BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
*
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số 42-CT/TW
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 01 năm 2025
|
CHỈ THỊ
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI
CÔNG TÁC GIÁO DỤC CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ
Thời gian qua, công tác
giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên được Đảng, Nhà nước và các cấp
ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được kết quả quan trọng. Các
chuẩn mực đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư từng bước được cụ thể
hóa thành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức nghề nghiệp, quy
tắc ứng xử, văn hóa công sở để thực hiện. Nội dung thực hành tiết kiệm, phòng,
chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được lồng ghép vào chương trình đào tạo,
bồi dưỡng lý luận chính trị ở các trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ từ Trung ương đến địa phương; được tích hợp vào một số môn học ở các cơ
sở giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân. Các cơ quan báo chí,
truyền thông, văn hóa, văn học nghệ thuật đã có nhiều hoạt động, tuyên truyền,
sáng tác, biểu diễn, công bố, giới thiệu các tác phẩm có nội dung về giáo dục
đạo đức cách mạng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhờ đó, đạo đức
cách mạng nói chung, các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nói
riêng của cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc phòng
ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tuy nhiên, nhận thức về
vai trò, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc giáo dục cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư của không ít cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa
đầy đủ và đúng mức; công tác giáo dục đạo đức cách mạng, nhất là giáo dục liêm
chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa trở thành nhiệm vụ trọng yếu,
thường xuyên của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng; nội dung, phương pháp, hình thức
và đối tượng giáo dục còn nhiều bất cập; chưa hình thành ý thức tự giác học
tập, rèn luyện, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong cán bộ,
đảng viên; các giá trị liêm chính, tiết kiệm chưa được xã hội đề cao. Tham
nhũng, tiêu cực tuy đã được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm
nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; tình trạng lãng phí còn diễn
ra khá phổ biến, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và Nhân dân; một bộ
phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao do thiếu tu dưỡng, rèn
luyện, thiếu bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm nên đã vi phạm quy
định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý.
Để tăng cường công tác
giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên và Nhân
dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu
cực, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp
ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới
- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian
tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có
hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
1. Tuyên truyền sâu rộng làm cho cán bộ, đảng viên và các
tầng lớp nhân dân nhận thức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất
đạo đức quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức
và tính cấp thiết của việc giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư trong nội bộ Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội; nâng cao nhận
thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu
trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật
của Nhà nước về giáo dục, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Gắn
chặt công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư với công tác xây
dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ, học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm
nêu gương, về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn
mới.
Thực hiện đồng bộ 4 chủ
trương lớn: Đẩy mạnh giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để "không
muốn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực" đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ
cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế
chặt chẽ để "không thể tham nhũng, lãng phí, tiêu cực"; xử lý vi phạm
không có vùng cấm, không có ngoại lệ để "không dám tham nhũng, lãng phí,
tiêu cực"; nâng cao đời sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức,
người lao động để "không cần tham nhũng, tiêu cực".
2. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, cán bộ
lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải
nêu gương về học tập và thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai
đoạn mới, nhất là về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Tâm huyết, trách
nhiệm, mẫn cán, tận tuỵ với công việc được giao; tiết kiệm, không xa hoa, lãng
phí; giữ mình trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu;
trung thực, ngay thẳng, công tâm, khách quan; nghiêm túc, gương mẫu chấp hành
quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ,
nghề nghiệp; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh; thực hiện nghiêm
Điều lệ Đảng, kỷ luật đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm và
những quy định về nêu gương; trọng liêm sỉ, danh dự, chủ động nhận trách nhiệm
khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực; tích cực tự phê bình và phê
bình, chống chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;
dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh
phúc của Nhân dân. Thường xuyên thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô
tư mọi lúc, mọi nơi, trong công việc và đời sống hằng ngày.
3. Đổi mới, hoàn thiện nội dung, hình thức, phương pháp để
nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phù
hợp với từng đối tượng; bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng cho lực lượng báo
cáo viên, giảng viên, giáo viên giảng dạy. Đưa nội dung đạo đức cách mạng nói chung,
nội dung cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nói riêng thành một trong những
chương trình chính trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng, cập
nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chương trình đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các học viện, trường
học trong Quân đội, Công an, trường chính trị các địa phương, trường đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ các cấp. Tăng cường thời lượng, biên soạn lại nội dung, đa
dạng hoá hình thức, phương pháp giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
gắn với bảo đảm trung thực trong giáo dục, chống bệnh thành tích, phù hợp với
từng cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đưa nội dung giáo dục, học tập
và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thành chuyên đề sinh hoạt
bắt buộc của các chi bộ, là nội dung kiểm điểm trong sinh hoạt chi bộ, cấp ủy
định kỳ và là tiêu chí đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng
viên hằng năm. Xây dựng nội dung, tăng cường giáo dục và thực hành cần, kiệm,
liêm, chính cho đội ngũ doanh nhân và các thành phần khác trong xã hội.
4. Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong
công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn
xã hội về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhất là những tấm
gương tiêu biểu về đạo đức cách mạng, hết lòng vì nước, vì dân trong lịch sử
dân tộc và các giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng để góp phần củng
cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Phát huy mạnh mẽ vai trò
của văn học, nghệ thuật trong giáo dục con người hướng đến chân, thiện, mỹ và
chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, chú trọng giáo dục cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc
vận động, cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài giáo dục
cần, kiệm, liêm, chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là
các loại hình sân khấu, điện ảnh, văn học, âm nhạc, mỹ thuật...; kịp thời phổ
biến các tác phẩm có giá trị giáo dục cao đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân với
hình thức, phạm vi, đối tượng phù hợp.
5. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và hương
ước, quy ước của cộng đồng dân cư về giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư, xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham
nhũng, lãng phí, tiêu cực để thực hiện trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và hệ
thống chính trị. Bổ sung, hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chiến
lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt chú trọng công tác
giáo dục liêm chính hướng tới xây dựng xã hội liêm chính, quốc gia liêm chính
với lộ trình phù hợp, góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn
hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; xây dựng và tổ chức
thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí; lồng ghép nội dung thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí và giáo dục liêm chính vào các chiến lược, kế
hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương.
Thực hiện giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cả khu vực công
và khu vực tư với nội dung và phạm vi phù hợp; đề cao vai trò tự giáo dục, tu
dưỡng, rèn luyện; kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, cơ sở giáo dục - đào tạo, cơ
quan, tổ chức, cộng đồng trong giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư. Tăng cường giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho
thế hệ trẻ.
Kế thừa, phát huy những
hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức có hiệu quả trong truyền thống lịch sử
văn hoá dân tộc. Tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm hay về giáo
dục cần, kiệm, liêm, chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí của các nước phù
hợp với điều kiện của Việt Nam.
6. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ
thống chính trị; giữa Trung ương với địa phương; giữa cấp ủy, tổ chức đảng, chính
quyền các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp
trong công tác giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên
và Nhân dân trong tham gia tuyên truyền, vận động, học tập và thực hành cần,
kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tích cực đấu tranh, phê phán các hành vi phi
"cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"; thường xuyên giám sát các
cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên trong thực hiện
công tác này.
7. Bố trí nguồn lực hợp lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả
giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong các cơ sở giáo dục, đào
tạo; tạo điều kiện thuận lợi và đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động báo chí,
xuất bản, văn hóa, văn học, nghệ thuật để góp phần giáo dục, xây dựng văn hóa
liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; hỗ trợ các chương
trình thúc đẩy liêm chính của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phương thức truyền thông mới, hiện đại
để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư.
8. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo,
chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà
nước về giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; xây dựng
văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đưa nội
dung này vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của các cấp ủy, tổ chức
đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp. Định kỳ sơ kết, tổng kết và kịp thời phổ biến,
nhân rộng những kinh nghiệm tốt, mô hình sáng tạo, tôn vinh, khen thưởng các
điển hình tiên tiến trong giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư; rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định về xử lý kỷ luật đối với tập
thể, cá nhân không thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về
giáo dục, học tập và thực hành đạo đức cách mạng nói chung, cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư nói riêng.
9. Tổ chức thực hiện
9.1. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan: (i) Tham mưu Bộ Chính trị phổ biến, quán triệt, tuyên truyền
triển khai thực hiện Chỉ thị đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan trực
thuộc Trung ương; xây dựng tài liệu học tập bắt buộc về cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính
trị. (ii) Xây dựng chương trình, kế hoạch thông tin, tuyên truyền nội dung Chỉ
thị của Bộ Chính trị và kết quả thực hiện. (iii) Hướng dẫn nội dung học tập
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức trong sinh hoạt định kỳ của các chi bộ và các cơ quan, đơn vị trong hệ
thống chính trị với thời gian và hình thức phù hợp; đưa việc giáo dục và thực
hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư vào tiêu chí đánh giá, xếp loại cấp
ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, công chức hằng năm.
9.2. Các tỉnh ủy, thành ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc
Trung ương, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp Trung ương tổ chức quán triệt và xây
dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị theo
chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đồng thời gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực
hiện Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo
đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
9.3. Đảng ủy Quốc hội chỉ đạo Quốc hội; Đảng ủy Chính phủ chỉ
đạo Chính phủ trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình rà soát, sửa đổi, bổ
sung quy định pháp luật về giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công
vô tư và tổ chức thực hiện có hiệu quả theo đúng quan điểm của Bộ Chính trị.
9.4. Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, báo cáo Bộ Chính
trị cho ý kiến để triển khai thực hiện; lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả
giáo dục liêm chính trong thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực.
Đảng ủy Bộ Giáo dục và
Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ nội dung, chương
trình khung, xây dựng và đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục
đạo đức cách mạng phù hợp cho học sinh, sinh viên và cán bộ quản lý giáo dục
các cấp.
Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cụ thể hoá nội dung
giáo dục khung thành nội dung giáo dục đạo đức cho văn nghệ sĩ, những người
hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; xây dựng và đẩy mạnh chương trình hoạt động
văn hóa, sáng tác, biểu diễn, giới thiệu, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ
thuật có nội dung về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phát huy
các hình thức giáo dục đạo đức có hiệu quả trong văn hóa dân gian.
Đảng ủy Bộ Khoa học và
Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ thông tin, các phương thức truyền thông mới, hiện đại để hỗ trợ
nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư.
9.5. Ủy ban Kiểm tra Trung ương rà soát, bổ sung, hoàn thiện
quy định về xử lý kỷ luật đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên
không thực hiện đúng quy định của Đảng về công tác giáo dục, học tập và thực
hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; hướng dẫn việc đưa nội dung kiểm
tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giáo dục, học tập và
thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư vào chương trình kiểm tra,
giám sát hằng năm của các cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp.
9.6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp
với các cơ quan có liên quan xây dựng Chương trình khung về giáo dục cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong
toàn hệ thống chính trị; Chương trình khung về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính
cho học sinh, sinh viên, doanh nhân và các thành phần khác trong xã hội; xây
dựng hoàn chỉnh chương trình, nội dung giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Học viện Chính trị quốc gia
Hồ Chí Minh, các học viện, nhà trường trong Quân đội, Công an, các trường chính
trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp; bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức về
giáo dục đạo đức cách mạng cho lực lượng báo cáo viên, giảng viên, cán bộ giảng
dạy ở các cơ quan Trung ương, các học viện chính trị, trường chính trị, các
trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.
9.7. Đảng ủy Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ
trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan cụ thể hoá nội dung giáo dục
khung và đẩy mạnh giáo dục, thực hành cần, kiệm, liêm, chính cho đội ngũ doanh
nhân.
9.8. Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với
đảng ủy các tổ chức thành viên có liên quan tăng cường giáo dục và thực hành
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đối với cán bộ, đoàn viên, hội viên;
lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia học
tập, xây dựng và thực hành văn hoá liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng,
lãng phí, tiêu cực và giám sát các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất
là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong học tập và thực hành cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư; biểu dương, tôn vinh các tấm gương điển hình tiên tiến.
9.9. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội
chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương giúp Bộ
Chính trị hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết
việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả
thực hiện Chỉ thị.
Chỉ thị này phổ biến đến
Chi bộ.
Nơi nhận:
- Các ban đảng, cấp ủy, tổ chức đảng
trực thuộc Trung ương,
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các đồng chí Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH
TRỊ
Trần Cẩm Tú
|