BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN ĐỐI NGOẠI
-------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số:
02-HD/BĐNTW
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2017
|
HƯỚNG DẪN
QUÁN TRIỆT VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA BAN BÍ THƯ VỀ SƠ KẾT
5 NĂM VÀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 04-CT/TW NGÀY 06/7/2011 CỦA BAN BÍ THƯ
KHÓA XI "VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NHÂN
DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI"
Thực hiện kế hoạch công tác và ý kiến
chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Ban Đối ngoại Trung ương đã chủ trì, hướng
dẫn các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức nhân dân xây dựng Báo cáo sơ kết 5
năm việc thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư (khóa
XI) về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả
công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Trên cơ sở báo cáo sơ kết của
các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương, Ban Đối ngoại
Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo sơ kết
trình Ban Bí thư.
Ngày 27/12/2016, Ban Bí thư đã họp,
thảo luận Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị và cho ý kiến chỉ đạo về việc
tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04 trong thời gian tới.
I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
CHỈ THỊ 04 TRONG 5 NĂM QUA
1. Về bối cảnh tình
hình
Trong 05 năm qua, tình hình thế giới
có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, tác động mạnh mẽ đến phong trào nhân
dân các nước và hoạt động đối ngoại nhân dân. Các cuộc khủng hoảng toàn cầu và
chính sách “thắt lưng buộc bụng” tiếp tục gây ra các làn sóng phản kháng xã hội
tại nhiều nơi; các xu hướng cực đoan và chủ nghĩa dân tuý nổi lên tại nhiều nước.
Tình trạng bất ổn gia tăng tại nhiều khu vực do chính sách can thiệp và bành
trướng của các nước lớn, trong đó có Biển Đông. Phong trào nhân dân trên thế giới
có những diễn biến mới, đa dạng, phức tạp. Mỹ và một số nước phương Tây tăng cường
tài trợ, thúc đẩy phát triển các tổ chức "xã hội dân sự" để đẩy mạnh
can thiệp vào đời sống chính trị, “cách mạng màu” tại các nước. Trong khu vực
ASEAN, các diễn đàn và cơ chế hợp tác nhân dân có xu hướng phát triển mạnh với
việc hình thành Cộng đồng ASEAN và các sáng kiến liên kết khu vực, trong đó có
nhiều diễn đàn do phương Tây hoặc Trung Quốc hậu thuẫn, chi phối.
Trong nước, các hình thức tổ chức hội
phát triển nhanh chóng, đa dạng. Cùng với quá trình đất nước mở cửa, hội nhập
quốc tế ngày càng sâu rộng, quan hệ đối ngoại của các hội ngày càng được mở rộng.
Một số nước phương Tây tăng cường sử dụng viện trợ và tác động vào luật pháp,
chính sách, hỗ trợ cho các hội và tổ chức "phi chính phủ" trong nước
nhằm thúc đẩy phát triển "xã hội dân sự" theo kiểu phương Tây tại Việt
Nam. Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá ta trên
kênh đối ngoại nhân dân.
2. Kết quả 5 năm
thực hiện Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về công tác đối ngoại nhân dân
2.1. Các kết quả đạt được:
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 04
trong 5 năm qua đã đạt được các kết quả chính như sau:
Công tác chỉ đạo, quản lý hoạt
động đối ngoại nhân dân được chú trọng, tăng cường.
Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư
tăng cường quan tâm, thường xuyên cho ý kiến chỉ đạo đối với các hoạt động đối
ngoại nhân dân quan trọng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác đối ngoại,
hoạt động của các tổ chức nhân dân và một số lĩnh vực liên quan công tác đối
ngoại nhân dân.
Chính phủ và một số bộ, ngành liên
quan đã ban hành, sửa đổi nhiều văn bản liên quan đến công tác đối ngoại nhân
dân như các văn bản pháp quy về quản lý và tổ chức hội; quản lý các tổ chức phi
chính phủ nước ngoài và quản lý, sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài...,
kiện toàn các cơ chế phối hợp liên ngành về quản lý các hoạt động liên quan.
Ban Đối ngoại Trung ương đã chủ trì
phổ biến, quán triệt Chỉ thị 04 đến các bộ, ngành, tỉnh/thành
ủy và các đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung ương; ban hành Quy chế về quản lý
thống nhất các hoạt động đối ngoại của các đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung
ương, Quy chế Thi đua - Khen thưởng trong công tác đối ngoại nhân dân và nhiều
văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác; triển khai công tác chỉ đạo hoạt động đối ngoại
của các tổ chức nhân dân thông qua các cơ chế giao ban, chia sẻ thông tin, tổng
kết định kỳ; tăng cường làm việc trực tiếp với các đoàn thể, tổ chức nhân dân ở
Trung ương và các địa phương về công tác đối ngoại nhân dân; thường xuyên chú trọng
chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn thể, tổ chức nhân dân trong quá trình tổ chức, triển
khai các hoạt động đối ngoại lớn, quan trọng, có yếu tố phức tạp, nhạy cảm.
Các cấp ủy, đoàn thể, tổ chức nhân
dân ở trung ương và địa phương đã tiến hành quán triệt và triển khai Chỉ thị
04, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân,
ban hành các quy chế, quy định, các Chương trình hành động triển khai thực hiện
Chỉ thị 04.
Hoạt động đối ngoại nhân dân được
đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ
chức nhân dân ta đã tiếp tục duy trì, củng cố và tăng cường
quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước láng giềng; củng cố quan hệ với
nhân dân ở các nước bạn bè truyền thống; mở rộng, đa dạng hóa quan hệ giao lưu,
hợp tác với các đối tác mới, đặc biệt là đối tác ở những nước có ý nghĩa quan
trọng trong quan hệ đối ngoại với ta; tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn
và cơ chế hợp tác nhân dân khu vực và quốc tế quan trọng, thông qua đó, tăng cường
hiểu biết, hữu nghị và hợp tác giữa các tổ chức nhân dân của ta với nhân dân
các nước; tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc
gia-dân tộc, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam; tranh
thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; đóng góp tích cực vào việc thực hiện đường lối,
chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hoạt động hợp
tác, vận động và tranh thủ nguồn lực quốc tế được đẩy mạnh, duy trì được giá trị
viện trợ phi chính phủ nước ngoài khá cao và ổn định, góp phần tích cực thực hiện
các dự án hỗ trợ nhân dân ở những vùng, miền còn khó khăn và các lĩnh vực ưu
tiên như khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo,
bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội; công tác quản lý viện trợ phi
chính phủ nước ngoài được tăng cường, công tác thông tin đối ngoại, công tác vận
động người Việt Nam ở nước ngoài được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.
2.2. Một số hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đã đạt được,
việc quán triệt, triển khai và thực hiện Chỉ thị 04 vẫn còn những mặt hạn chế,
yếu kém, cụ thể là:
- Một số đoàn thể, tổ chức nhân dân còn thụ động, thiếu chiều sâu trong quan hệ đối ngoại,
vẫn còn không ít hoạt động đối ngoại, nhất là việc cử các đoàn đi nước ngoài,
kém thiết thực, lãng phí, hiệu quả chưa cao; một số hoạt động còn có sơ hở về đối
ngoại và bảo vệ chính trị nội bộ. Công tác đấu tranh vận động chính trị, nhất
là trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, nhìn chung còn thiếu
kịp thời, sắc bén. Nội dung và phương thức thông tin đối ngoại nhìn chung vẫn
còn hạn chế cả về phạm vi tác động và hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu của
diễn biến tình hình. Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của nhiều
đoàn thể, tổ chức nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra hiện nay. Vẫn
còn hiện tượng chưa thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy chế, quy định về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại.
- Công tác quản lý viện trợ phi chính
phủ nước ngoài tuy có được tăng cường nhưng vẫn còn biểu hiện sơ hở, nhất là
trong khâu phê duyệt, thẩm định đối với các dự án có yếu tố nhạy cảm và trong
công tác giám sát, quản lý tài chính đối với các dự án và đối với các tổ chức
phi chính phủ nước ngoài.
- Công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động
đối ngoại nhân dân của một số cơ quan, đoàn thể, địa phương còn bất cập, thiếu
sâu sát, thường xuyên.
- Đa số các tổ chức "phi chính
phủ" Việt Nam triển khai các quan hệ và hoạt động đối ngoại một cách tự
phát, kể cả việc cử đoàn ra nước ngoài, tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế,
tiếp xúc với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, không báo cáo các cơ quan có thẩm
quyền. Chưa có quy định, văn bản pháp lý và cơ chế để hướng dẫn, chỉ đạo và quản
lý hoạt động đối ngoại đối với các tổ chức này.
Nguyên nhân khách quan là công tác đối ngoại nhân dân tiến hành trong bối cảnh tình hình thế
giới, khu vực diễn biến ngày càng phức tạp; các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá, chia rẽ, phân hóa,
thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.
Nguyên nhân chủ quan là nhiều cấp ủy, lãnh đạo một số bộ ngành, đoàn thể chưa thực sự coi
trọng, thiếu quan tâm chỉ đạo, đầu tư, quản lý đối với hoạt
động đối ngoại nhân dân; hệ thống văn bản pháp lý và một số chính sách liên quan còn thiếu, bất cập hoặc chưa phù hợp, đặc biệt, chưa có
văn bản pháp lý làm cơ sở để thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của các tổ
chức "phi chính phủ" Việt Nam dẫn đến nhiều khó khăn hoặc tạo lỗ hổng
trong công tác chỉ đạo, quản lý; điều kiện đảm bảo và hỗ trợ cho công tác đối
ngoại nhân dân nhìn chung còn hạn chế.
II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG,
NHIỆM VỤ TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 04 CỦA BAN BÍ THƯ TRONG THỜI
GIAN TỚI
Trong thời gian tới, cùng với quá
trình nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quan hệ và hoạt động đối ngoại
nhân dân sẽ ngày càng được mở rộng, phát triển đa dạng và
có tác động, ảnh hưởng ngày càng lớn đến lợi ích quốc gia-dân tộc. Các thế lực
thù địch, phản động sẽ tăng cường sử dụng kênh đối ngoại nhân dân để đẩy mạnh
các hoạt động chống phá ta cả trong và ngoài nước nhằm thực hiện âm mưu “diễn
biến hòa bình”.
Tình hình đó đòi hỏi cần tiếp tục
tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, quản lý và đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả
công tác đối ngoại nhân dân nhằm góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính
sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực cho phát triển đất nước,
đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ lợi
ích, chủ quyền và an ninh quốc gia.
Ngày 29/12/2016, Văn phòng Trung ương
đã có văn bản số 3023-CV/VPTW thông báo ý kiến kết luận của Ban Bí thư về việc
sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 04. Ban Bí thư khẳng định, sau 5 năm thực hiện,
Chỉ thị 04 còn nguyên giá trị. Để phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những
hạn chế, bất cập, trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng,
chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể nhân dân các cấp cần tiếp
tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị 04 trong thời gian tới.
Để thực hiện ý kiến kết luận, chỉ đạo
của Ban Bí thư, Ban Đối ngoại Trung ương xin hướng dẫn một số việc trọng tâm cần
làm trong thời gian tới như sau:
Một là, quán triệt đầy đủ các
quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác đối ngoại nhân dân gồm:
(i) Đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu
thành của công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta,
có vị trí ngày càng quan trọng đối với lợi ích phát triển và an ninh của quốc
gia - dân tộc. Đối ngoại nhân dân trong một số trường hợp còn là phương thức
thích hợp và hiệu quả, hỗ trợ cho đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước. Tăng
cường công tác chỉ đạo, quản lý và quan tâm, tạo điều kiện để đẩy mạnh, nâng
cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống
chính trị, của tất cả các ngành, các cấp, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của
các cấp ủy.
(ii) Nhiệm vụ chính của công tác đối
ngoại nhân dân là mở rộng và tăng cường chiều sâu trong quan hệ với nhân dân
các nước nhằm củng cố nền tảng xã hội cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt
Nam và các nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ sự
đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc của nhân dân ta; tham gia đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất
và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ lợi ích và an
ninh quốc gia; tranh thủ hợp tác và các nguồn lực quốc tế để góp phần đưa đất
phát triển phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; đóng góp
vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình,
độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt
Nam trên trường quốc tế.
(iii) Nguyên tắc hoạt động đối ngoại
nhân dân là phải bảo đảm tối cao lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo đảm sự lãnh đạo
tuyệt đối của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, tuân thủ các quy định của
luật pháp Việt Nam; bảo đảm sự đoàn kết và phối hợp thống nhất của các tổ chức
nhân dân trong hoạt động đối ngoại nhân dân với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các đoàn thể nhân
dân; phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại
nhân dân.
Trên tinh thần đó, các cấp ủy Đảng,
chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức nhân dân cần thống nhất
nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí quan trọng của đối ngoại nhân dân để tăng
cường công tác chỉ đạo, quản lý; đồng thời cũng cần có những chính sách quan
tâm, tạo điều kiện một cách thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại
nhân dân.
Trong triển khai các hoạt động đối
ngoại nhân dân, các cơ quan, tổ chức, địa phương cần phân biệt rõ đối tác - đối
tượng, không chạy theo lợi ích cá nhân, cục bộ, trước mắt mà phải đặt lợi ích
quốc gia - dân tộc lên trên hết; thực hiện đúng chủ trương, đường lối và sự chỉ
đạo của Đảng, tuân thủ pháp luật và sự quản lý của Nhà nước. Các đoàn thể và tổ
chức nhân dân cần tăng cường phối hợp trong các hoạt động đối ngoại; đối với
các đoàn thể, tổ chức nhân dân có nhiều tổ chức thành viên, đơn vị trực thuộc
là các tổ chức “phi chính phủ”, cần đặc biệt chú trọng công tác chỉ đạo, kết nối
các thành viên của mình, đảm bảo có sự phối hợp thống nhất trong các hoạt động
đối ngoại, không để các thế lực thù địch chia rẽ, phân
hóa, đa nguyên hóa phong trào nhân dân của ta. Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các đoàn thể phát huy
vai trò nòng cốt, phối hợp sự tham gia của các tổ chức nhân dân ta trong
các hoạt động đối ngoại nhân dân. Đặc biệt, cần có sự gắn bó chặt
chẽ, chủ động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà
nước và đối ngoại nhân dân để phát huy sức mạnh tổng hợp, đảm bảo thực hiện thắng
lợi đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác đối ngoại nhân dân trong thời
gian tới
(i) Chính phủ chỉ đạo rà soát, bổ
sung, hoàn thiện các văn bản pháp quy, tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự quản lý đầy đủ, chặt chẽ của
Nhà nước đối với tất cả các hoạt động đối ngoại nhân dân, kể cả đối với các hội
không có hội viên. Các bộ, ngành tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với
hoạt động đối ngoại nhân dân và thẩm định các dự án tài trợ của nước ngoài
trong lĩnh vực được phân công phụ trách.
Tiếp tục hoàn thiện việc phân cấp,
tăng cường các cơ chế phối hợp liên ngành, phối hợp thống nhất giữa các cơ quan
Trung ương và các địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động đối ngoại nhân dân.
(ii) Ban Đối ngoại Trung ương tăng cường
công tác nghiên cứu, tham mưu; giúp Ban Bí thư tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra hoạt động đối ngoại của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ở
Trung ương.
(iii) Đảng đoàn các đoàn thể, cấp ủy
các tỉnh, thành phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác đối ngoại nhân
dân, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra và triển khai các biện pháp nâng
cao năng lực và hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân của tổ chức, địa phương
mình.
Ba là, chú trọng phát triển lực
lượng làm công tác đối ngoại nhân dân; củng cố, tăng cường mặt trận đối ngoại
nhân dân
(i) Kiện toàn, củng cố bộ máy, tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại
nhân dân của các đoàn thể và các địa phương, đặc biệt chú trọng tuyển chọn, đào
tạo, bồi dưỡng, tăng cường đội ngũ cán bộ đối ngoại chuyên trách có bản lĩnh
chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có kỹ năng đối ngoại, trình độ ngoại
ngữ đáp ứng yêu cầu hoạt động đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; tăng cường
công tác tập huấn, thông tin cho đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân.
(ii) Hình thành và phát triển các cơ
chế phối hợp thống nhất giữa các tổ chức nhân dân Việt Nam trong các lĩnh vực
hoạt động đối ngoại nhân dân; xây dựng thí điểm cơ chế phối hợp chung giữa các
tổ chức "phi chính phủ" Việt Nam trong quan hệ và hoạt động đối ngoại
nhân dân.
(iii) Nhà nước có các chính sách phù
hợp bảo đảm, hỗ trợ về kinh phí, vật chất và chế độ chính sách đối với các đoàn
thể, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ nòng cốt trong hoạt động đối ngoại nhân dân;
thiết lập các cơ chế tương tác, phối hợp giữa các bộ, ngành với các hội hoạt động
trong lĩnh vực liên quan để phổ biến chính sách, cung cấp thông tin, định hướng
hoạt động, tạo điều kiện cho các hội tham gia thực hiện các chương trình, dự án
phù hợp, tăng cường quan hệ phối hợp, gắn bó giữa các hội với Nhà nước.
Bốn là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ,
nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các
hoạt động đối ngoại nhân dân
(i) Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và
tổ chức nhân dân tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của
các hoạt động đối ngoại nhân dân, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,
hình thức. Tăng cường tính chủ động trong quan hệ đối tác, mở rộng mạng lưới bạn
bè quốc tế của Việt Nam, tăng cường chiều sâu với các đối tác quan trọng; chủ động,
tích cực tham gia các cơ chế hợp tác, diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế
quan trọng.
(ii) Chú trọng tăng cường công tác thẩm
định, phê duyệt, quản lý các dự án sử dụng viện trợ nước ngoài. Chỉ tiếp nhận,
sử dụng những dự án, chương trình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức
và lợi ích của ta. Phát huy đầy đủ các cơ chế phối hợp liên ngành, các cơ quan
chính trị-an ninh trong thẩm định các dự án và hoạt động liên quan đến xây dựng
pháp luật, phản biện xã hội... liên quan quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo,
lập hội....
(iii) Đẩy mạnh,
nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, công tác vận động, tập hợp người
Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường công tác giáo dục quần chúng, đoàn viên, hội
viên để nâng cao nhận thức về tình hình quốc tế, phổ biến, quán triệt các chủ
trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao năng lực chủ động hội
nhập quốc tế trên cơ sở bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và lợi ích quốc
gia-dân tộc. Chủ động tăng cường đấu tranh với các quan điểm, luận điệu sai
trái, thù địch.
III. VỀ BIỆN PHÁP TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với các ban cán sự đảng, đảng
đoàn các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và cấp ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương:
Tổ chức phổ biến, quán triệt đầy đủ
tinh thần và nội dung ý kiến kết luận của Ban Bí thư (tiếp tục quán triệt, thực
hiện Chỉ thị 04, ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện
Chỉ thị 04 và Hướng dẫn của Ban Đối ngoại Trung ương, ý kiến chỉ đạo của đồng
chí Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị tổng kết công tác
đối ngoại nhân dân năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017).
Xây dựng kế hoạch, chương trình hành
động, ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác đối
ngoại nhân dân thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư; tổ chức chỉ đạo, theo
dõi, đôn đốc thực hiện, hàng năm có báo cáo kết quả với Ban Bí thư qua Ban Đối
ngoại Trung ương.
Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các
bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp quy, tiếp tục
hoàn thiện các cơ chế phối hợp, phân công, phân cấp; tăng cường và nâng cao hiệu
quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đối ngoại của các tổ chức nhân
dân, của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; tăng cường công tác
phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và các địa
phương trong công tác đối ngoại nhân dân, đặc biệt là trong lĩnh vực phi chính
phủ nước ngoài.
Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối
hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tăng cường việc hướng dẫn, phổ
biến, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác đối ngoại nhân dân và
phi chính phủ nước ngoài cho các đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương;
tăng cường các hoạt động tương tác, chia sẻ thông tin với các đoàn thể, tổ chức
nhân dân trong các vấn đề liên quan công tác đối ngoại nhân dân.
2. Đối với Mặt trận Tổ quốc, các
đoàn thể, tổ chức nhân dân
Tổ chức phổ biến, quán triệt ý kiến kết
luận của Ban Bí thư (tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị 04, Báo cáo sơ kết
5 năm thực hiện Chỉ thị 04 và Hướng dẫn của Ban Đối ngoại Trung ương, ý kiến chỉ
đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại
nhân dân năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017);
Xây dựng chương trình hành động, tổ
chức triển khai thực hiện ý kiến kết luận của Ban Bí thư; hằng năm tổng kết,
đánh giá để báo cáo Ban Bí thư qua Ban Đối ngoại Trung ương.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn
thiện các quy chế hoạt động đối ngoại nội bộ, các quy định về tiếp nhận, sử dụng
viện trợ nước ngoài và quan hệ, hợp tác với nước ngoài.
Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo
trong chỉ đạo, quản lý, triển khai công tác đối ngoại nhân dân, quan tâm thực
hiện tốt công tác phi chính phủ nước ngoài.
Tăng cường các biện pháp nhằm nâng
cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân của tổ chức mình.
Tăng cường các biện pháp củng cố bộ
máy, tổ chức, nâng cao năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đối ngoại.
Thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của
Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước liên quan hoạt động đối ngoại
nhân dân./.
Nơi nhận:
- Các Ban cán sự Đảng
các bộ, ngành;
- Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc TW;
- Đảng đoàn MTTQ và các đoàn thể TW;
- Văn phòng TW;
- Ban Dân vận TW;
- Đ/c Trưởng ban
(để b/c);
- Vụ ĐNND;
- Văn phòng (P.TH-TK);
- Lưu VP.
|
K/T
TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
Trần Đắc Lợi
|