BỘ CÔNG AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/2021/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 02 năm 2021
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN,
CỨU HỘ
Căn cứ Luật
Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng
cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 83/2017/NĐ-CP
ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của
lực lượng phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng
8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP
ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định
về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nguyên tắc, nội dung, hồ
sơ, chế độ thống kê, báo cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở có liên
quan trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Công an các đơn vị, địa phương và sĩ quan, hạ sĩ
quan, chiến sĩ Công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ) được
giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ.
2. Cơ quan, tổ chức, cơ sở có liên quan đến việc quản
lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý, bảo
quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định
của pháp luật có liên quan.
2. Phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ phải được quản lý, bảo quản, bảo dưỡng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm
sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
3. Quy trình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được xây dựng phù hợp trên cơ sở yêu cầu
của nhà sản xuất và đặc thù trong khai thác, sử dụng (địa hình hoạt động, phân
vùng lãnh thổ, khí hậu, yêu cầu kỹ thuật).
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ là các loại phương tiện được quy định tại Phụ
lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP
ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).
2. Quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ là hoạt động lập kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra công tác
sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ do cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện để duy trì chất lượng tốt nhất của
phương tiện, bảo đảm công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
3. Bảo quản phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ là hoạt động giữ gìn phương tiện để tránh hư hỏng, mất mát.
4. Bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ là công việc được tiến hành bắt buộc sau một chu kỳ vận hành, khai
thác, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo nội
dung công việc đã quy định để duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của phương tiện.
Điều 5. Phụ lục
Ban hành kèm theo Thông tư này các Phụ lục sau đây:
1. Phụ lục I: Bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới.
2. Phụ lục II: Bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện chữa cháy thông dụng.
3. Phụ lục III: Bảo quản,
bảo dưỡng trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân.
4. Phụ lục IV: Bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện cứu người.
5. Phụ lục V: Bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ.
6. Phụ lục VI: Bảo quản,
bảo dưỡng thiết bị, dụng cụ thông tin liên lạc.
7. Phụ lục VII: Bảo quản,
bảo dưỡng hệ thống báo cháy, chữa cháy; đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự
cố; chất chữa cháy; vật liệu chống cháy, ngăn cháy.
8. Phụ lục VIII: Mẫu sổ
theo dõi hoạt động của phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới.
Chương II
QUẢN LÝ, BẢO QUẢN, BẢO
DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ
Điều 6. Địa điểm quản lý, bảo
quản phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Địa điểm quản lý phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhà kho, bến, bãi, âu thuyền, cảng, trụ sở cơ quan hoặc
địa điểm khác do người có thẩm quyền quyết định và phải bảo đảm điều kiện tương
ứng theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Nhà, kho, bãi để phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an ninh, trật tự, có hệ thống thiết bị chiếu
sáng, được trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy thông dụng và
đáp ứng các điều kiện sau:
a) Nhà, kho để phương tiện phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ là công trình xây dựng có mái che, tường bao quanh, bảo đảm khô
ráo, thoáng khí, sạch sẽ;
b) Bãi để phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ là nơi để phương tiện ngoài trời phải được bố trí mái che hoặc có
các biện pháp phòng, chống mưa, nắng.
3. Bến, âu thuyền, cảng để phương tiện phòng cháy,
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an ninh, trật tự, nội quy ra, vào, nội
quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy; đối với bến thủy nội địa
ngoài việc đáp ứng các yêu cầu trên phải có thiết bị neo đậu phương tiện, có nội
quy hoạt động ra, vào bến, sắp xếp, neo đậu phương tiện.
4. Xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy
và cứu nạn, cứu hộ, máy bơm chữa cháy phải được bố trí trong nhà; tàu, xuồng,
ca nô chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được bố trí tại bến bãi bảo đảm yêu cầu
hoạt động của phương tiện. Các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khác phải
được bố trí ở nơi đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này
hoặc trong các khoang chứa phương tiện của xe chữa cháy, xe chuyên dùng và quản
lý an toàn, bảo đảm thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
5. Xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy
và cứu nạn, cứu hộ, máy bơm chữa cháy và các phương tiện phòng cháy, chữa cháy
và cứu nạn, cứu hộ khác chưa sử dụng phải được bảo quản trong kho hoặc nơi quản
lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu để quản
lý, bảo quản đúng quy định theo từng chủng loại.
Điều 7. Bảo quản, bảo dưỡng thường
xuyên
1. Thực hiện hằng ngày hoặc trước, trong và sau mỗi
lần sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và do người được
giao quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện.
2. Nội dung bảo quản, bảo dưỡng cụ thể đối với
phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định tại các Phụ lục I, II, III, IV, V, VI, VII ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Kết thúc việc bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên,
người được giao quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải
ghi đầy đủ vào sổ theo dõi phương tiện theo Mẫu số
01, Mẫu số 02, Mẫu
số 03 quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8. Bảo quản, bảo dưỡng định
kỳ
1. Bảo dưỡng định kỳ được thực hiện định kỳ hằng
tháng, hằng quý và hằng năm tại nơi quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy
và cứu nạn, cứu hộ hoặc cơ sở bảo dưỡng theo đúng quy định của nhà sản xuất và
do thợ máy, kỹ thuật viên, người đã được đào tạo thực hiện;
2. Nội dung bảo quản, bảo dưỡng: Kiểm tra tình trạng
kỹ thuật chung của phương tiện, tổ chức đánh giá chi tiết chất lượng phương tiện,
áp dụng quy định của nhà sản xuất về cấp bảo dưỡng, sửa chữa và tình hình thực
tế tại cơ sở để có phương án bảo quản, bảo dưỡng phù hợp đối với từng loại
phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
3. Phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ sau khi thực hiện bảo quản, bảo dưỡng định kỳ phải được người được giao quản
lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đánh giá, xác nhận và
ghi đầy đủ vào sổ theo dõi phương tiện theo Mẫu số
01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm
theo Thông tư này.
Điều 9. Hồ sơ quản lý phương tiện
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Hồ sơ quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy
và cứu nạn, cứu hộ, gồm:
a) Sổ theo dõi hoạt động xe chữa cháy, xe chuyên
dùng phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tàu, xuồng, ca nô chữa cháy theo Mẫu số 01, máy bơm chữa cháy theo Mẫu số 02, các loại phương tiện cơ giới khác
theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục VIII ban
hành kèm theo Thông tư này;
b) Thống kê, báo cáo công tác quản lý, bảo quản, bảo
dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan, tổ chức,
cơ sở.
2. Hồ sơ quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy
và cứu nạn, cứu hộ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở chỉ đạo lập, lưu
giữ và được bổ sung khi có thay đổi.
Điều 10. Thống kê, báo cáo
công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ
1. Định kỳ vào cuối tháng 11 hằng năm, cơ quan, tổ
chức, cơ sở đã trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải
thống kê, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo các nội dung cơ bản
sau:
a) Thực trạng công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
(số lượng, chất lượng, chủng loại, nội dung bảo quản, bảo dưỡng phương tiện
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã trang bị);
b) Kết quả thực hiện kết luận kiến nghị thanh tra,
kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
c) Đề xuất, kiến nghị giải pháp để nâng cao hiệu quả
công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ.
2. Trường hợp phương tiện phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ được trang bị hư hỏng, cơ quan, tổ chức, cơ sở phải kịp thời
báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trình tự báo cáo và cơ quan tiếp nhận báo cáo
a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản
lý cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục
IV ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP,
đội dân phòng báo cáo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung
là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
b) Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ thuộc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung
là Công an cấp huyện), Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Công an cấp
huyện về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;
c) Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý đội phòng cháy
và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành có trách nhiệm báo
cáo Công an cấp huyện hoặc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ Công an cấp tỉnh theo phân cấp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo
dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản
lý;
d) Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội
Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ báo cáo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp
tỉnh về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;
đ) Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ, Công an cấp huyện báo cáo Công an cấp tỉnh trực tiếp quản lý về tình
hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;
e) Công an cấp tỉnh báo cáo Cục Cảnh sát phòng cháy,
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương
tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.
Điều 11. Xây dựng, quản lý quy
trình bảo quản, bảo dưỡng định kỳ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ
1. Cơ quan, tổ chức được giao quản lý phương tiện
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải căn cứ vào tính năng kỹ thuật,
quy định của nhà sản xuất, các điều kiện thực tế khác để xây dựng quy trình bảo
quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp.
2. Các bước trong quy trình bảo quản, bảo dưỡng định
kỳ phải do thợ máy, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn phù hợp đảm nhận.
Điều 12. Trách nhiệm của cơ
quan Công an trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Trách nhiệm của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ:
a) Hướng dẫn thực hiện quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên phạm vi toàn quốc;
b) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra theo thẩm quyền việc
thực hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định;
c) Nghiên cứu, cải tiến, sửa chữa, sản xuất thử
nghiệm phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; biên soạn tài liệu
kỹ thuật hướng dẫn sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ;
d) Kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến
nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, bảo
quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định
của pháp luật.
2. Trách nhiệm của Công an cấp tỉnh:
a) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quản
lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
thuộc phạm vi quản lý;
b) Duyệt kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng huấn luyện
nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương
tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
c) Thống kê, báo cáo cơ quan cấp trên về công tác
quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ thuộc phạm vi quản lý;
d) Kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến
nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, bảo
quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định
của pháp luật;
e) Bảo đảm kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo
quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm
vi quản lý.
3. Trách nhiệm của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện:
a) Trực tiếp thực hiện quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị;
b) Phân công cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý,
bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc
phạm vi quản lý;
c) Thống kê, báo cáo Công an cấp tỉnh về công tác
quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ thuộc phạm vi quản lý.
4. Người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều
này.
Điều 13. Trách nhiệm của người
đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quản
lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
thuộc phạm vi quản lý.
2. Tổ chức lập và quản lý hồ sơ về phương tiện phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
3. Tổ chức cho cán bộ, nhân viên, người lao động
trong cơ quan, tổ chức, cơ sở học tập, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ đã trang bị.
4. Phân công người làm công tác quản lý, bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
5. Thống kê, báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực
tiếp và cơ quan có thẩm quyền về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương
tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
6. Kiểm tra, xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan
có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
7. Bảo đảm kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo
quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Điều 14. Trách nhiệm của người
được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ
1. Quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định của nhà sản xuất và theo
hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
2. Thường xuyên kiểm tra nơi bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;
phát hiện kịp thời phương tiện bị mất, hư hỏng hoặc nơi bảo quản, bảo dưỡng
không bảo đảm an toàn để báo cáo cơ quan, tổ chức, cơ sở trực tiếp quản lý có
biện pháp xử lý, khắc phục.
3. Thống kê, báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức,
cơ sở trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22
tháng 3 năm 2021 và thay thế Thông tư số 52/2014/TT-BCA
ngày 28 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quản lý, bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
2. Các văn bản quy phạm pháp luật, điều khoản của
văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn được trích dẫn trong Thông tư này khi được
sửa đổi, bổ sung, thay thế thì nội dung trích dẫn cũng được điều chỉnh và thực
hiện theo văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn được sửa đổi, bổ
sung, thay thế.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Thông
tư này.
2. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc
Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức, cơ sở, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Đề nghị Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Công an
trong việc quản lý, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan, tổ chức, cơ sở
do bộ, ngành, địa phương mình quản lý.
Trong quá trình thi hành Thông tư này, nếu có khó
khăn, vướng mắc, Công an đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan báo
cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để
có hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận:
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an;
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công an;
- Lưu: VT, C07.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Tô Lâm
|
PHỤ LỤC I
BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU
HỘ CƠ GIỚI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Công an)
I. Bảo quản phương tiện chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới hằng ngày
1. Xe chữa cháy, xe chuyên dùng chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ
a) Kiểm tra trực quan:
- Hệ thống gương chiếu hậu, hệ thống kính chắn gió;
- Mức nhiên liệu, bổ sung nhiên liệu trong bình chứa
nếu thiếu (bình chứa phải luôn đầy hoặc ít nhất là 4/5 dung tích bình);
- Sự rò rỉ dầu bôi trơn động cơ, hộp số, hộp trích
công suất và dung dịch làm mát, dầu thủy lực của hệ thống nâng hạ cabin (nếu
có);
- Mức dầu bôi trơn động cơ, dầu bôi trơn hộp trích
công suất, nước làm mát động cơ, nước rửa kính, dầu trợ lực lái, dầu trợ lực ly
hợp, trợ lực phanh, dầu thủy lực của hệ thống chuyên dùng (nếu có);
- Mỡ bôi trơn trục các đăng xe và trục các đăng
truyền lực cho hệ thống chuyên dùng;
- Tình trạng khung xe, các lá nhíp, giảm xóc, thanh
cân bằng,... nếu có hiện tượng biến dạng, hư hỏng phải dừng hoạt động để tiến
hành sửa chữa;
- Tình trạng toàn bộ lốp xe;
- Hoạt động của các cửa kéo khoang chứa, các cơ cấu
nâng, hạ thiết bị;
- Tình trạng của thang, các trang thiết bị đặt trên
nóc xe;
- Dầu bơm chân không mồi nước (đối với bơm mồi là
bơm cánh gạt sử dụng dầu để bôi trơn và làm kín hoặc bơm pít tông); kiểm tra
bình nước mồi bơm chân không đối với bơm mồi là bơm vòng nước);
- Ống hút nước không bị cong gập, thủng, có đủ
gioăng, đệm, các đầu nối khi lắp vào nhẹ nhàng, kín;
- Téc nước chữa cháy, téc chất tạo bọt chữa cháy, bảo
đảm téc chứa không bị biến dạng, rò rỉ. Téc nước, téc chất tạo bọt luôn đầy
dung tích, bảo đảm nước sạch, chất tạo bọt không bị pha trộn với các loại chất
lỏng khác;
- Các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu
hộ trang bị theo xe, máy bơm như lăng, vòi, ba chạc, thang... bảo đảm đủ cơ số
theo thiết kế và chất lượng kỹ thuật.
b) Kiểm tra hoạt động:
- Quan sát đèn, đồng hồ của bảng táp lô có tín hiệu
bình thường thì khởi động động cơ; nếu có đèn báo sự cố thì phải tìm nguyên
nhân để xử lý;
- Sau khi khởi động động cơ không tải từ 01 phút đến
03 phút, cho động cơ chạy ở tốc độ vòng quay khác nhau (nhưng không tăng ga đột
ngột); quan sát chỉ số của các đồng hồ báo áp suất dầu bôi trơn, nhiên liệu,
nhiệt độ nước làm mát, áp suất khí nén, đồng hồ hoặc đèn báo nạp điện cho ắc
quy, đèn báo sự cố khác. Nếu phát hiện động cơ có tiếng kêu lạ hoặc khi đồng hồ,
đèn báo có tín hiệu cảnh báo nguy hiểm thì phải tắt máy ngay và báo cho bộ phận
kỹ thuật để kiểm tra, sửa chữa;
- Tình trạng hoạt động của các loại đèn, còi tín hiệu
giao thông, thiết bị phát tín hiệu ưu tiên. Nếu phát hiện có hư hỏng phải báo bộ
phận kỹ thuật để kiểm tra, sửa chữa;
- Tình trạng các dây dẫn điện, đầu cực ắc quy;
- Tình trạng hoạt động của các công tắc, các cảm biến,
van điều khiển... thuộc hệ thống điều khiển các thiết bị chuyên dùng trên xe;
- Hệ thống ly hợp bảo đảm khi thao tác sang số,
không có tiếng kêu lạ;
- Tình trạng hoạt động của các tay gạt điều khiển
thiết bị chuyên dùng, dây ga tay...;
- Độ kín của hệ thống phanh thông qua quan sát đồng
hồ áp suất hơi hoặc dầu và các đèn báo; xả nước ở bình chứa hơi (nếu có);
- Tình trạng hoạt động của phanh dừng, đỗ (phanh
tay);
- Cho xe tiến, lùi, đạp phanh để đánh giá hiệu lực
của hệ thống phanh;
- Khả năng vận hành của hệ thống trợ lực lái, độ rơ
của vô lăng lái, độ nặng khi đánh lái;
- Quá trình vận hành của bộ trích công suất (PTO),
hệ thống truyền lực đến bơm ly tâm, nếu bộ trích công suất có tiếng kêu lạ, rò
rỉ dầu bôi trơn, trục truyền lực đến bơm ly tâm bị rung lắc thì phải ngừng sử dụng
và tìm nguyên nhân khắc phục;
- Sự hoạt động của hệ thống bơm nước, cụ thể: Kiểm
tra độ kín của van phun nước, van mở chất tạo bọt, van khí, các đồng hồ, đèn
báo; kiểm tra mỡ làm kín và bôi trơn trục bơm (nếu có), các cơ cấu chuyển động
xoay;
- Độ kín của bơm chữa cháy (đóng kín tất cả các van
của bơm, nắp đậy họng hút, thực hiện động tác hút chân không cho bơm đạt độ
chân không tối đa, thời gian hút chân không không quá 30 giây. Ngừng hút chân
không, quan sát đồng hồ chân không, nếu trong 02 phút kim đồng hồ không giảm về
quá 01 vạch (tương ứng với 0,1 bar) là bơm bảo đảm độ kín; nếu kim trả về nhanh
hơn là bơm bị hở, phải tìm nguyên nhân để khắc phục;
- Khả năng làm việc của bơm chân không mồi nước bằng
cách thực hiện thao tác hút chân không, yêu cầu trị số áp suất chân không phải
đạt ít nhất -0,6 bar (6/10 vạch chỉ số trên đồng hồ hạ áp), nếu thấp hơn phải bảo
dưỡng, sửa chữa bơm chân không mồi nước;
- Tình trạng hoạt động của hệ thống chữa cháy sử dụng
công nghệ bọt khí nén (nếu có): Kiểm tra độ kín của máy nén khí cung cấp khí
nén cho hệ thống chữa cháy công nghệ bọt khí nén, kiểm tra tình trạng hoạt động
của các van, công tắc điều khiển của hệ thống;
- Các cơ cấu thủy lực nâng, hạ, quay, cơ cấu tời, cẩu,
cơ cấu ra thang, vào thang, giỏ thang; cơ cấu nâng hạ, xoay của tháp đèn chiếu
sáng; máy phát điện, các cơ cấu bảo đảm an toàn... Nếu phát hiện hỏng hóc, sự cố,
cần yêu cầu bộ phận kỹ thuật phối hợp kiểm tra, khắc phục;
- Hằng ngày thực hiện khởi động động cơ một lần
trong 15 phút. Khi nhiệt độ môi trường trong ngày thấp hơn 10°C, việc khởi động
được thực hiện 02 lần/ngày để thực hiện các bước kiểm tra theo quy định (có thể
kết hợp cho phương tiện di chuyển trong khoảng cách tương đương với lượng nhiên
liệu khởi động động cơ tại chỗ).
2. Tàu, xuồng, ca nô chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
a) Kiểm tra trực quan:
- Hệ thống nhiên liệu, bôi trơn, làm mát;
- Tình trạng bình ắc quy, các dây dẫn điện;
- Téc chất tạo bọt chữa cháy, bảo đảm téc chứa
không bị biến dạng, rò rỉ, dung tích chất tạo bọt;
- Vỏ xuồng bơm hơi, nếu thấy hiện tượng bong mép
dán, thủng hoặc mài mòn sâu phải ngừng sử dụng và có biện pháp khắc phục.
b) Kiểm tra hoạt động:
- Tình trạng kỹ thuật của động cơ tàu, xuồng, ca
nô;
- Hệ thống lái, thiết bị dẫn đường, đèn, còi tín hiệu,
số lượng các trang thiết bị kèm theo;
- Hệ thống bơm nước chữa cháy trang bị theo tàu, xuồng,
ca nô; kiểm tra đường ống, vòi và lăng phun;
- Hằng ngày khởi động động cơ tàu, xuồng, ca nô một
lần trong 15 phút để kiểm tra tình trạng kỹ thuật. Khi nhiệt độ môi trường
trong ngày thấp hơn 10°C, việc khởi động động cơ được thực hiện 02 lần/ngày.
3. Máy bơm chữa cháy
a) Kiểm tra trực quan:
- Toàn bộ các mũ ốc, vít;
- Mức nhiên liệu, dầu bôi trơn bảo đảm đủ, sạch,
không bị rò rỉ;
- Hệ thống dây dẫn điện, bình ắc quy;
- Tình trạng bộ phận dẫn động bơm gây chân không mồi
nước;
- Ống hút nước không bị cong gập, thủng, có đủ
gioăng, đệm, các đầu nối khi lắp vào nhẹ nhàng, kín;
b) Kiểm tra hoạt động:
- Tình trạng hoạt động của động cơ máy bơm (Khởi động
động cơ bơm, cho khởi động động cơ ở tốc độ không tải tối đa từ 02 phút đến 03
phút);
- Tình trạng hoạt động của máy bơm chữa cháy tại
nơi có nguồn nước, triển khai ống hút. Đóng kín van họng phun. Khởi động động
cơ (sử dụng hệ thống khởi động bằng điện hoặc dây giật tự cuốn), khi máy nổ thì
tăng dần ga, đồng thời thực hiện thao tác hút nước. Quan sát đồng hồ chân không
và đồng hồ áp lực nước (nếu trong vòng 30 giây mà hút nước không lên thì phải tắt
máy và kiểm tra, sửa chữa khôi phục độ kín của bơm mới được tiếp tục thao tác
hút nước). Khi thấy nước chảy qua bơm gây chân không thành dòng liên tục đồng
thời kim đồng hồ áp lực nước tăng lên từ 02 bar đến 03 bar thì ngắt bơm chân
không, từ từ tăng ga và mở van họng phun nước. Trong quá trình vận hành bơm,
luôn duy trì áp suất nước không thấp hơn 4 bar để bảo đảm làm mát cho bơm (đối
với máy bơm làm mát bằng nước);
- Thời gian khởi động động cơ hàng ngày tối đa một
lần trong 03 phút (nếu không phun, hút nước) hoặc 15 phút (nếu có hút, phun nước).
Khi nhiệt độ môi trường trong ngày thấp hơn 10°C, việc khởi động động cơ được
thực hiện 02 lần/ngày, kiểm tra tình trạng kỹ thuật và bảo dưỡng theo quy định
của nhà sản xuất. Trong quá trình sử dụng không điều chỉnh cần điều khiển bộ điều
tốc vì sẽ làm hư hỏng động cơ máy bơm. Đối với các máy bơm chữa cháy có lắp
công tắc cảnh báo quá nhiệt động cơ, phải luôn để công tắc ở vị trí mở “ON”.
4. Phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới
khác: Máy nạp khí sạch; thiết bị cưa, cắt, khoan, đục, đập, tời, kéo, banh,
kích, nâng (có sử dụng động cơ); thiết bị xử lý thực bì (máy cắt thực bì, máy cắt
cỏ); quạt thổi khói; quạt hút khói; máy phát điện; máy thổi gió, bình chữa cháy
đeo vai có động cơ các loại
a) Kiểm tra trực quan:
- Lọc gió động cơ, dây cao áp, chế hòa khí;
- Bề mặt các chi tiết máy, nếu thấy hiện tượng nứt,
chảy dầu thì phải ngừng sử dụng, lên phương án khắc phục;
- Các mối nối; kiểm tra chất lượng của ống dẫn khí,
ống dẫn dầu thủy lực, các khớp nối;
- Các vật tư tiêu hao như lọc khí, dầu dùng cho khối
nén khí (đối với máy nạp khí sạch), dây đai dẫn động, lưỡi cưa, lưỡi banh, cắt,
mũi khoan...;
- Mức dầu thủy lực, nhiên liệu trong bình chứa, lưu
ý pha trộn nhiên liệu theo đúng tỉ lệ được nhà sản xuất khuyến cáo.
b) Kiểm tra hoạt động:
- Hệ thống khởi động, các công tắc và đồng hồ, đèn
báo;
- Hằng ngày khởi động động cơ trong 05 phút; đối với
máy nạp khí sạch, khởi động 02 lần mỗi tuần, mỗi lần 05 phút.
II. Bảo dưỡng phương tiện chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới hằng ngày
1. Xe chữa cháy, xe chuyên dùng chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ
a) Làm sạch phương tiện, sắp xếp gọn gàng, kiểm tra
số lượng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên xe theo đúng quy định.
b) Làm sạch buồng lái, đệm, ghế ngồi, lốp xe, thân
xe, gầm xe, khoang đặt bơm chữa cháy, khoang điều khiển thiết bị, ngăn chứa
phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
c) Lau sạch kính chắn gió, chổi gạt nước mưa, gương
chiếu hậu, các loại đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu.
d) Vệ sinh, làm sạch bề mặt các chi tiết máy, hệ thống
bơm chữa cháy và các van hút, phun nước, van luân lưu làm mát....
đ) Bổ sung dung dịch làm mát động cơ, các loại dầu
mỡ bôi trơn, dầu thủy lực nếu thiếu.
e) Bắt chặt các dây dẫn điện, đầu cực ắc quy.
g) Lốp xe nếu thiếu hơi phải bơm hơi tới áp suất
tiêu chuẩn; gỡ những vật cứng mắc vào các kẽ lốp. Nếu trên bề mặt lốp có hiện
tượng rạn nứt, vết xước sâu, phồng rộp thì phải thay thế lốp.
h) Bắt chặt các điểm liên kết bằng ốc vít (nếu có
hiện tượng bị nới lỏng), bôi trơn các khớp khóa, nếu có hiện tượng rỉ sét phải
làm sạch bề mặt và sơn chống rỉ.
2. Tàu, xuồng, ca nô chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
a) Lau sạch các bộ phận máy, vệ sinh mặt boong và
các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên tàu, xuồng, ca nô.
b) Vệ sinh, làm sạch bề mặt các chi tiết máy, hệ thống
bơm chữa cháy và các van hút, phun nước, van luân lưu làm mát....
c) Vệ sinh, bắt chặt các cực của ắc quy.
d) Đối với xuồng bơm hơi để trên cạn:
- Để xuồng ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh tiếp
xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và các chất hóa học có khả năng ăn mòn; nếu
xuồng để ngoài trời phải có biện pháp bảo vệ tránh mưa, nắng;
- Sử dụng xà phòng và nước để vệ sinh vỏ xuồng. Khi
có vết bẩn khó tẩy có thể làm sạch bằng chất tẩy rửa và phải rửa lại vỏ xuồng bằng
nước sạch;
- Làm sạch van khí, thanh chắn ngang; thường xuyên
kiểm tra bơm hơi, nạp đầy điện cho bơm hơi (đối với loại xuồng có bơm hơi bằng
điện).
3. Máy bơm chữa cháy
a) Vệ sinh, làm sạch bề mặt các chi tiết máy, hệ thống
bơm chữa cháy và các van hút, phun nước, van luân lưu làm mát....
b) Bắt chặt các bộ phận, các mối liên kết, các chi
tiết, các đầu dây điện.
c) Bắt chặt bình điện với giá đỡ, bắt chặt các cực
của ắc quy, sạc lại bình ắc quy ngay sau mỗi lần sử dụng (đối với ắc quy không
nạp điện trực tiếp từ động cơ).
d) Bổ sung dầu bôi trơn cho bơm gây chân không (nếu
có) bằng dầu phù hợp trong và sau khi sử dụng.
4. Phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới
khác
a) Vệ sinh sạch sẽ các chi tiết máy, các bề mặt bị
rỉ sét phải được làm sạch và sơn chống rỉ.
b) Bổ sung dầu máy của động cơ nếu thiếu hoặc thay
thế nếu dầu đã quá bẩn, loãng hoặc bị lẫn nước.
c) Bổ sung dầu thủy lực của các máy thủy lực nếu
thiếu.
d) Điều chỉnh độ căng của dây curoa dẫn động.
đ) Xiết chặt các mũ ốc vít.
5. Kết thúc việc bảo quản, bảo dưỡng, cán bộ, chiến
sĩ, người được giao nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng phải ghi chép đầy đủ nội dung
công việc vào sổ theo dõi hoạt động phương tiện. Nếu phát hiện bộ phận của
phương tiện bị mất, hư hỏng phải báo cáo lãnh đạo quản lý trực tiếp để kịp thời
xử lý.
III. Bảo quản, bảo dưỡng phương
tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới sau khi phục vụ huấn luyện, thực tập
phương án hoặc đi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
1. Kiểm tra
Thực hiện các công việc kiểm tra phương tiện chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới hằng ngày.
2. Bảo quản, bảo dưỡng
a) Mở hết các van hút, phun nước, van xả đáy guồng
bơm để xả hết nước đọng trong bơm chữa cháy.
b) Bổ sung đầy đủ chất chữa cháy vào téc chứa của
xe chữa cháy.
c) Bộ phận ly hợp, phanh, hộp số, hộp trích công suất,
tay lái, trục các- đăng, cầu trước, cầu sau, mặt lốp và áp suất hơi lốp xe....
d) Tình trạng bên ngoài xe, vặn chặt ốc, bu lông
bánh xe, may ơ....
đ) Mức dầu bôi trơn, dầu thủy lực, nước làm mát,
nhiên liệu để bảo đảm không bị rò rỉ; đổ thêm dầu, nước, nhiên liệu đúng tiêu
chuẩn quy định.
e) Độ căng của dây đai quạt gió, dây đai quạt máy
nén khí, tình trạng bình ắc quy, đèn, còi.
g) Tình trạng kỹ thuật của lăng, vòi phun, vòi hút,
giỏ lọc nước, thang, mặt nạ phòng độc cách ly... và lau chùi sạch sẽ các phương
tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, sắp xếp đúng vị trí ở khoang chứa phương tiện.
h) Rửa sạch bên ngoài xe, dưới gầm; vệ sinh máy
bơm, động cơ, ca bin, đèn chiếu sáng,....
i) Giặt sạch, phơi khô vòi chữa cháy và các phương
tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khác.
3. Trường hợp phương tiện chữa cháy cơ giới có sử dụng
nước mặn, nước bẩn hoặc chất tạo bọt chữa cháy thì phải vệ sinh, rửa sạch
phương tiện, hệ thống bơm chữa cháy bằng nước sạch.
4. Trường hợp phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
tham gia hoạt động trong vùng có dịch bệnh hoặc chất độc, phóng xạ phải được khử
trùng, tiêu độc theo quy định.
5. Đối với các loại phương tiện cơ giới khác, cần
làm sạch các chi tiết máy, kiểm tra các ống dẫn dầu thủy lực, khí nén, bổ sung
nhiên liệu, dầu bôi trơn nếu thiếu; kiểm tra, thay thế các vật tư tiêu hao theo
quy định của nhà sản xuất./.
PHỤ LỤC II
BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY THÔNG DỤNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Công an)
I. Bảo quản, bảo dưỡng bình chữa cháy xách tay
và xe đẩy chữa cháy
Áp dụng theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN
7435-2:2004 (ISO 11602-2:2000) Phòng cháy, chữa cháy - Bình chữa cháy xách tay
và xe đẩy chữa cháy - Phần 2: Kiểm tra và bảo dưỡng.
II. Bảo quản, bảo dưỡng các loại phương tiện chữa
cháy thông dụng khác
1. Bảo quản, bảo dưỡng vòi chữa cháy, ống hút chữa
cháy
a) Bảo quản trong kho: Vòi chữa cháy, ống hút chữa
cháy phải để trên giá nơi khô ráo, không tiếp xúc với tường kho, không xếp
thành đống và để các vật nặng lên mà chỉ được để đứng từng cuộn một tránh ánh nắng
trực tiếp, không để gần hóa chất ăn mòn, axit, xăng, dầu; định kỳ hàng quý phải
đảo vòi, thay đổi nếp gấp.
b) Bảo quản, sắp xếp trên xe: Vòi để trên xe chữa
cháy theo cuộn phải để đúng khoang chứa phương tiện quy định, ống hút chữa cháy
để đúng vị trí.
c) Bảo quản, bảo dưỡng trước, trong và sau khi phục
vụ huấn luyện, thực tập phương án hoặc đi làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ:
- Vòi chữa cháy, ống hút không để gấp khúc hoặc có
vật nặng đè chặn, không kéo lê vòi và ống hút dưới đất, không rải vòi lên các vật
sắc nhọn, vật đang cháy, nơi có hóa chất ăn mòn, axit, xăng, dầu;
- Giặt sạch, phơi khô vòi chữa cháy trước khi cuộn
vòi chữa cháy đưa vào kho hoặc xếp lên khoang chứa phương tiện của xe chữa
cháy; không xếp trên xe các cuộn vòi còn ẩm ướt;
- Không di chuyển xe khi vòi chữa cháy, ống hút
đang lắp vào họng phun hoặc họng hút của xe; không tăng, giảm ga đột ngột khi
bơm chữa cháy đang hoạt động; không tăng áp suất vượt quá áp suất làm việc vòi
chữa cháy.
2. Bảo quản, bảo dưỡng, lăng chữa cháy, đầu nối, ba
chạc, hai chạc chữa cháy, ezectơ, thang chữa cháy...
a) Bảo quản trong kho: Lăng chữa cháy, đầu nối, ba
chạc, hai chạc chữa cháy phải để trên kệ khô ráo; thang chữa cháy để dựa ở vị
trí sạch sẽ, khô ráo, dễ lấy; không để các vật nặng đè lên phương tiện hoặc
không được chồng quá cao các phương tiện lên nhau, không để gần xăng, dầu, axit
hoặc hóa chất ăn mòn.
b) Bảo quản, sắp xếp trên xe: Lăng chữa cháy, đầu nối,
ba chạc, hai chạc chữa cháy phải để đúng khoang chứa phương tiện quy định;
thang chữa cháy để đúng vị trí.
c) Bảo quản, bảo dưỡng trước, trong và sau khi phục
vụ huấn luyện, thực tập phương án hoặc đi làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ: Vệ sinh sạch sẽ lăng chữa cháy, đầu nối, ba chạc, hai chạc chữa cháy, thang
chữa cháy trước khi đưa vào kho hoặc xếp lên khoang chứa phương tiện quy định.
3. Bảo quản, bảo dưỡng trụ nước, cột lấy nước chữa
cháy
a) Bảo quản, bảo dưỡng trong kho: Trụ nước, cột lấy
nước chữa cháy phải để nơi khô ráo, không để gần xăng, dầu, axit hoặc hóa chất
ăn mòn. Định kỳ 01 năm 01 lần kiểm tra các van khóa họng lấy nước nếu phát hiện
bị kẹt khó mở phải tra dầu mỡ.
b) Bảo quản, bảo dưỡng, trụ nước, cột lấy nước chữa
cháy đã được lắp đặt: Định kỳ 06 tháng 01 lần kiểm tra các van khóa họng lấy nước
nếu phát hiện bị kẹt khó mở phải tra dầu mỡ; Kiểm tra nắp đậy họng tiếp nước của
trụ nước và cột nước phải được tháo ra lắp lại dễ dàng, nếu mất thì phải thay;
kiểm tra zoăng cao su ở họng tiếp nước của trụ nước và cột lấy nước chữa cháy,
nếu lão hóa thì phải thay; lớp sơn bảo vệ bên ngoài trụ nước, cột lấy nước chữa
cháy bị bong tróc phải được sơn mới./.
PHỤ LỤC III
BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG TRANG PHỤC VÀ THIẾT BỊ BẢO HỘ CÁ
NHÂN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Công an)
I. Bảo quản, bảo dưỡng trang phục và thiết bị bảo
hộ cá nhân hằng ngày
1. Kiểm tra trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân
a) Quần, áo, mũ, ủng, găng tay, giầy, thắt lưng,
kính, khẩu trang chữa cháy; quần, áo, mũ, ủng, găng tay, giầy cách nhiệt; ủng,
găng tay cách điện; bộ quần áo chống hóa chất; bộ quần áo chống phóng xạ bảo đảm
không bị rách, thủng; mũ chữa cháy không bị nứt, vỡ và hỏng quai đeo; kính bảo
vệ mặt của bộ quần áo cách nhiệt, bộ quần áo chống hóa chất, quần áo chống
phóng xạ không bị nứt vỡ.
b) Mặt nạ phòng độc cách ly, mặt nạ lọc độc, thiết
bị hỗ trợ thở cá nhân dùng trong chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm kín,
không bị hở trong quá trình sử dụng, dây đeo cao su không bị lão hóa, đứt. Kiểm
tra lượng khí trong bình và kiểm tra độ kín của van, mặt trùm.
2. Bảo quản, bảo dưỡng trang phục và thiết bị bảo hộ
cá nhân
a) Làm sạch quần, áo, mũ, ủng, găng tay, giầy, thắt
lưng, kính, khẩu trang chữa cháy; quần, áo, mũ, ủng, găng tay, giầy cách nhiệt;
ủng, găng tay cách điện; bộ quần áo chống hóa chất; bộ quần áo chống phóng xạ bằng
cách dùng khăn mềm, nhúng vào nước ấm lau khô và sắp xếp gọn gàng đúng nơi quy
định. Riêng quần, áo cách nhiệt, quần áo chống hóa chất, quần áo chống phóng xạ
không được gấp để tránh nếp gấp gây bong tróc và hư hỏng quần, áo, phải treo ở
nơi khô, thoáng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
b) Làm sạch đèn chiếu sáng cá nhân, kiểm tra và sạc
đầy pin, sắp xếp gọn gàng đúng nơi quy định.
c) Làm sạch mặt nạ phòng độc cách ly, mặt nạ lọc độc,
thiết bị hỗ trợ thở cá nhân dùng trong chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Khí trong
bình phải nạp tới áp suất đạt ≥ 80% áp suất làm việc tối đa của bình khí trước
khi đưa vào bảo quản.
II. Bảo quản, bảo dưỡng sau khi phục vụ huấn luyện,
thực tập phương án hoặc đi làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Quần, áo, mũ, ủng, găng tay, giầy, thắt lưng,
kính phải được làm sạch bên trong, bên ngoài; được phơi khô và bảo quản ở nơi
thoáng, mát.
2. Ủng, găng tay cách điện; quần, áo, mũ, ủng, găng
tay, giầy cách nhiệt sau khi sử dụng phải dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm lau
khô. Riêng quần, áo cách nhiệt, quần áo chống hóa chất, quần áo chống phóng xạ
không được gập để tránh nếp gấp gây bong tróc và hư hỏng quần, áo, phải treo ở
nơi khô, thoáng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
3. Mặt nạ phòng độc cách ly; mặt nạ lọc độc; thiết
bị hỗ trợ thở cá nhân dùng trong chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được làm sạch
sau khi sử dụng. Phải dùng nước ấm rửa sạch và làm sạch dưới vòi nước chảy,
dùng khăn mềm lau khô và phải được phơi hoặc sấy khô; tháo các bình khí đem đi
nạp đủ áp suất vào bình khí; kiểm tra giá đỡ lưng, dây đeo, van, khóa, các khớp
nối, van nhu cầu thở và mặt trùm trước khi đưa vào bảo quản.
4. Bộ quần áo chống hóa chất; bộ quần áo chống
phóng xạ phải được tiêu độc, khử trùng sau khi sử dụng. Sau khi tiêu độc khử
trùng phải được làm sạch bên trong, bên ngoài; được phơi khô và bảo quản ở nơi
thoáng, mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Quần áo phải được treo trên
giá hoặc trong tủ để tránh nếp gấp gây hư hỏng./.
PHỤ LỤC IV
BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN CỨU NGƯỜI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Công an)
I. Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện hằng ngày
1. Kiểm tra phương tiện
a) Kiểm tra thiết bị dò tìm nạn nhân:
- Dung lượng pin của thiết bị (luôn được sạc đầy);
- Khả năng làm việc của camera, màn hình điều khiển
thiết bị, micro và tai nghe.
b) Kiểm tra thiết bị phục vụ cứu hộ dưới nước:
- Bộ đồ lặn, bảo đảm tất cả các bộ phận của thiết bị
hỗ trợ thở phải kín trong quá trình sử dụng; ống, dây cao su không có vết nứt,
thủng; các thiết bị đi kèm đủ cơ số và hoạt động bình thường;
- Dung lượng pin hoặc bình ắc quy (luôn được sạc đầy)
của các thiết bị sử dụng điện như đèn pin dưới nước, thiết bị đẩy thợ lặn, thiết
bị liên lạc dưới nước,...;
- Khả năng làm việc của động cơ điện trong thiết bị
đẩy thợ lặn, bảo đảm động cơ hoạt động êm ái, các zoăng cao su làm kín còn
nguyên vẹn;
- Tình trạng kỹ thuật của các loại áo phao, bảo đảm
lớp vải bọc bên ngoài không bị mục, nát, rách, các khóa trên áo hoạt động tốt;
- Thiết bị súng phóng dây cứu nạn, cứu hộ; súng
phóng phao cứu nạn, cứu hộ dưới nước, bảo đảm đủ áp suất khí trong bình chứa
khí nén, các bộ phận của súng hoạt động bình thường, không có hiện tượng hư hỏng
hoặc rò rỉ khí.
c) Kiểm tra thiết bị phục vụ cứu hộ trên cao, dây cứu
người, đai cứu hộ:
- Đầu nối, các mối nối bằng chỉ may của đai và áo cứu
hộ bảo đảm không bị đứt chỉ;
- Cuộn dây cứu hộ bảo đảm dây không bị sờn, bị đứt,
nếu không bảo đảm an toàn phải loại bỏ.
2. Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện
a) Bảo quản, bảo dưỡng thiết bị dò tìm người:
- Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ thiết bị;
- Sạc đầy pin cho thiết bị;
- Để thiết bị dò tìm người ở nơi khô thoáng, không
để thiết bị ở gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào,
tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng;
- Định kỳ một tuần một lần triển khai vận hành kiểm
tra thiết bị.
b) Bảo quản, bảo dưỡng thiết bị phục vụ cứu hộ dưới
nước:
- Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ thiết bị;
- Sạc đầy pin cho thiết bị;
- Để thiết bị ở nơi khô thoáng, không để thiết bị ở
gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào, tránh tiếp xúc
trực tiếp với ánh nắng;
- Định kỳ một tuần một lần vận hành kiểm tra thiết
bị.
c) Bảo quản, bảo dưỡng thiết bị phục vụ cứu hộ trên
cao, dây cứu người, đai cứu hộ:
- Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ thiết bị; đối với các thiết
bị ròng rọc, puly, khớp nối phải định kỳ kiểm tra để tra bổ sung dầu mỡ bôi
trơn;
- Sắp xếp thiết bị gọn gàng ở nơi sạch sẽ, khô
thoáng, không để thiết bị ở gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu
mỡ bám vào, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng;
- Định kỳ một tuần một lần vận hành kiểm tra thiết
bị;
- Định kỳ 06 tháng một lần phải kiểm tra thử tải ở
mức tải lớn nhất theo thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đối với áo cứu hộ, đai
cứu hộ, dây cứu hộ, ròng rọc, móc khóa carabiner.
d) Bảo quản, bảo dưỡng đệm cứu người:
- Lau chùi sạch sẽ toàn bộ phương tiện;
- Sắp xếp đệm gọn gàng ở nơi sạch sẽ, khô, thoáng,
không để thiết bị ở gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám
vào, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng;
- Không để đệm cứu người ở nơi có nhiệt độ cao hơn
40°C và nơi bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp;
- Định kỳ sau 2 năm kể từ ngày đưa đệm vào sử dụng
phải kiểm tra chất lượng của đệm bằng cách thả vật hình trụ tròn có trọng lượng
80 kg với tiết diện bề mặt 0,2 m2 ở độ cao tối đa cho phép lên đệm;
thực hiện thử lại ít nhất 03 lần.
đ) Bảo quản, bảo dưỡng các loại phương tiện cứu người
thông dụng khác:
- Tránh để phương tiện tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng
mặt trời; nếu đề phương tiện ngoài trời phải che phủ phương tiện để tránh mưa,
nắng;
- Không để phương tiện gần xăng, dầu, axit và các
hóa chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào phương tiện.
II. Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện sau khi phục
vụ cứu nạn, cứu hộ, thực tập cứu nạn, cứu hộ
1. Bảo quản, bảo dưỡng thiết bị dò tìm người
a) Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ thiết bị.
b) Kiểm tra sạc đầy pin cho thiết bị.
c) Để thiết bị ở nơi khô thoáng, không để thiết bị ở
gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào, tránh tiếp xúc
trực tiếp với ánh nắng.
2. Bảo quản, bảo dưỡng thiết bị phục vụ cứu hộ dưới
nước
a) Lau chùi sạch sẽ toàn bộ thiết bị, bảo đảm khô
ráo.
b) Kiểm tra, sạc đầy pin cho thiết bị.
c) Để thiết bị ở nơi khô thoáng, không để thiết bị ở
gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào, tránh tiếp xúc trực
tiếp với ánh nắng.
d) Định kỳ một tuần một lần vận hành kiểm tra thiết
bị.
3. Bảo quản, bảo dưỡng thiết bị phục vụ cứu hộ trên
cao, dây cứu người, đai cứu hộ
a) Lau chùi, vệ sinh sạch sẽ toàn bộ thiết bị.
b) Sắp xếp thiết bị gọn gàng ở nơi sạch sẽ, khô
thoáng, không để thiết bị ở gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu
mỡ bám vào, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
4. Bảo quản, bảo dưỡng đệm cứu người
a) Lau chùi sạch sẽ đệm và thiết bị kèm theo.
b) Gấp đệm đúng quy trình kỹ thuật, sắp xếp đệm gọn
gàng ở nơi sạch sẽ, khô thoáng, không để đệm và thiết bị ở gần xăng, dầu, axit
và các chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
5. Bảo quản, bảo dưỡng các loại phương tiện cứu người
thông dụng khác
a) Lau chùi, vệ sinh sạch sẽ toàn bộ thiết bị.
b) Ống tụt cứu người được gấp đúng quy trình kỹ thuật,
bảo quản ở nơi có nhiệt độ thấp hơn 40°C.
c) Sắp xếp thiết bị gọn gàng ở nơi sạch sẽ, khô
thoáng, không để thiết bị ở gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu
mỡ bám vào, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng./.
PHỤ LỤC V
BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN, DỤNG CỤ PHÁ DỠ THÔ SƠ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Công an)
I. Bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên
Việc bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên phương tiện,
dụng cụ phá dỡ thô sơ áp dụng theo TCVN 3890:2009
và thực hiện theo các nội dung sau:
1. Sắp xếp, làm sạch phương tiện, dụng cụ.
2. Bảo quản trên giá kê, sàn kê hoặc trong tủ bảo
quản; không được quăng, quật khi sắp xếp, vận chuyển.
3. Không để phương tiện ở gần xăng, dầu, axit và
các chất ăn mòn.
II. Bảo quản, bảo dưỡng sau khi chữa cháy, thực
tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ phương tiện, dụng cụ.
2. Kiểm tra lại các chi tiết của phương tiện, dụng
cụ bảo đảm vẫn chắc chắn khi sử dụng.
3. Sắp xếp thiết bị gọn gàng ở nơi sạch sẽ, khô
ráo, không để thiết bị ở gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn, tránh tiếp xúc
trực tiếp với ánh nắng./.
PHỤ LỤC VI
BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG THIẾT BỊ, DỤNG CỤ THÔNG TIN LIÊN LẠC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Công an)
I. Bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên
1. Đối với bộ đàm cầm tay
a) Dùng vải mềm lau sạch các bộ phận của máy như
thân máy, ăng ten, núm chuyển kênh, núm xoay tăng, giảm âm lượng, các phím chức
năng.
b) Tháo pin ra khỏi bộ đàm và dùng vải mềm vệ sinh
sạch các tiếp điểm của pin và chân cực tiếp xúc với máy.
c) Kiểm tra tình trạng tiếp xúc của chân pin với đế
sạc để bảo đảm việc sạc pin được bình thường.
d) Sau khi vệ sinh máy, tiến hành lắp ăng ten, lắp
pin vào máy và mở công tắc nguồn để máy hoạt động trở lại.
2. Đối với bộ đàm cố định 25 - 50w lắp trên xe
a) Dùng vải mềm lau sạch các bộ phận của máy như
thân máy, núm chuyển kênh, núm xoay tăng, giảm âm lượng, các phím chức năng.
b) Kiểm tra đầu nối nguồn tại cọc đấu ắc quy, bảo đảm
tiếp xúc tốt.
c) Kiểm tra ăng ten, không để chạm vỏ xe.
d) Kiểm tra sự hoạt động của bộ chuyển nguồn, ắc
quy cho bộ đàm, bảo đảm cung cấp nguồn ổn định.
3. Đối với tủ để thiết bị thông tin
a) Vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài tủ.
b) Kiểm tra ổ cắm nguồn cấp điện cho tủ; nếu khả
năng tiếp xúc không ổn định phải thay ổ cắm khác.
4. Đối với bàn chỉ huy, lều chỉ huy, băng chỉ huy
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
a) Vệ sinh sạch sẽ bàn chỉ huy, lều chỉ huy, băng
chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sau khi sử dụng.
b) Luôn sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ bàn chỉ huy, lều
chỉ huy, băng chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
II. Bảo quản, bảo dưỡng sau khi phục vụ huấn luyện,
thực tập phương án hoặc đi làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Tắt máy bộ đàm cầm tay.
2. Tháo pin, ăng ten, tai nghe ra khỏi thiết bị và
dùng vải mềm vệ sinh sạch.
3. Vệ sinh sạch thân máy và các điểm tiếp xúc với
pin; nạp pin cho bộ đàm./.
PHỤ LỤC VII
BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG HỆ THỐNG BÁO CHÁY, CHỮA CHÁY; ĐÈN
CHỈ DẪN THOÁT NẠN, ĐÈN CHIẾU SÁNG SỰ CỐ; CHẤT CHỮA CHÁY; VẬT LIỆU CHỐNG CHÁY,
NGĂN CHÁY
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Công an)
I. Bảo quản, bảo dưỡng hệ thống báo cháy
1. Thiết bị thuộc hệ thống báo cháy (tủ trung tâm
báo cháy, đầu báo cháy các loại, thiết bị cảnh báo cháy sớm, modul các loại,
chuông báo cháy, đèn báo cháy, nút báo cháy, nút ấn báo cháy, hệ thống âm thanh
báo cháy và hướng dẫn thoát nạn) sau khi lắp đặt phải được chạy thử nghiệm để
kiểm tra chất lượng và chỉ được đưa vào hoạt động sau khi có kết quả cho thấy hệ
thống đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thiết kế và các tiêu chuẩn liên quan.
2. Thiết bị thuộc hệ thống báo cháy sau khi đưa vào
hoạt động phải được kiểm tra ít nhất một năm một lần để đánh giá chất lượng và
khả năng hoạt động của các thiết bị trong hệ thống.
3. Việc bảo dưỡng định kỳ được thực hiện tùy theo
điều kiện môi trường nơi lắp đặt và theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhưng ít
nhất hai năm một lần phải tổ chức bảo dưỡng toàn bộ hệ thống.
Việc kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng thiết bị thuộc hệ
thống báo cháy (tủ trung tâm báo cháy, đầu báo cháy các loại, thiết bị cảnh báo
cháy sớm, modul các loại, chuông báo cháy, đèn báo cháy, nút báo cháy, nút ấn
báo cháy, hệ thống âm thanh báo cháy và hướng dẫn thoát nạn) phải tuân theo chỉ
dẫn của nhà sản xuất và theo TCVN 5738:2001
và TCVN 3890:2009.
II. Bảo quản, bảo dưỡng thiết bị thuộc hệ thống
chữa cháy bằng khí, sol-khí, nước, bột, bọt
1. Các thiết bị sau đây khi lắp đặt phải được chạy
thử nghiệm để kiểm tra chất lượng và chỉ được đưa vào hoạt động sau khi có kết
quả chạy thử nghiệm cho thấy hệ thống đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thiết kế
và các tiêu chuẩn liên quan: thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy bằng khí,
sol-khí, nước, bột, bọt (tủ điều khiển chữa cháy; chuông, còi, đèn, bảng cảnh
báo xả chất chữa cháy; van báo động, van tràn ngập, van giám sát, van chọn
vùng, van góc, công tắc áp lực, công tắc dòng chảy; ống phi kim loại dùng trong
hệ thống cấp nước chữa cháy tự động, ống mềm dùng cho đầu phun chữa cháy; họng
tiếp nước chữa cháy, đầu phun chất chữa cháy các loại; chai, thiết bị chứa khí,
sol-khí, bột, bọt chữa cháy các loại).
2. Thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy bằng khí,
sol-khí, nước, bột, bọt, sau khi đưa vào hoạt động phải được kiểm tra, bảo dưỡng
định kỳ một năm một lần để đánh giá chất lượng và khả năng hoạt động của các
thiết bị trong hệ thống.
3. Việc kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng thiết bị thuộc
hệ thống chữa cháy bằng khí, sol-khí, nước, bột, bọt, phải tuân theo hướng dẫn
của nhà sản xuất và các tiêu chuẩn chuyên ngành (TCVN
6101:1996, TCVN 6305:1997, TCVN
71611:2002, TCVN 7336:2003, TCVN 7161:2009 và các tiêu chuẩn khác có liên
quan).
III. Bảo quản, bảo dưỡng đèn chỉ dẫn thoát nạn,
đèn chiếu sáng sự cố
1. Đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố sau
khi lắp đặt phải được chạy thử nghiệm để kiểm tra chất lượng và chỉ được đưa
vào hoạt động sau khi có kết quả chạy thử nghiệm cho thấy hệ thống đáp ứng đầy
đủ các yêu cầu của thiết kế và các tiêu chuẩn liên quan.
2. Đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố sau
khi đưa vào hoạt động phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ một năm một lần để
đánh giá chất lượng và khả năng hoạt động của các thiết bị trong hệ thống.
3. Việc kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng đèn chỉ dẫn
thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố phải tuân theo quy định tại TCVN 3890:2009 và hướng dẫn của nhà sản xuất.
IV. Bảo quản chất chữa cháy các loại
Việc kiểm tra, bảo quản chất chữa cháy các loại
(hóa chất chữa cháy gốc nước, bột chữa cháy, khí chữa cháy, chất tạo bọt chữa
cháy) phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
V. Bảo quản chất hoặc vật liệu chống cháy; vật
liệu ngăn cháy, cửa ngăn cháy, kính ngăn cháy, vách ngăn cháy; màn, rèm ngăn
cháy
Việc kiểm tra, bảo quản chất hoặc vật liệu chống
cháy; vật liệu ngăn cháy, cửa ngăn cháy, kính ngăn cháy, vách ngăn cháy; màn,
rèm ngăn cháy phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất và các tiêu chuẩn
chuyên ngành có liên quan./.
PHỤ LỤC VIII
MẪU SỔ THEO DÕI HOẠT ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY VÀ
CỨU NẠN, CỨU HỘ CƠ GIỚI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Công an)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Mẫu số 01
Ban hanh kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05/02/2021
|
…(1)…
…(2)…
|
|
SỔ THEO DÕI HOẠT
ĐỘNG CỦA XE CHỮA CHÁY, XE CHUYÊN DÙNG PHỤC VỤ CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ;
TÀU, XUỒNG, CA NÔ CHỮA CHÁY
(Năm… )
Loại xe, tàu, xuồng, ca nô:
……………………………………………………………………
Biển kiểm soát: …………………………………………………………………………………
Đơn vị quản lý, sử dụng:
……………………………………………………………………..
LÝ LỊCH XE, TÀU,
XUỒNG, CA NÔ
- Loại phương tiện: ……………………………………………………………………………
- Số máy: ……………………………………………………………………………………….
- Số khung: …………………………………………………………………………………….
- Thời gian nhận: ………………………………………………………………………………
- Thời gian ngừng hoạt động:
………………………………………………………………..
Ghi chú:
(1) Tên đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý.
(2) Tên đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng.
BẢNG THỐNG KÊ
PHƯƠNG TIỆN THEO XE, TÀU, XUỒNG, CA NÔ
Số TT
|
Tên gọi và quy
cách
|
Đơn vị tính
|
Số lượng kiểm
kê theo từng thời gian
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2021
|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7
|
8
|
9
|
10
|
11
|
12
|
13
|
14
|
15
|
16
|
17
|
18
|
19
|
20
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
BẢNG THỐNG PHỤ TÙNG,
DỤNG CỤ SỬA CHỮA THEO XE, TÀU, XUỒNG, CA NÔ
Số TT
|
Tên gọi và quy
cách
|
Đơn vị tính
|
Số lượng kiểm
kê theo từng thời gian
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2021
|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7
|
8
|
9
|
10
|
11
|
12
|
13
|
14
|
15
|
16
|
17
|
18
|
19
|
20
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
BẢNG THEO DÕI HOẠT
ĐỘNG CỦA XE, TÀU, XUỒNG, CA NÔ
(Kể cả các trường hợp thay đổi, mất, hư hỏng trang thiết bị theo xe, tàu, xuồng,
ca nô)
Ngày tháng năm
|
Nội dung hoạt động
(làm gì, ở đâu) sự thay đổi
|
Thời gian nổ
máy tại chỗ (phút)
|
Số km xe, tàu,
xuồng, ca nô chạy
|
Thời gian phun
hút nước (phút)
|
Nhiên liệu
|
Tình trạng kỹ
thuật
|
Nguyên nhân hư
hỏng
|
Thời gian và biện
pháp khắc phục
|
Xác nhận của Thủ
trưởng cơ quan, đơn vị (ghi rõ họ tên, chức vụ)
|
Đã lĩnh
|
Tiêu thụ
|
Còn lại
|
1
|
2
|
3
|
4
|
|
6
|
7
|
8
|
9
|
10
|
11
|
12
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
Sổ này có 100 trang, ghi chép hoạt động của từng xe
chữa cháy, xe chuyên dùng, tàu, xuồng, ca nô, cụ thể:
- Bảng I thống kê phương tiện chữa cháy, có 6
trang, từ trang 2 đến trang 7;
- Bảng II thống kê phương tiện chữa cháy, cứu nạn,
cứu hộ, phụ tùng, dụng cụ sửa chữa, có 4 trang từ trang 8 đến trang 11; Phải thống
kê tất cả các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phụ tùng, dụng cụ sửa chữa
trang bị theo xe, tàu, xuồng, ca nô trong từng thời gian.
- Bảng III ghi chép theo dõi hoạt động có 88 trang
từ trang 12 đến trang 99:
+ Cột 2 ghi rõ nội dung hoạt động của xe, tàu, xuồng,
ca nô hàng ngày như phát động máy, luyện tập, bảo dưỡng, sửa chữa, đi chữa
cháy, cứu nạn, cứu hộ,...
+ Cột 9 ghi rõ tình trạng kỹ thuật của xe, tàu, xuồng,
ca nô, trang thiết bị hư hỏng, mất, nguyên nhân và thời gian khắc phục.
Những phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phụ
tùng, dụng cụ sửa chữa bị hư hỏng, mất mát, chuyển giao cho đơn vị khác cần ghi
vào bảng III và lập biên bản theo dõi xử lý riêng.
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Mẫu số 02
Ban hanh kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05/02/2021
|
…(1)…
…(2)…
|
|
SỔ THEO DÕI HOẠT
ĐỘNG CỦA MÁY BƠM CHỮA CHÁY
(Năm….. )
Loại máy bơm: …………………………………………………………………………
Số động cơ: …………………………………………………………………………….
Số máy: …………………………………………………………………………………
Đơn vị quản lý, sử dụng: ………………………………………………………………
LÝ LỊCH MÁY
- Loại máy bơm: ………………………………………………………………………..
- Số động cơ: …………………………………………………………………………..
- Số máy: ……………………………………………………………………………….
- Thời gian nhận: ………………………………………………………………………
- Thời gian ngừng hoạt động:
………………………………………………………..
Ghi chú:
(1) Tên đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý.
(2) Tên đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng.
BẢNG THỐNG KÊ
TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN KÈM THEO MÁY BƠM CHỮA CHÁY
Số TT
|
Tên gọi và quy
cách
|
Đơn vị tính
|
Số lượng kiểm
kê theo từng thời gian
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2021
|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7
|
8
|
9
|
10
|
11
|
12
|
13
|
14
|
15
|
16
|
17
|
18
|
19
|
20
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
BẢNG THEO DÕI HOẠT
ĐỘNG CỦA MÁY BƠM CHỮA CHÁY
Ngày tháng năm
|
Nội dung hoạt động
(kể cả sự thay đổi)
|
Thời gian hoạt
động
|
Nhiên liệu
|
Tình trạng kỹ
thuật
|
Nguyên nhân hư
hỏng
|
Thời gian và biện
pháp khắc phục
|
Xác nhận của Thủ
trưởng cơ quan, đơn vị (ghi rõ họ tên, chức vụ)
|
Nổ máy tại chỗ
(phút)
|
Thời gian phun
hút nước (phút)
|
Đã lĩnh
|
Tiêu thụ
|
Còn lại
|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7
|
8
|
9
|
10
|
11
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
Sổ này có 100 trang, ghi chép theo dõi tình trạng kỹ
thuật, hoạt động của máy bơm chữa cháy. Mỗi máy có một sổ riêng và ghi đúng các
nội dung đã được quy định.
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Mẫu số 03
Ban hanh kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05/02/2021
|
…(1)…
…(2)…
|
|
SỔ THEO DÕI HOẠT
ĐỘNG CỦA …………(3)………………
(Năm……)
Loại máy: ………………………………………………………………………………..
Số động cơ: ……………………………………………………………………………..
Số máy: ………………………………………………………………………………….
Đơn vị quản lý, sử dụng: ………………………………………………………………
LÝ LỊCH MÁY
- Loại máy: ……………………………………………………………………………….
- Số động cơ: ……………………………………………………………………………
- Số máy: ………………………………………………………………………………..
- Thời gian nhận: ………………………………………………………………………..
- Thời gian ngừng hoạt động: …………………………………………………………
Ghi chú:
(1) Tên đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý.
(2) Tên đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng.
(3) Phương tiện cơ giới khác theo quy định tại điểm
đ, mục 1 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Mỗi phương
tiện có một sổ riêng và ghi đúng các nội dung theo cột mẫu.
BẢNG THEO DÕI HOẠT
ĐỘNG CỦA …………..(3)…………..
Ngày tháng năm
|
Nội dung hoạt động
(kể cả sự thay đổi)
|
Thời gian hoạt
động
|
Nhiên liệu
|
Tình trạng kỹ
thuật
|
Nguyên nhân hư
hỏng
|
Thời gian và biện
pháp khắc phục
|
Xác nhận của Thủ
trưởng cơ quan, đơn vị (ghi rõ họ tên, chức vụ)
|
Nổ máy tại chỗ
(phút)
|
Nổ máy vận hành
sử dụng (phút)
|
Đã lĩnh
|
Tiêu thụ
|
Còn lại
|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7
|
8
|
9
|
10
|
11
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
Sổ này có 100 trang, ghi chép theo dõi tình trạng kỹ
thuật, hoạt động của ….(3)….