QUỐC HỘI KHÓA XIV
HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 174/KL-HĐDT14
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 02 năm 2017
|
KẾT LUẬN
PHIÊN GIẢI TRÌNH “TÌNH
HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI HƯỞNG
LƯƠNG TRONG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CÔNG TÁC TẠI VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI
ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN”
Thực hiện chương trình hoạt động của Hội đồng Dân tộc,
sáng ngày 13/01/2017, tại Phòng Thăng Long - Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng
Dân tộc đã tổ chức Phiên giải trình về “Tình hình thực hiện chính sách đối với
cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công
tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” theo Nghị định số
116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 116).
Tham dự phiên giải trình có: (1) Các thành viên Hội
đồng Dân tộc, đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội;
(2) Đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, bộ ngành: Ban Kinh tế Trung ương,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; (3) Đại biểu địa phương gồm: đại diện một
số lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tại các tỉnh (trực tiếp khảo sát); Lãnh đạo
UBND, đại diện các sở, ban ngành thuộc UBND các tỉnh; đại diện Ban Dân tộc của
HĐND các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Nam, Phú Yên, Kon Tum,
Lâm Đồng...
Chịu trách nhiệm giải trình gồm: Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Lãnh đạo
các bộ ngành khác tham gia giải trình gồm: Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục
và Đào tạo. Các bộ đã nghiêm túc chuẩn bị báo cáo bằng văn bản theo yêu cầu Hội
đồng Dân tộc và được gửi đến các thành viên Hội đồng và các đại biểu tham dự
trước phiên họp giải trình theo đúng quy định.
Tại phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, các đại biểu
đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, với trách nhiệm là người đứng đầu cơ
quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai tổ chức thực
hiện Nghị định 116 và Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
báo cáo việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người
hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế -
xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm việc ban hành văn bản tổ chức thực hiện, kết
quả, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thực
hiện trong thời gian tới.
Phiên giải trình diễn ra công khai, sôi nổi, dân chủ,
thẳng thắn, mang tính đối thoại, tranh luận cao. Có 12 đại biểu với 16 lượt đặt
câu hỏi, nêu vấn đề, trao đổi lại, yêu cầu làm rõ thêm. Các câu hỏi của đại biểu
tập trung vào các nội dung: tính phù hợp của nội dung các qui định của chính
sách (đối tượng, phạm vi, địa bàn, định mức v.v.); công tác tổ chức triển khai
thực hiện, phối hợp và quản lý chính sách (trung ương và địa phương); tình hình
thực hiện ngân sách, công tác quản lý tài chính; những vấn đề bất cập nảy sinh
từ thực tiễn địa phương và giải pháp khắc phục. Các bộ ngành đã nghiêm túc trả
lời và giải trình các nội dung đại biểu yêu cầu liên quan đến trách nhiệm của từng
bộ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời, giải trình 04 lượt và lãnh đạo các Bộ Tài chính,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và
Đào tạo tham gia giải trình 07 lượt ý kiến.
1. Đánh giá chung về kết quả
thực hiện Nghị định 116
Việc ban hành Nghị định 116 thể hiện sự quan tâm của
Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong
lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn.
Hội đồng Dân tộc đánh giá cao những nỗ lực của
Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong 5 năm qua đã tích cực triển khai thực
hiện, đưa chính sách vào cuộc sống, góp phần vào sự phát triển nguồn nhân lực
cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội các vùng đặc biệt khó khăn,
trong đó đối tượng thụ hưởng chủ yếu thuộc địa bàn gần 3.000 xã1 vùng dân tộc thiểu số và miền
núi, bãi ngang ven biển. Chính sách đã có tác động không nhỏ và từng bước thúc
đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng này.
Việc triển khai thực hiện chính sách đã góp phần
thu hút hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến công tác
ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở các địa phương2, từng bước khắc phục tình
trạng thiếu cán bộ kéo dài trong nhiều năm ở nhiều nơi, tạo điều kiện thuận lợi
hơn trong công tác điều động, luân chuyển và bố trí cán bộ của cấp ủy, chính
quyền ở những vùng này.
Chính sách đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện
đời sống cho các đối tượng hưởng lương tại các vùng đặc biệt khó khăn, tạo sự
khích lệ động viên kịp thời giúp họ yên tâm công tác lâu dài. Bên cạnh đó, góp phần
nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chất lượng, hiệu quả hoạt động
chuyên môn, khuyến khích lòng yêu nghề, gắn bó với nghề (nhất là đối với ngành
giáo dục và y tế) và có điều kiện để phấn đấu, nghiên cứu, học tập nâng cao
trình độ chuyên môn, lý luận chính trị.
2. Những hạn chế, bất cập
- Thứ nhất, các đối tượng và địa bàn được thụ
hưởng chính sách quy định chưa đồng bộ và nhất quán3. Nghị định 116 quy định đối tượng thụ hưởng bao
trùm lên rất nhiều đối tượng thụ hưởng đã được quy định bởi một số chính sách
trước đó, nhưng không bãi bỏ hoặc có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự thống nhất4 trong tổ chức thực hiện, dẫn
đến các địa phương áp dụng thiếu thống nhất, chi sai đối tượng, địa bàn (có nơi
số tiền lên đến hàng trăm, tỷ đồng).
Việc đánh giá tác động tại thời điểm ban đầu và
trong quá trình thực hiện của chính sách liên quan đến địa bàn, đối tượng và
nguồn lực thực hiện còn hạn chế.
- Thứ hai, trong thực tiễn triển khai cho thấy
có sự bất cập trong định mức chi cho một nhóm được hưởng lợi chính sách so với
mức đầu tư phát triển cộng đồng. Theo kết quả khảo sát, trợ cấp thu hút chỉ tập
trung cho một số ít đối tượng và đồng thời cũng hưởng nhiều chính sách như phụ
cấp ngành, phụ cấp địa bàn, phụ cấp Nghị định 116... Nếu so sánh trên cùng địa
bàn, ở nhiều nơi, một số chính sách đầu tư cho cộng đồng thấp hơn nhiều so với
số tiền chi cho nhóm đối tượng này5.
- Thứ ba, công tác phối hợp trong hướng dẫn,
chỉ đạo giữa các bộ, ngành có liên quan thiếu sự đồng bộ và kịp thời.
- Thứ tư, bất cập trong công tác chỉ đạo và
tổ chức thực hiện. Ở một số địa phương, việc phối hợp giữa các cơ quan chức
năng có liên quan chưa đồng bộ, thiếu sự liên kết và chia sẻ thông tin, báo cáo
không đầy đủ hoặc không báo cáo. Công tác nắm thông tin và phối hợp với các đơn
vị trên địa bàn cấp tỉnh, huyện chưa tốt.
- Thứ năm, việc thanh tra, kiểm tra để phát
hiện, khắc phục những thiếu sót, hạn chế chưa được thực hiện thường xuyên, một
số nơi chi sai đối tượng, địa bàn gây thất thoát ngân sách; hoặc do việc hướng
dẫn, xác định địa bàn chưa sát với thực tế dẫn đến khi thực hiện tạo ra sự
không công bằng, dẫn đến thắc mắc, so bì, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa nhân văn của
chính sách.
3. Nguyên nhân của các hạn chế,
bất cập, đó là:
- Việc ban hành danh sách địa bàn, khu vực có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách theo Nghị định
116 được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, do nhiều bộ ngành tham mưu cho
Chính phủ quy định được ban hành vào các thời điểm khác nhau, thiếu sự phối hợp,
thống nhất giữa các bộ ngành trong tham mưu chính sách.
- Việc phối hợp ban hành, hướng dẫn thực hiện tại
Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC của liên Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng
dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 116 chưa thật sự đầy đủ, chính xác về địa
bàn, đối tượng thụ hưởng và điều kiện để áp dụng chính sách theo Nghị định 116.
- Việc chấp hành các quy định báo cáo định kỳ, sơ,
tổng kết thực hiện Nghị định 116 chưa tốt. Báo cáo của Bộ Nội vụ chỉ tổng hợp
được cơ bản tình hình tại 37 tỉnh; báo cáo của Bộ Tài chính và các địa phương
chưa tổng hợp đầy đủ, chính xác số đối tượng, kinh phí và số tiền chi sai đối
tượng (báo cáo cho thấy số tiền chi sai không nhỏ).
- Khi phát sinh các vướng mắc, sai sót về điều kiện
áp dụng một số loại phụ cấp, về địa bàn thụ hưởng, các bộ ngành chưa có sự phối
hợp kịp thời và hiệu quả, nên việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, giải đáp
thắc mắc, xử lý các bất cập, sai sót liên quan đến Nghị định 116 chưa thật kịp
thời, thiếu thống nhất.
- Hệ thống cơ quan trực tiếp thực hiện chính sách
và cơ quan làm công tác dân tộc ở các địa phương còn thiếu chủ động, chưa nắm bắt
kịp thời, chưa báo cáo đầy đủ tình hình và các vướng mắc nảy sinh trong quá
trình thực hiện Nghị định 116 để có hướng giải quyết kịp thời, phù hợp.
4. Quan điểm, chủ trương, yêu
cầu trong thời gian tới
Hội đồng Dân tộc và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Lãnh đạo Bộ
Tài chính, Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Lãnh đạo các bộ
ngành tham dự phiên giải trình đều thống nhất, đồng thuận về đánh giá những hiệu
quả và hạn chế, bất cập sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 116 và giải
pháp tiếp tục thực hiện Nghị định 116 trong thời gian tới, như sau: (1) Việc
ban hành Nghị định 116 là chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc, thể
hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức và người
hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế -
xã hội đặc biệt khó khăn; (2) Thống nhất tiếp tục thực hiện chủ trương này
trong giai đoạn 2016 - 2020; (3) Thống nhất đánh giá đây là một bài học kinh
nghiệm trong quá trình hoạch định chính sách và tổ chức triển khai, hướng dẫn
thực hiện chính sách, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Chính phủ, cơ quan Quốc
hội và các địa phương.
Trong thời gian tới, việc triển khai chính sách cần
đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Thứ nhất, bảo đảm thực hiện chính sách
đúng theo tinh thần của Nghị định 116 về thu hút cán bộ, công chức, viên chức
và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang về công tác tại vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ ở những
vùng này.
- Thứ hai, các tiêu chí về đối tượng, địa
bàn cần được xây dựng phù hợp, tiến hành rà soát, xác định chính xác địa bàn thực
sự cần được hưởng chính sách ưu đãi về thu hút cán bộ để bảo đảm tính hợp lý,
công bằng và sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm ngân sách của nhà nước.
- Thứ ba, các bộ ngành cần thống nhất các
văn bản tham chiếu chính sách vào một văn bản để địa phương dễ triển khai thực
hiện, khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.
5. Kiến nghị của Hội đồng Dân
tộc tại phiên giải trình
5.1. Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan
của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương tăng cường giám sát thực
hiện chính sách, pháp luật nói chung, các chính sách đối với cán bộ, công chức,
viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang đến công tác ở vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
5.2. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì,
phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện về Nghị định
116 và các Nghị định liên quan (Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 và Nghị
định 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với
nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều
kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của
Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Trên cơ sở tổng kết, đánh giá các
chính sách trên, chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ ban
hành nghị định mới thay thế Nghị định 116 và tích hợp các nội dung quy định tại
các nghị định liên quan. Theo đó, cần quy định rõ vùng có điều kiện kinh tế -xã
hội đặc biệt khó khăn (xã, thôn, bản...); đối tượng thụ hưởng chính sách, chính
sách (mức phụ cấp, hỗ trợ). Cần xác định cụ thể, chính xác mức độ khó khăn từng
địa bàn để có chính sách phù hợp từng đối tượng.
5.3. Trước mắt, từng bộ ngành theo chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của mình báo cáo Chính phủ, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời
cho các địa phương để tiếp tục thực hiện Nghị định 116, giải quyết quyết dứt điểm
những vướng mắc, tồn đọng trong quá trình triển khai thực hiện trước năm 2017,
như sau.
a) Đề nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản pháp lý để
hướng dẫn địa phương tiếp tục thực hiện chính sách trong khi chưa sửa đổi Nghị
định 116. Bộ Tài chính nghiên cứu chuyển đổi nguồn chi từ việc cắt giảm chi
theo Nghị định 116 bổ sung cho nguồn chi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục
vụ cộng đồng.
b) Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp
tục rà soát chính sách và đề xuất trình Chính phủ về việc xác định địa bàn thụ
hưởng vùng bãi ngang ven biển được thụ hưởng chính sách phù hợp với điều kiện
kinh tế - xã hội của vùng.
c) Đề nghị Ủy ban Dân tộc tích cực phối hợp, tăng
cường công tác kiểm tra kịp thời phát hiện và đề xuất sửa đổi những bất cập
theo Nghị định 116 và các chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số để đảm
bảo ý nghĩa, hiệu quả của chính sách. Tiến hành rà soát chính sách và đề xuất
trình Chính phủ về việc xác định địa bàn thụ hưởng thực sự là vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
d) Đề nghị Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp
tục rà soát, tổng kết các chính sách đang thực hiện liên quan đến cán bộ, công
chức, viên chức của bộ ngành mình và đề xuất tích hợp trong một văn bản thống
nhất và thuận lợi khi triển khai thực hiện.
Kết luận này đã được thành viên Hội đồng Dân tộc
thống nhất thông qua. Hội đồng Dân tộc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi
các cơ quan liên quan./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để báo
cáo);
- Thủ tướng Chính phủ; các Phó TTCP;
- Các Ủy ban của QH và Tổng Thư ký Quốc hội;
- Các bộ, ngành liên quan và VPCP;
- Các đại biểu Quốc hội;
- Các tỉnh, TP thụ hưởng chính sách;
- Các Vụ liên quan của VPQH.
- Lưu: HC, Vụ DT.
- E-pas: 8406
|
TM. HỘI ĐỒNG
DÂN TỘC
CHỦ TỊCH
Hà Ngọc Chiến
|
1
Địa bàn thụ hưởng chính sách theo NĐ 116: Theo số liệu của UBDT có 2.333 xã (gồm
2.068 xã khu vực III, 265 xã là biên giới, ATK thuộc khu vực I và II); theo số
liệu của Bộ LĐTB & XH có 311 xã bãi ngang, hải đảo.
2
Trong 05 năm từ 2011 -2015, tổng số đối tượng được hưởng chính sách theo NĐ 116
là 1.616.326 lượt người/chính sách với tổng mức kinh phí thực hiện là 24.817 tỷ
đồng (tổng hợp của 43 tỉnh).
3
Địa bàn thụ hưởng quy định tại Nghị định 116 và hướng dẫn theo Thông tư 08 của
liên bộ, Quyết định 2405 của TTCP về danh mục các xã thực hiện chương trình 135
giai đoạn 2012-2015 và nhiều văn bản khác nhau nhưng không có sự thống nhất và điều
chỉnh kịp thời dẫn đến diện thụ hưởng chính sách lớn và chưa hợp lý.
4
NĐ số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của CP về Chính sách đối với nhà giáo, cán bộ
quản lý giáo dục ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK; NĐ số
64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của CP về chính sách đối với cán bộ, viên chức ngành
y tế công tác ở vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK và một số văn bản qui định khác.
5
Tính riêng khối cán bộ công chức 1 xã của tỉnh Hòa Bình, trung bình được hưởng
phụ cấp thu hút là 1.288.138.935 đồng/năm. Hay tại xã Hoằng Phụ huyện Hoằng
Hóa, tỉnh Thanh Hóa), năm 2015 chi phụ cấp thu hút là 3.757,486 triệu đồng cho
3 khối CBCC, giáo viên và nhân viên y tế cấp xã (với 115 người). Số kinh phí
này gấp 3,7 lần số tiền chi đầu tư cơ sở hạ tầng 1 xã/năm, trong khi các xã này
không có nguồn lực để đầu tư phát triển để xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông
thôn mới