Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 135/2003/NĐ-CP kiểm tra xử lý văn bản pháp luật

Số hiệu: 135/2003/ND-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 14/11/2003 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 135/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 135/2003/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2003 VỀ KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 và Luật số 02/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành, văn bản liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ và văn bản liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 2. Mục đích kiểm tra văn bản

Việc kiểm tra văn bản được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, hủy bỏ hoặc bãi bỏ văn bản, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật.

Điều 3. Nội dung kiểm tra văn bản

Nội dung kiểm tra văn bản là việc xem xét, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp của văn bản. Văn bản hợp pháp là văn bản bảo đảm đủ các điều kiện sau đây:

1. Được ban hành đúng căn cứ pháp lý.

Văn bản được ban hành đúng căn cứ pháp lý là văn bản:

a) Có căn cứ pháp lý cho việc ban hành;

b) Những căn cứ pháp lý đó đang có hiệu lực pháp luật vào thời điểm ban hành;

c) Cơ quan, thủ trưởng đơn vị trình dự thảo văn bản có thẩm quyền trình theo quy định của pháp luật;

d) Những đề nghị để ban hành văn bản là hợp pháp;

2. Được ban hành đúng thẩm quyền.

Thẩm quyền ban hành văn bản bao gồm thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung.

a) Thẩm quyền về hình thức áp dụng trong Nghị định này là chỉ những cơ quan, người có thẩm quyền mới được ban hành những văn bản theo quy định tại Điều 16, các khoản 1, 2, 4 Điều 18 và Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 02/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

b) Thẩm quyền về nội dung áp dụng trong Nghị định này là việc cơ quan, người có thẩm quyền chỉ được ban hành các văn bản phù hợp với thẩm quyền của mình được pháp luật cho phép hoặc đã được phân công, phân cấp;

3. Nội dung của văn bản phù hợp với quy định của pháp luật.

Các văn bản được ban hành theo thẩm quyền phải phù hợp với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành về lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ khác, cơ quan thuộc Chính phủ phải phù hợp với văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực đó và với văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được Thủ tướng Chính phủ phân công ký, ban hành (sau đây gọi tắt là Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công ký, ban hành) văn bản của cơ quan thuộc Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân còn phải phù hợp với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Cụ thể như sau:

a) Phù hợp với nội dung, mục đích của pháp luật;

b) Phù hợp với những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;

c) Phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;

4. Văn bản được ban hành đúng thể thức và kỹ thuật trình bày.

Thể thức và kỹ thuật trình bày của văn bản quy định tại điểm a khoản 2 Điều này bao gồm: tiêu đề (tiêu ngữ, quốc hiệu); tên cơ quan ban hành; số và ký hiệu (ghi năm ban hành ở giữa số và ký hiệu); địa danh, ngày, tháng, năm ban hành; tên loại văn bản, trích yếu; nội dung; viết đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt và văn phong pháp luật; nơi nhận; chữ ký; đóng dấu (kể cả các dấu chỉ mức độ mật, dấu chỉ mức độ khẩn, dấu chỉ "tài liệu họp", "họp xong phải thu hồi") và cách trình bày.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quy định cụ thể về thể thức và kỹ thuật trình bày của văn bản;

5. Tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục xây dựng, ban hành và đăng Công báo, đưa tin hoặc công bố văn bản.

Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục xây dựng, ban hành và đăng Công báo, đưa tin hoặc công bố văn bản theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc kiểm tra văn bản

1. Công tác kiểm tra văn bản phải do các cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thường xuyên, kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra văn bản do mình ban hành trước khi cơ quan chức năng kiểm tra.

3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện, có quyền phản ánh với các cơ quan thông tin đại chúng và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản đó.

4. Nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra vì mục đích vụ lợi cá nhân, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có văn bản được kiểm tra.

Điều 5. Nguyên tắc xử lý văn bản trái pháp luật

1. Văn bản có dấu hiệu trái pháp luật phải được cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản thông báo ngay cho cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản để tự kiểm tra và xử lý.

2. Việc xử lý văn bản trái pháp luật phải do các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành một cách khách quan, toàn diện, kịp thời và triệt để theo đúng quy định của pháp luật.

3. Các văn bản trái pháp luật phải bị đình chỉ thi hành ngay và phải bị bãi bỏ hoặc huỷ bỏ kịp thời.

4. Cơ quan, người có thẩm quyền xử lý văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận và quyết định xử lý của mình; nếu quyết định xử lý trái pháp luật thì phải khắc phục hậu quả pháp lý do quyết định đó gây ra.

5. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức và cá nhân can thiệp vào quá trình xử lý văn bản trái pháp luật.

Điều 6. Phương thức kiểm tra văn bản

Việc kiểm tra văn bản được tiến hành bằng các phương thức sau đây:

1. Tự kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản;

2. Kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản theo nhiệm vụ được phân công, bao gồm:

a) Kiểm tra văn bản do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản gửi đến;

b) Tổ chức đoàn kiểm tra theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực;

3. Kiểm tra khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.

Điều 7. Cơ sở pháp lý để xác định nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra

1. Cơ sở pháp lý để xác định nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra là những văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra văn bản theo quy định tại Chương VIII "Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật và nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật" của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản phải thường xuyên và kịp thời rà soát, xác định văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra văn bản để làm cơ sở pháp lý phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản.

Điều 8. Các biện pháp xử lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản trái pháp

luật

Căn cứ vào nội dung trái pháp luật và mức độ thiệt hại trên thực tế do văn bản trái pháp luật gây ra, cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra kiến nghị:

1. Cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật phải kịp thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành và thực hiện văn bản trái pháp luật gây ra;

2. Cơ quan, người có thẩm quyền xác định hình thức, mức độ xử lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản đã ban hành văn bản trái pháp luật.

Tuỳ theo tính chất và mức độ của văn bản trái pháp luật, cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật, kể cả các văn bản trái pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này, phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm dân sự hoặc trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật

1. Quyết định của các cơ quan, người có thẩm quyền xử lý văn bản quy định tại các Điều 14, 15 và Điều 16 Nghị định này về việc bãi bỏ, hủy bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật phải được đăng Công báo hoặc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương.

2. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện về việc hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật theo quy định tại Điều 17 Nghị định này phải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

Chương 2:

CƠ QUAN, NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN BAN HÀNH VĂN BẢN TỰ KIỂM TRA VĂN BẢN

Điều 10. Trách nhiệm tự kiểm tra văn bản

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp phải tự kiểm tra văn bản do mình ban hành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải tự kiểm tra những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong văn bản liên tịch nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tế để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ văn bản đó.

2. Người đứng đầu tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ là đầu mối giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện việc tự kiểm tra văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành hoặc văn bản liên tịch do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cùng các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, người đứng đầu tổ chức khác ký, ban hành.

Trưởng Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp (ở những địa phương có Phòng Tư pháp), Trưởng Ban Tư pháp cấp xã là đầu mối giúp Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc tự kiểm tra văn bản.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Cục Kiểm tra văn bản) thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc tự kiểm tra văn bản do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

Người đứng đầu tổ chức pháp chế cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với tổ chức pháp chế thuộc Bộ mà Bộ trưởng Bộ đó được Thủ tướng Chính phủ phân công ký, ban hành văn bản của cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc tự kiểm tra văn bản.

3. Các cơ quan, đơn vị có liên quan phải kịp thời cung cấp thông tin, tư liệu, tài liệu cần thiết và phối hợp với tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp cấp xã trong việc tự kiểm tra văn bản.

Điều 11. Phương thức tự kiểm tra văn bản

Việc tự kiểm tra văn bản được thực hiện như sau:

1. Thường xuyên tổ chức kiểm tra các văn bản do mình ban hành;

2. Kịp thời tổ chức rà soát, kiểm tra văn bản do mình ban hành khi:

a) Tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi hoặc khi cơ quan nhà nước cấp trên ban hành văn bản mới làm cho nội dung văn bản do mình đã ban hành không còn phù hợp;

b) Nhận được yêu cầu, kiến nghị, thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và các phương tiện thông tin đại chúng về văn bản do mình ban hành có dấu hiệu trái pháp luật hoặc không còn phù hợp.

CHƯƠNG 3:

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN

MỤC 1: THẨM QUYỀN KIỂM TRA VĂN BẢN

Điều 12. Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ trong việc kiểm tra văn bản

1. Thủ tướng Chính phủ kiểm tra văn bản do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, văn bản liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ và văn bản liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ kiểm tra các văn bản có quy định liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện thẩm quyền kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều này và giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra:

a) Văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đó và của cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Văn bản do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành quy định liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

c) Văn bản liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ;

d) Văn bản liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;

đ) Văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước.

4. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thực hiện thẩm quyền kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều này và giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra:

a) Văn bản do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp;

b) Văn bản liên tịch giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ;

c) Văn bản liên tịch giữa Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;

d) Các văn bản khác khi được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ giao.

5. Trường hợp có tranh chấp thẩm quyền kiểm tra thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Người đứng đầu tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc kiểm tra các văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra các văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều 13. Thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc kiểm tra văn bản

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện kiểm tra văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã ban hành.

Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc kiểm tra văn bản được quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

MỤC 2: THẨM QUYỀN XỬ LÝ VĂN BẢN TRÁI PHÁP LUẬT

Điều 14. Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc xử lý văn bản trái pháp luật

1. Quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

2. Quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành trái với các quy định về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ khác hoặc trái với văn bản của Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công ký, ban hành văn bản của cơ quan thuộc Chính phủ.

3. Quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản liên tịch trái pháp luật giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

4. Đình chỉ việc thi hành các quy định trái pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong văn bản liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải thoả thuận với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Người đứng đầu cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội đã ký văn bản liên tịch cùng sửa đổi hoặc bãi bỏ văn bản đó.

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nếu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không thoả thuận được với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Người đứng đầu cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội đã ký văn bản liên tịch hoặc Thủ tướng Chính phủ không nhất trí với kết quả xử lý thì Thủ tướng Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

5. Quyết định đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và trái với văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, đồng thời đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ.

6. Uỷ quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xử lý văn bản trái pháp luật thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ khi xét thấy cần thiết.

7. Thực hiện những thẩm quyền khác trong việc xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc xử lý văn bản trái pháp luật

1. Xử lý văn bản trái pháp luật do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này.

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ xử lý văn bản trái pháp luật do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành:

a) Kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đình chỉ việc thi hành hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản trái pháp luật do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đình chỉ việc thi hành hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản trái pháp luật do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ;

Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều này, nếu kiến nghị không được chấp nhận hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp không nhất trí với kết quả xử lý thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật;

c) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước;

d) Đình chỉ việc thi hành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ quyết định, chỉ thị trái pháp luật do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước.

3. Xử lý văn bản liên tịch trái pháp luật giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 24 và văn bản liên tịch trái pháp luật giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định này.

4. Xử lý văn bản trái pháp luật khi được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý.

Điều 16. Thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc xử lý văn bản trái pháp luật

1. Thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc xử lý văn bản trái pháp luật:

a) Kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác đã ban hành văn bản trái với văn bản về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó; trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, nếu kiến nghị đó không được chấp nhận hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không nhất trí với kết quả xử lý thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với văn bản của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

c) Đình chỉ việc thi hành và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trái với văn bản về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

d) Thực hiện những thẩm quyền khác khi được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ giao trong việc xử lý văn bản trái pháp luật.

2. Thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong việc xử lý văn bản trái pháp luật:

a) Thực hiện thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này trong việc xử lý văn bản trái pháp luật do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Văn phòng Chính phủ và các văn bản trái pháp luật khác khi được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ giao;

b) Xử lý văn bản trái pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành:

Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, nếu kiến nghị đó không được chấp nhận hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không nhất trí với kết quả xử lý thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật;

c) Xử lý văn bản liên tịch trái pháp luật giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 24 và văn bản liên tịch trái pháp luật giữa Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này.

3. Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công ký, ban hành văn bản của cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền xử lý văn bản do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với văn bản của cơ quan thuộc Chính phủ do Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công ký, ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 17. Thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc xử lý văn bản trái pháp luật

1. Đình chỉ việc thi hành và bãi bỏ văn bản trái pháp luật của Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.

2. Đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp và đề nghị Hội đồng nhân dân cấp mình bãi bỏ.

MỤC 3: THỦ TỤC KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN TRÁI PHÁP LUẬT

Điều 18. Thời hạn gửi văn bản đến cơ quan kiểm tra

Trong thời hạn chậm nhất là 03 (ba) ngày, kể từ ngày ký ban hành, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản phải gửi văn bản đến cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản theo quy định sau đây:

1. Văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi đến Cục Kiểm tra văn bản thuộc Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền kiểm tra văn bản theo ngành, lĩnh vực.

Văn bản liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội do Bộ hoặc cơ quan phát hành gửi đến Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;

2. Văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, văn bản liên tịch giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội do Bộ hoặc cơ quan phát hành gửi đến Vụ Pháp chế Văn phòng Chính phủ;

3. Văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện gửi đến Sở Tư pháp;

4. Văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã gửi đến Phòng Tư pháp.

Điều 19. Thủ tục do Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật

1. Khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản thông báo để cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý.

2. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra, xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản.

Việc xử lý nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được tiến hành tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân.

Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không xử lý hoặc Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản không nhất trí với kết quả xử lý, thì Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản báo cáo để Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành xử lý theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

Điều 20. Thủ tục do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tiến hành kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật theo thủ tục sau đây:

a) Khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, người đứng đầu tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ báo cáo để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra, xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản.

Việc xử lý nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được tiến hành tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân;

c) Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không xử lý trong thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền kiểm tra văn bản không nhất trí với kết quả xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền kiểm tra văn bản tiến hành xử lý văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành và các văn bản khác khi được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ giao theo thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này.

3. Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công ký, ban hành văn bản của cơ quan thuộc Chính phủ xử lý văn bản trái pháp luật theo thủ tục sau đây:

a) Khi kiểm tra, phát hiện văn bản do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có dấu hiệu trái với văn bản của cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu tổ chức pháp chế cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo để Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thông báo đến cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra, xử lý văn bản và thông báo kết quả xử lý cho Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đã kiểm tra văn bản đó.

Việc xử lý nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được tiến hành tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân;

b) Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản không xử lý trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 3 Điều này hoặc Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đã kiểm tra văn bản không nhất trí với kết quả xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản thì Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị Bộ trưởng đã được Thủ tướng Chính phủ phân công ký, ban hành văn bản thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này.

Điều 21. Thủ tục xử lý văn bản trái pháp luật trong trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ

1. Trong trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý văn bản trái pháp luật, thì hồ sơ kiến nghị phải được gửi đến Bộ Tư pháp, đồng thời gửi đến Văn phòng Chính phủ.

2. Đối với văn bản đã rõ ràng là trái pháp luật, không còn có ý kiến khác nhau về cách xử lý thì trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận kiến nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý; trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xử lý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có thể lấy ý kiến thẩm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tính hợp pháp của văn bản bị kiến nghị xử lý.

3. Đối với văn bản còn có nhiều ý kiến khác nhau về tính hợp pháp hoặc có đề nghị xem xét lại quyết định xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Nghị định này:

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan có liên quan tiến hành xử lý văn bản theo thủ tục như sau:

a) Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra và kiến nghị xử lý văn bản báo cáo về văn bản đã được kiểm tra là trái pháp luật, cần phải xử lý;

b) Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo thẩm tra về tính hợp pháp của văn bản bị kiến nghị và đề xuất phương hướng xử lý;

c) Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có văn bản do mình ban hành bị kiến nghị xử lý giải trình về những nội dung liên quan đến văn bản bị kiến nghị;

d) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan có liên quan trao đổi hoặc thảo luận; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kết luận, đề xuất phương hướng xử lý văn bản và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.

Thủ tục quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này có thể được tiến hành bằng cách tổ chức cuộc họp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì hoặc bằng văn bản của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Thủ trưởng cơ quan có liên quan trong việc xử lý văn bản trái pháp luật;

đ) Trường hợp các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan có liên quan không thống nhất được phương hướng xử lý thì căn cứ hồ sơ kiến nghị, báo cáo thẩm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tính hợp pháp của văn bản bị kiến nghị xử lý và đề nghị của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan có liên quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc xử lý hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xử lý văn bản trái pháp luật.

Điều 22. Thủ tục do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện tiến hành kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật

1. Khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp thông báo để cơ quan đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản.

Việc xử lý nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã phải được tiến hành tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân.

3. Trường hợp cơ quan đã ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không xử lý trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này hoặc Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp không nhất trí với kết quả xử lý thì Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp báo cáo để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp xử lý theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Điều 23. Thủ tục kiểm tra, xử lý văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước

Thủ tục kiểm tra, xử lý văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước được áp dụng theo quy định tại Nghị định này và phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 24. Thủ tục kiểm tra và xử lý văn bản liên tịch trái pháp luật giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Thủ tục do Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra và xử lý văn bản liên tịch trái pháp luật giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ:

a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra, xử lý văn bản liên tịch có dấu hiệu trái pháp luật giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo thủ tục quy định tại Điều 19 Nghị định này;

b) Khi nhận được thông báo, kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các cơ quan đã ký văn bản liên tịch phải phối hợp để tự kiểm tra, xử lý văn bản theo quy định của pháp luật.

2. Thủ tục do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiến hành kiểm tra và xử lý văn bản liên tịch trái pháp luật giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ:

Khi phát hiện văn bản liên tịch giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có dấu hiệu trái pháp luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ký văn bản liên tịch tự kiểm tra, xử lý.

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không xử lý hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không nhất trí với kết quả xử lý thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ các quy định trái pháp luật đó.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, nếu kiến nghị đó không được chấp nhận hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không nhất trí với kết quả xử lý thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Thủ tục kiểm tra và xử lý văn bản liên tịch trái pháp luật giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội

1. Thủ tục do Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra và xử lý văn bản liên tịch trái pháp luật giữa Bộ, cơ quan ngang Bộ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội:

a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra nội dung của các quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong văn bản liên tịch giữa Bộ, cơ quan ngang Bộ với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội theo thủ tục quy định tại Điều 19 Nghị định này;

b) Trường hợp phát hiện nội dung của các quy định thuộc lĩnh vực của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội trong văn bản liên tịch có dấu hiệu trái pháp luật thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thông báo để các cơ quan đó tự kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu các cơ quan nhận được thông báo không xử lý thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Thủ tục do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiến hành kiểm tra và xử lý văn bản liên tịch trái pháp luật giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội:

a) Khi phát hiện nội dung của các quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong văn bản liên tịch giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội có dấu hiệu trái pháp luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ký văn bản liên tịch tự kiểm tra, xử lý.

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ký văn bản liên tịch không xử lý hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không nhất trí với kết quả xử lý thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ các quy định trái pháp luật đó.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, nếu kiến nghị đó không được chấp nhận hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không nhất trí với kết quả xử lý thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp phát hiện nội dung của các quy định thuộc lĩnh vực của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội trong văn bản liên tịch có dấu hiệu trái pháp luật thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan đó tự kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu các cơ quan nhận được thông báo không xử lý thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 26. Thẩm quyền, thủ tục kiểm tra và xử lý văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật và văn bản do cơ quan không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành khi có yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tin đại chúng và của cá nhân

1. Những văn bản trái pháp luật bị kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, thủ tục quy định các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này, bao gồm:

a) Những văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành;

b) Những văn bản có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phải tự kiểm tra, xử lý, huỷ bỏ những văn bản nêu tại các điểm a và b khoản 1 Điều này khi có yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tin đại chúng và của cá nhân.

2. Khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tin đại chúng và của cá nhân về các văn bản quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành xử lý các văn bản đó theo thủ tục quy định tại Điều 19 Nghị định này.

3. Khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tin đại chúng và của cá nhân về các văn bản quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp ban hành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiến hành xử lý các văn bản đó theo thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này.

4. Khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tin đại chúng và của cá nhân về các văn bản quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này do thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành, Giám đốc Sở Tư pháp tiến hành xử lý các văn bản đó theo thủ tục quy định tại Điều 22 Nghị định này.

5. Khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tin đại chúng và của cá nhân về các văn bản quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này do thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ban hành, Trưởng Phòng Tư pháp tiến hành xử lý các văn bản đó theo thủ tục quy định tại Điều 22 Nghị định này.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp huyện giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện thủ tục quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này đối với văn bản quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này do Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp ban hành.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN CỦA CƠ QUAN, NGƯỜI CÓ VĂN BẢN ĐƯỢC KIỂM TRA

Điều 27. Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có văn bản được kiểm tra

Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có văn bản được kiểm tra (sau đây gọi tắt là cơ quan, người có văn bản được kiểm tra) có trách nhiệm như sau:

1. Thực hiện Điều 10 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 18 Nghị định này; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản;

2. Giải trình về nội dung văn bản theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản;

3. Kịp thời tổ chức tự kiểm tra để phát hiện và xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 10 và điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định này;

4. Thông báo về việc xử lý văn bản trái pháp luật cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản;

5. Tạo điều kiện cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản;

6. Thực hiện các quyết định, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 14 Nghị định này;

7. Thực hiện các quyết định, kiến nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ theo quy định tại các Điều 15 và 16; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, quyết định Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Điều 28. Quyền của cơ quan, người có văn bản được kiểm tra

Cơ quan, người có văn bản được kiểm tra có quyền như sau:

1. Được thông báo về kế hoạch, nội dung kiểm tra, nội dung được yêu cầu;

2. Trình bày ý kiến liên quan đến nội dung văn bản được kiểm tra;

3. Từ chối trả lời, cung cấp thông tin không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc những thông tin thuộc bí mật nhà nước không được phép cung cấp theo quy định của pháp luật;

4. Giải trình và đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản xem xét lại thông báo về xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật do cơ quan, người có văn bản được kiểm tra ban hành (trừ những văn bản quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này) trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo;

5. Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản vẫn quyết định xử lý theo quy định tại các Điều 15, 16 và 17 Nghị định này thì cơ quan, người có văn bản được kiểm tra có quyền đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý xem xét lại quyết định xử lý. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, nếu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý không trả lời hoặc cơ quan, người có văn bản được kiểm tra không nhất trí với trả lời đề nghị thì cơ quan, người có văn bản được kiểm tra có quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ (nếu cơ quan, người đã xử lý là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (nếu cơ quan, người đã xử lý là Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện).

Khi thực hiện những quyền quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này, cơ quan, người có văn bản được kiểm tra, xử lý phải chứng minh được văn bản do mình ban hành đúng pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về tính trung thực, đúng đắn trong báo cáo, đề nghị của mình.

Chương 5:

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT; KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN

Điều 29. Khen thưởng trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản

1. Cơ quan, cán bộ, công chức và cộng tác viên có thành tích, hoàn thành nhiệm vụ được giao trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, người có văn bản được kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm được giao trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý, nếu có thành tích sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Những hành vi vi phạm pháp luật trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản

1. Những hành vi vi phạm của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản:

a) Không tổ chức kiểm tra, xử lý các văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý;

b) Không kiểm tra, xử lý văn bản khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc đề nghị, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ quan thông tin đại chúng;

c) Không xử lý hoặc không báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật;

d) Ban hành quyết định xử lý trái pháp luật, đưa ra yêu cầu, kiến nghị trái pháp luật đối với cơ quan, người có văn bản được kiểm tra;

đ) Kiểm tra, xử lý văn bản không thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý;

e) Không chuyển cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản các văn bản không thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của mình;

g) Những hành vi vi phạm pháp luật khác trong quá trình thực hiện các quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

Tuỳ theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về kiểm tra văn bản, cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Những hành vi vi phạm của cơ quan, người có văn bản được kiểm tra:

a) Không thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này;

b) Không tổ chức tự kiểm tra để phát hiện, xử lý văn bản trái pháp luật do mình ban hành;

c) Không tổ chức tự kiểm tra, xử lý khi có yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra hoặc yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cơ quan thông tin đại chúng và cá nhân;

d) Có hành vi cản trở, gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra trong quá trình kiểm tra văn bản;

đ) Báo cáo sai sự thật khi thực hiện các quyền quy định tại các khoản 4 và 5 Điều 28 Nghị định này;

e) Không thực hiện những quyết định, yêu cầu, kiến nghị xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra đối với văn bản trái pháp luật do mình ban hành;

g) Những hành vi vi phạm pháp luật khác trong quá trình thực hiện các quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

Tuỳ theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về kiểm tra văn bản, cơ quan, người có văn bản được kiểm tra phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản và của cơ quan, người có văn bản được kiểm tra trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản và của cơ quan, người có văn bản được kiểm tra trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

3. Thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản được tiến hành theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chương 6:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC KIỂM TRA VĂN BẢN

Điều 32. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quản lý nhà nước về công tác kiểm tra văn bản

1. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất về công tác kiểm tra văn bản trong phạm vi toàn quốc, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản về kiểm tra văn bản;

b) Xây dựng và chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

c) Đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra văn bản của các Bộ, ngành, địa phương;

d) Hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, kiểm tra công tác kiểm tra văn bản đối với tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp; tổ chức nghiên cứu khoa học về kiểm tra văn bản;

đ) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra văn bản cho đội ngũ cán bộ, công chức kiểm tra văn bản; tổ chức và quản lý đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản;

e) Tổ chức mạng lưới thông tin, xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc kiểm tra văn bản;

g) Sơ kết, tổng kết, tổ chức hội thi theo ngành, lĩnh vực, địa phương và toàn quốc về công tác kiểm tra văn bản; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm tra văn bản;

h) Khen thưởng, kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật các cán bộ, công chức và cộng tác viên thuộc quyền quản lý của Bộ trong công tác kiểm tra văn bản; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phát hiện và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra, xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật;

i) Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm tra văn bản;

k) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về kiểm tra văn bản theo thẩm quyền.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quản lý nhà nước về công tác kiểm tra văn bản tại Bộ, ngành mình có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản về kiểm tra văn bản áp dụng trong Bộ, ngành mình;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên trong việc kiểm tra văn bản có quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;

d) Chỉ đạo tổ chức pháp chế trao đổi nghiệp vụ kiểm tra văn bản với Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức nghiên cứu khoa học về kiểm tra văn bản;

đ) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra văn bản cho đội ngũ cán bộ, công chức kiểm tra văn bản; tổ chức và quản lý đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản thuộc quyền quản lý của Bộ, ngành mình;

e) Tổ chức mạng lưới thông tin, xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc kiểm tra văn bản trong Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

g) Sơ kết, tổng kết, tổ chức hội thi theo ngành, lĩnh vực về công tác kiểm tra văn bản; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp về công tác kiểm tra văn bản;

h) Khen thưởng, kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật các cán bộ, công chức và cộng tác viên thuộc quyền quản lý của Bộ, ngành mình trong công tác kiểm tra văn bản; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phát hiện và đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ kiểm tra, xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật;

i) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về kiểm tra văn bản theo thẩm quyền.

Điều 33. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong quản lý nhà nước về công tác kiểm tra văn bản

1. Trong quản lý nhà nước về kiểm tra văn bản, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra văn bản ở địa phương;

b) Đôn đốc, chỉ đạo công tác kiểm tra văn bản ở địa phương;

c) Sơ kết, tổng kết, tổ chức hội thi về công tác kiểm tra văn bản của địa phương; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp (đối với cấp tỉnh), Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với cấp huyện) về công tác kiểm tra văn bản;

d) Phối hợp và tạo điều kiện để các cơ quan kiểm tra văn bản kiểm tra theo thẩm quyền;

đ) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra văn bản; tổ chức và quản lý đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản tại địa phương; tổ chức nghiên cứu khoa học về kiểm tra văn bản;

e) Tổ chức mạng lưới thông tin, xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc kiểm tra văn bản;

g) Khen thưởng, kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật các cán bộ, công chức và cộng tác viên trong công tác kiểm tra văn bản ở địa phương mình; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phát hiện và đề nghị Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật;

h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về kiểm tra văn bản theo thẩm quyền.

2. Các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác kiểm tra văn bản được quy định tại Điều này.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Các điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản

1. Kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản do ngân sách nhà nước cấp, được dự toán chung trong kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan kiểm tra văn bản để chi cho những nội dung sau: tổ chức phối hợp hoạt động kiểm tra; tổ chức đội ngũ cộng tác viên; tổ chức thu thập thông tin, tư liệu, lập hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra; hỗ trợ cho việc nghiên cứu, xem xét kiểm tra văn bản và các hoạt động khác liên quan đến công tác kiểm tra văn bản theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kinh phí quy định tại Điều này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm bố trí tổ chức, biên chế chuyên trách và kinh phí để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra văn bản.

Điều 35. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 36. Trách nhiệm thi hành

1. Văn phòng Chính phủ giúp Chính phủ kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp định kỳ sáu tháng, hàng năm tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình kiểm tra, xử lý văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
------------

No: 135/2003/ND-CP

Hanoi, November 14, 2003

 

DECREE

ON THE EXAMINATION AND HANDLING OF LEGAL DOCUMENTS

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the November 12, 1996 Law on Promulgation of Legal Documents and December 16, 2002 Law No. 02/2002/QH11 Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Promulgation of Legal Documents;
Pursuant to the June 21, 1994 Law on Organization of the People's Councils and People's Committees;
At the proposal of the Minister of Justice,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Objects and scope of regulation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2.- Purposes of examination of documents

The examination of documents aims to detect unlawful contents of documents in order to suspend in time the implementation thereof, amend, cancel or annul such documents, ensuring the constitutionality, legality and consistency of the legal system, and concurrently to propose competent agencies or persons to determine the responsibilities of competent agencies or persons that have promulgated such unlawful documents.

Article 3.- Contents of examination of documents

The examination of documents covers the consideration, evaluation of, and conclusion on, the legality of documents. Lawful documents are those fully satisfying the following conditions:

1. Being promulgated on proper legal grounds:

Documents promulgated on proper legal grounds are those which:

a/ Have legal grounds for their promulgation;

b/ Such legal grounds are legally effective at the time of promulgation;

c/ The agencies or the heads of units submitting the draft documents have the submitting competence as prescribed by law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Being promulgated according to the right competence.

The competence to promulgate documents consists of the form-related competence and the content-related competence.

a/ The form-related competence applicable under this Decree means that only competent agencies or persons may promulgate those documents prescribed in Article 16, Clauses 1, 2 and 4 of Article 18, and Article 19 of the Law on Promulgation of Legal Documents, which have been amended and supplemented under December 16, 2002 Law No. 02/2002/QH11 Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Promulgation of Legal Documents (hereinafter called the Law on Promulgation of Legal Documents for short).

b/ The content-related competence applicable under this Decree means that competent agencies or persons may only promulgate documents falling under their respective competence which is vested by law or assigned or decentralized.

3. The documents' contents comply with law provisions.

Documents promulgated according to the right competence must comply with the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly, ordinances and resolutions of the National Assembly Standing Committee, orders and decisions of the State President, resolutions and decrees of the Government, decisions and directives of the Prime Minister and documents of the superior State bodies. Documents promulgated by ministers, heads of ministerial-level agencies in the State management domains of other ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies must comply with documents of ministers or heads of ministerial-level agencies performing the State management over such domains and with documents of ministers or heads of ministerial-level agencies who are assigned by the Prime Minister to sign and promulgate (hereinafter referred to as ministers assigned by the Prime Minister to sign and promulgate for short) documents of Government-attached agencies; decisions and directives of People's Committees must also comply with resolutions of People's Councils of the same level. Specifically:

a/ Compliance with the contents and objectives of laws;

b/ Compliance with the fundamental principles on organization and operation of the State of the Socialist Republic of Vietnam and fundamental principles of Vietnamese laws;

c/ Compliance with international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The presentation formats and techniques of documents prescribed at Point a, Clause 2 of this Article include: title (document title, official name of the country); name of promulgating agency; serial number and code (with the promulgation year inscribed between the number and code); place and date of promulgation; name of document type, brief contents; contents; correct Vietnamese spelling and grammar and legal writing style; recipient(s); signature; stamps (including stamps denoting the confidentiality level, stamps denoting the level of urgency, stamps denoting "meeting document," "to be collected after meeting") and the presentation method.

The minister-director of the Government Office shall specify the document-presentation formats and techniques.

5. Full compliance with the provisions on the procedures for formulation, promulgation and publication in the Official Gazette, news report or publicization of documents.

Agencies or persons competent to promulgate documents must fully observe the procedures for formulation, promulgation and publication of documents in the Official Gazette, news report or publicization of documents according to the law provisions on promulgation of legal documents.

Article 4.- Principles for examination of documents

1. The document-examining work must be performed regularly and in time by officials and public employees of competent State agencies according to law provisions, ensuring close coordination among the concerned agencies in this work.

2. Agencies or persons competent to promulgate documents must organize by themselves the examination of documents promulgated by themselves before the functional agencies examine them.

3. When agencies, organizations and individuals detect that documents show signs of law violation, contradiction or overlapping in the course of implementation, they may report them to the mass media and propose competent agencies or persons to examine such documents.

4. It is strictly forbidden to take advantage of the examination for self-seeking purposes, cause difficulties to normal activities of agencies or persons with the document-promulgating competence, whose documents are being examined.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Documents which show signs of law violation must be notified immediately by agencies or persons competent to examine documents to agencies or persons competent to promulgate documents for examination and handling by themselves.

2. The handling of unlawful documents must be conducted by competent agencies or persons in an objective, comprehensive, timely and thorough manner strictly according to law provisions.

3. Unlawful documents must be immediately suspended from implementation and be cancelled or abrogated in time.

4. Agencies or persons competent to handle documents shall take responsibility before law for their conclusions and handling decisions; if their handling decisions run counter to laws, they must remedy legal consequences caused by their decisions.

5. Agencies, organizations and individuals are strictly forbidden to intervene in the process of handling unlawful documents.

Article 6.- Modes of examining documents

The examination of documents shall be conducted by the following modes:

1. Self-examination by agencies or persons competent to promulgate documents;

2. Examination by agencies or persons competent to examine documents according to their assigned tasks, including:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Organization of examination teams by subject, geographical area, branch or domain.

3. Examination upon receiving requests or proposals of agencies, organizations or individuals detecting documents with signs of law violation.

Article 7.- Legal grounds for determining unlawful contents of examined documents

1. The legal grounds for determining unlawful contents of the examined documents are documents of higher legal effect which are currently effective at the time of examination of documents as prescribed in Chapter VIII "Effect of legal documents and principles for application of legal documents" of the Law on Promulgation of Legal Documents.

2. Agencies or persons competent to examine documents must screen regularly and in time to determine which documents are of higher effect and currently effective at the time of examination of documents as the legal grounds in service of the document-examining work.

Article 8.- Measures to handle competent agencies or persons that have promulgated unlawful documents

Basing themselves on the unlawful contents and the level of actual damage caused by unlawful documents, agencies or persons with the examining competence shall propose:

1. Competent agencies or persons that have promulgated unlawful documents to take measures promptly to remedy consequences caused by the promulgation and implementation of unlawful documents.

2. Competent agencies or persons to determine the handling forms and levels against the agencies or persons with the document-promulgating competence that have promulgated unlawful documents.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 9.- Announcement of the results of handling unlawful documents

1. Decisions of agencies or persons competent to handle documents prescribed in Articles 14, 15 and 16 of this Decree on the cancellation, abrogation or suspension of the implementation of unlawful documents must be published in the Official Gazette or announced on the central mass media.

2. Resolutions of People's Councils, decisions of provincial-level or district-level People's Committee presidents on abrogating, canceling or suspending the implementation of, unlawful documents under the provisions of Article 17 of this Decree must be announced on the local mass media.

Chapter II

SELF-EXAMINATION OF DOCUMENTS BY AGENCIES AND PERSONS COMPETENT TO PROMULGATE DOCUMENTS

Article 10.- Responsibility for self-examining documents

1. Ministers, heads of ministerial-level agencies as well as People's Councils and People's Committees at all levels shall have to self-examine documents promulgated by themselves; ministers and heads of ministerial-level agencies shall have to self-examine the contents of joint documents regarding the State management domains of ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies in order to detect provisions which are unlawful, contradictory, overlapping or no longer suitable to the practical situation so as to suspend in time the implementation of, amend, supplement, replace or cancel, such documents.

2. Heads of the legal organizations of ministries or ministerial-level agencies shall assist ministers or heads of ministerial-level agencies in self-examining documents promulgated by the latter or joint documents signed and promulgated jointly by the latter and other ministers, heads of other agencies and/or organizations.

Heads of Legal Boards of People's Councils, directors of provincial/municipal Justice Services, heads of district-level Justice Sections (in localities with district-level Justice Sections), heads of commune-level Justice Boards shall assist People's Councils and People's Committees of the same level in self-examining documents.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Heads of legal organizations of Government-attached agencies shall coordinate with legal organizations of the ministries whose ministers are assigned by the Prime Minister to sign and promulgate documents of such Government-attached agencies in self-examining documents.

3. The concerned agencies and units shall have to supply in time necessary information, materials and documents to, and coordinate with, legal organizations of ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, Legal Boards of People's Councils, provincial/municipal Justice Services, district-level Justice Sections and commune-level Justice Boards in self-examining documents.

Article 11.- Modes of self-examining documents

The self-examination of documents shall be conducted as follows:

1. Organizing regular examination of self-promulgated documents;

2. Organize timely screening and examination of self-promulgated documents when:

a/ The socio-economic situation has changed or when superior State agencies have promulgated new documents which render the contents of self-promulgated documents unsuitable;

b/ Upon receiving requests, proposals or notices of agencies or persons competent to examine documents or other agencies, organizations or individuals as well as the mass media on the self-promulgated documents which show signs of law violation or are no longer suitable.

Chapter III

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 1. COMPETENCE TO EXAMINE DOCUMENTS

Article 12.- Competence of the Prime Minister, ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Government-attached agencies in examining documents

1. The Prime Minister shall examine documents promulgated by ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Councils or People's Committees, joint documents promulgated by ministries and/or ministerial-level agencies, and joint documents promulgated by ministries and/or ministerial-level agencies and the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-political organizations.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of Government-attached agencies shall examine documents containing provisions related to the their respective branches or State management domains, which have been promulgated by other ministers, heads of other ministerial-level agencies, provincial-level People's Councils or People's Committees.

3. The Justice Minister shall exercise the examining competence prescribed in Clause 2 of this Article and assist the Prime Minister in examining:

a/ Documents promulgated by ministers or heads of ministerial-level agencies, which are related to the State management domains of such ministries or ministerial-level agencies and of Government-attached agencies;

b/ Documents promulgated by ministers or heads of ministerial-level agencies, which are related to many branches and State management domains of various ministries, ministerial-level agencies and/or Government-attached agencies;

c/ Joint documents of ministries and/or ministerial-level agencies;

d/ Joint documents of ministries and/or ministerial-level agencies and the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-political organizations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The minister-director of the Government Office shall exercise the examining competence prescribed in Clause 2 of this Article and assist the Prime Minister in examining:

a/ Documents promulgated by the Justice Minister on the branch and State management domain of the Justice Ministry;

b/ Joint documents between the Justice Ministry and other ministries and/or ministerial-level agencies;

c/ Joint documents between the Justice Ministry, other ministries or ministerial-level agencies and the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-political organizations;

d/ Other documents as assigned by the Government or the Prime Minister.

5. In case of disputes over the examining competence, the Justice Minister shall report them to the Prime Minister for decision.

Heads of legal organizations of ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies shall assist ministers, heads of ministerial-level agencies or heads of Government-attached agencies in examining documents falling under the examining competence of the latter.

The director of the Document Examination Department shall assist the Justice Minister in examining documents falling under the examining competence of the latter.

Article 13.- Competence of provincial-level and district-level People's Committee presidents

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. District-level People's Committee presidents shall examine documents promulgated by commune-level People's Councils and People's Committees.

Directors of provincial/municipal Justice Services and heads of district-level Justice Sections shall assist presidents of People's Committees of the same level in examining documents prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article.

Section 2. COMPETENCE TO HANDLE UNLAWFUL DOCUMENTS

Article 14.- Competence of the Prime Minister in handling unlawful documents

1. To decide to cancel, or suspend the implementation of, part or whole of documents promulgated by ministers, heads of ministerial-level agencies or provincial-level People's Committees, which are contrary to the Constitution, laws and/or resolutions of the National Assembly, ordinances and/or resolutions of the National Assembly Standing Committee, orders and/or decisions of the State President, resolutions and/or decrees of the Government or decisions and/or directives of the Prime Minister.

2. To decide to cancel, or suspend the implementation of, part or whole of documents promulgated by ministers or heads of ministerial-level agencies, which are contrary to the regulations on the branches or State management domains of other ministries or ministerial-level agencies or contrary to documents of ministers assigned by the Prime Minister to sign and promulgate documents of Government-attached agencies.

3. To decide to cancel, or suspend the implementation of, part or whole of unlawful joint documents of ministries and/or ministerial-level agencies.

4. To suspend the implementation of unlawful regulations in the State management domains of ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies in joint documents of ministries and/or ministerial-level agencies and the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-political organizations, and concurrently to request ministers or heads of ministerial-level agencies to reach agreement with the chief judge of the Supreme People's Court, the chairman of the Supreme People's Procuracy or heads of central bodies of socio-political organizations, who have signed the joint documents, to amend or annul such documents.

Within 30 (thirty) days after receiving the requests of the Prime Minister, if the ministers or heads of ministerial-level agencies fail to reach agreement with the chief judge of the Supreme People's Court, the chairman of the Supreme People's Procuracy and/or heads of central bodies of socio-political organizations, who have signed the joint documents, or the Prime Minister disagrees with the handling results, the Prime Minister shall report such to the National Assembly Standing Committee for consideration and decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. To authorize ministers or heads of ministerial-level agencies to handle unlawful documents, which fall under the handling competence of the Prime Minister, when deeming it necessary.

7. To exercise other powers in handling unlawful documents as prescribed by law.

Article 15.- Competence of the Justice Minister in handling unlawful documents

1. To handle unlawful documents promulgated by other ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Councils or People's Committees, which are related to the branch or State management domain of the Justice Ministry according to its competence defined in Clause 1, Article 16 of this Decree.

2. To assist the Prime Minister in handling unlawful documents promulgated by other ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Councils or People's Committees:

a/ To propose other ministers or heads of ministerial-level agencies to suspend the implementation of, or amend, supplement or cancel, unlawful documents promulgated by such ministers or heads of ministerial-level agencies, which are related to the branches or State management domains of other ministries, ministerial-level agencies and/or Government-attached agencies;

b/ To propose other ministers or heads of ministerial-level agencies to suspend the implementation of, or amend, supplement or cancel, unlawful documents promulgated by other ministers or heads of ministerial-level agencies, which are related to many branches or many State management domains of other ministries, ministerial-level agencies and Government-attached agencies;

Within 15 (fifteen) days after the proposals prescribed at Points a and b, Clause 2 of this Article are received, if such proposals are rejected or the Justice Minister disagrees with the handling results, he/she shall report such to the Prime Minister for handling according to law provisions.

c/ To propose the Prime Minister to suspend the implementation of unlawful resolutions promulgated by provincial-level People's Councils, which are related to many branches and/or State management domains;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. To handle unlawful joint documents of ministries and/or ministerial-level agencies according to the provisions of Clause 1, Article 24, and unlawful joint documents of ministries and/or ministerial-level agencies and the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central agencies of socio-political organizations under the provisions of Clause 1, Article 25 of this Decree.

4. To handle unlawful documents when so authorized by the Prime Minister and report on the handling results to the Prime Minister.

Article 16.- Competence of ministers and heads of ministerial-agencies in handling unlawful documents

1. Competence of ministers and heads of ministerial-level agencies in handling unlawful documents:

a/ To propose other ministers or heads of other ministerial-level agencies, who have promulgated documents contrary to documents on the branches or State management domains of ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies, to suspend the implementation of, cancel part or whole of such documents; within 15 (fifteen) days after the proposals are received, if such proposals are rejected or ministers or heads of ministerial-level agencies disagree with the handling results, they shall report such to the Prime Minister for handling according to law provisions.

b/ To propose the Prime Minister to suspend the implementation of resolutions promulgated by provincial-level People's Councils, which are contrary to documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee, the State President, the Government, the Prime Minister or documents of ministers, heads of ministerial-level agencies on the branches or State management domains of ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies;

c/ To suspend the implementation of, and propose the Prime Minister to cancel, decisions or directives of provincial-level People's Committees, which are contrary to documents on branches or State management domains of ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies;

d/ To exercise other powers assigned by the Government or the Prime Minister in handling unlawful documents.

2. Competence of the minister-director of the Government Office in handling unlawful documents:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ To handle unlawful documents promulgated by the Justice Minister:

To propose the Justice Minister to suspend the implementation of, cancel part or whole of, unlawful documents promulgated by the Justice Minister on the branch and State management domain of the Justice Ministry. Within 15 (fifteen) days after the proposals are received, if the proposals are rejected or the minister-director of the Government Office disagrees with the handling results, he/she shall report such to the Prime Minister for handling according to law provisions;

c/ To handle unlawful joint documents of the Justice Ministry and other ministries or ministerial-level agencies under the provisions of Clause 2, Article 24 and unlawful joint documents of the Justice Ministry, other ministries and/or ministerial-level agencies and the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-political organizations under the provisions of Clause 2, Article 25 of this Decree.

3. Ministers assigned by the Prime Minister to sign and promulgate documents of Government-attached agencies shall have competence to handle documents promulgated by other ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Councils or People's Committees, which are contrary to documents of Government-attached agencies, which they are assigned by the Prime Minister to sign and promulgate, under the provisions of Clause 1 of this Article.

Article 17.- Competence of provincial-level and district-level People's Committee presidents in handling unlawful documents

1. To suspend the implementation of, and cancel, unlawful documents of immediate lower-level People's Committees.

2. To suspend the implementation of unlawful resolutions of lower-level People's Committees and propose the People's Councils of the same level to cancel them.

Section 3. PROCEDURES FOR EXAMINING AND HANDLING UNLAWFUL DOCUMENTS

Article 18.- Time limit for sending documents to examining agencies

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Documents of ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Councils or People's Committees shall be sent to the Document Examination Department under the Justice Ministry and legal organizations of ministries, ministerial-level agencies and/or Government-attached agencies competent to examine documents according to branches or domains.

Joint documents between ministries and/or ministerial-level agencies and the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy or central bodies of socio-political organizations shall be sent by ministries or distributing agencies to the Document Examination Department under the Justice Ministry.

2. Documents of the Justice Minister, joint documents of the Justice Ministry and/or other ministries, ministerial-level agencies, the Supreme People's Court, Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-political organizations shall be sent by ministries or distributing agencies to the Legal Department of the Government Office;

3. Documents of district-level People's Councils or People's Committees shall be sent to provincial/municipal Justice Services;

4. Documents of commune-level People's Councils or People's Committees shall be sent to district-level Justice Sections.

Article 19.- Procedures carried out by the Justice Minister in examining and handling unlawful documents

1. When examining and detecting signs of law violation in documents, the director of the Document Examination Department shall notify them to competent agencies or persons that have promulgated such documents for examination and handling by themselves.

2. Within 30 (thirty) days after receiving such notices, the agencies or persons competent to promulgate documents must examine and handle by themselves their documents showing signs of law violation, and notify the handling results to the director of the Document Examination Department.

The handling of resolutions of provincial-level People's Councils must be conducted at the nearest session of the People's Councils.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 20.- Procedures carried out by ministers and heads of ministerial-level agencies in examining and handling unlawful documents

1. Ministers and heads of ministerial-level agencies shall examine and handling unlawful documents according to the following procedures:

a/ When examining and detecting signs of law violation in documents, heads of legal organizations of ministries or ministerial-level agencies shall report them to ministers or heads of ministerial-level agencies for notifying competent agencies or persons that have promulgated such documents thereof so that the latter examine and handle them by themselves according to law provisions;

b/ Within 30 (thirty) days after receiving the notices, the competent agencies or persons that have promulgated documents must examine and handle by themselves documents showing signs of law violation and notify the handling results to the agencies or persons competent to examine documents.

The handling of resolutions of provincial-level People's Councils must be conducted at the nearest session of the People's Councils.

c/ Where the competent agencies or persons that have promulgated documents showing signs of law violation fail to handle such documents within the time limit prescribed at Point b, Clause 1 of this Article or ministers or heads of ministerial-level agencies disagree with the handling results of agencies or persons competent to promulgate documents, ministers or heads of ministerial-level agencies competent to examine documents shall handle such documents under the provisions of Clause 1, Article 16 of this Decree.

2. The minister-director of the Government Office shall examine and handle unlawful documents promulgated by the Justice Minister and other documents when so assigned by the Government or the Prime Minister according to the procedures prescribed in Clause 1 of this Article in order to exercise his/her competence to handle documents under the provisions of Clause 2, Article 16 of this Decree.

3. The ministers assigned by the Prime Minister to sign and promulgate documents of Government-attached agencies shall handle unlawful documents according to the following procedures:

a/ When examining and detecting in documents promulgated by ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Councils or People's Committees signs of being contrary to documents of Government-attached agencies, the heads of legal organizations of the Government-attached agencies shall report such to heads of their Government-attached agencies for notifying the competent agencies or persons that have promulgated such documents thereof for examining and handling them by themselves. Within 30 (thirty) days after receiving such notices, the competent agencies or persons that have promulgated such documents must examine and handle their documents by themselves and notify the handling results to the heads of the Government-attached agencies who have examined such documents.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Where the competent agencies or persons that have promulgated documents fail to handle their documents within the time limit prescribed at Point a, Clause 3 of this Article or the heads of the Government-attached agencies disagree with the handling results of the competent agencies or persons that have promulgated such documents, heads of Government-attached agencies shall propose the ministers assigned by the Prime Minister to sign and promulgate the documents in the branches or State management domains of the Government-attached agencies to handle unlawful documents under the provisions of Clause 1, Article 16 of this Decree.

Article 21.- Procedures for handling unlawful documents in cases proposed by ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Committee presidents to the Prime Minister

1. Where ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Committee presidents propose to the Prime Minister the handling of unlawful documents, the dossiers of proposal must be sent to the Justice Ministry and concurrently to the Government Office.

2. For documents which are obviously unlawful and opinions on the methods of handling them are unanimous, within 15 (fifteen) days after receiving the proposals, the minister-director of the Government Office shall submit them to the Prime Minister for handling decision; before doing so, the minister-director of the Government Office may ask the Justice Minister to give verification opinions on the lawfulness of the documents proposed for handling.

3. For documents for which opinions remain divergent on their lawfulness or there are requests for re-consideration of the handling decisions, they shall be handled under the provisions of Clause 5, Article 28 of this Decree.

Within 30 (thirty) days after receiving the proposals, the minister-director of the Government Office shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Justice Minister, other ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Committee presidents and/or heads of concerned agencies in, handling documents according to the following procedures:

a/ The agencies or persons competent to examine and propose the handling of documents report on the unlawfulness of the examined documents, which must be handled;

b/ The Justice Minister reports on the verification of the lawfulness of the proposed documents and proposes the handling solutions;

c/ The agencies or persons with the document-promulgating competence that have their documents proposed for handling, explain on the contents related to the documents proposed;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The procedures prescribed at Points a, b, c and d, Clause 3 of this Article may be performed through organizing meetings presided over by the minister-director of the Government Office or gathering written opinions of ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Committee presidents and/or heads of the concerned agencies in handling unlawful documents.

dd/ Where ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Committee presidents and/or heads of concerned agencies cannot reach agreement on the handling solutions, on the basis of the dossiers of proposal and verification reports of the Justice Minister on the lawfulness of documents proposed for handling and the proposals of ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Committee presidents and/or heads of the concerned agencies, the minister-director of the Government Office shall submit such to the Prime Minister for decision the handling or authorization of the Justice Minister, other ministers, or heads of ministerial-level agencies to handle the unlawful documents.

Article 22.- Procedures carried out by provincial-level or district-level People's Committees in examining and handling unlawful documents

1. When examining and detecting signs of law violation in documents, directors of provincial/municipal Justice Services or heads of district-level Justice Sections shall notify them to the agencies which have promulgated such documents for examining and handling by themselves according to law provisions.

2. Within 30 (thirty) days after receiving such notices, the document-promulgating agencies must organize self-examination and handling of their documents with signs of law violation and notify the handling results to the document-examining agencies.

The handling of resolutions of district-level or commune-level People's Councils shall be conducted at the nearest sessions of the People's Councils.

3. Where the agencies having promulgated documents with signs of law violation fail to handle them within the time limit prescribed in Clause 2 of this Article or directors of provincial/municipal Justice Services or heads of district-level Justice Sections disagree with the handling results, they shall report such to presidents of People's Committees of the same level for handling according to the provisions of Article 17 of this Decree.

Article 23.- Procedures for examining and handling documents with contents classified as State secrets

The procedures for examining and handling documents with contents classified as State secrets shall be applied in accordance with the provisions of this Decree and must comply with the legislation on protection of State secrets.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Procedures carried out by the Justice Minister in examining and handling unlawful joint documents of ministries and/or ministerial-level agencies

a/ The Justice Minister examines and handles joint documents showing signs of law violation, which are promulgated by ministries and/or ministerial-level agencies according to the procedures prescribed in Article 19 of this Decree;

b/ Upon receiving notices or proposals of the Justice Minister, the agencies having signed joint documents must coordinate with one another in examining and handling such documents by themselves according to law provisions.

2. Procedures carried out by the minister-director of the Government Office in examining and handling unlawful joint documents of the Justice Ministry, other ministries and/or ministerial-level agencies:

Upon detecting that joint documents of the Justice Ministry and other ministries and/or ministerial-level agencies show signs of law violation, the minister-director of the Government Office must notify such to the Justice Minister, other ministers, and/or heads of ministerial-level agencies who have signed the joint documents for examination and handling by themselves.

Within 30 (thirty) days after receiving such notices, if the Justice Minister, other ministers, and/or heads of ministerial-level agencies fail to handle or the minister-director of the Government Office disagrees with the handling results, the minister-director of the Government Office shall propose the Justice Minister, other ministers, and/or heads of ministerial-level agencies to suspend the implementation of, or cancel, such unlawful provisions.

Within 15 days after such proposals are received, if they are rejected or the minister-director of the Government Office disagrees with the handling results, he/she shall report such to the Prime Minister for handling according to law provisions.

Article 25.- Procedures for examining and handling unlawful joint documents of ministries and/or ministerial-level agencies and the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-political organizations

1. Procedures carried out by the Justice Minister in examining and handling unlawful joint documents of ministries and/or ministerial-level agencies and the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-political organizations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ In case of detecting signs of law violation in the contents of joint documents' provisions falling into the State management domains of the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-political organizations, the Justice Minister shall notify such agencies thereof for examination and handling by themselves according to law provisions. If the notified agencies fail to handle, the Justice Minister shall report such to the Prime Minister.

2. Procedures carried out by the minister-director of the Government Office in examining and handling unlawful joint documents of the Justice Ministry and other ministries, ministerial-level agencies, the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-political organizations:

a/ When detecting signs of law violation in the contents of the provisions falling into the State management domains of the Justice Ministry, other ministries, ministerial-level agencies, and/or Government-attached agencies in joint documents of the Justice Ministry and other ministries, ministerial-level agencies, the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-economic organizations, the minister-director of the Government Office shall notify such to the Justice Minister, other ministers and/or heads of ministerial-level agencies who have signed such joint documents for examination and handling by themselves.

Within 30 (thirty) days after receiving such notices, if the Justice Minister, other ministers and/or heads of ministerial-level agencies who have signed the joint documents fail to handle them or the minister-director of the Government Office disagrees with the handling results, the minister-director of the Government Office shall propose the Justice Minister, other ministers and/or heads of ministerial-level agencies to suspend the implementation of, or cancel such unlawful provisions.

Within 15 days after the proposals are received, if they are rejected or the minister-director of the Government Office disagrees with the handling results, he/she shall report such to the Prime Minister for handling according to law provisions.

b/ In case of detecting signs of law violation in the contents of the provisions falling into the State management domains of joint documents of the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and/or central bodies of socio-political organizations, the minister-director of the Government Office shall notify these agencies thereof for examination and handling by themselves. If the notified agencies fail to handle them, the minister-director of the Government Office shall report such to the Prime Minister.

Article 26.- Competence and procedures for examining and handling documents which contain law provisions but have been promulgated not in the form of legal document and documents promulgated by agencies having no competence to promulgate legal documents when receiving requests, proposals or complaints from agencies, organizations, mass media as well as individuals

1. Unlawful documents examined and handled according to the competence and procedures prescribed in Clauses 2, 3, 4 and 5 of this Article include:

a/ Documents which contain law provisions but have been promulgated not in the form of legal document by ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Government-attached agencies, heads of units attached to ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies, People's Councils and People's Committees at all levels, presidents of People's Committees at all levels, heads of professional agencies under provincial-level People's Committees, heads of professional agencies under district-level People's Committees;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Government-attached agencies, People's Councils and presidents of People's Committees at all levels must examine, handle and cancel by themselves documents stated at Points a and b, Clause 1 of this Article upon receiving requests. proposals or complaints from agencies, organizations, mass media as well as individuals.

2. Upon receiving requests, proposals or complaints from agencies, organizations, mass media as well as individuals regarding documents prescribed at Points a and b, Clause 1 of this Article, which have been promulgated by ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Government-attached agencies, provincial-level People's Councils, People's Committees, People's Committee presidents, heads of units attached to ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies, the Justice Minister shall handle such documents according to the procedures prescribed in Article 19 of this Decree.

3. Upon receiving requests, proposals or complaints from agencies, organizations, mass media as well as individuals regarding documents prescribed at Points a and b, Clause 1 of this Article, which have been promulgated by the Justice Minister or units attached to the Justice Ministry, the minister-director of the Government Office shall handle such documents according to the procedures prescribed in Clause 2, Article 20 of this Decree.

4. Upon receiving requests, proposals or complaints from agencies, organizations, mass media as well as individuals regarding documents prescribed at Points a and b, Clause 1 of this Article, which have been promulgated by heads of professional agencies under provincial-level People's Committees, district-level People's Councils, People's Committees or People's Committee presidents, directors of provincial/municipal Justice Services shall handle such documents according to the procedures prescribed in Article 22 of this Decree.

5. Upon receiving requests, proposals or complaints from agencies, organizations, mass media as well as individuals regarding the documents prescribed at Points a and b, Clause 1 of this Article, which have been promulgated by heads of professional agencies under district-level People's Committees, commune-level People's Councils, People's Committees or People's Committee presidents, the heads of district-level Justice Sections shall handle such documents according to the procedures prescribed in Article 22 of this Decree.

Directors of provincial-level People's Committees' Offices shall assist provincial-level People's Committee presidents and directors of district-level People's Committees' Offices shall assist district-level People's Committee presidents in performing the procedures prescribed in Clauses 4 and 5 of this Article regarding documents prescribed at Points a and b, Clause 1 of this Article which have been promulgated by directors of provincial/municipal Justice Services or heads of district-level Justice Sections.

Chapter IV

RESPONSIBILITIES AND RIGHTS OF AGENCIES AND PERSONS WHOSE DOCUMENTS ARE EXAMINED

Article 27.- Responsibilities of agencies and persons with the document-promulgating competence whose documents are examined

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. To implement Article 10 of the Law on Promulgation of Legal Documents and Article 18 of this Decree; to supply necessary information and documents for agencies or persons competent to examine documents;

2. To explain on the documents' contents if so requested by agencies or persons competent to examine documents;

3. To organize timely self-examination to detect and handle documents showing signs of law violation according to the provisions of Clause 1, Article 10 and Point b, Clause 2, Article 11 of this Decree;

4. To notify agencies or persons competent to examine documents of the handling of unlawful documents;

5. To create conditions for agencies or persons competent to examine documents to perform their document-examining tasks;

6. To abide by decisions and requests of the Prime Minister according to the provisions of Article 14 of this Decree;

7. To execute decisions and proposals of ministers or heads of ministerial-level agencies under the provisions of Articles 15 and 16; resolutions of provincial-level People's Councils, resolutions of district-level People's Committees, decisions of provincial-level People's Committee presidents or decisions of district-level People's Committee presidents according to the provisions of Article 17 of this Decree.

Article 28.- Rights of agencies and persons with examined documents

Agencies and persons with examined documents shall have the following rights:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. To present their opinions related to the contents of examined documents;

3. To refuse to reply or supply information not falling within the scope of their functions, tasks and powers or information classified as State secrets banned from being supplied according to law provisions;

4. To explain and propose ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level and/or district-level People's Committee presidents competent to examine and handle documents to reconsider their notices on the handling of documents showing signs of law violation, which have been promulgated by agencies or persons with examined documents (excluding documents prescribed in Clause 1, Article 26 of this Decree) within 15 (fifteen) days after receiving such notices;

5. If agencies or persons competent to examine documents still decide on the handling according to the provisions of Articles 15, 16 and 17 of this Decree, agencies or persons with examined documents may propose agencies or persons with the handling competence to reconsider their handling decisions. Within 15 (fifteen) days after receiving such proposals, if agencies or persons with the handling competence fail to reply or agencies or persons with examined documents disagree with the replies to their proposals, they may report such to the Prime Minister (if agencies or persons that have issued handling decisions are ministers, heads of ministerial-level agencies, provincial-level People's Councils or People's Committee presidents) or provincial-level People's Committee presidents (if agencies or persons that have issued handling decisions are district-level People's Councils or People's Committee presidents).

When exercising their rights defined in Clauses 4 and 5 of this Article, agencies or persons with examined documents must be able to prove that they have promulgated their documents in accordance with law and bear responsibility before their superior authorities and law for the truthfulness and accuracy of their reports or proposals.

Chapter V

COMMENDATION, HANDLING OF LAW VIOLATIONS; COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS AND SETTLEMENT THEREOF IN THE WORK OF EXAMINING AND HANDLING DOCUMENTS

Article 29.- Commendation in the work of examining and handling documents

1. Agencies, officials, public employees and collaborators that have recorded achievements, fulfilled their assigned tasks in examining and handling documents shall be commended and/or rewarded according to law provisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Agencies, organizations and individuals that detect signs of law violation in documents and propose competent agencies or persons to handle them shall, if recording achievements, be commended and/or rewarded according to law provisions.

Article 30.- Acts of law violation in the work of examining and handling documents

1. Violation acts committed by agencies or persons competent to examine documents:

a/ Failing to organize the examination and handling of documents falling under their examining and handling competence;

b/ Failing to examine or handle documents when so requested by superior State agencies or requested or proposed by agencies, organizations, individuals or mass media;

c/ Failing to handle or to report to agencies or persons with the handling competence upon detecting documents with signs of law violation;

d/ Issuing handling decisions illegally, putting forward illegal requests or proposals to agencies or persons with examined documents;

dd/ Examining and/or handling documents not falling under their examining and handling competence;

ef/ Failing to transfer documents not falling under their examining and handling competence to agencies or persons competent to examine and handle documents;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Depending on the nature and seriousness of their acts of violating law provisions on examination of documents, agencies or persons competent to examine documents shall be handled according to law provisions.

2. Violation acts committed by agencies and persons with examined documents:

a/ Failing to implement the provisions of Clause 1, Article 27 of this Decree;

b/ Failing to organize self-examination in order to detect and handle unlawful documents promulgated by themselves;

c/ Failing to organize self-examination and handling when receiving requests or proposals of agencies or persons with the examining competence or of agencies, organizations, mass media and individuals;

d/ Committing acts of obstructing or causing difficulties to agencies or persons with the examining competence in the process of examining documents;

dd/ Making untruthful reports when exercising their rights defined in Clauses 4 and 5, Article 28 of this Decree;

e/ Other acts of law violation in the process of implementing the provisions of this Decree and other relevant documents while performing the work of examining and handling documents.

Depending on the nature and seriousness of their acts of violating law provisions on examination of documents, agencies or persons with examined documents shall be handled according to law provisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Agencies, organizations and individuals may lodge complaints about administrative decisions or acts of agencies or persons competent to examine documents and of agencies or persons with examined documents in the work of examining and handling documents according to the legislation on complaints and denunciations when they have grounds to believe that such decisions or acts are illegal, infringing upon their legitimate rights and interests.

2. Individuals may lodge denunciations against administrative acts of agencies or persons competent to examine documents and of agencies or persons with examined documents in the work of examining and handling documents according to the legislation on complaints and denunciations when they have grounds to believe that such decisions or acts are illegal, infringing upon their legitimate rights and interests.

3. The competence and procedures for settling complaints and denunciations in the work of examining and handling documents shall comply with the law provisions on settlement of complaints and denunciations.

Chapter VI

STATE MANAGEMENT OVER THE DOCUMENT-EXAMINING WORK

Article 32.- Tasks and powers of ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies in performing the State management over the document-examining work

1. The Justice Ministry shall assist the Government in performing the uniform State management over the document-examining work nationwide, having the following tasks and powers:

a/ To draft and submit to competent agencies for promulgation or promulgate according to its competence documents on document examination;

b/ To draw up plans on examining documents which fall under its examining competence and assume the prime responsibility for, and coordinate with the Government Office, other concerned ministries, branches and agencies in, organizing the implementation thereof;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ To organize professional training in document examination for the contingent of officials and public employees engaged in examining documents; to organize and manage the contingent of document-examining collaborators;

dd/ To organize the information network, build up and manage databases in service of the document examination;

e/ To organize preliminary and sum-up reviews and competitions in different branches, domains and localities and nationwide on the document-examining work; biannually and annually to report on this work to the Government and the Prime Minister;

g/ To commend, reward, discipline and propose competent authorities to commend, reward or discipline officials, public employees and collaborators under its management in the document-examining work; to commend and/or reward agencies, organizations and individuals that have detected and proposed the Justice Minister to examine and handle documents with signs of law violations;

h/ To undertake international cooperation in the domain of document examination;

i/ To settle complaints and denunciations related to document examination according to its competence.

2. Ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies shall have the following tasks and powers in performing the State management over the document-examining work:

a/ To draft and submit to competent agencies for promulgation or promulgate according to their respective competence documents on document examination to be applicable in their respective ministries or branches;

b/ To draw up, and organize the implementation of, plans on examining documents falling under the examining competence of ministers, heads of ministerial-level agencies or heads of Government-attached agencies;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ To direct their legal organizations to exchange their document examination experiences with the Document Examination Department under the Justice Ministry, legal organizations of other ministries, ministerial-level agencies and Government-attached agencies; to organize scientific research in the document examination;

dd/ To organize professional training in document examination for the contingent of officials and public employees engaged in examining documents; to organize and manage the contingent of document-examining collaborators under their respective management;

e/ To organize the information network, build up and manage databases in service of examining documents within ministries, ministerial-level agencies and Government-attached agencies;

g/ To organize preliminary and sum-up reviews and competitions in their respective branches and domains on the document-examining work; biannually and annually to report on this work to the Prime Minister and the Justice Ministry;

h/ To commend, reward, discipline and propose competent authorities to commend, reward or discipline officials, public employees and collaborators under their respective management in the document-examining work; to commend and/or reward agencies, organizations and individuals that have detected and proposed ministers, heads of ministerial-level agencies or heads of Government-attached agencies to examine and handle documents with signs of law violations;

i/ To settle complaints and denunciations related to document examination according to their respective competence.

Article 33.- Tasks and powers of provincial-level and district-level People's Committees in performing the State management over the document-examining work

1. In performing the State management over document examination, provincial-level and district-level People's Committees shall have the following tasks and powers:

a/ To work out, and organize the implementation of, plans on examining documents in localities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ To organize preliminary and sum-up reviews and competitions in their respective localities on the document-examining work; biannually and annually to report on this work to the Prime Minister and the Justice Ministry (for the provincial level) or to the provincial-level People's Committees (for the district level);

d/ To coordinate with, and create conditions for, document-examining agencies to examine documents according to their respective competence;

dd/ To organize professional training in document examination for the contingent of officials and public employees engaged in examining documents; to organize and manage the contingent of document-examining collaborators;

e/ To organize the information network, build up and manage databases in service of the document-examining work;

g/ To commend, reward, discipline and propose competent authorities to commend, reward or discipline officials, public employees and collaborators in their respective localities in the document-examining work; to commend and/or reward agencies, organizations and individuals that have detected and proposed provincial-level People's Councils and People's Committees or district-level People's Councils and People's Committees to examine and handle documents with signs of law violations;

h/ To settle complaints and denunciations related to document examination according to their respective competence.

2. Provincial/municipal Justice Services and district-level Justice Sections shall assist People's Committees of the same level in performing the State management over the document-examining work prescribed in this Article.

Chapter VII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The funding to ensure the document-examining work shall be allocated from the State budget, included in the funding for regular activities of document-examining agencies and spent on the following contents: organizing and coordinating examining activities; organizing the contingent of collaborators; organizing the collection of information, materials, building up databases in service of the document-examining work; supporting the study and consideration of documents, and other activities related to the document-examining work according to law provisions.

The Justice Minister shall reach agreement with the Finance Minister on guiding the execution of the funding prescribed in this Article.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Government-attached agencies and People's Committee presidents shall have to arrange organizations, full-time personnel and funding to ensure the effective performance of document-examining tasks.

Article 35.- Implementation effect

This Decree takes effect 15 days after its publication in the Official Gazette. All earlier provisions contrary to this Decree are hereby annulled.

Article 36.- Implementation responsibilities

1. The Government Office shall assist the Government in inspecting the implementation of this Decree.

2. Biannually and annually, the Justice Minister shall sum up and report to the Government and the Prime Minister on the examination and handling of documents of ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies and provincial/municipal People's Councils and People's Committees.

3. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Government-attached agencies, chairmen of People's Councils and presidents of People's Committees at all levels, heads of concerned agencies and units shall have to implement this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Phan Van Khai

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Decree No. 135/2003/ND-CP of November 14, 2003, on the examination and handling of legal documents

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.343

DMCA.com Protection Status
IP: 18.205.56.209
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!