Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 52-L/CTN Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Lê Đức Anh
Ngày ban hành: 12/11/1996 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52-L/CTN

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 1996

LUẬT

BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, kịp thời thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này quy định thẩm quyền, thủ tục và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có các quy tắc xử sự chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:

1- Văn bản do Quốc hội ban hành: Hiến pháp, luật, nghị quyết ;

Văn bản do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành: pháp lệnh, nghị quyết;

2- Văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác ở trung ương ban hành để thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội:

a) Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

b) Nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ;

c) Quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;

d) Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; quyết định, chỉ thị, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

đ) Nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội;

3- Văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành để thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; văn bản do Uỷ ban nhân dân ban hành còn để thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp:

a) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân;

b) Quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân.

Điều 2. Tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phải phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành.

Điều 3. Tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

1- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có quyền tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

2- Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào tính chất và nội dung của dự án, cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nói tại khoản 1 Điều này tham gia góp ý kiến và tiếp thụ ý kiến đóng góp để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 4. Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật quy định hiệu lực về thời gian, không gian và đối tượng áp dụng.

Điều 5. Ngôn ngữ của văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện bằng tiếng Việt.

Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải đơn giản, dễ hiểu. Đối với thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung, thì phải được định nghĩa trong văn bản.

Văn bản quy phạm pháp luật có thể được dịch ra tiếng các dân tộc thiểu số.

Điều 6. Số và ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật phải được đánh số thứ tự cùng với năm ban hành và ký hiệu cho từng loại văn bản.

Điều 7. Văn bản quy định chi tiết thi hành

1- Luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác phải được quy định cụ thể để khi các văn bản đó có hiệu lực thì được thi hành ngay.

Trong trường hợp luật, pháp lệnh có điều, khoản cần phải được quy định chi tiết bằng văn bản khác, thì ngay tại điều, khoản đó, phải xác định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và thời hạn ban hành văn bản.

2- Văn bản quy định chi tiết thi hành phải được soạn thảo cùng với dự án luật, pháp lệnh để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ban hành khi luật, pháp lệnh có hiệu lực.

Điều 8. Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật; nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, thì tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 9. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng một văn bản quy phạm pháp luật do chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, điều, khoản của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

Văn bản quy phạm pháp luật khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành, thì vẫn còn nguyên hiệu lực và phải được nghiêm chỉnh thi hành.

Điều 10. Đăng Công báo, yết thị và đưa tin

Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo hoặc yết thị, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước.

Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương phải được đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

Chính phủ thống nhất quản lý Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam.

Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải được yết thị tại trụ sở của cơ quan ban hành và những địa điểm khác do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân quyết định.

Điều 11. Gửi, lưu trữ văn bản quy phạm pháp luật

1- Văn bản quy phạm pháp luật phải được gửi kịp thời đến cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp và đến các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hữu quan.

2- Bản gốc của văn bản quy phạm pháp luật phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 12. Dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng nước ngoài

Văn bản quy phạm pháp luật có thể được dịch ra tiếng nước ngoài.

Việc dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng nước ngoài do Chính phủ quy định.

Chương 2:

CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN BAN HÀNH VÀ HÌNH THỨC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Điều 13. Thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội

1- Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.

Quốc hội làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp.

Việc soạn thảo, thông qua, công bố Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và thủ tục, trình tự giải thích Hiến pháp do Quốc hội quy định.

2- Căn cứ vào Hiến pháp, Quốc hội ban hành luật, nghị quyết.

3- Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh, nghị quyết.

Điều 14. Thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định.

Điều 15. Thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, Chính phủ ban hành nghị quyết, nghị định.

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, chỉ thị.

Điều 16. Thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ ban hành quyết định, chỉ thị, thông tư.

Điều 17. Thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quyết định, chỉ thị, thông tư.

Điều 18. Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức sau đây có thể phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch để hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình:

1- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

2- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

3- Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

4- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội trong trường hợp pháp luật có quy định việc tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý nhà nước.

Điều 19. Thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết.

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, Uỷ ban nhân dân ban hành quyết định, chỉ thị.

Thẩm quyền, thủ tục và trình tự ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân do pháp luật quy định.

Chương 3:

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Mục 1: NỘI DUNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI, UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Điều 20. Luật, nghị quyết của Quốc hội

1- Luật quy định các vấn đề cơ bản, quan trọng thuộc các lĩnh vực về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.

2- Nghị quyết của Quốc hội được ban hành để quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chính sách dân tộc, tôn giáo, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước, điều chỉnh ngân sách nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, phê chuẩn điều ước quốc tế, quyết định chế độ làm việc của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Điều 21. Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

1- Pháp lệnh quy định về những vấn đề được Quốc hội giao, sau một thời gian thực hiện trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành thành luật.

2- Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được ban hành để giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, giám sát việc thi hành Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân, quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, tổng động viên hoặc động viên cục bộ, ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương và quyết định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Mục 2: CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

Điều 22. Lập chương trình, thông qua chương trình

1- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm các quyền, nghĩa vụ của công dân.

2- Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật được quy định tại Điều 87 của Hiến pháp năm 1992 gửi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội và đồng thời gửi đến Chính phủ, trong đó phải nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh của văn bản, các điều kiện cần thiết cho việc soạn thảo văn bản; kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội cũng được gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Chính phủ lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh về những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội và phát biểu ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan khác, tổ chức, đại biểu Quốc hội, kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội.

3- Uỷ ban pháp luật của Quốc hội chủ trì và phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội thẩm tra dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan khác, tổ chức, đại biểu Quốc hội, kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội.

4- Căn cứ vào dự kiến chương trình của Chính phủ, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan khác, tổ chức, đại biểu Quốc hội, kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Uỷ ban pháp luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội lập dự án Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội quyết định.

5- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bao gồm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo nhiệm kỳ Quốc hội và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

6- Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ trong năm đầu tiên của mỗi khoá Quốc hội; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm tại kỳ họp cuối năm của năm trước.

Điều 23. Điều chỉnh chương trình

Khi xét thấy cần thiết, Quốc hội quyết định điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội khi kiến nghị về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải có tờ trình nêu rõ lý do việc điều chỉnh.

Thủ tục, trình tự điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Luật này.

Điều 24. Bảo đảm thực hiện chương trình

Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự án pháp lệnh đã được quyết định trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo, bảo đảm chất lượng và thời hạn trình dự án.

Mục 3: SOẠN THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI, UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Điều 25. Thành lập Ban soạn thảo

1- Cơ quan, tổ chức trình dự án luật, dự án pháp lệnh thành lập Ban soạn thảo. Trong trường hợp dự án luật, dự án pháp lệnh có nội dung liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo gồm đại diện có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức hữu quan.

Đối với dự án luật do Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo. Đối với dự án luật, dự án pháp lệnh do Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trình, thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo theo đề nghị của cơ quan, đại biểu Quốc hội trình dự án.

2- Việc soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh do Ban soạn thảo đảm nhiệm.

Ban soạn thảo chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án về tiến độ và chất lượng dự án.

3- Cơ quan, tổ chức hữu quan có thành viên trong Ban soạn thảo có trách nhiệm góp ý kiến bằng văn bản về những nội dung liên quan đến lĩnh vực công tác của cơ quan, tổ chức hữu quan đó và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình.

Điều 26. Soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh

Trong việc soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, Ban soạn thảo tiến hành các công việc sau đây :

1- Tổng kết tình hình thi hành pháp luật, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến dự án; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự án;

2- Tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu có liên quan đến dự án;

3- Chuẩn bị đề cương, biên soạn và chỉnh lý dự án;

4- Tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan bằng các hình thức thích hợp tuỳ theo tính chất của từng dự án;

5- Chuẩn bị tờ trình và tài liệu liên quan đến dự án. Tờ trình nêu rõ sự cần thiết phải ban hành, mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng và nội dung chính của dự án, những vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau;

6- Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan chuẩn bị dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

7- Trong việc soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, phải tính đến điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Điều 27. Bố cục của luật, pháp lệnh

1- Luật, pháp lệnh phải có tên, căn cứ pháp lý để ban hành. Tuỳ theo nội dung, luật, pháp lệnh có thể có lời nói đầu, được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm; phần, chương, mục phải có tiêu đề.

2- Luật, pháp lệnh được ban hành phải xác định các văn bản, các điều, khoản của văn bản bị bãi bỏ.

Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự án pháp lệnh

1- Cơ quan, tổ chức trình dự án luật, dự án pháp lệnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo Ban soạn thảo và thường xuyên cho ý kiến về việc soạn thảo dự án;

b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến dự án.

c) Mời chuyên gia tham gia xây dựng dự án;

d) Xem xét, quyết định việc trình dự án luật ra Quốc hội, trình dự án pháp lệnh ra Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trong trường hợp chưa trình được dự án luật, dự án pháp lệnh theo chương trình, thì phải kịp thời báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội và nêu rõ lý do;

2- Đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự án pháp lệnh có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này. Văn phòng Quốc hội bảo đảm điều kiện cần thiết cho Ban soạn thảo dự án luật, dự án pháp lệnh do đại biểu Quốc hội trình.

Điều 29. Trách nhiệm của Chính phủ đối với dự án luật, dự án pháp lệnh

1- Chính phủ có trách nhiệm xem xét, thảo luận tập thể những dự án luật, dự án pháp lệnh do Chính phủ trình, biểu quyết theo đa số để quyết định việc trình dự án luật ra Quốc hội, trình dự án pháp lệnh ra Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Đối với những dự án luật, dự án pháp lệnh do cơ quan khác, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình, thì Chính phủ có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản.

2- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản về dự án luật, dự án pháp lệnh mà nội dung của dự án liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực của mình.

3- Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định các dự án luật, dự án pháp lệnh để Chính phủ xem xét trước khi quyết định trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc để Chính phủ tham gia ý kiến đối với những dự án do cơ quan khác, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Điều 30. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia ý kiến vào dự án luật, dự án pháp lệnh

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có quyền tham gia ý kiến vào dự án luật, dự án pháp lệnh.

Đối với dự án luật, dự án pháp lệnh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tổ chức bộ máy nhà nước, thì cơ quan soạn thảo có trách nhiệm gửi dự án luật, dự án pháp lệnh đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để lấy ý kiến.

Điều 31. Soạn thảo dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự thảo nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự thảo nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội do Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phân công soạn thảo. Dự thảo nghị quyết được gửi để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

Mục 4: THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT, DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI, DỰ ÁN PHÁP LỆNH, DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Điều 32. Việc thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội

1- Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải được Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban hữu quan của Quốc hội thẩm tra (gọi chung là cơ quan thẩm tra).

Trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình dự án luật thì Quốc hội quyết định cơ quan thẩm tra hoặc thành lập Uỷ ban lâm thời để thẩm tra dự án luật đó; đối với dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội trình, thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định cơ quan thẩm tra.

2- Cơ quan thẩm tra có quyền yêu cầu cơ quan soạn thảo báo cáo về những vấn đề thuộc nội dung của dự án; tự mình hoặc cùng cơ quan soạn thảo tổ chức khảo sát thực 52-L/CTN tế về những vấn đề thuộc nội dung của dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được cơ quan thẩm tra yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

3- Đối với dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra, thì Uỷ ban pháp luật của Quốc hội tham gia thẩm tra nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Điều 33. Thời hạn gửi dự án luật, dự án pháp lệnh và dự thảo nghị quyết để thẩm tra

Chậm nhất là ba mươi ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội hoặc chậm nhất là hai mươi ngày, trước ngày bắt đầu phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án phải gửi tờ trình, dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết tới cơ quan thẩm tra để tiến hành thẩm tra.

Điều 34. Phạm vi thẩm tra

Cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra về tất cả các mặt của dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, nhưng tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau đây :

1- Sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh;

2- Sự phù hợp của nội dung dự án với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp của dự án và tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật;

3- Việc tuân thủ thủ tục và trình tự soạn thảo;

4- Tính khả thi của dự án.

Điều 35. Phương thức thẩm tra

Dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết có thể được thẩm tra một lần hoặc nhiều lần.

Đối với dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội để xin ý kiến, thì phải được cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra sơ bộ.

Đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thông qua, thì phải được cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra chính thức.

Khi thẩm tra chính thức, cơ quan thẩm tra phải tiến hành phiên họp toàn thể.

Trong trường hợp dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được giao cho nhiều cơ quan phối hợp thẩm tra, thì cơ quan được giao chủ trì thẩm tra có trách nhiệm tổ chức phiên họp liên tịch để tiến hành thẩm tra.

Báo cáo thẩm tra phải phản ánh đầy đủ ý kiến của thành viên cơ quan thẩm tra.

Mục 5: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT, CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT, DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT

Điều 36. Thời hạn gửi dự án luật, dự thảo nghị quyết để Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến

Chậm nhất là hai mươi ngày, trước ngày bắt đầu phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự thảo nghị quyết phải gửi tờ trình, dự án và các tài liệu có liên quan đến cơ quan thẩm tra để tiến hành thẩm tra sơ bộ.

Chậm nhất là bảy ngày, trước ngày bắt đầu phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự thảo nghị quyết phải gửi tờ trình, dự án và tài liệu có liên quan ; cơ quan thẩm tra phải gửi báo cáo thẩm tra về dự án luật, dự thảo nghị quyết đó đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Điều 37. Trình tự xem xét, cho ý kiến về dự án luật, dự thảo nghị quyết

1- Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự án luật, dự thảo nghị quyết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thể xem xét, cho ý kiến về dự án luật, dự thảo nghị quyết một lần hoặc nhiều lần.

2- Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án luật, dự thảo nghị quyết theo trình tự sau đây :

a) Đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự thảo nghị quyết thuyết trình về dự án và những vấn đề thuộc nội dung dự án luật, dự thảo nghị quyết cần xin ý kiến;

b) Đại diện cơ quan thẩm tra trình báo cáo thẩm tra ;

c) Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;

d) Các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận ;

đ) Chủ toạ phiên họp kết luận.

Điều 38. Việc tiếp thụ và chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết theo ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự thảo nghị quyết có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thụ ý kiến và tổ chức việc chỉnh lý dự án.

Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự thảo nghị quyết có ý kiến khác với ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Mục 6: LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ ÁN LUẬT, DỰ ÁN PHÁP LỆNH

Điều 39. Quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án luật, dự án pháp lệnh

1- Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự án luật,dự án pháp lệnh, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án luật, dự án pháp lệnh.

2- Nội dung, phạm vi, thể thức và thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự án luật, dự án pháp lệnh do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và việc tiếp thụ ý kiến nhân dân để chỉnh lý dự án.

Điều 40. Tham gia góp ý kiến vào dự án luật, dự án pháp lệnh

1- Công dân góp ý kiến về dự án luật, dự án pháp lệnh thông qua cơ quan, tổ chức của mình, trực tiếp hoặc gửi thư góp ý tới Văn phòng Quốc hội, cơ quan, tổ chức soạn thảo dự án hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

2- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân có trách nhiệm tổ chức, tạo điều kiện để công dân thuộc tổ chức, cơ quan, đơn vị mình tham gia ý kiến vào dự án luật, dự án pháp lệnh.

Điều 41. Tập hợp, tiếp thụ ý kiến nhân dân để chỉnh lý dự án luật, dự án pháp lệnh

Ý kiến của nhân dân về dự án luật, dự án pháp lệnh phải được tập hợp, nghiên cứu, tiếp thụ để chỉnh lý dự án.

Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân.

Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thụ ý kiến nhân dân, chỉnh lý dự án và báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Mục 7: LẤY Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT, DỰ ÁN PHÁP LỆNH

Điều 42. Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về dự án luật

Trong quá trình soạn thảo, nếu được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý thì dự án luật được gửi lấy ý kiến đại biểu Quốc hội.

Chậm nhất là hai mươi ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, dự án luật phải được gửi đến đại biểu Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ chức thảo luận dự án luật tại địa phương và gửi biên bản thảo luận về Văn phòng Quốc hội chậm nhất là bảy ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp.

Điều 43. Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về dự án pháp lệnh

Khi xét thấy cần thiết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi dự án pháp lệnh để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội chậm nhất là hai mươi ngày, trước ngày bắt đầu phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thảo luận dự án pháp lệnh tại địa phương và gửi biên bản thảo luận về Văn phòng Quốc hội chậm nhất là bảy ngày, trước ngày bắt đầu phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội .

Điều 44. Tiếp thụ và chỉnh lý dự án theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội

Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm tập hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án luật, dự án pháp lệnh. Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thụ ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự án.

Mục 8: THÔNG QUA DỰ ÁN LUẬT, DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI, DỰ ÁN PHÁP LỆNH, DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Điều 45. Trình tự xem xét, thông qua dự án luật

1- Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự án luật, Quốc hội có thể xem xét dự án luật tại một hoặc nhiều kỳ họp của Quốc hội. Trong trường hợp dự án luật được xem xét tại nhiều kỳ họp của Quốc hội, thì trong lần xem xét đầu, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nội dung cơ bản và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật. Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật có trách nhiệm tiếp thụ, chỉnh lý dự án.

2- Quốc hội xem xét , thông qua dự án luật theo trình tự sau đây :

a) Đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án thuyết trình về dự án;

b) Đại diện cơ quan thẩm tra trình báo cáo thẩm tra;

c) Quốc hội thảo luận dự án luật tại phiên họp toàn thể. Việc thảo luận có thể tiến hành theo từng vấn đề, từng chương hoặc toàn bộ dự án. Trước khi thảo luận ở phiên họp toàn thể, dự án luật được trao đổi ở Đoàn, ở Tổ đại biểu Quốc hội.

Trong quá trình thảo luận, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án được trình bày bổ sung về những vấn đề liên quan đến dự án;

d) Đoàn thư ký kỳ họp phối hợp với cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thụ ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự kiến chỉnh lý dự án và báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội quyết định.

Đối với những dự án luật có nhiều vấn đề phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau, thì Quốc hội có thể thành lập tổ công tác gồm đại diện cơ quan thẩm tra, cơ quan, tổ chức soạn thảo, một số đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia để chỉnh lý dự án;

đ) Quốc hội thông qua dự án luật bằng cách biểu quyết từng điều, từng chương, nghe đọc toàn văn, sau đó biểu quyết toàn bộ hoặc nghe đọc toàn văn rồi biểu quyết toàn bộ dự án một lần.

Dự án luật được thông qua khi quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

3- Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực luật.

4- Trong trường hợp dự án luật chưa được thông qua, Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề cần được tiếp tục chỉnh lý và giao cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án phối hợp với cơ quan thẩm tra chỉnh lý trong thời hạn do Quốc hội quyết định.

Điều 46. Trình tự xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội

1- Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, Quốc hội có thể xem xét dự thảo tại một hoặc nhiều kỳ họp.

2- Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết theo trình tự sau đây:

a) Đại diện cơ quan, tổ chức được phân công chuẩn bị dự thảo nghị quyết thuyết trình và đọc toàn văn dự thảo;

b) Đại diện cơ quan thẩm tra trình báo cáo thẩm tra;

c) Quốc hội thảo luận;

d) Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết bằng cách biểu quyết từng vấn đề và sau đó biểu quyết toàn bộ dự thảo hoặc biểu quyết toàn bộ dự thảo một lần.

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội được thông qua khi quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp quy định tại Điều 88 của Hiến pháp năm 1992.

3- Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực nghị quyết của Quốc hội.

Điều 47. Trình tự xem xét, thông qua dự án pháp lệnh

1- Tuỳ theo tính chất, nội dung của dự án pháp lệnh, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thể xem xét dự án tại một hoặc nhiều phiên họp.

2- Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án pháp lệnh theo trình tự sau đây :

a) Đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án thuyết trình và đọc toàn văn dự án;

b) Đại diện cơ quan thẩm tra trình báo cáo thẩm tra;

c) Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;

d) Các thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận;

đ) Chủ tọa phiên họp kết luận;

e) Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết.

Dự án pháp lệnh được thông qua khi quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.

3- Chủ tịch Quốc hội ký pháp lệnh.

4- Trong trường hợp dự án pháp lệnh chưa được thông qua thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề cần được tiếp tục chỉnh lý và giao cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án phối hợp với cơ quan thẩm tra chỉnh lý trong thời hạn do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Điều 48. Trình tự xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

1- Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thể xem xét dự thảo tại một hoặc nhiều phiên họp.

2- Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết theo trình tự sau đây:

a) Đại diện cơ quan, tổ chức được phân công chuẩn bị dự thảo nghị quyết thuyết trình và đọc toàn văn dự thảo;

b) Đại diện cơ quan thẩm tra trình báo cáo thẩm tra;

c) Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;

d) Các thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận;

đ) Chủ tọa phiên họp kết luận;

e) Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết.

Dự thảo nghị quyết được thông qua khi quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.

3- Chủ tịch Quốc hội ký nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Điều 49. Việc xem xét lại pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Đối với pháp lệnh, nghị quyết đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua mà Chủ tịch nước đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại theo quy định tại khoản 7 Điều 103 của Hiến pháp năm 1992, thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại những vấn đề mà Chủ tịch nước có ý kiến. Nếu pháp lệnh, nghị quyết đó vẫn được Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí, thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.

Mục 9: CÔNG BỐ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Điều 50. Công bố luật, nghị quyết của Quốc hội

Chủ tịch nước ban hành lệnh để công bố luật, nghị quyết của Quốc hội mà việc công bố nghị quyết đó thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước trong thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày luật, nghị quyết được thông qua.

Điều 51. Công bố pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

1- Chủ tịch nước ban hành lệnh để công bố pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội mà việc công bố nghị quyết đó thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước trong thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày pháp lệnh, nghị quyết được thông qua.

2- Đối với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã được thông qua mà Chủ tịch nước đề nghị xem xét lại hoặc trình Quốc hội quyết định, thì thời hạn công bố chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua, sau khi đã xem xét lại hoặc kể từ ngày Quốc hội quyết định.

Mục 10: GIẢI THÍCH LUẬT, PHÁP LỆNH

Điều 52. Thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh

Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích luật, pháp lệnh.

Cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 87 của Hiến pháp năm 1992, đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích luật, pháp lệnh. Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc giải thích.

Điều 53. Soạn thảo, thông qua dự thảo nghị quyết giải thích luật, pháp lệnh

1- Tuỳ theo tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội soạn thảo dự thảo nghị quyết giải thích luật, pháp lệnh trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

2- Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết giải thích luật, pháp lệnh theo trình tự sau đây:

a) Đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan, đại biểu Quốc hội đã có đề nghị giải thích được mời tham dự phiên họp trình bày ý kiến ;

b) Đại diện cơ quan được phân công chuẩn bị dự thảo nghị quyết giải thích thuyết trình và đọc toàn văn dự thảo;

c) Đại diện cơ quan thẩm tra trình báo cáo thẩm tra về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết giải thích với tinh thần và nội dung của văn bản được giải thích;

d) Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;

đ) Các thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận;

e) Chủ tọa phiên họp kết luận;

g) Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết.

Dự thảo nghị quyết giải thích luật, pháp lệnh được thông qua khi quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.

3- Chủ tịch Quốc hội ký nghị quyết giải thích luật, pháp lệnh.

4- Nghị quyết về việc giải thích luật, pháp lệnh được đăng Công báo và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chương 4:

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC

Điều 54. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước

Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước được ban hành để thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước do Hiến pháp, luật quy định.

Điều 55. Soạn thảo dự thảo lệnh, quyết định

1- Chủ tịch nước tự mình hoặc theo đề nghị của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định cơ quan soạn thảo dự thảo lệnh, quyết định.

2- Cơ quan được giao soạn thảo tổ chức nghiên cứu, soạn thảo dự thảo lệnh, quyết định.

3- Tuỳ theo nội dung của dự thảo lệnh, quyết định, Chủ tịch nước quyết định việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

4- Cơ quan được giao soạn thảo chỉnh lý dự thảo lệnh, quyết định và báo cáo Chủ tịch nước về dự thảo, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

5- Chủ tịch nước xem xét, ký lệnh, quyết định.

Chương 5:

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

Mục 1: NỘI DUNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, BỘ TRƯỞNG, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN NGANG BỘ, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

Điều 56. Nghị quyết, nghị định của Chính phủ

1- Nghị quyết của Chính phủ được ban hành để quyết định chính sách cụ thể về xây dựng và kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; bảo đảm thực hiện Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân; thực hiện chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo; quyết định chủ trương, chính sách cụ thể về ngân sách nhà nước, tiền tệ; phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh; thống nhất quản lý công tác đối ngoại của Nhà nước, các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; các biện pháp chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước; phê duyệt các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

2- Nghị định của Chính phủ bao gồm :

a) Nghị định quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ thành lập; các biện pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ;

b) Nghị định quy định những vấn đề hết sức cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Điều 57. Quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ

1- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành để quyết định các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở; quy định chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

2- Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ quy định các biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; đôn đốc và kiểm tra hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của Chính phủ.

Điều 58. Quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ

1- Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; quy định các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và các định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; quy định các biện pháp để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề được Chính phủ giao.

2- Chỉ thị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định các biện pháp để chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp và kiểm tra hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách trong việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và của mình.

3- Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ được ban hành để hướng dẫn thực hiện những quy định được luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.

Mục 2: SOẠN THẢO, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, BỘ TRƯỞNG, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN NGANG BỘ, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

Điều 59. Chương trình xây dựng nghị quyết, nghị định

Để bảo đảm thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước, Chính phủ quyết định chương trình xây dựng nghị quyết, nghị định ba tháng, sáu tháng và hàng năm của Chính phủ theo sáng kiến của mình và đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ điều chỉnh chương trình xây dựng nghị quyết, nghị định.

Điều 60. Thành lập Ban soạn thảo nghị quyết, nghị định

1- Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết, nghị định.

Cơ quan chủ trì soạn thảo sau khi thoả thuận với các Bộ, ngành hữu quan thành lập Ban soạn thảo.

2- Đối với nghị định quy định tại điểm b khoản 2 Điều 56 của Luật này, thì Chính phủ quyết định thành lập Ban soạn thảo.

Điều 61. Soạn thảo dự thảo nghị quyết, nghị định

Trong việc soạn thảo dự thảo nghị quyết, nghị định, Ban soạn thảo phải tiến hành các công việc sau đây:

1- Tổng kết tình hình thi hành pháp luật, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan;

2- Tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo;

3- Lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan; tập hợp ý kiến và chỉnh lý dự thảo;

4- Chuẩn bị tờ trình cùng với dự thảo và các tài liệu cần thiết khác để trình Chính phủ.

Điều 62. Tham gia ý kiến xây dựng dự thảo nghị quyết, nghị định

Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, nghị định, cơ quan soạn thảo gửi dự thảo tới Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) để tham gia ý kiến.

Điều 63. Thẩm định dự thảo nghị quyết, nghị định

Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định các dự thảo nghị quyết, nghị định trước khi trình Chính phủ để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của văn bản trong hệ thống pháp luật.

Chậm nhất là hai mươi ngày, trước ngày Chính phủ họp, cơ quan soạn thảo gửi dự thảo nghị quyết, nghị định và các tài liệu liên quan đến Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp có trách nhiệm chuẩn bị ý kiến thẩm định bằng văn bản và gửi văn bản thẩm định đến Chính phủ chậm nhất là năm ngày, trước ngày bắt đầu phiên họp của Chính phủ.

Điều 64. Trình tự xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết, nghị định

1- Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, nghị định Chính phủ có thể xem xét dự thảo nghị quyết, nghị định tại một hoặc nhiều phiên họp của Chính phủ;

2- Tại phiên họp của Chính phủ, đại diện cơ quan soạn thảo, thuyết trình về dự thảo; Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày ý kiến thẩm định dự thảo; đại diện cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;

3- Các thành viên của Chính phủ thảo luận;

4- Dự thảo nghị quyết, nghị định được Chính phủ thông qua khi quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành;

5- Thủ tướng Chính phủ ký nghị quyết, nghị định;

6- Trong trường hợp dự thảo nghị quyết, nghị định chưa được thông qua, Chính phủ cho ý kiến về những vấn đề cần phải chỉnh lý và định thời hạn trình lại dự thảo.

Điều 65. Soạn thảo, ban hành quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ

1- Dự thảo quyết định, chỉ thị do Thủ tướng giao và chỉ đạo cơ quan soạn thảo.

2- Cơ quan được giao soạn thảo có trách nhiệm xây dựng dự thảo.

3- Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, chỉ thị, cơ quan soạn thảo gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

4- Bộ Tư pháp có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản về dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

5- Cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

6- Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký quyết định, chỉ thị.

Điều 66. Soạn thảo, ban hành quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ

1- Dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ giao và chỉ đạo đơn vị trực thuộc soạn thảo.

2- Đơn vị được giao soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu và xây dựng dự thảo.

3- Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư, dự thảo được gửi để lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

4- Đơn vị được giao soạn thảo chỉnh lý dự thảo, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư và ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

5- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, ký quyết định, chỉ thị, thông tư.

Chương 6:

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Điều 67. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được ban hành để hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử.

Điều 68. Soạn thảo, ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

1- Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức và chỉ đạo việc soạn thảo.

2-Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định gửi lấy ý kiến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

3- Dự thảo nghị quyết được thảo luận tại phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

4- Dự thảo nghị quyết được thông qua khi quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.

Trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp không nhất trí với nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, thì có quyền báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội để Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp gần nhất.

5. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 69. Quyết định, chỉ thị, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Quyết định, chỉ thị, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định các biện pháp để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân các cấp; quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 70. Soạn thảo, ban hành quyết định, chỉ thị, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1- Dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức và chỉ đạo việc soạn thảo.

2- Dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao thảo luận và cho ý kiến. Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định gửi dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư để lấy ý kiến của Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân địa phương, Viện kiểm sát quân sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

3- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký quyết định, chỉ thị, thông tư.

Chương 7:

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN TỊCH

Điều 71. Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Thông tư liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được ban hành để hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đó.

Điều 72. Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa Toà án nhân dân tối cao với Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Thông tư liên tịch giữa Toà án nhân dân tối cao với Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao được ban hành để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động tố tụng và những vấn đề khác liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đó.

Điều 73. Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội

Nghị quyết, thông tư liên tịch giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được ban hành để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi pháp luật quy định về việc tổ chức chính trị - xã hội đó tham gia quản lý nhà nước.

Điều 74. Soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch

1- Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên tịch do cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hữu quan thoả thuận, phân công cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo.

2- Cơ quan, tổ chức được phân công chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức xây dựng dự thảo văn bản và lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan.

Đối với dự thảo thông tư liên tịch giữa Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải được lấy ý kiến các thành viên Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, thành viên Uỷ ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tập hợp ý kiến và chỉnh lý dự thảo.

3- Thủ trưởng cơ quan, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cùng ký nghị quyết, thông tư liên tịch.

Chương 8:

HIỆU LỰC CỦA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Điều 75. Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật

1- Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố, trừ trường hợp văn bản đó quy định ngày có hiệu lực khác.

2- Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước có hiệu lực kể từ ngày đăng Công báo, trừ trường hợp văn bản đó quy định ngày có hiệu lực khác.

3- Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các văn bản quy phạm pháp luật liên tịch có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày ký văn bản hoặc có hiệu lực muộn hơn nếu được quy định tại văn bản đó. Đối với văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, thì văn bản có thể quy định ngày có hiệu lực sớm hơn.

Điều 76. Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật

1- Chỉ trong những trường hợp thật cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước.

2- Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:

a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;

b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.

Điều 77. Những trường hợp ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật

1- Văn bản quy phạm pháp luật bị đình chỉ thi hành, thì ngưng hiệu lực cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc :

a) Không bị huỷ bỏ thì văn bản tiếp tục có hiệu lực ;

b) Bị huỷ bỏ thì văn bản hết hiệu lực.

2- Thời điểm ngưng hiệu lực, tiếp tục có hiệu lực của văn bản hoặc hết hiệu lực của văn bản phải quy định rõ tại quyết định đình chỉ thi hành, quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3- Quyết định đình chỉ, quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải được đăng Công báo, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 78. Những trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực

Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:

1- Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;

2- Được thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;

3- Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

4- Văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của văn bản hết hiệu lực cũng đồng thời hết hiệu lực cùng với văn bản đó, trừ trường hợp được giữ lại toàn bộ hoặc một phần vì còn phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới.

Điều 79. Hiệu lực về không gian và đối tượng áp dụng

1- Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước trung ương có hiệu lực trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, trừ trường hợp văn bản có quy định khác.

2- Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân có hiệu lực trong phạm vi địa phương.

3- Văn bản quy phạm pháp luật cũng có hiệu lực đối với cơ quan, tổ chức, người nước ngoài ở Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật của Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 80. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

1- Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.

Trong trường hợp văn bản có quy định hiệu lực trở về trước, thì áp dụng theo quy định đó.

2- Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

3- Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật về cùng một vấn đề do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau, thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

4- Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực, thì áp dụng văn bản mới.

Chương 9:

GIÁM SÁT, KIỂM TRA, KIỂM SÁT VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN TRÁI PHÁP LUẬT

Điều 81. Quốc hội giám sát, xử lý văn bản trái pháp luật

1- Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với văn bản quy phạm pháp luật của các các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Chương II của Luật này.

2- Theo đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đại biểu Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ luật, nghị quyết của Quốc hội trái Hiến pháp; xem xét, quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Điều 82. Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát, xử lý văn bản trái pháp luật

1- Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2- Theo đề nghị của Chủ tịch nước, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó; xem xét, quyết định huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; xem xét, quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Điều 83. Chính phủ kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật

1- Chính phủ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2- Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trái Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; xem xét, quyết định đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ.

Điều 84. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật.

1- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về những nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.

2- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực có quyền kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đã ban hành văn bản trái với văn bản về ngành, lĩnh vực do mình phụ trách bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản đó; nếu kiến nghị đó không được chấp nhận thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoặc của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về ngành, lĩnh vực do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phụ trách ; đình chỉ việc thi hành và đề nghị Thủ tướng chính phủ bãi bỏ quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trái với văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; nếu Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không nhất trí với quyết định đình chỉ thi hành, thì vẫn phải chấp hành, nhưng có quyền kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.

Điều 85. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với văn bản quy phạm pháp luật.

Viện kiểm sát nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân nhằm bảo đảm các văn bản đó không trái pháp luật.

Thủ trưởng cơ quan nhà nước nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm trả lời kháng nghị trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị.

Chương 10:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 86. Kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do ngân sách nhà nước cấp.

Điều 87. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1997.

Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước về Quy chế xây dựng luật và pháp lệnh ngày 6 tháng 8 năm 1988 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 12 tháng 11 năm 1996.

Lê Đức Anh

(Đã ký)

THE STANDING COMMITTEE OF NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
--------

No. 52-L/CTN

Hanoi ,Novermber  12 ,1996

 

LAW

ON THE PROMULGATION OF LEGAL DOCUMENTS

In order to improve the quality and effectiveness of legislative work, institutionalize in time the Party lines and policies, meet the requirements of the social management by law, and build the law-governed State of the Socialist Republic of Vietnam
Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
This Law provides for the competence, procedures and order of the promulgation of legal documents.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Legal documents

A legal document is a document issued by a competent State agency according to the procedure and order prescribed by law, including the common rules of conduct the implementation of which is guaranteed by the State and aims to regulate social relations along the socialist orientation.

The system of legal documents includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The documents promulgated by the Standing Committee of the National Assembly: ordinances and resolutions;

2. The documents issued by the other competent State agencies at central level to implement the legal documents of the National Assembly and the Standing Committee of the National Assembly;

a/ Orders and decisions of the State President;

b/ Resolutions and decrees of the Government; decisions and directives of the Prime Minister;

c/ Decisions, directives and circulars of the Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies and the Heads of the agencies attached to the Government;

d/ Resolutions of the Justice Council of the Supreme People’s Court; decisions, directives and circulars of the Chairman of the Supreme People’s Procuracy;

d/ Inter-agency resolutions and joint circulars of competent State agencies and between competent State agencies and socio-political organizations;

3. The documents issued by the People’s Councils and the People’s Committees to implement the legal documents of the National Assembly, the Standing Committee of the National Assembly and the documents of higher-level State agencies; and the documents issued by the Peoples Committees to implement the resolutions of the People’s Councils of the same level.

a/ Resolutions of the People’s Councils;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 2.- Constitutionality, legality and uniformity of the system of legal documents

The Constitution is the fundamental law of the State having the highest legal effect.

All legal documents promulgated must conform with the Constitution and ensure the uniformity and the rank of its legal effect in the legal system.

All legal documents issued by a lower-level State agency must conform with the legal documents of the higher-level State agencies.

Any legal document which is contrary to the Constitution and the legal documents of the higher-level State agencies must be annulled or suspended by a competent State agency.

Article 3.- Suggestions and comments to elaborate legal documents

1. The Vietnam Fatherland Front and its member organizations, other social organizations, all economic organizations, State agencies, People’s Armed Forces units and citizens have the right to contribute suggestions and comments to the elaboration of legal documents.

2. During the process of elaborating a legal document the concerned agencies and organizations shall, depending on the nature and contents of the draft document, create conditions for the agencies, organizations and individuals defined in Item 1 of this Article to contribute suggestions and comments or accept these comments to elaborate the legal document.

Article 4.- Effect of legal documents

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 5.- Language of legal documents

A legal document shall be written in the Vietnamese language.

The language used in the document must be accurate, comprehensible to the public, the expression must be plain and easy to understand. For technical terms the meaning of which needs to be specified, they must be defined in the document.

A legal document may be translated into the languages of the ethnic minorities.

Article 6.- The serial number and code of legal documents

A legal document must be numbered and record the year of its issue and the code of its type.

Article 7.- Documents stipulating in details the implementation of other legal documents

1. The implementation of a law, ordinance or another legal document must be stipulated in details so that it can be immediately implemented after taking effect.

Where a law or ordinance contains an article or item which needs to be stipulated in details in another document, such article or item must clearly identify the State agency competent to stipulate these details together with the time limit for the issue of the document.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 8.- Revising and systematizing legal documents

The State agencies shall, within the scope of their tasks and powers, have to regularly revise and periodically systematize the legal documents; when detecting an illegal, contradictory or overlapping provision or provision which is no longer suitable to the situation of national development, they shall either by themselves or recommend a competent State agency to make timely amendments, supplements or replacements, or to annul or suspend its implementation.

An agency, organization or citizen has the right to request a competent State agency to consider amending, supplementing, replacing, annulling or suspending the implementation of legal documents.

Article 9.- Amending, supplementing, replacing, annulling or suspending the implementation of legal documents.

A legal document shall be amended, supplemented, replaced or annulled only by another legal document issued by the State agency which has issued that document, annulled or suspended by a document of a competent State agency.

A legal document that amends, supplements, annuls or suspends the implementation of another document must clearly state the name of the document, item(s) or article(s) to be amended, supplemented, replaced, annulled or suspended.

A legal document that has not yet been amended, supplemented, replaced, annulled or the implementation of which has not yet been suspended by a competent agencyshall remain effective and must be strictly observed.

Article 10.- Publishing in the Official Gazette, posted up and carried on the mass media

A legal document must be published in the Official Gazette, posted up for public notice, be carried on the mass media except for documents containing State secrets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Government shall exercise unified management over the Official Gazette of the Socialist Republic of Vietnam.

A legal document of the People’s Council or the People’s Committee must be posted up for public notice at the main office of the issuing agency and other places decided by the Peoples Council or the People’s Committee.

Article 11.- Sending and filing legal documents

1. A legal document must be sent in time to the State agency of immediate higher level and to the concerned State agencies and socio-political organizations.

2. The original of a legal document must be filed in accordance with the legislation on archives.

Article 12.- Translating legal documents into foreign languages

A legal document may be translated into foreign languages.

The Government shall provide for the translation of legal documents into foreign language(s).

Chapter II

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 13.- Competence of the National Assembly and the Standing Committee of the National Assembly to promulgate legal documents and the forms of such documents

1. The National Assembly is the sole agency having constitutional and legislative right

The National Assembly makes the Constitution and amends it.

The drafting, adoption, promulgation and amending of the Constitution and the procedure and order for interpreting the Constitution shall be provided for by the National Assembly.

2. In pursuance to the Constitution, the National Assembly shall promulgate laws and resolutions .

3. In pursuance to the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly, the Standing Committee of the National Assembly shall promulgate ordinances and resolutions .

Article 14.- Competence of the State President to promulgate legal documents and the forms of such documents

In pursuance to the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly, the ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly, the State President shall promulgate orders and decisions.

Article 15.- Competence of the Government and the Prime Minister to promulgate legal documents and the forms of such documents

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In pursuance to the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly, the ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly, the orders and decisions of the State President, the resolutions and decrees of the Government, the Prime Minister shall issue decisions and directives.

Article 16.- Competence of the Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies and the Heads of the agencies attached to the Government to promulgate legal documents and the forms of such documents

In pursuance to the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly, the ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly, the orders and decisions of the State President, the resolutions and decrees of the Government, decisions and directives of the Prime Minister, the Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies and the Heads of the agencies attached to the Government shall issue decisions, directives and circulars.

Article 17.- Competence of the Supreme People’s Court and the Supreme People’s Procuracy to promulgate legal documents and the forms of such documents

In pursuance to the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly, the ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly, the orders and decisions of the State President, the Justice Council of the Supreme People’s Court shall issue resolutions, the Director of the Supreme People’s Procuracy shall issue decisions, directives and circulars.

Article 18.- Competence to promulgate joint legal documents

In pursuance to the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly, the ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly, the orders and decisions of the State President, the resolutions and decrees of the Government, the decisions and directives of the Prime Minister, the following agencies and organizations may coordinate in issuing joint legal documents to guide the implementation of legal documents related to their functions, tasks and powers.

1. The Ministries, the ministerial-level agencies and the agencies attached to the Government;

2. The Ministries, the agencies attached to the Government and the Supreme People’s Court and/or the Supreme People’s Procuracy;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The competent State agencies and the socio-political organizations in cases where such organizations, as provided for by law, participate in State management.

Article 19.- Competence of the People’s Councils and the People’s Committees to promulgate legal documents and the forms of such documents

In pursuance to the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly, the ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly, the orders and decisions of the State President, the documents of the higher-level State agencies, the People’s Councils shall issue resolutions

In pursuance to the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly, the ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly, the orders and decisions of the State President, the documents of the higher-level State agencies, the resolutions of the People’s Councils of the same level, the People’s Committees shall issue decisions and directive.

The competence, procedure and order for the promulgation of resolutions by the People’s Councils and of decisions and directives by the People’s Committees shall be provided for by law.

Chapter III

LEGAL DOCUMENTS OF THE NATIONAL ASSEMBLY AND THE STANDING COMMITTEE OF THE NATIONAL ASSEMBLY

Section 1. CONTENTS OF THE LEGAL DOCUMENTS OF THE NATIONAL ASSEMBLY AND THE STANDING COMMITTEE OF THE NATIONAL ASSEMBLY

Article 20.- Laws and resolutions of the National Assembly

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Resolutions are issued by the National Assembly to decide the socio-economic development plans, national fiscal and monetary policies, policies on nationalities, religion, external relations, defense, security, State budget estimates and allocations, adjustment of the State budget, approve the final State budget statement, ratify international agreements, decide the working regime of the National Assembly, the Standing Committee of the National Assembly, the Council on Nationalities, the Commissions of the National Assembly, the National Assembly deputies; and decide other issues under the jurisdiction of the National Assembly.

Article 21.- Ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly

1. The ordinances shall provide for the matters assigned by the National Assembly, which shall be submitted, after being implemented for a period of time, to the National Assembly for consideration and decision to be passed into laws.

2. Resolutions are issued by Standing Committee of the National Assembly to interpret the Constitution, laws and ordinances, to supervise the observance of the Constitution and the legal documents of the National Assembly and the Standing Committee of the National Assembly, to supervise the work of the Government, the Supreme People’s Court and the Supreme People’s Procuracy, to supervise and guide the work of the People’s Councils, declare the state of war, the national or regional mobilization, declare the state of emergency on a general or limited scale and decide other issues under the jurisdiction of the Standing Committee of the National Assembly.

Section 2. PROGRAM ON THE ELABORATION OF LAWS AND ORDINANCES

Article 22.- Working out and adopting the program

1. The law and ordinance-elaborating program shall be worked out on the basis of the Party’s lines and policies, the strategy on socio-economic development, defense, security and the State managerial requirements in each period while ensuring the citizens’ rights and obligations.

2. The agencies, organizations or National Assembly deputies having the right to submit bills as stipulated in Article 87 of the 1992 Constitution shall send the proposal to draft a law(s) or ordinance(s) to the Standing Committee of the National Assembly and concurrently to the Government, which must clearly state the necessity to promulgate the document(s), define the objects and scope of regulation, the necessary conditions for the drafting of the document(s); recommendations on a law(s) or ordinance(s) of a National Assembly deputy shall also be sent to the Standing Committee of the National Assembly and the Government.

The Government shall work out a tentative program on the elaboration of laws and ordinances regarding the issues under the scope of its functions, tasks and powers, submit it to the Standing Committee of the National Assembly, and give comments on the proposals to elaborate laws and ordinances of other agencies, organizations and the National Assembly deputies, as well as the recommendations of the National Assembly deputies on laws and ordinances.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Basing itself on the Government’s tentative program on the elaboration of laws and ordinances, the proposals of other agencies, organizations and the National Assembly deputies on the elaboration of laws and ordinances, the recommendations of the National Assembly deputies on laws and ordinances, and the evaluation opinions of the Law Commission, the Standing Committee of the National Assembly shall draft the program on the elaboration of laws and ordinances and submit it to the National Assembly for decision.

5. The program on the elaboration of laws and ordinances shall consist of the program on the elaboration of laws and ordinances for each term of the National Assembly and the annual programs on the elaboration of laws and ordinances.

6. In the first year of each term, the National Assembly shall decide a program on the elaboration of laws and ordinances for the whole term, decide the annual program on the elaboration of laws and ordinances at the year-end session of the preceding year.

Article 23.- Adjusting the program

When deeming it necessary, the National Assembly shall decide to adjust the program on the elaboration of laws and ordinances.

When an agency, organization or National Assembly deputy files a motion to adjust the program on the elaboration of laws and ordinances, it must make a report stating clearly the reason for the adjustment.

The procedure and order for the adjustment of the program on the elaboration of laws and ordinances shall be implemented in accordance with Article 22 of this Law.

Article 24.- Guaranteeing the execution of the program

The Standing Committee of the National Assembly shall guide the execution of the program on the elaboration of laws and ordinances.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 3. DRAFTING OF LEGAL DOCUMENTS OF THE NATIONAL ASSEMBLY AND THE STANDING COMMITTEE OF THE NATIONAL ASSEMBLY

Article 25.- Setting up the Drafting Committee

1. The agency or organization submitting a bill or draft ordinance shall set up a Drafting Committee. If the bill or draft ordinance relates to various branches and fields, the Standing Committee of the National Assembly shall set up a Drafting Committee composed of competent representatives from the concerned agencies and organizations.

With regard to a bill submitted by the Standing Committee of the National Assembly, it shall set up a Drafting Committee. With regard to a bill or draft ordinance submitted by the Council on Nationalities, a Commission of the National Assembly or a National Assembly deputy or the Standing Committee of the National Assembly shall set up a Drafting Committee at the proposal of the agency or the National Assembly deputy submitting the draft document.

2. The Drafting Committee shall undertake the drafting of a law or ordinance.

The Drafting Committee shall be accountable to the agency, organization or National Assembly deputy submitting the bill for the drafting tempo and quality of the draft document.

3. The concerned agencies and organizations participating in the Drafting Committee shall have to give written comments on the contents related to their specialties and shall take responsibility for their comments.

Article 26.- Drafting laws and ordinances

When drafting a bill or draft ordinance, the Drafting Committee shall carry out the following activities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Organizing the study of information and documents related to the draft document;

3. Outlining, compiling and revising the draft document.

4. Gathering comments from the concerned agencies, organizations and individuals in the forms appropriate to the characteristics of each draft document;

5. Preparing the report on and other documents related to the draft document. The report must state clearly the necessity of the promulgation, objectives, requirements, scope, objects and main contents of the draft document, the matters that require guiding opinions and the matters where opinions still differ;

6. Coordinating with the concerned agencies, organizations and individuals in preparing the drafting of detailed documents and guiding the implementation of the draft document;

7. When drafting a law or ordinance, the international agreements, which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to, must be taken into account.

Article 27.- Structure of laws and ordinances

1. A law or ordinance must have a name and the legal bases for its promulgation. Depending on its contents, the law or ordinance may comprise a preamble, and be structured into parts, chapters, sections, articles, items and points; each part, chapter or section must have a title.

2. A law or ordinance promulgated must identify the documents, articles and items of the documents to be annulled.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The agency or organization submitting a bill or draft ordinance shall have the following tasks and powers:

a/ To direct the Drafting Committee and regularly give comments on the drafting;

b/ To request the concerned agencies, organizations and individuals to supply materials and information related to the draft document;

c/ To invite specialists to take part in the drafting;

d/ To consider and decide the submission of the bill to the National Assembly, and of the draft ordinance to the Standing Committee of the National Assembly. If the agency or organization fails to submit the bill or draft ordinance on schedule, it must report in time to the Standing Committee of the National Assembly and clearly state the reason;

2. The National Assembly deputy submitting the bill or draft ordinance shall have the tasks and powers defined in Points a, b and d, Item 1 of this Article. The Office of the National Assembly must ensure the necessary conditions for the Drafting Committee of the bill or draft ordinance submitted by the National Assembly deputy.

Article 29.- Responsibilities of the Government for the bills and ordinances

1. The Government shall have to collectively consider and discuss the bills and ordinances submitted by the Government, decide by majority vote the submission of a bill to the National Assembly or a draft ordinance to the Standing Committee of the National Assembly. With regard to the bills and ordinances submitted by the other agencies, organizations and the National Assembly deputies, the Government shall have to give its written comments.

2. The Ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government shall have to give written comments on the bills and draft ordinances which directly relate to their managerial functions and tasks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 30.- The Vietnam Fatherland Front and its member organizations shall make comments on the bills and draft ordinances

The Vietnam Fatherland Front and its member organizations shall have the right to make comments on the bills or draft ordinances.

With regard to the bills and draft ordinances related to the functions, tasks and powers of the Vietnam Fatherland Front and its member organization, the provisions on the basic rights and obligations of citizens and on the organizations of the State apparatus, the drafting agency shall have to send the drafts to the Vietnam Fatherland Front and its member organizations for comments.

Article 31.- Drafting resolutions of the National Assembly and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly

The resolutions of the National Assembly or resolutions of the Standing Committee shall be drafted, by assignment of the National Assembly, the Standing Committee of the National Assembly, the Council on Nationalities, a Commission of the National Assembly, the Government, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy or another concerned agency or organization. The draft resolution shall be sent to the concerned agencies, organizations and individuals for comments.

Section 4. EVALUATION OF BILLS AND DRAFT RESOLUTIONS OF THE NATIONAL ASSEMBLY, DRAFT ORDINANCES AND RESOLUTIONS OF THE STANDING COMMITTEE OF THE NATIONAL ASSEMBLY

Article 32.- Evaluation by the Council on Nationalities and the Commissions of the National Assembly

1. Before being submitted to the National Assembly or the Standing Committee of the National Assembly, the bills and draft resolutions of the National Assembly, a draft ordinance or resolution of the Standing Committee of the National Assembly must be evaluated by the Council on Nationalities and the concerned Commissions of the National Assembly (referred to as the evaluating agencies).

When the Standing Committee of the National Assembly submits a bill, the National Assembly shall decide the evaluating agency or set up a Provisional Committee to evaluate such bill; with regard to bills, draft ordinances and resolutions submitted by the Council on Ethnicities or a Commission of the National Assembly, the Standing Committee of the National Assembly shall decide the evaluating agency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. With regard to the bills, ordinances or resolutions evaluated by the Council on Nationalities, or by another Commission of the National Assembly, the Law Commission of the National Assembly shall take part in the evaluation to ensure the constitutionality, legality and uniformity of the legal system.

Article 33.- Time limit for sending bills, draft ordinances and resolutions for evaluation

Not later than 30 days before the opening of a National Assembly session or not later than 20 days before the opening of a meeting of the Standing Committee of the National Assembly, the agency, organization or National Assembly deputy that submits a draft document must send a report together with the bill, ordinance or resolution to the evaluating agency for evaluation.

Article 34.- Scope of evaluation

The evaluating agency shall evaluate all the aspects of the bill, ordinance or resolution. However, it shall focus on the following major issues:

1. The necessity of the promulgation of the bill, ordinance or resolution; objects and scope of regulation;

2. The conformity of the draft document with the Partys lines and policies; the documents constitutionality, legality and uniformity with the legal system;

3. The observance of the drafting procedure and order;

4. The feasibility of the draft document.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A bill, ordinance or resolution may be evaluated once or more than once.

With regard to the bills, ordinances or resolutions submitted to the Standing Committee of the National Assembly for comments, it must be preliminarily evaluated by the evaluating agency.

With regard to the bills or draft ordinances submitted to the National Assembly, and the draft ordinances or resolutions submitted to the Standing Committee of the National Assembly for consideration and adoption, they must be officially evaluated by the evaluating agency.

When conducting an official evaluation, the evaluating agency must convene plenary sessions.

In cases where the evaluation of a bill, ordinance or resolution is assigned to more than one agency, the agency with the main responsibility for the evaluation shall have to convene joint meetings for the evaluation.

The evaluation report must reflect all the opinions made by the members of the evaluating agency.

Section 5. THE STANDING COMMITTEE OF THE NATIONAL ASSEMBLY CONSIDERS AND GIVES COMMENTS ON BILLS AND DRAFT RESOLUTIONS

Article 36.- Time limit for sending bills and resolutions to the Standing Committee of the National Assembly for consideration and comments

Not later than twenty days before the opening of a meeting of the Standing Committee of the National Assembly, the agency, organization or National Assembly deputy submitting the bill or draft resolution must send a report together with the draft document and the related materials to the evaluating agency for preliminary evaluation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 37.- Order of considering and giving comments on bills and resolutions

1. Depending on the nature and contents of a bill or draft resolution, the Standing Committee of the National Assembly may consider and give comments on the bill or draft resolution once or more than once.

2. The Standing Committee of the National Assembly shall consider and give comments on a bill or draft resolution in the following order:

a/ The representative of the agency, organization or National Assembly deputy submitting the bill or draft resolution makes a presentation on the draft document and the issues related to the contents of the draft document to be commented on;

b/ The representatives of the evaluating agency presents the evaluation report;

c/ The representatives of the invited agencies, organizations and individuals give their comments;

d/ The members of the Standing Committee of the National Assembly start discussion;

e/ The chairman of the meeting makes the concluding remarks.

Article 38.- Accepting comments of the Standing Committee of the National Assembly and revising bills and resolutions

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If the agency, organization or National deputy submitting the bill or draft ordinance has any opinions which differ from the comments of the Standing Committee of the National Assembly, such opinions should be reported to the National Assembly for consideration and decision.

Section 6. SOLICITING PUBLIC COMMENTS ON BILLS AND DRAFT ORDINANCES

Article 39.- Deciding the solicitation of public comments on bills and ordinances

1. Depending on the nature and content of a bill or draft ordinance, the National Assembly or the Standing Committee of the National Assembly shall decide to solicit public comments on the bill or draft ordinance.

2. The contents, scope, mode and time of soliciting public comments on the bill or draft ordinance shall be decided by the Standing Committee of the National Assembly.

The Standing Committee of the National Assembly shall direct the solicitation and acceptance of public comments for revising the draft document.

Article 40.- Making comments on bills and ordinances

1. Citizens shall give their comments on bills and/or draft ordinances through their agencies and organizations, either directly or by mail to the Office of the National Assembly, the drafting agency or organization, or through the mass media.

2. The Vietnam Fatherland Front and its member organizations, State agencies, social and economic organizations and People’s Armed Forces units shall have to organize and create conditions for citizens of their organizations, agencies and units to give their comments on the bills or draft ordinances.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Public comments on bills and/or draft ordinances must be gathered, studied and accepted to revise the draft document.

The Office of the National Assembly shall have to gather fully the public comments.

The agency, organization or National Assembly deputy submitting the darft document shall coordinate with the evaluating agency in studying and accepting the public comments, revising the draft document and making a report to the Standing Committee of the National Assembly.

Section 7. SOLICITING COMMENTS FROM NATIONAL ASSEMBLY DEPUTIES AND DELEGATIONS OF NATIONAL ASSEMBLY DEPUTIES ON BILLS AND DRAFT ORDINANCES

Article 42.- National Assembly deputies and Delegations of National Assembly deputies give their comments on the bills

During the drafting process, a bill shall be sent to the National Assembly deputies for comments if it is so agreed by the Standing Committee of the National Assembly.

Not later than twenty days before the opening of a National Assembly session, the bill must be sent to the National Assembly deputies.

The Delegations of National Assembly deputies shall have to hold discussions on the bill in their respective localities and send the minutes of the discussions to the Office of the National Assembly not later than seven days before the opening of a session.

Article 43.- National Assembly deputies, delegations of National Assembly deputies give comments on draft ordinances

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Delegations of National Assembly deputies shall hold discussions on the draft ordinance in their respective localities and send the minutes on the discussions not later than seven days before the opening of a meeting of the Standing Committee of the National Assembly.

Article 44.- Accepting comments of National Assembly deputies and Delegations of National Assembly deputies and revising the draft document

The Office of the National Assembly shall have to gather comments of the National Assembly deputies and the Delegations of National Assembly deputies on a bill or draft ordinance. The agency, organization or individual submitting the draft document shall coordinate with the evaluating agency in studying and accepting comments of the National Assembly deputies and the Delegations of National Assembly deputies for revising the draft document.

Section 8. ADOPTING BILLS AND RESOLUTIONS BY THE NATIONAL ASSEMBLY, DRAFT ORDINANCES AND RESOLUTIONS BY THE STANDING COMMITTEE OF THE NATIONAL ASSEMBLY

Article 45.- Order for considering and adopting bills

1. Depending on the nature and content of a bill, the National Assembly may consider the bill at one or more than one session of the National Assembly. If the bill is considered at more than one session of the National Assembly, at the first session, the National Assembly shall discuss and give comments on the objects and scope of regulation, the basic contents and the issues on which opinions differ. The agency, organization or National Assembly deputy submitting the bill shall have to accept the comments and revise the draft document accordingly.

2. The National Assembly shall consider and adopt the bill in the following order:

a/ The representative of the agency, organization or National Assembly deputy submitting the draft document makes a presentation on the draft document;

b/ The representative of the evaluating agency presents the evaluation report;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



During the course of deliberation, the agency, organization or National Assembly deputy submitting the draft document may make a complementary reports on the issues related to the draft document;

d/ The secretariat of the session shall coordinate with the evaluating agency and the drafting agency in accepting the comments of the National Assembly deputies, planning the revision of the draft document and reporting it to the Drafting Committee of the National Assembly before submitting it to the National Assembly for decision.

With regard to bills involving many complicated matters were opinions still differ, the National Assembly may set up a work team consisting of representatives from the evaluating agency, the drafting agency, a number of National Assembly deputies and a number of specialists to revise the bill;

e/ The National Assembly shall adopt the bill by voting article by article, chapter by chapter and listening to its full text before voting, or listening to the full text of the document and then voting it at one time.

The bill shall be adopted when more than half of the total number of the National Assembly deputies vote for.

3. The Chairman of the National Assembly signs to certify the law.

4. If the bill is not yet adopted, the National Assembly gives comments on the issues to be further revised and assign the agency, organization or National Assembly deputy submitting the draft document to coordinate with the evaluating agency in revising it in a time limit decided by the National Assembly.

Article 46.- Order for considering and adopting draft resolutions of the National Assembly

1. Depending on the nature and contents of a draft resolution, the National Assembly may consider the draft document at one or more than one session.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The representative of the agency or organization assigned to prepare the draft resolution makes a presentation and read the full text of the draft document;

b/ The representative of the evaluating agency presents the evaluation report;

c/ The National Assembly start discussions;

d/ The National Assembly adopts the draft resolution by voting issue by issue then the whole of the draft document or voting the whole of the draft document at one time.

A draft resolution shall be adopted when more than half of the total number of the National Assembly deputies vote for it, except in cases defined in Article 88 of the 1992 Constitution.

3. The Chairman of the National Assembly signs to certify the Resolution of the National Assembly.

Article 47.- Order for considering and adopting draft ordinances

1. Depending on the nature and contents of a draft ordinance, the Standing Committee of the National Assembly may consider the draft document at one or more than one meeting.

2. The Standing Committee of the National Assembly shall consider and adopt a draft ordinance in the following order:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The representative of the evaluating agency presents the evaluation report;

c/ The representatives of the agencies, organizations and individuals invited to the meeting give their comments;

d/ The members of the Standing Committee of the National Assembly start discussions;

e/ The chairman of the meeting makes the concluding remarks;

f/ The Standing Committee of the National Assembly votes.

The draft ordinance shall be adopted when more than half of the total number of the total members of the Standing Committee of the National Assembly deputies vote for.

3. The Chairman of the National Assembly signs the ordinance.

4. If the draft ordinance is not yet adopted then the Standing Committee of the National Assembly shall give comments on the issues to be further revised and assign the agency, organization or National Assembly deputy submitting the draft document to coordinate with the evaluating agency in making the revision within the time limit decided by the Standing Committee of the National Assembly.

Article 48.- Order for considering and adopting draft resolutions of the Standing Committee of the National Assembly

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Standing Committee of the National Assembly shall consider and adopt a draft resolution in the following order:

a/ The representative of the agency or organization assigned to prepare the draft resolution makes a presentation and reads the full text of the draft document;

b/ The representative of the evaluating agency presents the evaluation report;

c/ The representatives of the agencies, organizations and individuals invited to the meeting give their comments;

d/ The members of the Standing Committee of the National Assembly start discussions;

e/ The chairman of the meeting makes the concluding remarks;

f/ The Standing Committee of the National Assembly votes.

The draft resolution shall be adopted when more than half of the total number of the members of the Standing Committee of the National Assembly deputies vote for.

3. The Chairman of the National Assembly signs the resolution of the Standing Committee of the National Assembly.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If the State President requests the Standing Committee of the National Assembly to revise an ordinance or resolution already adopted by the Standing Committee of the National Assembly as prescribed in Item 7, Article 103 of the 1992 Constitution, the Standing Committee of the National Assembly shall reconsider the issues raised by the State President. If such ordinance or resolution is still voted for the Standing Committee of the National Assembly and the State President still disagrees, the State President shall submit the matter to the National Assembly for decision at the next session.

Section 9. PROMULGATING LEGAL DOCUMENTS OF THE NATIONAL ASSEMBLY AND THE STANDING COMMITTEE OF THE NATIONAL ASSEMBLY

Article 50.- Promulgating laws and resolutions of the National Assembly

The State President shall issue an order to promulgate a law(s) or resolution(s) of the National Assembly, if the promulgation of such resolution(s) is under the jurisdiction of the State President, not later than fifteen days from the date on which the law or resolution is passed.

Article 51.- Promulgating ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly

1. The State President shall issue an order to promulgate an ordinance(s) or a resolution(s) of the Standing Committee of the National Assembly, if the promulgation of such resolution(s) is under the jurisdiction of the State President, not later than fifteen days from the date on which the ordinance or resolution is passed.

2. With regard to an ordinance or resolution which has been already approved by the Standing Committee of the National Assembly but requested by the State President to be revised or submitted to the National Assembly for decision, the time limit for its promulgation shall not be later than ten days from the date of promulgation by the Standing Committee after the revision or from the date of decision by the National Assembly.

Section 10. INTERPRETATION OF LAWS AND ORDINANCES

Article 52.- Competence to interpret laws and ordinances

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The agencies and organizations defined in Article 87 of the 1992 Constitution and the National Assembly deputies have the right to request the Standing Committee of the National Assembly to interpret laws and ordinances. The Standing Committee of the National Assembly shall consider and decide the interpretation.

Article 53.- Drafting and adopting resolutions to interpret laws and ordinances

1. Depending on the nature and contents of the issues to be interpreted, the Standing Committee of the National Assembly shall assign the Government, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the Council on Nationalities or a Commission of the National Assembly to draft a resolution to interpret a law(s) or ordinance(s) and submit it to the Standing Committee of the National Assembly.

2. The Standing Committee of the National Assembly shall consider and adopt a draft resolution to interpret a law(s) or ordinance(s) in the following order:

a/ The representative of the concerned agency, organization or National Assembly deputy(ies) requesting the interpretation invited to the meeting presents their opinions;

b/ The representative of the agency assigned to prepare the draft resolution of interpretation explains and reads its full text;

c/ The representative of the evaluating agency presents an evaluation report on the conformity of the draft resolution of interpretation with the spirit and contents of the interpreted document;

d/ The representative of the agency, organization or individual invited to the meeting give their comments;

e/ The members of the Standing Committee of the National Assembly start discussions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



g/ The Standing Committee of the National Assembly votes.

The draft resolution of interpretation shall be adopted when more than half of the total number of the members of the Standing Committee of the National Assembly vote for.

3. The Chairman of the National Assembly signs the resolution on the interpretation of the law or ordinance.

4. The resolution on the interpretation of the law or resolution shall be published in the Official Gazette and made public over the mass media.

Chapter IV

LEGAL DOCUMENTS OF THE STATE PRESIDENT

Article 54.- Orders and decisions of the State President

The orders and decisions of the State President shall be issued pursuant to the tasks and powers of the State President as prescribed by the Constitution and law.

Article 55.- Drafting orders and decisions

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The agency assigned with the drafting shall organize the study and drafting of the order or decision.

3. Depending on the contents of the draft order or decision, the State President shall decide the solicitation of comments from the concerned agencies, organizations and individuals.

4. The agency assigned with the drafting shall revise the draft order or decision and report the State President on the draft document and the comments of the concerned agencies, organizations and individuals.

5. The State President shall consider and sign the order or decision.

Chapter V

LEGAL DOCUMENTS OF THE GOVERNMENT, THE PRIME MINISTER, THE MINISTRIES, MINISTERIAL-LEVEL AGENCIES AND AGENCIES ATTACHED TO THE GOVERNMENT

Section 1. CONTENTS OF LEGAL DOCUMENTS OF THE GOVERNMENT, THE PRIME MINISTER, THE MINISTERS, THE HEADS OF THE MINISTERIAL -LEVEL AGENCIES AND THE HEADS OF THE AGENCIES ATTACHED TO THE GOVERNMENT

Article 56.- Resolutions and decrees of the Government

1. Resolutions of the Government are issued to decide specific policies on the building and strengthening of the State administrative apparatus from the central to grassroots level, to guide and supervise the People’s Councils in the implementation of documents issued by higher-level agencies; to ensure the observance of the Constitution and law by the State agencies, social organizations, People’s Armed Forces units and citizens; to implement the policies on social affairs, nationalities and religion; to decide specific State budget and monetary policies; to develop culture, education, health, science, technology and environmental protection; to consolidate and enhance defense and security; to manage in a uniform way the State external affairs, measures to protect the citizens’ legitimate rights and interests; measures to combat bureaucratism and corruption in the State apparatus; to ratify the international agreements under the jurisdiction of the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Decrees stipulating in details the implementation of the laws and resolutions of the National Assembly, the ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly; the orders and decisions of the State President; defining the tasks, powers and organizational apparatus of the Ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government and other agencies established under the jurisdiction of the Government; the concrete measures to perform the tasks and exercise the powers of the Government;

b/ Decrees providing for issues which are extremely necessary but which have not gathered enough conditions for the elaboration of laws or ordinances to meet the requirements of the State management and social and economic management. The Standing Committee of the National Assembly shall have to approve the issuance of these decrees.

Article 57.- Decisions and directives of the Prime minister

1. Decisions are issued by the Prime Minister to decide policies and measures to direct and run the operation of the Government and the State administrative system from the central to grassroots level; to stipulate the working regime for the cabinet members, the Presidents of the Peoples Committees of the provinces and the cities directly under the Central Government and other issues under the jurisdiction of the Prime Minister.

2. The directives of the Prime Minister shall define measures to direct and coordinate the activities of the cabinet members; promote and supervise the activities of the Ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government, the Peoples Committees of all levels in the implementation of the State policies and laws and the Government decisions.

Article 58.- Decisions, directives and circulars of the ministers, the Heads of the ministerial-level agencies and the heads of the agencies attached to the Government

1. The decisions of the Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies and the Heads of the agencies attached to the Government shall define the organization and operation of the agencies and establishments directly attached to them; set the criteria, procedures, regulations and economic-technical norms for the branches and fields under their charge; determine the measures to perform the function of managing the branches and fields under their charge and other issues assigned by the Government.

2. The directives of the Ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government shall determine the measures to guide, urge, coordinate and supervise the operations of the agencies and establishments in the branches and fields under their charge in the implementation of the legal documents issued by higher-level State agencies and of their own.

3. Circulars are issued by the Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government to guide the implementation of the provisions within the scope of the management of the branches and fields under their charge, laid down in the laws and resolutions of the National Assembly, the ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly, the orders and decisions of the State President, the resolutions and decrees of the Government, the decisions and directives of the Prime Minister.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 59.- Program on the elaboration of resolutions and decrees

In order to guarantee the enforcement of the laws and resolutions of the National Assembly, the ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly, the orders and decisions of the State President and depending on the State management requirements, the Government shall decide the quarterly, six-monthly and annual programs on the elaboration of resolutions and decrees of the Government at its own initiative and the proposals of Ministries, ministerial-level agencies, agencies attached to the Government, concerned agencies, organizations and individuals.

In case of necessity, the Government shall adjust the program on the elaboration of resolutions and decrees.

Article 60.- Setting up the Committees to draft resolutions and decrees

1. The Government shall decide the agency to assume the main responsibility for drafting a resolution or decree.

The agency assuming the main responsibility for drafting shall set up a Drafting Committee after consulting with the concerned Ministries and branches.

2. With regard to a decree defined in Point b, Item 2, Article 56 of this Law, the Government shall decide the setting up of the Drafting Committee.

Article 61.- Drafting resolutions and decrees

When drafting a resolution or decree, the Drafting Committee shall carry out the following activities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To organize the study and drafting of the draft document;

3. To solicit comments from the concerned agencies, organizations and individuals; synthesize the comments and revise the draft document;

4. To prepare a report together with the draft document and other necessary materials and submit them to the Government.

Article 62.- Giving comments on the elaboration of draft resolutions and decrees

Depending on the nature and contents of a draft resolution or decree, the drafting agency shall send the draft document to the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front, the Vietnam General Confederation of Labor, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, the concerned agencies and organizations, the People’s Councils, the People’s Committees of the provinces and the cities directly attached to the Government (referred to as provincial level) for comments.

Article 63.- Evaluating draft resolutions and decrees

The Ministry of Justice shall evaluate the draft resolutions and decrees before they are submitted to the Government so as to ensure the constitutionality, legality, uniformity and unity of the documents in the legal system.

Not later than twenty days before the Government meets, the drafting committee must send the draft resolution or decree and the related materials to the Ministry of Justice. The Ministry of Justice shall have to prepare an evaluation report and send it to the Government not later than five days before the opening of the Government’s meeting.

Article 64.- Order for considering and adopting draft resolutions and decrees

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. At the Government’s meeting, the representative of the drafting agency makes a presentation on the draft document; the Minister of Justice presents on the evaluation of the draft document; the representatives of the agencies and organizations invited to the meeting give their comments;

3. The cabinet members start discussions;

4. The draft resolution or decree shall be adopted by the Government when more than half of the total number of the cabinet members vote for;

5. The Prime Minister signs the resolution or decree;

6. If the draft resolution or decree is not yet adopted, the Government shall give comments on the issues to be revised and set the time limit for resubmitting the draft document.

Article 65.- Drafting and issuing decisions and directives of the Prime Minister

1. The Prime Minister shall assign and direct a committee to draft a decision or directive.

2. The agency assigned with the drafting shall have to elaborate the draft document.

3. Depending on the nature and contents of the draft decision or directive, the drafting agency shall send it to the cabinet members, the Chairmen of the People’s Councils, the Presidents of the Peoples Committees at provincial level and the concerned agencies, organizations and individuals for comments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The drafting agency shall have to revise the draft document and report the comments made by the concerned agencies, organizations and individuals to the Prime Minister.

6. The Prime Minister shall consider and sign the decision or directive.

Article 66.- Drafting and issuing decisions, directives and circulars of the Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies and the Heads of the agencies attached to the Government

1. The drafting of a decision, directive or circular shall be assigned and directed by the concerned Minister, the Head of a ministerial-level agency or the Head of an agency attached to the Government to an attached unit.

2. The unit assigned with the drafting shall have to study and elaborate the draft document.

3. Depending on the nature and contents of the draft decision, directive or circular, it shall be sent to the concerned Ministries, ministerial-level agencies and agencies attached to the Government, provincial-level People’s Committees, agencies, organizations and individuals for comments.

4. The unit assigned with the drafting shall revise the draft document and submit it with the comments made by the concerned agencies, organizations and individuals to the Minister, the Head of the ministerial-level agency or the Head of the agency attached to the Government

5. The Minister, the Head of the ministerial-level agency or the Head of the agency attached to the Government shall consider and sign the decision, directive or circular.

Chapter VI

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 67.- Resolutions of the Justice Council of the Supreme People’s Court

A resolution is issued by the Justice Council of the Supreme People’s Court to guide the Courts to apply laws in a uniform way and to sum up trial experiences.

Article 68.- Drafting and issuing resolutions of the Justice Council of the Supreme People’s Court

1. The drafting of a resolution of the Justice Council of the Supreme People’s Court shall be organized and directed by the Supreme People’s Court.

2. Depending on the nature and contents of the draft resolution, the President of the Supreme People’s Court shall decide the solicitation of comments from the Supreme People’s Procuracy, the Ministry of Justice, the local People’s Courts, the Military Courts and the concerned agencies, organizations and individuals.

3. A draft resolution shall be discussed at a meeting of the Justice Council of the Supreme People’s Court with the participation of the Chairman of the Supreme People’s Procuracy and the Minister of Justice.

4. A draft resolution shall be adopted when more than half of the total number of the members of the Justice Council of the Supreme People’s Court vote for.

If the Chairman of the Supreme People’s Procuracy and/or the Minister of Justice disagree with the resolution of the Justice Council of the Supreme People’s Court, they shall be entitled to report it to the Standing Committee of the National Assembly for consideration and comments at the next session.

5. The President of the Supreme Peoples Court shall sign the resolution of the Justice Council of the Supreme People’s Court.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The decisions, directives and circulars are issued by the Chairman of the Supreme People’s Procuracy to define the measures to ensure the implementation of the tasks and powers of the People’s Procuracies at all levels; define the other issues under the jurisdiction of the Chairman of the Supreme People’s Procuracy.

Article 70.- Drafting and issuing decisions, directives and circulars of the Chairman of the Supreme People’s Procuracy

1. The Chairman of the Supreme People’s Procuracy shall organize and direct the drafting of a decision, directive or circular.

2. The draft decision, directive or circular of the Chairman of the Supreme People’s Procuracy shall be discussed and commented on by the Supervision Commission of the Supreme People’s Procuracy. Depending on the nature and contents of the draft decision, directive or circular, the Chairman of the Supreme People’s Procuracy shall decide to send it to the Supreme People’s Court, the Ministry of Justice, the local People’s Procuracies, the Military Courts and the concerned agencies, organizations and individuals for comments.

3. The Chairman of the Supreme People’s Procuracy shall sign the decision, directive or circular.

Chapter VII

JOINT LEGAL DOCUMENTS

Article 71.- Joint legal documents of the Ministries, the ministerial-level agencies and the agencies attached to the Government

Inter-agency circulars between Ministries, ministerial-level agencies and agencies attached to the Government are issued to guide the implementation of the laws and resolutions of the National Assembly, ordinances and resolutions of the Standing Committee of the National Assembly, orders and decisions of the State President, resolutions and decrees of the Government and decisions and directive of the Prime Minister related to the functions, tasks and powers of those agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Joint circulars between the Supreme People’s Court and the Supreme People’s Procuracy, Ministry(ies), ministerial-level agency(ies), agency(ies) attached to the Government and the Supreme People’s Court and the Supreme People’s Procuracy are issued to guide the uniform application of law in the procedural activities and other issues related to the tasks and powers of those agencies.

Article 73.- Joint legal documents between competent State agencies and socio-political organizations

Joint resolutions and circulars are issued by a competent State agency(ies) and the central office of a socio-political organization to guide the implementation of issues the State management involving such socio-political organizations as prescribed by law.

Article 74.- Drafting and issuing joint legal documents

1. The concerned State agency(ies) and socio-political organization(s) shall agree to assign an agency or organization with the main responsibility for drafting the document.

2. The agency or organization assigned with the main responsibly for the drafting shall have to organize the drafting of the document and solicit comments from the concerned agencies and organizations.

With regard to a draft circular to be issued jointly by a Ministry(ies), a ministerial-level agency or an agency attached to the Government and the Supreme People’s Court or the Supreme People’s Procuracy, it must be commented on by the members of the Justice Council of the Supreme People’s Court and the members of the Supervision Committee of the Supreme People’s Procuracy.

The agency or organization mainly responsible for the drafting shall have to gather comments and revise the draft document.

3. Both the Head of the agency and the Head of the socio-political organization shall sign the joint resolution or circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



EFFECT OF LEGAL DOCUMENTS AND PRINCIPLES OF APPLICATION OF LEGAL DOCUMENTS

Article 75.- Effective time of legal documents

1. A law or resolution of the National Assembly, an ordinance or resolution of the Standing Committee of the National Assembly shall take effect from the date on which the State President signs an order to promulgate it, unless such document specifies another effective date.

2. A legal document of the State President shall take effect from the date of its publication in the Official Gazette, unless such document specifies another effective date.

3. A legal document of the Government, the Prime Minister, a Minister, a Head of a ministerial-level agency, a Head of an agency attached to the Government, the Justice Council of the Supreme People’s Court, the Chairman of the Supreme People’s Procuracy or a joint legal document shall take effect fifteen days after its signing or later if so specified in such document. With regard to a legal document of the Government for which the Prime Minister stipulates the implementation measures in an emergency state, it may specify an earlier effective date.

Article 76.- Retroactive effect of legal documents

1. Only in extremely necessary cases a legal document may have a retroactive effect.

2. The retroactive effect shall not be allowed to apply in the following cases:

a/ Determining a new legal responsibility for an act done at a time when no legal responsibility for it is prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 77.- Cases where the effect of legal documents is suspended

1. A legal document of which the implementation is suspended shall cease to be effective until there is a decision of a competent State agency deciding that:

a/ The document is not annulled in which case it shall continue to be effective;

b/ The document is annulled in which case its effect shall expire.

2. The time when a document ceases to be effective, continues to be effective or its effect expired has must be clearly specified in the decision to suspend its implementation or in the decision of the competent State agency to handle it.

3. The decision to suspend the implementation of a legal document or the decision of the competent State agency to handle it must be published in the Official Gazette and publicized over the mass media.

Article 78.- Cases where the effect of legal documents cease to be effective

The effect of a legal document shall expire as a whole or in part in the following cases:

1. Upon the expiration of the effective time specified in the document;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. It is annulled by a document of a competent State agency;

4. When the effect of a document expires, the document(s) stipulating in details and guiding the implementation of the document shall also expire except in cases where some part or the whole of such document(s) remains effective because it still conforms to the new legal document(s).

Article 79.- Effect in terms of space and objects of regulation

1. Legal documents of the central State agencies shall be effective on the national scale and apply to all agencies, organizations and citizens of Vietnam, unless otherwise stipulated in the documents.

2. Legal documents of the People’s Councils and the Peoples Committees shall be effective on a local scale.

3. Legal documents shall also have effect over foreign agencies, organizations and people in Vietnam, except otherwise provided for by Vietnamese laws or international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to.

Article 80.- Application of legal documents

1. A legal document shall apply from the time it takes effect. A legal document shall apply to an act(s) happening at the time when such document takes effect.

If the document has a provision on retroactive effect, such provision shall apply.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. If legal documents issued by the same agency on the same issue have different provisions, the latest document shall apply.

4. If a new legal document stipulates no legal responsibility or a slighter legal responsibility for an act happening prior to the date of its effect, the new document shall apply.

Chapter IX

SUPERVISION, EXAMINATION, CONTROL AND HANDLING OF UNLAWFUL DOCUMENTS

Article 81.- The National Assembly supervises and handles illegal documents

1. The National Assembly shall exercise the right of supreme supervision over the legal documents of the competent State agencies defined in Chapter II of this law.

2. At the proposal of the Standing Committee of the National Assembly, the State President, the Council on Nationalities, a Commission of the National Assembly, the Government, the Supreme Peoples Court, the Supreme People’s Procuracy, the Vietnam Fatherland Front and its member organizations or the National Assembly deputies, the National Assembly shall consider and decide the annulment of part or the whole of a law or resolution of the National Assembly which is contrary to the Constitution, consider and decide the annulment of part or the whole of a legal document of the Standing Committee of the National Assembly, the State President, the Government, the Prime Minister, the Supreme People’s Court and the Supreme People’s Procuracy which is contrary to the Constitution, law and resolutions of the National Assembly.

Article 82.- The Standing Committee of the National Assembly supervises and handles illegal documents

1. The Standing Committee of the National Assembly shall exercise the right of supervision over the legal documents of the State agencies within the scope of its tasks and powers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 83.- The Government examines and handles illegal documents

1. the Government shall examine the legal documents of the Ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government, the provincial-level People’s Councils and People’s Committees.

2. The Prime Minister shall consider and decide the annulment or suspension of the implementation of a part or the whole of a legal document(s) of the Ministers, the Heads of the Ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government and the provincial-level People’s Committees which is contrary to the Constitution, laws and legal documents of higher-level State agencies; consider and decide the suspension of the implementation of a part or the whole of a resolution(s) of the provincial-level People’s Councils which is contrary to the Constitution, laws and legal documents of higher-level State agencies, and at the same time proposes the Standing Committee of the National Assembly to annul it.

Article 84.- The Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government shall examine and handle unlawful documents

1. The Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government shall examine the legal documents of the Ministries, the ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government, the provincial-level People’s Councils and People’s Committees regarding the contents related to the branches and fields under their charge.

2. The Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies and the Heads of the agencies attached to the Government managing the branches and fields shall have the right to recommend the Minister, the Head of a ministerial-level agency or the Head of an agency attached to the Government that has issued a legal document contrary to the document(s) concerning the branches and fields under their charge to annul or suspend the implementation of part or the whole of the document; if such recommendation is not accepted, they can submit it to the Prime Minister for decision; to ask the Prime Minister to suspend the implementation of the resolution of a provincial-level People’s Council which is contrary to the legal documents of the National Assembly, the Standing Committee of the National Assembly, the State President, the Government, the Prime Minister or the Ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government regarding the branches and fields under the charge of the Ministries, the ministerial-level agencies and the agencies attached to the Government; suspend the implementation and propose the Prime Minister to annul the decision or directive of a provincial-level People’s Committee which is contrary to the legal documents regarding the branches and fields under their charge; if the provincial-level People’s Committee does not agree with the decision on the implementation suspension, it still has to carry out the decision but shall be entitled to refer the matter to the Prime Minister.

Article 85.- The People’s Procuracies supervise the observance of laws with respect to legal documents

The People’s Procuracies shall, within the scope of their tasks and powers, supervise the observance of laws with regard to the legal documents of the Ministers, the Heads of the ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government, the People’s Councils and the People’s Committees in order to ensure that such documents are not contrary to law.

The Head of a State agency shall have to reply to the protest of the People’s Procuracy within fifteen days from the date of receipt of the protest.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 86.- Funds for the elaboration of legal documents

The funds for the elaboration of legal documents shall be funded by the State budget.

Article 87.- Effect

This Laws takes effect from January 1st, 1997.

The Resolution of August 6, 1988 of the State Council on the Regulation on the Elaboration laws and ordinances shall expire from the date this Law takes effect.

This Law was adopted by the IXth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 10th session on November 12, 1996.

 

THE CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nong Duc Manh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Law No. 52-L/CTN of Novermber 12 ,1996, on the promulgation of legal documents

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.185

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.172.81
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!