Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 189/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Lê Ngọc Tuấn
Ngày ban hành: 19/01/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 189/KH-UBND

Kon Tum, ngày 19 tháng 01 năm 2024

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG THỦ DÂN SỰ ĐẾN NĂM 2030 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 1343/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

I. BỐI CẢNH TÌNH HÌNH

1. Tình hình thế giới, khu vực:

Hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn. Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế ngày càng gia tăng. Sự điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới diễn biến khó lường, đặt các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng đang gặp nhiều trở ngại, thách thức, tăng trưởng kinh tế thế giới, thương mại, đầu tư quốc tế đối mặt nhiều khó khăn, rủi ro; nợ công toàn cầu tăng, rủi ro tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Cạnh tranh kinh tế đã trở thành chiến tranh thương mại; sự tranh giành thị trường và các nguồn tài nguyên, nhân lực chất lượng cao ngày càng quyết liệt. Những vấn đề mới nảy sinh từ cuộc xung đột tại Ukraine và tại Dải Gaza đang gây ra nguy cơ suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, các loại hình thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất, ngập lụt, hạn hán... đã và đang tác động xấu đến hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường và sự an toàn của con người. Bên cạnh đó, những vấn đề mang tính toàn cầu như nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh nguy hiểm lây lan nhanh trên diện rộng tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến các quốc gia, dân tộc và đặt ra những thách thức cho sự phát triển bền vững.

Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa lý - kinh tế - chính trị, chiến lược ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, khu vực này đang là nơi các nước lớn thử nghiệm chính sách gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng, tìm cách kiềm chế lẫn nhau. Đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, cả truyền thống và phi truyền thống. Xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ do mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố tiếp diễn phức tạp; các điểm nóng về tranh chấp lãnh thổ vẫn tồn tại ở nhiều khu vực. Vai trò của luật pháp và các cơ chế quốc tế ngày càng được đề cao, nhưng một số nước vẫn đơn phương sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ dẫn đến thúc đẩy chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng. Tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền trên Biển Đông đang nổi lên thành điểm nóng, thu hút sự chú ý của các nước trong và ngoài khu vực, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, không loại trừ nguy cơ chiến tranh.

2. Tình hình trên địa bàn tỉnh:

a) Đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn:

- Tỉnh Kon Tum nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, diện tích 9.676,5km2 (chiếm 3,1% diện tích toàn quốc), có đường biên giới Quốc gia dài 292,913km, độ cao trung bình khoảng 900m so với mực nước biển; có tọa độ 13°55’ đến 15°27’ vĩ độ Bắc; 107°21’ đến 108°30’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam (142km), phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi (74km), phía Nam giáp tỉnh Gia Lai (203km) và phía Tây giáp Lào (154,222km), giáp Campuchia (138,691km); có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102 đơn vị hành chính cấp xã, 756 thôn, tổ dân phố.

- Về địa hình: Địa hình của tỉnh thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, chủ yếu là đồi núi và vùng trũng xen kẽ phức tạp. Trong đó, núi Ngọc Linh là núi cao nhất khu vực Tây Nguyên, là nơi bắt nguồn của các nhánh sông như: Sông Tranh, sông Cái chảy về Quảng Nam; sông Sê San chảy về sông Mê Kông, sông Ba chảy về Gia Lai; trên địa phận tỉnh Kon Tum có sông Đăk La dài 102km và sông Sa Thầy dài 115km.

- Khí hậu: Khí hậu tỉnh có nét chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa của phía Nam Việt Nam, tổng nhiệt độ trong năm từ 8.000°C-8.500°C, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 22°C-23°C, biên độ nhiệt độ dao động trong ngày từ 8°C-9°C, độ ẩm trung bình hàng năm từ 78%-87%, lượng mưa trung bình 1.880mm. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau nên thời tiết hanh khô tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 năm sau với lượng mưa nhiều, độ ẩm lớn nên tiềm ẩn nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống...

- Thổ nhưỡng: Kon Tum được chia thành 07 nhóm đất chính, gồm đất phù sa, đất Glêy, đất mới biến đổi, đất xám, đất đỏ, đất mùn Alít núi cao, đất xói mòn trơ sỏi đá. Đến năm 2020, đất chưa sử dụng còn 40.385,1ha, chiếm 4,1% tổng diện tích toàn tỉnh; diện tích đất lâm nghiệp 609.468,6ha, độ che phủ rừng khoảng 63%. Về khoáng sản có 40 loại và đang ở mức độ khảo sát lập bản đồ khoáng sản.

b) Về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh:

Sau hơn 30 năm đổi mới, tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 46,78 triệu đồng/người; công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Chỉ tiêu cân đối của nền kinh tế về tích lũy - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động, việc làm… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; ngành công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng; Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu. Một số loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển ổn định, trở thành mặt hàng nông sản quan trọng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác được mở rộng diện tích, tạo ra các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến.

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư cơ bản đồng bộ, diện mạo đô thị từng bước đổi mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần cải thiện đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nổi bật là một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đã lựa chọn Kon Tum là địa điểm đầu tư lý tưởng và triển khai nhiều dự án tổ hợp trung tâm thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao... có quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững mạnh toàn diện, các tiềm lực trong khu vực phòng thủ được củng cố, tăng cường. Chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang tỉnh được nâng lên; an ninh biên giới được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế. Công tác đối ngoại được mở rộng và đi vào chiều sâu; thiên tai, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; đời sống của Nhân dân cải thiện, niềm tin của quần chúng Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới ngày càng được củng cố.

Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum đang đối mặt với nhiều thách thức; nguồn lực hạn chế làm chậm các chương trình quốc gia nhằm nâng cao khả năng chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến nền kinh tế và các vùng dân cư. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên một số lĩnh vực, địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp; cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, một số vụ làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về vật chất, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận. Ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị, làng nghề chậm khắc phục; hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra động lực và thời cơ để phát triển kinh tế nhưng cũng đặt ra những thách thức, rủi ro đối với một số lĩnh vực (trật tự, an toàn xã hội, lao động, việc làm...).

c) Thực trạng công tác phòng thủ dân sự:

Công tác phòng thủ dân sự thời gian qua được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn và đã đạt được những kết quả quan trọng trong phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác chỉ đạo, chỉ huy và phối hợp giữa các lực lượng xử lý khi có tình huống được vận hành thông suốt, bảo đảm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Trung ương và địa phương nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa gây ra. Công tác xây dựng kế hoạch tại các sở, ban ngành, địa phương nhằm ứng phó với các tình huống sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa đã bước đầu đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm được quan tâm xây dựng về tổ chức, đầu tư về trang bị và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Các công trình phục vụ nhiệm vụ phòng thủ dân sự đang được triển khai theo quy hoạch của các đơn vị, địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng thủ dân sự vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng thủ dân sự cho người dân khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao; nhận thức về phòng thủ dân sự chưa thống nhất; văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng thủ dân sự chưa đầy đủ… Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào giám sát dự báo, cảnh báo... chưa đồng bộ, chưa tạo đột phá trong công tác quản lý rủi ro thảm họa thiên tai; còn bị động đối với một số loại hình thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất...; việc di dời người dân từ vùng có nguy cơ cao đến khu vực an toàn theo phương án, quy hoạch còn chậm, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Công tác luyện tập, diễn tập một số loại hình sự cố, thiên tai mới dừng ở mức độ nghiên cứu, chưa thực sự mang tính huấn luyện kỹ năng cho cộng đồng. Trang bị, phương tiện của lực lượng chuyên ngành vẫn thiếu cả về số lượng và chủng loại. Sự phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương trong việc xây dựng, thực hiện quy hoạch cũng như ứng phó một số loại hình sự cố, thiên tai chưa thống nhất, thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch chưa đảm bảo nên thiệt hại do sự cố, thiên tai lớn. Công trình phòng, chống thiên tai triển khai chậm, công trình phòng ngừa thảm họa chiến tranh chưa được quan tâm xây dựng đúng mức, có nơi chưa được lồng ghép vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phòng thủ dân sự có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời bình, phòng thủ dân sự ngăn ngừa, khắc phục hậu quả do sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa bảo vệ nhân dân, bảo vệ các nguồn lực của đất nước. Khi xảy ra chiến tranh, phòng thủ dân sự trực tiếp khai thác và tạo ra sức mạnh tại chỗ để khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ các mục tiêu, góp phần bảo vệ tiềm lực quốc gia, tăng cường sức mạnh quân sự. Chính vì vậy, công tác phòng thủ dân sự phải được tổ chức chặt chẽ, vận hành thông suốt, đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên và liên tục.

II. QUAN ĐIỂM KẾ HOẠCH

1. Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự nhằm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; phù hợp với Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023; đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và kết hợp chặt chẽ với các chiến lược chuyên ngành liên quan.

2. Phòng thủ dân sự là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Phòng thủ dân sự đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, trực tiếp là sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền các cấp. Người đứng đầu các sở, ban ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện phòng thủ dân sự ở cấp mình.

3. Phòng thủ dân sự phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, chiến tranh; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân để phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế.

4. Hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, lấy dân là gốc. Lực lượng nòng cốt là: Dân quân tự vệ, dân phòng, công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đôi Biên phòng tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương. Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng thủ dân sự trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

6. Công tác chuẩn bị và ứng phó với nguy cơ thảm họa chiến tranh là quan trọng, thường xuyên và lâu dài; công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa là thường xuyên và cấp bách, trong đó ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là trọng tâm.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, chiến tranh; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, góp phần quan trọng vào ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2025:

- Tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, năng lực và kỹ năng ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh và toàn dân.

- Kiện toàn hệ thống tổ chức phòng thủ dân sự từ tỉnh đến các sở, ban ngành, địa phương đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hiệu quả; xây dựng cơ chế vận hành, hoạt động phòng thủ dân sự tương ứng với điều kiện thực tế và tình huống cụ thể.

- Tổ chức rà soát quy hoạch, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự từ tỉnh đến các sở, ban ngành, địa phương phù hợp với đặc điểm vùng, miền, lĩnh vực và bảo đảm tính khả thi.

- Hoàn thành các công trình thiết yếu trong kế hoạch xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự thuộc các khu vực rủi ro thiên tai cao.

b) Đến năm 2030 và những năm tiếp theo:

- Tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa cho cộng đồng; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự các cấp.

- Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, trọng điểm về phòng thủ dân sự, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa gây ra, nâng cao năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh.

- Xây dựng và hoàn thiện phương án, kế hoạch khai thác, sử dụng công trình ngầm, công trình dân sinh, công trình phòng thủ dân sự, kết hợp khu vực phòng thủ và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Hoàn thành xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự tại các khu vực rủi ro thiên tai cao; hoàn thành việc đăng ký, thống kê hệ thống công trình lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng trưng dụng cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có tình huống.

- Tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và kết hợp việc nâng cao năng lực cho các lực lượng tại chỗ, bảo đảm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.

- Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng vào thực tiễn bộ tiêu chí về năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh đối với các công trình, chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn, trọng điểm.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Kiện toàn, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, điều hành phòng thủ dân sự:

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự các cấp, các ngành bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế hoạt động phù hợp với đặc thù phòng thủ dân sự, bảo đảm chỉ đạo bao quát, toàn diện theo lĩnh vực và tính chuyên sâu theo ngành.

- Phân công rõ ràng, phân cấp hợp lý, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ban ngành, địa phương trong công tác phòng thủ dân sự, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là cơ sở góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành với cấp ủy, chính quyền địa phương để làm tốt công tác tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về hoạch định các chủ trương, chính sách nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực, đồng thời tổ chức tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện để triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự trên phạm vi toàn tỉnh.

- Chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và quản lý điều hành của chính quyền địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nắm tình hình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự tại các sở, ban ngành, ở địa phương nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập trong cơ chế lãnh đạo, điều hành để có giải pháp tháo gỡ, khơi thông các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự.

2. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự

- Rà soát, hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa các sự cố do lỗi chủ quan của con người và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng thủ dân sự.

- Nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách huy động hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chủ động tham gia hiệu quả vào hoạt động phòng thủ dân sự.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập trong cơ chế, chính sách, vướng mắc trong tổ chức thực hiện để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, kịp thời đưa các chính sách vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

3. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho các lực lượng và Nhân dân trong thực hiện phòng thủ dân sự

- Đa dạng hóa hình thức, phương pháp thông tin, tuyên truyền cho Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phòng thủ dân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội trong phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; phổ biến cho người dân các kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình và chung tay bảo vệ cộng đồng.

- Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các lực lượng và Nhân dân trong thực hiện phòng thủ dân sự; nghiên cứu đưa các kiến thức về phòng thủ dân sự vào chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trong nhà trường từ cấp trung học phổ thông trở lên.

- Bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức về phòng thủ dân sự cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền tại các sở, ban ngành, địa phương.

- Làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, xác định phòng thủ dân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là lực lượng nòng cốt bảo vệ cuộc sống của Nhân dân trong mọi tình huống.

- Tích cực, chủ động phòng, ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa để xuyên tạc, chống Đảng, Nhà nước, kích động gây mất an ninh, trật tự, gây khó khăn cho công tác huy động lực lượng và tổ chức ứng phó khắc phục hậu quả.

- Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực, tự giác tham gia các hoạt động phòng thủ dân sự, đặc biệt hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

4. Xây dựng lực lượng chuyên trách đủ sức hoàn thành nhiệm vụ đi đôi với nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ và xây dựng lực lượng rộng rãi

- Tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách đồng bộ về tổ chức, trang bị và con người; có quy mô phù hợp, trang bị hiện đại, đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao đủ sức đảm nhiệm vai trò là lực lượng hạt nhân trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

- Chú trọng xây dựng lực lượng kiêm nhiệm có trang bị phù hợp và quy mô hợp lý, tham gia hiệu quả vào hoạt động phòng thủ dân sự, đủ sức hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chuyên trách khi có tình huống xảy ra.

- Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng thủ dân sự, tích cực xây dựng và kiện toàn mô hình các đội xung kích ở cơ sở, phát huy tính tự chủ, tự lực của địa phương để sẵn sàng xử lý kịp thời, linh hoạt các sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa theo đúng phương châm “Bốn tại chỗ”.

- Khuyến khích thành lập các tổ chức hỗ trợ quản lý thiên tai, thảm họa; các cơ sở đào tạo, huấn luyện và các đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ công tác phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật. Phát triển lực lượng tình nguyện viên trong công tác tuyên truyền, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

5. Triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược chuyên ngành liên quan

- Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh phải gắn với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện và được điều chỉnh khi có chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa xảy ra.

- Kết hợp chặt chẽ chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong các dự án, quy hoạch phát triển các vùng, các ngành kinh tế, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn chiến lược, các ngành quan trọng.

- Triển khai đồng bộ các nội dung của Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự trên địa bàn tỉnh với quy mô, tiến độ phù hợp với kế hoạch, quy hoạch của vùng, ngành, từng địa phương; bảo đảm các nội dung của Chiến lược có tác động hỗ trợ trực tiếp trước mắt cũng như lâu dài đối với kinh tế - xã hội của địa phương.

- Thường xuyên nghiên cứu, đánh giá khách quan, toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và trên phạm vi toàn tỉnh nhằm kịp thời dự báo các tác động tiêu cực và có giải pháp phòng ngừa; bảo đảm hoạt động phát triển kinh tế - xã hội không làm phát sinh hoặc gia tăng các rủi ro, nguy cơ mất an toàn cho cuộc sống của người dân.

- Đầu tư xây dựng cơ bản hệ thống công trình phòng thủ dân sự theo quy hoạch, kế hoạch. Tăng cường tính lưỡng dụng cho các công trình ngay từ khâu khảo sát, thiết kế nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo sự liên kết giữa Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự với Chiến lược phòng chống thiên tai, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia… chú trọng các địa bàn khó khăn, phức tạp như vùng núi, vùng biên giới, vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

6. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh

- Xác định phát triển khoa học và công nghệ là nhiệm vụ, giải pháp then chốt, hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Ưu tiên bố trí nguồn lực phục vụ cho công tác điều tra cơ bản và triển khai các chương trình trọng điểm cấp tỉnh về ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào giám sát, dự báo, cảnh báo rủi ro thiên tai, đặc biệt các loại hình thiên tai hay xảy ra như bão, lũ, sạt lở đất… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tự động hóa và viễn thám trong quan trắc, giám sát và cảnh báo thiên tai; mô hình hóa các rủi ro thiên tai để xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp, hiệu quả.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, kết nối các Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, các Trạm báo tin động đất, các trạm quan trắc - cảnh báo môi trường độc xạ; các đài, trạm quan sát báo động phòng không nhân dân trong nội địa và biên giới, cổng thông tin điện tử các sở, ban ngành và địa phương… tạo thành hệ thống mạng thông tin dự báo, thông báo, báo động phòng thủ dân sự trên phạm vi toàn tỉnh.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới và công trình hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, công trình phòng không nhân dân để nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của công trình đối với các tác động của thiên tai, chiến tranh.

- Nghiên cứu cải tiến các phương tiện, trang bị phù hợp với đặc thù công tác ứng phó khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, từng bước nâng cao năng lực của các lực lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự.

- Thực hiện tốt các chính sách về bồi dưỡng, thu hút và đãi ngộ để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cho công tác phòng thủ dân sự. Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hình thức hỗ trợ đa dạng, hiệu quả cho người dân và địa phương bị thảm họa, thiên tai.

7. Đa dạng hóa và ưu tiên các nguồn lực để phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, giảm thiệt hại và nhanh chóng ổn định tình hình

- Xây dựng cơ chế, chính sách để đa dạng hóa nguồn lực đáp ứng yêu cầu công tác phòng thủ dân sự. Quản lý, phân bổ, sử dụng hợp lý, minh bạch nguồn lực để triển khai các công trình phòng ngừa hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa và các công trình hạ tầng có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự, ưu tiên các địa bàn thường xuyên chịu tác động của thiên tai và các đối tượng dễ tổn thương.

- Sử dụng hợp lý nguồn lực để triển khai theo kế hoạch, quy hoạch các công trình phòng ngừa sự cố, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh; công trình hạ tầng có liên quan hoạt động phòng thủ dân sự từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra nguy cơ thảm họa.

- Ưu tiên huy động các nguồn lực tại chỗ, kết hợp với nguồn lực chi viện của Trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế theo quy định của pháp luật cho các địa phương, khu vực, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, chiến tranh... bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Sử dụng hợp lý nguồn lực của Trung ương hỗ trợ cho các khu vực, lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng để tạo đột phá trong ngăn chặn, giảm thiểu tác hại cũng như khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, chiến tranh.

- Triển khai các chương trình, công trình trọng điểm ở những khu vực khó khăn, nguồn lực tại chỗ còn bạn chế để từng bước nâng cao khả năng chống chịu với các nguy cơ rủi ro nhằm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương; tăng cường xã hội hóa các chương trình, các hoạt động mang tính cộng đồng để tối ưu hóa nguồn lực và tạo sự lan tỏa trong xã hội, động viên các thành phần xã hội tích cực tham gia hoạt động phòng thủ dân sự.

8. Tăng cường huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự

- Chú trọng công tác xây dựng nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự; gắn diễn tập phòng thủ dân sự với diễn tập khu vực phòng thủ và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Nội dung huấn luyện, diễn tập phải phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, kết hợp lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chủ yếu; huấn luyện diễn tập trong điều kiện, môi trường sát thực tế, bảo đảm an toàn cho lực lượng và phương tiện tham gia.

- Thường xuyên đổi mới phương pháp huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và trang bị, phương tiện bảo đảm huấn luyện, diễn tập; chú trọng đưa các phương tiện hiện đại vào huấn luyện, diễn tập.

- Tập trung huấn luyện đội ngũ cán bộ, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm để nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng; chú trọng đưa các vấn đề mới, phức tạp vào diễn tập để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, làm cơ sở hoàn thiện các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai.

- Tăng cường diễn tập phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng cần thiết cho cộng đồng, chú trọng diễn tập ứng phó với các loại hình rủi ro nguy cơ cao, mức độ ảnh hưởng lớn; lựa chọn hình thức diễn tập phù hợp, vận động đông đảo Nhân dân tham gia nâng cao hiệu quả diễn tập.

9. Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự:

- Chủ động, tích cực hợp tác cùng các tỉnh Attapư, Chămpasắc, Salavan - Lào và tỉnh Ratanakiri, Stung Treng - Campuchia; nhất là thực hiện các Biên bản ghi nhớ tăng cường mối quan hệ và hợp tác với tỉnh Sê Kông, Lào và tỉnh Ratanakiri, Campuchia, các tổ chức quốc tế trong quản lý rủi ro thiên tai; tăng cường chia sẻ thông tin, nhất là thông tin về dự báo, cảnh báo thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, thích nghi biến đổi khí hậu.

- Tăng cường hợp tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên; bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

- Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm, phương tiện, trang bị đặc dụng... đáp ứng kịp thời nhu cầu trong tỉnh khi triển khai các hoạt động phòng thủ dân sự.

- Chủ động tham gia các hội thảo, diễn đàn, các hoạt động luyện tập, diễn tập các cấp và quốc tế theo các hình thức và phương pháp phù hợp để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách về phòng thủ dân sự.

- Xây dựng cơ chế hợp tác, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ nhân đạo trong các tình huống sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa với các nước trong khu vực, đặc biệt các nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia.

10. Tiến hành sơ kết, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận về phòng thủ dân sự

- Định kỳ hằng năm, các sở, ban ngành, tổ chức, đoàn thể và địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo lĩnh vực được phân công. Việc sơ kết, tổng kết về phòng thủ dân sự được gắn với sơ kết, tổng kết nhiệm vụ của các sở, ban ngành, tổ chức, đoàn thể và địa phương.

- Sau các sự cố nghiêm trọng do thiên tai, dịch bệnh, thảm họa gây ra phải tiến hành rút kinh nghiệm, kịp thời nhận diện các hạn chế trong quá trình ứng phó để có biện pháp khắc phục; phổ biến các cách thức, phương pháp đã qua kiểm nghiệm để từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự.

- Tăng cường tổng kết thực tiễn để hoàn thiện các quy trình, giáo trình, tài liệu phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, huấn luyện cũng như nghiên cứu chuyên ngành, từng bước hoàn thiện lý luận về phòng thủ dân sự.

V. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Bảo đảm phương tiện, trang bị:

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương tổng hợp danh mục và quy định dự trữ các loại phương tiện, trang thiết bị, vật tư bảo đảm cho hoạt động phòng, chống khắc phục hậu quả chiến tranh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; phối hợp với sở, ban ngành và địa phương liên quan hướng dẫn việc dự trữ, sử dụng phương tiện, trang bị phục vụ huấn luyện, diễn tập và khi có tình huống xảy ra.

- Các sở, ban ngành, địa phương tổng hợp danh mục và quy định dự trữ, trang bị, vật tư bảo đảm cho hoạt động phòng, chống sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh theo lĩnh vực được phân công trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Việc huy động, trưng dụng phương tiện, trang thiết bị, vật tư của các tổ chức, cá nhân để tiến hành các biện pháp phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm kinh phí:

a) Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động phòng thủ dân sự được bảo đảm từ ngân sách nhà nước; vốn đầu tư của các doanh nghiệp; các nguồn tài trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn hợp pháp khác.

b) Sử dụng nguồn kinh phí:

- Ngân sách nhà nước bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị hoạt động phòng thủ dân sự thuộc đối tượng do ngân sách đảm bảo; ngân sách cho các doanh nghiệp thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ phòng thủ dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Ngân sách Trung ương và một phần ngân sách địa phương thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp công trình, phương tiện, trang bị, kho tàng, kết hợp khai thác, sử dụng trang bị, phương tiện có tính lưỡng dụng của Quân đội, Công an và các sở, ban ngành, địa phương liên quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thảm họa, thiên tai, cứu hộ - cứu nạn.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng thủ dân sự; có chính sách ưu tiên, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào hoạt động phòng thủ dân sự.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương liên quan ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự theo lĩnh vực được giao.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự và triển khai các đề án, chương trình, dự án thành phần bảo đảm hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng thủ dân sự; kiện toàn hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp.

- Nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện, diễn tập; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các lực lượng chuyên trách. Chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang tỉnh, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng phương châm “Bốn tại chỗ”.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho các công trình phòng, ngừa hậu quả chiến tranh, sự cố thiên tai, dịch bệnh, thảm họa và các công trình hạ tầng có liên quan đến phòng thủ dân sự; tổ chức các hoạt động khắc phục ô nhiễm điôxin, bom mìn sau chiến tranh.

- Xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng nòng cốt, cán bộ, đảng viên, công chức, học sinh, sinh viên, học viên và toàn dân trên lĩnh vực được phân công.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra và sơ kết, tổng kết, khen thưởng công tác phòng thủ dân sự trên lĩnh vực được phân công.

2. Công an tỉnh:

- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong phòng thủ dân sự; các chương trình, đề án, dự án về phòng thủ dân sự của lực lượng Công an.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan ứng phó thảm họa cháy lớn ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong vùng, khu vực xảy ra thảm họa, thiên tai, dịch bệnh.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng thảm họa, sự cố để kích động chống phá; trao đổi thông tin cho các đơn vị, địa phương phục vụ công tác tuyên truyền cho Nhân dân biết, nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh.

- Xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng lực lượng chuyên trách phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tinh nhuệ, hiện đại; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập các kiến thức, kỹ năng, phương án phòng thủ dân sự cho lực lượng Công an nhân dân, nhất là lực lượng ở cơ sở.

- Chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng liên quan triển khai nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa và tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho lực lượng chuyên trách và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

- Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến các thảm họa, dự báo, cảnh báo sự cố; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tổ chức diễn tập ứng phó các thảm họa cho các sở, ban ngành và địa phương.

- Huấn luyện và thực hành diễn tập cho lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và ứng phó các thảm họa nhằm đảm bảo sử dụng thành thạo các loại phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được trang bị.

- Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư, trang bị các phương tiện, thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Tăng cường công tác kiểm tra việc quản lý, bảo trì và sử dụng các phương tiện, thiết bị đã được đầu tư để đảm bảo sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó với các sự cố, thiên tai, thảm họa bảo đảm an ninh nông, lâm, ngư nghiệp và nông thôn; xây dựng kế hoạch dự trữ hạt giống, cây trồng và thuốc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng. Thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa theo quy định pháp luật về phòng chống thiên tai, lâm nghiệp, thủy lợi, đê điều và bảo vệ, kiểm dịch thực vật, thú y… đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự.

5. Sở Y tế:

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm và chỉ đạo công tác dự trữ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cho các tình huống khẩn cấp về y tế. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giải pháp tổ chức vận chuyển, cấp cứu, điều trị dự phòng cho các tình huống khẩn cấp.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh quân dân y kết hợp ở khu vực biên giới, khu vực đặc biệt khó khăn, tăng cường năng lực hệ thống y tế phòng thủ dân sự.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa về môi trường.

- Phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương liên quan triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự; xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm vệ sinh môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường trong các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm phòng ngừa thảm họa xảy ra.

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực, theo dõi, giám sát, dự báo về biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa môi trường.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các sở, ban ngành và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của các sở, ban ngành, địa phương theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

8. Sở Tài chính phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí dự toán ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

9. Sở Giao thông vận tải:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án về xây dựng, sử dụng hạ tầng giao thông và các trang thiết bị, phương tiện vận tải, vật tư trong phạm vi phụ trách để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia tìm kiếm cứu nạn giao thông hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa; bảo đảm giao thông thông suốt trong các tình huống thảm họa, thiên tai, sự cố.

10. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng các công trình lưỡng dụng, công trình dân sinh đáp ứng các yêu cầu về phòng thủ dân sự.

11. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân.

12. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương thống nhất phương án bảo đảm quyền ưu tiên sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở phục vụ chỉ đạo, điều hành đáp ứng yêu cầu về phòng thủ dân sự theo quy định.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và an toàn, an ninh mạng) và các cơ quan báo chí, truyền thông huy động lực lượng, phương tiện tham gia các nhiệm vụ liên quan đến ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và kiến thức về phòng thủ dân sự cho toàn dân theo quy định.

13. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc trao đổi, tìm kiếm sự hỗ trợ, hợp tác của các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ trong việc xử lý các tình huống thiên tai, thảm họa trên trên địa bàn tỉnh.

14. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự cho công chức, viên chức, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh biết.

- Phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương xây dựng, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

15. Sở Công Thương:

- Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, khai thác khoáng sản, hóa chất độc hại, vật liệu nổ công nghiệp và việc xuất, nhập khẩu các loại hóa chất độc hại, gây nguy hiểm.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương liên quan triển khai thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh điện, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp.

16. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức quán triệt, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai các quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự cho công chức, viên chức biết, thực hiện; phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan xây dựng chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự; triển khai thực hiện các chế độ, chính sách trong ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

17. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền và vận động các đoàn viên, hội viên và người dân phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong quá trình thực hiện và giám sát việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự trên địa bàn tỉnh.

18. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự trên địa bàn; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng thủ dân sự tại địa phương theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các sở, ngành liên quan; tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan về phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp với các sở, ban ngành, cơ quan liên quan xây dựng và thực hiện các dự án công trình phòng thủ dân sự; tổ chức tuyên truyền vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn và nhân dân tham gia, hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phòng thủ dân sự bảo đảm phòng, tránh hỏa lực của địch (khi có chiến tranh) và khi có sự cố, thiên tai, thảm họa.

- Chủ động cân đối ngân sách cấp huyện theo phân cấp, để triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự trên địa bàn đến năm 2030 và những năm tiếp theo đảm bảo quy định.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch phòng thủ dân sự tại địa phương. Định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự trên địa bàn theo quy định.

19. Các tổ chức chính trị, kinh tế - xã hội và cộng đồng phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để chủ động tham gia vào các hoạt động phòng thủ dân sự trên địa bàn; hỗ trợ và huy động sự tham gia của cộng đồng, phổ biến kinh nghiệm các mô hình phòng thủ dân sự của các địa phương, các doanh nghiệp; thực hiện hoặc tham gia thực hiện các đề án, dự án trong Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự và kế hoạch phòng thủ dân sự của các sở, ban ngành, địa phương.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo của Ủy ban nhân dân tỉnh; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện./.


Nơi nhận:
- Bộ Quốc phòng (b/c);
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (t/h);
- Các sở, ban ngành thuộc tỉnh (t/h);
- UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh: CVP;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh (đưa tin);
- Lưu: VT, NCLTD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Tuấn

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 189/KH-UBND ngày 19/01/2024 thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


500

DMCA.com Protection Status
IP: 18.97.14.90
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!