THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
96-TTg
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 03 năm 1979
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 228 TRONG
TÌNH HÌNH MỚI
Từ cuối năm 1977 tới nay, Trung ương Đảng và
Chính phủ đã có nhiều chỉ thị về việc thực hiện Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị.
Những nơi làm tốt đã ngăn chặn được một phần các
biểu hiện tiêu cực, thúc đẩy được sản xuất, chấn chỉnh một bước tổ chức quản
lý, chăm lo đời sống quần chúng.
Nhưng nhìn chung việc thực hiện Nghị quyết 228
chưa được đồng đều, chưa thành phong trào quần chúng mạnh mẽ, rộng khắp. Nhiều
nơi làm chưa tốt, vì người lãnh đạo chưa thấy rõ trách nhiệm của mình đối với
các biểu hiện tiêu cực trong ngành và trong đơn vị, còn tách rời việc thực hiện
Nghị quyết 228 với các nhiệm vụ thường xuyên khác, và chưa có những biện pháp đồng
bộ, có hiệu lực để phát động quần chúng phát huy quyền làm chủ tập thể, tham
gia chấn chỉnh tổ chức quản lý, kiên quyết chống tiêu cực, đi đôi với đẩy mạnh
các mặt sản xuất và công tác. Do đó, các biểu hiện tiêu cực vẫn còn xảy ra nhiều
và có nhiều mặt còn nghiêm trọng, nhất là tệ ăn cắp của công và tệ ức hiếp quần
chúng.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết 228
của Bộ chính trị, kết hợp với việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trước mắt,
căn cứ vào thông tri số 71-TT/TU của Ban bí thư trung ương Đảng, Thủ tướng
Chính phủ chỉ thị các cấp, các ngành cần nắm vững và thực hiện cho được những
việc sau đây.
1. Thủ trưởng các ngành ở trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố phải đánh giá tình hình tiêu cực tồn tại trong ngành và trong địa
phương, kiểm điểm lại việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 228 trong năm qua, từ
đó căn cứ vào Thông tri số 71-TT/TU của Ban bí thư và bản chỉ thị này, đề ra kế
hoạch cụ thể chống các mặt tiêu cực trong các hoạt động kinh tế và đời sống xã
hội, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 228 trong ngành và trong địa phương với tinh
thần tích cực, nghiêm chỉnh.
Kế hoạch chống tiêu cực phải gắn với các cuộc vận
động cách mạng của từng ngành, từng địa phương, từng cơ sở để đẩy mạnh sản xuất,
thực hiện kế hoạch Nhà nước, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, xây dựng các tổ
chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và phát huy quyền làm chủ tập thể
của nhân dân lao động.
Phải nắm vững mục tiêu là tập trung khắc phục tệ
ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và tệ ức hiếp quần chúng, chấn chỉnh những sơ hở
trong tổ chức quản lý và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.
Mỗi ngành, mỗi địa phương phải xác định rõ trong năm 1979 phải đạt cho được yêu
cầu cụ thể gì, phải tập trung vào những trọng tâm, trọng điểm nào mà chỉ đạo
làm chuyển biến cho bằng được, không được làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi.
2. Trong tình hình mới, trong công tác tuyên truyền, giáo dục
quần chúng và cán bộ, đảng viên, phải nêu cao ý chí chiến đấu, quyết tâm đánh bại
bọn Trung Quốc xâm lược, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu
và sản xuất, giáo dục ý thức làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; tinh thần trách
nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật, bảo vệ của công, phải lên án mạnh mẽ và kiên
quyết các biểu hiện tiêu cực, nhất là tệ ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, tệ ức
hiếp quần chúng, hiện tượng vô trách nhiệm, không tôn trọng pháp luật, lười biếng.
Ngoài đợt tuyên truyền giáo dục tập trung, phải
đưa việc tuyên truyền giáo dục về nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 228, đấu tranh
chống tiêu cực đi vào thường xuyên, gắn chặt với đời sống, sản xuất và chiến đấu.
Các địa phương phải có nhiều biện pháp, hình thức sinh động, kịp thời biểu
dương mặt tích cực, đồng thời công khai phê phán mặt tiêu cực, chú trọng lấy việc
phát huy những điển hình tiên tiến để đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực. Các cơ
quan thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, văn hóa, văn nghệ phải có kế
hoạch phối hợp tốt hơn nữa với các đoàn thể, các ngành, các địa phương và cơ sở
trong công tác này.
3. Trong các cơ quan Nhà nước các cấp phải khắc phục ngay những
sơ hở trong công tác quản lý, quy định rõ trách nhiệm và kỷ luật trong việc bảo
vệ tài sản Nhà nước và phục vụ nhân dân. Phải lấy việc phát động quần chúng thực
hiện quy chế về quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức làm động lực và
biện pháp cơ bản nhất để tăng cường quản lý, chống tiêu cực, quyết không được
vì có chiến tranh mà buông lỏng quản lý như các thời kỳ trước.
Vùng có chiến sự hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp của
chiến sự thì phải kết hợp thực hiện Nghị quyết 228 với chế độ quản lý thời chiến,
để vừa tránh buông lỏng, vừa bảo đảm được yêu cầu cấp bách của chiến đấu, sản
xuất và đời sống. Trong bất cứ tình huống nào cũng phải đưa việc kiểm kê, kiểm
soát trong kinh tế, việc chấp hành các chế độ, thể lệ, quy tắc đã có về quản lý
đi vào nền nếp, tăng cường bảo vệ, canh gác, tuần tra ở các xí nghiệp, các bến
cảng, các kho bãi, các đoàn tàu,xe, tích cực cải tiến các phương thức, giải quyết
các phương tiện cân, đong, đo, đếm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi đơn vị cơ sở, đặc
biệt là các ngành trọng điểm và các địa bàn trọng điểm phải tập trung chỉ đạo,
làm chuyển biến cho được việc quản lý và bảo vệ tài sản ở một số khâu và trên một
số mặt hàng thiết yếu nhất đối với sản xuất, chiến đấu và đời sống thường vẫn xảy
ra nhiều mất mát. Phải có chuyển biến rõ rệt trong việc quản lý lương thực, quản
lý tiền và hàng, nhất là các nguyên liệu, vật tư kỹ thuật, các hàng hóa thiết yếu
cho sản xuất, xuất khẩu, phục vụ cho chiến đấu và đời sống. Phải dồn sức chấn
chỉnh cho được các khâu vận chuyển, giao nhận, nhất là ở các cảng, trên đường
sông, các đoàn tàu, xe; các khâu thu mua, phân phối, kể cả bán lẻ, hợp đồng gia
công…
Đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ tài
sản Nhà nước và phục vụ nhân dân. Mỗi việc vi phạm đều phải được kiểm tra kết
luận rõ ràng và kịp thời xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp, ai
là người chịu trách nhiệm liên đới.
4. Trong khu vực kinh tế tập thể phải nắm vững yêu cầu chính của
việc thực hiện Nghị quyết 228 là chống tham ô trong các hợp tác xã và thực hiện
quyền làm chủ trực tiếp của quần chúng ở cơ sở trong sản xuất và phân phối. Phải
tích cực đấu tranh xóa bỏ tệ ăn cắp tài sản hợp tác xã, ăn cắp tiền công và
công điểm của xã viên, thanh toán tệ liên hoan, chè chén bừa bãi. Mọi việc có
dính đến quyền lợi nghĩa vụ của xã viên đều phải công khai hóa. Đồng thời cần
chú ý nội dung chống nạn ức hiếp quần chúng.
Đối với các hợp tác xã thủ công nghiệp, phải kết
hợp việc thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất với tăng cường củng
cố quản lý, kiên quyết khắc phục tệ làm ăn gian dối, móc ngoặc, ăn cắp nguyên vật
liệu của Nhà nước, không bảo đảm chất lượng, số lượng sản phẩm giao nộp, tuồn
hàng Nhà nước ra thị trường tự do, đầu cơ nâng giá v.v… Liên hiệp hợp tác xã
trung ương phải có kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở, hướng dẫn các
địa phương quản lý tốt các hợp tác xã.
Đối với các hợp tác xã nông nghiệp và ở nông
thôn nói chung, kể cả hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, chủ yếu là phải
phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng và xã viên để chấn chỉnh tổ chức,
nhất là củng cố cho được nòng cốt trong các cơ quan quản lý hợp tác xã. Phải cải
tiến nền nếp quản lý, chấn chỉnh những hiện tượng tiêu cực trong các khâu sản
xuất và phân phối, quản lý chặt chẽ các khâu mua vào, bán ra, thu, chi, kho, quỹ,
v.v…Đối với những nơi chưa có hợp tác xã (ở miền Nam), chú ý các khâu thu mua
lương thực, thực phẩm và các thứ nông sản khác, phân phối tư liệu sản xuất và
hàng tiêu dùng cho nhân dân v.v…
5. Đối với ngoài xã hội, phải có kế hoạch ngăn chặn và xóa bỏ tệ
đầu cơ buôn lậu, làm ăn phi pháp, quét bọn lưu manh côn đồ, giữ vững an ninh
chính trị, trật tự trị an.
Ở các thành phố, thị xã phải có kế hoạch thực hiện
chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giáo dục bằng lao động bắt buộc đối với
những người làm ăn phi pháp, phe phẩy và tất cả những người trốn tránh lao động.
Kết hợp cuộc vận động này với việc thi hành lệnh tổng động viên và phong trào
xây dựng nếp sống lành mạnh, giản dị, khẩn trương thời chiến.
Đồng thời phải khẩn trương và kiên quyết tập
trung cải tạo lâu dài bọn lưu manh chuyên nghiệp, đưa đi khỏi các thành phố,
các khu công nghiệp bọn có tiền án hình sự. Đối với bọn tội phạm hình sự, phải
trừng trị một cách kiên quyết và kịp thời theo pháp luật hiện hành. Các công việc
này phải tập trung sức làm nhanh và làm thật tốt ở các thành phố Hà Nội, Hải
Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
6. Các ngành, các cấp phải xử lý một cách kiên quyết, kịp thời
những hành động vi phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và vi phạm quyền làm chủ của
nhân dân.
Hiện nay do có tình trạnh hữu khuynh do dự trong
cơ quan lãnh đạo hoặc trong cơ quan thi hành luật pháp nên một số ngành, một số
địa phương có nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng còn để dây dưa, kéo dài, chưa xử
lý, làm cho quần chúng hoài nghi lãnh đạo, hoài nghi chủ trương chính sách. Vì
vậy, trước hết lãnh đạo mỗi ngành, mỗi địa phương phải nắm lại trong ngành,
trong địa phương có bao nhiêu vụ như vậy, nguyên nhân vì sao, và có ngay kế hoạch
cụ thể định rõ thời gian giải quyết cho bằng được. Các Bộ, Tổng cục và Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố phải báo cáo tình hình và kế hoạch ấy cho Thủ tướng
Chính phủ và các ngành có trách nhiệm biết để theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ.
Đối với những vụ vi phạm nghiêm trọng tài sản
Nhà nước và tài sản, tính mạng của nhân dân dù kẻ vi phạm là cán bộ bất cứ cấp
nào cũng phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh; kiên quyết chống bao che, nể nang.
Đối với những vụ vi phạm thông thường, người vi
phạm không có âm mưu thủ đoạn quan trọng, hoặc vì không hiểu nguyên tắc quản lý
mà vi phạm, hoặc lỡ tham đôi chút lần đầu mà vi phạm của công, v.v…thì giáo dục
người sai phạm thành thực sửa chữa, trả lại những thứ đã lấy và từ nay thôi
không vi phạm nữa.
Đối với những cán bộ, đảng viên mà cấp dưới và
quần chúng ít nhiều có thắc mắc, tố cáo thì lãnh đạo phải điều tra, xác minh để
kịp thời có kết luận đúng, sai và có thái độ rõ ràng.
Lãnh đạo các ngành, các cấp phải chỉ đạo kiên
quyết và chặt chẽ hơn nữa việc xử lý, cả về kỷ luật nội bộ, về kỷ luật hành
chính, về hình sự để thúc đẩy được phong trào. Việc xử lý phải bảo đảm đúng
phương châm, chính sách, đúng các thủ tục đã quy định, phải đạt được mục đích
là tăng cường quản lý tổ chức, chế độ, con người.
7. Tất cả các ngành, các địa phương, các đơn vị phải có kế hoạch
khắc phục một cách rõ rệt tệ ức hiếp, trù dập quần chúng, trọng tâm là ở
cơ sở và trong các ngành nghề, các đơn vị có quan hệ nhiều với quần chúng như
các Ủy ban xã, phường, quận, huyện; các cơ quan lương thực, thương nghiệp, y tế,
công an, vận tải, v.v…
Phải chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện chỉ thị 63
của Ban bí thư về chống trù dập quần chúng và các văn bản của Nhà nước ban hành
vế quyền làm chủ tập thể của quần chúng. Thông qua việc thực hiện các văn bản
đó, làm cho cuộc đấu tranh chống tệ ức hiếp, trù dập quần chúng thành một cuộc
vận động chính trị sâu sắc, mạnh mẽ trong nội bộ Đảng và trong bộ máy Nhà nước
từ trung ương đến địa phương và các loại cơ sở. Mọi hành động ức hiếp, trù dập,
vi phạm quyền làm chủ tập thể của quần chúng, vi phạm chế độ phục vụ nhân dân,
đều phải được lên án mạnh mẽ, và phải được xử lý kiên quyết, kịp thời.
8. Thực hiện Nghị quyết 228 là trách nhiệm của cấp lãnh đạo,
trước hết là người thủ trưởng từng ngành, từng địa phương. Các cấp ủy Đảng, thủ
trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương phải trực tiếp lãnh đạo
và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện Nghị quyết 228 trong ngành hoặc trong địa
phương. Đối với các cơ sở trung ương đóng tại địa phương, thì địa phương phải
tham gia chỉ đạo và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 228 cùng với
ngành trung ương. Ngành trung ương phải phối hợp chặt chẽ với địa phương trong
việc chỉ đạo các cơ sở trung ương đóng tại địa phương và cùng với địa phương chỉ
đạo các Ty, Sở và cơ sở bên dưới.
Ở trung ương, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ là
cơ quan thường trực, có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị
quyết 228 của các ngành, các địa phương để giúp cho sự lãnh đạo và chỉ đạo của
Ban bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ; chủ trì việc phối hợp giữa các cơ
quan có liên quan trong việc xem xét và xử lý các vụ vi phạm thuộc về Nghị quyết
228; tổ chức những đợt thanh tra, kiểm tra cần thiết; tổng hợp tình hình thực
hiện Nghị quyết 228 để báo cáo Ban bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ theo
định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm.
Các ngành, các địa phương phải gửi thư báo cáo
thường xuyên cho Ủy ban Thanh tra làm nhiệm vụ trên.
Hàng quý, 6 tháng, hàng năm và khi cần thiết,
Ban bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ sẽ nghe Ủy ban Thanh tra hoặc một số
ngành, địa phương, nhất là các trọng điểm báo cáo.
Cơ quan thanh tra thuộc các ngành và các địa
phương, kể cả cấp huyện, có trách nhiệm giúp thủ trưởng ngành và Ủy ban nhân
dân địa phương làm nhiệm vụ thường trực chỉ đạo thi hành Nghị quyết 228. Các
ngành, các cấp phải tích cực tăng cường cán bộ cho tổ chức thanh tra để giúp
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các công tác đề ra trong chỉ thị này.
|
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Hùng
|