CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện
Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về Kiểm soát
thủ tục hành chính (sau đây gọi tắt là Nghị định số 63/2010/NĐ-CP), công tác
kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất
định như: hầu hết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp
chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) đã được công bố, công khai, thực hiện
theo đúng quy định; nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận, giải
quyết thủ tục hành chính ngày càng được nâng cao; công tác tổ chức tập huấn
nghiệp vụ, kiểm tra việc công khai, thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ
quan, đơn vị, địa phương được chú trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt
được, công tác kiểm soát thủ tục hành chính vẫn còn một số hạn chế cần phải chấn
chỉnh trong thời gian tới như: lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa
nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm soát thủ tục
hành chính; công tác tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố các thủ tục
hành chính mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết
của các cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) còn chậm, chưa đúng thời
hạn quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP dẫn đến công tác công khai, niêm
yết thủ tục gặp nhiều khó khăn; tình trạng cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ
yêu cầu người dân, doanh nghiệp nộp thêm một số loại giấy tờ ngoài quy định vẫn
còn; việc giải quyết các hồ sơ hành chính còn chậm trễ so với quy định, nhất là
các hồ sơ, thủ tục về đất đai.
Để thực hiện nghiêm Nghị định số 63/2010/NĐ-CP
của Chính phủ, Quyết định số 945/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 1173/VPCP-TCCV ngày 06 tháng 02 năm 2013
của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện một số nhiệm vụ về cải cách thủ tục
hành chính; đồng thời chấn chỉnh những mặt tồn tại trong công tác kiểm soát thủ
tục hành chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
a) Tiếp tục tổ chức quán triệt nội
dung Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 945/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban nhân dân
tỉnh đến cán bộ, công chức, viên chức để thống nhất nhận thức về công tác kiểm
soát thủ tục hành chính. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành
chính, công tác chỉ đạo, điều hành tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
b) Duy trì thường xuyên việc công khai
các thủ tục hành chính được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định
công bố tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hoặc nơi giải quyết thủ tục
hành chính theo đúng quy định tại Quyết định số 42/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8
năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp công bố, công khai
thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn của Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh.
c) Triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt
động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2013 trên địa bàn tỉnh (Ban hành tại Quyết
định số 14/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
và Kế hoạch thực hiện rà soát thủ tục hành chính năm 2013 trên địa bàn tỉnh
(Ban hành tại Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2013 của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh) đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo quy định.
d) Nghiêm cấm cán bộ, công chức tiếp
nhận, giải quyết thủ tục hành chính tùy tiện yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp các
loại giấy tờ ngoài quy định; chấm dứt trình trạng đến thời hạn trả kết quả mới
yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ; đồng thời có các biện pháp chỉ đạo quyết
liệt để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng giải quyết chậm trễ hồ sơ cho các tổ
chức, cá nhân, nhất là các hồ sơ về đất đai.
đ) Chủ động tự kiểm tra và kiểm tra
về công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các phòng, ban, đơn vị trực thuộc;
kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những cán bộ, công chức có biểu hiện,
hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
e) Thực hiện nghiêm chế độ thông tin,
báo cáo định kỳ hàng Quý về công tác kiểm soát thủ tục hành chính; tình hình,
kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng hướng dẫn của Văn phòng Chính
phủ và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban,
bộ phận trực thuộc trong tháng 3 năm 2013 mở đợt cao điểm rà soát các văn bản
quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết
của các cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) tham mưu, trình Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh công bố mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thủ tục
trước ngày 20 tháng 3 năm 2013. Đây là nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở để các cơ
quan, đơn vị, địa phương niêm yết công khai, thực hiện thủ tục và tổ chức áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn
TCVN ISO 9001:2008. Do đó, các cơ quan tập trung thực hiện và duy trì thường xuyên
công tác này trong thời gian tới theo đúng quy định tại Điều 15 của Nghị
định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 42/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng
8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp công bố, công
khai thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
b) Khi
được giao dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính thuộc
thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan chủ trì thực hiện nghiêm
túc việc đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính theo
quy định tại Điều 9, Điều 10 của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP
của Chính phủ và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
3. Sở Tư Pháp:
a) Không thẩm định các dự thảo văn
bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính hành thuộc thẩm quyền ban
hành của Ủy ban nhân dân tỉnh nhưng chưa đánh giá tác động, tính toán chi phí
tuân thủ thủ tục hành chính, chưa có ý kiến của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng
Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác chuyển giao Phòng Kiểm soát thủ tục
hành chính từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh sang Sở Tư pháp trong năm 2013 theo
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Sau khi tiếp nhận,
Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính, tránh
gián đoạn và đảm bảo yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
4. Sở Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ,
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan dự thảo nội
dung tờ trình các mức chi cụ thể đảm bảo cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành
chính trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 167/2012/TT-BTC của Bộ
Tài chính; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, ý kiến thẩm
định của Sở Tư pháp và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp Hội Đồng
nhân dân tỉnh vào giữa năm 2013.
b) Bố trí đủ kinh phí cho công tác
Kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định.
5. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Đài Phát thanh
và Truyền hình tỉnh:
Bố trí các chuyên mục, chuyên trang
và dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên địa bàn
tỉnh về các hoạt động triển khai, kết quả thực hiện công tác cải cách hành
chính nói chung và kiểm soát thủ tục hành chính nói riêng; trong đó chú trọng
tuyên truyền đối với các tập thể, cá nhân điển hình, có cách làm hay, thực hiện
tốt công tác cải cách thủ tục hành chính.
6. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Thực hiện tốt công tác tiếp nhận,
xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính quy
định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ.
b) Phối hợp với các cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh công bố thủ tục; kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh những
cơ quan, đơn vị, địa phương chưa làm tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính
để có biện pháp xử lý.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ
tục hành chính; tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp về
công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo đúng quy định.
7. Tổ
chức thực hiện:
a) Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
b)
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.