TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 28/KH–TLĐ
|
Hà Nội, ngày 25
tháng 3 năm 2014
|
KẾ HOẠCH
TỔ
CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28 tháng
11 năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Căn cứ Chỉ thị số 32 – CT/TW ngày 03 tháng 01 năm
2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Nghị quyết số
64/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc Hội; Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày
02/01/2014 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/02/2014
của Thủ tướng Chính phủ về triển khai tuyên truyền, thi hành Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Kế hoạch
tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp trong hệ thống Công đoàn như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp
đến công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên công đoàn để người lao động hiểu
được ý nghĩ, vai trò và tầm quan trọng của Hiến pháp đối với sự phát triển của
đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, từ đó nâng cao ý thức tôn trọng và chấp
hành Hiến pháp, pháp luật;
- Rà soát kịp thời toàn diện hệ thống văn bản pháp
luật liên quan đến chế độ chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của
người lao động, đặc biệt là Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam, làm
rõ những nội dung phù hợp, nội dung không phù hợp Hiến pháp, kiến nghị với Quốc
hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
- Xác định cụ thể các nội dung công việc và trách
nhiệm của các cấp công đoàn trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo
đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, coi đây là đợt sinh hoạt
chính trị sâu rộng trong CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THI HÀNH
HIẾN PHÁP
1. Tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp
- Tổ chức phổ biến Hiến pháp cho đội ngũ báo cáo
viên công đoàn tại các hội nghị chuyên đề về nội dung, ý nghĩa và những điểm mới
của Hiến pháp, chú trọng Điều 10, 101, 116 trong Hiến pháp nước CNXHCN Việt Nam
khẳng định vị trí, vai trò, chức năng của Công đoàn Việt Nam và người đứng đầu
tổ chức công đoàn.
- Tuyên truyền cho người lao động hiểu biết về các
nội dung quy định trong Hiến pháp có liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân; quyền,
nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động; làm cho người lao động hiểu biết
sâu sắc về vai trò của công đoàn đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí trong hệ thống công
đoàn đăng tải toàn văn nội dung Hiến pháp; đi sâu phân tích những điểm mới
trong Điều 10 Hiến pháp; phản ánh mọi hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp
trong các cấp công đoàn.
2. Tổ chức rà soát toàn diện hệ
thống văn bản pháp luật liên quan đến chế độ chính sách, quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt là Luật Công đoàn và Điều
lệ Công đoàn Việt Nam, làm rõ những nội dung phù hợp, nội dung không phù hợp Hiến
pháp, kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp.
3. Tổ chức giảng dạy Hiến pháp
cho sinh viên của Trường Đại học Công đoàn Việt Nam và Đại học Tôn Đức Thắng.
4. Tổ chức nghiên cứu những vấn
đề lý luận và thực tiễn, nhằm cụ thể hóa những vấn đề mới của Ðiều 10 Hiến
pháp:
Làm rõ nguyên tắc tự nguyện và cụ thể hóa nguyên tắc
tự nguyện trong việc thành lập công đoàn cơ sở và các cấp công đoàn; Chức năng
đại diện cho người lao động, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính
đáng của người lao động, nhất là đại diện cho người lao động trước các vụ tranh
chấp, trước pháp luật và nhất là trước tòa án; Vai trò, trách nhiệm công đoàn
tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức,
đơn vị và doanh nghiệp về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người
lao động; Cụ thể hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn về việc công đoàn vận động
người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng sự phát
triển kinh tế - xã hội đất nước.
5. Vận động công nhân, viên chức,
lao động và đoàn viên công đoàn tham gia cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến
pháp nước CNXHCN Việt Nam” theo Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ
tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam:
1.1. Ban hành Kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo của Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam do đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn làm Trưởng ban
để chỉ đạo việc triển khai thi hành Hiến pháp.
1.2. Giao Ban Tuyên giáo thực hiện các nhiệm vụ
sau:
+ Xây dựng Hướng dẫn nội dung tuyên truyền thực hiện
Hiến pháp trong hệ thống công đoàn các cấp theo Hướng dẫn số 102-HD/BTGTW ngày
17/1/2014 của Ban Tuyên giáo Trung ương; Kế hoạch số 450/KH-MTTW-BTT , ngày
25/02/2014 của Ban Thường trực- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
+ Phối hợp với Ban Chính sách pháp luật và các ban
có liên quan tổ chức tuyên truyền Hiến pháp 2013 tại các Hội nghị tập huấn báo
cáo viên của Tổng Liên đoàn.
1.3. Giao Ban Chính sách pháp luật rà soát toàn diện
hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chế độ chính sách, quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt là Luật Công đoàn và Điều lệ Công
đoàn Việt Nam, làm rõ những nội dung phù hợp, nội dung không phù hợp Hiến pháp,
kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp.
1.4. Giao các cơ quan báo chí trong hệ thống Công
đoàn mở chuyên trang, chuyên mục đăng tải nội dung Hiến pháp; đi sâu phân tích
những điểm mới của Điều 10 Hiến pháp; phản ánh kịp thời hoạt động tuyên truyền
Hiến pháp của các cấp công đoàn.
1.5. Giao Trường Đại học Công đoàn Việt Nam và Đại
học Tôn Đức Thắng lập kế hoạch giảng dạy Hiến pháp cho sinh viên.
1.6. Giao Viện Công nhân và công đoàn nghiên cứu lý
luận và thực tiễn nhằm cụ thể hóa những vấn đề mới của Ðiều 10 Hiến pháp.
1.7. Các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn theo
chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế, tổ chức phổ biến Hiến pháp tới CNVCLĐ
và đoàn viên công đoàn lồng ghép với các hoạt động chuyên đề.
2. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố,
Công đoàn ngành Trung ương và tương đương:
2.1. Xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Hiến
pháp trong công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên công đoàn.
2.2. Tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn chủ chốt
về nội dung, ý nghĩa và những điểm mới của Hiến pháp, chú trọng Điều 10, 101, 116
trong Hiến pháp nước CNXHCN Việt Nam khẳng định vị trí, vai trò, chức năng của
Công đoàn Việt Nam và người đứng đầu tổ chức công đoàn.
2.3. Tổ chức tuyên truyền Hiến pháp trên tạp chí,
trang thông tin điện tử của LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và
tương đương; đi sâu phân tích những điểm mới của Điều 10 Hiến pháp; phản ánh kịp
thời hoạt động tuyên truyền Hiến pháp của các cấp công đoàn.
2.4. Tổ chức phổ biến Hiến pháp tới công nhân lao động,
chú trọng các nội dung có liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân; quyền,
nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động; vai trò của công đoàn đại diện cho
người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Có thể phổ biến Hiến pháp lồng ghép với hoạt động
“Tháng Công nhân”, “Ngày pháp luật”, phổ biến Bộ luật Lao động, luật Công đoàn,
luật Bảo hiểm Xã hội, luật Bảo hiểm Y tế.
2.5. Vận động công nhân, viên chức, lao động và
đoàn viên công đoàn tích cực tham gia cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước
CHXHCN Việt Nam” theo Kế hoạch của Chính phủ.
3. Công đoàn cấp trên cơ sở
và công đoàn cơ sở:
3.1. Tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động
dành thời gian cho công nhân lao động tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật.
3.2. Tổ chức phổ biến Hiến pháp tới công nhân lao động
qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ, tài liệu, bảng tin, qua hoạt động của tổ
công nhân tự quản khu nhà trọ, tổ tư vấn pháp luật. Bổ sung tài liệu tuyên truyền
Hiến pháp vào Tủ sách, giỏ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và
khu nhà trọ công nhân.
3.3. Nâng cao vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của công đoàn cơ sở; tăng cường vai
trò, trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong việc tham gia kiểm tra, thanh tra,
giám sát hoạt động của doanh nghiệp về những vấn đề có liên quan đến quyền,
nghĩa vụ của người lao động; tích cực vận động công nhân lao động học tập nâng
cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
3.4. Vận động công nhân lao động tham gia cuộc thi viết
“Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” theo Kế hoạch của Chính phủ.
4. Kinh phí cho việc
triển khai thi hành Hiến pháp được tính vào chi phí hoạt động thường xuyên từ
nguồn kinh phí công đoàn.
Trên đây là Kế hoạch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam triển khai thi hành Hiến pháp; đề nghị các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn
ngành Trung ương và tương đương có kế hoạch triển khai thực hiện Hiến pháp tới
công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên và các cấp công đoàn; định kỳ hàng
quý báo cáo kết quả về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (qua Ban Tuyên giáo hoặc
thư điện tử: [email protected]).
Nơi nhận:
- Các đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố;
- Các Công đoàn ngành TW và tương đương; (Báo cáo)
- Thường trực ĐCT; (Báo cáo)
- Ban Tuyên giáo TW; (Báo cáo)
- Ban Dân vận TW;
- UBTW MTTQVN
- Bộ Tư pháp;
- Lưu: TG, VP.
|
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Trần Thanh Hải
|