THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
80-TTg
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 01 năm 1978
|
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH HUYỆN
Để thực hiện nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của
Đảng, nghị quyết của Hội nghị lần thứ hai và lần ba của Ban chấp hành trung
ương Đảng, nghị quyết số 1-CP ngày 29-10-1977 của Hội đồng Chính phủ, từ thực
tiễn của việc làm thử quy hoạch ở các huyện thí điểm, Thủ tướng Chính phủ chỉ
thị về công tác quy hoạch huyện như sau.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Quy hoạch huyện nhằm từng bước xây dựng huyện
thành đơn vị kinh tế nông, công nghiệp, đó là quy hoạch tổng thể trên địa bàn
huyện về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản,
lâm sản, thủy sản, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành công nghiệp
khác do huyện trực tiếp quản lý (phải tính toán cả việc phục vụ các xí nghiệp của
trung ương và của tỉnh đặt tại địa bàn huyện và tận dụng những điều kiện thuận
lợi do các đơn vị này đem lại cho kinh tế và nhân dân trong huyện) là các cấu
trúc hạ tầng phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống của nhân dân trong huyện.
Vì vậy, quy hoạch huyện phải cụ thể hóa dự án
phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, thủy
sản của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, nhằm giải quyết những vấn đề
cấp bách trước mắt, những vấn đề cơ bản và lâu dài về phân bố và sử dụng lao động,
bố trí sản xuất và tổ chức đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện. Đồng thời
phải vạch ra các bước đi trong việc thực hiện quy hoạch huyện, nhất là vạch ra
một cách cụ thể những mục tiêu phải đạt, những việc phải làm trong những bước
đi trước mắt: trong 3 năm 1978-1980 và trong kế hoạch 5 năm 1981-1985.
Trong khi xây dựng quy hoạch huyện, điều trọng yếu
là phải làm thế nào để khai thác tốt nhất đất đai, rừng, biển và các tài nguyên
khác, sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn lao động và các lực lượng sản xuất
khác để tạo nên của cải nhiều nhất với chi phí ít nhất, đáp ứng nhu cầu của nền
kinh tế trong cả nước và trong địa phương.
Về quy mô của huyện, phải theo đúng nghị quyết Hội
nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng và chỉ thị của Bộ Chính trị
về xây dựng huyện.
Đối với những huyện quá nhỏ và huyện quá lớn ở đồng
bằng, Ủy ban nhân dân tỉnh có thể chỉ đạo xây dựng hai phương án: một phương án
với ranh giới hành chính hiện tại, một phương án với ranh giới mà tỉnh có đề
nghị sẽ điều chỉnh theo tinh thần của nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban
chấp hành trung ương Đảng.
A. Yêu cầu đối với công tác quy hoạch huyện lần
này là làm xong một bước cơ bản quy hoạch tổng thể huyện, sau này sẽ bổ sung,
hoàn chỉnh nữa.
Đối với từng huyện, phải:
- Vạch ra phương hướng và nhiệm vụ cụ thể của
huyện về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp (về đánh cá ở ngoài khơi, sẽ có đề
án riêng) và công nghiệp (cả tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp) theo phương
hướng và phương án phân vùng của tỉnh đã được trung ương thông qua và bố trí cụ
thể các khu vực sản xuất.
- Vạch ra những nét khái quát, cơ bản và khớp
nhau của hệ thống cấu trúc hạ tầng phục vụ sản xuất trên địa bàn toàn huyện,
như thủy lợi, cơ khí, điện, giao thông vận tải, địa điểm các cụm cơ sở vật chất
– kỹ thuật của nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp v.v… phù hợp với yêu cầu từng
bước đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và xây dựng văn hóa mới, đời sống mới
ở nông thôn.
- Vạch ra phương hướng phân bố, sử dụng lao động
nhằm tận dụng lao động xã hội trong huyện với năng suất lao động ngày càng cao;
phân phối, sử dụng đất đai với hiệu quả kinh tế cao nhất; tận dụng mọi cơ sở vật
chất – kỹ thuật đã có và sẽ có. Cụ thể là vạch ra phương hướng cân đối lao động
với đất đai, tài nguyên và các ngành nghề trong huyện. Nơi tiếp nhận thêm lao động
phải vạch ra được địa bàn sản xuất và kế hoạch sản xuất để tiếp nhận lao động đến
(cả nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp);
nơi đông dân phải tính toán cụ thể khả năng tổ chức lao động đi xây dựng các
vùng kinh tế mới.
- Trên cơ sở của quy hoạch sản xuất, vạch ra
phương hướng bố trí các điểm dân cư với những bước đi thiết thực, phù hợp với
trình độ sản xuất và khả năng xây dựng của ta, phù hợp với từng loại huyện, cụ
thể là:
Đối với các vùng kinh tế mới, phải vạch ra cả
quy hoạch tổng quát về các địa điểm sẽ bố trí các khu dân cư.
Đối với các huyện trong các vùng đất thuộc ở đồng
bằng mà dân cư quá đông, công tác quy hoạch cụ thể và toàn diện về các điểm dân
cư sẽ làm trong những năm sau này, khi đã bố trí ổn định quy hoạch sản xuất và
xây dựng. Trước mắt, sau khi điều động lao động và nhân dân đi xây dựng các
vùng kinh tế mới, cần thu gọn lại những nhóm dân cư (dăm ba nhà, xóm nhỏ), hoặc
đưa những người ở phân tán trên đất trồng trọt về ở trong làng, trên đất đai của
những hộ đã đi vùng kinh tế mới.
- Từ quy hoạch sản xuất, các cấu trúc hạ tầng phục
vụ cho sản xuất, phương hướng bố trí các điểm dân cư qua từng thời kỳ, cần vạch
ra quy hoạch bố trí các công trình phúc lợi công cộng phục vụ đời sống (cửa
hàng thương nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa v.v…).
Ngoài 5 yêu cầu trên đây, phải chú trọng đến yêu
cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn từng huyện. Để làm việc này, Ủy
ban nhân dân tỉnh phải bàn bạc với cơ quan quân sự địa phương, Bộ Quốc phòng sẽ
hướng dẫn về vấn đề này.
Vì sự phát triển hiện nay còn không đều giữa các
vùng, giữa các huyện trong một vùng, trong một tỉnh, nên phải tùy theo loại huyện
mà đề ra mức độ yêu cầu khác nhau, ví dụ như:
a) Các huyện ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng
các tỉnh liên khu IV cũ, liên khu V cũ và các huyện ở vùng đất thuộc của đồng bằng
sông Cửu Long phải xây dựng các quy hoạch đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nói trên.
b) Đối với các huyện ở vùng kinh tế mới nằm
trong kế hoạch khai thác từ 5 đến 10 năm tới, các huyện ở vùng trọng điểm nông
– lâm – công nghiệp, lâm – nông – công nghiệp, thì ngoài các yêu cầu nói trên,
quy hoạch huyện phải giải quyết cụ thể về địa điểm của các trung tâm công nghiệp
chế biến nông sản, lâm sản và từ đó cần có quy hoạch cả về kết cấu hạ tầng của
sản xuất và đời sống.
Do tỉnh và huyện sở tại không có đủ điều kiện để
tiến hành việc quy hoạch địa điểm, quy mô và cấu trúc hạ tầng phục vụ sản xuất
của các trung tâm chế biến lớn…, nên cần có sự phối hợp của các ngành có liên
quan và các tỉnh, huyện sở tại để làm việc này dưới sự chỉ đạo của Ủy ban phân
vùng kinh tế trung ương.
Đối với những huyện mà trên địa bàn hoặc sát
ngay bên cạnh có những khu công nghiệp lớn, như khu mỏ lớn, công trường lớn,
khu gang thép…, quy hoạch huyện về các mặt nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp
địa phương phải xoay quanh việc phục vụ cho các khu công nghiệp lớn này, cả về
sản xuất, xây dựng và đời sống.
c) Đối với những huyện ở vùng núi cao, địa hình
bị chia cắt nhiều, trước mắt đòi hỏi quy hoạch huyện phải vạch ra phương hướng
cụ thể về nông nghiệp, lâm nghiệp, chừng nào về quy hoạch công nghiệp chế biến
nông sản, lâm sản, về các đường trục giao thông chính; nhưng đối với vùng nhỏ sản
xuất chủ yếu của huyện đã và đang hình thành, thì phải cố gắng quy hoạch tương
đối cụ thể hơn; đối với các yêu cầu khác, sẽ làm tiếp trong những năm sau.
B. Quy hoạch huyện và bước đi để thực hiện
quy hoạch.
1. Trong việc xây dựng quy hoạch huyện, phải có
những phương án khác nhau để so sánh và lựa chọn lấy phương án tối ưu để trình
cấp trên. Tránh thái độ độc đoán chỉ làm theo ý riêng, làm theo một chiều, mà
không lắng nghe, tìm các phương án khác nhau để chọn cái có lợi nhất.
Trong báo cáo trình cấp trên duyệt, phải nói rõ
vấn đề đã tính toán cân nhắc thế nào.
2. Quy hoạch phải nhằm một thời gian dài khoảng
từ 15 đến 20 năm. Không có quy hoạch, thì như người đi đường không biết hướng,
không biết đích. Nhưng chỉ có quy hoạch mà không có bước đi cụ thể cho từng thời
gian hàng năm và 5 năm, thì cũng như người đi đường chỉ biết hướng đi mà không
biết từng chẳng phải đi thế nào.
Vì vậy phải đề ra bước đi trong 3 năm 1978-1980,
bước đi trong 5 năm 1981-1985.
Trong những bước đi này, cần làm hai phương án:
- Một phương án với sự tự lực cánh sinh của địa
phương là chính.
- Một phương án có sự đầu tư, giúp đỡ của Nhà nước
(chú ý phải thiết thực, vì khả năng của Nhà nước có hạn).
Những phương án này là mục không thể thiếu của
báo cáo về phương án quy hoạch huyện.
II. NHỮNG ĐIỂM CẦN CHÚ TRỌNG
KHI XÂY DỰNG QUY HOẠCH CỦA CÁC NGÀNH VÀ TỔNG HỢP QUY HOẠCH HUYỆN
Huyện là đơn vị kinh tế nông – công nghiệp (và
tùy theo điều kiện của từng nơi, có thể là đơn vị nông – lâm – công nghiệp, ngư
nghiệp…), cho nên trong cả tổng thể của nhiều ngành ở một huyện, phải lấy nông
nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp làm trục, xoay quanh nó (và để phục vụ nó) là
các ngành khác.
Xoay quanh trục nông – lâm – công nghiệp trên địa
bàn huyện, phải chú trọng các cân đối và kết hợp chặt chẽ:
- Lao động với đất đai, rừng, biển, công nghiệp
(gồm cả tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp).
- Giữa trồng trọt và chăn nuôi.
- Giữa nông nghiệp với lâm nghiệp, giữa nông –
lâm nghiệp với ngư nghiệp.
- Giữa thủy lợi, giao thông vận tải, cơ khí, điện…
a) Cân đối lao động với đất đai, rừng, biển,
công nghiệp.
Phải bố trí lao động để tạo ra và tận dụng được
các đối tượng lao động bao gồm đất đai, rừng, biển, tiểu công nghiệp, thủ công
nghiệp và công nghiệp do huyện trực tiếp quản lý, phù hợp với các công cụ và vật
tư đã có và sẽ có. Để sử dụng tốt lao động, phải bố trí một cách tổng hợp mà
không máy móc, cứng nhắc, khép kín lao động trong từng đơn vị cơ sở, không có sự
điều hành linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, phù hợp
với đặc điểm của từng ngành sản xuất và có sự hỗ trợ nhau trong lúc cần thiết.
Hiện nay, ở nhiều nơi ta chỉ mới bước đầu cơ khí
hóa được khâu làm đất, bơm nước và chừng nào trong vận chuyện. Một khó khăn và
cũng là một mâu thuẫn lớn và phổ biến đang diễn ra trong bước đường sử dụng hợp
lý lao động và tiến lên cơ khí hóa nông nghiệp, lâm nghiệp là: đưa cơ khí vào
nhưng chưa rút ngay được nhiều lao động ra, vì những khâu trong thời vụ căng thẳng
(trồng, thu hoạch, sơ chế) chưa dựa vào phương tiện cơ giới được và vẫn cần nhiều
lao động để bảo đảm tiến độ sản xuất nhanh, gọn.
Để giải quyết khó khăn này, nhằm đưa được cơ
khí vào trong sản xuất nông nghiệp, rút được lao động đi làm các ngành
nghề khác mà vẫn bảo đảm công việc sản xuất trong những lúc thời vụ khẩn trương,
phải làm theo hướng: vừa tổ chức các ngành nghề khác để thu hút lao động, tạo
điều kiện đưa cơ khí vào trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, vừa có quy hoạch
và kế hoạch điều động lao động từ các ngành nghề khác (chăn nuôi, tiểu công
nghiệp, thủ công nghiệp, công nhân các nhà máy chế biến nông sản, lâm sản trong
huyện…, nhất là học sinh nghỉ mùa) để đáp ứng yêu cầu của thời vụ. Sản xuất ở mỗi
nơi có thời vụ sớm hay muộn khác nhau, nên việc cho học sinh nghỉ mùa để tham
gia vào những thời vụ khẩn trương sẽ do cấp huyện bố trí cụ thể theo nguyên tắc:
vừa bảo đảm học đủ chương trình do Bộ Giáo dục quy định, vừa bảo đảm mỗi học
sinh từ cấp II trở lên tham gia sản xuất đúng với yêu cầu của thời vụ khẩn
trương. Các Ủy ban nhân dân huyện, phải tùy theo điều kiện ở từng địa phương,
và dưới sự hướng dẫn của Bộ Lao động quy định số tiền thù lao cho những lao động
được huy động vào công việc trong thời vụ khẩn trương của các hợp tác xã theo
nguyên tắc hợp tác xã và người được huy động cùng có lợi hợp lý và làm ra được
nhiều của cải cho xã hội.
Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp
phải có thông tư hướng dẫn cụ thể việc học sinh tham gia lao động trong các thời
vụ khẩn trương.
b) Chọn cách cân đối giữa trồng trọt và chăn
nuôi.
Chăn nuôi và trồng trọt phải được bố trí cân đối
theo hướng ngày càng có nhiều phân hữu cơ bón cho cây trồng, bảo đảm đất đai
ngày càng mầu mỡ hơn lên.
Hiện nay, có quy định dành từ 10% đến 15% đất
cho chăn nuôi, nhằm có một tỷ lệ thích đáng về thức ăn cho chăn nuôi để cân đối
giữa trồng trọt, chăn nuôi và phân bón.
Nếu tất cả các vùng dù chuyên môn hóa cây trồng
gì cũng đều dành 15% đất để trồng thức ăn cho chăn nuôi, thì hiệu quả kinh tế của
từng đơn vị và của cả xã hội đều bị hạn chế. Điều hợp lý là nơi nào sản xuất
thóc có năng suất cao, thì cứ làm thóc trên cả đất 10% - 15% này. Nhà nước sẽ
đưa về cho hợp tác xã số hoa màu được chế biến thành thức ăn cho chăn nuôi,
tương đương với số thóc này. Việc chế biến này có thể do trung ương, tỉnh hoặc
huyện đảm nhiệm và đưa về đổi thóc tùy theo điều kiện ở mỗi vùng. Nói chung, những
nơi có điều kiện đều phải cố gắng trồng xen thêm một vụ màu làm thức ăn cho
chăn nuôi, mà không bỏ diện tích lúa để trồng màu làm thức ăn cho chăn nuôi.
Vì vậy, trong quy hoạch của huyện, không máy móc
là huyện nào cũng bỏ 15% đất ra trồng thức ăn cho chăn nuôi, mà ngoài diện tích
trồng thức ăn xanh và tươi cho chăn nuôi, vẫn quy hoạch trồng thứ gì thích hợp
nhất, đạt hiệu quả cao nhất để giao cho Nhà nước, đồng thời có thể yêu cầu
trung ương hoặc tỉnh đưa về số lượng màu (sắn, ngô, cao lương…) tương đương với
số lượng thóc có thể sản xuất trên đất 15% dành cho chăn nuôi.
Điều cần đặc biệt chú ý phải làm trong quy hoạch
chăn nuôi ở huyện là bố trí hệ thống dự trữ thức ăn cho chăn nuôi nhằm dự trữ
được cỏ, các hoa màu, phụ phẩm của nông nghiệp, v.v… để cho gia súc ăn dần
trong cả năm. Đây chính là biện pháp cơ bản bảo đảm phát triển chăn nuôi cân đối
với trồng trọt.
Bộ Nông nghiệp phải có chỉ thị cụ thể về vấn đề
này cho các tỉnh và huyện.
c) Về mối quan hệ giữa nông nghiệp với lâm
nghiệp, ngư nghiệp.
Ở các huyện trung du, miền núi và ven biển có rừng,
phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nông nghiệp và lâm nghiệp, giữa lâm nghiệp
và ngư nghiệp; phải cụ thể hóa hơn nữa các vùng đất đai dành cho lâm nghiệp được
phân bố trong bản phân vùng của tỉnh đã được Chính phủ duyệt.
- Về lâm nghiệp, nói chung phải khai thác, trồng
lại rừng, trừ những nơi có rừng cần bảo tồn để nghiên cứu khoa học hoặc để làm
di tích lịch sử và những nơi rừng chưa có điều kiện để khai thác và trồng laị.
Quy hoạch của mỗi huyện phải vạch rõ những đất đai cụ thể để kinh doanh lâm
nghiệp, những vùng rừng cần trồng lại như thế nào, với cơ cấu gì và kinh doanh
các rừng này cụ thể như thế nào. Cần đôn đốc việc thực hiện chủ trương giao đất
rừng cho hợp tác xã kinh doanh.
Trong những vùng mà lâm nghiệp là chủ yếu, phải
cố gắng sản xuất lương thực đến mức tối đa trên những đất đai có thể trồng cây
lương thực, thực phẩm. Các huyện có rừng phải chấm dứt ngay tệ phá rừng, tệ đốt
nương làm rẫy. Phải làm tốt công tác định canh định cư.
- Về ngư nghiệp, những huyện ở ven biển phải có
quy hoạch tổ chức sản xuất trên đất ven biển: làm muối, trồng rừng, sản xuất
nông nghiệp, tạo bàn đạp để kinh doanh biển (đánh cá, nuôi cá, tôm, trồng các
loại đặc sản, v.v…)
Ở những vùng này, có thể quy hoạch các hợp tác
xã nông – ngư nghiệp, nhưng cũng có thể xây dựng quy hoạch tiến tới các hợp tác
xã chuyên về ngư nghiệp là chính.
d) Quan hệ cân đối giữa các quy hoạch cơ giới
hóa, thủy lợi hóa với quy hoạch giao thông vận tải, cơ khí, diện trên địa bàn
huyện.
Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp của
nước ta sẽ từng bước được cơ giới hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa và điện khí
hóa. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải có bước đi thích hợp ngay trong khi xây dựng
quy hoạch huyện. Trước mắt, trong công tác quy hoạch huyện lần này, phải chú ý
đầy đủ bước đi của cơ giới hóa nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp kết hợp với
các quy hoạch thủy lợi, giao thông vận tải, cơ khí, điện… là những quy hoạch
xây dựng hệ thống trang bị có tính chất cơ sở và hậu cần. Đó là việc tạo địa
bàn, chuẩn bị địa bàn cho cơ giới hoạt động và cung cấp vật tư, năng lượng cho
nó một cách thường xuyên; tùy theo địa bàn và khả năng hiện thực mà tính toán cụ
thể khâu gì phải làm trước ngay, khâu gì có thể làm sau.
Phải xác định mục tiêu, mức độ cơ giới hóa tùy
theo điều kiện canh tác và phương hướng sản xuất ở từng vùng, từng bước tiến
lên, có nơi lúc đầu sẽ dùng máy lớn là chính, có nơi dùng máy nhỏ là chính, có
sự kết hợp giữa lớn và nhỏ, kết hợp giữa máy và công cụ thô sơ, giữa máy và
trâu bò…
Muốn đưa máy vào, phải tạo địa bàn cho máy hoạt
động, phải xây dựng và cải tạo đồng ruộng, xây dựng và cải tạo cầu, đường.. phải
cung cấp vật tư, năng lượng. Vì vậy, một vấn đề quan trọng là xác định bước đi
phù hợp với trình độ và khả năng kinh tế - kỹ thuật của ta, để việc sử dụng máy
đạt hiệu quả kinh tế cao.
- Nên sử dụng máy lớn và nặng trước hết ở những
vùng chuyên canh những cây có thể cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất đến khâu
thu hoạch, như ngô ở các vùng bãi lớn, ở Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ.
- Sử dụng máy lớn ở những vùng đồng bằng mà việc
xây dựng địa bàn đã làm được khá. Việc cải tạo đất ở những vùng này cũng như việc
xây dựng, cải tạo cầu, đường, hệ thống kênh, mương, thủy lợi… cần phù hợp với khả
năng hiện thực.
Ở những nơi khác của vùng đồng bằng đông dân, tạm
thời có thể tính đến vấn đề kết hợp tốt nhất việc phát huy sức lao động và sử dụng
máy nhỏ.
Bộ Nông nghiệp cần hướng dẫn cụ thể các tỉnh về
phương hướng cơ giới hóa và bước đi của việc cơ giới hóa ở các vùng khác nhau.
III. NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM ĐỂ
TRIỂN KHAI XÂY DỰNG QUY HOẠCH HUYỆN VÀ XÉT DUYỆT CÁC QUY HOẠCH HUYỆN
Xây dựng quy hoạch huyện là khâu đầu tiên để tổ
chức lại sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đồng thời cũng là một trong các yếu
tố cơ bản để cụ thể hóa và hoàn chỉnh việc phân vùng kinh tế, việc quy hoạch
ngành, việc quy hoạch tổng thể tỉnh. Đây là một công tác mới, phải vừa làm vừa
rút kinh nghiệm.
Việc xây dựng quy hoạch huyện có liên quan tới
các ngành, các cấp. Vì vậy, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đòi hỏi mỗi ngành, mỗi
cấp phải phối hợp cùng làm dưới sự chỉ đạo và điều hòa của Ủy ban phân vùng
kinh tế trung ương. Cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và
hoàn thành quy hoạch huyện theo đúng thời hạn.
1. Ủy ban phân vùng kinh tế trung ương phải
có kế hoạch hướng dẫn việc triển khai xây dựng quy hoạch huyện, chỉ đạo và hướng
dẫn các ngành, các địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giúp đỡ các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương giải quyết những khó khăn nảy sinh trong quá
trình công tác.
2. Từng ngành ở trung ương phải có ngay kế
hoạch cụ thể về tăng cường chỉ đạo ngành mình ở các tỉnh, tăng cường cán bộ cho
các Ty, Sở ở miền Nam, bảo đảm cho các Ty, sở đủ sức giúp Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố hoàn thành công tác quy hoạch đúng thời hạn đồng thời cử cán bộ biệt
phái xuống giúp các địa phương theo sự hướng dẫn của Ủy ban phân vùng kinh tế
trung ương. Các ngành phải triển khai đồng bộ về địa bàn và thời điểm.
3. Các Bộ có chức năng quản lý Nhà nước
phải quy định các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm phục vụ cho công tác phân
vùng, quy hoạch, chú trọng làm kịp thời những việc cần thiết để phục vụ cho việc
quy hoạch huyện. Ủy ban phân vùng kinh tế trung ương có trách nhiệm và quyền hạn
đôn đốc việc này.
4. Trên cơ sở phát huy vai trò làm chủ của
Ủy ban nhân dân huyện và các ngành, các đơn vị cơ sở ở huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh
và Ban phân vùng kinh tế tỉnh phải chỉ đạo chặt chẽ các ngành trong tỉnh,tổ chức
phối hợp các ngành trong tỉnh làm công tác quy hoạch huyện, coi đây là một
trong những công tác đột xuất và quan trọng của tỉnh trong năm 1978. Phải tăng
cường Ban phân vùng kinh tế tỉnh để giúp cấp lãnh đạo của tỉnh. Bộ máy làm việc
của Ban phải mạnh, có thể để trực thuộc Ủy ban kế hoạch tỉnh, nhưng có biên chế
và kinh phí riêng.
5. Tại cấp huyện: cần phân công Chủ tịch
hoặc một Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm công tác thường trực về phân
vùng quy hoạch huyện; đồng chí này nếu không thể chuyên trách trong vài năm trước
mắt, cũng phải dành phần lớn thời gian của mình vào công tác quy hoạch huyện;
có một bộ phận tổng hợp về công tác này đặt trong phòng kế hoạch huyện.
6. Ủy ban phân vùng kinh tế trung ương thẩm
tra và trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định phương án của các huyện trọng
điểm, như vùng trồng mía và công nghiệp chế biến mía ở Đông Nam bộ, vùng bông ở
liên khu V cũ, vùng khai thác lâm nghiệp và chế biến gỗ Kông Hà Nừng, Gia
Nghĩa, v.v…
7. Ban phân vùng kinh tế tỉnh thẩm tra và
trình Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt phương án quy hoạch của các huyện trong tỉnh
(trừ các huyện trọng điểm) sau khi đã thống nhất ý kiến với Ủy ban phân vùng
kinh tế trung ương.
Quy hoạch huyện là một bộ phận của quy hoạch tỉnh
và quy hoạch tỉnh là một bộ phận của cả nước. Trong suốt quá trình xây dựng quy
hoạch huyện, Ủy ban phân vùng kinh tế trung ương, các ngành, các cấp tỉnh và
huyện phải chú ý xử lý kịp thời và cụ thể những vấn đề nảy sinh trong các mối
quan hệ:
- Giữa các huyện trong cùng một tỉnh có liên
quan đến các công trình lớn và thủy lợi, điện lực, về phục vụ một khu công nghiệp
lớn, v.v…;
- Giữa các tỉnh trong cùng một vùng;
- Giữa các ngành trên địa bàn huyện;
- Giữa các công tác điều tra cơ bản với công tác
quy hoạch, giữa công tác quy hoạch với công tác xây dựng kế hoạch.
Cũng như đối với công tác quy hoạch nói chung,
trong khi làm quy hoạch huyện, phải hết sức coi trọng việc vận dụng kịp thời
các thành tựu, kinh nghiệm và tiến bộ về khoa học kỹ thuật cũng như khoa học quản
lý.
Quy hoạch huyện vừa phải vạch ra phương hướng
phát triển lâu dài, vừa phải ra bước đi trước mắt thích hợp với hoàn cảnh cụ thể
của từng huyện, từng vùng. Nó có liên quan mật thiết đến các công tác lớn khác,
như cải tạo nông nghiệp ở miền Nam, thi hành chỉ thị của Bộ chính trị và nghị
quyết của Hội đồng Chính phủ về tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện, chỉ thị
của Bộ chính trị về xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, nghị quyết số 61-CP
của Hội đồng Chính phủ về tổ chức lại sản xuất nông nghiệp từ đơn vị cở sở, xây
dựng và thực hiện vượt mức kế hoạch trong các năm 1978-1980, nhất là kế hoạch
năm 1978. Vì vậy, Ủy ban phân vùng kinh tế trung ương, Ban cải tạo nông nghiệp ở
miền Nam và các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế, Ủy
ban kế hoạch Nhà nước và các Bộ có liên quan phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ
với nhau, bảo đảm cho các mặt công tác này hỗ trợ đắc lực nhau và đạt được tiến
độ theo kế hoạch chung.
|
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thanh Nghị
|