BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số: 975/HD-BNV
|
Hà nội, ngày 04
tháng 5 năm 2004
|
HƯỚNG DẪN BẦU CỬ
THÀNH
VIÊN UBND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2004-2009
Thực hiện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được
Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Nghị định 107/2004/NĐ-CP ngày
01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ; Bộ Nội vụ hướng dẫn bầu cử thành viên Uỷ ban
nhân dân các cấp như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1- Việc bầu cử thành viên Uỷ ban nhân dân được tiến hành bằng
cách bỏ phiếu kín theo danh sách đề cử chức vụ từng người. Thành viên Uỷ ban
nhân dân chỉ trúng cử khi có quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu tán thành.
2- Việc bầu cử và trình phê chuẩn các chức danh thành viên
UBND phải có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ
theo Quyết định số 49-QĐ/TW ngày 03-5-1999 của Bộ Chính trị và thực hiện theo sự
phân cấp quản lý cán bộ của Trung ương.
3- HĐND bầu Ban kiểm phiếu theo sự giới thiệu của Chủ toạ kỳ họp
và của các đại biểu HĐND. Đại biểu HĐND có quyền ứng cử và đề cử vào Ban kiểm
phiếu. Ban kiểm phiếu gồm: Trưởng ban, Thư ký và các Uỷ viên. Thủ tục kiểm phiếu;
cách xác định kết quả bầu cử; việc lập biên bản kết quả bầu cử thực hiện theo
quy định của pháp luật.
4- Thực hiện chủ trương bầu có số dư đối với Chủ tịch, các Phó
Chủ tịch và các Uỷ viên UBND, đại biểu HĐND có quyền ứng cử và đề cử vào các chức
danh trên của UBND. Số dư cụ thể do HĐND biểu quyết quyết định.
5- Trường hợp người được giới thiệu vào các chức danh trên xin
rút khỏi danh sách ứng cử phải được HĐND thảo luận và biểu quyết công khai trước
khi tiến hành bầu cử, nếu đa số đại biểu HĐND tán thành thì người đó được rút
khỏi danh sách ứng cử.
6- Trường hợp không có đại biểu HĐND nào tự ứng cử hoặc đề cử
thêm để bầu vào chức danh thành viên UBND, HĐND vẫn tiến hành bầu Chủ tịch UBND
theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND, bầu các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên UBND
theo giới thiệu của Chủ tịch UBND.
7- Trong nhiệm kỳ nếu khuyết chức danh thành viên UBND, khi bầu
cử bổ sung cũng được tiến hành theo quy định này.
II. BẦU CỬ THÀNH VIÊN UBND ĐẦU NHIỆM KỲ
1. Bầu Chủ tịch UBND:
1.1. Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND khoá mới bầu Chủ tịch UBND trong
số các đại biểu HĐND theo sự giới thiệu của Chủ tịch HĐND.
1.2. Đại biểu HĐND có quyền tự ứng cử và đề cử vào chức danh
Chủ tịch UBND. Người tự ứng cử và người được đề cử nhất thiết phải là đại biểu
HĐND.
2. Bầu các Phó Chủ tịch UBND:
2.1. Sau khi bầu xong chức danh Chủ tịch UBND, HĐND bầu các
Phó Chủ tịch UBND theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Chủ tịch UBND.
2.2. Đại biểu HĐND có quyền tự ứng cử và đề cử để HĐND bầu vào
chức danh Phó Chủ tịch UBND. Người tự ứng cử và người được đề cử không nhất thiết
phải là đại biểu HĐND.
3. Bầu các Uỷ viên UBND:
3.1. Sau khi bầu xong chức danh Phó Chủ tịch UBND, HĐND bầu
các Uỷ viên UBND theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Chủ tịch UBND.
3.2. Đại biểu HĐND có quyền tự ứng cử và đề cử để HĐND bầu vào
chức danh Uỷ viên UBND. Người tự ứng cử và người được đề cử không nhất thiết phải
là đại biểu HĐND.
4. Hồ sơ trình phê chuẩn:
Sau khi kết thúc kỳ họp HĐND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh
trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu cử thành viên UBND cấp tỉnh; Chủ
tịch UBND cấp huyện, cấp xã trình Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn kết
quả bầu cử thành viên UBND cấp huyện, cấp xã. Hồ sơ trình gồm:
4.1. Tờ trình của UBND đề nghị phê chuẩn kết quả bầu cử thành
viên UBND.
4.2. Nghị quyết của HĐND xác nhận kết quả bầu cử thành viên
UBND.
4.3. Biên bản kết quả bầu cử thành viên UBND.
Chủ tịch HĐND ký chứng thực các Nghị quyết và biên bản của kỳ
họp theo quy định tại Điều 50 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003.
4.4. Văn bản thông báo ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quản
lý cán bộ nêu tại mục I hướng dẫn này.
4.5. Sơ yếu lý lịch có dán ảnh và danh sách trích ngang những
người trúng cử.
Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ (01 bộ), đồng gửi Bộ Nội vụ
(01 bộ).
Hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp (01 bộ), đồng gửi
Sở Nội vụ, Phòng Tổ chức – lao động (01 bộ).
III. BẦU CỬ BỔ SUNG THÀNH VIÊN UBND
1. Trường hơp bầu cử bổ sung thành viên UBND
1.1. Trong nhiệm kỳ kỳ họp của UBND, do chưa bầu đủ số lượng,
cơ cấu thành viên UBND theo quy định tại kỳ họp thứ nhất của HĐND; hoặc do nhu
cầu điều động, luân chuyển bố trí cán bộ hoặc vì những lý do khác dẫn đến khuyết
một số thành viên, UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ; UBND cấp huyện, cấp
xã báo cáo Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp, trước khi HĐND tổ chức họp để bầu
cử bổ sung thành viên UBND theo pháp luật quy định.
1.2. Trường hợp khuyết các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch
UBND, HĐND tiến hành bầu bổ sung sau khi đã có ý kiến bằng văn bản của cơ quan
có thẩm quyền quản lý cán bộ đồng ý.
2. Trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND:
2.1. Trường hợp miễn nhiệm thành viên UBND do được điều động,
luân chuyển công tác, được nghỉ theo chế độ, hoặc vì những lý do khác, Chủ tịch
UBND báo cáo HĐND về lý do miễn nhiệm chức danh thành viên UBND. Đại biểu HĐND
thảo luận và tiến hành bỏ phiếu, nếu quả nửa tổng số đại biểu HĐND tán thành
thì HĐND ra nghị quyết miễn nhiệm chức danh thành viên UBND.
2.2. Trường hợp HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh
thành viên UBND được quy định tại Điều 65 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003,
thực hiện theo hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
2.3. Trường hợp thành viên UBND vi phạm kỷ luật đến mức phải
bãi nhiệm chức danh thành viên UBND thì UBND trình HĐND để thực hiện việc bãi
nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Trình tự bầu cử bổ sung thành viên UBND:
3.1. Tại kỳ họp HĐND, Chủ tịch UBND thay mặt UBND, trình HĐND
miễn nhiệm; bãi nhiệm thành viên UBND (nếu có) và đề nghị bầu bổ sung thành viên
UBND. Việc bầu cử bổ sung thành viên UND được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín
theo danh sách đề cử chức vụ từng người.
3.2. Trong nhiệm kỳ, nếu khuyết Chủ tịch UBND thì Chủ tịch
HĐND giới thiệu người ứng cử Chủ tịch UBND để HĐND bầu. Người được bầu giữ chức
vụ Chủ tịch UBND trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu HĐND.
3.3. Việc đại biểu HĐND thực hiện quyền đề cử và tự ứng cử các
chức danh thành viên UBND; việc bầu ban kiểm phiếu; thủ tục kiểm phiếu; cách
xác định kết quả bầu cử và biên bản kết quả bầu cử bổ sung thành viên UBND được
thực hiện như quy định tại mục I hướng dẫn này.
3.4. Việc bầu cử bổ sung; miễn nhiệm đối với các chức danh
thành viên UBND được thực hiện như quy định tại mục I hướng dẫn này. Trường hợp
thành viên UBND bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm phải có văn bản xử lý kỷ luật
của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ trình kỳ họp HĐND và kèm hồ sơ trình cấp
trên bãi nhiệm.
4. Hồ sơ trình phê chuẩn miễn nhiệm, bãi nhiệm và bầu bổ
sung thành viên UBND:
Sau khi kết thúc kỳ họp, UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính
phủ phê chuẩn kết quả bầu cử bổ sung thành viên UBND; UBND cấp huyện, cấp xã
trình Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn kết quả bầu cử bổ sung thành
viên UBND. Hồ sơ trình gồm:
4.1. Tờ trình của UBND đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm; bãi
nhiệm thành viên UBND (nếu có); trình phê chuẩn bầu cử bổ sung thành viên UBND.
4.2. Nghị quyết của HĐND cho miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên
UBND (nếu có); Nghị quyết xác nhận bầu cử bổ sung thành viên UBND.
4.3. Biên bản kết quả bầu cử bổ sung thành viên UBND.
4.4. Văn bản thông báo ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quản
lý cán bộ nêu tại mục I hướng dẫn này.
4.5. Sơ yếu lý lịch có dán ảnh và danh sách trích ngang những
người trúng cử.
4.6. Đơn đề nghị miễn nhiệm của thành viên UBND.
Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ (01 bộ), đồng gửi Bộ Nội vụ
(01 bộ).
Hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp (01 bộ), đồng gửi
Sở Nội vụ, Phòng Tổ chức – lao động (01 bộ).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hướng dẫn này thay thế Công văn số 316/TCCP-ĐP ngày
22-11-1999 của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký. Các văn bản trước đây trái với hướng dẫn này đề bị bãi
bỏ.
2. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, Chủ tịch
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về Bộ Nội vụ để kịp thời
chỉ đạo./.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Đỗ Quang Trung
|