BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2823/HD-BNV
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 05 năm 2024
|
HƯỚNG DẪN
TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC CÁC CẤP, CÁC NGÀNH TIẾN TỚI
ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI NĂM 2025
Thực hiện Kế hoạch số
01/KH-HĐTĐKT ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung
ương về việc tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, các ngành, tiến tới Đại
hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025, Bộ Nội vụ hướng dẫn một số
nội dung trong chỉ đạo tổ chức Đại hội Thi đua các cấp, các ngành như sau:
I. HÌNH THỨC,
THỜI GIAN, THÀNH PHẦN VÀ SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU
1. Hình thức
- Cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn;
công ty, tổng công ty thuộc bộ, ban, ngành, tỉnh và tương đương): Tổ chức “Hội
nghị tuyên dương điển hình tiên tiến”, “Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt”,
“Hội nghị biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo” hoặc “Đại hội
Thi đua yêu nước” (hình thức cụ thể do đơn vị lựa chọn, quyết định).
- Cấp trên cơ sở (sư đoàn và
tương đương, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng; tổng cục, cục và
tương đương thuộc bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; quận, huyện, thị xã,
thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh): Tổ chức “Đại hội Thi đua
Quyết thắng”, “Đại hội Thi đua Vì An ninh Tổ quốc”, “Đại hội Thi đua yêu nước”
hoặc “Hội nghị điển hình tiên tiến”.
- Cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể
trung ương (các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở Trung ương, tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Thủ
tướng Chính phủ quyết định thành lập; Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia
Thành phố Hồ Chí Minh): Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước.
2. Thời
gian tổ chức
- Cấp cơ sở: 01 buổi vào Quý
I/2025.
- Cấp trên cơ sở: 01 buổi vào
Quý II/2025.
- Cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể
trung ương: 01 buổi hoặc 01 ngày (tùy theo tính chất của đơn vị), vào Quý
III/2025.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
Trung ương chỉ đạo điểm Đại hội Thi đua tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,
thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào đầu Quý III/2025.
3. Thành phần,
cơ cấu và số lượng đại biểu
- Cấp cơ sở:
+ Đơn vị có dưới 300 cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động thì tổ chức Hội nghị toàn thể. Đơn vị có
trên 300 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì tổ chức Hội nghị đại
biểu nhưng số lượng không quá 200 đại biểu; số lượng đại biểu do đơn vị tổ chức
quyết định trên cơ sở đề xuất của Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.
+ Thành phần, cơ cấu: Đại biểu
khách mời; đại diện lãnh đạo các cấp, các ngành; đại diện tập thể và cá nhân
Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiến tiến tiêu biểu xuất sắc,
các điển hình tiên tiến là công nhân, nông dân, người trực tiếp sản xuất, công
tác, gương người tốt, việc tốt (đại biểu điển hình tiên tiến chiếm 70%; đại biểu
khách mời và lãnh đạo các cấp, các ngành chiếm 30%).
- Đối với cấp trên cơ sở:
+ Thành phần, cơ cấu: Đại biểu
khách mời; đại diện lãnh đạo các cấp, các ngành; đại diện tập thể và cá nhân
Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu có thành
tích xuất sắc trong sản xuất, công tác, các điển hình tiên tiến (do tập thể
lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của đơn vị cơ sở lựa chọn theo sự phân bổ
đại biểu của cấp trên); chú trọng lựa chọn cá nhân trực tiếp sản xuất, công
tác, học tập, chiến đấu, đại biểu nữ, dân tộc, đại biểu đại diện các thành phần
kinh tế (đại biểu điển hình tiên tiến chiếm 70%; đại biểu khách mời và lãnh đạo
các cấp, các ngành chiếm 30%).
+ Số lượng: Tối đa 300 đại biểu.
- Đối với bộ, ngành, tỉnh, đoàn
thể trung ương:
+ Thành phần, cơ cấu: Đại biểu
khách mời; đại diện lãnh đạo các cấp, các ngành; đại diện tập thể và cá nhân
Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gương điển hình tiên
tiến, đảm bảo tính cân đối hợp lý về số lượng, cơ cấu đại diện cho các ngành,
các cấp, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, dân tộc, tôn giáo, đại biểu là nữ,
đại biểu trẻ tuổi, chú trọng đến các đại biểu là người lao động trực tiếp, các
mô hình mới, các điển hình mới thông qua các phong trào thi đua.
+ Số lượng: Tối đa 500 đại biểu
(thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa số lượng đại
biểu có thể nhiều hơn do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, thành phố quyết định).
Nhằm cổ vũ, động viên các điển
hình tiên tiến, tạo không khí thi đua sôi nổi lập thành tích thiết thực chào mừng
Đại hội Đảng các cấp, đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương chỉ đạo
tổ chức Đại hội Thi đua vào thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng các cấp.
II. CHƯƠNG
TRÌNH, NỘI DUNG ĐẠI HỘI
1. Chương
trình:
- Chào cờ (đối với trường hợp tổ
chức Đại hội).
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại
biểu và khai mạc.
- Báo cáo tổng kết phong trào
thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua, phương hướng, nhiệm vụ công tác thi
đua, khen thưởng 5 năm tới.
- Báo cáo tham luận của các điển
hình tiên tiến (Chú trọng lựa chọn điển hình thật sự tiêu biểu có sức lan tỏa,
để lại ấn tượng tại Đại hội).
- Tổ chức các hoạt động giao
lưu với các điển hình tiên tiến.
- Biểu dương, tôn vinh, khen
thưởng các điển hình tiên tiến.
- Phát động phong trào thi đua
giai đoạn 2025 - 2030.
- Phát biểu hưởng ứng phát động
phong trào thi đua.
- Thông qua danh sách đại biểu
đi dự Đại hội cấp trên.
- Tổng kết và bế mạc.
Căn cứ nội dung, yêu cầu nêu
trên, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có thể tổ chức các hình thức đa dạng,
phong phú, sáng tạo, phù hợp, nhằm tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân điển
hình tiên tiến (như: Giao lưu trực tiếp với các điển hình, xây dựng phóng sự,
phim tư liệu để minh họa…).
2. Một số
hoạt động trước và trong dịp tổ chức Đại hội
- Đẩy mạnh tuyên truyền về tư
tưởng thi đua yêu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương đường lối của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, những điển hình
trong các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt.
- Tổ chức đối thoại, gặp gỡ giữa
lãnh đạo bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương với các điển hình tiên tiến về dự
Đại hội.
- Giao lưu các điển hình tiên
tiến trên các phương tiện truyền thông của bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương,
địa phương.
- Tổ chức các hoạt động văn
hóa, văn nghệ tuyên truyền, cổ động chào mừng.
3. Một số
nội dung trọng tâm của Đại hội
a) Báo cáo tổng kết phong trào
thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua, phương hướng, nhiệm vụ công tác thi
đua, khen thưởng 5 năm tới.
Đây là nội dung quan trọng cần
được chuẩn bị công phu, chất lượng, bám sát mục đích, yêu cầu của Đại hội. Báo
cáo phải nêu được những nét mới, sáng tạo, những phong trào thi đua thiết thực,
hiệu quả, những mô hình mới góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ
phát triển kinh tế, xã hội của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị (có
thể xây dựng phóng sự, video clip, hình ảnh để minh họa cho nội dung báo cáo).
Bố cục và nội dung chính của
báo cáo gồm:
- Phần tổng kết phong trào
thi đua yêu nước và công tác khen thưởng:
+ Đánh giá kết quả đạt được của
các phong trào thi đua yêu nước từ Đại hội thi đua lần trước đến nay; nêu rõ
các phong trào thi đua tiêu biểu và đánh giá tác động, tính thiết thực, hiệu quả
của các phong trào thi đua yêu nước đó, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ
chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của bộ,
ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị.
+ Kết quả công tác khen thưởng;
phân tích kết quả, chất lượng các hình thức khen thưởng, việc khen thưởng cho
người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu,
công nhân, nông dân, việc chấp hành các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng.
+ Đánh giá công tác lãnh đạo,
chỉ đạo đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua,
khen thưởng của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trong những năm qua.
+ Những tồn tại hạn chế chủ yếu,
nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
- Phần phương hướng nhiệm vụ:
+ Xác định phương hướng, mục
tiêu chung của phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong 5 năm tới.
+ Những nội dung chủ yếu đẩy mạnh
các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu, chỉ tiêu
phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.
+ Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi
mới công tác thi đua, khen thưởng và các giải pháp chủ yếu.
Yêu cầu chung của báo cáo là
thông qua việc đánh giá kết quả của các phong trào thi đua yêu nước để biểu
dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; phân
tích, đánh giá tác dụng của phong trào thi đua đối với việc thực hiện nhiệm vụ
chính trị; từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm chủ yếu trong công tác lãnh đạo,
chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
b) Về báo cáo tham luận của các
tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến:
- Báo cáo điển hình phải được lựa
chọn đảm bảo cơ cấu hợp lý; kết hợp giao lưu với các điển hình tiên tiến, có
minh họa bằng hình ảnh, video clip, phóng sự (nếu có điều kiện). Nên lựa chọn
những tập thể, cá nhân có những mô hình mới, sáng tạo trong các lĩnh vực sản xuất,
công tác, đời sống.
- Số lượng báo cáo: Tuỳ thuộc
vào thời gian tổ chức Đại hội, bảo đảm chất lượng, lựa chọn các báo cáo thực sự
điển hình, có sức thuyết phục, nêu gương, giáo dục; bảo đảm tính đại diện các
lĩnh vực, các thành phần.
- Trong chương trình Đại hội có
thể tổ chức một số nội dung, như: Đại biểu thiếu nhi chào mừng, biểu diễn văn
nghệ, trao tặng các hình thức khen thưởng và giao lưu với các điển hình tiên tiến.
- Tên của Đại hội Thi đua thống
nhất như sau:
Đại
hội Thi đua yêu nước Bộ .…(ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương, cơ quan, đơn vị)
Lần
thứ … (2025 - 2030)
Địa
điểm, ngày … tháng … năm 2025
Đoàn Chủ tịch Đại hội có trách
nhiệm tổ chức, điều hành Đại hội từ lúc khai mạc đến bế mạc Đại hội. Số lượng
Đoàn Chủ tịch khoảng từ 9 đến 11 người. Thành phần Đoàn Chủ tịch gồm đại diện
lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể và có 1/3 đại biểu là anh hùng, chiến sĩ
thi đua và các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc.
Trường hợp tổ chức Đại hội kết
hợp với các hình thức khác (sân khấu hóa, giao lưu trực tiếp…) có thể không tổ
chức Đoàn Chủ tịch nhưng vẫn phải bảo đảm nội dung, chương trình Đại hội.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Căn cứ nội dung, yêu cầu tại
Kế hoạch số 01/KH-HĐTĐKT ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Hội đồng Thi đua - Khen
thưởng Trung ương; bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương xây dựng kế hoạch tổ chức
Đại hội; Thành lập Ban Tổ chức và các tiểu ban của Đại hội; lựa chọn các đơn vị
điểm để chỉ đạo rút kinh nghiệm chung.
2. Từ nay đến Đại hội Thi đua
yêu nước toàn quốc lần thứ XI cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về tư tưởng thi
đua yêu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương đường lối của Đảng, chính
sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng những, điển hình trong các
phong trào thi đua yêu nước, tổ chức các hoạt động tôn vinh điển hình tiên tiến
gắn với các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước trong năm 2025.
Các cơ quan thông tin đại chúng
ở Trung ương và địa phương mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng cho
việc tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội với những hình thức phong phú,
giáo dục truyền thống thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Đối với các đơn vị chỉ đạo điểm
tổ chức Đại hội Thi đua cấp bộ và cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen
thưởng Trung ương tổ chức duyệt kế hoạch của các đơn vị (sẽ có lịch thông báo cụ
thể).
Trên đây là hướng dẫn tổ chức Đại
hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ
XI; đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương căn cứ Kế hoạch số 01/KH-HĐTĐKT ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Hội đồng
Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Hướng dẫn này để tổ chức thực hiện; báo cáo
kết quả về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (qua Ban Thi
đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ)./.