THANH TRA CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 675/KH-TTCP
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 03 năm 2013
|
KẾ HOẠCH
THEO
DÕI, KIỂM TRA NẮM TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ NĂM 2013
Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012
của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Quyết định số
2508/QĐ-BTP về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị định số
59/2012/NĐ-CP, Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra
Chính phủ, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế, ban hành Kế
hoạch theo dõi, kiểm tra nắm tình hình thi hành pháp luật năm 2013 như
sau:
1. Mục đích, yêu cầu
Hoạt động theo dõi, kiểm tra, nắm tình hình thi
hành pháp luật của Thanh tra Chính phủ là hoạt động thường xuyên, liên tục, gắn
với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan về thanh tra, khiếu nại, tố
cáo và phòng, chống tham nhũng nhằm đánh giá thực trạng pháp luật và các khó
khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện văn bản pháp luật để lập thời
đôn đốc, hướng dẫn thi hành đúng pháp luật hoặc kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý, nâng cao hiệu quả thi
hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo được Quốc hội ban
hành năm 2011, vì vậy, trong năm 2013, yêu cầu tập trung vào việc kiểm tra, nắm
tình hình việc thực hiện các văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhằm kịp thời
phát hiện, kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp xử lý những khó khăn,
vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, hướng dẫn thi hành luật và tổ chức thực hiện.
2. Nội dung theo dõi, kiểm tra
nắm tình hình thi hành pháp luật năm 2013
Năm 2013, việc nắm tình hình thi hành pháp luật tập
trung chủ yếu vào các nội dung sau:
2.1. Tình hình thực hiện pháp luật khiếu nại, tố
cáo, cụ thể:
a) Việc triển khai, kết quả thực hiện Luật Khiếu nại,
Luật tố cáo
b) Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại,
tố cáo: các hình thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực hiện; kinh
phí dành cho việc tổ chức triển khai tuyên truyền, thực hiện pháp luật,
c) Thực trạng thực hiện các quy định pháp luật về
khiếu nại, tố cáo (các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cụ thể), trong đó tập
trung vào các vấn đề sau đây:
- Đối với pháp luật về khiếu nại:
+ Việc thực hiện các quy định về trình tự khiếu nại;
+ Việc thực hiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của
người khiếu nại, người bị khiếu nại và của luật sư, trợ giúp viên pháp lý;
+ Việc thực hiện quy định về nhiều người khiếu nại
về cùng một nội dung;
+ Việc thực hiện quy định thẩm quyền giải quyết khiếu
nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, về trình tự, thủ tục giải
quyết khiếu nại, quy định về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực
pháp luật;
+ Việc thực hiện quy định về khiếu nại, giải quyết
khiếu nại kỷ luật cán bộ, công chức, về xử lý vi phạm trong hoại động khiếu nại
và giải quyết khiếu nại.
- Đối với pháp luật về tố cáo:
+ Việc thực hiện quy định pháp luật về quyền và
nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố
cáo, người giải quyết tố cáo (lưu ý các quyền giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút
tích và thông tin cá nhân khác của người tố cáo, quyền được yêu cầu cơ quan, tổ
chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông
báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết; được quyền tố
cáo tiếp; được khen thưởng theo quy định của pháp luật);
+ Việc thực hiện thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với
hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm
vụ, công vụ và thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về
quản lý nhà nước trong các lĩnh vực;
+ Việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; xử lý
tình hình nhiều người tố cáo về cùng một nội dung.
+ Về xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố
cáo, việc xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của người giải quyết tố cáo; việc tố
cáo tiếp, giải quyết vụ việc tố cáo tiếp;
+ Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử
lý hành vi vi phạm bị tố cáo;
+ Bảo vệ người tố cáo;
+ Khen thưởng và xử lý vi phạm trong tố cáo và giải
quyết tố cáo;
đ) Kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương
2.2. Việc tổ chức và thực hiện công tác tiếp dân ở
Trung ương và địa phương.
2.3. Tình hình thực hiện và các kiến nghị của bộ,
ngành, địa phương trong các lĩnh vực khác (thanh tra, phòng, chống tham nhũng).
3. Hình thức, địa điểm và thời
gian thực hiện
Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện
dưới 2 hình thức là thu thập thông tin qua báo cáo và hình thức kiểm tra, khảo
sát trực tiếp, cụ thể như sau:
3.1. Hoạt động thu thập thông tin qua báo cáo:
Thanh tra các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo bằng
văn bản tình hình triển khai thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo,
phòng, chống tham nhũng, trong đó tập trung chuyên sâu vào pháp luật khiếu nại,
tố cáo theo những nội dung tại mục 2.1 của Kế hoạch
này. Báo cáo gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 15 tháng 6 năm 2013 để
tổng hợp báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ.
3.2. Hoạt động kiểm tra, khảo sát:
a) Địa điểm kiểm tra, khảo sát:
Thanh tra Chính phủ tổ chức một số Đoàn công tác
theo dõi, kiểm tra nắm tình hình thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại một
số bộ, ngành, địa phương, cụ thể như sau:
- Các bộ, ngành: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ
Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Xây dựng.
Các địa phương:
+ Miền Bắc: Hải Phòng, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái.
+ Miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đăk Lăk, Gia
Lai.
+ Miền Nam: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hậu
Giang, An Giang
b) Thời gian dự kiến: tháng 7, 8 năm 2013.
c) Hình thức kiểm tra, khảo sát:
- Đối với các bộ, ngành, Đoàn công tác của Thanh
tra Chính phủ làm việc trực tiếp với đại diện lãnh đạo Bộ, đại diện Thanh tra bộ,
đại diện các Tổng cục, Cục có liên quan.
- Đối với các địa phương, Đoàn công tác của Thanh
tra Chính phủ làm việc trực tiếp với đại
diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đại diện Thanh tra cấp tỉnh và một số
sở ban, ngành có liên quan.
4. Tổ chức thực hiện
- Vụ Pháp chế tham mưu với Lãnh đạo Thanh tra Chính
phủ có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình triển khai
thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo; xây dựng kế hoạch cụ thể về hoạt động kiểm tra, khảo sát thực tế; xây dựng
Dự toán kinh phí thực hiện hoạt động theo dõi thi hành pháp luật năm 2013; chủ
trì tổ chức Đoàn công tác kiểm tra, theo dõi nắm tình hình thi hành pháp luật về
khiếu nại, tố cáo tại các bộ, ngành, địa phương; chủ trì xây dựng, tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra, theo dõi thi
hành pháp luật khiếu nại, tố cáo trình Tổng Thanh tra Chính phủ, báo cáo Bộ Tư
pháp và Thủ tướng Chính phủ.
- Đoàn công tác do Vụ Pháp chế chủ trì tổ chức, gồm
cán bộ Vụ Pháp chế, các Cục giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra khu vực
(Cục I, Cục II, Cục III). Đoàn công tác có trách nhiệm nắm tình hình thực hiện
pháp luật về khiếu nại, tố cáo và những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện
pháp luật, kiến nghị của các bộ, ngành địa phương để báo cáo Tổng Thanh tra
Chính phủ.
- Cục I, Cục II, Cục III có trách nhiệm cử cán bộ
tham gia Đoàn công tác theo dõi, nắm tình hình thi hành pháp luật tại địa bàn
do đơn vị phụ trách.
- Kinh phí thực hiện hoạt động theo dõi thi hành
pháp luật được đảm bảo bởi nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài trợ khác (nếu
có). Văn phòng có trách nhiệm đảm bảo việc tạm ứng, quyết toán kinh phí hoạt động,
điều kiện, phương tiện đi lại cho cán bộ trong Đoàn công tác phục vụ việc kiểm
tra, theo dõi nắm tình hình thi hành pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương
theo Kế hoạch này./.
Nơi nhận:
- Tổng Thanh tra CP (để b/c);
- Các Phó Tổng Thanh tra CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc
TW;
- Các Bộ, ngành; Thanh tra Bộ;
- Cục I, Cục II, Cục III;
- Lưu: VP, PC.
|
KT. TỔNG THANH
TRA
PHÓ TỔNG THANH TRA
Nguyễn Văn Thanh
|