ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------
|
Số: 42/CT-UB
|
TP. Hồ Chí Minh,
ngày 01 tháng 11 năm 1989
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 1991 – 1995.
Chúng ta đang xây dựng kế hoạch 1990 trong điều kiện nền
kinh tế cả nước có nhiều chuyển biến các chương trình kinh tế của cả nước bước đầu
được phát huy, lương thực đủ ăn có xuất khẩu, có dự trữ, xuất khẩu đạt kế hoạch,
việc bố trí lại đầu tư bước đầu có kết quả đã tập trung đưa các công trình lớn
vào huy động (điện Trị An, điện Hòa Bình, xi măng Kiên Lương v.v…), kế hoạch
thăm dò dầu khí được tiếp tục, việc khai thác dầu thô đạt kế hoạch, giá cả thị
trường được ổn định hơn… Nhưng các khó khăn tồn tại về sản xuất kinh doanh còn
rất lớn, nhiều mặt phức tạp. Cả nước đang phải xây dựng kế hoạch 5 năm 1991 –
1995, có mặt phải định hướng đến năm 2000, trong tình hình có những thuận lợi
cơ bản và các khó khăn phức tạp này.
Việc xây dựng kế hoạch 5 năm phải làm song song với việc
xây dựng chiến lược kinh tế dài hạn, phải đánh giá lại thực trạng kinh tế xã hội
thành phố qua thực hiện kế hoạch 1986 – 1990 theo tinh thần Nghị quyết của Đại
hội Đảng bộ thành phố lần thứ 4, xem xét việc chấp hành phương hướng mục tiêu
Đại hội mặt nào được mặt nào chưa được vì sao, để rút ra các mục tiêu kế hoạch,
các cơ cấu về sản xuất, tiêu dùng tích lũy, sử dụng các thành phần kinh tế, thể
hiện kế hoạch 1991 – 1995 bằng các chương trình cụ thể có đầy đủ các giải pháp
để thực hiện kế hoạch, chuẩn bị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ V và
báo cáo lên Trung ương để chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII.
I- NỘI DUNG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 5 NĂM 1991 – 1995.
1/ Trong xây dựng kế hoạch 5 năm 1991 – 1995 điều tiên quyết
đầu tiên là phải nghiên cứu cải tiến đổi mới công tác kế hoạch hóa theo tinh
thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI. Ủy ban Kế hoạch thành phố, theo sự chỉ
đạo hướng dẫn của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, chịu trách nhiệm nghiên cứu cụ thể
hóa phương pháp xây dựng kế hoạch theo tinh thần đổi mới nêu trên sát hợp với
tình hình điều kiện của thành phố.
2/ Tổ chức đánh giá thực trạng kinh tế xã hội thành phố thời
gian qua (chủ yếu từ 1986 – 1990):
Kiểm điểm lại các phương hướng mục tiêu đã đề ra, nêu được
những thành công, tồn tại, rút ra những nguyên nhân và bài học về tư tưởng chỉ
đạo, về phương pháp quản lý, những mặt nào làm tốt có hiệu quả để phát huy, những
mặt chưa tốt như: (duy ý chí, nóng vội, thiếu căn cứ khoa học…) làm kinh nghiệm
cho việc xác định những định hướng, mục tiêu cho thời kỳ kế hoạch tới.
2.1- Nội dung đánh giá, phân tích:
Trên quan điểm khách quan toàn diện đánh giá những phương
hướng và mục tiêu tổng quát về kinh tế xã hội và đời sống trên địa bàn thành
phố.
Từng ngành kinh tế xã hội, chú ý kiểm điểm sâu sắc ngành
mình về mặt chủ trương, phương hướng, mục tiêu kế hoạch: những việc làm được, chưa
làm được – nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện 5 chương trình
kinh tế-xã hội của thành phố liên quan đến ngành mình.
2.2- Khai thác kết quả đợt đánh giá lại tài sản cố định:
Theo quyết định số 101/HĐBT ngày 01/8/1989 của Hội đồng
Bộ trưởng ở thành phố, để vận dụng phân tích tính toán lợi dụng tiềm năng sẵn
có từ đó tính đến việc tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.
3/ Xây dựng phương hướng mục tiêu kế hoạch 1991 – 1995 và
có nghỉ đến năm 2000:
3.1- Đánh giá xu thế tình hình: Việc đánh giá xu thế tình
hình hết sức phức tạp. Cần nghiên cứu, nhìn kỹ tình hình trong và ngoài nước,
nhất là việc rút quân từ CPC, các địa phương bạn, phát huy vai trò trung tâm
khu vực, các ưu thế của thành phố để xây dựng kế hoạch 1991 – 1995 đưa nền kinh
tế thành phố đi lên. Trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, trong lần xây
dựng kế hoạch này ở tầm cỡ địa phương ta chưa đề cập đến, khi nào có diễn biến,
có sự chỉ đạo của Trung ương ta sẽ điều chỉnh sau.
3.2- Xác định phương hướng mục tiêu nhiệm vụ:
Quá trình xây dựng kế hoạch phải làm rõ các vấn đề lớn:
- Phương hướng chung
- Nhiệm vụ mục tiêu tổng hợp
- Nhiệm vụ mục tiêu cụ thể cho từng ngành kinh tế xã hội
(có nói riêng các chương trình kinh tế xã hội của thành phố).
Đối với các ngành kinh tế cụ thể:
+ Công nghiệp (đặc biệt chương trình hàng tiêu dùng) cần
làm rõ cơ cấu: quốc doanh, ngoài quốc doanh, kêu gọi nước ngoài vào đầu tư.
+ Nông nghiệp
+ Kinh tế đối ngoại – dịch vụ
+ Thương nghiệp đời sống (dịch vụ trong nước)
+ Cơ sở hạ tầng (điện, thông tin bưu điện, cấp nước, thoát
nước, giao thông công cộng, nhà ở, bệnh viện, trường học).
+ Văn hóa-xã hội.
II- BIỆN PHÁP XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 1991 – 1995 TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ.
1/ Tổ chức:
a) Cấp thành phố: Ủy ban Kế hoạch thành phố là cơ quan chức
năng hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch 1991 – 1995 toàn thành phố.
Các ngành tổng hợp sau đây có chức năng tham gia cùng Ủy
ban Kế hoạch thực hiện chức năng cụ thể ngành mình.
- Cục Thống kê cung cấp tình hình và đánh giá thực hiện kế
hoạch 1986 – 1990.
- Viện Kinh tế tham gia đóng góp về mặt chiến lược kinh tế
(thể hiện trong 1991 – 1995).
- Sở Xây dựng tham gia về mặt quy hoạch xây dựng cải tạo
đô thị.
- Phân Ban Nông thôn Thành ủy tham gia đóng góp toàn diện
về kinh tế-xã hội nông thôn ngoại thành.
- Sở Tài chính, Ngân hàng đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Khu
vực I… tham gia về mặt kế hoạch tài chính 1991 – 1995.
- Các cơ quan chuyên ngành công nghiệp, nông nghiệp, giao
thông vận tải, thủy sản, lâm nghiệp, kinh tế đối ngoại, thương nghiệp, lao động,
thương binh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục v.v… Về mặt quản lý Nhà nước phải
xây dựng kế hoạch 1991 – 1995 của ngành mình.
b) Các quận, huyện xây dựng kế hoạch của quận huyện mình.
Phòng kế hoạch phối hợp với các phòng ban khác và có sự đóng góp ý kiến của Ủy
ban nhân dân phường xã để tổng hợp thành dự án kế hoạch kinh tế-xã hội của quận
huyện.
2/ Phương pháp xây dựng kế hoạch 1991 – 1995:
a) Phần đánh giá tình hình (nội dung đơn vị nào cũng phải
đánh giá tình hình đơn vị mình). Riêng Cục Thống kê là người chủ trì tổng hợp
phân tích đánh giá thực hiện kế hoạch 1986 – 1990 cho toàn thành phố đối chiếu
với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 4 của thành phố và kế hoạch 1986 – 1990
cung cấp cho Ủy ban Kế hoạch thành phố.
b) Các ngành chủ quản phải đánh giá tình hình 1986 – 1990
lên được kế hoạch 1991 – 1995 của ngành mình (có mặt nêu lên hướng 2000) và nêu
rõ các giải pháp 1991 – 1995 (chú ý các biện pháp đầu tư chiều sâu, chiều rộng,
việc phát huy dân chủ, mở rộng các thành phần quốc doanh và ngoài quốc doanh – các
giải pháp vật chất và tổ chức chánh sách).
Để cụ thể hóa phần kế hoạch ngành cần có những chuyên đề
quan trọng được xây dựng tương đối đồng bộ hoàn chỉnh. Các chuyên đề lớn cần tổ
chức hội thảo (chú ý: nên có cơ sở dự và có địa chỉ thực hiện nếu phương án
được chấp thuận). Cần báo cáo cho ngành dọc cấp Trung ương để tranh thủ ý kiến
đóng góp.
c) Các quận, huyện cần căn cứ quy hoạch kinh tế-xã hội của
địa phương mình đề ra hướng mục tiêu lớn để phấn đấu thực hiện. Chú ý chăm lo
kết cấu hạ tầng: đường sá, cấp nước, thoát nước, nhà ở, trường học, bệnh viện,
giải tỏa nhà ổ chuột v.v…
d) Các chuyên đề cần nghiên cứu:
Kế hoạch 1991 – 1995 của thành phố được tổng hợp trên cơ
sở nghiên cứu tổng hợp các chuyên đề được quan tâm tập trung về công sức, tổ chức
nghiên cứu và xử lý các giải pháp thực hiện bao gồm:
Về sản xuất công nghiệp:
- Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng: nghiên cứu đầu tư
chiều sâu một số ngành mũi nhọn, ngành truyền thống, ngành công nghiệp sản phẩm
mới, ngành có tương lai, đem lại hiệu quả cao như dệt may, chế biến nông sản
thực phẩm, chế biến nhựa, điện tử… Đầu tư mới cơ sở gì?
- Công nghiệp phục vụ xuất khẩu.
- Chương trình công nghiệp phục vụ các ngành kinh tế phía
Nam (phục vụ nông nghiệp – giao thông vận tải).
- Chương trình kéo nước ngoài vào đầu tư công nghiệp tại
thành phố.
Cơ quan chủ trì: Sở công nghiệp (nên có nhiều nhóm nghiên
cứu các chuyên đề cụ thể).
Về sản xuất nông-ngư-lâm nghiệp:
- Tổ chức sản xuất nông sản thực phẩm xuất khẩu và nguyên
liệu cho công nghiệp trên địa bàn thành phố.
- Chương trình nuôi tôm xuất khẩu và chế biến thủy sản.
- Chương trình khôi phục và phát triển chăn nuôi thành phố.
- Cây trồng trên đất Duyên Hải.
Cơ quan chủ trì: Sở nông nghiệp, Sở thủy sản, huyện Duyên
Hải.
Giao thông vận tải:
- Quy hoạch vận tải công cộng thành phố Hồ Chí Minh.
- Chương trình cải tạo nâng cấp, mở rộng, kéo dài đường sá
cầu cống thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ quan chủ trì: Sở giao thông vận tải.
Kinh tế đối ngoại và xuất khẩu:
- Chương trình xuất nhập khẩu (kể cả thị trường – tạo hàng
chủ lực).
- Chương trình du lịch đến năm 1995 với 1 triệu lượt
khách/năm.
- Tạo mặt hàng xuất khẩu ổn định của thành phố.
- Cân đối xuất nhập khẩu và thanh toán ngoại tệ.
- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Cơ quan chủ trì: Sở Kinh tế đối ngoại, Imexco, Công ty Du
lịch thành phố, Ủy ban Kế hoạch thành phố.
Chú ý: Ba trong năm đề tài này thành phố đã nghiên cứu rồi.
Chúng ta cần nghiên cứu khai thác.
Đầu tư xây dựng cơ bản:
- Chương trình bảo đảm kết cấu hạ tầng thành phố, cải tạo
mạng lưới điện: cấp thoát nước, rác, công viên cây xanh, vỉa hè…
- Chương trình vật liệu xây dựng.
Cơ quan chủ trì: Sở Xây dựng, Sở điện lực, Sở giao thông
vận tải, Sở công trình đô thị, Sở Tài chánh.
Thương nghiệp đời sống:
- Chương trình thương nghiệp 1991 – 1995.
- Qui hoạch về kinh doanh dịch vụ.
Cơ quan chủ trì: Sở Thương nghiệp.
Lao động – văn hóa – xã hội:
- Lao động và việc làm.
- Chương trình sinh đẻ có kế hoạch.
- Chương trình đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ phù hợp
với cơ chế mới và tình hình mở mang làm ăn với nước ngoài, quản lý Nhà nước,
quản lý kinh tế, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ.
- Chương trình phát triển văn hóa xã hội.
- Chương trình bảo đảm học tập.
- Chương trình bảo đảm sức khỏe của dân.
- Chương trình thể dục thể thao.
Cơ quan chủ trì: Sở Lao động, Ban Giáo dục chuyên nghiệp,
Sở Văn hóa thông tin, Sở y tế, Sở giáo dục, Sở thể dục thể thao.
Các vấn đề tổng hợp:
- Tính toán các chỉ tiêu tổng hợp về mặt giá trị: TSPXH,
TNQDSX, TNQDSD, tích lũy, tiêu dùng.
- Cân đối tài chánh (ngân sách-tiền mặt).
- Cân đối thu nhập và mức sống các tầng lớp dân cư.
Cơ quan chủ trì: Sở Tài chính, Cục Thống kê, Ngân hàng, Ủy
ban vật giá, viện kinh tế.
Sau khi nhận được chỉ thị này các sở ngành tổ chức bộ
phận triển khai thực hiện báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kế
hoạch các đầu mối để liên hệ làm việc.
Về nguyên tắc: đồng chí Giám đốc sở, ngành, Chủ tịch quận
huyện chỉ đạo công việc này. Đồng chí Phó Giám đốc phụ trách kế hoạch phải là
người điều hành cụ thể và chịu trách nhiệm về nghiệp vụ, phương pháp, tiến độ.
2/ Tiến độ xây dựng kế hoạch 1991 – 1995 như sau:
- Tháng 11: Sau khi nhận được chỉ thị này Ủy ban Kế hoạch
tổ chức hội nghị hướng dẫn xây dựng kế hoạch 1991 – 1995. Sau đó các đơn vị
triển khai xây dựng kế hoạch của đơn vị mình, tổ chức hội thảo các chuyên đề và
tổng hợp chung báo cáo cho Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kế hoạch thành phố vào
20/12/1989.
- Tháng 01/1990: Ủy ban Kế hoạch tổng hợp và báo cáo ra Thường
trực Ủy ban nhân dân thành phố để có thể sẽ báo cáo Bộ Chính trị và Thường vụ
Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 2/1990 để lãnh đạo cho ý kiến tu chỉnh lại.
- Tháng 4+5/1990: Tu chỉnh lại trình lãnh đạo thành phố để
báo cáo ra Trung ương chính thức vào tháng 6/1990.
Từ nay đến cuối năm 1989, thành phố còn phải triển khai xây
dựng kế hoạch 1990. Công việc xây dựng kế hoạch 1990 từ cơ sở theo tinh thần
mới rất khó khăn phức tạp, lãnh đạo thành phố một mặt phải tập trung lo chỉ đạo
thực hiện kế hoạch 1989, mặt khác phải chăm lo xây dựng kế hoạch 1990 theo tinh
thần mới nên thời gian để hoàn thành công việc rất căng thẳng. Đề nghị các sở,
ngành, các quận huyện dành cán bộ thích đáng, chỉ đạo sự kết hợp chặt chẽ để
hoàn thành tốt được các công việc thường xuyên, đồng thời đáp ứng tốt việc xây
dựng kế hoạch 1991 – 1995.-
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Vĩnh Nghiệp
|