ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2610/KH-UBND
|
Gia Lai, ngày 06
tháng 11 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHỈ THỊ SỐ 35/CT-TTG, NGÀY 17/9/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ XỬ LÝ CÁN
BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CHIẾN SỸ TRONG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VI PHẠM QUY ĐỊNH
VỀ ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG MÀ TRONG MÁU HOẶC HƠI THỞ CÓ NỒNG ĐỘ CỒN;
KHÔNG HỢP TÁC VỚI LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG TRONG XỬ LÝ VI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA
LAI
Thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính
phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang
vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở
có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm (sau
đây viết gọn là Chỉ thị số 35/CT-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai xây dựng
Kế hoạch tổ chức thực hiện, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ đến toàn
thể cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang
(sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức) nhằm nâng cao ý thức chấp
hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), xây dựng văn hóa giao
thông.
2. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu,
đi đầu của cán bộ, công chức, viên chức trong chấp hành chủ trương, đường lối,
quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, pháp luật về
giao thông nói riêng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền,
thủ trưởng cơ quan và đơn vị trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
3. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số
35/CT-TTg phải gắn liền với việc triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số
23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới và Chỉ thị
số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
II. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH
NHIỆM
1. Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Phải xác định việc phát huy vai trò tiên phong,
gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa
rất quan trọng để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là
pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội.
- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số
35/CT-TTg, yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành
các quy định của pháp luật về TTATGT và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức,
viên chức vi phạm nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử
lý vi phạm.
- Khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc
cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp
tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ
quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định
riêng của cơ quan, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định;
việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính
xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu
giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm và định kỳ hàng năm
(trước ngày 15 tháng 10) trao đổi kết quả xử lý kỷ luật với cơ quan gửi thông
báo vi phạm để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu
cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người
vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi
công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời đối với cán bộ, công chức,
viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Ban An toàn giao thông tỉnh:
Đề nghị các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh tăng cường công tác
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT với nhiều nội dung, hình thức
đa dạng, phong phú, phù hợp với từng vùng miền, đối tượng, kết hợp tuyên truyền,
vận động Nhân dân trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm về
TTATGT cho lực lượng chức năng để xử lý theo quy định.
3. Công an tỉnh:
- Chỉ đạo các đơn vị, Công an các địa phương trong
quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân
thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”,
không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm pháp luật về TTATGT, nhất là vi phạm về nồng độ cồn;
không chấp hành, không hợp tác với lực lượng Cảnh sát giao thông trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ.
- Quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông
đường bộ phải tiến hành xác minh, nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên
chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với
lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm phải thông báo về cơ quan, đơn vị quản
lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
- Đối với các trường hợp điều khiển phương tiện vi
phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn gây tai nạn giao thông, có hành vi chống
đối, gây rối trật tự công cộng, cản trở hoạt động thực thi nhiệm vụ của các lực
lượng chức năng, phải khẩn trương củng cố hồ sơ, điều tra, phối hợp với các cơ
quan Viện kiểm sát, Tòa án xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
4. Sở Nội vụ: Tổ chức
thông tin tuyên truyền, phổ biến, theo dõi tình hình cán bộ, công chức, viên chức
vi phạm nồng độ cồn. Căn cứ quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật hành chính,
hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương xử lý nghiêm minh các trường
hợp vi phạm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định; đồng thời,
tham mưu, đề xuất biểu dương, khen thưởng các cán bộ, công chức, viên chức điển
hình, có thành tích xuất sắc trong công tác góp phần bảo đảm TTATGT.
5. Sở Thông tin và Truyền
thông: Hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, hệ thống thông
tin cơ sở thông tin, tuyên truyền công tác giám sát, phát hiện, phê phán các
hành vi vi phạm pháp luật giao thông của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là
việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
6. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh
- Truyền hình tỉnh: Ưu tiên các chuyên mục, khung giờ tuyên truyền về
an toàn giao thông có nhiều người theo dõi; tích cực tham gia phát hiện, góp ý,
phê phán đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về TTATGT, nhất
là vi phạm về nồng độ cồn.
7. UBND các huyện, thị xã,
thành phố: Chỉ đạo có văn bản cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp triển
khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 35/CT-TTg phù hợp với đặc điểm tình hình,
yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương. Trong đó, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc một số
công tác trọng tâm sau:
- Chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức đoàn thể, đơn vị
sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức quán triệt,
thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong
công tác bảo đảm TTATGT; tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối, quy định
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vinh dự, trách nhiệm và yêu cầu về
tiên phong, gương mẫu trong chấp hành pháp luật về giao thông; đồng thời, vận động
bạn bè, người thân chấp hành và không lợi dụng uy tín, vị trí công tác để can
thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông của các lực lượng chức năng, nhất là vi
phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám
sát, gồm cả giám sát từ Nhân dân về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tham
gia giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành
chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang.
8. Đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,
Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tổ chức quán triệt cán bộ, chiến sỹ chấp hành
nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông, không điều khiển phương tiện
tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; chấp hành việc kiểm tra, xử
lý của các lực lượng chức năng khi tham gia giao thông; kiểm điểm, xử lý nghiêm
các trường hợp quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng vi phạm
nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm về
TTATGT; phối hợp với lực lượng Công an trong điều tra, xử lý các vụ tai nạn
giao thông liên quan đến nồng độ cồn do người và phương tiện của Quân đội quản
lý gây ra.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Tăng cường
tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực, tự giác, gương mẫu
trong chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT và có hình thức xử lý kỷ
luật nghiêm đối với cán bộ, đoàn viên, hội viên vi phạm nồng độ cồn khi tham
gia giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm về
giao thông đường bộ; tăng cường giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
và các đoàn thể, giám sát của Nhân dân đối với việc chấp hành pháp luật khi
tham gia giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức.
10. Đề nghị Tòa án nhân dân,
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, huyện: Phối hợp với Cơ quan điều tra
Công an cấp tỉnh, huyện xử lý nghiêm đối với các vụ án tai nạn giao thông có
liên quan đến nồng độ cồn, gây rối trật tự công cộng, cản trở hoạt động thực
thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng; tổ chức xét xử công khai, lưu động,
tuyên truyền, giáo dục chung.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ
quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố và thủ trưởng các đơn vị, tổ chức liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ,
lĩnh vực phụ trách, địa bàn quản lý và nội dung Kế hoạch này để xây dựng văn bản
triển khai thực hiện nghiêm túc.
Định kỳ hàng năm trước ngày 15/10, các sở,
ban, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh
Gia Lai, số 267A đường Trần Phú, phường Diên Hồng, thành phố Pleiku) để tổng
hợp. Quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, khó khăn, các
đơn vị, địa phương phản ánh, đề xuất UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để xem
xét, xử lý.
2. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo việc
triển khai thực hiện Kế hoạch này.
3. Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được
trích từ nguồn kinh phí bảo đảm TTATGT hằng năm và các nguồn kinh phí hợp pháp
khác theo quy định./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Ủy ban ATGT Quốc gia (b/c);
- Bộ Công an (b/c);
- TTr. Tỉnh ủy, TTr. HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh;
- Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh;
- Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Gia Lai, Đài PT-TH Gia Lai;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Văn phòng Ban ATGT tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Rah Lan Chung
|