ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 211/KH-UBND
|
Hà Giang, ngày 24
tháng 7 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, KIỂM SOÁT XUNG ĐỘT LỢI ÍCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
NĂM 2023
Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và
các văn bản hướng dẫn thi hành; UBND tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch kiểm soát
quyền lực, kiểm soát xung đột lợi ích trên địa bàn tỉnh năm 2023 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tiếp tục thể chế hóa nội dung Nghị quyết Trung
ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày
25/10/2021 của BCH Trung ương về những vấn đề trong kiểm soát quyền lực, kiểm
soát xung đột lợi ích nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,
TC). Đồng thời, đảm bảo việc kiểm soát quyền lực các bên trong mỗi cơ quan và
giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính
quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền, “mọi quyền
lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách
nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm
càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý;
kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà
nước và cán bộ, công chức, viên chức” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày
09/11/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả
hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, góp phần xây dựng hệ thống
chính trị trong sạch, vững mạnh.
- Thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của
Đảng về PCTN, TC, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo
Trung ương về PCTN, TC, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về PCTN,
TC như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của
BCH Trung ương về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
trong công tác cán bộ; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ
án tham nhũng; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu
tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 02/6/2021
của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công
tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham
nhũng, kinh tế; Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác
điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc và các văn bản hướng dẫn; Chỉ thị số
10-CT/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn
có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp
trong giải quyết công việc...
- Tuyên truyền để cán bộ, công chức, người có thẩm
quyền hiểu và nhận thức đầy đủ về những hậu quả, tác hại khi xảy ra xung đột lợi
ích; tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan phòng, chống tham
nhũng và kiểm soát xung đột lợi ích; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kiểm
soát xung đột lợi ích khi thi hành công vụ; phát huy vai trò của toàn xã hội
trong phát hiện, kiểm soát xung đột lợi ích của cán bộ thực hiện chức trách,
nhiệm vụ.
2. Yêu cầu
Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và
các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của
ngành, lĩnh vực, xây dựng kế hoạch đề ra các giải pháp cụ thể trong công tác
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị gương mẫu chấp
hành và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật
về PCTN, TC; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện
các hành vi, vi phạm mới phát sinh để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Đẩy mạnh công
tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của
pháp luật về PCTN, TC, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Chính phủ,
bộ, ngành, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh,
UBND tỉnh về công tác PCTN, tiêu cực. Rà soát, đề xuất bổ sung những tồn tại, hạn
chế trong quy định pháp luật liên quan vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích, trong
đó hạn chế lợi ích cá nhân đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung khi
thi hành công vụ.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập; Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước
thuộc tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
1. Về kiểm soát quyền lực
1.1. Tiếp tục rà soát, phát hiện những hạn chế bất
cập trong những quy định của pháp luật trên tất cả các lĩnh vực để có những bước
điều chỉnh kịp thời
Trên cơ sở quy định của pháp luật, đề nghị các cơ
quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, phát hiện những hạn chế bất cập
trong hệ thống các thiết chế; tham mưu UBND tỉnh ban hành mới, sửa đổi, bổ sung
hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thể chế hóa kịp
thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, sự đồng bộ giữa văn bản của Đảng
và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; góp phần hạn chế,
loại bỏ, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ, công chức
nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các hành vi tiêu cực khác;
phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã
hội.
1.2. Phát huy vai trò của người đứng đầu gắn với kiểm
soát quyền lực
- Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị quán triệt
và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham
nhũng ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực, dám
nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu
với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung ...thực hiện đúng chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tham mưu có chất lượng và đúng thời hạn được giao.
- Chủ động kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý kịp
thời các trường hợp có dấu hiệu nguy cơ về xung đột lợi ích theo quy định tại
Điều 23 của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP , Nghị định
134/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
- Cần thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung quy chế
làm việc của cơ quan, đơn vị, địa phương mình cho phù hợp với tình hình và tổ
chức thực hiện nghiêm túc. Trong đó chú ý phân định rõ ràng, cụ thể thẩm quyền,
trách nhiệm, mối quan hệ công tác của tập thể, cá nhân, nhất là thẩm quyền,
trách nhiệm của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, tổ chức đảng để kiểm soát chặt
chẽ việc thực thi quyền lực của người đứng đầu, trong công tác cán bộ, quyết định
phân bổ nguồn lực...Đồng thời, trong mỗi cơ quan, tổ chức, cần tăng cường công
tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của cán bộ, công chức, viên chức gắn với tăng cường vai trò giám sát
của nhân dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị - xã hội trong phát huy
vai trò và kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.
- Đẩy mạnh, tập trung kiểm soát quyền lực và PCTN,
TC trong công tác cán bộ theo Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của BCH
Trung ương, trong đó kịp thời nhận diện các biểu hiện, hình thức của hành vi
tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ,
quyền hạn; hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi tiêu cực khác); không bố
trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh, chức vụ bị cấm.
1.3. Tăng cường công khai, minh bạch trong tổ chức,
hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương qua đó tạo mọi điều kiện để người
dân dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận thông tin về hoạt động của nhà nước, đặc
biệt là những thông tin về những quyết định liên quan đến quyền và lợi ích của người
dân.
1.4. Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả
giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội
và vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị
- xã hội cần phát huy vai trò của mình trong việc nâng cao chất lượng công tác
phản biện xã hội, cần được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường giám
sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực
liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân; tích cực tham gia xây dựng, phản
biện dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân,
quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại các văn bản, nghị quyết của Đảng.
- Các cơ quan báo chí, truyền thông cần truyền tải
thông tin một cách chân thực, khách quan, kịp thời những thông tin liên quan đến
hoạt động thực hiện quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tiến
hành theo dõi, phát hiện, phản ánh trung thực và cảnh báo những sai lầm trong
các quyết sách, hành vi vượt quá giới hạn của các cơ quan công quyền, các công
chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước, từ đó góp phần hạn chế, kiểm soát
việc lạm dụng quyền lực.
2. Về kiểm soát xung đột lợi
ích
2.1. Cần chú trọng rà soát, nhận diện tình huống
người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu
rõ ràng cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp sau đây[1]:
- Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan,
tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc
phạm vi quản lý của mình;
- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp
tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp
tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
- Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở
trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật
công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
- Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền
hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác;
- Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em
ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ
kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ,
ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp
phó của người đứng đầu;
- Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi
ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc
chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực
hiện việc quản lý nhà nước;
- Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của
vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu
của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ
quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng
hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;
- Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột
là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ,
công vụ của mình;
- Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động
của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.
2.2. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
chính trị tư tưởng và pháp luật về phòng chống tham nhũng, kiểm soát xung đột lợi
ích trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Cần tích cực tuyên
truyền các quy định về tặng quà và nhận quà, kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng
cường tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm
vụ kiểm soát tài sản, thu nhập để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công
chức, viên chức, phát hiện kịp thời các giao dịch, biến động tài sản có dấu hiệu
xung đột lợi ích.
2.3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện
có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo
cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.
Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết
hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải
báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý.
2.4. Người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công
chức, viên chức, khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực
hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì
phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây: Giám sát việc thực hiện
nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; đình chỉ, tạm đình
chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; tạm
thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.
2.5. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra hoạt
động công vụ theo hướng ngăn chặn, phát hiện các tình huống xung đột lợi ích
trong hoạt động công vụ và các vụ việc giải quyết tình huống xung đột lợi ích
không đúng quy định pháp luật. Xử lý kiên quyết, mạnh mẽ và dứt điểm các vụ việc
có vi phạm trong việc xử lý các tình huống xung đột lợi ích. Trường hợp để phát
sinh các tình huống xung đột lợi ích trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình thì
người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm theo quy định.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập; Giám đốc các
doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh:
- Nghiêm túc triển khai kế hoạch này đến toàn thể
các phòng, ban, đơn vị, địa phương trực thuộc; xây dựng kế hoạch chi tiết để
triển khai thực hiện kế hoạch này trước ngày 20/8/2023;
- Tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc
việc triển khai, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo các kỳ theo quy định chế
độ báo cáo định kỳ về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống
tham nhũng tại Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính
phủ, gửi về Thanh tra tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc,
chủ động báo cáo UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh tổng hợp) để kịp thời hướng dẫn,
giải đáp, chỉ đạo giải quyết theo quy định.
2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Báo Hà Giang, Đài phát thanh truyền hình tỉnh:
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định
của pháp luật, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kiểm soát quyền lực,
kiểm soát xung đột lợi ích và các nội dung có liên quan đến phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực.
3. Giao Sở Nội vụ: Thực hiện các nhiệm vụ
theo chức năng, nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính; tăng cường thanh tra,
kiểm tra công vụ trong việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, quy tắc ứng
xử, đạo đức nghề nghiệp của các đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức nhằm
góp phần kiểm soát quyền lực, kiểm soát xung đột lợi ích.
4. Giao Thanh tra tỉnh: Chủ trì phối hợp với
các ngành liên quan theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa
phương triển khai thực hiện Kế hoạch này; thường xuyên báo cáo và kiến nghị
UBND tỉnh các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả./.
Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành tỉnh (t/h);
- UBND các huyện, thành phố (t/h);
- Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập; Giám đốc các DNNN thuộc tỉnh (t/h);
- Lưu: VT, NCPC.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sơn
|
[1] Điều 29 Nghị định số 29/2019/NĐ-CP ngày
01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Phòng, chống tham nhũng.