BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4711/KH-BTTTT
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV
VÀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG
KẾ HOẠCH
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại
biểu Hội đồng nhân dân năm 2015;
Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của
Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026;
Nghị quyết số 118/2020/QH14 ngày
19/6/2020 của Quốc hội về thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia;
Nghị quyết số 05/NQ-HĐBCQG ngày
16/9/2020 của Hội đồng bầu cử quốc gia phân công thành viên Hội đồng bầu cử quốc
gia;
Văn bản số 06/NQ-HĐBCQG ngày
16/9/2020 của Hội đồng bầu cử quốc gia phân công soạn thảo và ban hành văn bản;
Để triển khai công tác thông tin,
tuyên truyền về cuộc bầu cử trong cả nước đúng pháp luật, đúng tiến độ, đạt hiệu
quả cao, đồng thời tạo bầu không khí sôi nổi và phấn khởi chào mừng cuộc bầu cử,
Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Kế hoạch thông tin, tuyên truyền cho cuộc
bầu cử như sau:
II. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV
và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành vào
ngày 23/5/2021 (Chủ nhật). Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm
lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện
vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh
công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều
khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tình
hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến
lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền
lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới. Các thế lực
thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và
nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức
phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận
lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền
vững.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa
XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao, việc xây
dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại
biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ
2021 - 2026 để nhân dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, tích cực
ủng hộ, nêu cao tinh thần làm chủ, trách nhiệm công dân, tự giác tham gia bầu cử
để lựa chọn, bầu những người tiêu biểu, có đủ các yêu cầu về phẩm chất, năng lực,
uy tín tham gia Quốc hội, HĐND các cấp, đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng
và quyền làm chủ của nhân dân; tạo không khí tin tưởng, phấn khởi trong nhân
dân, động viên quần chúng nhân dân nêu cao ý thức, thái độ tích cực trong việc
tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân,
vì nhân dân, làm cho ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.
III. NỘI DUNG
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN
1. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng
trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về vị trí, vai trò, chức năng của Quốc hội,
Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; phân tích, làm rõ bản chất Nhà nước ta
là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền dân chủ của nhân dân trong việc
xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng; tuyên truyền về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo Hiến pháp
2013, Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương; những đóng
góp của Quốc hội Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước;
tuyên truyền về vai trò, vị trí của Quốc hội khoá XV trong việc thực hiện thắng
lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong công cuộc
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình hội nhập quốc tế
trong thời kỳ đổi mới.
2. Tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan
trọng của cuộc bầu cử trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; các quy định của
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; về vị
trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của
công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động
hiệu lực, hiệu quả
3. Thông tin về công tác chuẩn bị
nhân sự, các bước hiệp thương giới thiệu các ứng cử viên và các hoạt động gặp gỡ,
tiếp xúc cử tri của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại
biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng luật.
4. Tuyên truyền để mọi cử tri tự
giác, tích cực, chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ danh sách người ứng cử
để lựa chọn, bầu những đại biểu có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khoá XV
và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026;
5. Thông tin, tuyên truyền đối ngoại
về bầu cử, giới thiệu với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với nhân dân
các nước trên thế giới biết được thể thức và không khí dân chủ, minh bạch, đúng
pháp luật trong quá trình bầu cử; chủ động đấu tranh phản bác những thông tin,
luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực phản động, thù địch.
6. Thông tin về công tác chuẩn bị cơ
sở vật chất, kỹ thuật, đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện để cử tri bỏ phiếu
thuận lợi.
7. Tuyên truyền đấu tranh, phản bác
các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng bầu cử để
gây mất đoàn kết trong Đảng, chia rẽ đại đoàn kết dân tộc và chống những hành
vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân.
8. Tuyên truyền về kết quả bầu cử và trách
nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các đại biểu trong nhiệm kỳ
2021 - 2026.
IV. THỜI GIAN VÀ
TIẾN ĐỘ THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN
1. Đọt 1 (từ 15/01/20201 đến
15/3/2021):
- Các cơ quan báo chí trung ương, địa
phương và hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu
Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, các văn bản, quy định pháp luật liên quan với
các hình thức sáng tạo, phong phú, phù hợp với mỗi địa phương, vùng miền.
- Tổ chức tập huấn và cung cấp thông
tin cho phóng viên biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí và đội ngũ cán bộ
làm công tác thông tin cơ sở của các địa phương về bầu cử.
- Kiểm tra một số địa phương về tình
hình triển khai kế hoạch, nội dung công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu
cử.
2. Đợt 2 (từ 16/3/2021 đến
23/5/2021):
- Tăng cường công tác thông tin,
tuyên truyền về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu HĐND; quyền
nghĩa vụ của người ứng cử; quyền và nghĩa vụ của cử tri; các quy định về trình
tự bầu cử và thể thức bầu cử; thông tin tư liệu tổng hợp các số liệu về các kỳ
bầu cử đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa XIV.
- Đôn đốc, kiểm tra công tác thông
tin, tuyên truyền bầu cử.
- 15 ngày trước ngày bầu cử
(23/5/2021), tập trung tuyên truyền với tần suất cao nhất. Cao điểm ngày bầu cử
23/5/2021 với nội dung chính như: Thông tin về không khí bầu cử, diễn biến, tiến
độ, kết quả bầu cử ở các địa phương, dư luận trong nước và quốc tế.
- Các doanh nghiệp viễn thông di động
thực hiện việc nhắn tin tới các thuê bao điện thoại di động trên toàn quốc về
việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp
nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 23/5/2021.
3. Đợt 3 (từ 24/5/2021 đến
10/6/2021)
- Tập trung thông tin, tuyên truyền về
kết quả bầu cử; trách nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các đại
biểu trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
- Tổ chức họp báo tại địa phương về kết
quả cuộc bầu cử.
- Tổ chức hội nghị tổng kết công tác
thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử. Xây dựng báo cáo tổng kết về công tác
thông tin, tuyên truyền bầu cử.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Thông tin và Truyền thông
- Thông tin về cuộc bầu cử tại các cuộc
họp giao ban báo chí hàng tuần hoặc đột xuất; đổi mới cách thức tuyên truyền,
tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác thông tin,
tuyên truyền; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực.
- Thành lập đoàn công tác kiểm tra một
số địa phương, cơ quan báo chí về công tác thông tin, tuyên truyền.
- Cử cán bộ tham gia Tổ giúp việc Văn
phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; tham gia quản lý, vận hành trang thông tin điện
tử và Trung tâm báo chí bầu cử.
- Tổ chức tập huấn, cung cấp thông
tin cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí và đội ngũ cán bộ
làm công tác thông tin cơ sở của các địa phương về bầu cử.
- Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông
di động hỗ trợ nhắn tin tuyên truyền tới các thuê bao điện thoại di động trên
toàn quốc nhằm vận động cử tri cả nước đi bầu cử.
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cập
nhật, thông báo với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia về tiến độ triển khai
các hoạt động thông tin, tuyên truyền và dư luận báo chí trong, ngoài nước về
cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo từng đợt
thông tin, tuyên truyền.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan
và tổ chức thực hiện Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử và các nhiệm
vụ khác được phân công.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Xây dựng kế hoạch tổ chức và chỉ đạo
các cơ quan báo chí địa phương, Phòng Văn hóa - Thông tin, hệ thống đài Truyền
thanh - Truyền hình cấp huyện triển khai các hoạt động tuyên truyền hiệu quả,
phù hợp với từng nhóm người, văn hóa vùng, miền, địa phương; tăng cường thông
tin, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã, trên các trạm tin, bảng
tin, cụm pano cổ động của địa phương.
- Báo cáo kết quả thông tin, tuyên
truyền về bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại địa
phương gửi Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 15/6/2021 (qua Cục Báo chí)
để tổng hợp báo cáo.
3. Các cơ quan báo chí và hệ thống
thông tin cơ sở
a) Các cơ quan báo chí:
- Triển khai thực hiện công tác thông
tin, tuyên truyền theo đúng kế hoạch đã ban hành; tận dụng tối đa ưu thế công
nghệ thông tin trong công tác truyền thông. Sử dụng đa dạng các hình thức, thể
loại báo chí (phỏng vấn, tọa đàm, phóng sự, ...) để thông tin toàn diện các vấn
đề, nội dung liên quan, trong đó tập trung giới thiệu về một số nội dung, như:
Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; hoạt động gặp gỡ,
tiếp xúc cử tri đảm bảo tính dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật; danh sách các ứng
cử viên và tiểu sử của người ứng cử; ý kiến cử tri, người ứng cử; thông cáo báo
chí về diễn biến, kết quả bầu cử...
- Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền
hình Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và các Đài
Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Xây dựng các
chuyên trang, chuyên mục, chương trình để thông tin, tuyên truyền các nội dung
liên quan; chủ động sắp xếp, bố trí thời gian, thời lượng, tần suất phát sóng
phù hợp từng giai đoạn, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền.
- Các báo điện tử, báo in, tạp chí
in, tạp chí điện tử: Xây dựng và duy trì thường xuyên các chuyên trang, chuyên
mục; xuất bản các chuyên đề tuyên truyền; xuất bản phụ trương, đặc san về cuộc
bầu cử.
- Tuân thủ yêu cầu và nội dung tuyên
truyền, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của các cơ quan chỉ đạo, định hướng,
cung cấp thông tin;
- Các cơ quan báo chí ở trung ương có
trách nhiệm đưa tin về quá trình tổ chức công tác bầu cử, tình hình vận động bầu
cử trong phạm vi cả nước;
- Các cơ quan báo chí của địa phương
có trách nhiệm đưa tin về hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn của những
người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và việc
vận động bầu cử ở địa phương.
- Các cơ quan báo chí đối ngoại tăng
cường các bài viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tuyên truyền, giới thiệu về bầu
cử.
b) Hệ thống thông tin cơ sở: Tổ chức
biên tập lại nội dung thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phù hợp
với từng vùng miền, địa phương mình; đăng, phát nội dung thông tin, tuyên truyền
cuộc bầu cử qua hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn vào thời điểm
thích hợp...; tuyên truyền thông qua hình thức cổ động trực quan.
4. Các doanh nghiệp viễn thông:
- Hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông
trong việc nhắn tin tuyên truyền tới các thuê bao điện thoại di động để vận động
cử tri cả nước đi bầu cử.
- Tăng cường đảm bảo thông suốt mạng
viễn thông công cộng phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, phóng
viên, báo chí trong thời gian bầu cử.
VI. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Kinh phí triển khai các hoạt động
thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ
Thông tin và Truyền thông gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính tổng hợp và cấp năm 2021.
2. Kinh phí triển khai hoạt động
thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử tại các địa phương được lấy từ nguồn ngân
sách địa phương.
3. Các cơ quan báo chí được lấy từ
nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan mình.
Trên đây là Kế hoạch thông tin, tuyên
truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân
dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, yêu cầu tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu
cử cần được triển khai liên tục với những hình thức sinh động, phong phú, kịp
thời, thiết thực, không phô trương, lãng phí; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực,
lãng phí việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong công tác thông tin, tuyên
truyền./.
Nơi nhận:
- Hội đồng bầu cử quốc
gia (để b/c);
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo;
- Các đ/c trong Tiểu ban VBPL và TTTT;
- Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia;
- Các cơ quan báo chí;
- Vụ KHTC;
- Các Cục: BC; PTTH&TTĐT; TTĐN; TTCS; VT.
- Sở TT&TT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT; Cục BC (02), TM (280)
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Vĩnh Bảo
|