BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TỔ CHỨC
-------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số:
21-HD/BTCTW
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2008
|
HƯỚNG DẪN
VIỆC
KIỂM ĐIỂM, TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH HẰNG NĂM ĐỐI VỚI TẬP THỂ VÀ CÁ NHÂN CÁN BỘ
LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CÁC CẤP
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường
trực Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc kiểm điểm, tự phê bình
và phê bình hằng năm đối với tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các
cấp như sau:
1. Yêu cầu kiểm điểm
- Báo cáo kiểm điểm của tập thể và
cá nhân cần đánh giá trung thực, khách quan về những ưu điểm, khuyết điểm trong
lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phong cách, lề lối làm việc của tập thể và cá
nhân; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm,
nêu rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đồng thời đề ra giải pháp cụ thể để
khắc phục.
- Nội dung kiểm điểm của tập thể và
cá nhân phải gắn với việc chỉ đạo, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
2. Đối tượng kiểm điểm
- Tập thể ban thường vụ tỉnh, thành
ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Bí thư Trung
ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lãnh đạo các ban và cơ quan Trung
ương; ban thường vụ huyện, quận ủy và tương đương; đảng ủy, chi ủy cơ sở.
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp
hành Trung ương; ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành các đảng bộ trực
thuộc Trung ương; ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, ủy viên Ban Bí thư Trung
ương Đoàn, thành viên lãnh đạo các ban và cơ quan Trung ương; ủy viên ban
thường vụ, ủy viên ban chấp hành đảng bộ huyện, quận và tương đương; cấp ủy
viên cơ sở.
3. Nội dung và phương pháp tiến
hành
a. Đối với tập thể:
- Kiểm điểm việc quán triệt các chủ
trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc xây
dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính
trị của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.
- Làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ
đạo của cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, lãnh
đạo ban và cơ quan Trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu
toàn quốc của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và của các cấp ủy đảng, ban
cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo ban và cơ quan theo kế hoạch, chức năng, nhiệm
vụ được giao. Chú trọng kiểm điểm sâu sắc đối với các nhiệm vụ trọng tâm, tránh
dàn trải chung chung.
- Đánh giá ưu, khuyết điểm trong
nhận thức, chỉ đạo, triển khai và kết quả cụ thể thực hiện Cuộc vận động “Học
tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; việc xây dựng và thực hiện tiêu
chí về đạo đức, tác phong của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Báo cáo kiểm điểm đưa ra thảo
luận trong tập thể ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, lãnh
đạo ban và cơ quan Trung ương; tập thể ban thường vụ tỉnh, thành ủy, đảng ủy
trực thuộc Trung ương; ban thường vụ huyện, quận ủy và tương đương; đảng ủy, chi
ủy cơ sở. Sau đó, bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo kiểm điểm để trình hội nghị ban
chấp hành (đối với các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các
huyện, quận ủy và tương đương); hội nghị cán bộ chủ chốt của cơ quan, gồm: các
đồng chí lãnh đạo, đại diện đảng ủy, các đoàn thể và trưởng các đơn vị trực
thuộc (đối với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương); hội nghị tổng
kết công tác năm của đảng bộ, chi bộ cơ sở.
b. Đối với cá nhân:
- Kiểm điểm, đánh giá về:
+ Phẩm chất chính trị, đạo đức lối
sống: Nhận thức, tư tưởng chính trị; việc quán triệt, chấp hành Điều lệ Đảng,
các chủ trương, nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước; việc bản thân và gia đình giữ gìn đạo đức, lối sống trong sạch,
chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; tinh thần
học tập nâng cao trình độ; tính trung thực, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần
trách nhiệm trong công tác.
+ Kết quả thực hiện chức trách,
nhiệm vụ được giao: Tính chủ động, sáng tạo và mức độ hoàn thành chức trách
nhiệm vụ, công việc được giao trong năm; việc giữ gìn đoàn kết nội bộ, quy tụ,
phát huy sức mạnh của tập thể; nhận thức và những việc làm cụ thể để thực hiện
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Nội dung kiểm điểm cá nhân phải
gắn với nội dung kiểm điểm của tập thể; làm rõ trách nhiệm của cá nhân đối với
các lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Các đồng chí là cấp ủy viên,
người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị các cấp phải kiểm điểm về trách nhiệm
chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và phải chịu trách nhiệm liên đới khi để tổ chức
đảng nơi mình sinh hoạt yếu kém.
- Từng đồng chí trình bày bản kiểm
điểm trước hội nghị tập thể ban thường vụ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Bí
thư Trung ương Đoàn, lãnh đạo ban và cơ quan Trung ương để các đồng chí khác
tham gia, đóng góp ý kiến. Trên cơ sở góp ý của tập thể, cá nhân tự đánh giá
xếp loại cuối năm theo Quy chế đánh giá cán bộ; tiếp tục hoàn thiện bản kiểm
điểm và báo cáo kết quả với chi bộ nơi sinh hoạt.
c. Việc kiểm điểm cá nhân
được thực hiện ở các cấp như sau:
- Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính
trị, Ban Bí thư kiểm điểm trước tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó báo
cáo tại hội nghị kiểm điểm của cấp ủy (đối với các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực
thuộc Trung ương); tập thể ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo ban và cơ quan
Trung ương (đối với các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương).
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp
hành Trung ương (kể cả Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương) kiểm điểm
trước tập thể ban thường vụ nếu là ủy viên ban thường vụ cấp ủy địa phương và
đảng ủy trực thuộc Trung ương; trước tập thể ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Bí
thư Trung ương Đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan nơi công tác (đối với các ban,
bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương).
- Các đồng chí thường trực, ủy viên
thường vụ tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương kiểm điểm trước hội
nghị ban thường vụ; các đồng chí cấp ủy viên kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo
cơ quan nơi công tác.
- Các đồng chí ủy viên ban cán sự
đảng, đảng đoàn, ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đoàn; lãnh đạo các ban đảng và
cơ quan Trung ương kiểm điểm trước tập thể ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Bí
thư Trung ương Đoàn, lãnh đạo cơ quan nơi công tác.
- Các đồng chí thường trực, ủy viên
ban thường vụ huyện, quận ủy và tương đương kiểm điểm trước hội nghị ban thường
vụ; các đồng chí cấp ủy viên kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo cơ quan nơi công
tác.
- Các đồng chí thường trực, ủy viên
thường vụ đảng ủy cơ sở kiểm điểm trước hội nghị ban chấp hành đảng bộ; các
đồng chí đảng ủy viên kiểm điểm ở chi bộ đang sinh hoạt. Bí thư, chi ủy viên
chi bộ cơ sở kiểm điểm trước hội nghị chi bộ.
4. Tổ chức thực hiện
- Cuối năm, các ban thường vụ tỉnh,
thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Bí
thư Trung ương Đoàn, lãnh đạo các ban và cơ quan Trung ương xây dựng kế hoạch
thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện theo yêu cầu, nội dung nêu trên. Cần
hoàn thành việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hằng năm trước ngày 31 tháng
01 của năm sau. Khi tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân, cấp ủy cấp dưới mời
đại diện cấp ủy, các ban đảng của cấp ủy cấp trên trực tiếp, năm tình hình và
chỉ đạo kiểm điểm.
- Cấp ủy cấp trên có thể gợi ý kiểm
điểm đối với tập thể và cấp ủy viên cấp dưới. Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ gợi
ý kiểm điểm đối với một số tập thể, cấp ủy viên cấp ủy trực thuộc Trung ương và
cán bộ diện Trung ương quản lý. Những tập thể, cá nhân có gợi ý kiểm điểm cần
kiểm điểm, làm rõ các vấn đề được gợi ý.
- Hồ sơ kiểm điểm cuối năm đối với
các cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý gửi về Ban Tổ chức Trung ương
ngay sau khi đã tiến hành kiểm điểm xong để tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban
Bí thư và lưu giữ theo quy định; các cán bộ khác nộp hồ sơ kiểm điểm về cấp ủy
cấp trên theo phân cấp quản lý cán bộ.
Riêng năm 2008, những địa phương,
cơ quan, đơn vị đã kiểm điểm tập thể gắn với kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện
Nghị quyết Đại hội X thì không phải kiểm điểm tập thể, chỉ kiểm điểm cá nhân.
Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư (để báo cáo);
- Ban Thường vụ, ban tổ chức các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc
Trung ương;
- Ban cán sự đảng, đảng đoàn, các ban đảng và cơ quan, đoàn thể ở Trung ương;
- Vụ tổ chức cán bộ các ban, bộ, ngành, đoàn thể trực thuộc Trung ương;
- Lãnh đạo Ban;
- các vụ, đơn vị trong Ban;
- Lưu VP, Vụ CSĐ, Vụ THCB.
|
TRƯỞNG
BAN
Hồ Đức Việt
|