TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM - ỦY BAN ATGT QUỐC GIA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1223b/CTPH-TLĐ-UBATGTQG
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 08 năm 2014
|
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ
AN TOÀN GIAO THÔNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC LAO ĐỘNG.
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TW ngày
04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an
toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24/8/2012 của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng
tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông”;
Nối tiếp Nghị quyết liên tịch số
08/2009/NQLT/TLĐLĐVN-UBATGTQG ngày 07/8/2009, Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thống nhất
chương trình phối hợp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động “Công
nhân, viên chức, lao động và đoàn viên Công đoàn (sau đây gọi chung là người
lao động) tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm
của công đoàn các cấp về bảo đảm TTATGT; nâng cao nhận thức và ý thức của người
lao động về chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt,
đường thủy nội địa.
2. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; giữa Liên
đoàn Lao động (LĐLĐ) địa phương với Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương trong lĩnh vực tuyên truyền, vận động người lao động
trong cả nước và đặc biệt chú trọng đối tượng là người lao động tại các khu, cụm
công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (sau đây gọi chung là khu, cụm công nghiệp)
tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
3. Giảm thiểu tai nạn xe mô tô, xe gắn
máy đối với người lao động; giảm tình trạng xe chở quá tải trọng trong các
doanh nghiệp vận tải.
4. Tiếp tục vận động người lao động
trong cả nước xây dựng "văn hóa giao thông" thông qua các hành vi, ứng
xử khi tham gia giao thông và tham gia sử dụng các phương tiện giao thông công
cộng.
II. NỘI DUNG PHỐI
HỢP
1. Công tác tuyên
truyền, vận động
1.1. Nội dung tuyên truyền:
- Phổ biến các chủ trương, chính sách
của Đảng, Nhà nước về TTATGT;
- Phổ biến pháp luật giao thông đường
bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đến người lao động tại các khu, cụm công nghiệp
trong cả nước; trọng tâm là Luật giao thông đường bộ và các nghị định, thông tư
hướng dẫn Luật;
- Các nguy cơ, hiểm họa tai nạn xe mô
tô, xe gắn máy và các biện pháp phòng tránh, hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn
máy nhất là thời điểm xảy ra nhiều tai nạn (từ 18h00-24h00); nâng cao ý thức tự
giác chấp hành pháp luật TTATGT và hướng dẫn các kỹ năng điều khiển xe an toàn
cho người lao động. Tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện 3 phải và 3
không khi đi mô tô, xe gắn máy (phải đội
MBH, phải đi đúng phần đường, làn đường, phải giảm tốc độ và quan sát an toàn
khi từ đường phụ ra đường chính; không lái xe sau khi uống rượu, bia; không
phóng nhanh vượt ẩu; không chở quá số người quy định).
- Các biện pháp phòng tránh tai nạn
khi đi bộ sang đường, đi xe đạp, xe đạp diện; tai nạn đò ngang, tai nạn đường
ngang qua đường sắt;
- Tuyên truyền, vận động người lao động
thực hiện “văn hóa giao thông”, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao
thông.
- Phổ biến những kinh nghiệm, mô hình
hay, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong công tác bảo đảm
TTATGT; phê phán những hiện tượng tiêu cực, hành vi kém ý thức khi tham gia
giao thông.
1.2. Hình thức, phương pháp tuyên
truyền:
- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục
tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông và văn hóa giao thông
trên các phương tiện thông tin đại chúng trong hệ thống Công đoàn, từ Tổng Liên
đoàn đến LĐLĐ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công đoàn ngành
Trung ương và tương đương.
- Đa dạng hóa các hình thức tuyên
truyền phù hợp với trình độ, điều kiện sống, điều kiện làm việc của người lao động,
cụ thể:
+ Tuyên truyền trên hệ thống loa phát
thanh của các doanh nghiệp, nhà máy, xí
nghiệp, các khu công nghiệp;
+ Tuyên truyền qua tờ rơi, tờ gấp, sổ
tay, đĩa CD tiếng, đĩa VCD hình;
+ Tổ
chức các buổi tuyên truyền trực tiếp cho người lao động tại các khu, cụm
công nghiệp, khu nhà trọ công nhân tự quản;
+ Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi lễ ra quân, diễu hành, cổ động,
tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động tại các khu công nghiệp;
+ Tuyên truyền trực quan như sử dụng
các pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tranh cổ động tại các nút giao thông;
- Vận động người lao động ký cam kết
chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông;
- Tổ chức các cuộc thi về an toàn giao thông tại đơn
vị hoặc theo cụm với các hình thức: thi viết, sân khấu hóa, lái xe mô tô
an toàn; tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông...
- Chú trọng tuyên truyền tại các cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp vùng ven đô thị và dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh
lộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
2. Bảo đảm trật tự
an toàn giao thông tại các khu, cụm công nghiệp
- Tổ chức công tác tập huấn, nâng cao trình độ kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật
thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong hệ thống Công đoàn về công tác bảo đảm TTATGT;
- Xây dựng các mô hình điểm về công
tác tuyên truyền bảo đảm TTATGT, Văn hóa giao thông tại các khu, cụm công nghiệp;
- Chủ sử dụng lao động bố trí giờ làm
hợp lý, tránh ùn tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông.
- Vận động các cơ quan chức năng có
liên quan và các doanh nghiệp triển khai tốt công tác vận chuyển, đưa đón người
lao động; Thí điểm tổ chức việc giảm giá
về xe buýt (theo tuyến, lộ trình) cho công nhân lao động tại khu, cụm công nghiệp,
khu chế xuất có đông công nhân lao động;
- Thí điểm xây dựng mô hình đoạn đường
tổ công nhân tự quản an toàn giao thông và kiến nghị với các cơ quan chức năng
có cơ chế chính sách để tổ công nhân tự quản bảo đảm trật tự an toàn giao thông
được duy trì và hoạt động tốt;
- Phối hợp phát hiện và tham gia khắc
phục kịp thời các yếu tố hạ tầng có nguy cơ mất an toàn giao thông, các vị trí
hạn chế tầm nhìn tại các ngã ba, ngã tư, đường giao cắt; hệ thống biển báo hiệu giao thông trong các
khu, cụm công nghiệp;
- Phối hợp với các cơ quan chuyên
môn, tham mưu, đề xuất xây dựng các “Điểm, chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông” ở
các khu công nghiệp nằm xa nội thị nhằm kịp thời sơ cứu ban đầu khi xảy ra tai
nạn để giảm nhẹ thương vong.
- Vận động người lao động xa quê
không đón xe khách không đúng bến bãi, điểm đón được quy định.
3. Bảo đảm phương tiện giao thông an toàn
- Phổ biến, hướng dẫn kỹ năng điều khiển, kỹ năng
phanh xe mô tô, xe máy an toàn khi qua các điểm, nút giao cắt với quốc lộ, tỉnh
lộ, đường nội thị, đường nội bộ của các
khu công nghiệp, đặc biệt là ban đêm...;
- Vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị sản xuất tăng cường kiểm
soát tải trọng xe ngay tại kho, bến bãi của doanh nghiệp theo đúng những quy định
tại Quyết định số 1526/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải về việc phê
duyệt đề án tổng thể kiểm soát tải trọng
xe trên đường;
- Vận động các tổ chức
kinh tế không sử dụng xe hoán cải, xe ba
bánh, xe tự chế trên đường giao thông;
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM PHỐI
HỢP THỰC HIỆN
1.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
1.1. Phổ biến, quán triệt Chương trình phối hợp tới các cấp Công đoàn; chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng
Liên đoàn chủ động phối hợp với Ban An toàn giao thông cùng cấp ký Chương trình
phối hợp, xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm TTATGT.
1.2. Biên soạn tài liệu (tờ rơi, tờ gấp, sổ tay,
tranh cổ động), in ấn đĩa hình, đĩa tiếng, tài liệu hướng dẫn tuyên truyền đến
các cấp Công đoàn trong hệ thống.
1.3. Tổ chức
tập huấn, cung cấp thông tin, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên
truyền viên trong hệ thống về công tác bảo đảm TTATGT.
1.4. Hường dẫn Công đoàn cấp trên cơ sở, phối hợp với
cơ quan chuyên môn đồng cấp, tổ chức cho
người lao động ký cam kết và phát động các phong trào thi đua trong việc tham
gia các hoạt động bảo đảm TTATGT, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông và tuân
thủ các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
1.5. Tổ chức
các buổi tuyên truyền trực tiếp cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp,
phát động lễ ra quân bảo đảm TTATGT, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật ATGT.
1.6. Chỉ đạo
các cơ quan báo chí trong hệ thống và các đài phát thanh, truyền hình Trung
ương (theo chương trình phối hợp hàng năm) mở các chuyên trang, chuyên mục, các
phóng sự tuyên truyền về bảo đảm TTATGT.
1.7. Tổ chức,
tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo
đảm TTATGT của người lao động trong phạm vi cả nước.
1.8. Chỉ đạo
các cấp công đoàn báo cáo kết quả các hoạt động bảo đảm TTATGT cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia theo định kỳ 6 tháng, một
năm.
1.9. Tổ chức một số chiến dịch hoạt động trọng điểm
theo Chương trình phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia.
2.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
2.1. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thành viên của Ủy ban, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cấp công đoàn thực hiện có hiệu quả
Chương trình phối hợp.
2.2. Cung cấp thông tin, tài liệu (Luật, Chỉ thị,
Nghị quyết...) chủ trương, chính sách, pháp luật của
Đảng và Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam.
2.3. Tham gia chỉ đạo
các hoạt động tập huấn về tuyên truyền, vận động người lao động tại các khu
công nghiệp chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.
2.4. Đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, thành phố
xây dựng các “Điểm, chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông” ở các khu công nghiệp nằm
xa nội thị nhằm kịp thời sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân khi xảy ra tai nạn đồ
giảm nhẹ thương vong.
2.5. Chỉ đạo
Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có chính sách hỗ
trợ các doanh nghiệp trong việc đưa, đón, vận chuyển công nhân lao động; tổ chức giảm giá vé xe buýt (theo tuyến, lộ
trình) tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất có đông công nhân lao động.
2.6. Yêu cầu, định hướng, cấp kinh phí và tham gia tổ chức các chiến dịch bảo đảm an toàn giao
thông trong từng thời kỳ.
2.7. Hỗ trợ kinh phí cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức thực hiện Chương trình
phối hợp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hàng năm, Tổng
Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Ủy
ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng kế hoạch triển khai và đảm bảo nguồn lực
thực hiện; hướng dẫn tổ chức thực hiện;
sơ kết đánh giá hoạt động, khen thưởng tập thể và cá nhân có nhiều thành tích
trong thực hiện chương trình phối hợp.
2. Phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để
đôn đốc các cấp công đoàn và Ban An toàn giao thông các cấp thực hiện Chương
trình phối hợp.
3. Ban Tuyên giáo Tổng
Liên đoàn và Văn phòng Ủy ban ATGT quốc
gia là cơ quan thường trực, tham mưu cho Tổng
Liên đoàn và Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và kiểm
tra thực hiện chương trình phối hợp; tổ chức giao ban, tổng
kết và tổng hợp, báo cáo kết quả với lãnh đạo hai cơ quan.
4. Chương trình phối hợp có hiệu lực kể từ ngày ký,
được áp dụng thống nhất trong hệ thống Công đoàn Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia./.
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Đinh La Thăng
|
TM. BAN CHẤP
HÀNH
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Đặng Ngọc Tùng
|
Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Thường trực Tổng LĐLĐVN;
- Ban ATGT, LĐLĐ tỉnh, TP trực thuộc TW;
- CĐ Ngành TW, CĐ Tổng công ty trực thuộc;
- Cơ quan thành viên của UBATGTQG;
- Ủy viên UBATGTQG;
- Lưu: VPUB; VP TLĐLĐVN.
|
|