CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH, TỔ CHỨC DI CHUYỂN THỊ TRẤN MƯỜNG LAY, THỊ XÃ LAI CHÂU VÀ VIỆC TÁI ĐỊNH CƯ HỘ DÂN KHỎI VÙNG LŨ QUÉT
Năm 1996, thiên tai liên tiếp xảy ra ỏ khắp các vùng trên phạm vi cả nước. Những yếu tố bất lợi của thời tiết xảy ra ngày một nhiều hơn, ác liệt hơn, gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, tài sản, sản xuất và cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn cục bộ ở một số vùng miền núi đã gây ra lũ quét và sạt núi có sức tàn phá đặc biệt nghiêm trọng. ở khu vực thung lũng Mường Lay, thị xã Lai Châu, phần lớn diện tích đất canh tác nông nghiệp và rất nhiều nhà cửa bị cuốn trôi hoặc bị vùi lấp.
Mặc dù các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương có nhiều cố gắng, thực hiện các biện pháp chủ động đối phó, nhưng do vị trí, đặc điểm địa hình và mức độ ác liệt của thiên tai, nên thiệt hại về mọi mặt vẫn ở mức độ nghiêm trọng.
Để chủ động phòng tránh lũ quét ở các vùng và từng địa phương, đặc biệt là thị trấn Mường Lay, thị xã Lai Châu và một số vùng miền núi Tây Bắc là nơi có khả năng tập trung xuất hiện lũ quét và sạt núi, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Việc di chuyển thị trấn Mường Lay và thị xã Lai Châu phải được đặc ra một cách khẩn trương. Còn việc xử lý hậu quả thiên tai phải làm ngay. Ngay từ bây giờ, việc bố trí quy hoạch, kế hoạch, tổ chức di chuyển tái định cư cho huyện lỵ Mường Lay, thị xã Lai Châu và số hộ dân cư trong khu vực lũ quét là một nhiệm vụ bức thiết, có ý nghĩa quyết định trong việc phòng, chống thiên tai cũng như đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng này.
2. Việc di chuyển thị xã, thị trấn và việc tái định cư bộ phận dân cư ra khỏi vùng khe sông, suối có mặt cắt hẹp để tránh lũ quét là công việc do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Để thực hiện chương trình này chủ yếu phải dựa vào sức dân và các nguồn lực có thể huy động được của địa phương, động viên nhân dân giúp đỡ lẫn nhau, quan tâm những gia đình thuộc diện chính sách và các gia đình nghèo. Sự trợ giúp của Nhà nước chủ yếu tập trung cho khâu xây dựng cơ sở hạ tầng.
3. Các địa phương phải chú trọng thực hiện quy hoạch và bố trí dân cư, ổn định dân cư như tinh thần Chỉ thị 393/TTg ngày 10 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ. Trước hết, cần xác định rõ số hộ dân cư cần phải di dời ra khỏi các khu vực dễ bị lũ quét, có nguy cơ sạt lở hoặc bì vùi lấp do lở núi; bố trí, sắp xếp, điều chỉnh vào những cụm dân cư hợp lý và chủ động lập phương án phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức chỉ đạo thực hiện.
4. Giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Tổng cục Địa chính và các Bộ ngành liên quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu khẩn trương nghiên cứu xây dựng đề án quy hoạch thị trấn Mường Lay và thị xã Lai Châu tại địa điểm mới trình Chính phủ.
Dự án cần bảo đảm các yêu cầu:
- Không gây ra những biến động lớn trong đời sống nhân dân và nhanh chóng ổn định cuộc sống của dân cư.
- Địa điểm mới phải vừa tránh được thiên tai, vừa tránh vùng ngập lòng hồ trong tương lai, đồng thời bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.
5. Giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan giúp địa phương thực hiện việc quy hoạch, phân bổ dân cư, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, phát triển nông nghiệp, di dời dân theo vùng, khu vực. Trước mắt cần tập trung giải quyết các việc sau đây:
a) Nghiên cứu xây dựng các công trình thuỷ lợi có quy mô và kỹ thuật phù hợp để cải tạo đồng ruộng, tăng diện tích, tăng vụ, vận động điều chỉnh ruộng đất, bố trí tiếp nhận dân cư tại các vùng Yên Châu, Cò Nòi, Sông Mã... ở Sơn La; Mường Thanh, Nậm Mức, Mường So, Bình Lư, Tam Đường... ở Lai Châu và nên coi đây là hướng ưu tiên nhiều hơn khi xem xét quy hoạch tái định cư.
b) Lập quy hoạch, kế hoạch để tái định cư cho thị xã Lai Châu và huyện lỵ Mường Lay và việc tổ chức di chuyển tái định cư các hộ dân ở khu vực thường xuyên bị thiên tai thực hiện theo chương trình sau:
+ Việc tái định cư bộ phân dân cư phi nông nghiệp sẽ đi kèm theo việc di chuyển thị xã, thị trấn.
+ Việc chuyển cư dân nông nghiệp sẽ có một phần đi theo thị trấn, thị xã, phần còn lại có kế hoạch di chuyển đến các nơi ở mới như nói ở phần a Điều này.
+ Việc tổ chức di chuyển tái định cư các hộ dân nông nghiệp thực hiện theo ba bước:
- Khẩn trương tổ chức di chuyển hộ gia đình bị mất cả nhà cửa, ruộng vườn trong đợt thiên tai vừa qua.
- Bước hai, chuyển số hộ gia đình tuy còn nhà song đã mất ruộng đất.
- Bước ba, chuyển số hộ gia đình còn lại để tránh thiên tai, tránh vùng ngập lụt.
Quy hoạch, kế hoạch, kinh phí tổ chức tái định cư cho các hộ bước 1, bước 2 thực hiện ngay và dùng ngân sách nhà nước theo các chương trình bố trí lại dân cư, khắc phục thiên tai.
6. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bàn với Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trợ cấp kinh phí điều tra, nghiên cứu lập quy hoạch thực hiện chương trình này.
7. Các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành tuỳ theo chức năng của mình giúp các tỉnh Tây Bắc quy hoạch các khu dân cư, giải pháp xây dựng các công trình hạ tầng và phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội ở các khu dân cư.
Việc di chuyển thị trấn Mường Lay, thị xã Lai Châu và việc sắp xếp, di dời dân ra khỏi các khu vực dễ bị lũ quét, có nguy cơ sạt lở là một nhiệm vụ bức thiết, không thể trì hoãn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Bắc, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện Chỉ thị này.