or development of plans in cases prescribed in Points b and c of this Clause;

b) Industrial mobilization plans shall be revised in case of changes to the contents of the plans;

c) New industrial mobilization plans shall be developed in case of changes to the assigned targets or changes to enterprises implementing industrial mobilization.

4. The Minister of National Defense of Vietnam shall stipulate the development, appraisal, and approval for industrial mobilization plans at various levels.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Minister of National Defense of Vietnam shall, based on the decisions of the Prime Minister of Vietnam, assign industrial mobilization tasks and targets to each enterprise.

3. Enterprises shall implement industrial mobilization tasks and targets.

4. Ministers, Heads of ministerial agencies and governmental agencies, and Presidents of provincial People’s Committees shall instruct and inspect enterprises’ implementation of industrial mobilization tasks and targets.

5. The Minister of National Defense of Vietnam shall assign industrial mobilization tasks and targets to national defense industry facilities under the management of the Ministry of National Defense of Vietnam.  

1. The completion of industrial mobilization lines shall be implemented based on the current capacity of enterprises to manufacture industrial mobilization products.  The completion of industrial mobilization lines include:  

a) Surveying the capacity of enterprises for manufacturing industrial mobilization products;

b) Assessing and determining the demands for and additions to specialized equipment;

c) Transferring technologies for manufacturing industrial mobilization products to enterprises;

d) Testing industrial mobilization products and lines;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Minister of National Defense of Vietnam shall elaborate on this Article.  

1. Military zones and provincial People’s Committees shall, within their management scope, monitor and manage the quantity and quality of specialized equipment and technological documents assigned by the Ministry of National Defense of Vietnam to mobilization industry facilities; submit reports to the Ministry of National Defense of Vietnam on changes to industrial mobilization lines.  

2. The Ministry of National Defense of Vietnam shall be the representative of ownership of specialized equipment and technological documents assigned by the State to mobilization industry facilities and consistently manage the system of industrial mobilization lines.  

3. The Minister of National Defense of Vietnam shall provide guidelines on the deduction and use of depreciation amounts; compensate for loss, and manage, use, and recover specialized equipment and technological documents assigned by the Ministry of National Defense of Vietnam to mobilization industry facilities.  

4. Mobilization industry facilities shall be assigned industrial mobilization tasks and targets for the maintenance of the capacity of industrial mobilization lines periodically, up to once every 3 years, or prioritization of placement of orders for the manufacture of national defense products according to Article 19 of this Law.

1. Ministries, ministerial agencies, governmental agencies, provincial People’s Committees, mobilization industry facilities, and relevant agencies and organizations shall organize and participate in industrial mobilization drills according to the plans of the Ministry of National Defense of Vietnam.

2. The Minister of National Defense of Vietnam shall decide on the scale, contents, and forms of industrial mobilization drills.  

1. Adequately and accurately provide information on the capacity of enterprises for the surveys prescribed in Article 46 of this Law. 

2. Comply with the decisions of competent authorities on the assignment of industrial mobilization tasks and targets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Manage, administrate, and apply reporting regulations to the operations of industrial mobilization lines; manage industrial mobilization products, specialized equipment, and technological documents assigned by the Ministry of National Defense of Vietnam.

5. Where mobilization industry facilities are incapable of carrying out industrial mobilization tasks, their legal representatives shall return the assigned specialized equipment and technological documents to the Ministry of National Defense of Vietnam according to recovery decisions. Mobilization industry facilities shall compensate for any loss incurred as prescribed by the law.

6. Comply with the management and inspection of competent authorities and the Ministry of National Defense of Vietnam.

7. The Minister of National Defense of Vietnam shall elaborate on Clauses 4 and 5 of this Article.  

1. The Prime Minister of Vietnam shall, based on the local or general mobilization orders from the President of Vietnam, decide on the industrial mobilization practice.  

2. Authority and order of decisions on industrial mobilization practice are stipulated as follows:

a) The Prime Minister of Vietnam shall decide on industrial mobilization targets and the number of mobilization industry facilities according to industrial mobilization plans;

b) The Minister of National Defense of Vietnam shall, based on the decisions of the Prime Minister of Vietnam, decide on the targets of industrial mobilization practice for each mobilization industry facility;

c) Ministers, Heads of ministerial agencies and governmental agencies, and Presidents of provincial People’s Committees shall instruct mobilization industry facilities to implement the assigned industrial mobilization targets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The Office of the Government of Vietnam shall notify ministries, ministerial agencies, governmental agencies, and provincial People’s Committees of the decisions on industrial mobilization of the Prime Minister of Vietnam;

b) The General Staff of the Vietnam People’s Army shall notify ministries, ministerial agencies, governmental agencies, provincial People’s Committees, and affiliates of the Ministry of National Defense of Vietnam with assigned industrial mobilization tasks of the decisions on industrial mobilization of the Minister of National Defense of Vietnam;

c) Ministries, ministerial agencies, governmental agencies, and provincial People’s Committees shall notify mobilization industry facilities of the decisions on industrial mobilization of the Minister of National Defense of Vietnam;

d) Military zones and the Hanoi Capital Command shall notify their affiliates with assigned industrial mobilization tasks of the decisions on industrial mobilization of the Minister of National Defense of Vietnam.

4. The time limit for completing the notification of decisions on industrial mobilization is determined in industrial mobilization plans.

5. The Prime Minister of Vietnam shall decide on the termination of the industrial mobilization practice.

6. The Minister of National Defense of Vietnam shall stipulate the notification of industrial mobilization decisions prescribed in Clause 3 of this Article.  

1. Provincial People’s Committees shall arrange new locations, ensure vehicles serving the relocation, develop infrastructures, and guarantee the conditions for manufacturing industrial mobilization products for mobilization industry facilities subject to relocation according to industrial mobilization plans.  

2. Mobilization industry facilities subject to relocation shall submit reports to provincial Military Commands and provincial People’s Committees on the number of missing vehicles for the relocation; carry out the dismantling, transportation, installation, and assurance of the operations of the manufacturing lines of industrial mobilization products according to plans.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Move to the new location according to plans.

3. Receive, manage, and use supplies for manufacturing industrial mobilization products.

4. Carry out the manufacture and delivery of industrial mobilization products, ensuring sufficient quantity, quality, proper types, timeliness, and locations according to plans and compliance with regulations on the management of national defense manufacturing.  

5. Submit reports to provincial Military Commands and provincial People’s Committees of Vietnam on changes during industrial mobilization tasks.

1. Guarantee budget for industrial mobilization includes the central budget and the local budget.  

2. The funding from state budget for industrial mobilization shall be allocated in the annual budget estimates of ministries, ministerial agencies, governmental agencies, and provincial People’s Committees according to state budget laws.  

3. State budget expenditures on industrial mobilization tasks shall be managed and used properly and in compliance with the law.  

4. The Government of Vietnam shall stipulate the management and use of the funding from the state budget for industrial mobilization.

1. Surveying the capacity of enterprises.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Completing industrial mobilization lines.  

4. Implementing scientific and technological research and application to industrial mobilization.

5. Providing professional training and advanced training for workers; organizing industrial mobilization training sessions and drills.

6. Implementing activities to maintain the capacity of industrial mobilization lines.  

7. Reserving supplies.

8. Transferring industrial mobilization lines.

9. Manufacturing industrial mobilization products.

10. Restoring the manufacturing of enterprises after completing industrial mobilization tasks.

11. Engaging in professional activities and management of industrial mobilization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Ministry of Finance of Vietnam shall take charge and cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam in developing, revising, and supplementing plans and lists of supply reserves for industrial mobilization for presentation to the Prime Minister of Vietnam for approval according to national reserve laws.

2. The Ministry of National Defense of Vietnam shall assume the responsibility for reserving technical supplies for manufacturing weapons and equipment.  The Ministry of Finance of Vietnam shall assume the responsibility for reserving common supplies under the decisions of the Prime Minister of Vietnam.

1. Core national defense industry facilities and core security industry facilities that are not enterprises may:

a) Enjoy the policies applicable to enterprises directly serving national defense and security according to enterprise laws; policies applicable to hi-tech enterprises according to high technology laws; preferential policies on tax, credit, investment, and construction according to relevant laws;  

b) Enjoy policies prescribed in Clauses 2 and 4 Article 21 of this Law; prioritize investment in the development of technical and social infrastructure systems for the expansion of the scope of the manufacturing capacity to meet the requirements of assigned tasks;  

c) Proactively procure supplies and prepare factors to ensure and organize research and manufacture, ensuring the progress and quality of products according to assigned tasks;

d) Calculate the depreciation under specific regulations for fixed assets that are lines for manufacturing and repairing weapons and equipment, technical devices, equipment, special assets, and specialized assets serving national defense and security tasks;  

dd) Determine prices of weapons and equipment and technical devices according to the law. In case of applying the general pricing method with specific contents, comply with the decisions of the Minister of National Defense of Vietnam and the Minister of Public Security of Vietnam;

e) Permit their legal representatives to hire and decide on the payment for specialists, leading scientists, and general project managers under agreements equivalent to the assigned tasks;  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Enjoy policies prescribed in Point b Clause 2 of this Article when presiding over the implementation of scientific and technological tasks.

2. Core national defense industry facilities and core security industry facilities that are not enterprises may:

a) Receive investment from the State in the development of technical and social infrastructure systems to implement the assigned functions and tasks;  

b) Receive allocation of ownership or land use rights for the results of scientific research and technological development when presiding over the implementation of scientific and technological tasks funded by the state budget;

c) Permit their heads to use recurrent expenditures and other legal revenue sources to hire specialists, leading scientists, and general project managers to implement the assigned tasks;  

d) Core national defense industry facilities and core security industry facilities engaging in fields of new materials, hi-tech products, and foundation or core technology development may prioritize budgets for the development of technical infrastructure systems serving the research and creation.

3. The Government of Vietnam shall elaborate on this Article.

Article 62. Policies applicable to other national defense industry facilities and other security industry facilities

1. They may have their financial sources guaranteed by the State for the implementation of tasks of national defense and security manufacturing, technical assurance, and storage and preservation of weapons and equipment, technical devices, and technical supplies; personnel sources guaranteed by the State for the implementation of the assigned functions and tasks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Other national defense industry facilities and other security industry facilities that are enterprises may enjoy policies applicable to enterprises directly serving national defense and security according to enterprise laws; calculate the depreciation of fixed assets invested in by the State according to the law.

Article 63. Policies applicable to core national defense industry facilities researching and manufacturing strategic weapons and equipment and core security industry facilities research and manufacturing special technical devices

1. They may enjoy policies prescribed in Article 61 of this Law and special investment incentives according to investment laws.

2. They may have the costs of unsuccessful tasks concerning the research and manufacture of strategic weapons and equipment and special technical devices offset from the annual profit after tax of enterprises after the end of programs, schemes, or projects, allocated over 5 years from decisions on the end of programs, schemes, and projects and cost settlement.

3. They may not apply the criteria for capital conservation and development for investment in tasks of researching and manufacturing strategic weapons and equipment and special technical devices.  They may exclude impact factors relevant due to the use of enterprises’ resources for researching and manufacturing strategic weapons and equipment and special technical devices when assessing operational efficiency and grading enterprises.

4. They may implement the special payment guarantee mechanism according to the regulations of the Government of Vietnam.

5. They may have their financial sources guaranteed according to national defense and security manufacturing plans.  

Article 64. Policies applicable to mobilization industry facilities in preparing, practicing, and terminating industrial mobilization. 

1. In industrial mobilization preparation, mobilization industry facilities may enjoy the following policies:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Assurance of the timeliness and properness of types, quantity, and quality of supplies serving the manufacture of industrial mobilization products;

c) Accounting of expenditures on specific allowances included in the prices of products for payment to direct workers during the implementation of tasks of manufacturing industrial mobilization products;

d) Assurance of funding and timely payment;

dd) Enjoyment of tax incentives according to tax laws when manufacturing industrial mobilization products and receiving transfers of technologies in industrial mobilization; incentives concerning credit according to the law; support upon price fluctuations compared to the time of receiving tasks;

e) The Ministry of National Defense of Vietnam shall prioritize the placement of orders for products and services of mobilization industry facilities in conformity with national defense and security requirements.

2. In industrial mobilization practice, mobilization industry facilities may enjoy the following policies:

a) Assurance of missing transport vehicles in the case of transferring industrial mobilization lines to new locations;

b) Assurance of the timeliness of supplies, specialized equipment, technological documents, and funding for the implementation of industrial mobilization tasks;

c) Enjoyment of tax incentives when manufacturing industrial mobilization products according to tax laws; support for land rent and levies and land use tax regarding land areas serving industrial mobilization tasks according to investment, land, and tax laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. In industrial mobilization termination, mobilization industry facilities may enjoy the following policies:

a) Assurance of missing transport vehicles in the case of transferring industrial mobilization lines to previous locations or other locations where mobilization industry facilities are arranged after the termination of industrial mobilization.

b) Receipt of funding support according to the law.

Section 2. BENEFITS AND POLICIES APPLICABLE TO WORKERS IN CORE NATIONAL DEFENSE INDUSTRY FACILITIES, CORE SECURITY INDUSTRY FACILITIES, AND MOBILIZATION INDUSTRY FACILITIES

Article 65. Benefits and policies applicable to workers in core national defense industry facilities and core security industry facilities

1. Workers in core national defense industry facilities and core security industry facilities shall be paid and enjoy the following benefits and policies:

a) Enjoyment of benefits and policies applicable to workers in enterprises directly serving national defense and security and benefits and policies according to employment and insurance laws and relevant laws;  

b) Receipt of financial support in cases where the manufacturing and trading results cannot guarantee the salaries by positions, titles, ranks, grades, and levels and specific allowances according to the regulations of the Government of Vietnam;

c) Enjoyment of the State’s policies on health care and policies applicable to female workers who are pregnant or raising children under 36 months old.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Receipt of salaries and specific allowances from the state budget and other revenues from funding for scientific and technological research and personnel training and revenues from public service operations according to the law; 

b) Workers directly participating in national defense and security manufacturing may receive specific allowances according to the law.  

3. Aside from the benefits and policies prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article, workers in core national defense industry facilities and core security industry facilities may enjoy the following benefits and policies:

a) Cases of workers injured during participation in the national defense and security industry may be considered for settlement under policies on war invalids or beneficiaries of policies on war invalids. Workers who die during participation in the national defense and security industry may be considered martyrs according to the law on incentives for revolutionary contributors;

b) Workers with bachelor’s degrees or higher, technical workers engaging in specific national defense and security professions or occupations, high-level technical workers may enjoy benefits and policies on attraction of high-quality personnel and be prioritized for training and advanced training for enhancement of qualifications, professional knowledge, and skills;

c) Receipt of copyrights and copyright protection for products from scientific and technological activities funded by the state budget according to intellectual property and science and technology laws;

d) Receipt of State’s support for salaries and specific allowances according to the law when implementing tasks assigned by competent authorities aside from manufacturing and trading tasks.

4. The Government of Vietnam shall elaborate on this Article.

Article 66. Benefits and policies applicable to specialists, leading scientists, and general project managers engaging in national defense and security at core national defense industry facilities and core security industry facilities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) They may negotiate and receive salaries, bonuses, and benefits from the working results according to agreements with core national defense industry facilities or core security industry facilities;

b) They may have resources and physical facility conditions guaranteed by the State for the implementation of tasks; access information and documents from important electronic and technical libraries; use for free or receive support for the costs of using national key laboratories and other laboratories invested in by the state budget for the implementation of tasks;

c) They may be prioritized for the arrangement of official housing or receive housing rental support where official housing cannot be arranged; receive support for transport vehicles during the implementation of tasks;

d) Where they wish to provide long-term services at core national defense industry facilities or core security industry facilities, they may be considered for recruitment to positions of commissioned officers and prioritized for grant of the rank of commissioned officer according to the Law on Commissioned Officers of the Vietnam People’s Army and the Law on Public Security Force;

dd) They may enjoy preferential policies on personal income tax according to personal income tax laws;

e) In the case of foreigners, they may be considered for shorter procedures for appraisal and issuance of work permits; receive special remuneration and other preferential benefits according to labor contracts.

2. Leading scientists may enjoy the policies prescribed in Clause 1 of this Article and the following benefits and policies:

a) They may enjoy the benefits and policies of leading scientists according to science and technology laws;

b) They may receive favorable conditions and financial support for visits, surveys, and scientific exchanges with international scientists to update on new technologies, but they must protect state secrets concerning specific fields of the national defense and security industry;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. General project managers may enjoy the policies prescribed in Clause 2 of this Article and the following benefits and policies:

a) They may enjoy benefits and policies applicable to scientists assigned to preside over essential scientific and technological tasks at the national level according to science and technology laws;

b) They may directly work and exchange with competent organizations and individuals to implement tasks.

4. The Prime Minister of Vietnam shall stipulate the criteria for titles of specialists, leading scientists, and general project managers in the national defense and security industry.  The Minister of National Defense of Vietnam and the Minister of Public Security of Vietnam shall, based on the decisions of the Prime Minister of Vietnam, consider recognizing or terminating the recognition of titles of specialists, leading scientists, and general project managers in the national defense and security industry under their management.  

5. The Government of Vietnam shall elaborate on Clauses 1 and 2 of this Article and stipulate the maximum salary rate for specialists, leading scientists, and general project managers in case of using the state budget.

Article 67. Benefits and policies applicable to workers directly implementing industrial mobilization tasks

1. While directly implementing tasks of manufacturing industrial mobilization products, workers shall receive salaries according to regulations and specific allowances paid by enterprises according to the norms applicable to workers at core national defense industry facilities. The State shall adopt policies on health care for female workers who are pregnant or raising children below 36 months old.

2. Workers who suffer from sickness, accidents, injuries, or death during industrial mobilization practice and drills may enjoy benefits and policies according to the law. If such workers are not participating in social insurance or health insurance, they may enjoy the following benefits and policies from the State:

a) Those who do not participate in health insurance suffering from sickness, accidents, or injuries may receive support for medical service payment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Workers who suffer from injuries or death while implementing tasks may be considered for benefits and policies applicable to war invalids or recognition as martyrs and be entitled to other rights as prescribed by the law.  

4. Workers who directly operate vehicles serving the transfer of industrial mobilization lines may enjoy the benefits prescribed in Clauses 2 and 3 of this Article.

5. The Government of Vietnam shall elaborate on Clauses 2 and 3 of this Article.

Section 3. POLICIES APPLICABLE TO ACTIVITIES OF SCIENCE, TECHNOLOGY, AND CREATIVE INNOVATION SERVING NATIONAL DEFENSE AND SECURITY INDUSTRY  

Article 68. Policies applicable to activities of science, technology, and creative innovation serving national defense and security industry  

1. Core national defense industry facilities and core security industry facilities may, during the implementation of tasks of science, technology, and creative innovation serving the national defense and security industry, enjoy policies according to science and technology laws and be autonomous in:

a) Implementing assigned scientific and technological tasks;  

b) Purchasing inventions, designs, technological documents, technological secrets, supplies, and semi-finished products serving scientific and technological tasks according to the law;

c) Selecting cooperation forms and partners; using domestic and foreign specialists, scientists, and high-quality personnel;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Deciding whether to apply fixed funding model to final products regarding scientific and technological tasks with products whose strategic and technical features are approved by competent authorities before the appraisal for presentation and funding estimates.

2. Organizations and individuals participating in activities of science, technology, and creative innovation serving the national defense and security industry may enjoy the following policies:

a) Receipt of copyright and ownership protection and other rights according to intellectual property and science and technology laws;  

b) Receipt of the allocation of part of the profit from the manufacture of products applying results of scientific and technological tasks to re-invest in the research, creation, and development of new products and implement policies prescribed in Point a of this Clause;

c) Receipt of exemption from civil responsibilities when implementing activities of science, technology, and creative innovation serving national defense and security manufacturing according to assigned tasks due to objective reasons even though the processes approved by competent authorities have been adequately implemented;

d) Enjoyment of encouragement regulations and preferential policies on tax and credit and other preferential policies according to the law. 

3. Organizations presiding over the implementation of scientific and technological tasks may advance funding or mobilize funding from legal sources to implement tasks, ensuring progress and quality.

4. Individuals participating in scientific and technological tasks serving the national defense and security industry may receive piecework-based remuneration.

5. Prioritization of the combination and application of results of domestic research topics and tasks concerning the national defense and security industry to hi-tech development investment projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 60. Policies on development of strategic weapons and equipment and special technical devices

1. The State shall develop programs on basic research on the development of the foundation technology and core technology serving the creation and manufacture of strategic weapons and equipment and special technical devices.

2. Programs, schemes, and projects on research, design, creation, and manufacture of strategic weapons and equipment and special technical devices may enjoy the following policies:

a) Assurance of all funding from the state budget and other legal sources;

b) Boards of Directors of programs, schemes, and projects may revise the contents of the research and schemes for task implementation and testing to move to other stages for the assurance of the set objectives;  

c) Receipt of approval for scientific and technological tasks from research and pilot creation to pilot manufacture; organization of councils for product testing and implementation of pilot manufacturing after the products of the research and pilot creation achieve the set basic technical targets;

d) Regarding urgent tasks, units presiding over such tasks may advance funding or mobilize funding from legal sources for the research, design, creation, and pilot manufacture of products according to the requirements for strategic and technical features approved by competent authorities; organize testing councils and complete relevant procedures to move to the next stages;

dd) Application of special mechanisms for purchasing design documents, technological secrets, sample products, and special supplies and hiring foreign specialists;

e) Receipt of reserve funding estimates for scientific and technological tasks concerning research and creation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Enjoyment of special investment mechanisms for the implementation of scientific and technological tasks according to science and technology laws.

3. The Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam shall take charge and cooperate with relevant ministries and central authorities in approving and signing contracts for the implementation of scientific and technological tasks at the national level under their management.  

4. The Government of Vietnam shall elaborate on Clauses 1 and 2 of this Article.

Chapter V

INTERNATIONAL COOPERATION AND INTERNATIONAL TRADE CONCERNING NATIONAL DEFENSE AND SECURITY INDUSTRY  

Article 70. Requirements and contents of international cooperation and international trade concerning national defense and security industry

1. Requirements for international cooperation and international trade concerning the national defense and security industry:

a) Prioritization of fields of high technologies, foundation technology, core technology, and dual-use technologies; research and creation of strategic weapons and equipment and special technical devices; association of international cooperation and international trade with technological transfers in national defense and security;

b) Assurance of the confidentiality of state secrets according to the law.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Training, scientific research, and specialist exchange;

b) Joint ventures and associations in the national defense and security industry;

c) Export and import of national defense and security industry products and services;

d) Transfer of technologies with foreign partners;

dd) Trade promotion of national defense and security products;

e) Other contents as prescribed by the law.

Article 71. Training, scientific research, and specialist exchange serving national defense and security industry

1. The State shall encourage core national defense industry facilities and core security industry facilities to cooperate with foreign organizations and individuals and Vietnamese persons residing abroad in the training, scientific research, and specialist exchange serving the national defense and security industry.  

2. The Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam shall, based on the task requirements, appoint persons with adequate standards and qualifications to participate in overtraining, advanced training, and research concerning key professions and fields, foundation technology, core technology, and dual-use technologies serving the national defense and security industry.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 72. Joint ventures and associations in national defense and security industry

1. Joint ventures and associations in the national defense and security industry shall comply with this Law and relevant laws.

2. Core national defense industry facilities may engage in joint ventures or associations with foreign organizations, individuals, and enterprises to implement national defense industry tasks prescribed in Points a and d Clause 1 Article 4 of this Law.

3. Core security industry facilities may engage in joint ventures or associations with foreign organizations, individuals, and enterprises to implement security industry tasks prescribed in Points a and d Clause 2 Article 4 of this Law.

4. The total charter capital ownership of foreign organizations, individuals, and enterprises shall not exceed 49%.  

5. Enterprises engaging in joint ventures and associations may enjoy preferential benefits according to enterprise laws and relevant laws.  

6. The Minister of National Defense of Vietnam and the Minister of Public Security of Vietnam shall, within their scope of tasks and entitlements, decide on the guidelines for the establishment of joint ventures and associations between core national defense industry facilities and core security industry facilities and foreign partners.

Article 73. Import of products and services serving national defense and security industry

1. Imported products and services serving the national defense and security industry include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Technical supplies;

c) Machinery, equipment, and lines for national defense and security manufacturing;

d) Technical documents;

dd) Advisory services and technical services;

e) Other products and services.

2. The import of products and services serving the national defense and security industry shall meet the following requirements:

a) Import enterprises shall be juridical persons with functions of trading, import, and export of products and services serving the national defense and security industry as prescribed by the law;

b) It is only permitted to import products and services serving the national defense and security industry that the domestic national defense and security industry is incapable of manufacturing; imported products and services shall have standards and quality higher than products and services of the same type that are domestically manufactured; the manufacturing capacity of domestic national defense industry facilities and security industry facilities fails to meet the demand for quantity;

c) Prioritization of the import of products and services serving the national defense and security industry directly from manufacturers or partners with commitments to technology transfer and personnel training.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The Minister of National Defense of Vietnam and the Minister of Public Security of Vietnam shall, within their scope of tasks and entitlements, stipulate the import of products and services serving the national defense and security industry.  

Article 74. Export of products and services serving national defense and security industry  

1. Exported products and services serving the national defense and security industry include:

a) Weapons and equipment and technical devices;

b) Technical supplies;  

c) Machinery, equipment, and lines for manufacturing; 

d) Technical documents;

dd) Advisory services and technical services;

e) Other national defense and security products and services according to the regulations of the Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Enterprises shall be core national defense industry facilities or core security industry facilities with functions of import and export permitted to export national defense and security industry products and services;

b) Foreign partners shall be appraised regarding their backgrounds, functions, tasks, and capacity; have commitments to the use final use purposes and users issued by foreign authorities where there are final users.

3. Exported national defense and security industry products and services shall be exempted from import duties according to import duty and export duty laws and prioritized for customs clearance according to customs laws.

4. Authority to decide on the export of national defense and security industry products and services:

a) The Prime Minister of Vietnam shall decide on the export of strategic weapons and equipment and special technical devices;

b) The Minister of National Defense of Vietnam and the Minister of Public Security of Vietnam shall, within their scope of tasks and entitlements, decide on the export of national defense and security industry products and services according to Clause 1 of this Article, excluding Point a of this Clause.

5. The Government of Vietnam shall elaborate on this Article.

Article 75. International cooperation in technology transfer

1. Contents of international cooperation in technology transfer include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Specialist exchange and personnel training for receipt of transferred technologies;

c) Transfer of machinery, devices, and technological equipment of manufacturing lines;

d) Transfer of intellectual property rights;  

dd) Other contents according to technology transfer laws.

2. Prioritization of international cooperation in technology transfer for creating and manufacturing the following products and technologies:

a) Weapons and equipment and technical devices with high technologies;

b) New materials;

c) Cyberspace operations;  

d) Cyber security;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Military vessels and underwater weapons;

g) Dual-use technologies serving the national defense and security industry prioritized for development according to Article 28 of this Law;

h) Technologies for transfer encouragement according to technology transfer laws.

3. Technology transfer serving the national defense and security industry shall comply with technology transfer laws and relevant laws; prioritization of selection of partners for transfers of dual-use and modern technologies with commitments to the use of supplies and semi-finished products manufactured in Vietnam and commitments to product consumption.

4. National defense industry facilities managed by the Ministry of National Defense of Vietnam and security industry facilities managed by the Ministry of Public Security of Vietnam receiving transferred technologies may enjoy tax incentives according to tax laws and exemption from or reduction of land rents and land levies according to land laws.  

Article 76. Trade promotion activities for national defense and security products

1. The State shall encourage trade promotion activities for national defense and security products to export products manufactured by national defense industry facilities and security industry facilities.

2. Core national defense industry facilities and core security industry facilities shall engage in trade promotion activities for their manufactured products and services serving the people’s welfare.

3. The Prime Minister of Vietnam shall decide on the organization of international exhibitions of national defense and security in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Vietnamese representative commissions abroad shall support trade promotion activities for national defense and security products.

Chapter VI

RESPONSIBILITIES OF AGENCIES AND ORGANIZATIONS REGARDING NATIONAL DEFENSE AND SECURITY INDUSTRY AND INDUSTRIAL MOBILIZATION

Article 77. State management of national defense and security industry and industrial mobilization

1. The Government of Vietnam shall carry out the consistent state management of the national defense and security industry and industrial mobilization.  

2. Contents of the state management of the national defense and security industry and industrial mobilization include:  

a) Promulgation and implementation of legislative documents on the national defense and security industry and industrial mobilization;  

b) Development and implementation of planning and plans for the construction and development of the national defense industry; planning and plans for the construction and development of the security industry; industrial mobilization plans;’ plans to ensure resources for national defense and security industry and industrial mobilization;  

c) Organization and arrangement of the system of core national defense industry facilities and core security industry facilities; development of the network of mobilization industry facilities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Training and advanced training for improvement of professional qualifications concerning national defense and security industry and industrial mobilization;

e) International cooperation and international trade concerning the national defense and security industry;

g) Legal propaganda, dissemination, and education concerning national defense and security industry and industrial mobilization laws;

h) Inspections, violation handling, settlement of denunciations and complaints, preliminary and final reviews, and commendation concerning the national defense and security industry and industrial mobilization.

Article 78. Responsibilities of Ministry of National Defense of Vietnam

The Ministry of National Defense of Vietnam shall take responsibility before the Government of Vietnam for the consistent state management of the national defense industry and industrial mobilization and shall:  

1. Implement contents prescribed in Clause 2 Article 77 of this Law within its scope of tasks and entitlements;

2. Organize and manage the system of national defense industry facilities of the Ministry of National Defense of Vietnam; register and manage mobilization industry facilities;

3. Provide guidelines for ministries, ministerial agencies, governmental agencies, and provincial People’s Committees on the national defense industry and industrial mobilization;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Take charge and cooperate with the Ministry of Public Security of Vietnam in developing lists of military weapons and military explosives researched and manufactured by national defense industry facilities under the order placement by the Ministry of Public Security of Vietnam for presentation to the Prime Minister of Vietnam for approval;  

6. Take charge and cooperate with the Ministry of Public Security of Vietnam and provincial People’s Committees in ensuring security, order, safety, and fire and explosion prevention for national defense industry facilities under the management of the Ministry of National Defense of Vietnam;

7. Direct the operations of agencies specializing in the national defense industry and industrial mobilization.  

Article 79. Responsibilities of Ministry of Public Security of Vietnam

The Ministry of Public Security of Vietnam shall take responsibility before the Government of Vietnam for the consistent state management of the security industry and shall:  

1. Implement contents prescribed in Clause 2 Article 77 of this Law within its scope of tasks and entitlements;

2. Organize and manage the system of security industry facilities of the Ministry of Public Security of Vietnam;

3. Provide guidelines for ministries, ministerial agencies, governmental agencies, and provincial People’s Committees on the security industry;

4. Develop criteria and lists of products of special technical devices for presentation to the Prime Minister of Vietnam for approval;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Direct the operations of agencies specializing in the security industry.  

Article 80. Responsibilities of Ministry of Science and Technology of Vietnam

The Ministry of Science and Technology of Vietnam shall, within its scope of tasks and entitlements, cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam in implementing the state management of the national defense and security industry and industrial mobilization and shall:

1. Take charge and cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam in providing guidelines on the implementation of the Law on Intellectual Property, the Law on Science and Technology, and the Law on Technology Transfer regarding national defense and security industry;  

2. Prioritize the integration of tasks of national defense and security industry development into the strategies for constructing and developing the industries under the management of the Ministry of Science and Technology of Vietnam and the implementation of advisory functions for the Government of Vietnam regarding the dual-use features of schemes, programs, and projects on science and technology funded by the state budget;

3. Cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam in implementing policies on the mobilization of scientific and technological sources of Vietnam for the construction and development of the national defense and security industry.  

Article 81. Responsibilities of ministries and ministerial agencies

Ministries and ministerial agencies shall, within its scope of tasks and entitlements, cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam in implementing the state management of the national defense and security industry and industrial mobilization and shall:

1. Prioritize the integration of tasks of national defense and security industry development into the strategies for constructing and developing the industries under their management;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 82. Responsibilities of provincial People’s Councils and People’s Committees

1. Within their scope of tasks and entitlements, provincial People’s Councils shall:

a) Decide on the guidelines and measures to construct and develop the national defense and security industry and industrial mobilization according to the law;

b) Supervise compliance with the Constitution, the law, and implementation of resolutions of People’s Councils in the construction and development of the national defense and security industry and industrial mobilization.

2. Within their scope of tasks and entitlements, provincial People’s Committees shall:

a) Implement the state management of industrial mobilization and implementation of industrial mobilization tasks;

b) Prioritize the planning for land to serve the construction and development of the national defense and security industry based on the demands and directions for the use of national defense and security land;  

c) Register, manage, and monitor the capacity of enterprises eligible for industrial mobilization; manage industrial mobilization lines within their jurisdiction;

d) Develop and implement plans for industrial mobilization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Vietnamese Fatherland Front and its member organizations shall disseminate and mobilize people of all classes to implement the guidelines and viewpoints of the CPV and policies and laws of the State regarding the national defense and security industry and industrial mobilization; supervise and engage in social criticism during the construction and development of the national defense and security industry and industrial mobilization according to the law.

2. The Vietnamese Fatherland Front shall summarize the feedback and suggestions from the people to provide feedback and suggestions for the CPV and the State during the construction and development of the national defense and security industry and industrial mobilization.

Chapter VII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 84. Amendments to several articles of relevant laws  

1. Amendments to Section 24 and addition of Sections 24a and 24b to Section 24 in Appendix I on the list of national industry planning of the Law on Planning No. 21/2017/QH14, amended by Law No. 15/2023/QH15, Law No. 16/2023/QH15, Law No. 28/2023/QH15, and Law No. 31/2024/QH15:

“24. Planning for systems of national defense works, military zones, and ammunition depots

24a. Planning for national defense industry

24b. Planning for security industry”.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



“Article 34. Security industry

1. The security industry is a component of the national defense and security industry, serving the protection of national security, social order and safety assurance, prevention and combat against crimes and law violations, and development of the People’s Public Security Force.

2. Policies and regulations on the construction and development of the security industry shall comply with the Law on National Defense and Security Industry and Industrial Mobilization.”.

3. Amendments to Clause 1 Article 12 of the Law on National Defense No. 22/2018/QH14 amended by Law No. 18/2023/QH15:

“1. National defense and security industry is an important and specialized sector of the national industry, a basic component of the national defense and security strength and potential, which is tasked with researching, designing, creating, manufacturing, repairing, converting, improving, modernizing, and extending the shelf life of weapons and equipment, technical devices, technical supplies, and other products and services serving national defense and security, contributing to the industrialization, modernization, and protection of the Fatherland and socio-economic development.”.

4. Amendments to Law on Public Investment No. 39/2019/QH14 amended by Law No. 64/2020/QH14, Law No. 72/2020/QH14, Law No. 03/2022/QH15, and Law No. 27/2023/QH15:

a) Amendments to Point b Clause 1 Article 8:

“b) Projects on the manufacture of hazardous substances and explosives, excluding projects on the manufacture of hazardous substances and explosives concerning national defense and security;”;

b) Amendments to Clause 3 Article 51:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 85. Entry into force

1. This Law comes into force as of July 1, 2025.

2. Ordinance on National Defense Industry No. 02/2008/PL-UBTVQH12, amended by Ordinance No. 01/2018/UBTVQH14, and Ordinance on Industrial Mobilization No. 09/2003/PL-UBTVQH11 shall be annulled from the effective date of this Law.

Article 86. Transitional provisions

1. Regarding programs and projects on investment in and procurement of supplies for national defense and security industry manufacturing with contents determined as state secrets classified as “secret” or above, according to state secret protection laws, to implement tasks concerning the national defense and security industry with approved plans for contractor selection but bidding documents or requests for proposals are not issued as of the effective date of this Law, approve the revision to plans for contractor selection according to Clause 2 Article 23 of this Law.

2. Where scientific and technological tasks concerning researching, designing, creating, and manufacturing strategic weapons and equipment and special technical devices implemented until the effective date of this Law have not undergone any testing, apply Points b, dd, and g Clause 2 Article 69 of this Law.

This Law is approved by the 15th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 7th meeting on June 27, 2024.

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

PRESIDENT OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Tran Thanh Man

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


14.306

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.247.237
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!