ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 179/KH-UBND
|
Bình Định, ngày 30
tháng 10 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TỔ
CHỨC TIẾP CÔNG DÂN PHỤC VỤ KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV.
Thực hiện Kế hoạch số
1233/KH-BDN ngày 17 tháng 10 năm 2023 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc
hội về việc phối hợp tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Ủy
ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Tổ chức tiếp công dân có hiệu
quả trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và khi có yêu cầu đột
xuất; đảm bảo các công dân đều được tiếp theo đúng quy định pháp luật; kịp thời
tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chuyển đơn,
thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; hạn chế tối
đa các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tập trung tại thành phố
Hà Nội; bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian diễn ra Kỳ họp.
- Công tác tổ chức tiếp công
dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ, đồng
bộ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; kịp thời nắm bắt tình hình
và có biện pháp hữu hiệu để xử lý tình huống đối với các đoàn đông người đến khiếu
nại, tố cáo, nhất là không để các vụ việc trở nên phức tạp, công dân bức xúc,
gây mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương hoặc kéo ra thành phố Hà Nội để
khiếu kiện trước, trong và sau thời gian diễn ra Kỳ họp.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Ban Tiếp công dân tỉnh
- Bố trí cán bộ, công chức thường
xuyên trực tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh để tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý
và đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh của công dân trong thời gian diễn ra Kỳ họp.
- Yêu cầu cán bộ, công chức tại
Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực
hiện nhiệm vụ; ngoài việc tiếp, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố
cáo theo quy định, cần kết hợp giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu đường
lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đối với các vụ việc đông
người, phức tạp, bức xúc cần chủ động đề xuất phương án xử lý kịp thời, hiệu quả.
- Tăng cường phối hợp hoạt động
tiếp công dân giữa Ban Tiếp công dân tỉnh với đại diện các cơ quan, tổ chức
tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh; phối hợp với lực lượng
Công an và các cơ quan chức năng có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố
gây mất an ninh trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh.
- Thực hiện báo cáo hàng ngày với
lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công
dân của tỉnh trong thời gian diễn ra Kỳ họp; đối với các vụ việc đông người, phức
tạp, bức xúc cần chủ động, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi có công dân khiếu kiện, đề xuất
phương án xử lý kịp thời, hiệu quả.
2. Thanh tra tỉnh
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc,
hướng dẫn các ngành, địa phương tổ chức thực hiện việc tiếp công dân và giải
quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; nhất là đối với các địa
phương thường xuyên có phát sinh những vụ việc phức tạp, kéo dài, không để phát
sinh “điểm nóng” khiếu kiện.
- Phối hợp với Ban Tiếp công dân
tỉnh rà soát tất cả các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài
phát sinh trên địa bàn tỉnh để thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động
công dân chấp hành theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, đôn đốc
việc thực hiện các Văn bản chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về giải
quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
- Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh thành lập Tổ công tác vận động công dân Bình Định tập trung khiếu kiện
đông người, gây mất an ninh trật tự tại thành phố Hà Nội trở về địa phương khi
có yêu cầu.
3. Công an tỉnh
- Xây dựng phương án đảm bảo an
ninh trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh và Trụ sở Tiếp công dân của huyện,
thị xã, thành phố.
- Chỉ đạo lực lượng trực thuộc
chủ động nắm chắc tình hình khiếu kiện để có phương án ứng phó với những tình
huống phức tạp, ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng, kích động những người khiếu
kiện gây phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đối với các
công dân tập trung đông người để khiếu nại, tố cáo trái với quy định của pháp
luật cần hướng dẫn về Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh hoặc của các cơ quan chức
năng có thẩm quyền để tổ chức tiếp, hướng dẫn, vận động công dân trở về địa
phương.
- Chỉ đạo lực lượng chức năng
thu thập, củng cố chứng cứ, lập hồ sơ và có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm
minh theo quy định của pháp luật đối với những người lợi dụng quyền khiếu nại,
tố cáo có hành vi vượt quá giới hạn, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật.
4. Đối với các sở, ban,
ngành trực thuộc tỉnh
- Tổ chức tiếp công dân tại nơi
tiếp công dân của đơn vị theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013; cử đại
diện tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh khi có yêu cầu.
- Tập trung giải quyết dứt điểm
các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo thẩm quyền
và các vụ việc được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao; phối hợp Thanh tra tỉnh,
Công an tỉnh và Ban Tiếp công dân tỉnh trong việc giải quyết các vụ việc khiếu
kiện đông người, phức tạp.
5. Đối với Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng Kế hoạch và tổ chức
thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân đột xuất; xử lý kịp
thời đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của
công dân theo đúng quy định của pháp luật.
- Chủ động theo dõi, nắm chắc
tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo, xử lý; tăng cường
đối thoại công khai, dân chủ, tôn trọng lắng nghe các yêu cầu, nguyện vọng
chính đáng của công dân và giải quyết theo quy định của pháp luật ngay từ khi
phát sinh ở cấp cơ sở, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp nhằm hạn chế
công dân khiếu kiện vượt cấp lên cấp trên hoặc tập trung đông người tại thành
phố Hà Nội.
- Rà soát, giải quyết dứt điểm
các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh. Thường xuyên liên hệ với Ban Tiếp công dân tỉnh về tình hình các công dân
của địa phương khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, bức xúc vượt cấp để có
phương án tiếp công dân phù hợp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các sở,
ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực
hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Kế
hoạch này và báo cáo kết quả thực hiện cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Thanh tra tỉnh chủ
trì, phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra
việc triển khai thực hiện của các ngành, địa phương, báo cáo đề xuất Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xử lý; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả
thực hiện cho Ban Dân nguyện và các cơ quan chức năng có liên quan.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức tiếp
công dân phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV của Ủy ban nhân dân tỉnh; yêu cầu
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (b/c);
- Ban Dân nguyện (b/c);
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Thanh tra Chính phủ (b/c);
- Ban TCD Trung ương (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- CT và PCTTT Nguyễn Tuấn Thanh;
- Công an tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP và PVP-TD;
- Ban TCD tỉnh;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Anh Tuấn
|