ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1022/KH-UBND
|
Nghệ An, ngày 19
tháng 12 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
SẮP XẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY KHỐI CHÍNH QUYỀN TỈNH NGHỆ
AN
Thực hiện Kế hoạch số
04-KH/BCĐ ngày 13/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một
số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh
gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (viết tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương);
Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương; Thông báo kết
luận số 134/TB-BCĐTKNQ18 ngày 03/12/2024 của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực
hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 của
Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Công văn
số 24/CV- BCĐTKNQ18 ngày 18/12/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc định
hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Công văn số 7968/BNV-CCVC ngày 08/12/2024 của
Bộ Nội vụ về việc định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công
chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi thực hiện
sắp xếp bộ máy hành chính; Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 13/12/2024 của Ban Chỉ
đạo tỉnh Nghệ An về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và định hướng sắp
xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An tinh gọn, hoạt động hiệu
lực, hiệu quả; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch về sắp xếp, tinh gọn tổ
chức bộ máy khối chính quyền tỉnh Nghệ An, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU,
NGUYÊN TẮC
1. Mục đích
- Sắp xếp, tinh gọn tổ
chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố, thị xã (viết tắt là UBND cấp huyện) thống nhất với sắp
xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất,
liên thông trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến cấp
huyện; đồng thời, thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên
chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, có số
lượng cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng
cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới.
- Tiếp tục hoàn thiện
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy khối chính
quyền bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý
các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện quản lý đa ngành, đa
lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
UBND tỉnh, UBND cấp huyện được Hiến pháp quy định nhằm xây dựng khối chính
quyền dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh
bạch, phục vụ Nhân dân, tăng cường sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa
phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và
hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Yêu cầu
- Quán triệt nội dung
định hướng và kế hoạch, tiến độ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy khối chính
quyền theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban Thường
vụ Tỉnh ủy.
- Chú trọng công tác
tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp, đề xuất
phương án kiện toàn tổ chức bộ máy. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, kịp
thời quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
- Xây dựng phương án, đề
án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy,
cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm
quyền; bảo đảm việc sắp xếp không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm
vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, không bỏ sót địa bàn, lĩnh vực, nâng
cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến phục
vụ người dân và doanh nghiệp.
- Tạm dừng: Việc tiếp
nhận, tuyển dụng, luân chuyển công chức, viên chức, hợp đồng lao động theo Nghị
định số 111/2022/NĐ-CP (trừ giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ
thông và nhân viên y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh) trong tất cả các cơ
quan, đơn vị; việc giới thiệu bổ nhiệm người giữ chức vụ cao hơn trong tất cả
các cơ quan, đơn vị; việc bổ nhiệm lại cán bộ, công chức, viên chức trong các
cơ quan đơn vị thuộc diện sáp nhập, hợp nhất, giải thể (trường hợp đặc biệt do
cấp có thẩm quyền quyết định). Việc tạm dừng được thực hiện từ ngày 01/12/2024
cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế để giải
quyết việc điều chuyển, sắp xếp, bố trí (thừa, thiếu) giữa các cơ quan, đơn vị.
- Tên gọi của các cơ
quan, đơn vị sau khi hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp phải bảo đảm tính kế thừa, bao
quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của ngành, lĩnh vực (trên cơ sở thống nhất
với tên gọi của các bộ, ngành Trung ương sau hợp nhất).
3. Nguyên tắc
- Bám sát định hướng sắp
xếp theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban
Chỉ đạo tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức
bộ máy.
- Tổ chức hợp lý các cơ
quan chuyên môn để quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện nguyên tắc một cơ
quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực
hiện và chịu trách nhiệm chính; thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm
tối thiểu 15% đầu mối tổ chức bên trong của tất cả các Sở, ngành (không bao
gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ
khi thực hiện phương án hợp nhất các sở, ngành) theo đúng định hướng của Trung
ương. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của khối chính
quyền sau khi được sắp xếp, tinh gọn.
- Cơ bản kết thúc mô hình
Chi cục và tương đương trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Tổ chức
lại các Chi cục và tương đương (trừ Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Quản lý thị
trường) thành phòng chuyên môn thuộc sở, chuyển nhiệm vụ dịch vụ công (hiện do
các Chi cục đảm nhận) về đơn vị sự nghiệp công lập tương đồng.
- Đối với các tổ chức bên
trong các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện quá ít nhiệm vụ, khó bố trí biên chế
theo quy định về tiêu chuẩn thành lập phòng thì sắp xếp, sáp nhập hợp lý, phù
hợp thực tiễn.
- Việc sắp xếp, điều
chỉnh chức năng, nhiệm vụ căn cứ vào đối tượng quản lý của từng cơ quan,
đơn vị; đảm bảo tránh chồng chéo, tránh bỏ sót về chức năng nhiệm vụ giữa các
sở, ban, ngành, giữa các tổ chức bên trong của đơn vị.
- Rà soát, sắp xếp lại
chức năng quản lý nhà nước giữa các cấp, tránh chồng chéo nhưng vẫn đảm bảo
thuận lợi cho việc quản lý, hướng dẫn chuyên môn của cấp tỉnh với cấp huyện;
xóa bỏ các khâu trung gian, giảm các bộ phận phục vụ để thống nhất về một đầu
mối, sắp xếp lại các vị trí việc làm dùng chung đảm bảo tránh lãng phí biên chế.
- Đối với bộ phận chuyên
môn, nghiệp vụ: Thực hiện rà soát, đề xuất số lượng sau sắp xếp theo nguyên tắc
tinh gọn.
- Đối với các đơn vị sự
nghiệp, chi cục trực thuộc: Trước mắt thực hiện bàn giao, tiếp nhận nguyên
trạng và tiếp tục rà soát đảm bảo đối với từng nhóm dịch vụ sự nghiệp công chỉ
có một đơn vị sự nghiệp cung ứng, “kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian”.
- Sắp xếp các đơn vị sự
nghiệp công lập có cùng chức năng, nhiệm vụ để nâng cao hiệu lực, hiệu hoạt
động. Tinh giản những đơn vị sự nghiệp công lập không cần thiết, hoạt động
không có hiệu quả. Chủ động rà soát những đơn vị, dự báo được những đơn vị sẽ
chấm dứt hoạt động hoặc bị giảm nhiệm vụ trong thời gian tới.
- Việc sắp xếp, bố trí
cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải được thực hiện nghiêm túc,
thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có
nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm
vụ của từng cơ quan, đơn vị.
3.1. Đối với các Sở
thực hiện hợp nhất
- Thực hiện rà soát, tinh
gọn các phòng hỗ trợ, dùng chung sau khi hợp nhất, cụ thể: Tổ chức 01 Văn
phòng, 01 Thanh tra, 01 Phòng thực hiện chức năng Tài chính - Kế hoạch - Đầu
tư, 01 Phòng thực hiện chức năng Tổ chức cán bộ (nếu trước đây đã có tổ chức
này tại 02 Sở).
- Đối với các phòng
chuyên môn: Trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng thực hiện rà soát chức năng,
nhiệm vụ để thực hiện sắp xếp theo nguyên tắc đảm bảo không bỏ sót, không trùng
lắp chức năng, nhiệm vụ; khuyến khích tổ chức lại phòng quản lý đa nhiệm vụ, đa
lĩnh vực và đảm bảo tiêu chí tối thiểu 06 công chức.
3.2. Đối với các Sở,
ngành có bàn giao và tiếp nhận một phần chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện rà soát chuyển bộ phận chuyên môn tương ứng với
chức năng, nhiệm vụ và chuyển một phần các bộ phận hỗ trợ, dùng chung tương ứng
với khối lượng nhiệm vụ chuyên môn được điều chuyển.
4. Nhiệm vụ
Một số nhiệm vụ chung cần
tập trung triển khai tại các cơ quan, địa phương, đơn vị:
- Tiến hành rà soát tất
cả các hoạt động của các Ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại
những Ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
- Sắp xếp tổ chức bộ máy
gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Chủ động phối hợp với
các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định quy định về chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của của cơ quan mình để trình cấp có thẩm
quyền ban hành ngay sau khi có hướng dẫn thống nhất của Chính phủ, bảo đảm các
điều kiện tiến hành đại hội đảng bộ các cấp.
- Đề xuất và giải quyết
chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ
thống chính trị.
- Hướng dẫn xử lý tài
chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý dự án đầu tư công...
trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
II. ĐỊNH HƯỚNG SẮP
XẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY KHỐI CHÍNH QUYỀN
1. Đối với các cơ quan
chuyên môn thuộc UBND tỉnh
Duy trì 04 cơ quan (có
sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh; Sở Tư pháp; Thanh tra tỉnh; Sở Ngoại vụ.
1.1. Định hướng cơ
cấu, sắp xếp và hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tương ứng với
sắp xếp các Bộ ở Trung ương như sau:
(1) Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính
a) Về tên gọi của Sở sau
hợp nhất: Sở Kinh tế - Tài chính
b) Về chức năng, nhiệm
vụ: Sở Kinh tế - Tài chính tiếp nhận nguyên trạng chức năng,
nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
Giao Sở Tài chính cùng
với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Đề án sắp xếp và hợp nhất.
(2) Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng
a) Về tên gọi của Sở sau
hợp nhất: Sở Xây dựng và Giao thông
b) Về chức năng, nhiệm
vụ: Sở Xây dựng và Giao thông tiếp nhận nguyên trạng chức năng,
nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
Giao Sở Giao thông vận
tải cùng với Sở Xây dựng tham mưu Đề án sắp xếp và hợp nhất.
(3) Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
a) Về tên gọi của Sở sau
hợp nhất: Sở Nông nghiệp và Môi trường.
b) Về chức năng, nhiệm
vụ: Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận nguyên trạng chức
năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
Giao Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn cùng với Sở Tài nguyên và môi trường tham mưu Đề án sắp
xếp và hợp nhất.
(4) Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và
Công nghệ
a) Về tên gọi của Sở sau
hợp nhất: Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông
b) Về chức năng, nhiệm
vụ: Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông tiếp nhận nguyên trạng
chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
Giao Sở Khoa học và Công
nghệ cùng với Sở Thông tin và truyền thông tham mưu Đề án sắp xếp và hợp nhất.
(5) Hợp nhất Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch.
a) Về tên gọi của Sở sau
hợp nhất: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
b) Về chức năng, nhiệm
vụ: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận nguyên trạng chức năng,
nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất.
Giao Sở Văn hóa và Thể
thao cùng với Sở Du lịch tham mưu Đề án sắp xếp và hợp nhất.
(6) Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ
a) Về tên gọi của Sở sau
hợp nhất: Sở Nội vụ và Lao động.
b) Về chức năng, nhiệm
vụ: Sở Nội vụ và Lao động thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ và tiếp nhận chức
năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ
sinh lao động; bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới.
Giao Sở Nội vụ cùng với
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Đề án sắp xếp và hợp nhất (sau
khi chuyển một số chức năng, nhiệm vụ sang Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Ban
Dân tộc); đồng thời, phối hợp với Ban Dân tộc để chuyển chức năng, nhiệm
vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ về Ban Dân tộc.
1.2. Điều chuyển và
tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh
như sau:
(1) Ban Dân tộc: Tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu
quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ
tham mưu về công tác giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
đổi tên thành Ban Dân tộc - Tôn giáo.
Giao Ban Dân tộc cùng với
Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Đề án sắp xếp, tiếp
nhận.
(2) Sở Y tế: Tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu
quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội;
quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định từ Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội chuyển sang; phối hợp cùng với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu tiếp
nhận nhiệm vụ theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ của tỉnh (sau khi kết thúc hoạt
động của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ).
Giao Sở Y tế cùng với Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Đề án sắp xếp, tiếp nhận.
(3) Sở Giáo dục và
Đào tạo: Tiếp nhận chức năng, nhiệm
vụ, tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Giao Sở Giáo dục và Đào
tạo cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Đề án sắp xếp, tiếp
nhận.
(4) Sở Công Thương: Tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương
từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công
Thương.
Giao Sở Công Thương phối
hợp cùng với Bộ Công Thương tham mưu Đề án sắp xếp, tiếp nhận.
2. Đối với các cơ quan
chuyên môn thuộc UBND cấp huyện
2.1. Duy trì 04 Phòng chuyên môn, gồm: Phòng Tư pháp; Phòng Tài
chính - Kế hoạch; Thanh tra huyện (thành phố, thị xã); Văn phòng Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện (trừ các địa phương đã sáp nhập Phòng Y
tế vào Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện).
2.2. Định hướng cơ
cấu, sắp xếp, tổ chức lại các Phòng chuyên môn khác
(1) Hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và
Phòng Nội vụ
a) Về tên gọi của Phòng
sau hợp nhất: Phòng Nội vụ và Lao động.
b) Về chức năng, nhiệm
vụ: Phòng Nội vụ và Lao động tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng
Nội vụ và chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm;
người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới từ Phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
(2) Thành lập Phòng
Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị trên cơ sở
tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, giao
thông, công thương trên địa bàn cấp huyện từ Phòng Kinh tế và Phòng
Quản lý đô thị (tại thành phố, thị xã), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện)
hiện nay.
(3) Thành lập Phòng
Văn hóa, Khoa học và Thông tin trên cơ
sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước của Phòng Văn
hóa - Thông tin và chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước
về khoa học và công nghệ từ Phòng Kinh tế (tại thành phố, thị xã),
Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay trên địa bàn các huyện,
thành phố, thị xã.
(4) Thành lập Phòng
Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở
tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước của Phòng Tài
nguyên và Môi trường và chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà
nước của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại huyện) và
chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển
nông thôn từ Phòng Kinh tế (tại thành phố, thị xã) hiện nay
trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.
(5) Phòng Y tế: Thực hiện sắp xếp phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa
phương như sau:
a) Đối với các địa phương
đang có Phòng Y tế: Tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước
về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
b) Đối với các địa phương
đã sáp nhập Phòng Y tế vào Văn phòng Hội đồng nhân dân và
Ủy ban nhân dân cấp huyện: căn cứ tình hình, đặc điểm tại địa phương để
quyết định giao Văn phòng tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý
nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội
từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay hoặc thành lập
Phòng Y tế để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và tiếp nhận
chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và
phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
hiện nay.
(6) Phòng Giáo dục
và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm
vụ tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Phòng Lao
động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
(7) Phòng Dân tộc: Tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về tôn
giáo từ Phòng Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội, đổi tên thành Phòng Dân tộc -
Tôn giáo.
Trường hợp không thành
lập Phòng Dân tộc thì chuyển chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý
nhà nước về công tác dân tộc về Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân cấp huyện thực hiện; chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý
nhà nước về tôn giáo, giảm nghèo tiếp tục giao Phòng Nội vụ và Lao
động quản lý hoặc chuyển về Văn phòng Hội đồng nhân dân và
Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.
3. Đối với đơn vị sự
nghiệp công lập
Tiếp tục sắp xếp, kiện
toàn đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW ngày
25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính
phủ; Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về việc thực hiện
Nghị quyết số 19/NQ-TW; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP; Kế hoạch số 111-KH/TU ngày
02/01/2018 và Đề án số 09- ĐA/TU. Tập trung rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp,
kiện toàn lại hệ thống đơn vị sự nghiệp tại các địa phương, đơn vị giai đoạn
2022-2025, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đảm bảo đến năm 2025, giảm 10%
đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách
nhà nước so với năm 2021. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân
sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2015-2021.
Đối với cơ sở giáo dục
nghề nghiệp: Rà soát, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể
các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại các đơn vị
sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh theo hướng về cơ bản chỉ
còn một đầu mối đào tạo nghề công lập.
3.1. Đối với đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh
Kết thúc hoạt động của
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An. Chuyển chức năng,
nhiệm vụ xúc tiến đầu tư về Trung tâm Hỗ trợ tư vấn tài chính Nghệ An và
tổ chức lại thành Trung tâm Dịch vụ công ngành Tài chính và Đầu tư phát triển
thuộc Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau hợp nhất); chuyển chức năng,
nhiệm vụ xúc tiến thương mại về Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Phát triển Công
Thương Nghệ An thuộc Sở Công Thương; chuyển chức năng, nhiệm vụ xúc tiến du
lịch về Ban quản lý di tích và tổ chức lại thành Trung tâm bảo tồn di sản và
phát triển Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau hợp nhất).
(1) Sở Công Thương: Tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ xúc tiến thương mại về Trung
tâm Hỗ trợ và Tư vấn Phát triển Công Thương Nghệ An.
Giao Sở Công Thương chủ
động phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch xây dựng Đề
án sắp xếp, tiếp nhận.
(2) Sở Văn hóa và
Thể thao: Tiếp nhận chức năng, nhiệm
vụ xúc tiến du lịch về Ban quản lý di tích Nghệ An và tham mưu xây dựng Đề án
tổ chức lại thành Trung tâm bảo tồn di sản và phát triển Du lịch thuộc Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch (sau hợp nhất).
Giao Sở Văn hóa, Thể thao
chủ động phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch xây dựng
Đề án sắp xếp, tiếp nhận.
(3) Sở Tài chính: Tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ xúc tiến đầu tư về Trung tâm
Hỗ trợ tư vấn tài chính Nghệ An và tổ chức lại Trung tâm Hỗ trợ tư vấn tài
chính thành Trung tâm Dịch vụ công ngành Tài chính và Đầu tư phát triển thuộc
Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau hợp nhất).
Giao Sở Tài chính chủ
động phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch xây dựng Đề
án sắp xếp, tiếp nhận.
(4) Các đơn vị sự nghiệp
công lập còn lại chủ động rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong đảm bảo theo đúng
quy định.
3.2. Đối với đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện
Các sở, ban, ngành; UBND
các huyện, thành phố, thị xã chủ động rà soát, xây dựng phương án giải thể, sáp
nhập, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công các đồng
chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh
a) Đối với các sở, ngành
thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập: Căn cứ chức trách, nhiệm vụ được giao,
chủ trì, trực tiếp chỉ đạo sắp xếp hợp nhất, sáp nhập các sở, ngành, tổ chức
bên trong của các sở, ngành theo chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh
ủy, bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch và tiến độ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo
Trung ương và Ban Chỉ đạo tỉnh. Đối với sở, ngành thực hiện hợp nhất, có nhiều
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ngành, lĩnh vực thì việc chủ trì, chỉ đạo sắp
xếp hợp nhất do Chủ tịch UBND tỉnh phân công.
b) Đối với các sở, ngành,
cơ quan, đơn vị còn lại: Trực tiếp chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh đối với các
sở, ngành, cơ quan, đơn vị được giao theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành theo
kế hoạch và tiến độ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của
Tỉnh ủy.
2. Giao Giám đốc Sở
Nội vụ
a) Chủ trì, hướng dẫn,
đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong khối chính quyền tỉnh Nghệ An hoàn thành Đề
án sắp xếp, tinh gọn theo quy định, đảm bảo tiến độ chung theo kế hoạch và yêu
cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp,
hoàn thiện tham mưu Đề án tổng thể sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy khối chính
quyền tỉnh Nghệ An và các nội dung khác có liên quan; tham mưu UBND tỉnh báo
cáo Ban Chỉ đạo tỉnh đúng thời gian yêu cầu tại Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày
13/12/2024 của Ban Chỉ đạo tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
c) Tổng hợp báo cáo kết
quả việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện, bảo đảm
đồng bộ với việc hoàn thành sắp xếp tinh gọn bộ máy; tham mưu UBND tỉnh gửi báo
cáo về Bộ Nội vụ trước ngày 28/02/2025.
d) Tham mưu, xây dựng
nghị quyết báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ chế độ,
chính sách để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao
động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
3. Giao Giám đốc các
cơ quan chuyên môn, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh
a) Chịu trách nhiệm chỉ
đạo để hoàn thành Đề án sắp xếp, tinh gọn của cơ quan, đơn vị mình theo đúng
nội dung và thời gian quy định.
b) Chỉ đạo, chủ động xây
dựng phương án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; sắp xếp lại các tổ
chức bên trong của cơ quan, đơn vị trực thuộc.
c) Đối với các cơ quan,
đơn vị thực hiện phương án hợp nhất, yêu cầu phối hợp thành lập Tổ Chỉ đạo
chung do đại diện Lãnh đạo 02 cơ quan, đơn vị đồng chủ trì để chỉ đạo trong
việc xây dựng Đề án hợp nhất; thường xuyên báo cáo Lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách
để trực tiếp chỉ đạo.
d) Về tiến độ: Báo cáo Đề
án trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 31/12/2024.
4. Giao Chủ tịch UBND
các huyện, thành phố, thị xã
a) Trực tiếp chỉ đạo việc
sắp xếp hợp nhất, sáp nhập các phòng chuyên môn, tổ chức lại các đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện theo chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường
vụ Tỉnh ủy, bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch và tiến độ theo yêu cầu của Ban
Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo tỉnh.
b) Chỉ đạo Phòng Nội vụ
chủ trì, phối hợp với các Phòng chuyên môn xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức các
cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết
định.
c) Về tiến độ: Tổng hợp
phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 31/12/2024.
5. Thời gian thực hiện
Các cơ quan, đơn vị hoàn
thành việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp
huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trước ngày 10/02/2025 và báo cáo kết
quả về Sở Nội vụ trước ngày 15/02/2025 để tổng hợp, tham mưu Ban Chỉ đạo
tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương.
6. Chế độ báo cáo
Các sở, ban, ngành cấp
tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, đơn vị báo cáo tiến độ,
kết quả thực hiện vào 14 giờ chiều thứ sáu hàng tuần về Sở Nội vụ để
tổng hợp tiến độ thực hiện báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch sắp
xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy khối chính quyền tỉnh Nghệ An; yêu cầu Giám đốc
các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai thực hiện đảm tiến độ, chất lượng
và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo mục đích và yêu cầu đề
ra (Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị
phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, giải đáp theo quy định. Nếu có sự điều chỉnh
về nội dung và thời gian thực hiện, UBND tỉnh sẽ thông báo sau)./.
Nơi nhận:
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Ban Chỉ đạo tỉnh;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các huyện, thành, thị ủy;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh;
- Lưu: VT, TH (Hùng).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hồng Vinh
|