BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1563/KH-TCHQ
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 03 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ
KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ CỦA HẢI QUAN VIỆT NAM
Từ trước đến nay, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều
văn bản quy định các nội dung liên quan đến tác phong, lề lối làm việc, văn hóa
ứng xử, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ của công chức, viên chức hải
quan.Tuy nhiên, do nhận thức và trách nhiệm của một số công chức, viên chức và
người lao động ở một số đơn vị (trong đó có cả công chức lãnh đạo các cấp) còn
yếu kém, chấp hành kỷ luật, kỷ cương không nghiêm túc như chậm trễ trong xử lý
công việc; vi phạm quy định về hội họp, cử người không đúng thành phần, không
đúng thời gian; vi phạm quy định về mang mặc trang, chế phục khi thực thi công
vụ; vi phạm quy định về thời giờ làm việc theo quy định; có những biểu hiện ứng
xử không đúng chuẩn mực..., có trường hợp còn gây phiền hà, sách nhiễu, gây bức
xúc dư luận, bức xúc cho lãnh đạo cấp trên, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của
ngành Hải quan.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục một số tồn tại
nêu trên, cùng với việc chuẩn hóa, hệ thống lại, cập nhật, bổ sung thêm một số
quy định về hoạt động công vụ cho phù hợp với yêu cầu quản lý cán bộ của Ngành
trong tình hình mới.
Ngày 02/02/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
đã ký Quyết định số 188/QĐ-TCHQ về việc ban hành Quy chế hoạt động công vụ của
Hải quan Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quy chế công vụ) quy định các nội
dung, nguyên tắc, trách nhiệm trong hoạt động công vụ của các đơn vị và cá nhân
trong ngành Hải quan. Đây là những quy định làm cơ sở để các đơn vị, cá nhân
trong Ngành thực hiện, tuân thủ và cũng là tiêu chí kiểm tra, đánh giá công chức.
Nhằm nâng cao hiệu quả và tính thực thi của quy chế, Tổng cục Hải quan xây dựng
Kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm Quy chế như
sau:
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1- Mục đích:
a) Bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc các quy định tại
Quy chế công vụ.
b) Chủ động tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh
tra, giám sát đột xuất việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và việc thực
hiện Quy chế công vụ của công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị để
phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm.
c) Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức hải quan
trong sạch vững mạnh, chính quy, hiện đại, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành
chính trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
2. Yêu cầu:
a) Mỗi công chức, viên chức và người lao động trong
đơn vị hiểu, nắm vững và thực hiện tốt các nội dung quy định trong Quy chế công
vụ.
b) Xử lý nghiêm khắc, kịp thời các vi phạm Quy chế
công vụ của công chức, viên chức và người lao động theo các quy định của pháp
luật và của Ngành. Đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và cấp
phó của người đứng đầu đơn vị có công chức, viên chức và người lao động vi phạm.
II- NỘI DUNG THỰC HIỆN:
1. Tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện Quy
chế:
1.1. Công tác phổ biến, quán triệt:
a) Thủ trưởng đơn vị hải quan các cấp trong ngành Hải
quan có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Quy chế công vụ
và Kế hoạch này đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị
để mỗi cá nhân trong đơn vị phải hiểu, nắm vững các quy định trong Quy chế công
vụ, nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của từng cá nhân
trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của Ngành, tích cực đấu tranh với các
hành vi sai trái, tiêu cực trong hoạt động công vụ.
Thời gian thực hiện: thực hiện đến hết ngày
15/4/2017.
b) Đưa việc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số
26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ
cương trong các cơ quan hành chính các cấp, Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày
07/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành
chính trong thi hành công vụ và Quy chế công vụ thành nội dung thường xuyên của
mỗi kỳ họp, sinh hoạt của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong đơn vị.
c) Trường Hải quan Việt Nam triển khai đưa việc phổ
biến, quán triệt, tập huấn các văn bản về kỷ luật, kỷ cương hành chính của Nhà
nước, của Bộ Tài chính, của Tổng cục Hải quan và Quy chế công vụ vào nội dung, chương
trình của các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức hải quan tại Trường
với thời điểm, thời lượng phù hợp.
1.2. Triển khai thực hiện:
a) Việc tổ chức thực hiện các nội dung của Quy chế
công vụ được làm thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao tính tự giác, tạo thành nề
nếp, thói quen thực hiện của từng cá nhân, đơn vị trong toàn ngành Hải quan. Việc
kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế công vụ và tình hình chấp hành kỷ
luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ của công chức, viên chức và
người lao động là một trong những nội dung của các cuộc họp giao ban hàng tuần,
tháng từ cấp Đội (tổ) thuộc Chi cục cho đến cấp Tổng cục. Nội dung kiểm điểm,
đánh giá phải được phản ánh đầy đủ trong sổ giao ban, kết luận giao ban của đơn
vị.
b) Lãnh đạo đơn vị hải quan các cấp, đặc biệt là
người đứng đầu đơn vị phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp chỉ đạo thực hiện
Quy chế công vụ trong phạm vi đơn vị mình được giao phụ trách. Tạo điều kiện và
khuyến khích công chức, viên chức và người lao động phát hiện các hành vi vi phạm
trong hoạt động công vụ.
c) Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu đơn vị
có công chức, viên chức và người lao động vi phạm do không chủ động kiểm tra,
phát hiện, xử lý, đặc biệt là những trường hợp người đứng đầu đơn vị có dấu hiệu
thông đồng, bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Đối với những đơn vị thường xuyên có công chức,
viên chức và người lao động vi phạm các quy định của Quy chế công vụ cần xem
xét điều chuyển ngay, bố trí công việc khác đối với người đứng đầu đơn vị và cấp
phó người đứng đầu được giao phụ trách. Nếu cần thiết sẽ xem xét miễn nhiệm chức
vụ do năng lực yếu kém trong quản lý, điều hành đơn vị.
đ) Chủ động tăng cường công tác kiểm tra nội bộ
theo từng cấp của tổ chức bộ máy của Hải quan để phòng ngừa, ngăn chặn các hành
vi vi phạm, tiêu cực của công chức, viên chức hải quan trong hoạt động công vụ
tại đơn vị. Phát huy vai trò của Ban thanh tra nhân dân, tổ chức đoàn thể quần
chúng trong việc vận động thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế
công vụ.
e) Mỗi công chức, viên chức phải đề cao trách nhiệm
cá nhân và thường xuyên, nghiêm túc trong việc nghiên cứu, thực hiện Quy chế và
các văn bản của cấp trên về kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ. Luôn tự
rà soát, kiểm điểm bản thân trong việc tuân thủ Quy chế công vụ khi thực thi
nhiệm vụ để tự uốn nắn, khắc phục kịp thời các hành vi, chuẩn mực đạo đức, văn
hóa xử sự không đúng quy định khi thi hành công vụ.
g) Các trường hợp vi phạm Quy chế công vụ và các quy
định khác của nhà nước, của Bộ Tài chính liên quan đến công vụ, hoạt động công
vụ phải xử lý nghiêm khắc, tùy theo mức độ và hậu quả của vi phạm sẽ bị xem xét
xử lý kỷ luật có thể đến mức buộc thôi việc theo quy định hiện hành.
Nếu chưa đến mức bị kỷ luật thì sẽ bị đánh giá phân
loại công chức thấp hơn một mức được phân loại trong năm công tác và không xem
xét bất cứ hình thức thi đua, khen thưởng nào trong năm đó. Đơn vị trực tiếp quản
lý công chức, viên chức và người lao động vi phạm cũng sẽ bị hạ một mức phân loại,
thi đua trong năm.
2. Tổ chức kiểm tra việc thực
hiện Quy chế công vụ.
2.1. Kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Quy
chế công vụ tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục:
Hình thức kiểm tra: kết hợp, gắn nội dung kiểm
tra tổ chức thực hiện Quy chế công vụ với các nội dung kiểm tra về công tác tổ
chức cán bộ hàng năm của Tổng cục
Thời gian kiểm tra: theo kế hoạch kiểm tra về
công tác tổ chức cán bộ của Tổng cục.
2.2. Kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện
của công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng
cục:
a) Tại khối cơ quan Tổng cục: thành lập các
đoàn kiểm tra đột xuất việc thực hiện Quy chế công vụ của công chức, viên chức
và người lao động tại các đơn vị thuộc khối cơ quan Tổng cục (kể cả đơn vị có
nơi làm việc ngoài trụ sở Tổng cục).
Thời gian kiểm tra: theo từng Quý hàng năm
hoặc đột xuất theo yêu cầu quản lý, đánh giá của lãnh đạo Tổng cục.
b) Tại các Cục Hải quan địa phương: thành lập
các Tổ kiểm tra đột xuất hoặc thường xuyên để kiểm tra việc thực hiện Quy chế
công vụ của công chức và người lao động tại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Thời gian kiểm tra theo yêu cầu quản lý và đánh giá
tình hình tuân thủ Quy chế công vụ tại đơn vị.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Tại Tổng cục Hải quan.
a) Tổng cục Hải quan thành lập các đoàn kiểm tra về
công tác cán bộ do Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì để triển khai Kế hoạch của Tổng cục.
Nội dung và kế hoạch cụ thể đối với từng đơn vị, sẽ được thông báo khi Tổng cục
ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra.
b) Thủ trưởng các đơn vị thuộc khối cơ quan Tổng cục
có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế công vụ tại
đơn vị mình. Kịp thời nhắc nhở hoặc có biện pháp xử lý để kịp thời chấn chỉnh
các sai phạm của công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản
lý của đơn vị.
c) Giao Văn phòng Tổng cục chủ trì, phối hợp Vụ Tổ
chức cán bộ, Vụ Thanh tra - kiểm tra và Công đoàn cơ quan Tổng cục (Ban Thanh
tra nhân dân) tổ chức kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ hàng tháng việc chấp hành
của công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị khối cơ quan Tổng cục.
Kết quả kiểm tra gửi về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp
và nghiên cứu, đề xuất xử lý vi phạm (nếu có) báo cáo lãnh đạo Tổng cục.
2. Tại các Cục Hải quan địa
phương.
Giao Cục trưởng các Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
- Xây dựng Kế hoạch triển khai và tự kiểm tra thực
hiện Quy chế công vụ tại đơn vị mình và gửi về Tổng cục (qua Vụ Tổ chức cán bộ)
trước ngày 31/3/2017.
- Thành lập Tổ kiểm tra để kiểm tra theo Kế hoạch của
đơn vị. Kịp thời xem xét, xử lý các vi phạm theo phân cấp quản lý cán bộ (nếu
có).
- Định kỳ vào dịp sơ kết 6 tháng đầu năm và tổng kết
hàng năm, đơn vị báo cáo đánh giá kết quả, tình hình thực hiện Quy chế công vụ
kết hợp với Báo cáo kết quả công tác của đơn vị.
- Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện và kết quả tự kiểm
tra của đơn vị theo đúng thời hạn là một trong những tiêu chí phân loại, đánh
giá thi đua của đơn vị.
Tổng cục thông báo để các đơn vị biết, triển khai
thực hiện./.
Nơi nhận
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục
(để thực hiện);
- Lãnh đạo Tổng cục;
- Đảng ủy cơ quan Tổng cục;
- Công đoàn cơ quan Tổng cục;
- Lưu: VT, TCCB (3b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Dương Thái
|