HỘI ĐỒNG THI
ĐUA -
KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 13/KH-HĐTĐKT
|
Hà Nội, ngày 03
tháng 06 năm 2014
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THI
ĐUA VÀ HỘI NGHỊ ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC
TOÀN QUỐC LẦN THỨ IX
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm
2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Tiếp theo các kỳ Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua
toàn quốc và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
Trung ương xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại
hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp, tiến tới Đại hội Thi đua
yêu nước toàn quốc lần thứ IX như sau:
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
1. Đánh giá kết quả và tác dụng của phong trào thi
đua yêu nước từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay đối
với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của
đất nước; những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đồng thời đề ra phương hướng,
nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong những năm
tới.
2. Biểu dương thành quả chung của các phong trào
thi đua yêu nước, các tập thể, cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc,
các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các ngành, các cấp, các lĩnh
vực, các tổ chức kinh tế, các tầng lớp nhân dân, dân tộc... Qua đó khơi dậy, cổ
vũ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ nội
lực, tạo động lực cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã
hội ở từng ngành, từng cấp, từng địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ XI và Kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo.
3. Thông qua Đại hội khẳng định các bài học kinh
nghiệm về tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, kinh nghiệm về xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên
tiến, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua và công tác thi đua
khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị và thực hiện tốt
các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
4. Tổ chức Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình
tiên tiến đảm bảo trang trọng, thiết thực, thực hành tiết kiệm, tránh phô
trương, hình thức.
II. NỘI DUNG VÀ CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Những nội dung tập trung chỉ đạo từ nay đến
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX
a) Phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn
Đảng, toàn dân gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,
nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và mục
tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015:
“Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái
cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh; Bảo
đảm phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân; Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế;
Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an
ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ
bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Các bộ, ngành, địa phương
cần có kế hoạch, biện pháp thi đua cụ thể, góp phần lập thành tích thiết thực
hướng tới kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 40 năm giải phóng
miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, 125
năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; chào mừng Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và những ngày kỷ niệm lớn trong năm 2014 và 2015.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng về thi
đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng,
pháp luật của nhà nước về thi đua khen thưởng. Các cơ quan thông tin truyền
thông tập trung tuyên truyền về Đại hội thi đua, biểu dương ghi nhận những
thành quả của phong trào thi đua yêu nước trên tất cả những lĩnh vực của đời
sống xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước; mở rộng nhiều hình thức tuyên
truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới, gương người tốt,
việc tốt, tạo không khí sôi nổi, chào mừng các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2014
và 2015, chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
c) Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Luật
thi đua, khen thưởng và những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật thi đua, khen thưởng; nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm
chấp hành tốt các quy định của pháp luật về
thi đua, khen thưởng. Tập trung nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp
luật về thi đua, khen thưởng, tạo hành lang pháp lý để công tác thi đua, khen
thưởng thực sự là động lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và ngày càng đi
vào cuộc sống.
d) Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm đã được tổng kết, cần tiến hành việc phổ biến, giới
thiệu học tập, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Bên cạnh việc chăm lo, bồi
dưỡng các điển hình đã có, cần chú trọng việc phát hiện các điển hình và nhân
tố mới thực sự tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, được quần
chúng, tập thể suy tôn để có kế hoạch bồi dưỡng và đề nghị các hình thức khen
thưởng phù hợp, xứng đáng.
2. Hình thức, thời
gian tổ chức Đại hội thi đua hoặc Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp
a) Đối với quận,
huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; cấp cơ sở,
công ty, tổng công ty thuộc tỉnh, bộ,
ngành:
- Hình thức tổ chức: “Hội nghị điển hình tiên tiến”
hoặc “Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt”, “Hội nghị biểu dương những
người lao động giỏi, lao động sáng tạo”...
- Thành phần: Các điển hình tiên tiến và đại diện
các tập thể tiên tiến.
- Thời gian tổ chức: 1/2 ngày.
b) Đối với các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương,
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà
nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:
- Hình thức tổ chức: Đại hội Thi đua hoặc Hội nghị
biểu dương các điển hình tiên tiến.
- Thành phần và số lượng đại biểu: Do Thường trực
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương xem xét, đề xuất với lãnh đạo chính quyền để ấn định
số lượng đại biểu cho phù hợp với điều
kiện cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, bao gồm các Anh hùng, đại diện các
tập thể Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến, đảm bảo tính
cân đối hợp lý về số lượng, cơ cấu đại
diện cho các ngành, các cấp, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, dân tộc, tôn
giáo, đại biểu là nữ, đại biểu trẻ tuổi, chú trọng đến các đại biểu là người
lao động trực tiếp...
- Thời gian tổ chức: 01 ngày.
c) Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX sẽ
tiến hành vào quý IV năm 2015 (có kế hoạch cụ thể riêng).
3. Nội dung Đại hội
- Khai mạc Đại hội.
- Báo cáo đánh giá, biểu dương phong trào thi đua
yêu nước của bộ, ngành, địa phương, đơn vị; đây là nội dung quan trọng cần được
chuẩn bị công phu, đảm bảo chất lượng, bám sát mục đích, yêu cầu của Đại hội đề
ra (theo phần I của Kế hoạch này). Báo cáo phải nêu được những nét mới, sáng
tạo, những phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành nhiệm
vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
- Báo cáo tham luận của các điển hình tiên tiến
(tập thể và cá nhân).
- Tổ chức các hoạt động giao lưu với các điển hình
tiên tiến.
- Biểu dương, tôn vinh các điển hình.
- Tổng kết, phát động thi đua và bế mạc.
Căn cứ vào các nội dung, yêu cầu nêu trên, các bộ,
ngành, địa phương, đơn vị có thể tổ chức các hình thức đa dạng, phong phú, sáng
tạo, phù hợp, nhằm tôn vinh, biểu dương
các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của bộ, ngành, địa phương mình (như giao lưu trực tiếp với các điển hình, dùng các hình ảnh, phim tư
liệu để minh họa…).
4. Tiến trình tổ chức Đại hội Thi đua hoặc Hội
nghị điển hình tiên tiến các cấp
Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các
cấp được tiến hành từ cấp cơ sở theo tiến độ cụ thể như sau:
a) Hội nghị điển hình tiên tiến cấp cơ sở và cấp
trên trực tiếp cơ sở trong quý I năm 2015.
b) Đại hội Thi đua cấp Bộ, ban, ngành, đoàn thể
trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương trong quý II và quý III năm 2015.
c) Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX
vào quý IV năm 2015.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ kế hoạch này, Bộ, ban, ngành, đoàn thể
trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kế hoạch cụ thể để triển
khai thực hiện. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ tổ chức chỉ đạo điểm ở một số Bộ, ngành và địa phương
để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.
2. Quá trình triển khai và chuẩn bị Đại hội, định
kỳ báo cáo Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương để theo dõi và
phối hợp giải quyết những vấn đề vướng
mắc.
3. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hướng dẫn
tổ chức thực hiện Kế hoạch này./.
Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư TW (để báo
cáo);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc
TW;
- Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước;
- Các đ/c thành viên HĐ TĐKT Trung ương;
- Lưu: VT, Vụ I.
|
TM. HỘI ĐỒNG
PHÓ CHỦ TỊCH THỨ NHẤT
Nguyễn Thị Doan
|