ỦY BAN KIỂM
TRA
TRUNG ƯƠNG
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số:
04-HD/UBKTTW
|
Hà Nội, ngày
15 tháng 3 năm 2012
|
HƯỚNG DẪN
VỀ
CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XI) "MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG HIỆN
NAY"
Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TW,
ngày 16-1-2012 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI
"Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng gọi tắt là Nghị quyết Trung ương
4); Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 24-2-2012 và Kế hoạch số 08-KH/TW, ngày 12-3-2012
của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Uỷ ban Kiểm tra
Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung
ương 4, như sau:
I-
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1-
Mục đích
a- Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận
thức và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp, cán bộ,
đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để thực hiện có kết
quả Nghị quyết Trung ương 4, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và
công tác xây dựng đảng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề
ra.
b- Tạo cơ sở, điều kiện để các cấp
uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và những công việc được giao theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.
2-
Yêu cầu
a- Cấp uỷ các cấp chỉ đạo, tổ chức
thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo tinh thần Nghị quyết
Trung ương 4 với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, trước hết là người đứng
đầu cấp uỷ, cán bộ chủ chốt ở mỗi cấp, cấp trên phải thật sự gương mẫu thực hiện
để cấp dưới noi theo.
b- Các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy
ban kiểm tra các cấp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng phải
đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ
Chính trị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cấp mình.
c- Thực hiện kiểm tra, giám sát với
tinh thần kiên quyết, kiên trì, thực sự dân chủ, nhận xét, đánh giá, kết luận,
xem xét xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải thận trọng, khách quan,
công minh, chính xác, thấu tình, đạt lý, tránh làm lướt hoặc hình thức; xác định
rõ lộ trình, thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành, gắn với thường xuyên
đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện.
II-
NỘI DUNG, NHIỆM VỤ
Các cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp,
cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quan điểm, chủ trương về
công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần
thứ XI; Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát của Đảng; Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát
và kỷ luật của Đảng (khóa XI), Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
đến năm 2020, Thông báo kết luận số 68-TB/TW, ngày 30-12-2011 của Bộ Chính trị
sơ kết trên 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công
tác kiểm tra, giám sát của Đảng và chương trình công tác kiểm tra, giám sát hằng
năm, cần tập trung triển khai các nội dung, nhiệm vụ sau để thực hiện có kết quả
Nghị quyết Trung ương 4.
1-
Cấp uỷ các cấp
a- Chỉ đạo ủy ban kiểm tra chủ trì
phối hợp với các ban đảng, các tổ chức đảng và các cơ quan liên quan tham mưu,
giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp uỷ chuẩn bị cụ thể sát hợp nội dung gợi ý kiểm
điểm, yêu cầu và cách kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với một số cấp uỷ,
ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc diện cấp uỷ quản
lý xét thấy cần thiết.
Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra cấp uỷ,
ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên chuẩn bị, thực hiện việc
kiểm điểm, tự phê bình, phê bình và sửa chữa, khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết
điểm, vi phạm (nếu có) sau kiểm điểm, nhất là đối với tập thể, cá nhân được gợi
ý kiểm điểm; đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc xử lý vi phạm.
b- Xây dựng, ban hành các quy định,
quy chế, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức
thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4.
c- Xây dựng chương trình, kế hoạch
và tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị
quyết Trung ương 4 đối với các tổ chức đảng thuộc phạm vi quản lý; sơ kết, tổng
kết và báo cáo kết quả thực hiện với cấp uỷ uỷ ban kiểm tra cấp trên.
2-
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và uỷ ban kiểm tra các cấp
a- Phối hợp với các ban đảng ở
Trung ương giúp Thường trực Ban Bí thư chủ trì tổ chức lấy ý kiến góp ý của các
tổ chức, cá nhân (đã nghỉ hưu) đối với tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí
thư.
Phối hợp với các ban đảng cùng cấp
giúp thường trực cấp uỷ chủ trì tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá
nhân (đã nghỉ hưu) đối với ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp và cá nhân.
b- Chủ trì phối hợp với các ban đảng,
cơ quan liên quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ, ban thường vụ
cấp uỷ cùng cấp thực hiện các nội dung, nhiệm vụ nêu tại Điểm 1 (Mục II) trên
đây.
c- Ban hành Hướng dẫn thực hiện
Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều
đảng viên không được làm. Ban hành kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát thực hiện
Nghị quyết Trung ương 4 ở cấp mình và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả;
báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ, ban
thường vụ cấp uỷ cùng cấp.
d- Chuẩn bị nội dung, hướng dẫn thực
hiện Quy chế chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và ban chấp hành
đảng bộ các cấp.
đ- Phối hợp với các ban đảng, tổ
chức đảng và cơ quan liên quan cùng cấp (do các tổ chức, cơ quan đó chủ trì)
tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ thực hiện
các nội dung sau:
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ
sung, ban hành các quy định, quy chế về tổ chức cán bộ để chỉ đạo và tổ chức thực
hiện nghiêm túc, có kết quả các giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4.
- Kiểm tra, xem xét việc giải quyết
những vụ việc có thông tin hoặc đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, nhất là những
vụ việc bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm.
- Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu
quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cộng tác
đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; đề xuất sửa đổi,
bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng và việc kiện toàn mô hình, cơ cấu tổ chức,
nhân sự, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham
nhũng.
- Kiểm tra, giám sát việc thanh
tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống
tham nhũng, lãng phí; xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án tham nhũng, trước
hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm.
III-
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1-
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
1.1- Chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Trung
ương và các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị nội
dung gợi ý kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ
Chính trị đối với một số ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương, một số cấp uỷ,
ban thường vụ cấp uỷ tỉnh, thành và đảng uỷ trực thuộc Trung ương, một số đảng
viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
a- Căn cứ để chuẩn bị nội dung gợi
ý kiểm điểm:
- Căn cứ nội dung của ba vấn đề cấp
bách, mục tiêu, phương châm trong Nghị quyết Trung ương 4; kết quả kiểm điểm của
cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp và các thành viên của các tổ
chức đó trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác
xây dựng đảng.
- Căn cứ quá trình theo dõi, kiểm
tra, quản lý của tổ chức đảng; đơn tố cáo, khiếu nại, phản ảnh của đảng viên và
quần chúng; kết quả thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm toán, điều tra của các
cơ quan nhà nước; kết quả kiểm tra, giám sát của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể
chính trị - xã hội, phản ảnh của các phương tiện thông tin đại chúng đã được kiểm
chứng.
b- Yêu cầu của việc chuẩn bị nội
dung gợi ý kiểm điểm:
- Việc tham mưu, giúp Bộ Chính trị,
Ban Bí thư chuẩn bị nội dung gợi ý kiểm điểm phải thận trọng, chính xác, có trọng
tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm, có tác dụng tạo
chuyển biến tình hình sau kiểm điểm, sửa chữa, khắc phục.
- Bảo đảm tuân thủ và giữ đúng
nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích
động, xuyên tạc, đả kích, gây rối nội bộ; không để gây phân tâm, hoài nghi
trong cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên.
- Đối với đối tượng kiểm điểm: phải
nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và làm rõ sự thật, không né
tránh, nhất là những mặt còn hạn chế, yếu kém; tìm ra nguyên nhân; xác định rõ
lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành.
+ Đối với tập thể:
Làm rõ những hạn chế, khuyết điểm
đã được chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, kéo
dài, phức tạp thêm và trách nhiệm lãnh đạo của tập thể.
Làm rõ nguyên nhân, khó khăn, vướng
mắc, trở ngại trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Trung ương, lãnh đạo,
chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết của đảng bộ, tổ chức đảng về xây dựng Đảng
gắn với nội dung những vấn đề cấp bách.
+ Đối với cá nhân:
Làm rõ về ý thức, trách nhiệm
trong tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống;
thực hiện trách nhiệm cá nhân được giao gắn với việc học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên
không được làm.
Đối với đảng viên là cấp ủy viên
thì kiểm điểm cả về trách nhiệm của cá nhân tham gia cùng tập thể cấp ủy khi
bàn và quyết định các vấn đề về công tác xây dựng đảng, công tác tổ chức - cán
bộ, về thực hiện quy chế làm việc.
Tổ chức đảng và đảng viên đề ra nội
dung, biện pháp tiến hành kiểm điểm, tự phê bình sau khi được góp ý và gợi ý;
biện pháp khắc phục, sửa chữa hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, vi phạm (nếu có)
sau kiểm điểm.
c- Nội dung gợi ý kiểm điểm
Căn cứ vào ba nội dung nêu trong
Nghị quyết Trung ương 4 và tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị, của cán bộ,
đảng viên để chọn nội dung gợi ý kiểm điểm cho sát hợp.
d- Phương pháp chuẩn bị nội dung gợi
ý kiểm điểm:
- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ
trì tổ chức họp với đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan
liên quan để:
+ Thống nhất yêu cầu, nội dung,
cách gợi ý tổ chức đảng, đảng viên chuẩn bị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình;
phân công cụ thể trách nhiệm phối hợp, thời gian hoàn thành của từng cơ quan.
+ Từng cơ quan chủ động đề xuất cụ
thể, chính xác tổ chức đảng, đảng viên có vấn đề cần gợi ý kiểm điểm và nội
dung gợi ý kiểm điểm. Tuỳ tình hình thực tế, cụ thể của từng tổ chức đảng, đảng
viên để đề xuất nội dung gợi ý cụ thể, sát hợp theo ba nội dung hoặc một, hai nội
dung. Cần nêu thẳng những vấn đề có căn cứ nhưng chưa được làm rõ; vấn đề nổi cộm,
bức xúc nhưng chưa được giải quyết, chậm giải quyết để kéo dài, được dư luận xã
hội quan tâm làm cơ sở cho việc chuẩn bị cụ thể nội dung kiểm điểm, tự phê bình
của tổ chức đảng và đảng viên.
+ Đối với cá nhân, ngoài các nội
dung kiểm điểm theo quy định, phải yêu cầu giải trình rõ, cụ thể những vấn đề
được Bộ Chính trị, Ban Bí thư gợi ý. Tự xác định và nhận trách nhiệm cá nhân,
hình thức xử lý (nếu có khuyết điểm, vi phạm); đề ra nội dung, phương hướng,
hình thức, biện pháp, thời gian sửa chữa, khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm,
vi phạm (nếu có).
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương:
+ Chủ động tham mưu, đề xuất những nội dung gợi
ý kiểm điểm đối với một số cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ tỉnh, thành và đảng uỷ
trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương, một số đảng
viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (kể cả đương chức và đã nghỉ hưu).
+ Tổng hợp nội dung gợi ý, ý kiến của các cơ
quan phối hợp và của uỷ ban kiểm tra các tỉnh ủy, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc
Trung ương (nếu có) và chuẩn bị văn bản cụ thể về những tổ chức đảng, đảng viên
cần gợi ý kiểm điểm và nội dung gợi ý cụ thể đối với từng trường hợp.
+ Chủ trì họp với các cơ quan phối hợp để trao đổi
và thống nhất đối tượng, nội dung gợi ý kiểm điểm trước khi hoàn chỉnh báo cáo
tổng hợp chung, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
+ Đối với một số trường hợp cần thiết (nếu có),
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cùng các cơ quan liên quan kiến nghị Bộ Chính trị,
Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị nội dung gợi ý kiểm điểm. Thực hiện trong
tháng 7 và tháng 8-2012.
đ- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc chuẩn bị, tiến
hành kiểm điểm và sửa chữa, khắc phục sau kiểm điểm:
- Phối hợp với các ban đảng ở Trung ương giúp Bộ
Chính trị theo dõi tổ chức đảng, đảng viên được gợi ý chuẩn bị bản kiểm điểm
nghiêm túc, đúng yêu cầu; nếu thấy có vấn đề chưa rõ, chưa đạt yêu cầu thì báo
cáo Bộ Chính trị xem xét, yêu cầu tổ chức đảng và đảng viên bổ sung, hoàn chỉnh
hoặc chuẩn bị lại. Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan
giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, ban thường
vụ cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê
bình. Nếu thấy việc thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình chưa đạt mục
đích, yêu cầu thì báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chỉ đạo tổ chức kiểm điểm lại
hoặc kiểm điểm bổ sung.
- Giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị,
Ban Bí thư xem xét, xử lý kỷ luật về đảng các trường hợp vi phạm đến mức phải xử
lý kỷ luật (nếu có); chỉ đạo các cơ quan nhà nước xem xét, kỷ luật về hành
chính theo quy định của Nhà nước. Kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, ban thường vụ
cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện
Trung ương quản lý sửa chữa, khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, vi phạm
(nếu có) sau kiểm điểm. Thực hiện từ tháng 7 đến tháng 11-2012.
1.2- Phối
hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung
ương, Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu, giúp Thường trực Ban
Bí thư tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí
thư bằng văn bản và tập hợp ý kiến của: ban thường vụ cấp uỷ trực thuộc Trung
ương; ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương; Đoàn Chủ tịch: Uỷ ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ban Thường vụ: Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt
Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh; của các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ
viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ
tướng Chính phủ, bộ trưởng và tương đương (đã nghỉ hưu).
1.3- Ban
hành Hướng dẫn thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm
(trong tháng 3-2012).
1.4- Phối
hợp với Ban Tổ chức Trung ương,, Văn phòng Trung ương Đảng, căn
cứ Quy định thực hiện việc phê bình, chất vấn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương (Quy định số 23-QĐ/TW, ngày 15-01-2002 của Bộ Chính trị khóa IX), Quy chế
chất vấn trong Đảng (ban hành theo Quyết định số 158-QĐ/TW, ngày 15-5-2008 của
Bộ Chính trị khóa X), tổng hợp nội dung, hướng dẫn thực hiện Quy chế chất vấn tại
các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và ban chấp hành đảng bộ các cấp. Thực hiện
từ năm 2012.
1.5- Tham
mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa nhiệm vụ kiểm tra, giám sát
việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) vào chương trình kiểm tra,
giám sát hằng năm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và có trách nhiệm thực hiện tốt
nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ
được giao. Thực hiện từ năm 2012.
1.6-
Tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4
a- Chủ động phát hiện, tiến hành kiểm tra tổ chức
đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; thực hiện giám sát thường
xuyên và giám sát chuyên đề đối với tổ chức đảng, đảng viên; tập trung giải quyết
dứt điểm đơn tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên; xử lý kịp thời, nghiêm
minh những đảng viên vi phạm theo Nghị quyết Trung ương 4.
b- Chỉ đạo và hướng dẫn uỷ ban kiểm tra cấp dưới
chủ động tham mưu, giúp cấp uỷ chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra,
giám sát của cấp uỷ; tích cực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Nghị
quyết Trung ương 4.
1.7- Chủ
trì, phối hợp với các ban đảng ở Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng tham
mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư
a- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành mới
các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4: Quy chế giám sát trong Đảng, Quy định sửa đổi, bổ sung Quy định xử
lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy chế kiểm tra trong Đảng.
b- Hằng năm, xây dựng chương trình và tổ chức thực
hiện các cuộc kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Kết hợp việc
đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị
về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
c- Tổng hợp báo cáo định kỳ với Bộ Chính trị,
Ban Bí thư về kết quả công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung
ương 4 trong toàn Đảng; đề xuất các giải pháp chỉ đạo về những vấn đề khó khăn,
vướng mắc trong quá trình thực hiện.
1.8- Phối
hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ủy ban kiểm
tra các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát và hằng năm báo cáo kết quả thực hiện
của cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý trong việc chấp hành các quy định
của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
Thực hiện từ năm 2012.
Phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban Chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân
dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Thanh tra
Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng kiểm tra, xem xét việc giải quyết những vụ
việc có thông tin hoặc đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc
bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện từ năm 2012.
1.9- Phối
hợp với các ban đảng ở Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cơ quan Nhà nước
ở Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, công việc nêu trong Nghị
quyết Trung ương 4, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị do các cơ quan tổ chức
đó chủ trì (có phụ lục kèm theo).
1.10- Tập
thể và từng thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm điểm, tự
phê bình, phê bình làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân theo 3 nội dung trong
Nghị quyết Trung ương 4 và việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên
không được làm. Trong quá trình kiểm điểm, tiếp thu gợi ý của Bộ Chính trị (nếu
có); ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức để tự phê bình và phê bình. Thực
hiện trong tháng 7 và tháng 8-2012.
Cán bộ, đảng viên cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung
ương tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết
Trung ương 4, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của tổ chức đảng
cấp trên bảo đảm đúng nội dung, mục tiêu, phương châm và thời gian quy định.
2-
Cấp uỷ các cấp
2.1- Lãnh đạo, chỉ đạo uỷ ban kiểm tra phối hợp
với các ban đảng, văn phòng cấp uỷ tổ chức đảng và cơ quan liên quan cung cấp
tham mưu, giúp cấp uỷ: Tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 và
các văn bản của Trung ương, của cấp trên cho cán bộ chủ chốt trong đảng bộ. Xây
dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương
4. Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định, quy chế thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4.
2.2- Chỉ đạo uỷ ban kiểm tra chủ trì phối hợp với
các ban của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan có liên quan tham mưu, giúp cấp uỷ:
a- Chuẩn bị nội dung để cấp uỷ, ban thường vụ cấp
uỷ gợi ý kiểm điểm đối với một số tổ chức đảng và đảng viên thuộc diện cấp ủy
quản lý.
b- Hằng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch và
tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, trong đó có kiểm tra,
giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Tập trung kiểm tra việc tổ chức quán
triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ
Chính trị; việc gợi ý kiểm điểm, chuẩn bị, thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và
phê bình; việc khắc phục, sửa chữa hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, vi phạm (nếu
có) sau kiểm điểm.
c- Chỉ đạo và thực hiện sơ kết, tổng kết chuyên
đề về công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; định kỳ
báo cáo cấp uỷ, tổ chức đảng cấp trên.
3-
Uỷ ban kiểm tra các cấp
3.1- Tham mưu, giúp cấp ủy chuẩn bị nội dung gợi
ý kiểm điểm, tự phê bình, phê bình đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên
là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý (căn cứ các nội dung ở Tiết 1.1,
Điểm 1, Mục III nêu trên để vận dụng thực hiện cho sát hợp với thực tiễn ở địa
phương, đơn vị).
3.2- Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ
luật đảng theo quy định của Điều lệ Đảng và Nghị quyết Trung ương 4:
a- Những nơi đã ban hành chương trình, kế hoạch
kiểm tra, giám sát năm 2012 thì căn cứ Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị, Kế hoạch
của Bộ Chính trị, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị,
Ban Bí thư, của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp trên để điều chỉnh, bổ sung chương
trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát cho phù hợp; những nơi chưa ban hành thì căn
cứ những văn bản nêu trên và tình hình thực tế để xây dựng chương trình, kế hoạch
năm 2012. Từ năm 2013 đưa việc này vào nề nếp.
b- Báo cáo, phản ánh kịp thời với cấp ủy cùng cấp
và ủy ban kiểm tra cấp trên về kết quả công tác kiểm tra, giám sát thực hiện
Nghị quyết Trung ương 4 và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, tổ chức
thực hiện.
3.3- Chủ trì, phối hợp với các ban đảng tham
mưu, giúp cấp uỷ thực hiện các nội dung nêu tại Điểm 2, Mục III nêu trên. Đồng
thời thực hiện các nhiệm vụ sau:
a- Phối hợp với ban tổ chức, ban tuyên giáo, ban
dân vận, văn phòng cấp ủy cùng cấp giúp thường trực cấp uỷ tổ chức lấy ý kiến bằng
văn bản và tập hợp ý kiến của các tập thể, cá nhân (tương tự như ở Trung ương
hoặc của cấp trên) góp ý với ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp và cá nhân.
b- Phối hợp với ban cán sự đảng uỷ ban nhân dân
(đối với cấp tỉnh, thành phố), ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, thanh
tra nhà nước cùng cấp, văn phòng cấp uỷ cùng cấp (đối với cấp huyện và cấp tỉnh)
kiểm tra, xem xét việc giải quyết những vụ việc có thông tin hoặc đơn thư phản
ánh, khiếu nại, tố cáo nhất là những vụ việc bức xúc mà dư luận xã hội quan
tâm.
c- Phối hợp với ban chỉ đạo về phòng, chống tham
nhũng và cơ quan liên quan ở địa phương:
- Kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều
tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng,
lãng phí; xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án tham nhũng, trước hết là những
vụ nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm.
- Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động
của ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng và công tác đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Phòng,
chống tham nhũng và việc kiện toàn mô hình, cơ cấu tổ chức, nhân sự, nâng cao
chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng cùng cấp.
3.4- Chỉ đạo và hướng dẫn uỷ ban kiểm tra cấp dưới
trong việc chủ động nâng cao chất lượng tham mưu, giúp cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo,
tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ; tích cực thực hiện
công tác kiểm tra, giám sát theo Nghị quyết Trung ương 4.
3.5- Tập thể và từng thành viên uỷ ban kiểm tra
các cấp tiến hành kiểm điểm, tự phê bình, phê bình làm rõ trách nhiệm cá nhân,
tập thể theo ba nội dung trong Nghị quyết Trung ương 4 và việc thực hiện Quy định
về những điều đảng viên không được làm. Trong quá trình kiểm điểm, tiếp thu gợi
ý của ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp (nếu có); ý kiến đóng góp của các cá nhân,
tổ chức để tự phê bình và phê bình. Cán bộ, đảng viên cơ quan uỷ ban kiểm tra từ
cấp huyện, quận và tương đương trở lên tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê
bình theo Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị và các hướng
dẫn của tổ chức đảng cấp trên, kế hoạch của cấp ủy cùng cấp, bảo đảm đúng nội
dung, mục tiêu, phương châm và thời gian quy định.
Hướng dẫn này được phổ biến đến chi bộ để thực
hiện.Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ
ban kiểm tra các cấp kịp thời phản ánh về Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để hướng dẫn
bổ sung cho phù hợp.
PHỤ LỤC
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với các ban
đảng Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cơ quan Nhà nước ở Trung ương thực
hiện các nhiệm vụ, công việc nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị và Kế
hoạch của Bộ Chính trị do các cơ quan, tổ chức đó chủ trì.
(tại Tiết 1.9, Điểm 1, Mục III Hướng dẫn công
tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn
đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay)
I- Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ
quan chức năng
1- Xây dựng cơ chế để hằng năm Ban Chấp hành
Trung ương góp ý kiến, thể hiện tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ
Chính trị, Ban Bí thư; ban chấp hành đảng bộ các cấp góp ý kiến, thể hiện sự
tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp; xây
dựng Quy định việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh
lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể; đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm
để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia; những người
hai năm liền không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp phải
xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác; thực
hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp trên nói chung phải qua chức
vụ lãnh đạo quản lý chủ chốt ở cấp dưới (trình Bộ Chính trị Quý I-2013).
2- Xây dựng đề án quy hoạch Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng,
Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2020 (trình Hội nghị Trung ương 6 tháng 10-2012);
Xây dựng Đề án tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi
dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu, chuyên gia cấp chiến lược (trình Bộ Chính trị
Quý IV/2012).
3- Xây dựng các quy định, quy chế (trình Bộ
Chính trị Quý I/2013)
3.1- Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của
người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng; xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu
chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng,
bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ.
3.2- Quy định bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch
trong công tác cán bộ; đổi mới quy trình lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo
hướng mở rộng dân chủ để cán bộ dự kiến đề bạt, bổ nhiệm được tự giới thiệu, thể
hiện về trình độ khả năng của mình.
3.3- Quy định bảo đảm tạo cơ hội tiến bộ cho những
người có khuyết điểm hoặc bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng đã thực sự
nỗ lực phấn đấu, có thành tích và được tín nhiệm.
4- Hướng dẫn thực hiện và thực hiện thí điểm một
số việc sau:
4.1- Tiếp tục thực hiện bố trí một số chức danh
cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.
4.2- Tiếp tục thực hiện thí điểm bí thư cấp uỷ đồng
thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã, cấp huyện; gắn với xây dựng quy chế kiểm
tra, giám sát, bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả.
4.3- Kiểm tra, chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng
lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt
chi bộ, đảng bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
4.4- Sơ kết rút kinh nghiệm để có chủ trương về
việc đại hội đảng bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ có số
dư.
4.5- Thí điểm giao quyền cho bí thư cấp uỷ lựa
chọn, giới thiệu để bầu cử uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ; cấp trưởng có trách
nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó.
5- Hướng dẫn kiểm tra đôn đốc thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4, chỉ thị, kế hoạch của Bộ Chính trị; 6 tháng và hằng năm báo cáo kết
quả thực hiện Nghị quyết với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
II. Phối hợp với Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban Chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân
dân tối cao, Ban cán sự Đảng Toà án Nhân dân Tối cao, Ban cán sự Đảng Thanh tra
Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng
Kiểm tra, xem xét việc giải quyết những vụ việc
có thông tin hoặc đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc bức
xúc mà dư luận xã hội quan tâm (thực hiện từ năm 2012).
III- Phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng và các cơ quan liên quan
1- Kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố,
điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham
nhũng, lãng phí; xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án tham nhũng, trước hết
là những vụ nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm (thực hiện từ năm
2012).
2- Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động
của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; đề xuất sửa đổi bổ sung
Luật Phòng, chống tham nhũng và việc kiện toàn mô hình, cơ cấu tổ chức, nhân sự,
nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng
(Báo cáo Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 5 tháng 5-2012).
IV- Phối hợp với Ban Dân vận Trung ương nghiên cứu
xây dựng (trình Bộ Chính trị năm 2012).
1- Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt
trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
2- Cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể
chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
|
T/M ỦY BAN
KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG
CHỦ NHIỆM
Ngô Văn Dụ
|